Số lần đọc/download: 1057 / 20
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:34 +0700
Chương 5
T
húy hớt hải kéo tôi ra ngoài hiên, không biết chuyện gì xảy ra, nhưng nhìn vẻ mặt và dáng điệu hấp tấp của nó, tôi đoán chắc có chuyện chẳng lành. Tôi theo nó tới cuối hành lang.
Cổng trường với hai cánh cửa sắt nặng nề khép kín. Chiếc xích sắt khổng lồ thõng xuống theo sức kéo nặng của chiếc khóa to gần bằng bàn tay. Cái im và nặng của nó, đè nghẹn tâm hồn chúng tôi, những ngày đầu tuần, váng vất những cảnh tượng, những dư âm của mấy ngày nghỉ học. Tôi dựa lưng vào thành xi-măng, day mặt vào lòng hành lang hẹp. Buổi chiều ngã vào khoảng hẹp hun hút ấy.
Gió chạy suốt dọc hành lang, như đuổi theo một hình bóng nào vừa hút nhanh qua đó. Thúy đứng trong góc vuông hành lang, quay lưng ra sân. Một tay đặt lên vai tôi, một tay nó ra hiệu bảo tôi bình tĩnh. Nó rào đón:
- Chuyện tao sẽ nói đây, là tao nghe lóm được. Đúng hay sai, tao không biết, cần nhất, mày không được làm ồn. Vừa mang tiếng cho mày, vừa phiền phức lây đến tao.
- Thì mày cứ nói đi. Tao đã làm gì đâu.
Chuyện gì?
Tôi run giọng, hoang mang. Ký ức tôi mở lớn. Tất cả những chuyện gì đã xảy ra, khiến tôi lo sợ, e ngại, đều cùng lúc trở về. Toàn là những chuyện xảy ra đã lâu, không ở ngôi trường này, cũng như không hề liên quan tới một kẻ nào ở đây. Mà tôi có giấu gì đâu. Tất cả, tôi đã kể, tôi đã giãi bày, tôi có giấu giếm gì đâu. Kỳ thật.
Thúy ghé sát tai tôi. Hơi thở của nó không làm tôi nhột nhạt như mọi lần, mà nó gây ra cho tôi cái cảm giác gai lạnh, ớn ớn..
- Tụi con Liên nó bảo...mày...mày có chuyện với lão Hiển... mày... ôm cha... Hiển trưa hôm thứ sáu ở nhà xe.
- Hở, mày nói sao? Tôi cơ hồ muốn xỉu. Trời tối xầm, mắt tôi mở lớn kinh ngạc. Óc tôi muốn vỡ tung từng mãnh nhỏ. Thềm nhà dưới chân tôi như thụt sâu xuống. Tôi nghe rõ tiếng tim tôi đập dồn dập, tiếng máu chảy và những sợ gân máu giật giật ở hai bên thái dương. Mồ hôi tôi vã ra. Tôi cảm thấy rõ ràng là hai tay tôi đang run, mắt tôi muốn bật khỏi tròng...
- Chúng bảo mày nói chuyện mùi với lão Hiển. Liên nói nhỏ, từng tiếng.
- Bọn con Liên phải không? Không đợi Thúy trả lời, tôi nói tiếp: Tao sẽ trả thù này.
Răng tôi nghiến lại. Lúc ấy, chắc mặt tôi ghê gớm dễ sợ lắm. Thúy bấm những ngón tay móng nhọn xuống vai tôi. Nó lay tôi:
- Mày phải bình tĩnh mới được. Chưa chi mày đã nổi sùng như vậy, để làm gì? Vô ích. Dư luận là tấm lưới lớn luôn được ném đi để chụp. Chúng ta là những con cá trong một vũng nước tù. Mà vùng vẫy đều vô ích, nếu chúng ta đã lọt vào trong đó. Chỉ có sự khôn ngoan, trầm tĩnh mới giúp ta thoát khỏi mà thôi.
- Không dư luận khỉ khô gì hết. Tôi nói gần như hét. Tao căm thù chúng nó. Chúng nó bôi nhọ tao, chúng nó hạ nhục tao, tao sẽ trả thù tất cả bọn khốn nạn đó.
