Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Tứ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1882 / 31
Cập nhật: 2016-05-05 19:45:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Hướng Núi Hướng Biển
ạo này nắng sớm mưa chiều. Tôi thường đi sản xuất buổi sáng, dành buổi chiều mưa to để đọc, hỏi, ghi sổ tay. Chưa xuống cơ sở được. Còn phải đợi cấp trên giao việc cho tôi, và đợi học hai nghị quyết quan trọng của Liên khu ủy về công tác vùng núi và đồng bằng trước khi đến các xã thôn hay đơn vị. Ái cho tôi mượn xem tập vở 100 trang ghi những mẩu chuyện lý thú về cách mạng miền Nam, tôi mong sau này cậu sẽ soạn thành một tập bút ký.
Tôi cũng đến Ban binh vận mượn đọc đống tài liệu Mỹ-ngụy (ta) thu được ở quận Tu-mơ-rông trong chiến thắng Đak Hà, đồng chí Tố cho mượn nhưng dặn phải giấu vì chưa biết tôi có được phép xem tài liệu địch hay không.
Sau ba buổi đọc ngốn ngấu, đi vào một thế giới hoàn toàn xa lạ trong đó mọi lời lẽ đều dối trá, mọi giá trị đều đảo ngược, đến lúc nào đó tôi chợt rùng mình. Những ý nghĩ chờn vờn mây khói đọng lại thành một nỗi lo sợ: giữa dòng nước cống của chiến tranh tâm lý này, những người thân thiết ở lại trong vùng địch chiếm bảy năm qua đã phản ứng ra sao.
Kháng chiến chống Pháp để lại trong mỗi tâm hồn một liều thuốc kháng độc, đúng thế, nhưng nếu chất độc tố cộng cứ từng giây phút ngấm mãi qua các lỗ chân lông thì sao. Rất có thể, gia đình tôi sẽ cưỡng lại bằng một thái độ hoài nghi chung chung đối với địch, tin tưởng chung chung đối với ta...
Tôi về ngay tỉnh quê hương đây, đang ở trên núi, sẽ viết thư khuyên nhủ như thế nào để lọt qua lưới rình mò của địch, gia đình tôi khỏi bị khủng bố? Viết lối hợp pháp thì quen rồi: khi ở Hà Nội, chị tôi và tôi đã gửi thư về miền Nam qua đường Pa-ri, nhờ bà con Việt kiều chuyển hộ, ba má tôi cũng trả lời theo con đường ấy. Hà Nội biến thành Pa-ri. Tôi tự xưng là Bốn, học trò cũ của ba tôi nay đang ở Pháp, nói về lý tưởng cách mạng bằng lời lẽ một con chiên ngoan đạo nhắc tới Chúa. Chỉ gài vào một chi tiết duy nhất để ba má tôi nhận ra người viết sau 12 năm xa cách đến quên cả nét chữ (và nét chữ cũng thay đổi): "Ngày trước cháu ở số 5 đường Đồng Nai", đó chính là địa chỉ cũ của gia đình tôi ở Qui Nhơn hồi Pháp thuộc. Tưởng rằng bọn ngụy quyền Quảng Nam không truy ra cái chi tiết lâu năm và nơi xa ấy. Thế mà tên kiểm duyệt nào đó ghi luôn vào cuối một lá thư bằng chữ khác mực khác một dòng giễu cợt: "Con ở miền Bắc khổ cực lắm lắm?", sau đó vẫn cứ chuyển lá thư Pa-ri ấy đến nhà khiến ba má tôi vừa tức vừa sợ. Đường dây đã đi vòng trái đất vẫn bị lộ!
Nếu bây giờ tôi gửi thư tiếp theo đường Pa-ri? Tôi ở cách gia đình chỉ 60 -70 cây số đường chim bay Trà Mi- Đà Nẵng. Lá thư sẽ leo núi ít nhất ba tháng ra Hà Nội, chị tôi sẽ gửi máy bay sang Pa-ri, lá thư ấy bay trở về Đà Nẵng... để rồi bị địch xé vất hoặc gài vào hồ sơ theo dõi các gia đình tập kết! Đất nước chia cắt tạo ra vô vàn chuyện ngược đời như thế. Cũng như ở đồng bằng hiện nay, người dân trông chờ Quân giải phóng về nhưng phải đánh mõ la làng mỗi khi ta vào xóm, báo cho ta diệt ác ôn rồi lại chắt bóp nộp tiền cho "Hội tiết nghĩa" để trợ cấp cho vợ con ác ôn...
