"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Tác giả: Hồng Hà
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 144 / 12
Cập nhật: 2020-05-03 18:19:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Pháo Hiệu
ùa đông đầu tiên sau chiến tranh ở Pa-ri hết sức khắc nghiệt. Nhân dân thiếu than để sưởi và nạn đầu cơ than hoành hành làm cho đời sống người lao động them khổ cực. Than ở vùng mỏ Pa đờ-ca-le - miền Bắc nước Pháp không đưa về được do thiếu phương tiện vận chuyển và đường xá bị bom đạn chưa sửa xong. Người ta phải lấy hàng vạn tấn than của vùng Pháp chiếm đóng bên Đức chở bằng đường thủy về Pa-ri. Ban đêm vẩn thi hành lệnh giới nghiêm và sáng ra, người xếp hàng đông trước các cửa hang bánh mì và thực phẩm. Bọn chủ ra sức bóc lột công nhân. Hàng vạn người thất nghiệp, người ăn xin lang thang trên các vỉa hè. Một làng sóng bãi công lang khắp nước Pháp. Công nhân ở hầu khắp các ngành công nghiệp ngừng việc đòi tăng lương và ngày làm không quá 8 giờ. lần đầu tiên trong đời, anh Nguyễn hòa mình vào cuộc đấu tranh rộng lớn ấy của Đảng xã hội và các công đoàn Pháp, thấy được phần nào tính gây gắt của cuộc xung đột giai cấp.
Nhưng đối với anh Nguyễn, số phận của đồng bào và Tổ quốc anh sau chiến tranh vẫn là mối quan tâm hàng đầu của anh. Bọn thực dân quên ngay hàng vạn người Việt Nam đã bỏ mình trên đất Pháp, đất Đức và ở vùng Ban-căng. Anh Nguyễn còn thấy ở phía bắc Pa-ri còn hàng vạn người Việt Nam khác đào đắp đất từ tháng nay sang tháng khác, ăn ở tồi tệ, sống như tù khổ sai, duy chỉ không có cùm ở chân vì họ không biết chạy đi đâu.
Khi đại bác của đế quốc đã ngấy thịt người da đen, da vàng thì những lời hứa hẹn bay bướm của thực dân tan biến ngay và người Việt Nam trở thành “giống người hèn hạ”. Anh Nguyễn căm giận khi đọc thấy trên báo chí của bọn thực dân những đoạn viết như sau: “Đối với cái giống An Nam, chỉ có một cách cai trị tốt nhất là thống trị bằng vũ lực… Dạy học cho người An-nam hoặc cho phép họ tự học là một mặt cấp cho họ những súng bắn nhanh để chống lại chúng ta, mặt khác đào tạo nên những con chó có kiến thức chỉ tổ làm rầy rà hơn là có ích đối với chúng ta”. Ở Việt Nam, người Pháp là chúa tể được tự do bóc lột, đánh đập, bắt giết người bản sứ. Còn người Việt Nam nếu lên tiếng kêu ca, phàn nàn thì lập tức bị bỏ tù. Người Pháp nắm độc quyền buôn bán, ngoại thương chiếm ruộng đất, đi lại tự do, còn người Việt Nam là đối tượng của một chính sách ngu dân, bần cùng hóa, không có quyền tự do đi lại trên đất nước của mình. Sau chiến tranh số người bị đưa đi giam ở Côn Đảo, Sơn La, đưa đi đày ở Guy-an và Tân Thế Giới lại tăng lên.
Anh Nguyễn muốn tố cáo với mọi người ở khắp mọi nơi tôi ác của chủ nghĩa thực dân và những bất công tày trời ở Việt Nam. Giăng Lông-ghê thông cảm với anh, khuyến khích anh viết tin, viết bài đăng báo Dân chúng. Là một trạng sư, Giăng Lông-ghê lấy vợ là Gien-ni Mác, con gái Các Mác, chuyên nghiên cứu phong trào công nhân thế giới và cũng như người cha, Sác-lơ Lông-ghê, một chiến sĩ Công xã Pa-ri, Giăng rất nhiệt tình với những người bị áp bức. Giăng Lông-ghê gọi anh Nguyễn là “đồng chí thân ái”, giúp anh Nguyễn hiểu biết một số vấn đề chính trị, đồng thời cũng được anh Nguyễn giúp hiểu được tình cảnh của nhân dân thuộc địa.
