Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Luigi Pirandello
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quỳnh Dung
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 19
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
Ữ THẦN SỐNG KHỎA THÂN
- Cậu bạn thân mến ơi, kẻ đã chết, mặc dù không còn sống trên cõi đời nữa, vẫn muốn có được ngôi nhà riêng của y. Nếu như kẻ quá cố là người giàu có, y muốn được một nơi nghỉ đẹp đẽ, và thế là đúng! Y sẽ vừa lòng khi nơi nghỉ ấy xây bằng đá cẩm thạch và trang trí sang trọng: nằm trong đó y cảm thấy ấm cúng hơn. Còn nếu như vị khách hàng đã chết của chúng ta không tiếc của, sẵn sàng vung ra bất cứ bao nhiêu thì ông ta còn đòi một thứ gì cao cấp...gọi là gì ấy nhì? - à, một hình tượng có ngụ ý triết học. Đúng thế. Ông ta cần một hình ảnh có ngụ ý do bàn tay một họa sĩ điêu khắc nổi tiếng loại như mình tạo nên. Tượng đài đặt trên mộ sẽ phải tuyệt diệu và kèm cả một dòng chữ Latinh hẳn hoi: “Nic Jacet...”[1]. Xung quanh là vườn hoa được chăm sóc chu đáo. Ngoài cùng là một hàng rào kiên cố để ngăn ngừa chó và...
- Thôi đi, cậu làm mình điên đầu lên mất thôi- Cônxtantinô Pôliani nổi cáu, quay bộ mặt về phía bạn quát to:
Sirô Côli ngẩng đầu lên, chòm râu xén nhọn hoắt mà thỉnh thoảng anh ta lại rút mạnh lúc này vểnh lên như cái móc câu. Anh đưa cặp mắt liếc bên dưới vành mũ chụp xuống sát lông mày, chiếc mũ giống như một cục đường lớn, nhìn bạn rồi dằn từng tiếng giọng hết sức thơ ngây.
- Đồ ngu!
Có một lần.
Sirô Côli nửa nằm nửa ngồi trên đivăng, dạng thẳng hai chân ra. Anh đặt bàn chân lên ngay tấm thảm, mà Pôliani vừa mới cất công đập kỹ để rũ hết bụi rồi trải rất cẩn thận trên nền nhà.
Pôliani nổi khùng thấy bạn ngồi ngả ngốn, trong lúc anh thì thở hồng hộc thu dọn lại phòng họa cho gọn gàng: xếp những hình thù bằng thạch cao thành từng nhóm tượng đẹp mắt, đặt gọn vào một chỗ những bản phác thảo ố vàng phủ đầy bụi, đã bị trả lại tác giả một cách không vinh quang gì ở những cuộc thi, thân trọng bê anh ra giữa nhà mấy chiếc bàn trên đặt những bức điêu khắc còn phủ giẻ ướt, chuẩn bị để khách đến xem. Và anh càu nhàu:
- Mình hỏi cậu câu cuối cùng, cậu có về đi không nào?
- Không.
- Nếu vậy thì ít nhất cũng đừng ngả ngốn trên đivăng. Mình đã mất công dọn rồi đấy! Lạy chúa, mình nói với cậu rồi. Hôm nay mình có khách, mà lại là khách phụ nữ kia đấy!
- Mình không tin.
- Cậu đọc cái thư này đi! Thư của Ngài Tư lệnh Xêranli đấy: “Thưa bạn kính mến, xin báo tin bạn biết, sáng mai, khoảng mười một giờ!”.
- Thế thì đã đến mười một giờ chưa nào?
- Quá rồi ấy chứ!
- Mình vẫn không tin. Nhưng thôi được, cậu cứ sửa soạn đi.
- “...phu nhân Gôn...sẽ đến thăm bạn theo lời giới thiệu của tôi...”. Rồi ông ta viết ngoáy quá mình không đọc nổi tên bà khách.
- Chắc là Gônphuxiô[2].
- Không phải! Hình như là Cônxanvi...”Phu nhân sẽ dẫn con gái đến có việc nhờ bạn. Bạn cứ yên tâm rằng...” vân vân và vân vân.
- Rất có thể thư ấy do chính tay cậu viết, đúng không? - Sirô Côli hỏi, và anh ta lại gục đầu xuống ngực.
- Ngu xuẩn! - Pôliani gần như phát khóc. Không làm cách nào để đuổi bạn đi được, anh ta đành chỉ còn biết rên rỉ.
Cônli giơ lên ngón tay trỏ, lắc đầu.
- Đừng nói thế, mình tự ái đấy. Cậu thử nói xem, đã có kẻ nào dám bảo mình ngu xuẩn không? Bởi vì với những kẻ như thế, mình chỉ thương hại. Chúng diện áo quần rất sang, đi ủng bóng lộn, thắt cà vạt sặc sỡ, một bông hoa cài trên ve áo, bông hoa gì ấy nhỉ? Hêliôtrôp hay gì nhỉ? Và rồi thêm một chiếc gilê bằng nhung kiểu như gilê của cậu kia kìa... Đến khổ! Giá đánh bộ như thế vào, mình sẽ đẹp trai biết bao nhiêu! Nhưng khốn nỗi mình quen cái tính cẩu thả mất rồi, không sao sửa được nữa. Nhưng khoan, nghe mình nói đã! Nếu như quả thật phu nhân Cônphixiô và con gái sắp đến thăm xưởng họa của cậu thật thì ta nên kê dọn lại như cũ, kẻo phu nhân sẽ có suy nghĩ xấu đối với cậu đấy. Tốt hơn cả là hãy đón họ trong lúc cậu đang xoay trần ra làm việc, mồ hôi ướt đẫm lưng. Nào, đón lấy nắm đất sét này, đập xuống bàn rồi bắt đầu nặn đi! Nặn luôn mình đây này, mình trong cái tư thế nằm ườn thế này. Rồi cậu đặt tên cho bức tượng đó là “Trong cuộc vật lộn”. Tớ cam đoan bức tượng của cậu sẽ được bày trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia và cậu sẽ nổi tiếng cho mà xem. Đã đành đôi ủng của mình chẳng còn mới nhưng cậu là nhà điêu khắc cậu thừa sức biến nó thành bóng lộn! Bởi vì tớ nói thật, cậu đúng là một thằng cha thợ giày chính cống...