Không tập nhìn thẳng vào mâu thuẫn thì không viết được văn hiện thực, cũng khó giữ được tâm hồn thanh thản! Trưa ngày 2-10-61, tôi ghé qua Giải phóng xã chợt nghe Ngô Đình Diệm đọc diễn văn trước quốc hội ngụy. Giọng Trung pha Nam Bộ, lời lẽ hốt hoảng, mở đầu và kết thúc đều lên gân hùng hổ chửi Cộng sản. Đài ta đủng đỉnh bình luận: Diệm hoảng hốt có dụng ý, hắn muốn gây không khí chiến tranh để tóm thâu quyền lực vào tay, trị phe đối lập và vét sạch viện trợ Mỹ đấy thôi!
Ngày 7-10-61, chúng tôi bắt đầu học nghị quyết Liên khu ủy "Phát động quần chúng giành lại đồng bằng". Tôi ghi bằng những ký hiệu đậm nét. "Giành lại đồng bằng là nhiệm vụ then chốt cấp bách nhất của Liên khu". Rừng núi là chỗ dựa vững chắc, đồng bằng là mặt trận tiến công. Lâu nay ta mới đẩy mạnh tuyên truyền võ trang và đánh giặc xong lại rút về núi mà không trụ bám. Từ nay nông thôn đồng bằng sẽ được giải phóng bằng chính trị và võ trang song song, bằng khởi nghĩa từng phần kết hợp với du kích cục bộ. Nào, làm được không? Bến Tre làm được. Phú Yên không đợi kế hoạch cũng làm được, ắt tất cả các tỉnh miền Nam đều làm được? Hiếm có một cuộc thảo luận nào say sưa đến thế.
Tim đập mạnh, mặt nóng rân rân, mỗi chúng ta vun góp thật nhiều lòng tin vào nghị quyết, cũng gieo cho nhau không ít ảo tưởng. Bàn cãi trong khi họp, trong bữa ăn, trong đêm không đèn ngồi quanh đống lửa.
- Bao giờ giải phóng miền Nam? Ngắn sáu hai dài sáu ba!
- Đừng bốc quá, mày: Cứ cho là non sáu ba, già sáu tư lừ đừ thì phải sáu lăm!
- Đưa được máy chiếu với phim miền Bắc vô, không có điện cũng chịu. Phải đánh xuống đồng bằng mới chiếu phim được.
- Đây nè: máy nổ phát điện nặng 150 ký, chiếu xong phải tháo rời khiêng đi nửa tháng đường núi, mươi lần vậy là hư hết.
- Dứt khoát phải làm chủ một thị xã để kiếm đồ thông tin văn hóa...
- Ừ đúng. Vẽ sơ đồ trước. Nhóm in vở thu nhà in, nhóm văn công soát nhà hát, mình lấy máy chiếu. Của tư nhân thì trả tiền, của địch khỏi tốn.
- Phải để một cậu giữ thằng Nam, nó nhào vô RTC 1 rồi ngủ lăn chiêng tới sáng cho coi.
- Mình xung phong dẫn cậu Bốn, nếu rớt mất kính...
- Hồi các ảnh rút em lên núi, em tưởng lên ở vài tháng rồi về xã mình liền. Dưới đó họ đồn rầm rộ lắm, nói giải phóng miền Nam tới nơi rồi.
- Phải nói từ chủ nghĩa Mác trở đi các cha mới hiểu nỗi. Nhưng mà thôi... Tình thế bây giờ giống quãng năm năm mươi ba. Nhứt định một năm nữa ta về uống bia Sài Gòn nhắc chuyện chiến khu!
- Tao không ưa bia bọt. Giải phóng xong, tao ăn một bữa muối thiệt là mặn, coi thử có hết thèm muối không...
Chúng tôi quyết định sẽ lập ngay một đài phát thanh. Hiền Minh hát, Len đánh đàn gông. Huy phát bản tin, tôi đọc truyện ngắn, số còn lại thì chơi nhạc bằng soong chảo và cái mõ báo cơm.
Ngoài những lúc bốc đồng chung, tôi băn khoăn nêu nhiều câu hỏi về cách phát động. Hồi ở Lào, Quân tình nguyện cũng đi xây dựng cơ sở bí mật, đưa phong trào từ thấp lên cao, khi đủ mạnh sẽ xóa tề trừ gian, làm chủ thôn xóm, lập làng kháng chiến. Cách làm chủ nêu trong nghị quyết rất khác, rầm rộ ngay từ đầu, lại phải giữ được thế hợp pháp của nhân dân, đưa nhân dân ra đấu tranh chính trị với địch, nghe rất lạ tai. Qua hai lần giải đáp, tôi mới thấm dần những gì rất sáng tạo, rất Việt Nam trong kiểu phát động quần chúng này.