Nhờ Lông-ghê, anh Nguyễn biết được một vũ khí mới để chống thực dân và làm cho thế giới biết đến đồng bào của anh. Vũ khí ấy là ngòi bút. Nhưng anh viết bằng tiếng Pháp chưa thạo. Anh tự bảo mình phải học viết cho kỳ được. Chính Ga-xtông Mông-mút-xô, chủ bút báo đời sống công nhân đã tận tình dạy anh viết báo.
Ga-xtông bảo anh Nguyễn:
– Có tài liệu gì, anh cứ viết rồi tôi đăng cho.
Anh Nguyễn đáp:
– Tài liệu thì có, chỉ tội tôi không viết được.
Ga-xtông động viên:
– Anh cứ viết ba dòng, năm dòng cũng được. Có thế nào thì viết thế ấy. Nếu viết có sai mẹo mực thì tôi sửa cho.
Anh Nguyễn viết ba, bốn dòng, chép ra hai mảnh giấy, một gửi cho Ga-xtông, một anh giữ lại. Anh sung sướng thấy bài được đăng báo, đem so bài báo đã đăng với bào báo giữ lại xem sai, dở chỗ nào để rút kinh nghiệm. Ít lâu sau, Ga-xtông nói:
– Anh viết được ba dòng rồi, bây giờ thử kéo dài ra.
Anh Nguyễn cố gắng kéo dài mãi cho đến lúc viết được mười dòng. Lúc này, Ga-xtông lại khuyến khích:
– Anh kéo dài nữa đi cho tài liệu thành một bài nhỏ.
Thế là anh Nguyễn cố viết được một cột báo, rồi một cột rưỡi. Nhưng Ga-xtông lại dặn:
– À bây giờ anh viết được rồi thì nên làm một cách khác, rút ngắn bài lại. Từ một cột rưỡi, nay chỉ viết một cột thôi. Viết cho thật chặt chẽ, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết thì bỏ đi.
Anh Nguyễn đếm một dòng có bao nhiêu chữ, một cột có bao nhiêu dòng để rút ngắn cho đến lúc còn một cột và còn mười dòng. Ga-xtông vui vẻ nói:
– Được rồi đấy, viết dài được, viết ngắn được, bây giờ có vấn đề gì thì viết dài hay viết ngắn, tùy ý anh. Câu chữ viết cho rõ ràng, không lủng củng. Chữ nào không hiểu mà muốn dùng thì hỏi anh em, chớ có dùng ẩu.
Anh Nguyễn viết về những chuyện thật xảy ra ở Việt Nam và các thuộc địa khác, những chuyện mà người đọc và ngay cả đảng viên xã hội Pháp cũng không biết. Anh Nguyễn rút ra bài học của thứ lao động trí óc này: quyết tâm thì khó mấy cũng làm được. Và đêm nào cũng vậy, dù bận gì anh cũng bỏ ra hai tiếng để học tập thêm.
Mác-sen Ca-sanh cũng nhiều lần đến gặp anh Nguyễn hỏi về sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Việt Nam. Dạo đó, Mác-sen Ca-sanh vào tuổi 50, phụ trách ban tuyên truyền của Đảng xã hôi, là một giáo sư triết học có tài hùng biện, nhiệt tình và chân thành. Câu chuyện của anh Nguyễn là những tài liệu quý giúp Ca-sanh viết báo và đấu tranh tại quốc hội Pháp. Anh Nguyễn còn nói về tôi ác của thực dân Pháp tại cuộc họp của chi bộ Đảng, ở nhiều buổi sinh hoạt của Đoàn thanh niên xã hội các quận nội thành Pa-ri và lần đầu tiên trước đông đảo người nghe tại hội trường Nhà địa lý, số nhà 184, đường Xanh Giéc-manh, trên mặt tường phía trước có quả cầu đắp nổi bản đồ thế giới – nơi đây năm năm về trước Lê-nin đã từng diễn thuyết về vấn đề dân tộc.