Trong lúc ấy Côngxtantinô Pôliani vẫn tiếp tục treo các bức vẽ lên tường và không thèm nghe bạn nói nữa. Trong thâm tâm, anh cho Cônli là kẻ thất thế, bị cuộc đời xếp xó. Cậu ta thuộc thứ nghệ sĩ đã cổ lỗ, không theo kịp mốt hôm nay nữa rồi. Ăn mặc thì lôi thôi. Tính tình thì gặp chăng hay chớ. Lại nhiễm cái thói lười biếng nữa. Kể ra cũng tiếc, bởi vì Cônli rất có tài. Nếu cậu ta hứng lên thì tác phẩm của anh ta dứt khoát vượt xa bất kể một họa sĩ điêu khắc nào, kể cả loại nổi tiếng nhất. Mà chính cậu ta cũng hiểu như thế. Pôliani đã bao nhiêu lần chứng kiến, bức phác thảo của anh loay hoay mãi không hoàn thành, đột nhiên Cônli đến cậu ta chỉ cần đưa bàn tay thô kệch, vụng về của cậu ra ấn vài cái, thế là thành một bức tượng tuyệt vời. Nhưng cậu ta cũng nên nghiên cứu thêm lịch sữ mỹ thuật một chút thì phải, và tập sống cho có nền nếp, săn sóc đến vẻ ngoài thêm ít nữa. Đồng thời phải bỏ cái vẻ mặt lúc nào cũng mơ màng kia đi. Bản thân anh, Pôliani, đã học hết hai năm trường Đại học và rất chú ý đến cách ăn mặc, thế mà kiếm ăn cũng còn khó khăn nữa là.
Hai tiếng gõ nhẹ bên ngoài cánh cửa, Pôliani nhảy vội từ trên ghế băng xuống. Chẳng là anh đang đứng trên đó để treo tranh lên tường.
- Khách đến! Bây giờ cậu định thế nào? - anh quay sang nhìn thẳng vào mặt Cônli vẻ đe dọa.
- Họ vào xong thì mình chuồn thôi, - Cônli đáp, vẫn không thay đổi tư thế.- Cậu làm như sắp tiếp đức Giáo hoàng ấy. Đấy là chưa kể đứng ra cậu còn phải giới thiệu mình với khách của cậu kia mà. Chẳng lẽ cậu ích kỷ đến thế kia ư?
Cônxtantinô Pôliani chạy vội ra mở cửa, vừa chạy vừa sửa lại mớ tóc mầu hung rất đẹp rủ xuống trán.
Phu nhân Cônxanvi bước vào xưởng họa trước. Con gái bà theo sau. Đấy là một cô gái trẻ mặc quần áo tang, mặt che mạng đen và dày, tay cầm một cuộn giấy. Bà mẹ thì mặc áo dài mầu ghi sáng cắt rất đẹp, vô cùng ăn nhập với khuôn mặt xinh đẹp của bà. Mái tóc hoa râm ló ra dưới vành mũ trông sao kiều diễm đến thế. Lại thêm mấy bông hoa tím cài trên.
Toàn bộ dáng vẻ bên ngoài của vị mệnh phụ này chứng tỏ bà vẫn cảm thấy mình còn trẻ trung, xinh đẹp, bất chấp tuổi tác. Lát sau cô con gái cũng bỏ mạng che mặt ra. Cô không đẹp bằng mẹ, nhưng khuôn mặt tái nhợt của cô giữ nguyên vẻ nhẫn nhục trước số phận và một vẻ đau thương cố ghìm lại.
Sau những nghi lễ chào hỏi đầu tiên, Pôliani thấy cần phải giới thiện Cônli với hai vị khách nữ. Lúc này Cônli vẫn đang ngự trên đivăng, thọc tay vào túi, miệng ngậm điếu thuốc lá đã tắt, chiếc mũ vẫn chùm hạp trên đầu, được kéo sụp xuống tận lông mày. Hiển nhiên là anh chưa định ra khỏi đây. Ông là họa sĩ điêu khắc ạ? - tiểu thư Cônxanvi hỏi, mặt bỗng nhiên đỏ bừng vì e thẹn. - Ông là Cônli ạ? Sirô Cônli phải không ạ?
- Chính thế, tôi là Côlisirô[3] - anh ta đứng dậy, vươn vai đáp. Đến lúc này anh mới chịu bỏ mũ ra và người ta mới thấy hai hàng lông mi rất rậm như dính vào nhau và cặp mắt gần sít lại.- Họa sĩ điêu khắc thì có gì là lạ? Tại sao không được nhỉ? Vâng, thưa cô, tôi chính là họa sĩ điêu khắc.
- Nhưng tôi nghe nói,- tiểu thư Cônxanvi hơi vội vã và với vẻ khó chịu, cô tiếp tục nói.- Tôi nghe bảo hiện giờ ông không có mặt ở Rôma kia mà?
- Chẳng là thế này, thưa cô, tôi lang thang ngao du đây đó, - Cônli đáp. - Trước kia tôi thường xuyên trú ngụ ở thủ đô, bấy giờ tôi chinh phục được một xứ sở thần tiên, đấy là khoản học bổng. Nhưng rồi...”
Tiểu thư Cônxanvi liếc nhìn bà mẹ. Phu nhân Cônxanvi cười vui vẻ:
- Vậy bây giờ ông thế nào?
- Tôi có phải ra khỏi chỗ này không nhỉ? - Sôrô Cônli hỏi.
- Không, không, trái lại thì có, - cô gái vội vã trả lời. - Thậm chí tôi còn đề nghị ông ngồi lại, bởi vì...
- Chà... - bà mẹ buột miệng.- Rồi quay sang Pôliani bà nói. - Nhưng chuyện rắc rối này chắc cũng giải quyết dễ thôi. Bởi vì hai ông là bạn thân của nhau, phải không ạ?
- Bạn rất thân, - Pôliani đáp nhanh.
Còn Cônli thì bổ sung:
- Nói chắc bà không tin, nhưng đúng là trước đây mấy phút, anh ta tìm mọi cách đuổi tôi ra khỏi nơi này.