Mặt Thúy tái nhợt. Nó lo lắng nhìn quanh. Miệng tôi nói vậy,nhưng sự thực, trong thâm tâm tôi vẫn chưa biết rõ rằng tôi phải trả thù ai trước nhất. Và trả thù bằng cách nào. Bằng cách nào bây giờ. Tôi chưa biết tôi chưa nghĩ ra, nhưng nhất định là tôi phải trả thù. Tôi phải rửa nhục này. Nếu không, tôi không đủ can đảm nhìn mặt mũi ai nữa.
Ý nghĩ phải trả thù làm tinh thần tôi đột nhiên bình tĩnh hẳn lại. Môi tôi mím chặt, tay tôi bóp cứng bàn tay Thúy. Những ngón tay vô tội của nó móp bẹp trong tay tôi nóng giận.
Thúy im lặng, e dè. Nó không dám rút tay về. Một lát sau, tôi bảo nó leo ngồi trên thành lan can, quay mặt về phía biển. Tôi lần lượt kể nó nghe đầu đuôi câu chuyện đã xẩy ra, không giấu giếm một chi tiết nào.
Nghe xong, Thúy buông thõng một câu:
- Đồ chó má!
- Ừ, khốn nạn thế đó. Tao mà làm lớn chuyện ra có thể nó bị đổi đi hoặc bị sa thải chưa biết chừng. Nhưng tao nghĩ có làm ra thì tao cũng chẳng đẹp mặt gì.
- Như mày nói thì không ai biết hết. Kể cả tao. Chính tao gặp mày hớt hải chạy về mà tao cũng đâu có ngờ. Vậy làm sao chúng nó biết được?
- Chính tao cũng thắc mắc vậy đó. Tôi ngập ngừng. Hay là lúc tao chạy về có đứa nhìn thấy.
Liên lắc đầu:
- Tao không nghĩ thế. Bởi nếu có, chúng nó phải ầm lên ngay từ chiều đó rồi chứ. Theo tao thì có hai trường hợp. Một là chúng nó thử mày bằng cách thả tin đồn đó. Hai là vì thằng cha Hiển bị ức vì không ôm được mày, không được mày yêu lại dù hắn tỏ tình và năn nỉ, nên hắn loan tin đó để bôi nhọ mày.
Tôi thấy Thúy có vẻ có lý. Phản ứng cuối cùng của một con thú bị dồn tới mép vực là nhảy đại xuống hoặc quay lại vồ chính kẻ đã dồn nó đến đường cùng. Có thể Hiển ở một trong hai trường hợp đó.
Nhưng hắn khôn mà không ngoan, bởi nếu chuyện bị xé to: ban giám đốc trường chắc chắn sẽ không làm ngơ, họ sẽ điều tra hoặc kêu tôi hay hắn lên hỏi thực hư. Ở trường hợp này, buộc lòng tôi sẽ khai tất cả sự việc. Và tôi tin chắc rằng tôi không có lỗi lầm nào, khiến ban giám đốc có thể vịn vào đó mà đuổi tôi. Nếu thế chỉ có tên Hiển thiệt hại mà thôi. Dẫu sao thì tôi cũng vẫn thầm mong tên Hiển không làm như vậy, có lẽ lúc tôi đứng ở nhà xe, tình cờ có đứa nào nhìn thấy mà tôi không biết. Rồi khi xẩy ra vụ tên Hiển nghĩ chắc chúng phỏng đoán và thêu dệt như vậy. Tôi tin như vậy. Bởi nếu kẻ nào đó nhìn rõ tận mắt vụ Hiển ôm tôi thì câu chuyện đã ầm lên từ lâu rôi.
- Số mày khốn nạn quá. Thúy nhìn tôi ái ngại.
- Tao cũng không ngờ thằng chó má đó lại làm vậy. Nếu Nhiệm nghe được chuyện này, chắc chàng khinh tao lắm. Còn gia đình tao nữa chứ. Nếu gia đình tao hay được tin này, không biết tao sẽ phải giải thích sao! Liệu có ai chịu tin tao không.
Cả một tương lại đen tối nhơ nhuốc phủ trùm xuống tâm hồn tôi. Nỗi âu lo làm tôi thẫn thờ trùng nhão cả thân thể, cảm giác.
Đêm trên biển sẫm đen. Trời tím với những cụm mây trắng loang lổ, bồng bềnh vài vì sao lác đác đứng buồn câm lặng như không muốn di động.
Tôi không trông thấy sóng biển, nhưng tiếng vỗ rào rào dội đến chúng tôi, như muốn át đi những băn khoăn, ray rứt, những nhục nhã, khốn khổ bừng bừng trong từng mạch máu tôi, căng lên từng tấc thịt da sượng sần.