Công ăn việc làm của anh Nguyễn chưa ổn định. Các đồng chí trong Đảng lấy được cho anh một giấy phép lao động, một thủ tục cần thiết đối với người nước thuộc địa để đi xin việc làm ở Pa-ri. Anh Nguyễn tìm được việc rữa ảnh, phóng ảnh và sửa ảnh ở hiệu ảnh Lê-ne, số nhà 7 ngõ Công-poanh, với lương tháng 120 phrăng. Pôn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê giao cho anh thợ nhà in Dếch-ki-ni, một đảng viên xã hội, tìm giúp anh Nguyễn một buồng trọ. Lúc đó nhà ở trong Pa-ri khan hiếm do nhiều ngôi nhà bị chính quyền trưng dụng trong chiến tranh, hơn nữa ít người muốn cho người An-nam thuê. Cuối cùng Dếch-ki-ni kiếm được một chỗ trọ cho anh Nguyễn; một căn buồng nhỏ hẹp trên gác ba nhà số 9 ngõ Công-poanh.
Đây là một ngõ cụt, mặt đường lát đá với rặng cây dẻ dại hai bên đường và hơn chục ngôi nhà lụp xụp. Nhà số 9 xây từ thế kỉ trước có 3 cửa ra vào. Một cửa bước thẳng vào sân sau nhà, một cửa chính của quán cà phê nhỏ ở tầng dưới cùng và một cửa ngách để đi lên gác. Bà Gia-mô, chủ nhà, cho anh Nguyễn thuê gian buồng mỗi bề khoảng 3 mét, không bếp, không nước, không điện, không lò sưởi, gió thổi vi vu qua khe cửa và hơi ẩm làm mốc từng mảng tường. Cả gian buồng chỉ có một cửa nhỏ nhìn ra tấm tường của nhà bên cạnh chắn trước mặt, phải đứng chếch sang bên cửa mới nhìn thấy một mảng trời con. Khung cửa trông xuống một sân lát gạch mấp mô có đàn gà thả rông và một chuồng gà của một nhà hàng xóm. Chủ nhà bắt anh Nguyễn trả trước tiền thuê buồng và trả thứ thuế kì lạ là thuế tường.
Buồng anh Nguyễn chỉ đủ kê một cái giường sắt, một cái bàn con và một cái tủ gổ nhỏ. Trên bàn có một cái thau, trong thau có một bình đựng nước để rửa mặt. Khi anh Nguyễn viết hoặc đọc sách thì anh đút thau và bình nước xuống gầm giường. Hàng ngày anh giặt quần áo ở vòi nước bên ngoài buồng, đầu cầu thang, và anh xách nước từ đây về buồng dùng. Anh tự nấu lấy cơm bằng một cái bếp cồn để ở góc buồng, sáng ăn một nửa, còn một nửa để tối ăn. Ngày nào cũng thế, anh xuống nhà tìm trong hộp gỗ đựng thư treo ở gần cửa ra vào lấy từ, báo chí do bưu điện mang đến. Đi đâu về anh cũng lấy các thứ trong hộp thư rồi mới lên buồng. Mùa đông, mỗi sáng anh để một viên gạch vào lò bếp của nhà trọ ở tầng dưới nhìn ra sân trong, chiều đến anh lấy viên gạch ra, bọc nó vào tờ báo để lót ở chỗ giường nằm cho đỡ rét.
Gian buồng chật hẹp, tồi tàn và ẩm thấp ấy trong nhà số 9 ngõ Công-poanh đối với anh Nguyễn từ khi anh rời nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh, là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc sống của anh giữa Pa-ri. Nó đánh dấu về sự độc lập về kinh tế và chính trị của anh với cụ Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường, lấy nhà đó làm địa chỉ liên lạc với một số nơi.
