Nguyên tác: The Borrowers (The Borrowers #1)
Số lần đọc/download: 2675 / 62
Cập nhật: 2018-03-18 01:33:44 +0700
Chương 5
A
rrietty không ngủ. Cô bé nằm dưới chiếc khăn trải giường bằng len đan và nhìn chằm chằm lên trần nhà. Đó là một cái trần nhà rất hay. Ông Pod đã xây phòng ngủ Arrietty bằng hai hộp xì gà, và trên trần có hình vẽ rất đẹp cảnh những phụ nữ mặc váy tơ bồng bềnh đang thổi những chiếc kèn dài trên nền trời xanh; ở phía dưới có những cây cọ mượt như tơ và những ngôi nhà màu trắng bé xíu bao quanh một quảng trường. Đó là một hình ảnh đẹp quyến rũ, lại còn tuyệt hơn nữa trong ánh nến, nhưng tối nay Arrietty nhìn chằm chằm mà chẳng thấy gì. Gỗ của hộp xì gà mỏng manh và Arrietty, khi nằm thẳng và vẫn im lìm dưới chiếc khăn trải giường ca rô len, đã nghe thấy những giọng nói lo lắng lên lên xuống xuống. Cô bé nghe thấy tên mình; cô bé nghe thấy bà Homily kêu lên, “Quả hạt và quả mọng, đó là thứ họ ăn!” và cô bé đã nghe thấy, sau giây lát, tiếng thét đến nhói tim, “Chúng ta sẽ phải làm gì đây?”
Vậy nên khi bà Homily xuất hiện bên cạnh giường, cô bé quấn mình ngoan ngoãn trong chiếc khăn ca rô len, khẽ bước đôi chân trần dọc theo hành lang bụi bặm, cô tới ngồi cùng bố mẹ trong không khí ấm cúng của căn bếp. Thu mình trên chiếc ghế đẩu nhỏ, cô bé ngồi hai tay ôm gối, hơi run rẩy, và nhìn từ khuôn mặt này sang khuôn mặt kia.
Bà Homily đến bên cạnh cô bé rồi quỳ xuống sàn nhà và vòng tay quanh tấm vai gầy của Arrietty. “Arrietty,” bà nói với vẻ nghiêm trọng, “con có biết về tầng trên không?”
“Chuyện gì cơ ạ?” Arrietty hỏi.
“Con biết có hai người khổng lồ không?”
“Có,” Arrietty nói, “bà dì Sophy và bà Driver.”
“Đúng thế,” bà Homily nói, “và Crampfurl ở ngoài vườn.” Bà đặt bàn tay thô ráp lên đôi bàn tay nắm vào nhau của Arrietty. “Con có biết về bác Hendreary không?”
Arrietty nghĩ một lát. “Bác ấy đi nước ngoài?” cô bé nói.
“Di cư,” bà Homily sửa lại, “đến phía bên kia của thế giới. Cùng bác Lupy và toàn thể con cái của hai người. Đến một cái hang của con lửng - một cái lỗ bên bờ đất dưới hàng rào cây táo gai. Thế con nghĩ tại sao bác ấy lại làm thế?”
“Ồ,” Arrietty nói, mặt cô bé sáng lên, “để được ra ngoài... để được nằm dưới ánh nắng... để được chạy trên thảm cỏ... để được đu trên cành cây như những chú chim... để được mút mật ong...”
“Vớ vẩn, Arrietty,” bà Homily kêu lên gay gắt, “đó là một thói quen kinh tởm! Mà bác Hendreary của con lại là một người bị thấp khớp đấy. Bác ấy di cư,” bà nói tiếp, nhấn mạnh từng từ, “vì bác đã bị ‘nhìn thấy’.”
“Ồ,” Arrietty nói.
“Bác ấy đã bị Rosa Pickhatchet ‘nhìn thấy’ vào ngày 23 tháng Tư năm 1892, trên cái bệ lò sưởi ở phòng khách nhỏ. Trong tất cả những chỗ có thể bị nhìn thấy...” bà chợt nói thêm với vẻ băn khoăn.