Đêm vẫn nhịp nhàng trên từng bước chân gió chạy. Nỗi buồn tôi trải rộng nghiêng theo con dốc phẳng của kỷ niệm mù mờ thấp thoáng.
Chúng tôi cùng chìm trong cái ầm ì đục ẩm của đêm ven biển. Không biết Thúy nghĩ gì. Trong bóng tối, tôi thấy mắt nó lung linh sáng như hai con sâu đất. Trong trường hợp này, chắc Thúy khó lên tiếng hoặc giúp thêm ý kiến cho tôi. Bởi tôi một mực đòi trả thù chúng nó không lẽ Thúy nghĩ cách trả thù giùm cho tôi. Và thực sự, trong tôi cũng không biết rằng rồi mình sẽ phải trả thù bằng cách nào.
Sáng nay Hiển bắt đầu đi dạy lại. Hắn chỉ nhìn tôi một lần lúc vào lớp, rồi lặng lẽ giảng bài, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa tôi và hắn. Chỉ riêng tôi mới nhận được cái khang khác trong từng cử chỉ chậm chạp uể oải, trong cái giọng nói tẻ nhạt đều đều của hắn. Nó hết hung hăng, tự kiêu tự đại rồi, tôi thầm nghĩ thế. Và cũng lần đầu tiên giờ của Hiển, tôi đã ghi đầy đủ lời hắn giảng. Bài giảng sáng nay, của hắn có nhan là tâm lý cá nhân trong tập thể hay sự hòa hợp thích ứng của một người trong đám đông có tổ chức.
Trong số những lời tôi ghi được. Có câu sau đây, khiến tôi chưng hửng, ngạc nhiên và có cảm tưởng như hắn nói để ám chỉ tôi. Hắn bảo:
Người bệnh hoạn hay mắc một chứng bệnh khác thường nào đó, thường có những hành vi hay thái độ chống đối, đi ngược, tách rời đám đông. Nói là bệnh hoạn thì không đúng hẳn. Nhưng theo sự suy nghiệm có kiểm chứng của các nhà tâm lý học thì những đứa trẻ này, có một dĩ vãng đau thương, ưu uất. Nó bị bất mãn ngay từ khi nó chưa có ý thức về sự bất mãn đó. Những đứa trẻ này, nếu chúng ta không chú tâm hướng dẫn, khi lớn lên, nó sẽ có những hành động phá hoại. Những mâu thuẫn cực kỳ nguy hiểm cho chính nó và người chung quanh. Nó từ chối tất, nó nghi ngờ cả mọi ưu ái thiện chí của người thương mến hoặc muốn giúp đỡ nó. Và quan trọng hơn nó có thể reo tai họa cho người đã muốn đến với nó. Xã hội nhưng nhiều nhất là cha mẹ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này. Tôi muốn nói sự lủng tủng trong gia đình, sự thiếu hạnh phúc.
Rõ ràng là đoạn sau Hiển muốn ám chỉ tôi. Không lý do gì trong một bài nói về tâm lý trẻ em mà lại có đoạn nói về người lớn với phân tích tỷ mỷ như vậy... Lúc hắn giảng, hắn không hề nhìn tôi. Nhưng tôi nhìn hắn và muốn bảo hắn rằng: Tôi không hèn đến thế đâu. Reo tai họa? Tôi reo tai họa cho ông làm gì, được cái gì không mới được chứ, hay chỉ mang tiếng thêm mà thôi. Hãy trách nhiệm liên đới và xa hơn.
Buổi trưa tan học, vì có việc phải đi ngang văn phòng giáo sư, tôi thấy con Liên và con Hải ở trong đó. Chúng quay lưng vào nên không nhìn biết có tôi đi ngang. Tôi nói lại cho Thúy nghe điều tôi chợt nhớ.
Thúy cười nhún vai:
- Mày không biết đó chứ, hồi này hai đứa có vẻ chịu gặp thằng cha ấy lắm. Tụi nó kháo nhau rằng chiều thứ bảy vừa rồi con Hải và con Liên đến nhà riêng của thằng Hiển. Chúng lấy có nghe tin thằng Hiển đau nên lại thăm. Con Hải mua cả một ký cam đem biếu thầy cơ mà, đâu phải chuyện chơi. Coi bộ giờ thằng Hiển hết chê rồi. Con Hải tươi lắm. Nó tuyên bố rằng phên này nó làm thầy thiên hạ chứ không phải ngang hàng với đứa nào hết.