Nhà số 9 ngõ Công-poanh trở thành một trung tâm mới thu hút mọi tần lớp Việt kiều. Anh Nguyễn tiếp nhiều kiều bào là lính chiến đến kể với anh nỗi khổ của họ trong các trại lính sau nhiều năm làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân. Họ không có quyền gì, ngoài quyền bị bóc lột và đánh đập như con vật. Họ yêu cầu anh Nguyễn viết sách, ra báo cho họ đọc. Anh chỉ cho họ thấy âm mưu của thực dân giữ họ lại trên đất Pháp, tuy chiến tranh đã kết thúc, là nhằm sử dụng nhân công rẻ mạt để dọn dẹp, khôi phục những nhà máy của bọn đại tư bản và để phá hoại phong trào bãi công của công nhân dân Pháp. Anh vận động họ đấu đòi bọn thực dân đưa họ trở về Việt Nam. Cả những sinh viên Việt Nam ở cư xá sinh viên phố Xom-mơ-ra cũng tìm đến anh. Và người ta thấy những Việt kiều thường xuyên đi lại nhà số 9 là Trần Văn Kha, Trần Xuân Hộ, Nguyễn Văn Thịnh, Bạch Thái Thông, Lã Quý Lợi, Nguyễn Văn Khương, Trần Quân Lâm, Bùi Công Ngôn,… Sự tiếp xúc rộng rãi ấy càng giúp anh hiểu rõ nỗi bất bình của nhân dân ta đối với bọn thống trị Pháp và lòng khao khác độc lập của mọi người. Anh lắng nghe nhiều ý kiến và anh cũng tìm thấy nhiều người hăng hái ủng hộ anh.
Ngõ Công-poanh thuộc quận 17, một khu phố ở rìa Pa-ri, khu phố của những người lao động. Từ đây, anh Nguyễn quan sát cuộc sống của nhân dân và sinh hoạt của xã hội, khám phá bộ mặt thật và tâm trạng thật của Pa-ri mà cũng là của nước Pháp. Anh đã nhìn thấy cảnh tượng trái ngược nhau giữa quận anh ở và quận 8 ngay bên cạnh. Quận 8 với Khải hoàn môn là khu phố của những khách sạn lộng lẫy, những tòa nhà sang trọng của giai cấp bóc lột, những vườn hoa sặc sỡ. Đấy là nơi trưng khoe sự xa hoa, sự giàu có và sự lười biếng. Đấy là thiên đường của bọn ăn bám đủ loại và đủ thứ quốc tịch. Một con chó nhà giàu ở đây sống sang và tốn hơn rất nhiều một người công nhân.
Còn cái quận anh Nguyễn ở là một thế giới khác tách riêng ra. Nhà cửa thấp bé, phố xá chật chội, bẩn thỉu, cửa long trông như những mặt người hốc hác. Anh Nguyễn nghĩ dến cảnh ép mía ở quê anh. Nước mía chảy về một phía tre ép, còn bã mía thì dồn lại ở một phía khác. Ở đây một bên là sự giàu sang và nhàn rỗi, còn bên khác là sự cực nhọc và thiếu thốn. Cái quận của công nhân và người nghèo mà anh Nguyễn sống và nhìn thấy hàng ngày chính là khu phố của những người sản xuất nhưng đang chết đói dần.
Giữa quận là một đoạn phố, ở đó có một trường tiểu học, một nhà máy và một nhà phát cháo bình dân. Anh Nguyễn phẫn nộ nhìn cái cảnh tượng tàn bạo ấy do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Thời niên thiếu, đứa trẻ học ở trường về sự tôn trọng đặc quyền tối cao của bọn chủ. Lớn lên, làm công nhân để làm giàu cho chúng. Về già, người công nhân ấy sau bao nhiêu năm lao động vất vả bị vứt ra vỉa hè sống bằng bát cháo bố thí của bọn chủ.
Sáng nào đi làm anh Nguyễn cũng bướt qua nơi phát cháo cứu tế ấy. Trời mưa cũng như trời nắng, lúc nào anh cũng thấy ở đây khoảng ba chục người già, ăn mặc rách rưới, đi giầy há mõm. Để giết thời giờ trong khi chờ mở cửa quầy phát cháo, họ đọc mấy mảnh báo Ma-tanh hoặc Pơ-ti Pa-ri-diêng nhặt từ một đống rác. Hôm nào trời lanh, họ thổi phù phù trong lòng bàn tay hoặc đi đi lại lại cho ấm người. Một bác già nói với anh Nguyễn: “Lò sưởi của chúng tôi đấy”.