“Ồ,” Arrietty nói.
“Mẹ chưa bao giờ nghe thấy mà có lẽ cũng chưa ai hiểu tại sao lúc đầu bác ấy lại đi đến cái bệ lò sưởi ở phòng khách nhỏ. Chẳng có gì trên đó, bố con đã cam đoan với mẹ, mà lại không thể nhìn thấy nếu đứng từ sàn nhà hay đứng nghiêng trên cái núm cửa tủ và vịn vào chìa khóa cho vững. Đó là điều bố con làm trong những dịp hãn hữu ông từng vào phòng khách...”
“Họ nói vì một viên thuốc gan,” ông Pod chen vào.
“Ý ông là gì?” bà Homily hỏi, giật mình.
“Một viên thuốc gan cho Lupy,” ông Pod mệt mỏi nói. “Ai đó đã khơi tin đồn,” ông nói tiếp, “rằng có những viên thuốc gan trên bệ lò sưởi ở phòng khách nhỏ...”
“Ồ,” bà Homily nói, trông bà có vẻ trầm tư, “tôi chưa bao giờ nghe chuyện đó. Dù thế nào đi nữa,” bà kêu lên, “việc đó thật ngu ngốc, liều lĩnh dại dột. Không có đường xuống nào khác ngoài lối dây kéo chuông. Cô ta lau bụi vào bác ấy, họ nói thế, bằng cái chổi lông, và bác ấy đứng vô cùng im lìm, bên cạnh tượng thần tình ái, tới nỗi cô ta hẳn đã không bao giờ để ý tới nếu bác ấy không hắt xì hơi. Cô ta là người mới, con hiểu không, và chưa biết hết các vật trang trí. Ngay ở đây bên dưới cái bếp chúng ta đã nghe thấy tiếng thét của cô ta. Và sau đó họ không bao giờ bảo được cô ta làm sạch bất cứ cái gì ngoại trừ bàn ghế - nhất là cái thảm bằng da hổ.”
“Tôi hầu như tuyệt chẳng bao giờ bận tâm đến phòng khách nhỏ,” ông Pod nói. “Mọi thứ trong phòng đều có chỗ của nó, đại loại thế, nên thể nào họ cũng thấy cái gì bị mất. Có thể còn lại chút gì ở trên bàn hay ở phía dưới bên cạnh chân ghế, nhưng chẳng có gì nếu không có khách, mà tuyệt chẳng bao giờ có khách - đã chẳng có khách từ mười, hai mươi năm qua. Ngồi đây trên cái ghế này, tôi có thể kể cho bà nghe rành mạch từng thứ đồ có trong phòng khách nhỏ đó, bắt đầu từ cái tủ bên cửa sổ đến cái...”
“Có vô vàn thứ ở trong chiếc tủ đó,” bà Homily ngắt lời, “nhiều thứ trong số đó là bằng bạc đặc. Một cái violin bằng bạc đặc, họ để ở đó, dây đàn và tất cả - rất hợp với Arrietty của chúng ta.”
“Có ích gì đâu,” ông Pod hỏi, “đồ đạc đằng sau cửa kính?”
“Bố không phá được nó à?” Arrietty đề xuất. “Chỉ một góc, chỉ một cái gõ nhẹ, chỉ một cái...” Giọng cô bé trở nên ấp úng khi cô thấy sự ngạc nhiên sửng sốt trên mặt bố.