Tôi bật cười khan:
- Nó muốn làm gì thì làm chứ. Có ai nói gì đâu. Mày cứ tin tao đi. Rồi thời gian sẽ làm nó trắng mắt ra cho coi.
Thúy nhìn tôi khó hiểu. Tôi cũng chẳng muốn nói thêm. Giải thích điều ấy không cần thiết, tất cả mọi vấn đề là hãy chờ đợi, bình tâm mà chờ đợi. Tuy nhiên tôi tin rằng sự phỏng đoán của tôi thế nào cũng đúng. Nghĩa là Hiển sẽ không lấy Hải. Nó chỉ vì ức tôi mà yêu Hải. Yêu để trả thù tôi, để chờ đợi tôi ghen tuông hậm hực. Thế thôi, nhất định là nó không lấy Hải. Nhưng cái đau đớn mà tôi vẫn luôn cảm thấy không phải ở chổ đó, mà ở chổ mình có thể phỏng đoán về người khác trong khi về mình thì lại hoàn toàn mù tịt. Mấy ai đã biết trước được đời mình.
Thúy coi đồng hồ.
- Lên gác chi vội. Bài vở đâu có trả. Tôi bảo Thúy và ngửa mặt nhìn trời. Biển vẫn ì ầm sóng vỗ. Mấy vì sao thưa nhấp nháy như chỉ chợt rơi xuống, bay đi khỏi nền mây. Tôi liên tưởng tới truyện ngắn " Những Vì Sao" của Daudet, trong đó có anh chàng chăn cừu và cô chủ nhỏ. Tình yêu của họ cũng nhỏ bé, cũng xa vời, và cũng tinh khiết như vì sao mà chúng ta chỉ có đến bằng tâm hồn và trí tưởng tưởng.
- Phụng hẹn tối nay lại thăm tao. Thúy nói giọng sũng ước cảm xúc. Tôi kinh ngạc tưởng mình nghe lầm. Thúy bào chữa.
- Tao đã bảo ngày thường lại đây không tiện. Nhưng hắn cứ nằng nặc đòi gặp. Hắn bảo chỉ cho hắn trông thấy mặt một phút thôi, không nói tiếng nào cũng được. Hắn sẽ về ngay. Tao thấy cũng... tội nghiệp. Người ta tha thiết chân thành với mình quá như thế, làm mình từ chối không đành lòng.
- Mày không sợ tụi ở đây nó báo cáo sao?
- Sao không. Thúy nói, giọng khổ sở. Tao cũng lo lắm, nhưng ở cái thế không khác hơn nữa. Phụng yêu tao, mà tao cũng yêu Phụng nữa.Phụng bảo chừng tao ra trường hai đứa sẽ lấy nhau. Tao sẽ xin về Pleiku. Mà tao chắc được mày ạ. Người ta bảo, nếu mình là công chức mà có chồng là quân nhân thì chồng đóng ở đâu, mình được ưu tiên xin đổi về đó. Chúng tao sẽ thuê một cái nhà nhỏ ở ngoài phố. Phụng sẽ không phải ở trong trại nữa, ở trại cực lắm, mày biết không.
Tôi nghĩ bụng, con này thật trống mồm trống miệng. Chưa chi đã khai vanh vách. Tôi gật gù:
- Nó chưa đi à?
- Chưa. Hắn được nghỉ phép bốn ngày. Đáng lẽ về Sài - Gòn thăm gia đình. Nhưng có tao ở đây, nên hắn không về nữa. Hắn đi máy bay đến thẳng đây luôn.
- Tình lắm. Nặng nợ với mày rồi đó. Tôi cười nhìn tận mắt nó.
Thúy mơ màng lim dim đôi mắt.
- Tao không ngờ lại được một người như vậy. Tội lắm. Hắn bảo với tao rằng hắn đi lính hơn hai năm nay rồi. Vừa ở Thủ -Đức ra là bị đẩy lên trên đó ngay. Ở ngoài hắn làm giáo sư, lương tháng hơn mười ngàn mà còn tiêu không đủ, bây giờ vào quân đội, lương thiếu úy được bảy ngàn hay hơn chút ít, lại xa gia đình nữa, tao hỏi mày làm sao sống đủ.
- Gia đình nó còn đủ không?