Họ đói khổ nhưng tất cả đều hòa nhã và do gặp nhau luôn, họ bắt đầu quen anh Nguyễn. Một bác làm cho anh Nguyễn chú ý. Bác ta sạch sẽ, chỉnh tề. Một hôm anh Nguyễn đến bắt tay và nói:
– Nếu bác đồng ý, tôi xin mời bác đi ăn với tôi vào chủ nhật tới.
– Ông tốt quá, nếu tôi từ chối thì không tiện. Xin nhận lời mời của ông.
Ngày chủ nhật, hai người vào một quán ăn bình dân. Bác công nhân nói với anh Nguyễn:
– Tôi không dám bắt chuyện trước với ông vì ông là một người nước ngoài và hơn nữa tôi nghĩ mình là một lão già khổ sở, một đứa ăn mày cho nên không dám gọi ông. Nhưng mỗi lần ông đi qua trước mặt, tôi lại thấy đau lòng và muốn khóc. Thấy ông tôi lại nhớ đến đứa con trai út của tôi chết trong chiến tranh. Nó có lẽ bằng tuổi ông. Hồi trẻ tôi đã đi nhiều nước, tôi đã từng đến nước của ông, tới cả Sài Gòn, Hải Phòng. Sau tôi lấy vợ, nhà tôi mở một cửa hiệu nhỏ, còn tôi thì vào làm nhà máy. Chúng tôi có ba con, hai trai, một gái. Chiến tranh đã giết tất cả vợ con của tôi. Còn tôi, sau nhiều năm đi làm trong nhà máy bây giờ phải sống bằng cháo bố thí.
Mắt bác công nhân rớm lệ. Anh Nguyễn nghĩ đến hàng triệu người vô sản đang đấu tranh, nghĩ đến những khuôn mặt công nhân hăng hái và cương nghị mà anh từng gặp ở các buổi mít tinh và sinh hoạt chính trị.
Tình hình sôi động của Pa-ri sau chiến tranh thế giới thứ nhất lôi cuốn anh Nguyễn vào nhiếu cuộc diễn thuyết và hội họp. Nhưng anh là một người muốn hành động. Vì Tổ quốc và vì nhân dân. Một dịp tốt đã đến. Tháng giêng năm 1919, đại biểu các nước thắng trận và thua trận kéo đến họp Hội nghị hòa bình tại lâu đài Véc-xây cách Pa-ri khoảng 23 ki-lô-mét về phía tây nam. Nhiều đoàn đại biểu thay mặt các dân tộc bị áp bức và phụ thuộc như A-rơ-len, Ấn Độ, Triều Tiên, Ả-rập cũng đến Véc-xây vì nghe có tuyên bố của tổng thống Mỹ Uyn-xơn hứa trao trả độc lập. Lúc đó, đoàn đại biểu Triều Tiên đòi tự trị cho nước mình lập bàn giấy ở số nhà 38 phố Sa-tô-đoong, Pa-ri, và mở ở đấy một phòng thông tin bày nhiều sách báo. Anh Nguyễn làm quen được với người phụ trách đoàn. Người này tặng anh nhiều sách báo nói về cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên và cung cấp cho anh nhiều tin về hôi nghị Véc-xây. Anh Nguyễn còn liên lạc và làm quen với đoàn đại điện Ai-rơ-len do nhà yêu nước Ô Xi-lai dẫn đầu. Anh có người quen là bác sĩ Si Ton-phan trong đoàn đại biểu Trung Quốc, ở nhà số 13 phố Hô-xman. Gặp biết bao nhiêu người cùng cảnh ngộ và hiểu biết thêm biết bao nhiêu dân tộc cùng nỗi khổ đau như dân tộc anh.
Anh Nguyễn nẩy ra sáng kiến: thay mặt những người Việt Nam yêu nước, anh gửi đến hội nghị Véc-xây bản yêu cầu đòi tự do, dân chủ và quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam.
