Số lần đọc/download: 7802 / 99
Cập nhật: 2016-04-17 22:23:33 +0700
Chương 4: Trên Xe Lửa
S
ân ga, hành khách đã nhộn nhịp. Nhất là bọn học sinh.
Chỗ nọ, học trò trường Bưởi túm tụm nhau, cười nói rầm rầm. Chỗ kia, học trò trường Sư phạm đang đếm xem có thiếu mặt nào không. Ai nấy vui sướng, hể hả.
Họ kể lại với nhau những việc rất quan trọng trong mấy ngày Tết, là ăn bánh chưng và đánh tam cúc. Họ hỏi nhau xem có học ôn thêm được bài nào không. Thỉnh thoảng, họ đưa mắt ngầm sang chỗ các cô nữ sinh, đọc từng tên một và bình phẩm.
Không ai bỏ qua được tên cô Lê thị Nga.
Nga lẩn trong đám chị em, nét mặt buồn rầu mong đợi.
Thỉnh thoảng, liếc mắt, thấy bên học trò con trai họ chòng chọc nhìn mình mà thì thào, nàng biết họ nói mình, trong lòng cũng hơi hồi hộp. Chị em thì cố làm vẻ đứng đắn, nghiêm trang, làm như không biết rằng có ai chú ý đến bọn mình vậy.
Kim lớn đồng hồ mỗi chốc nhích đầu lên dần. Nga bỗng nói với bạn:
- Các chị cho tôi lại đằng này dặn thằng người nhà một tí.
- Nó đứng đâu?
- Đứng đằng kia!
- Sao không lấy cả cho nó vé hạng ba, có oai không?
Nga tủm tỉm:
- Ai sang trọng được bằng cậu! Giá tôi không được trừ nửa tiền vé, thì tôi cũng chẳng dám ngông.
Nói xong, tha thướt Nga đi. Hàng trăm mắt thiếu niên như muốn "nuốt chửng" lấy nàng.
- Cô ấy quên không bôi tí phấn vào trong mang tai!
- Hằng Nga giáng thế!
Những tiếng trêu ghẹo bâng quơ theo sau trận cười làm Nga đỏ mặt. Nhưng nàng vờ tự nhiên như không nghe tiếng. Nàng cố ý đi qua cả sân ga để tìm xem Chi đứng đâu.
Nhưng chẳng thấy đâu cả.
Kim lớn đồng hồ gần đứng sững dậy. Xe lửa sắp tới nơi.
Lại thấy Nga tới, vội xách va ly đến gần và chờ lệnh. Nga khẽ bảo:
- Tàu đông lắm, mày nên ngồi ở toa cuối, xem tao có cần bảo gì không nhé.
- Vâng.
Rồi nó theo Nga đi.
Bỗng một hồi còi rúc inh ỏi. Xe lửa sắp đến. Một lần sau cùng, Nga cố nhận xem Chi đứng ở đâu mà im tiếng lạ, thì tự nhiên có người hỏi nhau:
- Thằng con nhà Chi dễ đi chuyến sau.
Thế là Nga yên chí Chi lỡ tàu.
Xe nặng. Gió ngược. Nga ngậm ngùi nhớ lại cái cảnh ấy mà nàng đã gặp ở giữa đường.
Con tàu lù lù, ầm ầm tiến đến. Hành khách sắp sửa tranh nhau lên trước để chiếm chỗ.
Bọn học trò con trai đứng sau bọn bạn hữu để nhường lên trước. Nga vội vàng đi đầu, kiếm chỗ ngồi ngay cửa sổ, để nhìn về phía cửa ga cho tiện. Người ta lên đông dần. Toa hạng ba cũng chật ních.
- Ê! Mau! Chi! Trinh! Lên đây.
Nga sửng sốt, vội vàng tìm. Nàng thấy hai người, Chi, và một người chắc tên là Trinh, đương lật đật chạy.
- Đây kia mà! Chi!
Trinh đưa va ly cho các bạn, rồi quay mặt nói với lại:
- Chốc nữa về trường tôi đưa nhé.
Nga yên chí và mừng thầm sẽ được có dịp lâu cho Chi ngắm cách cử chỉ xuềnh xoàng của mình, nên còn đương mải để mắt vào Trinh, thì không trông thấy Chi đâu nữa.
Xe lửa từ từ chạy.
Trinh hớt hải mở cửa vào. Các bạn xúm lại gần, bắt tay và hỏi:
- Đâu, thằng Chi đâu?
- Không biết.
Nga ngơ ngác, không hiểu vì sao có sự lạ lùng này. Vậy Chi biến đâu mất? Rồi nàng nghe thấy người ta hỏi:
- Trinh, sao mày bảo mất giấy trừ nửa vé mà mày dám đi hạng ba.
- Mất thật, đây là tao lấy giấy của thằng Chi.
Nga lắng tai, đoán chắc sẽ được nghe người ta sắp ca tụng Chi là bạn tốt. Thì người ta lại hỏi:
- Thế thằng Chi đâu?
- Nó ở dưới hạng tư ấy.
Nga càng tâm phục tấm lòng tốt của con người rất ít có ấy.
- Thằng Chi tốt bụng nhỉ!
Nga đưa mắt nhìn xem ai nói, bỗng nàng thấy Trinh bĩu môi, đáp:
- Nó bán lại cho tao ba hào đấy. Nó bảo để nó mua ba quyển vở.
Nga cảm động, thở dài.
Tàu đi nhanh dần.