“Nghe này, Arrietty,” bà Homily lên tiếng với giọng tức giận, và rồi tự kiềm chế lại và vỗ vào hai bàn tay đang siết chặt của Arrietty. “Nó không biết nhiều về việc đi mượn,” bà giải thích với ông Pod. “Ông không thể trách nó được.” Bà lại quay sang phía Arrietty. “Mượn là một công việc cần có kinh nghiệm, như là một nghệ thuật. Trong tất cả các gia đình đã ở trong ngôi nhà này chỉ có mỗi chúng ta còn ở lại, và con biết tại sao không? Vì bố con, Arrietty, là người mượn giỏi nhất được biết đến ở vùng này từ - ừm, trước thời của ông con. Ngay cả bác Lupy của con cũng thừa nhận như thế. Thời bố con còn trẻ mẹ đã được chứng kiến bố con đi suốt dọc cái bàn đã bày mâm, sau khi đánh kẻng, lấy từ mỗi đĩa một quả hạch hay một cái kẹo, và leo xuống bằng nếp gấp của chiếc khăn trải bàn ngay lúc những người đầu tiên tiến vào cửa. Bố con thường làm thế cho vui, đúng không ông Pod?”
Ông Pod mỉm cười thiểu não. “Điều đó tuyệt chẳng có ý nghĩa gì,” ông nói.
“Có thể là như thế,” bà Homily nói, “nhưng ông đã làm thế! Có ai khác dám làm thế nữa chứ?”
“Hồi đó tôi còn trẻ,” ông Pod nói. Ông thở dài và quay về phía Arrietty. “Ta không phá vỡ đồ đạc, cô bé ạ. Đó không phải là cách làm việc này. Đó không phải là đi mượn...”
“Hồi đó chúng ta giàu có,” bà Homily nói. “Ồ, chúng ta đã có những thứ đồ đáng yêu. Con mới chỉ là một đứa bé, Arrietty, nên chẳng nhớ được đâu. Chúng ta có cả một bộ nội thất bằng gỗ óc chó từ ngôi nhà búp bê và một bộ ly rượu thủy tinh xanh lục, và một hộp đựng thuốc lá bột phát nhạc, thế rồi các anh em họ đến và chúng ta tiệc tùng. Ông còn nhớ không ông Pod? Không chỉ riêng các anh em họ. Nhà Harpsichord cũng đến. Tất cả mọi người đều đến - trừ nhà Overmantel[1] từ phòng khách. Và chúng ta đã khiêu vũ hoài khiêu vũ mãi và đám thanh niên ngồi cạnh cái lưới sắt. Cái hộp đựng thuốc đó chơi ba bài - Clementine, Chúa phù hộ cho Nữ hoàng vàNước kiệu xe thư tín. Chúng ta là nỗi ghen tị của tất cả mọi người - ngay cả nhà Overmantel...”
[1] Harpsichord nghĩa là “đàn Clavico”; Overmantel nghĩa là “đồ trang trí trên bệ lò sưởi”. Các gia đình Người Vay Mượn được gọi tên theo nơi ở của họ.
“Nhà Overmantel là ai vậy?” Arrietty hỏi.
“Ồ, con phải nghe mẹ kể về nhà Overmantel rồi chứ nhỉ,” bà Homily kêu lên, “cái lũ vênh váo ở trên bức tường cao - ở giữa những thanh gỗ mỏng và vữa tường đằng sau bệ lò sưởi trong phòng khách. Và họ là một lũ kỳ quặc. Đàn ông thì hút thuốc liên tục vì lọ thuốc lá được để ở đó; bọn họ trèo lung tung và đi ra đi vào trên những nét chạm trổ ở phần trên cái bệ, trượt xuống những chiếc cột và khoe khoang. Phụ nữ nhà ấy cũng là một lũ kiêu ngạo, lúc nào cũng tự ngắm mình trong những miếng kính gắn trên bệ. Họ không bao giờ mời ai lên đó và mẹ thì chắc chắn chưa bao giờ muốn lên. Mẹ không chịu được độ cao, còn bố con chưa bao giờ ưa đàn ông nhà họ. Bố con bao giờ cũng sống rất đứng đắn, bố con là thế, và không chỉ riêng những hộp thuốc lá mà cả những bình rượu whisky cũng được đặt ở phòng khách và người ta nói đàn ông nhà Overmantel thường hút cặn trong ly rượu bằng những ống lông vũ dùng để thông tẩu mà con người để trên bệ lò sưởi. Mẹ không biết có thật hay không nhưng người ta nói đàn ông nhà Overmantel này thường tiệc tùng vào thứ Ba hàng tuần sau khi người quản gia đến phòng khách để bàn công việc. Nằm dài ra, họ làm như thế đấy, say khướt - hoặc theo kể lại thì như thế - trên chiếc khăn trải bàn bằng nhung lông màu xanh lục, giữa đống hộp thiếc và sổ sách kế toán...”