Mặc bộ quần áo đi mượn của một người bạn, anh cầm bản yêu cầu ấy đi trong những hành lang thếp vàng của lâu đài Véc-xây đến trao cho văn phòng của hội nghị. Sáng sớm hôm sau, anh đến bấm chuông nhà số 6 phố Đô-bi-nhi. Đây là nhà của Giuyn Căm-bông, đại sứ Pháp đi dự hôi nghị Véc-xây cùng với thủ tướng Pháp Clê-măng-xô. Bước vào văn phòng kiểu ăm-pia của nhà ngoại giao Pháp từng làm đại sứ nhiều năm ở Đức, anh Nguyễn trao một bản yêu cầu của nhân dân Việt Nam và đề nghị đưa ra trước hội nghị. Anh Nguyễn còn gửi bản yêu cầu nói trên đến nhiều nghị sĩ quốc hội Pháp và tất cả các đoàn đại biểu đồng minh dự hôi nghị, trong đó có đoàn đại biểu chính phủ Hoa Kỳ, kèm theo bức thư sau đây:
“Thưa ngài,
Nhân dịp chiến thắng của đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gởi đến ngài kèm theo đây bản ghi những yêu sách của nhân dân An Nam.ôi mong ngài ủng hộ bản yêu sách này
Tin tưởng ở độ lượng cao cả của ngài, chúng tôi mong ngài ủng hộ bản yêu sách này trước những người có thẩm quyền.
Xin ngài vui lòng nhận lấy sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi.
Thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước.
Nguyễn Ái Quốc.”
Hầu hết các đoàn đại biểu và các nghị sĩ Pháp đều trả lời anh. Thư của đoàn đại biểu Mỹ như sau:
“Đoàn Mỹ tại Hội nghị hòa bình.
Pari, ngày 19-6-1919
Thưa ông Nguyễn Ái Quốc,
Đại tá Hao-xơ giao cho tôi báo để ông biết là đã nhận được bức thư của ông đề ngày 18-6-1919 và cảm ơn ông đã gởi cho chúng tôi bản yêu sách của nhân sách An Nam nhân dịp chiến thắng của đồng minh.
Xin ông nhận những tình cảm quý trọng của tôi.
Đại biện xứ quán Mỹ”
Và hôm sau, đoàn Mỹ lại gửi thêm cho anh một bức thư khác:
“Đoàn Mỹ tại hội nghị hòa bình.
Pari, ngày 19-6-1919
Kính thưa ông Nguyễn Ái Quốc,
Tôi lấy làm hân hạnh báo để ông biết chúng tôi đã nhận được thư ông đề ngày 18-6-1919 và xin nói rằng chúng tôi sẽ trình thư đó lên tổng thống.
Ký: Thư ký riêng của tổng thống Mỹ”
Thư của đoàn đại biểu nước Cộng hòa Ni-ca-ra-goa viết:
“Khách sạn Ruýt-xi, số 1, phố Đờ-ru-ô.
Ngày 19-6-1919
Thưa ông Nguyễn Ái Quốc,
Chúng tôi hân hạnh báo để ông biết chúng tôi hân hạnh nhận được thư ông đề ngày 16-6 vừa qua cùng với Bản yêu sách của nhân dân An Nam mà ông gửi cho ông Xan-va-đo Sa-mô-rô, đại biểu Ni-ca-ra-goa tại Hôi nghị hòa bình.
Ông Sa-mô-rô giao cho tôi chuyển lời cảm ơn ông về bản tài liệu nói trên đã làm cho ông ta hết sức chú ý.
Xin ông nhận ở đây những tình cảm quý trọng của tôi.
