I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Khế Iêm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 771 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ly Hương
húc ngồi đong đưa trên nhánh cây. Đám người nối đuôi nhau bên trong những lối đi hẹp bằng khung gỗ, đằng sau mỗi vòi nước. Nắng đã lên cao, phà xuống những hơi nóng. Phía trước, đất thoải xuống làm thành giòng suối cạn. Bên trái là khoảng đất rộng, đầy kín những sô nước sóng sánh. Từng cặp thùng can đủ loại bay theo đoàn người chen chúc qua con ngõ lầy lội; mất và hiện theo cùng một nhịp độ. Những bước chân lẹp nhẹp cùng với tiếng ồn ào phớt qua từng chập một. Đám người vẫn bất động thành từng khối.
Phúc nhẩy xuống, đứng lẫn vào những thân người cứng đơ. Màu sắc đọng cùng với độ nóng ấm mung lung của nắng và hơi nước hắt lên, làm cho một khoảng chật chội bỗng đầy ắp một sức sống bị ép lại rồi bung ra. Đám người chuyển dần về một phía, tiếng râm ram nổi lên, cùng lúc một lực hút đẩy làm chập choạng những bước chân. Đột nhiên một sức gió cuốn, rẽ đôi đám người, những can nước biến mất từ từ cho đến khi đám người nhập lại, dính khắng với nhau.
Những xê dịch gián đoạn từng hồi. Đám người dúm dó, cố thoát ra khỏi trạng thái nghiêng ngả thất thường đã kéo dài khá lâu. Cơn mệt mỏi làm phai dần màu sắc và nắng đổ xuống gay gắt đến nỗi làm bẹp dí khối hình trên bề mặt lờ mờ trắng.
Phúc vấp ngã, nước văng đổ lênh láng, thấm rút rất nhanh trên đất. Chàng gượng dậy rồi lại té xuống, nghe một phần thân ê ẩm; Chàng hiểu rằng sức khỏe đang suy thoái, cánh chim chẳng còn đủ hơi bay và tâm hồn như chiếc lá úa. Chàng lê tới, ngồi dựa vào một mô đất. Hai chiếc thùng sút quai, nằm lăn lóc trên bờ dốc. Quần áo lấm lem, ướt nhẹt, tóc bám bụi, lòa xòa. Chàng thở dài, không nhận ra bộ dạng của mình. Hình ảnh của ký ức phai dần và quanh chàng, nơi này như một thị trấn nhỏ được tụ tập bởi những kẻ trôi dạt từ tứ xứ. Chẳng ai rảnh thì giờ bỏ công đi tìm nguồn tộc, cái gốc gác mơ hồ từng làm mòn mỏi loài gậm nhắm. Họ vội vã quen nhau, chia sẻ những tâm tư khúc mắc và bận tâm thương xót và lo lắng cho số phận của mình. Mỗi người đều mang lấy nỗi cô đơn và nuôi dưỡng dần lòng ích kỷ.
Chàng bước đi như kẻ thất thần. Quang cảnh nhẩy múa cuốn chàng vào cơn biến hóa. Chàng, một thân gỗ mục, bị nát vụn trong cơn lốc xoáy, và băn khoăn sao mình cứ quay quắt trong chốn bụi hồng.
Chàng về đến nhà, đã thấy Trúc ngồi đợi trên băng ghế. Nàng mặc bộ bà ba màu vàng nhạt như tơ nắng. Lòng chàng rung nhẹ. Chàng nhìn lại mình, tàn tạ như con ma lem.
“Trúc tới lâu chưa?”
“Cũng khá.”
Trúc trả lời rồi bật cười?”
“Anh mới đi...săn ếch?”
“Cái thùng bể. Trúc đợi tôi một lát nhé.”
“Vâng.”