- Cậu im đi! - Cônxtantinô rít lên qua kẽ răng.- Xin phu nhân và tiểu thư tự nhiên, coi như ở nhà. Tôi có thể giúp gì phu nhân và tiểu thư được ạ?
- Chẳng là thế này, - phu nhân Cônxanvi ngồi xuống rồi nói. - Con gái tội nghiệp của tôi vừa gặp chuyện đau thương. Vị hôn phu của nó mới chết đột ngột.
- Ra thế!
- Chà!
- Vâng, đúng là kinh khủng. Bởi vì chuyện bất hạnh xảy ra đúng vào lúc đang chuẩn bị tổ chức đám cưới. Một tai nạn trong săn bắn. Chắc hai ông có đọc thấy trong báo? Tên anh ta là Giuliô Xôrini.
- A, Xôrini! Ra thế đấy! - Pôliani thốt lên. - Nghe bảo khẩu súng bị nổ giữa lúc anh ta đang cầm trên tay, đúng không ạ?
- Vâng, chuyện xảy ra vào đầu tháng trước, à không, phải tháng trước nữa kia. Tóm lại, được gần ba tháng rồi. Anh ấy với tôi có họ hàng xa. Bố anh ấy là anh con cô con cậu với tôi. Ông ta sau khi vợ mất đã bỏ sang Mỹ cách đây khá lâu rồi. Em Giulietta, con gái tôi cũng có tên gần với chồng chưa cưới của nó[4]....
Pôliani cúi xuống vẻ cung kính.
- Thế là em Giulietta đây, - bà mẹ nói tiếp. - muốn xây một tượng đài đặt trên mộ vị hôn phu của nó. Hiện giờ thi hài anh ấy vẫn còn đặt trong hầm mộ của gia đình. Con gái tôi muốn tượng đài làm theo đúng ý đồ của nó...Bởi vì em nó từ thuở nhỏ vẫn yêu thích hội họa...
- Không phải thế đâu, mẹ....cô gái e thẹn ngắt lời mẹ, cúi đầu xuống. - Tôi thỉnh thoảng hý hoáy chỉ cốt tiêu khiển thôi.
- Để yên cho mẹ nói đã. Với lại, nếu không thì sao anh Giuliô ngày chưa bị tai nạn vẫn thường bảo con nên theo học một lớp hội họa cho khỏi phí kia mà?
- Con xin mẹ...- cô gái năn nỉ. - Tình cờ một hôm giở tạp chí ra xem, tôi bắt gặp một phác thảo đài kỷ niệm trên mộ, bản vẽ của ông đây...tức là ông Cônli, tôi rất thích bản phác thảo ấy, cho nên...
- Đúng thế đấy ạ, - bà mẹ đỡ lời con gái đang lúng túng.
- Cho nên, - tiểu thư Cônxanvi nói tiếp.- Tôi nghĩ rằng có thể căn cứ vào bản phác thảo ấy, thay đổi đi chút ít...
- Xin lỗi, nhưng cô định nói đến bản phác thảo nào nhỉ?- Cônli hỏi cho rõ,- Bởi vì tôi vẽ rất nhiều những bản phác thảo kiểu như vậy, cứ tung bừa ra hy vọng ai thích thì đặt làm, nếu không phải ngườiđang sống thì người đã chết đặt cũng được.
- Xin lỗi tiểu thư, - Pôliani chen vào câu chuyện. Anh hơi tự ái thấy mình bỗng nhiên trở thành người thừa.- Tiểu thư muốn đặt làm đài kỷ niệm theo bản phác thảo nào của anh bạn tôi ạ?
- Không phải hoàn toàn theo bản ấy, mà là...- cô gái sôi nổi đáp. - Bởi vì nếu tôi không lầm thì bản phác thảo của ông Cônli miêu tả Thần chết đang rủ Nữ thần Sống đi theo mình...
- À, tôi hơi nhớ ra rồi! - Sirô Cônli bật ra. - Một bộ xương khoác tấm vải liệm, có phải đường nét của hắn ta chỉ được đoán thấy đằng sau lớp vải không nào? Hắn ta túm tay nữ thần Sống là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, đầy sinh lực, trong khi cô tay không hay biết gì hết...Đúng thế rồi...Phác thảo ấy rất đẹp, rất hay. Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi.
Phu nhân Cônxanvi không giấu nổi nụ cười, ngắm nghía vẻ tự mạn ít thấy của con người kỳ quái này.
- Anh bạn tôi khiêm tốn đấy chứ, phải không, thưa phu nhân? Pôliani nói với bà.- Anh ấy xưa nay vẫn là người không giống ai.
- Giulietta con, phu nhân Cônxanvi đứng dậy, nói- Hay thế này là tiện nhất, con hãy đưa cho hai ông xem bản vẽ của con?
- Khoan đã, mẹ!- cô gái đáp.- Tôi nghĩ, đầu tiên cần giải thích đầy đủ để ông Pôliani biết. Thật ra, khi thoáng có ý nghĩ làm tượng đài đặt trên mộ anh Giuliô, tôi nghĩ ngay đến ông Cônli, bởi vì bản phác thảo kia là của ông. Nhưng tôi xin nhắc lại, người ta cho tôi biết rằng ông Cônli không có ở Rôma lúc này. Thế là tôi bèn tự phác ra theo suy nghĩ và tình cảm của tôi. Ông hiểu tôi định nói gì chứ ạ?
- Tôi rất hiểu, thưa tiểu thư. - Pôliani đáp.
- Tôi vẫn giữ hai hình tượng Thần Chết và Nữ thần Sống. - Tiểu thư Cônxanvi nói tiếp. - Nhưng tôi vứt đi toàn bộ cái ý về sự bắt cóc kiểu ép buộc như thế. Bây giờ không phải Thần Chết kéo Nữ thần Sống đi theo mình mà Nữ thần Sống tự nguyện tuân theo số mệnh và làm lễ cưới với Thần Chết cầm chiếc nhẫn cưới. Bên cạnh đấy, Nữ thần Sống bình thản và nhẫn nhục chìa tay ra đón chiếc nhẫn ấy trong tay bộ xương, tức là của Thần Chết.