Ký: Thư ký đoàn đại biểu Ni-ca-ra-goa”
Lần đầu tiên nhờ sáng kiến anh Nguyễn, vấn đề quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam được dặt ra với một hội nghị quốc tế với nhiều vị lãnh đạo nhà nước trên thế giới. Anh Nguyễn những yêu sách nói trên là tối thiểu, nếu không được những cái đó thì con người hoàn toàn là nô lệ. Những yêu sách đó khiêm tốn cả về hình thức lẫn nội dung, thế mà bọn đế quốc không để ý tới. Hội nghị Véc-xây chỉ là nơi chia lại thị trường của chúng. Chúng không quan tâm đến nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức mà còn trút thêm gánh nặng lên đầu họ. Những tuyên ngôn của Mỹ và những đế quốc khác về tự do, dân chủ, tự trị và độc lập hoàn toàn là bịp bợm. Anh Nguyễn rút ra một kết luận quan trọng: muốn được độc lập và tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải dựa vào sức mình là chính. Người Việt Nam phải tự giải phóng lấy mình.
Đối với anh Nguyễn, không bao giờ anh nghĩ rằng chỉ cần nộp một bản yêu sách như thế là bọn đế quốc trao trả ngay độc lập. Anh coi đây là dịp tốt để vạch mặt chủ nghĩa thực dây và gây dư luận trên thế giới, làm cho mọi người biết có một dân tộc Việt Nam đang đòi quyền sống. Đây cũng là dịp thức tỉnh nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh.
Ngay sau khi Hội nghị Véc-xây kết thúc, nhạy bén, linh hoạt, tháo vát và sôi nổi tinh thần tiến công, anh Nguyễn đến ngay nhà in Sác-păng-chi-ê, số 70 phố Gô-bơ-lanh, bỏ tiền dành dụm riêng của anh ra thuê in bản yêu sách thành 6000 tờ truyền đơn. Anh cùng kiều bào trong hội những người Việt Nam yêu nước mang những truyền đơn đó đến các tòa soạn báo Pa-ri nhờ đăng, đến trao tay nhiều nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, đi phân phát ở các cuộc hội họp mít-tinh của Tổng công đoàn Pháp, đảng xã hội Pháp và của Việt kiều. Anh Nguyễn gửi nhiều truyền đơn đó qua bưu điện về Việt Nam và nhờ những thủy thủ Việt Nam, Pháp cùng anh em lính chiến hồi hương chuyển về trong nước.
Anh tổ chức giữa Pa-ri nhiều cuộc họp để giới thiệu bản yêu sách và tuyên truyền việc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Việt Nam. Anh tự đi mời giáo sư Ô-la của trường đại học Xoóc-bon đến chủ tọa một buổi nói chuyện ủng hộ nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Nhà diễn thuyết nổi tiếng An-be Sa-lay của Hội nhân quyền Pháp cũng theo đề nghị của anh cổ động cho việc tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Các báo Nhân Đạo và Dân Chúng đăng bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc. Người Pháp coi hành động của anh Nguyễn là một vụ nổ “quả bom chính trị” giữa Pa-ri làm cho dư luận Pháp hết sức chú ý và lần đầu tiên nhân dân Pháp thấy ra có một vấn đề về Việt Nam. Còn nhân dân Việt Nam thì cho đấy là phát pháo hiệu giục giã đấu tranh. Hàng ngũ bọn thực dân bị chấn động.
Thống đốc Nam Kỳ gửi mật điện về Pháp:
“Sài Gòn ngày 25-7-1919
Kính gửi ông An-be Xa-rô, Bộ thuộc địa Pháp. Điện mật số 1791 – Có truyền đơn kích động gửi từ Pa-ri ngày 18-6 cho nhiều tờ báo thuộc địa. Truyền đơn mang đầu đề “Yêu sách của nhân dân An Nam” và ký “Thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước: Nguyễn Ái Quốc”.
Tôi rất cám ơn nếu ông điện gấp cho tôi biết ngay lý lịch của người viết truyền đơn nói trên. Người này trong thư gửi về đây còn cho biết đã gửi truyền đơn cho nhiều nhân vật ở chính quốc và theo tình báo Nam kỳ thì người đó Bộ thuộc địa đã biết.
Ký: Mông-ghi-ô”
Và điện của toàn quyền Đông Dương:
“Gửi cho ông Ghét-xđơ, Bộ thuộc địa
Điện mật số 872, - Tôi báo để ông rõ một người Bắc Kỳ hồi hương bị bắt trong người có mang theo truyền đơn “Quyền các dân tộc” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Nhân Đạo. Người đó khai rằng tờ truyền đơn này được phân phát ở cảng Mác-xây cho từng người trong số 50 người bản xứ hồi hương lúc tàu sắp khởi hành…
Mô-rít-xơ Long”.