Đồng bằng vẫy gọi tôi từ lâu, nay cuốn hút tôi với sức mạnh không cưỡng nỗi. Trong khi chờ đợi, tôi vẫn cặm cụi đi rừng đi rẫy, nhưng tay làm mà mắt chỉ thấy quang cảnh đồng bằng giải phóng hiện lên rực rỡ, óng ánh đẹp đến mê ly.
Tiếp đấy, chúng tôi học nghị quyết "Công tác vùng rừng núi" từ ngày 11-10-61. Anh Xân nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng của căn cứ rừng núi. Anh em nghe chăm chú nhưng có vẻ không ham thích mấy, chỉ thảo luận lấy lệ. Bỗng dưng, lớp học sôi động hẳn lên như bị giựt điện khi bí thư chi bộ nói đến các chỉ tiêu sản xuất tự túc của cơ quan.
- Mỗi đầu người một ngàn năm trăm bụi sắn, cơ quan ta phải phát bao nhiêu đồi núi cho đủ. Lại còn mỗi người một lon hột bông để dệt vải. Một lon hột bông gieo mấy sào mẫu, tưới bao nhiêu nước?
- Mấy ông chuyên gia kinh tế bỏ cày cuốc lâu quá rồi, quên ráo trồng tỉa...
- Lúa rẫy một ang giống phải đạt sáu chục ang lúa! Đất đâu mà quý vậy, chỉ giùm tụi tôi thử coi, tìm miết mấy năm nay không gặp...
Anh Xân phải lái ý kiến sang phía nhiệm vụ chung của toàn Liên khu. Tôi quen nếp, cứ ghi đều tay. Ngẫm nghĩ càng lâu, càng thấy những điều kỳ diệu của rừng núi miền Nam.
Không có nước nào chia cắt mà có được một mảng căn cứ đỏ lạ lùng như thế, chễm chệ ngay trên đầu kẻ thù, trải dài từ miền Bắc đến Nam Bộ, nối liền đồng bằng ven biển với các căn cứ của Lào, Cam-pu-chia. Đến nay, ngoài một số ít thị xã, thị trấn, khu dinh điền còn do địch kiểm soát, ta đã làm chủ tới 4/5 diện tích và 3/4 dân số vùng cao!
Những câu chuyện không hề tô vẽ về người Cà-tu mà tôi đã ghi làm rõ thêm vì sao các dân tộc Thượng gắn bó máu thịt với Đảng ta đến thế. Cơ sở đồng bằng vỡ dây chuyền, tới núi là hết vỡ. Cán bộ vùng xuôi bị đuổi bắt, lên núi là thoát. Địch lùng sục đến núi là dừng, dẫm chân, lùi lại. Gián điệp trong các làng Thượng hầu như không có. Vài kẻ xấu theo giặc đều phải nhảy vào đồn hoặc bỗng dưng biến mất như đá rơi xuống ao. Người Thượng đang ăn lạt, nhưng nếu Mỹ đem muối trút thành núi trước mặt họ, họ cũng cắm chông trên núi muối ấy để chống Mỹ!
Bên cạnh những cải cách dân chủ lắm lúc rất ly kỳ, đầy tính kịch - cả bi lẫn hài - để đổi mới xã hội và con người, còn thêm những bước nhảy vọt vào tương lai thật không ngờ. Chưa hiểu mấy về chủ nghĩa xã hội, đồng bào Thượng vẫn rất ham làm theo miền Bắc. Nơi nào lúc nào đời sống lên kha khá, liền được gọi là "y như xã hội!".
Ta chưa vận động bao nhiêu, mà riêng Quảng Nam đã có tới 84 hợp tác xã trên núi làm chung hưởng chung, quản lý còn thô sơ nhưng khá công bằng, duy kỹ thuật và năng suất còn thấp. Thu nhập ít nhưng mức đóng góp nuôi quân lại rất cao đôi khi quá cao: ta định huy động 20 phần trăm sản lượng, đồng bào thường góp 30, rất nhiều gia đình góp tới 50. Một số bà con tính sai, suốt lúa xong đem góp sạch vẫn chưa đủ số đã hứa miệng - họ rất coi trọng lời hứa - phải đi vay mượn để góp cho đủ kẻo người khác tưởng họ ít thương Cách mạng!