- Tuyệt vời! Hết sảy! Diệu kỳ! Tôi nhìn thấy rồi! - Cônli thán phục hét lên.- Nhưng đó là một ý hoàn toàn mới. Một ý tuyệt diệu! Khác hoàn toàn ý cũ của tôi! Tuyệt! Chiếc nhẫn...Những ngón tay....Ôi, độc đáo vô cùng!
- Vâng, đúng thế.- Cô gái nói tiếp, mặt đỏ ửng vì lời khen quá nồng nhiệt.- Tôi cũng nghĩ rằng có hơi khác ý của ông đôi chút. Nhưng rõ ràng tôi đã sử dụng bản vẽ của ông phần lớn...
- Xin đừng khách sáo như thế! - Sirô Cônli thét lên. - Ý của cô hay hơn ý của tôi nhiều. Và nó là của cô! Đấy là chưa kể ý đồ của tôi đã chắc của tôi chưa hay tôi thuổng của người nào khác?
Tiểu thư Cônxanvi nhún vai rồi cúi nhìn xuống sàn.
- Thú thật.- bà mẹ chen vào, vẻ không vui gì cho lắm.- Tôi không muốn ngăn cản gì con gái tôi, nhưng thú thật, cái ý đó tôi không thích.
- Con xin mẹ để yên, - cô gái năn nỉ, rồi quay sang Pôliani, cô nói tiếp. - Tôi đã đến hỏi ý kiến Ngài Giám binh Xêranli, là người quen thân với gia đình tôi...
- Ông ấy cũng là người lẽ ra sẽ đứng làm chủ hôn cho hai em, chứng kiến việc trao nhẫn cưới và việc ký vào giấy giá thú, - phu nhân Cônxanvi thở dài nói thêm vào.
- Và do Ngài Giám binh nhắc đến tên ông,- cô gái nói tiếp.- mẹ tôi và tôi tìm đến gặp ông để...
- Không, không! Xin lỗi tiểu thư, - Pôliani phản đối. - Bởi vì tiểu thư đã gặp được anh bạn của tôi...
- Xin cậu làm ơn để mình yên! - Cônli buột miệng, rồi giận dữ đứng dậy, bước ra phía cửa.
Pôliani vội túm chặt tay anh bạn lại.
- Khoan, cậu không thấy....Cậu không thấy tiểu thư...Cậu không nghe thấy tiểu thư nói gì lúc nãy à? Tiểu thư đến gặp mình chỉ vì tưởng cậu hiện không có mặt ở Rôma...
- Nhưng có còn gì cái ý ngày trước của mình nữa đâu?- Cônli quát lên, cố giẫy khỏi bàn tay nắm chặt của bạn.- Buông ra! Mình không liên can gì đến chuyện này hết! Tiểu thư Cônxanvi đến để đặt cậu làm! Xin lỗi tiểu thư, xin lỗi phu nhân, tôi xin phép.
- Nghe đã,- Pôliani không buông, kiên quyết nói. - Mình không đời nào nhận! Nếu cậu cũng từ chối thì nghĩa là hai thằng đều từ chối
- Xin lỗi hai ông. Thế nếu như cả hai ông cùng làm thì không được ạ? - bà mẹ rụt rè hỏi. - Hai ông có thể làm chung với nhau được không ạ?
- Tôi rất ân hận đã gây chuyện không vui giữa hai ông... - cô gái định nói tiếp rồi lại thôi.
- Không phải thế đâu, thưa tiểu thư! - cả Cônli và Pôliani đều cùng thốt lên giống hệt nhau.
Sau đó Cônli nói thêm:
- Tôi thì không sao, có thể nhận được, thưa tiểu thư! Cô thấy đấy, tôi không có xưởng. Tôi cũng không có khả năng nói gì hết ngoài việc nói lăng nhăng vài câu xỏ xiên người này người khác. Tốt nhất là tiểu thư hãy thuyết phục cậu ta.
- Không được đâu!- Pôliani nhất quyết tuyên bố- Một là hai thằng cùng làm như ý phu nhân Cônxanvi đề nghị, hai là mình cũng từ chối.
- Tiểu thư cho phép? - thấy vậy Cônli đưa bàn tay về phía cuộn giấy đang nằm trên đivăng, bên cạnh cô gái, rồi nói. - Tôi rất nóng lòng ngó qua bản vẽ của tiểu thư. Sau khi xem xong tôi sẽ xin trả lời.
- Vâng, cũng được. Nhưng xin ông đừng nghĩ đây là một thứ gì hoàn hảo! - Tiểu thư Cônxanvi tay run lẩy bẩy mở cuộn giấy, miệng lúng búng!- Tôi có biết vẽ đâu. Tôi chỉ vạch tạm ra vài nét để các ông thấy rõ hơn nguyện vọng của tôi...Đây ạ...
- Tiểu thư để Nữ thần Sống mặc đầy đủ cả quần áo à? - đột nhiên Cônli hét lên như thể bị ai giáng cho một đòn, lúc anh đang ngắm bản vẽ.
- Ông bảo mặc quần áo nghĩa là sao ạ? - Cô gái nhút nhát lo lắng hỏi lại.
- À, không, xin lỗi! - Cônli sôi nổi nói tiếp. - Tiểu thư cho Nữ thần Sống mặc đầy đủ quần áo! Không được. Này, tượng trưng cho sự sống phải là một thiếu nữ khỏa thân. Khỏa thân! Khỏa thân! Nữ thần! Nữ thần của sự sống phải để khỏa thân, tiểu thư thân mến ạ. Đúng là như thế!
- Ông tha lỗi! - tiểu thư Cônxanvi then thò cúi dđầu thì thầm - xin ông nhìn kỹ thêm một chút cho.