Trúc nhìn lơ đãng lên đồi. Đêm chừng như vẫn ẩn náu đâu đó, nơi lùm cây hốc đá. Hương của cỏ và đất núi còn mang mùi ẩm mốc. Phấn sáp của ngày nồng nàn. Đầu óc nàng ngơ ngẩn và chẳng nghĩ được gì. Lòng nàng như con thuyền trôi, không chèo lái. Nỗi buồn đậm lạt theo nắng mưa. Mỗi ngày ngồi đếm những cơn nóng nung người và thấm thía, nàng không có may mắn bắt được mảnh ván trong cơn biển dậy.
Phúc mang nước ra, mặt tươi tỉnh.
“Lâu quá không gặp Trúc.”
“Em cũng bận... bận không biết làm gì mỗi ngày.”
Cả hai cùng cười. Phúc nói:
“Tôi tính ghé thăm Trúc, nhưng sợ không biết Trúc còn nhớ không?”
“Anh nói quá, làm như em mất trí.”
“Ai lại đùa bỡn đến thế. Trúc uống nước đi.”
Chàng nhìn Trúc. Nàng đẹp, đôi mắt vẫn còn ánh lên nét lãng mạn của một thời, khơi cho chàng chút hơi ấm. Một nỗi buồn nhẹ vắt ngang như giải sương sớm. Nhan sắc mộng mị, chàng chắc lưỡi, vậy sao đời nàng lại chẳng có hạnh phúc nhỉ?
Trúc hỏi:
“Hồ sơ của anh tới đâu rồi?”
“Tôi cũng chẳng để ý. Họ trả mình về cố hương là cùng. Dù sao cũng được lênh đênh trên biển Đông. Nhiều lúc, tôi thất thường, không còn biết mình là ai nữa.”
Nàng chép miệng:
“Anh còn vậy, huống chi em... en muốn hỏi anh một điều.”
“Vâng, Trúc cứ tự nhiên.”
“Anh có biết nhiều về Thưởng?”
Phúc trầm ngâm. Đã có cả khoảng thời gian vào đời, chàng không gặp Thưởng. Mỗi người bị cuốn theo những ngã rẽ khác nhau. Chàng như cơn gió thoảng, rày đây mai đó, lấy nắng ấm và bụi đường làm chốn nương thân. Còn Thưởng, lao đầu vào cơn lốc xoáy để tìm kiếm lẽ công chính và thảm bại như một nhân vật bi kịch. Bây giờ, Thưởng lạ lùng và kỳ dị đến nỗi, chàng tưởng rằng người bạn năm nào mới trở về từ địa ngục. Không có thứ nước mầu nhiệm làm trong được đôi mắt đã nhuốm bụi trần tục. Không có hoàng hôn và cũng chẳng có bình minh nơi tâm hồn đã bị dày xéo.
Chàng nhìn Trúc:
“Tôi cũng chỉ biết Thưởng thời còn đi học. Sau dó mỗi người một ngả. Đời sống và cái nhìn đã khác. Có điều là tôi không đủ thăng trầm để hiểu Thưởng. Đôi lần, tôi tưởng đã mò mẫn tới được bậc cửa của ngôi nhà bí hiểm, nhưng rồi cũng bị đá lăn ra ngoài.”
“Anh nói tưởng như vùng cấm địa.”
“Tôi lười biếng và ngại những vấn đề hóc búa. Thảnh thơi được chừng nào hay chừng ấy... Cuộc đời chỉ toàn những cảnh dở dang.
Trúc cười. Phúc đơn giản và bình dị. Tất cả những rắc rối của ký ức, đối với chàng chẳng mang ý nghĩa nào khác, ngoài một điều, hãy cứ sống và thở, ăn và nghỉ, nhịp nhàng với sáng và tối. Những lo nghĩ chỉ làm già người và không thể giúp bông hoa chậm tàn thêm một khắc.”
”... Cứ thử gõ cửa?”
“Có ích gì. Không ai mò được đầu mối của cuộc tỉnh điên... Đôi khi chúng ta lầm mình, lầm người cả.”
“Nói như anh thì thiên hạ sự cũng chỉ là việc của ngụ ngôn thôi ư.”
Phúc châm điếu thuốc, nheo mắt.