Tuy rất mê người Thượng, tôi vẫn biết mình không thể cùng một lúc ôm hai mảng đề tài đồng bằng và rừng núi. Ôm quá nhiều thì siết tay không chặt. Tôi muốn viết tiểu thuyết, thể loại này không tha thứ cho kiểu đi thực tế hời hợt, lướt nhanh, chỉ lượm ấn tượng mà bỏ quên chi tiết cụ thể. Cân nhắc kỹ, tôi tự thấy không đủ vốn sống để sáng tác về các dân tộc Thượng, xin nhường các bạn đồng nghiệp am hiểu nhiều hơn.
Vì thế, khi anh Phương gợi ý tôi đi viết về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng ở tây Quảng Ngãi, tôi xin đổi về một vùng cơ động nào đó có thể tìm hiểu cả đồng bằng và vùng giáp ranh Kinh-thượng. Đồng chí Ái về Trà Bồng năm ngoái, ghi chép được rất nhiều nét sinh động về cuộc khởi nghĩa ấy, có thể viết tốt hơn tôi. Hoặc như anh Hai ở Trà Mi lên núi đã 16 năm, lấy vợ Thượng, nói nhiều thứ tiếng dân tộc, búi tóc, ăn trầu, xỏ tai, mặc khố... hỏi và ghi lời kể của những đồng chí như thế, biết bao nhiêu chuyện hay tuyệt vời!
Trong khi đợi cấp trên quyết định, đùng một cái tôi bị sốt rét quật nhào. Một buổi đi đào sắn ở rẫy cũ với cháu Đạm, tôi phải vạch rất nhiều dây gai để chui vào đến gốc sắn, phát dọn một hồi mới có chỗ đúng mà nhổ sắn. Cây sắn rẫy cũ thường đổ xiêu vẹo, rễ cây cỏ dăng chằng chịt níu củ sắn lại vắt và muỗi lao vào tấn công kẻ thù phá tổ. Kiếm được một gùi sắn lưu niên về, thân hình tôi nổi sần ngứa điên, máu loang lổ, gai cào tay chân như đan lưới. Buộc lòng tôi phải tắm suối lũ dưới mưa trước khi bôi đầy thuốc đỏ vào người. Đêm ấy, khi gác rẫy trên chòi, tôi nhức đầu và đau nhừ các khớp xương, phải dậy tập thể dục nhiều lần và hú hét đuổi heo nai luôn thể. Đến gần sáng thì lên cơn hẳn hoi.
Sau mấy ngày nắng mưa xen kẻ, trời lại xối nước xuống ào ào. Tháng trước mưa còn ấm, dạo này mưa lạnh hơn, gió buốt hơn. Anh em ốm nhiều đến nỗi thiếu người đi vác củi cho nhà bếp và gốc to sưởi ban đêm. Y tá mắc lụt không đến được, thuốc viên tôi mang từ miền Bắc vào chỉ có pa-lu-đrin không đủ cắt cơn. Tôi ăn cháo lạt, nhai thêm vài thìa bắp luộc cho đỡ xuống sức, gượng dậy giữa các cơn lạnh run rồi nóng dãy đến mệt lả.
Anh Xân cùng một số đồng chí được tách về Ban miền núi bắt tay tạm biệt và "ra ở riêng" dưới mưa. Bốn người khỏe nhất lên đường vào Quảng Ngãi lãnh muối, đi lẫn về ít nhất 10 ngày đường. Chỉ còn lại ở cơ quan một số bận chuyên môn và những người ốm. Giữa hai cơn sốt chúng tôi sẽ phơi thóc, xay giã, giữ rẫy.
Một hôm tôi ngồi trông chừng thóc phơi, bỗng đập được con tắc kè có cánh. Nó bay tới đậu ngay trong tầm gậy của tôi, đổi màu rất nhanh từ xanh lá sang màu nâu vỏ cây. Nó giống thứ tắc kè thường, xương xẩu, da màu rêu mốc sau khi chết, dưới cổ có một túi da mỏng nửa vàng nửa xanh biếc. Cánh nó xếp dọc thân, kéo xòe ra mỗi bên thành một phần tư hình tròn, có sống cứng. Màng cánh mỏng như cánh doi, màu rêu lốm đốm những mảng đen. Lần đầu tiên tôi thấy giống vật này. Tôi ngắm nó một hồi, nghĩ đến bao nhiêu điều mới lạ đang chờ khám phá trong vùng rừng núi mênh mông...
Nhung cái mới nhất vẫn là cuộc tiến công hướng biển, giành lại đồng bằng! Sau một loạt sáu phát kí-ninh tiêm bại cả mông, tôi dứt cơn. Vừa đúng khi anh Năm trong Thường vụ Liên khu ủy ghi cạnh lá thư đề nghị của tôi: "Đồng ý, Anh Xốp giới thiệu về E Trà Mi (Cót Nú Dút) cạnh Đ.U.". Chiều ấy anh Xân đến, giải thích: E là Đảng ủy, Cót Nú Dút là ba xã dân tộc Kor phía tây Tam Kỳ và Tiên Phước, ở sát khu vục đồng bằng mà Liên khu ủy chọn để chỉ đạo thí điểm phát động quần chúng.