- À, còn bà cụ. Ông cụ chết từ hồi kháng chiến 45 cơ. Hắn có một người anh, hai chị và ba em trai. Riêng người anh cả thì cũng đã qua đời cách đây bốn năm. Cũng đi lính mà chết trận. Mất xác.
- Nếu có vợ con rồi lãnh tiền tử cũng kha khá.
- Chưa có vợ. Ờ, không, có vợ sắp cưới. Cô này là sinh viên. Hình như bây giờ đã lấy người khác.
Tôi thở dài. Nghĩ tới thân kiếp mình, mai sau...
Bỗng Thúy tụt nhanh xuống thềm.
- Chết tao rồi. Nói chuyện quên mất. Đến giờ hẹn rồi. Tôi nắm lấy vai Thúy, nhảy xuống theo. Tôi cố tình ghẹo nó.
- Khoan đã, cho tao hỏi chuyện này, quan trọng lắm!
Thúy vùng vằn định chạy:
- Để lát nữa đi. Tới giờ rồi.
- Đâu được, chuyện quan trọng mà.
Thúy luống cuống, lo lắng ra mặt. Nó nắm lấy bàn tay tôi rung từng chập:
- Thôi tao xin mày. Cho tao đi, để lát nữa.
Tôi làm bộ giận.
-Có mới nói cũ há. Tao biết bây giờ mày có người yêu rồi, mày đâu còn nghĩ gì đến tao nữa.
Thúy có vẻ vừa sốt ruột, vừa ái ngại cho tôi. Nó đưa tay vuốt vuốt những sợi tóc mai vương bên má tôi. Nó dịu giọng:
- Mày đừng hiểu lầm cho tao như vậy, Nữ. Tao đâu có bao giờ quên mày. Mày nhớ kỹ lại coi. Tại tao lỡ nhận lời hẹn với hắn. Nên tao phải ra. Nếu tao ra trễ quá, hắn cứ lảng vảng trước cổng trường, người ta xin nghi, lại hỏi hắn, hắn khai là đứng chờ tao thì nguy cho tao biết mấy. Tao sẽ bị đuổi liền. Và cũng vì thế, biết đâu, cuộc đời tao chẳng dở dang, khốn đốn. Mày hiểu cho tao, nghe Nữ.
Tôi làm bộ vừa lòng, cười và buông vai nó ra.
- Ừ thì mày đi. Nhưng lát nữa phải kể cho tao nghe tất cả mọi chuyện của bọn mày nghe. Mày phải hứa với tao mới được. Mà phải kể đầy đủ chi tiết đó nghe.
Thúy đắn đo một lát. Mặt nó thẫn thờ, cuối cùng nó đành gật đầu. Nó dặn dò:
- Nhưng mày cũng thề với tao là không được nói ai nghe đó nghe.
- Tao hứa.
Tôi tần ngần nhìn theo dáng gầy gầy của nó, in nghiêng trên bức tường dài. Nó đi nhanh như chạy trốn, nhưng tôi không hề nghe thấy bước chân nó.
Thúy men theo bờ tường. Chỉ một thoáng, nó đã mất hút trong dãy hành lang hẹp đầy bóng tối...
Bất giác, tôi thấy lòng mình rộn rã một niềm vui khấp khởi. Tôi quên khuấy chuyện ô uế mà bọn con Liên con Hải đã tung ra, để ám hại tội. Trong tôi chỉ còn hình ảnh Thúy, nhanh nhẹn, lén lút, âm thầm như một con chồn, một con cáo, hay một con mèo, trong đêm đen, đi tìm hạnh phúc mất. Và tôi lại thấy xót xa, tủi tủi.
Phải chăng đời sống mà chúng ta đang sống không hề có thực. Chúng chỉ có nó, trong lén lút, trong âm thầm và ngay với hạnh phúc, chúng ta cũng đã lén lút, âm thầm từ những bước đầu dò dẫm như một tên ăn trộm. Đời sống không có gì thực sự có đấy, như thân thế, như trái tim chúng ta, có đấy.
Sóng vẫn từng cơn vào bờ, nhẫn nại, miệt mài. Những tiếng ì ầm dội đến tai tôi như một nhắc nhở một đánh thức tàn nhẫn quật thẳng vào góc kín tâm hồn tôi, nơi mà tôi không bao giờ dám nhìn thẳng, ngó ngay suốt trong những năm tháng gần đây: "Nữ ơi, mày đang thèm khát đấy..."