Mấy tờ báo thực dân ở Việt Nam không thể không nói đến sự kiện này. Tờ “Tương lai Bắc Kỳ” lúc đó viết:
“Lại Nguyễn Ái Quốc nữa!
Gần đây chúng tôi mới trích đăng một bản yêu sách viết ở Pa-ri, dưới ký tên Nguyễn Ái Quốc. Nay chuyến tàu gần đây nhất đem chính các bản yêu sách đó đến cho chúng tôi đầu đề là “Quyền các dân tộc”. Bản yêu sách này cũng tới tay nhiều thầy ký, thầy thông của nhiều công sở khác nhau…”
Bọn bồi bút thực dân lồng lộn trên tờ “Tin thuộc địa” ra ngày 26-7 có một bài nhan đề: “Giờ nghiêm trọng” nêu lên: “Làm sau một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích chính sách của chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ họ lại mãi mãi trong vòng nô lệ.
Từ Pa-ri, anh Nguyễn viết một tờ truyền đơn mới nhan đề ”Tâm địa thực dân” để trả lời bài báo sặc mùi thực dân kia. Bọn bồi bút thực dân càng công kích anh Nguyễn thì càng có nhiều người Việt Nam biết đến tiếng nói của anh.
Cụ Phan Chu Trinh và ông Khánh Ký đang buôn đô phim ảnh ở vùng Pháp chiếm đóng bên Đức về Pa-ri đến gặp anh Nguyễn, trách anh đi theo một chủ nghĩa quá khích, gọi những hoạt động của anh ở Pa-ri là không khéo léo, khuyên anh mềm dẻo hơn để hi vọng chính phủ Pháp đem lại một số cải cách cho dân ta. Anh Nguyễn nói rõ với hai người về bản chất dã man và xảo trá của chủ nghĩa thực dân Pháp.
Các sở mật thám Pháp và Đông Dương bắt đầu lập hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc, những tập hồ sơ mỗi tháng một dầy lên. Mặc dù đã hất chiến tranh, Bộ thuộc địa Pháp ra chỉ thị duy trì chế độ kiểm duyệt tất cả những thư từ gởi qua bưu điện ở Việt Nam và gửi cho người Việt Nam ở Pháp do những hoạt động và ảnh hưởng tăng lên của Nguyễn Ái Quốc. Những bức thư đã kiểm duyệt mang dấu chữ số 15 ở góc hoặc đóng một con dấu hình quả trám. Hai viên mật thám chuyên đi theo anh Nguyễn ở Pháp được cấp thêm 25000 phrăng một năm để tăng cường việc thu thập tin tức hoạt động của anh Nguyễn. Những bức ảnh đầu tiên chúng chụp lén ở Pa-ri là vào cuối năm 1919 và chúng được chỉ thị cứ sáu tháng chụp lại một lần. Bản báo cáo của Bộ nội vụ Pháp lúc đó ghi: “Qua cuộc điều tra về sự tuyên truyền trong các giới Việt Nam ở Pa-ri ủng hộ bản yêu sách nhân dân Việt Nam, có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó là Nguyễn Ái Quốc, tổng thư ký của nhóm những người Việt Nam yêu nước.”
Và trong một buổi nghe nói chuyện ở hội trường Hoóc-ti-quyn-tơ, Pa-ri, khi lần đầu tiên trong thấy đôi mắt kiên nghị và sáng niềm tin tất thắng của anh Nguyễn, viên mật thám Pháp chuyên teo dõi người Việt Nam ở Pháp là Ác-nu, sau này là chánh mật thám Pháp ở Đông Dương, phải thốt lên với bọn đồng sự ở Bộ thuộc địa: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.
Thời Thanh Niên Của Bác Hồ Thời Thanh Niên Của Bác Hồ - Hồng Hà Thời Thanh Niên Của Bác Hồ