“Nào, bà Homily,” ông Pod phản đối, ông không thích chuyện ngồi lê đôi mách, “tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ.”
“Nhưng ông cũng không ưa họ, ông Pod. Chính ông nói khi chúng ta kết hôn thì đừng mời gia đình Overmantel.”
“Họ ở quá cao,” ông Pod nói, “chỉ có thế thôi.”
“Ừ thì, họ là một lũ lười biếng - ông không thể bác bỏ chuyện đó. Họ chẳng bao giờ có kiểu cuộc sống tổ ấm. Họ giữ ấm vào mùa đông bằng hơi nóng từ ngọn lửa trong phòng khách và không ăn gì khác ngoài đồ ăn sáng; bữa ăn sáng, tất nhiên, là bữa duy nhất được dọn trong phòng đó.”
“Chuyện gì đã xảy ra với họ?” Arrietty hỏi.
“Ừ thì, khi Ông chủ qua đời và Bà nằm liệt giường, thì phòng khách chẳng dùng để làm gì nữa. Thế nên nhà Overmantel phải ra đi. Họ còn có thể làm gì khác được nữa? Không thực phẩm, không lửa. Đó là một căn phòng rét buốt vào mùa đông.”
“Còn nhà Harpsichord?” Arrietty hỏi.
Bà Homily trầm ngâm. “Ừm, họ thì khác. Mẹ không nói họ không phải là người vênh váo, vì họ là như thế. Bác Lupy của con, người đã kết hôn với ông bác Hendreary, vốn là người nhà Harpsichord vì từng kết hôn với một người nhà đó và chúng ta đều biết những điệu bộ của bà ấy.”
“Nào, bà Homily...” ông Pod lên tiếng.
“Thế đấy, bà ta đâu có quyền làm như vậy. Bà ta chỉ là một người nhà Rain-Pipe[2] đến từ chuồng ngựa cho đến khi kết hôn với Harpsichord.”
[2] Ran-Pipe nghĩa là “máng nước mưa”.
“Bác ấy không cưới bác Hendreary à?” Arrietty hỏi.
“Có, sau đó kia. Bà ấy là một góa phụ với hai đứa con và bác trai cũng góa vợ với ba đứa. Đừng nhìn tôi như thế ông Pod. Ông không thể bác bỏ được rằng bà ấy làm bác trai kiệt sức: bà ấy nghĩ kết hôn một người nhà Clock[3] là sự hạ mình.”
[3] Clock nghĩa là “'đồng hồ”.
“Tại sao?” Arrietty hỏi.
“Vì nhà Clock chúng ta sống ở dưới bếp, lý do là vậy đấy. Vì chúng ta không nói chuyện kiểu cách và ăn bánh nướng với cá cơm. Nhưng sống ở dưới bếp không có nghĩa là chúng ta không có học. Nhà Clock cũng là một dòng họ lâu đời không thua gì nhà Harpsichord. Con nhớ nhé, Arrietty, và đừng để ai nói với con điều gì khác. Ông của con biết đếm và biết viết đến số - số mấy nhỉ, ông Pod?”
“Năm mươi bảy,” ông Pod nói.
“Đấy,” bà Homily nói, “năm mươi bảy! Và bố con biết đếm, như con biết đấy, Arrietty; bố con biết đếm và viết các con số, bao nhiêu là bao nhiêu số, đến tận cùng luôn. Đến số bao nhiêu nhỉ, ông Pod?”
“Gần một nghìn,” ông Pod nói.