“Tôi vẫn thích đứng ở xa... Đó chỉ là những chuyện dông dài, hơi đâu mà héo hắt mãi...”
Trúc hờ hững như đoán trước cánh cửa sẽ khép. Chẳng có âm vang nào phát ra từ bên trong ngôi nhà. Phiến đá đã chặn mất lối, làm thất vọng kẻ quay về. Nàng không còn cách nào lần ra dấu vết Thưởng. Nàng có cảm giác, Thưởng lúc nào cũng cố gắng để tự chôn mình đi. Tình yêu có lẽ sẽ làm chàng thức dậy... và phẫn nộ. Nàng dằng xé tâm hồn mình xem có còn đủ phiêu lưu và lãng mạn để sống với mối tình quá thì? Nàng vừa nuôi dưỡng vừa quây kín lại giữa ngày tháng câm nín.
Phúc nói.
“Có lúc nào, Trúc ngồi nhớ lại thời còn trẻ?”
“Em không muốn nó trở lại... thì nhớ làm gì.”
Trúc lặng thinh, nghe xôn xao một chút mây xua. Ánh sáng của đời phồn hoa đã tắt hay không còn thuộc về nàng nữa. Mỗi người rồi cũng phải tẽ nhánh, chia tay. Nàng ngậm ngùi và biết đâu sẽ không bao giờ gặp Phúc. Nàng thấy cay cay nơi mắt. Nàng không nghĩ được gì thêm, ngoài một điều, dường như những người đi xa đều có dư nước mắt.
Trúc về. Phúc nhìn theo dáng mềm mại của nàng. Trúc vẫn còn quyến rũ như ngày nào, mặc áo dài, đi trong chiều Saigòn. Nàng mong manh và đang tan thành nắng.
o O o
Thưởng trầm ngâm. Một cánh chim vút bay. Đất mát làm chàng gai người. Chàng thèm tới một mái tranh, vài lượn khói và mở cánh cửa lỏng lẻo. Thôn vắng, đầy bụi trăng. Chàng lững thững trên bậc thềm. Bóng tối rình rập trong cội cây. Ngày, hay đêm thâu?
Sóng dâng lên lời rì rầm, mang chàng trở về một góc phố, một bến sông nơi ấp ủ những cuộc đời lam lũ. Chàng loay hoay một mình với nỗi cô quạnh và xung quanh, những đôi mắt tinh quái nhìn chàng như kẻ dị hình. Chàng lang thang, đá chiếc lon không kêu lóc cóc, gõ bước chân trên nền đường và tưởng có tiếng cười phát ra từ lòng đất. Cơn sốt đưa chàng lênh đênh mãi. Nhập nhờ chiều, loáng thoáng những bảng hiệu, những sinh hoạt vỡ vụn, nói với chàng về một đời sống đã bị giật lùi. Chàng không tìm ra địa chỉ của đời mình và ngơ ngác... nghe một dòng nhạc mênh mông.
Chàng choáng váng, tạt vào một quán nhỏ. Tiếng hát mung lung, nương theo những cung bậc hỗn độn. Thấp thoáng, nơi quầy hàng, một khuôn mặt quen quen, mái tóc che nghiêng, chảy mướt qua ánh đèn màu. Chàng chập chờn nhớ. Ký ức trôi, với năm tháng cũ kỹ, những quá khứ rêu phong. Chàng gọi ly rượu, đánh thức chút tham sinh, nghe đầu lưỡi tê cứng và nỗi buồn như phấn sáp hóa trang trong đêm tối.
Quán vắng, một phần chìm trong khoảng mờ bụi. Cô gái ngước nhìn chàng, ánh mắt như màu rượu sủi, nửa ngạc nhiên, nửa ngỡ ngàng. Chàng soi thấy gió chiều trong đáy cốc, vẩn vơ. Trí não mong manh không gợi tới một bến bờ nào. Chàng quên. Một quãng đời đã mất dấu và chàng hoài nghi cả hơi thở đã cho chàng sự sống. Ngày căng thành thảm sương.
Cô gái tới bên chàng.
“Anh Thưởng.”