- Tôi thấy rõ rồi còn gì, - Sirô Cônli đáp với giọng sôi nổi hơn. - Tiểu thư muốn diễn tả bản thân tiểu thư, muốn pho tượng nữ thần Sống chép đúng chân dung tiểu thư. Nhưng xin phép nói rằng, tiểu thư đẹp hơn hình trong này nhiều. Có điều đây là đài kỷ niệm đặt trên mộ, đây là tác phẩm nghệ thuật! Hình cô gái ở đây phải tượng trưng cho sự sống. Đó là Nữ thần Sống, kết hôn với Thần Chết. Nếu như Thần Chết là bộ xương khoác tấm vải liệm thì Nữ thần Sống phải là một cô gái đầy sinh lực và trần truồng! Chẳng lẽ tôi lại phải giảng giải cặn kẽ đến thế cô mới hiểu được hay sao? Đúng thế, phải khỏa thân và tuyệt đẹp để đối lập với Thần Chết khẳng khiu bọc trong tấm vải liệm! Phải khỏa thân! Đúng không, Pôliani khỏa thân, đúng không, thưa phu nhân? Hoàn toàn khỏa thân, không có bất cứ thứ gì trên người hết. Tôi có thể gọi là khỏa thân tuyệt đối, từ đỉnh đầu xuống gót chân! Xin lỗi, nếu không như thế thì sẽ thành một cảnh tượng trong bệnh viện quân y, chàng khoác chăn còn nàng mặc áo bơlu... Đây không phải là một bức điêu khắc bình thường. Chúng ta phải thấy đây là cái gì, dùng để đặt ở đâu, phải xuất phát từ điểm ấy và chỉ xuất phát từ mục đích ấy!
- Không được, không được! - Tiểu thư Cônxanvi đứng dậy cùng với bà mẹ. - Về mặt nghệ thuật thì lý lẽ của ông hoàn toàn đúng. Tôi không phản đối. Nhưng điều mà tôi muốn thể hiện thì chỉ có thể diễn tả theo đúng ý như đã diễn tả trong bản vẽ này. Còn nếu ông khăng khăng đòi theo ý ông thì tôi đành thôi không làm nữa.
- Nhưng xin lỗi, tại sao vậy? Tại sao tiểu thư muốn cô gái trong này cứ phải đúng là tiểu thư? Bởi vì đây là tác phẩm nghệ thuật, là ẩn dụ. Tại sao? Bởi vì nếu cô gái ở đây chỉ cần xinh đẹp thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa...
Tiểu thư Cônxanvi cãi:
- Tôi có cần đẹp đâu. Nhưng tôi muốn đây không phải là biểu tượng gì hết mà chính là tôi, số kiếp của tôi, tình cảm của tôi, nếu không thế thì không được. Chưa kể các ông còn phải nghĩ đến địa điểm đặt bức điêu khắc này. Tóm lại tôi không thể chấp nhận...
Sirô Cônli giơ hai tay lên trời vẻ thất vọng. Đầu anh lại rụt vào giữa hai vai.
- Đấy là định kiến! - Anh lẩm bẩm.
- Nói đúng hơn đấy là những tình cảm mà ta cần tôn trọng, - cô gái chữa lại, với nụ cười mỉm dịu dàng và u buồn.
Cuối cùng chủ khách thỏa thuận là sẽ thống nhất mọi thứ với Ngài Giám binh Xêranli. Sau đấy phu nhân Cônxanvi và con gái ra về.
Khi khách đã ra khỏi nhà, Sôrô Cônli nhón gót quay phắt lại rồi xoa hai bàn tay, khẽ hát: “Tralaralerô, tralaralerô!”.
Một tuần sau Cônxtantinô Pôliani đến gặp tiểu thư Cônxanvi mời tới xưởng để anh có thể phác họa cái đầu của cô.
Qua lời của Ngài Giám binh Xêranli, bạn quen thân của gia đình phu nhân Cônxanvi, anh được biết rằng, anh chàng Giuliô Xôrini, sau khi bị tai nạn, sống thêm được ba ngày và đã để lại toàn bộ tài sản rất lớn của anh ta cho vợ chưa cưới, tài sản mà anh được hưởng thừa kế của cha. Chính vì thế mà họ quyết định dựng tượng đài trên mộ anh, bất kể tốn kém bao nhiêu. Ngài Giám binh Xêranli than phiền rằng tất cả những công việc xoay quanh vụ tai nạn rất bất hạnh kia đã đổ cả lên đầu ông khiến ông hoàn toàn épuisé[5]. Và cần phải nói rằng, bản chất tính tình của tiểu thư Cônxanvi có phần hơi emporté voilà[6]. Bây giờ do đau thương, cái tính ấy lại thêm phát triển. Ai chẳng công nhận nàng đáng được thông cảm, nhưng xem chừng bản thân nàng cũng lại thích phóng đại những đau khổ của bản thân lên. Không ai phủ nhận đấy là một choc[7] khủng khiếp, một lưỡi sét bổ xuống giữa lúc trời quang mây tạnh. Khi còn sống anh ta đúng là một chàng trai tuyệt vời, cái anh Xôrini tội nghiệp ấy! Và đẹp mã nữa chứ! Và lại yêu cô ta đến thế!...Tất nhiên, lẽ ra anh ta có thể làm cho cô hạnh phúc vô cùng, cô tiểu thư đáng quý ấy. Không khéo chính vì thế mà anh ta chết...
Nghe như thế thì ra cậu Xôrini kia là một chàng trai rất đáng quý và anh ta chết chỉ cốt để làm khổ Ngài Giám binh Xêranli đáng kính mà thôi.
Và lạ một nỗi là tiểu thư Cônxanvi không muốn xa ngôi nhà mà vị hôn phu của cô đã trang bị rất tỉ mỉ, dự tính cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Một tổ ấm kỳ diệu, theo cách nói của Ngài Giám binh Xêranli, au joli rêve de luxe et de bien être[8]. Nàng ra lệnh chuyển sang đấy toàn bộ tài sản giàu có của mình và ở bên đó phần lớn thời gian trong ngày. Nàng không khóc, không! Nhưng nàng tự hành hạ bản thân, thả hồn theo giấc mơ về cuộc sống vợ chồng lẽ ra phải có, nhưng đã bị chặn lại từ lúc nàng chưa kịp bắt đầu hưởng.
Pôliani quả không gặp tiểu thư Cônxanvi tại nhà. Chị hầu phòng trao cho anh địa chỉ nơi ở mới của cô gái trên đường phố Po Pinsan. Dọc đường Pôliani suy nghĩ miên mang về niềm hứng thú thích đau khổ và dằn vặt mà cô gái bất hạnh, chưa kịp lấy chồng đã trở thành góa bụa, đang nhấm nháp, tự thả hồn vào những giấc mộng về cuộc sống hạnh phúc bị số kiếp ngăn không cho cô được hưởng.