Hoan hô, đúng chỗ cơ động mà tôi mong đến. Tôi đón tin mừng này đúng ngày "Tết độc lập" của Diệm, 26-10-61. Hắn sợ đảo chính, đã dẹp hết các trò duyệt binh và diễu hành, chỉ đọc nhật lệnh ghi âm trong "dinh Độc lập" để đưa ra phát thanh.
Các đoàn kéo xuống đồng bằng đã đi được mấy hôm.
Tôi sửa soạn đi theo đường giao liên một mình. Anh Xân báo trước: các xã Cót Nú Dút đang bị đói cơm lạt muối, bom pháo nổ hàng ngày, xuống đó phải chuẩn bị chiến đấu và tự túc cái ăn. Rất sẵn sàng, tôi chưa mất thói quen nổ súng của những năm làm lính chủ lực và địch hậu. Tôi lau và bắn thử cây súng ngắn P.38, mài dao găm, cố sức xay lúa giã gạo. Trong cảnh thiếu thốn chung, cơ quan vẫn nhín cho tôi được nửa lon muối và một con gà làm lương khô, thật tội.
Tôi cầm giấy giới thiệu, lội qua sông đến K60 (Ban kinh tế) nhận vở viết, pin, vài thứ gì có thể đổi gạo ăn trong các làng Thượng, và được trả lời gọn gàng là không có gì hết. Tôi được cấp tại Hà Nội 1.200 đồng ngụy, xuống đồng bằng có thể mua được độ một tạ rưỡi gạo, đã bị tập trung để "đổi bạc", nay bạc không đổi mà tiền cũng không được trả lại. Tôi hỏi lấy tờ biên nhận mà tôi đã nộp để yêu cầu trả tiền, được giải đáp: lạc đâu không tìm thấy!
Không cấp phát gì cũng cứ đi. Tôi đã thu góp đủ các giấy tờ tất cả đều không có con dấu. Đến ngày cuối cùng, anh Phương xin Thường vụ cho tôi được một tờ 500 đồng ngụy để phòng thân. Rất cảm ơn anh. Chỉ phiền là tôi còn quá yếu. Đầu nặng thân mỏi, đầu gối nhũn nhùn.
Mỗi khi tôi leo dốc, hai tai nổi kêu bùng bùng và mồ hôi toát ra mặt lạnh ngắt. Cứ đi, đợi thật khỏe thì biết đến bao giờ? Đãi túc, hà thời túc? Về Cót Nú Dút ước chừng năm ngày đường nếu đi thẳng một hơi trong mùa khô ráo.
Tôi rời Ban tuyên huấn ngày 29-10-61, tới trạm 100 của anh Quyền mất một tiếng rưỡi. Tán chuyện cà rà một hồi, hóa ra anh Quyền cao tuổi đời và tuổi Đảng này là bà con xa của tôi mà tôi không biết! Sáng hôm sau, đi tới trạm đồng chí Chung mất hai tiếng, đợi đến chiều vì không có giao liên dẫn. Tôi chỉ cách B.24 (Đảng ủy Trà Mi) có một con sông và 20 phút đường, nhưng không thể đùa với chông thò. Rốt cuộc, một đồng chí giao liên chỉ dẫn cho tôi tự đi: bè giấu dưới bụi cây chỗ bờ sông, "từ đây tới B.24 có một đường thôi". Kết quả là tôi tìm mãi cái bè không hề tồn tại, cuối cùng lôi ra một thuyền thúng trét dầu rái đã toác miệng, lát sau kiếm thêm được một thanh tre bổ đôi có thể làm chèo. Thuyền ngấm nước, xoay tròn, trôi theo sông một quãng rồi cũng cặp bờ bên kia. Tôi hì hục kéo thuyền lên cao tránh nước lũ, ngã trầy đầu gối. Rồi do dự đi theo một lối mòn hoàn toàn khác với lời tả, có rất nhiều ngã ba ngã tư. Đi tới, thấy rậm quá lại lùi. Cố tìm vết chân nhung mưa đã xóa sạch. Sau hai giờ dò dẫm, tôi đi liều theo một đường ít mòn, đột ngột gặp một cụm nhà núp dưới cây: đến đích! Một kinh nghiệm về sau còn nhiều lần lặp lại: hễ nghe chỉ dẫn "có một đường thôi" cần phải hỏi lại ngay: " Ngoài con đường đó, có những chỗ rẽ nào không được đi!". Không hỏi kỹ, nếu sau đó anh xóc chông quay lui, cậu giao liên sẽ trố mắt rất thật thà: "Chớ anh vô rẫy làm chi?". Họ không biết cách chỉ đường, thế thôi. Nếu anh hỏi đường xa hay gần, họ có thể ước lượng: "Đây tới đó chừng giập miếng trầu, chín nồi cơm, một tiếng hú, một quăng dao, một khâu rựa...". Cái khâu rựa này rất khoa học ở chỗ nó là vòng tròn, đi không bao giờ tận cùng giống như khi anh lạc rừng!