”... Phải Quỳnh không?”
“Vâng.”
Cô gái cười ròn rã. Tiếng cười vang trên thành ly, vỡ trong không khí ẩm sắc. Chàng ngắm Quỳnh và tưởng tới vẻ đẹp của một loài hoa. Quỳnh của những ngày vui qua mau, những hội hè đình đám, những chàng trai bất cần đời. Quỳnh của thời loạn lạc.
Nàng kéo ghế, ngồi cạnh chàng:
“Anh tới chậm quá.”
“Tôi đi lạc.”
“Lạc gì mà khôn thế. Lạc tới bờ tự do.”
“Còn Quỳnh?”
“Em theo chồng là nhân viên tòa Sứ ở đây. Sau chiến tranh, chàng về nước. Được ít lâu, nghe tin chàng mất.”
“Quỳnh không về?”
“Ôi, cái xứ chán phèo. Chỉ toàn tai ương và đói kém.”
“Cũng lạ nhỉ. Có kẻ quên được nơi mình đã sinh ra.”
“Anh ngạc nhiên?”
“Tôi cứ nghĩ chẳng ai rũ bỏ được quá khứ.”
“Anh còn làm thi sĩ?”
“Trước kia.”
“Và bây giờ?”
“Thi sĩ làm cho mình khốn khổ và cuộc đời chẳng bớt lầm than.”
Chàng xoay người, chậm rãi, hôn trên đôi má phớt màu hoa đào. Quỳnh tan ra. Một cánh chim vỗ cánh. Chàng nhặt chút hạnh phúc mong manh rơi trong khoảng không, và thấy giòng nước chảy mải miết mãi vào miền heo hút. Đóa hoa nở trong mùa đông không tình yêu, như vệt mây lặng lẽ. Chiếc ghế biến thành những tên hề nhảy nhót trên sân khấu. Đời sống chỉ là những ý niệm hài hước, nhẹ tênh. Phấn bụi giũ xuống, kèo cột kêu răng rắc, đèn tắt. Chàng quơ tay, bị hút theo một lực quay chóng mặt. Văng vẳng nghe một âm thanh vọng lại:
“Hãy lột xác và đừng quay về.”
Chàng lẩm bẩm:
“Hãy lột xác và đừng quay về.”
Chàng tê người. Đó là thứ ngôn ngữ kỳ bí đang dẫn dắt chàng lẫn lộn giữ cái hư thực. Chàng nghe dòng cảm xúc xa lạ ứ tràn trong cơ thể. Thác lũ từ rừng cao cuồn cuộn chảy như tiếng kêu hùng tráng của hoang dã. Chừng như có kẻ lạ mặt đang đột nhập và chiếm lĩnh cơ thể chàng. Chàng buông trôi theo bọt sóng, lảm nhảm một bài ca buồn. Chim chóc thấp thoáng trên tàn cây, và chàng đang đứng giữa một thành phố lặng câm, mọi vật đã hóa đá. Chàng sờ soạng trên con đường tìm tới một đền đài để hiểu rõ nỗi bất động. Không gian sâu, rộng thênh. Chàng hốt hoảng nghe tiếng Quỳnh gọi, nhưng chàng còn phân biệt được ý nghĩa của mỗi âm thanh. Chàng bước trong quãng không, dấy lên chút rêu rong của ký vãng. Ký ức trơn tuột như cơn gió lùa qua ô cửa trống. Chàng ngã xuống, soi trên mặt đất thấy hình dạng kỳ quái, như một loài sơn dương.
Thời gian trôi và chàng cứ thế rơi vào cái bẫy của trò chơi tai ác. Chàng không có một gia đình, bị tước đoạt mất tên tuổi và đẩy ra ngoài cõi vô danh. Quỳnh vật vờ bay, trên đôi mắt thoáng ánh lửa của sự sống. Và nàng, cũng như chàng, như bóng ma vất vưởng, như cỏ cây, đánh mất ý thức, sống trong thời của những kẻ bị ma nhập.