Đồ đạc bằng gỗ được đôi bạn trẻ sắp cưới chọn lựa tỉ mỉ và bày biện một cách say sưa trong ngôi nhà, đã không được đón chào cặp uyên ương và đem lại cho họ biết bao hạnh phúc!
Cho mộng ước vào trong tráp, khóa lại, đến khi mở ra ta sẽ chỉ thấy thất vọng. Nhưng tình hình ấy đã không xảy ra: mọi thứ đều được giữ lại, từ đồ đạc đến cách bày biện, từ mộng ước đến hy vọng và cả những dự định, những lời thề thốt. Và lẽ ra những thứ ấy phải đem lại đau xót cho người phụ nữ bất hạnh kia chứ!
- Mà tất cả những trò điên rồ ấy lại diễn ra trong một ngày đẹp trời như thế này.- Cônxtantinô Pôliani thở dài.
Quả như thế thật! Trong không trung mát mẻ, tinh khiết, đã cảm thấy được hơi hướng của mùa xuân đang tới gần: khí trời ấm áp của tiết nắng đã bắt đầu làm say đắm lòng người.
Nàng tiểu thư Cônxanvi tội nghiệp kia đang mơ mộng những gì? Đang tự dằn vặt bản thân về chuyện gì trong ngôi nhà mới với những cửa sổ mở rộng đón ánh mặt trời mùa xuân kia?
Pôliani vào nhà, bắt gặp cô gái đang đứng trước giá vẽ, loay hoay thể hiện chân dung của người yêu đã khuất. Bàn tay lúng túng, nàng hết sức chăm chú đưa từng nét bút chì, cố phóng đại tấm ảnh nhỏ xíu của anh ta. Còn mẹ nàng thì đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp lấy trong tủ sách của Ngài Giám binh Xêranli để giết thời giờ.
Nói đúng ra, tiểu thư Cônxanvi rất muốn một mình ở trong cái tổ ấm lẻ loi này. Có bà mẹ chỉ vướng cho cô. Nhưng phu nhân Cônxanvi lại sợ tính lãng mạng quá trớn có thể dẫn con gái bà đến hành động dại dột nào chăng. Bởi vậy bà không rời tiểu thư một bước. Tuy vậy bà vẫn giữ im lặng và cố nén những tiếng thở dài lại. Những tiếng thở dài ấy là do mỗi khi bà nghĩ đến thói đỏng đảnh của con gái.
Do góa bụa từ khi còn trẻ, phải tự lo lấy cuộc đời không ai giúp đỡ, không có tiền bạc để sinh sống, với một đứa con trên tay, phu nhân Cônxanvi đâu có thể lánh xa cuộc sống, đặt nỗi đau khổ đứng canh ngoài cửa như con gái bà lúc này đang rắp tâm làm.
Phu nhân không hề nghĩ rằng, tiểu thư Giulietta con gái bà không nên than khóc cho số phận tàn nhẫn của nàng. Nhưng như ông bạn thân Giám binh Xêranli dự đoán, con gái bà rất dễ cố tình tăng thêm nỗi đau khổ, được thừa hưởng một gia tài quá lớn sau cái chết của chàng Xôrini bất hạnh kia, có nhiều triệu chứng tỏ ra rằng, Giulietta dự định sử dụng ưu thế về tiền nong, sẽ đóng kín cửa lại để nhấm nháp nỗi đau khổ khôn cùng này. Là người mẹ, bà rất hiểu những quy luật khắc nghiệt và cay đắng của cuộc đời. Chưa kịp dịu đi nỗi đau khổ chồng chết, bà đã phải chịu bao nhiêu điều tủi nhục và đã phải đấu tranh vất vả để tồn tại. Chính vì vậy mà số phận buồn thảm của cô con gái, đối với bà chẳng phải thứ gì ghê gớm. Kinh nghiệm đớn đau của bản thân khiến bà quan niệm, thái độ của Giulietta chỉ là một sự yếu đuối hoàn toàn có thể thông cảm, tất nhiên với một điều kiện là thái độ ấy không kéo dài quá lâu...- voilà[9], theo lối nói quen thuộc của Ngài Giám binh Xêranli.
Vốn quen sống lý trí, lại trải đời, hiểu nhiều, bà đã thử mấy lần khuyên can con gái nhưng không được! Giulietta bản chất giàu tưởng tượng, nàng đau khổ thực thì ít nhưng tự dẫn mình vào đau khổ thì nhiều, vì cho rằng, mình phải đau khổ đến thế mới đúng. Khó là ở chỗ ấy! Bởi vì nỗi buồn nào dần dần cũng nguôi đi theo quy luật tự nhiên của tình cảm, nhưng ý nghĩ thì lại định hình và dai dẳng hơn nhiều. Chính do ý nghĩ chứ không phải tình cảm đã đẻ ra cái ý định điên rồ kia, xây đài kỷ niệm đặt trên mộ, tạc hình tượng cuộc hôn lễ giữa Cái Sống và Cái Chết (cuộc hôn nhân tuyệt diệu!). Một ý thích khác cũng điên rồ không kém của Giulietta là định giữ nguyên vẹn cách sắp xếp bày biện trong tổ uyên ương này, để có thể đắm mình trong hồi tưởng, trong niềm mơ mộng về cuộc sống lứa đôi với người yêu mà nàng không được hưởng.
Do đấy phu nhân Cônxanvi vô cùng biết ơn việc Pôliani đã đến đây thăm họ.
Những cửa sổ rộng đón ánh nắng mặt trời, và rặng thông mỹ lệ của biệt thự Bóocgiêda đang tràn đầy ánh nắng rọi xuống cả lớp cỏ xanh mọc lộn xôn bên dưới. Những cây thông vươn lên cao tỏa mùi hương thơm ngát ra khắp không trung trong suốt.
Tiểu thư Cônxavi đứng dậy, bước nhanh định giấu đi bản vẽ. Nhưng Pôliani đã nhẹ nhàng níu cánh tay nàng lại.
- Sao lại thế? Tiểu thư không muốn cho tôi xem ạ?
- Tôi chỉ mới phác qua thôi ấy mà.