Tôi đến Đảng ủy Trà Mi vào lúc đang hội nghị. Rất may, anh Lế (tức là Tự) phụ trách vùng Cót Nú Dút còn ở đấy sẽ dẫn tôi về tận xã.
Một điều may nữa là nhiều đồng chí nhận ra tôi.
Thì ra đây là cuộc họp của Đảng ủy hai huyện Trà Mi và Phước Sơn ghép chung, gọi tắt là Trà Sơn. Các anh Phước Sơn quen gia đình tôi và còn nhớ mặt tôi. Anh Tỉa có mái tóc bạc trắng tiếp tôi thềm nở, tự giới thiệu là Học ở thôn Mỹ Lưu, gần nhà tôi hồi chống Pháp. Anh thân mật gọi tôi bằng chú, hẹn sẽ kể nhiều chuyện về đồng bào Thượng ở huyện Phước Sơn. Còn có anh Thông to béo, cao lớn, da trắng hồng rất khác mọi người, anh Hoàng gầy và sạm, để tóc gọng kính như lái buôn.
Vào lúc các anh nghỉ trưa và tối, tôi hỏi được nhiều chuyện lý thú về Phước Sơn. Trong đó nổi bật lên vụ kiện lật tề ác rầm rộ của đồng bào Thượng gồm các dân tộc Cà-dong, Xtră, Cà-doạt 2. Đây là cuộc tiến công chính trị chống Mỹ-ngụy đầu tiên của tây Quảng Nam ngay sau khi địch đến tiếp quản năm 1954. Cán bộ ta chưa đánh giá đúng mức thắng lợi này cho nên ít tuyên truyền rộng rãi, tuy nó cho thấy trình độ chính trị khá cao, và trí thông minh sắc sảo của đồng bào Thượng.
Hồi Pháp thuộc, khu vực rừng núi rộng lớn của Phước Sơn còn nằm trong huyện Quế Sơn, chưa tách riêng. Huyện lỵ Quế Sơn đóng tít gần chợ Đông Phú, đi lên hướng tây nam chùng hai chục cây số qua đò băng truông mới đến vạn 3 Phước Sơn, làng Kinh cuối cùng giáp với vùng Thượng. Tới đây thường nghe ầm ĩ bầy voi rừng rống thi sức bên kia sông Trường, ban đêm hay mất ngủ vì những tiếng đồng la 4 và hú hét đuổi cọp vào bắt heo tận chuồng, mỗi sáng dậy thường có tin beo gấm vào bấm chết chó trong bếp nhà này và trăn đất đến ngủ khoanh dưới giường nhà kia. Bởi thế bọn quan quân huyện Quế Sơn chẳng mấy khi mò lên tới cái làng bị gọi là "ở dưới đít mọi" này. Có dạo Pháp đóng một đồn binh ở bến đò Tân An mé dưới vạn Phước Sơn năm cây số, bắt phu đắp đường 16 đi qua vạn, xây cầu xi-măng vượt sông ở xóm Bà Huỳnh, thuốn lên vùng Thượng, định thông lên đường 19 tới Kon Tum, về sau gặp nhiều trắc trở phải bỏ cả đồn lẫn đường.
Dù lắm thú dữ và sốt rét, vạn Phước Sơn vẫn là một làng trù phú ven núi, một cửa khẩu giao lưu giữa Kinh và Thượng như bến Hiên, bến Giằng. Đường 16 chỉ có ô tô thưa thớt lên tới bến đò Tân An cách 5 cây số mé dưới, không quan trọng bằng đường sông: ghe chở quế từ Phước Sơn theo sông Trường xuôi xuống gặp nguồn Thu Bồn, xuôi mãi qua Hòn Kẽm Đá Dừng, Phú Gia, Trung Phước. "Kể từ Quảng Huế ra di - Kiểm Lâm, Lệ Trạch, Vân Ly, Đa Hòa...", cứ thông thống trên dòng sông dài đẹp chảy bao quanh đồng bằng Quảng Nam mà đi Phố, đi Hàn 5.