Chàng bồng bềnh giữa sóng cát rũ bóng dừa, ngất đi trong nắng, nghe bên tai tiếng chân dẫm của nhiều đời. Và chàng thấy Phúc lướt đi như âm thanh của lời báo về những đuổi bắt khôn cùng. Còn chàng, bị treo bởi sợi dây với bàn chân không bao giờ còn đặt trên mặt đất. Trí nhớ hỗn độn và khô héo như những năm tháng dài hạn. Những biến cố bị bôi xóa và lem luốc. Chàng bước ra khỏi khung cửa, nghe hơi gió rì rào. Dĩ vãng sinh nở.
Chàng sống cuộc đời của nhiều người. Bi và hài kịch lẫn lộn trong chàng. Mỗi ngày, từng ngày khi thức dậy, lắng nghe bình minh, chàng quên mất tâm tính mình. Chàng nói tiếng nói khác, nhẩm lại những tâm sự chằng chịt, tập cho nhuần cái tên gọi và đẩy tới cùng nỗi khúc mắc để kịp kết thúc vai tuồng vào lúc trời tối. Chàng thâm nhập vào những cuộc hưng phấn thất thường để cố bắt cho được chút tia sáng mong manh của trí tuệ. Chàng trở thành kịch sĩ bất đắc dĩ trên sân khấu không khán giả. Chỉ trong đêm tối, dưới không khí an lành, chàng mới trút bỏ nhân vật và những hỉ nộ như lớp son phấn tạm bợ sơn phết lên từng số phần. Chàng trở về với chính mình: kẻ lưu lạc.
”... Chàng đã tự mình bước vào vực thẳm. Mỗi đêm lần mò trong rừng cây để tìm kiếm trăng sao. Chàng sống lại những giờ khắc của quá khứ, bơi trong nắng mai để vẽ hoàng hôn lên thảm xanh... Chàng cứ kể mãi câu chuyện về đám người bị bức bách bởi một xã hội cuồng nộ, lênh đênh trên biển đông, rồi tấp vào một hoang đảo. Họ dựng thành xã hội theo một thứ trí nhớ tùy nghi; những ngôi nhà cheo leo bên sườn non, những cây cầu bắt ngang qua dòng sông cạn, những phiên chợ chớp nhoáng, những cuộc họp đẩy đưa, và thêu dệt lại những truyền thuyết bi thảm. Rằng khi đêm xuống, những vì sao sa nâng con thuyền bay trong không trung, những cô gái mặc cánh áo màu nước biếc nhởn nhơ giữa cảnh cướp bóc; quỉ dữ và thiện nhân, nước mắt và nụ cười tấu lên bản hòa ca của trùng dương mênh mông.
...Chàng nghe mảnh đất cằn cỗi lên tiếng về số phận kẻ sống sót. Họ sẽ nhận được bản án có thời hạn phải trở về nơi biển cả. Họ bỏ lại dọc đường cái chết, nhưng hy vọng và tuyệt vọng lại làm nẩy sinh mầm bệnh họ đem theo tự nghìn năm trước. Những kẻ tha hương kiêu ngạo bị bủa vây bởi nỗi cô đơn, bị tước đoạt mất trí nhớ, và sống thời bị quỉ ám.”
Phúc chép miệng: “Chẳng có con đường nào đưa tới chân lý. Hố thẳm là ý niệm mơ hồ để chúng ta bày đặt nên những trò chơi.”
“Như vậy...”
“Trúc hãy bình thường. Tình yêu ư? Nó đã thuộc về thời thanh xuân. Ngay nấm mồ cũng chỉ là tiếng nói của thiên thâu.”
“Cảm ơn anh.”
“Tôi thấm thía một điều: Chiến tranh làm chúng ta thành kẻ tật nguyền.”
“Anh cũng yếm thế?”
“Đôi lúc, tôi thấy ở mọi nơi, mọi người.”
“Nhưng rồi, anh sắp lên đường?”
“Cả Trúc nữa.”
“Em hiểu số phận mình.”
“Đây không phải là chỗ an lành.”