- Vậy mà bức vẽ lại rất đẹp! - Anh cúi nhìn vào tờ giấy, reo lên, - Rất đẹp...Anh ấy phải không?...Chà bây giờ nhìn ảnh tôi dần dần nhớ lại hình dáng của anh Xôrini rồi. Đúng rồi...Vì tôi cũng hơi quen anh ấy...Nhưng anh ấy có để râu đâu nhỉ?
- Vâng, đúng thế, - cô gái vội vã đáp. - Trước khi mất ít lâu anh ấy có cạo đi thật.
- Tôi cũng nhớ là như thế...Anh ấy đẹp trai thật, đẹp như thiên thần ấy...
- Tôi chưa biết làm thế nào - tiểu thư Cônxanvi lại nói. - Tấm ảnh chụp này không hoàn toàn giống với hình ảnh anh ấy trong trí óc của tôi.
Cônxtantinô Pôliani bất giác đưa tay lên ria mép của anh. Anh lại mỉm cười khẳng định:
- Đúng là không cần vẽ ria mép làm gì thật...
Rồi anh bước đến gần giá vẽ, nói:
- Tiểu thư nhìn đây này. Nếu tiểu thư cho phép, tôi xin phác qua vài nét lên đây... Tiểu thư đừng lo! Chỗ này (tẩy đi nét chì trên giấy đã vẽ)...theo như tôi nhớ lại khuôn mặt anh Xôrini tội nghiệp ấy thì...
Anh ngồi xuống rồi vừa liếc qua tấm ảnh chụp, vừa phác qua hình cái đầu của Xôrini. Tiểu thư Cônxanvi lo lắng theo dõi nét bút của người họa sĩ. Và cứ sau mỗi nét chì của anh, miệng mở hé của nàng lại khẽ thốt lên: “Đúng rồi...đúng rồi..đúng rồi...”. Những tiếng ấy gây hưng phấn cho người họa sĩ và có thể nói, chúng điều khiển bàn tay anh. Cuối cùng, cô gái không giấu nổi xúc động:
- Đúng rồi! Mẹ nhìn kìa...Đúng là anh ấy..,y hệt lúc anh ấy còn sống...Ôi, cảm ơn ông quá...Ông thật là sung sướng có được bàn tay quý như thế...Ông giỏi thật...ông giỏi thật...
- Có gì đâu, chỉ một chút kinh nghiệm, và do quen tay. - Pôliani đứng dậy, nói với vẻ mặt khiêm tốn, nhưng không giấu được niềm thỏa mãn trước những lời tán dương quá mức - với lại tôi chẳng đã nói rồi thôi, tôi cũng hơi quen anh ấy.
Cô gái vẫn không rời mắt khỏi bức vẽ.
- Cái cằm, đúng là cái cằm ấy...Cảm ơn ông, cảm ơn ông!
Đúng lúc ấy tấm ảnh Xôrini dùng làm mẫu trượt từ trên giá vẽ xuống đất, và tiểu thư Cônxanvi đang mải ngắm bức vẽ không buồn cúi xuống nhấc nó lên. Tấm ảnh chụp nhỏ xíu, đã hơi vàng ố nằm tủi phận dưới sàn nhà, và nét mặt Xôrini tội nghiệp trên đó sao buồn bã thế, như thể anh hiểu ra rằng, từ giờ phút này, mọi thứ đối với anh thế là đã hết.
Nhưng Pôliani hào hiệp cúi xuống, nhặt bức ảnh chụp lên.
- Cảm ơn ông, - cô gái nói. - Nhưng từ nay tôi sẽ dùng bức vẽ của ông, chứ tôi không nhìn vào tấm ảnh tồi tệ này nữa.
Nàng ngẩng đầu lên. Và đột nhiên nàng cảm thấy như căn phòng bừng sáng. Niềm cảm phục bùng lên dường như bỗng giải thoát cho nàng hết cảm giác thấy tức ngực, và nàng hít một hơi dài. Toàn cơ thể nàng như được hưởng làn ánh sáng rực rỡ, tươi vui tràn vào qua ô cửa sổ mở toang đón quang cảnh thần tiên của ngôi biệt thự mỹ lệ giữa vẻ đẹp quyến rũ của chúa Xuân.
Cái giây phút có một không hai! Tiểu thư Cônxanvi không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra trong lòng nàng. Đưa mắt nhìn bao quát tất cả những sự vật, mới mẻ nhưng đã trở thành quen thuộc đối với nàng, tiểu thư cảm thấy bản thân mình đã đổi khác. Đổi mới và được giải thoát khỏi cơn ác mộng vẫn đè lên nàng cho đến giờ phút này. Một làn gió rất nhẹ lướt qua cửa sổ vào phòng thức tỉnh, rung chuyển trái tim nàng. Tưởng chừng có một sức mạnh nào đã thổi linh hồn vào tất cả những đồ đạc kia, những đồ đạc mà nàng, Giulietta đã truất mất cái quyền được sống, giam chúng vào cảnh của những đồ vật chết, không cho ai động đến chúng, buộc chúng phải cùng với nàng chịu cái cảnh tồn tại trong một giấc ngủ chết chóc.
Nàng lắng nghe người họa sĩ trẻ tuổi, lịch thiệp giọng ngọt ngào ca ngợi phong cảnh nơi đây tươi đẹp, rồi chàng lẽ phép trò chuyện với mẹ nàng. Bà mời chàng tham quan các gian phòng khác trong biệt thự. Và nàng hồi hộp không hiểu tại sao, theo dõi hai người, như thể chàng trai trẻ kia đến nơi này chỉ cốt để đánh tan giấc ngủ chết chóc và đưa nàng trở lại cuộc sống.
Cái cảm giác ấy mạnh mẽ đến nỗi nàng quyết định bước qua ngưỡng cửa của phòng ngủ. Và khi nhìn thấy chàng trai kia cùng mẹ nàng đang đưa mắt nhìn nhau buồn bã, nàng không ghìm được nữa, òa lên khóc nức nở.