“Thấy chưa!” bà Homily kêu lên, “và bố con biết bảng chữ cái vì bố đã dạy con, Arrietty, có phải không? Và bố con biết đâu cũng đã biết đọc - có phải không, ông Pod - nếu bố con không phải bắt đầu đi mượn lúc còn quá trẻ. Bác Hendreary và bố con đã phải ra ngoài để đi mượn hồi mười ba tuổi - ở tuổi con bây giờ, Arrietty, con thử nghĩ xem!”
“Nhưng con muốn...” Arrietty lên tiếng.
“Thế nên bố không có những lợi thế của con,” bà Homily hổn hển nói tiếp, “và chỉ vì gia đình Harpsichord sống trong phòng khách nhỏ - họ chuyển vào đó, năm 1837, vào cái lỗ trên ván ốp chân tường ngay phía sau chỗ vẫn đặt cái đàn clavico, nếu đã từng có một cái đàn như thế thật, mẹ không tin lắm - và thực ra nhà họ vốn có tên Linen-Press[4] hay đại loại thế và đổi thành Harpischord...”
“Họ sống bằng gì,” Arrietty hỏi, “ở trong phòng khách nhỏ?”
[4] Linen-Press nghĩa là “ủi vải nhanh”.
“Bằng bữa trà chiều,” bà Homily nói, “chẳng bằng gì ngoài bữa trà chiều. Chẳng có gì lạ khi bọn trẻ con lớn lên trông có vẻ hơi ốm yếu. Tất nhiên, hồi xưa thì khá khẩm hơn - bánh rán, bánh xốp và những thức bánh kiểu đó, rồi bánh ga tô và mứt và thạch. Và có một người già nhà Harpsichord có thể nhớ được món thạch sữa của một buổi tối. Nhưng họ phải đi mượn vội vội vàng vàng, tội nghiệp. Những ngày mưa, khi con người ngồi cả buổi chiều trong phòng khách nhỏ, bữa trà được bê vào và lại đem ra mà không có cơ hội cho gia đình Harpsichord đến gần - hôm nào đẹp trời thì có khi bữa trà lại được bê ra ngoài vườn. Bác Lupy kể cho mẹ biết, nhiều khi, ngày qua ngày họ phải sống bằng vụn bánh và nước từ các lọ hoa. Vì thế ta không được đánh giá họ quá nặng nề; sự an ủi duy nhất của họ, tội nghiệp họ, là khoe khoang một chút và mặc đồ sang trọng rồi nói chuyện như các quý ông quý bà. Con đã bao giờ nghe bác Lupy nói chuyện chưa?”
“Rồi. Chưa. Con không thể nhớ.”
“Ồ, con phải nghe bác ấy nói ‘ván lát sàn’ - đó là thứ làm sàn trong phòng khách nhỏ - ‘ván nát... ván nát,’ bà ấy nói. Ôi, thật đáng yêu. Nói mới nhớ ra, bác Lupy của con từng là người vênh váo nhất trong số họ...”
“Arrietty đang run cầm cập kìa,” ông Pod nói. “Có phải chúng ta đánh thức con bé dậy để nói chuyện về bác Lupy đâu.”
“Ồ tất nhiên là không rồi,” bà Homily kêu lên, bất chợt hối lỗi. “Lẽ ra ông phải ngăn tôi, ông Pod. Đây, con cừu non của mẹ, quấn cái chăn này quanh mình rồi mẹ sẽ đi lấy cho con một giọt xúp ngon lành nóng hổi!”
“Ấy thế nhưng,” ông Pod nói trong khi Hoimily đang tất tả bên bếp, múc xúp vào một tách trà, “chúng ta đã làm.”
“Đã làm gì?” bà Homily hỏi.
“Đánh thức nó dậy để kể về bác Lupy. Bác Lupy, bác Hendreary và” - ông ngừng lại - “Eggletina.”
“Để nó uống hết chỗ xúp đã,” bà Homily nói.
“Không có lý do gì để nó ngừng uống xúp cả,” ông Pod nói.