“Và trên trái đất, nơi nào cũng bất ổn.”
“Luân lý chẳng ích gì. Hãy ném quách nó vào bếp lửa... Trúc vẫn còn đẹp.”
“Nhan sắc? Em vẫn muốn là cô bé lọ lem, trong thoáng chốc bỗng thành tiên nữ. Nhưng cái thế giới hỗn độn này cứ đẩy ta tới chỗ oái oăn... Em có tật hay quấy rầy mọi người.”
“Tôi muốn nghe Trúc nói.”
”...Về những cô gái ngồi đan dệt chiều tà, những bậc anh hùng miệt mài đi tìm kiếm hư danh... Mà anh có nghe về người thanh niên tự tử, những đứa trẻ không cha, cuộc gian dâm... Còn gì nữa nhỉ?”
"Tôi chịu thua vậy. Trong cuộc đua, tôi là kẻ đầu hàng sớm nhất.”
“Em cũng có hơn gì. Có điều, tâm hồn như bị mai phục... những kẽm gai, ngòi nổ...”
“Trúc nhìn kìa.”
Nàng chớp mắt. Phúc biến mất. Trước mắt nàng, chiếc ghế trống. Và xung quanh, tiếng sóng reo, những thân dừa lả ngọn, cơn mưa rươi, khúc tình ca xưa, lãng đãng như phiến sương mỏng. Nàng thấy khoảng sân ga và con tàu lướt trôi trong chênh vênh. Đêm tối quặn mình trong gió và mùa thu rơi trong chân không. Nàng nghe tiếng than thở của đám lưu dân, lần mò với mớ ký ức lầm lẫn. Họ uống dòng nước chảy ra từ khe đá, thấm hơi đất mới và dần dần, những tia mắt tỏa thành nhánh độc. Bụi bậm và thiên nhiên nổi lên cơn gió lốc, lấy đi hết chất ngọt dịu của tâm tình và để lại, trên phiếm đá chảy lửa, nỗi hồ nghi. Họ chờ đợi hoàng hôn mang tới bóng đêm, bầy ra những tiệc vui, hát lên những bài ca đầy dục tình và đất đai như chiếc nôi hoan lạc. Cỏ non và trời xanh, lau khô mồ hôi và nước mắt và ban phát đều những lạc thú. Họ cảm nghiệm được chính mình, cơn đói khát huyễn hoặc của cơ thể. Họ hứng âm thanh dẫn dắt con thuyền xa bến và là thứ cạn bẫy đánh lạc mất những nẻo đường. Cứ thế, mặt trái và mặt phải như ban sáng và ban tối chia ranh thành những đối nghịch: cơn gay gắt của cuộc tồn sinh và những u mê chuếch choáng.
Và rồi, những đứa con hoang sinh ra, lớn lên, lay lất giữa nắng trời và cát bụi, không tên tuổi, bập bẹ tiếng nói và chẳng biết gì về một xứ sở đã nằm trong hoang tưởng. Những cánh đồng, luống cày, rừng rậm và tai ách cuốn theo những trái tim già nua. Mênh mông gieo rắc sợ hãi và gột rửa cáu bợn nơi những đứa con vô tội. Chúng phải sống trở về thời khuyết sử, đếm con số bằng gút thắt, mò mẫm từ khởi đầu về một nền văn minh xa xưa để chuộc lại lầm lỗi của chủng loại?
Nàng giật mình, ngỡ như có ai gọi. Chiếc ly không rơi trên thảm non. Sóng chập chùng, đông đặc thành mảng rêu biếc. Chiều hay trưa. Gió xê dịch đám mây, hé ra chút hư vắng. Tiếng nói của loài hoa, mật ngữ của đồng bằng, tiếng cồng lệnh của tình yêu, đâu đây, như quãng đời rộn ràng qua. Nàng cựa quậy, bị dính khắng trên chiếc ghế thời gian, giữa những giòng chảy ngược chiều, có thật, nơi dốc đá.
Lời Của Quá Khứ Lời Của Quá Khứ - Khế Iêm