Giulietta thổn thức mãi về điều nàng đã nhiều lần khóc về nó. Nhưng nàng cảm thấy lờ mờ rằng những giọt nước mắt lúc này khác những giọt trước đây, bởi vì chúng không còn gợi lên trong lòng nàng nỗi đau khổ ngày trước, không gợi lên trong óc nàng những hình ảnh trước đây vẫn thường hiện ra trước mắt nàng. Và nàng cảm thấy điều đó đặc biệt rõ, khi mẹ nàng chạy đến dỗ dành con gái, cũng bằng những lời lẽ an ủi và khuyên can như nhiều lần trước đây. Những lời lẽ ấy lần này Giulietta không chịu đựng nổi. Nàng dùng một sự cố gắng phi thường để thôi không khóc nữa. Và nàng vô cùng biết ơn người họa sĩ điêu khắc trẻ tuổi kia đã giúp nàng bằng cách hướng nàng vào công việc khác. Chàng đề nghị nàng cho xem tập tranh nàng đã vẽ đang nằm trên giá.
Những lời khen ngợi, khen có chừng mực và chân thành kèm theo đôi khi một lời chê nhỏ, một lời khuyên, hoặc một câu hỏi buộc nàng phải trả lời, và sau hết là lời thúc giục nàng nên học, nên phát triển lòng yêu thích hội họa, đừng bỏ, phải tạo điều kiện cho năng khiếu tuy lúc này còn ít ỏi được nảy nở! Nếu không làm như thế tức là có tội, có tội thực sự! Nàng chưa bao giờ thử vẽ màu ư? Chưa bao giờ à? Nhưng tại sao? Không! Dùng màu không khó khăn chút nào hết với khả năng sẵn có của nàng, với lòng say mê của nàng hiện giờ....
Trong thời gian đầu, Cônxtantinô Pôliani tự nguyện đích thân giúp đỡ nàng. Tiểu thư Cônxanvi trả lời đồng ý. Và sẽ bắt đầu ngay từ ngày mai, ngay tại đây, trong ngôi nhà này, ngôi nhà mới mẻ đang tràn đầy sự khêu gợi và chờ đợi.
Hai tháng sau, trong xưởng họa của Pôliani, bức tượng để đặt trên mộ đã đứng sừng sững, tuy mới chỉ phác lên tạm thời. Sirô Cônli trong chiếc áo bờlu cũ kỹ nằm trên đivăng đang hút tẩu thuốc. Trước mắt anh là bộ xương người mượn tạm của ông bác sĩ quen, treo lên làm mẫu. Chàng họa sĩ điêu khắc nói với bộ xương một đoạn độc thoại kỳ quái.
Anh chụp chiếc mũ giấy của anh lên đầu bộ xương, lệch sang một bên. Và bộ xương, giống như một chiến binh, đứng nghiêm chăm chú lắng nghe huấn thị của Sirô Cônli, viên hạ sĩ họa sĩ, tuyên đọc giữa hai hơi thuốc là:
- Nhưng tại sao mi lại thèm săn bắn đến thế? Mi đã thấybị biến dạng thành như thế nào rồi chứ? Đẹp lắm... Hai chân như hai cái que củi... Người thì khô đét lại...Thú thật, chẳng lẽ mi cho rằng cuộc hôn lễ ấy sẽ thành sự thật ư? Mi chịu khó nhìn thử Nữ thần Sống xem, anh bạn yêu quý...cô gái tuyệt diệu kia đã tượt khỏi tay của tớ mà không hề sây sát gì hết! Chẳng lẽ mi tin chắc cô ta vẫn còn muốn kết hôn với mi chăng? Nhìn kìa, cô nàng đang đứng cạnh mi, rụt rè và nhẫn nhục, nước mắt chảy như suối từ hai con mắt cô...Đúng thế, nhưng còn chiếc nhẫn cưới...thì mi hãy quẳng mẹ nó ra khỏi đầu óc cái ý nghĩ về nó đi! Duy có điều, tiền thì chia ra cho mau!...Mi đã cho cô ta được hưởng quyền thừa kế toàn bộ tài sản của mi chứ gì? Nếu vậy thì mi còn đòi gì ở tớ nữa? Tớ xin nói thật rằng ngay từ đầu tớ đã không tin vào cái chuyện hôn nhân ấy rồi! Kẻ nào ngu xuẩn mới tin là như thế! Cô ta là Nữ thần Sống, là sự Sống! Cô ta đang học vẽ, mà mi có biết kẻ nào dạy cô ta không? Cônxtantinô Pôliani. Tớ ở vào địa vị mi, tớ quyết thách đấy súng với thằng cha. Sáng nay mi có nghe thấy hắn ra lệnh cho tớ thế nào không? Hắn cấm tớ không được tạc Nữ thần Sống trần truồng. Nhưng khốn nỗi thằng cha ngu xuẩn ấy cũng là họa sĩ điêu khắc và hắn biết rất rõ: Muốn tạc pho tượng mặc quần áo thì trước tiên phải tạc nó khỏa thân đã...Nhưng tớ nói với mi toàn bộ sự thật cho mà nghe: Hắn không muốn pho tượng khỏa thân này có cái mặt xinh đẹp của cô gái đáng yêu kia...Trong cơn giận dữ, thằng cha đã bước đến cạnh pho tượng và, mi đã nhìn thấy rồi chứ? Hấp, hấp! Hai cú gậy đã đập vỡ tan công trình của tớ...
Mi có thể giải thích nguyên nhân nào khiến thằng cha có hành động phũ phàng như thế không? Hả, cậu chiến binh trung thành của tớ? Tớ quát hắn: “Khoan đã! Ngay bây giờ mình sẽ mặc quần áo vào cho pho tượng! Ngay bây giờ thôi, chỉ nháy mắt là xong!”. Nhưng có ăn thua gì! Bây giờ thì còn gì nữa đâu mà mặc quần với áo? Hiện giờ thì cả hai cô cậu đều muốn nhìn thấy Thần Sống...khỏa thân, trần truồng, không có chút gì trên người hết, đúng hệt như bản thân cô ta ấy, cậu bạn thân mến ạ! Hai anh chị lại muốn quay về bản phác thảo ban đầu của tớ, quay về cách xử lý tượng trưng không cần phải giống ai hết! Mi sẽ túm lấy tay Nữ thần Sống trong khi Nàng không hề ngờ đến...Chà, săn với bắn làm cái gì kia chứ? Mi nói thử tớ nghe nào?
Anh Chồng Của Vợ Tôi Anh Chồng Của Vợ Tôi - Luigi Pirandello Anh Chồng Của Vợ Tôi