Dân vạn Phước Sơn làm ruộng rẫy, đánh cá, bứt mây, đốn củi săn thú, nhưng kiếm ăn nhiều nhất nhờ nguồn lợi từ núi cao rót xuống. Những vườn quế, rừng quế từ Phước Sơn trở lên nối liền với Trà Mi, Trà Bồng thành một vùng quế lớn nhất nước ta, là kho báu không cùng.
Ngoài ra còn chè, mít, trẩu, thịt rừng, mật ong, gỗ mây tre nứa, những hạt ươi bay ngâm nước đường nở bung ra uống mát rượi, và đặc biệt là thứ thuốc hút để nguyên lá vàng hườm rất thơm ngon mà người Thượng xâu lại bán từng giỏ lớn.
Kẻ giàu cứ việc ở nhà mà "buôn mọi"' cho người Thượng vay trước, họ sẽ cõng quế và các thứ khác xuống trả chi li. Các chủ tiệm người Hoa thạo nhất kiểu buôn này.
Đàn ông nghèo có sức khỏe thì vay vốn "đi mọi"' mua trâu thịt và các thứ hàng đổi, leo bốn năm ngày đường lên các làng Thượng trên cao còn nhiều rừng quế lâu năm, đổi quế cây, ở lại đấy lột vỏ phơi khô luôn. Họ cõng về trên lưng hai hoặc ba thớt 6 quế nặng hết cỡ, cân bán luôn cho nhà buôn, chưa trừ hết nợ đã sà vào quán rượu sòng bạc, mặc cho vợ con ở nhà ăn sắn thay cơm. Cháy túi rất nhanh, họ lại bươn lên núi cõng quế, hoặc đi chân sào đò dọc chở quế xuống tận cảng biển. Đến tuổi nào đó bị sốt rét kiệt sức hay ngã gẫy xương hộc máu, họ mới quay về với ruộng rẫy, khi nhậu lai rai ba hột sẽ kể những kỷ niệm thời trẻ dọc ngang xuôi ngược.
Nếp làm ăn xô bồ ấy bị sa sút rất nhiều từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tàu biển không đến chở quế xuất khẩu nữa. Mất dần đi những vụ quế rộn rịp với hương quế thơm nồng tỏa lan khắp những dốc đèo từ núi cao về vạn, tỏa tiếp dọc sông Thu Bồn xuống tới cảng và còn bay xa nữa trên sông các đại dương...
Đến thời kháng chiến chống Pháp, vạn Phước Sơn lại đông vui như trước, hơn trước nữa, nhưng lần này không phải nhờ nguồn lợi rừng núi là chính. Đồng bào từ vùng bị chiếm bắc Quảng Nam tản cư lên, vỡ đất hoang nhiều.
Binh công xưởng Cao Thắng dời về sản xuất vũ khí trong những vườn quế rậm lá, từng đoàn dân quân gánh vỏ đạn và bom thối đến đổi mìn và lựu đạn mang đi. Bộ đội hay qua lại, đêm hát vang xóm. Đường sông Thu Bồn bị địch chặn khúc dưới, muối biển và hàng hóa đồng bằng vẫn lên theo đường 16. Ủy ban định giá đổi hàng cho đồng bào Thượng, không để họ bị bóc lột như thời trước.
Các làng Thượng rước thầy lên dạy chữ và bày thuốc nam, giảm cúng vái rất nhiều. Thanh niên Thượng đi Vệ quốc quân ngày càng đông. Vùng tây Quế Sơn được tách thành một huyện riêng, lấy cái tên quen thuộc của vạn Phước Sơn đặt cho huyện mới. Kể ra, cái tên Núi Quế đặt cho Phước Sơn mới thật đúng chỗ! �Trước Cách mạng tháng Tám, tôi theo người lớn đi mua ná Thượng làm vũ khí cho du kích Việt Minh, đã lên các làng Trà Nô, Gia Ngân thuộc vùng Phước Sơn.
Hầu hết dân các làng ấy nói được tiếng Kinh. Làng ở chung tùng nóc lớn, chia mỗi gia đình một bếp gồm một hay hai buồng riêng. Tới hồi chống Pháp tôi cũng qua lại vài lần vùng này, học được một ít tiếng Thượng theo kiểu phát âm Việt hóa của người Kinh, mỗi lần nói thử lại bị đồng bào cười trêu ầm ầm! Một dạo tôi đến làng Trà Nô vào mùa suốt lúa, hỏi đổi heo. Một anh nuôi hai con heo muốn đổi, ghé miệng chỗ kê sàn, kêu một tràng: "ngụt... ụt ụt ụt...". Trong bầy heo ba bốn chục con kiếm ăn lang thang ngoài bìa rừng, chỉ có hai con ụt ịt chạy thẳng về ngay dưới bếp của chủ, ngóc đầu eng éc đòi ăn. Họ dạy heo tài thật! Sau một lát tôi mới để ý thấy phụ nữ đi vắng cả.
Hỏi ra mới biết hồi ấy chỉ có phụ nữ địu con trên lưng đi suốt lúa. Họ nấu cơm giã gạo đến khuya, mờ sáng dậy còn nấu cho người và heo ăn xong mới ra rẫy. Đàn ông giữa ngày mùa cứ đi đặt bẫy kiếm thịt rừng, cắm câu đặt đó bắt "thịt nước", rình bắn công hay gà rừng là thứ "thịt bay". Chồng nghe lời cán bộ, muốn đi suốt lúa cũng bị vợ cản: việc của đàn bà. Đi đường, vợ dịu con và cõng nặng đến mấy cũng mặc, chồng chỉ cầm ná vác dáo và đeo cái gùi mỏng áp lưng, hình như do thói quen sẵn sàng chiến đấu chống thú dữ và các bộ lạc thù địch. Đáp lại khi kiếm được thịt cá, người chồng nhường cái đầu và những miếng ngon nhất cho vợ theo lệ xưa.
Trong việc đổi chác, họ thường theo ý thích mà không cần biết giá cả do ủy ban định ra. Cần muối, cho một gà lấy một chén muối. Cuốn vở cũng một gà. Cái rựa tốt hay cái nồi đồng cũng một gà nốt, cùng lắm thì bù thêm cái chuông đép 7 đựng trầu thuốc đang dùng! Lắm lúc cán bộ phải chen vào tính toán hộ, buộc thương lái trả thêm để họ khỏi thiệt, hoặc nói tỉ mỉ để họ hiểu "mình ưng cái nồi năm, mình phải cho con heo". Mãi về sau họ mới quen với đồng tiền và giá hàng.
Tuy vậy, ai tưởng họ khờ dại thì lầm to. Người Thượng khắp nơi luôn luôn có ưu thế đặc biệt là kiểu giả dại, giae ngộ, thường dùng để chống chọi với địch. Người Phước Sơn cũng vậy. Họ đã bỏ tục mê tín rất nhiều, khi địch tới thì vấp phải không biết bao nhiêu lệ kiêng cữ. Việc bé xé ra to, lắm khi thằng địch làm thế bí phải mua trâu đền vì phạm cữ, nếu không muốn đền mạng. Chúng lắc đầu bảo nhau: "Ông vua cũng thua đứa liều!". Cả làng chuyền tay đọc báo cách mạng, khi địch bắt được thì tờ báo biến thành "cái giấy chi của trung châu không biết".
Anh cơ sở đi qua đồn, đáng lẽ phải đưa giấy thông hành của địch lại vô ý rút đưa lầm giấy giới thiệu của ta, vẫn cãi bay được vì "người Thượng không có chữ ni!". Đang lúc hội nghị chi bộ có cán bộ Kinh mặc khố ngồi chung, địch ập vào, chỉ thấy dân làng bàn mở hội cúng cơm mới chung quanh ché rượu cần.
Theo lời kể của anh Tỉa (Học) phó bí thư Đảng ủy Trà Sơn, và anh Nung huyện ủy viên người Thượng, tôi ghi lại vụ kiện lật tề năm 1954-55, tiếp một ít về cuộc nổi dậy 1960 mở đầu từ xóm ông Tỉa thuộc làng Trà Nô.
Chú thích
1.Rượu thịt chó.
2.Một đồng chí công tác lâu năm ở tây Quảng Nam cho biết Cà-doạt (K-yoat) là từ mở đầu chung trong tên gọi của một nhóm chừng 8 - 9 làng Thượng ở huyện Phước Sơn chứ không phải là tên riêng của một dân tộc. Vì trình độ non kém, tôi chỉ có thể ghi theo lời kể và đợi kết luận của các nhà dân tộc học.
3.Bến sông có xóm làng.
4.Chiêng, thanh la.
5.Hội An và Đà Nẵng.
6.Bó to.
7.Một kiểu hộp dẹt, mềm, đan bằng sợi dang hoặc mây, có trang trí.
Trong Mưa Núi Trong Mưa Núi - Phan Tứ Trong Mưa Núi