Nghiêm chỉnh, Nga ngồi im, vơ vẩn nghĩ, để mắt vờ trông ra ngoài. Cột dây điện, nhà cửa, cây cối chạy ngược lại. Song Nga chẳng để ý đến cái gì.
Nga đoán chắc bây giờ Chi đang len lỏi ở toa dưới, cố kiếm lấy một chỗ để đặt đủ hai bàn chân. Rồi người ta chen, người ta giúi, hành khách mỗi chốc lại ấm oái cãi nhau. Càng nghĩ đến Chi, Nga càng thấy bồn chồn, thất vọng. Nàng đương mong được nghe Chi nói chuyện với các bạn, và pha trò để cùng được vui. Thành ra cái thì giờ này, nó vô ích cho nàng quá.
Xe chạy được một ga, Nga nóng ruột, đứng phắt dậy, bảo bạn:
- Tôi xuống toa dưới, xem thằng người nhà nó đâu.
- Thôi, đông nghịt những người, chị đi sao được. Kệ nó.
- Nhưng nó ngớ ngẩn lắm. Chỉ sợ nó bỏ mất va ly của tôi thôi.
Nói xong, Nga ung dung đi, mở cửa xuống hạng tư.
Kỳ thực, Nga chỉ muốn tìm gặp mặt Chi.
Gặp mặt làm gì?
Chính Nga cũng không biết.
Nga cố vừa chen lách vừa tìm tòi. Đi được độ nửa toa, nàng lao đao, mệt quá. Giày và bít tất bị chân người ta giẫm lên ba bốn lượt, ống quần và tà áo cũng quệt cả vào lồng gà.
Nhìn đằng trước, thấy hành khách đông nghịt, Nga toan trở lại, không dám tiến bước. Nhưng nàng quay lại sau, cũng không vắng tí nào. Về cũng dở, mà đi cũng rầy. Nga bị giúi, suýt ngã mấy lần. Rồi nàng nghe thấy người ta nói:
- Tàu đã đông, mà cô kia còn lượn!
Nga xấu hổ lạ lùng. Đứng dừng lại, nhìn xung quanh, Nga có cái cảm tưởng như trông rõ tâm cảnh của mình vậy. Nàng đương sung sướng ngồi trên toa hạng ba, mà bây giờ, chỉ muốn gặp mặt Chi - mà cũng không biết gặp để làm gì - nàng chịu khó chui rúc xuống toa hạng tư, đầy đọa tấm thân, đầy đọa quần áo, phải nghe người ta nhiếc móc. Gặp Chi để cho thỏa một cái thiếu ở trong lòng. Thật đúng như ở đời, Nga và Chi trong hai cảnh ngộ, lại muốn gặp nhau.
"Hay cái thiếu ấy là ái tình?"
Nghĩ như vậy, Nga thở dài.
"Thế mới biết ái tình là tuyệt đích".
Rồi bỗng nàng dừng bước:
"Hay là thôi. Ai lại thế. Gặp nhau làm gì? Vả gặp nhau sao được".
Nga quay phắt trở về. Nhưng người ta tiến đi, nàng không bước được một bước.
- Cô đi tìm con?
Lại lúc bấy giờ mới trông thấy Nga. Anh đương ngồi trong xó, len ra và hỏi thế. Nga cau mặt tỏ ý không bằng lòng, đáp:
- Ừ, mày có chỗ ngồi rồi à?
- Vâng, anh Chi anh ấy bảo con rằng cô đi tìm con.
Trống ngực Nga tự nhiên nổi lên. Nga đưa mắt nhìn. Không thấy Chi đâu cả.
- Đâu, anh ấy đâu?
Lại trỏ tay. Nga trông theo thấy Chi ngồi thu mình sau cái bồ lớn.
Nhưng lúc ấy Chi quay mặt đi.
Nga bực mình quá. Không biết làm thế nào được. Rồi nghĩ được một câu, Nga nói to:
- Thôi được, mày ngồi bên cạnh anh Chi tao rất yên tâm.
Nhưng Chi vẫn không nhìn lại.
Nga trông Chi, thấy vẻ mặt buồn rầu, lại cảm thương. Chi ở vào cái gia đình hèn mọn, nghèo khó, đến nỗi phải bán lại sung sướng của mình cho bạn để kiếm mấy hào.
Rồi Nga bảo Lại:
- Mày lên toa kia, tìm hàng bánh đậu, mua cho tao vài phong nhé.
Nói xong, nàng đưa tiền. Lại chen lách đi, độ năm phút, lẫn vào trong đám rừng người.
Nga đứng gần Chi, ngẩn ra và tự nhiên thấy bẽn lẽn, hồi hộp. Rồi đánh liều, nàng quay lại:
- Anh Chi!
Chi nghiêng đầu đứng dậy chào, rất lễ phép. Nga khẽ cúi, mỉm cười chào lại. Nga thỏ thẻ:
- Nhờ anh trông giúp tôi cái va ly và khi sắp đến ga, anh bảo nó hộ.
- Thưa vâng.
Bỗng Nga thấy ân hận lạ thường. Ân hận vì Chi gọi mình là Cô, mà mình chỉ gọi Chi là Anh. Nhưng tìm ngay được câu nói, Nga tiếp:
- Chết! Tôi xin lỗi anh, tôi cứ quen mồm.
Thấy Chi tủm tỉm. Nga vui sướng quá. Lúc ấy những người xung quanh đều nhìn nàng, làm nàng rất ngượng. Hai má và hai tai nàng đỏ ửng. Cuống quýt, nàng vội nói:
- Anh hãy cho tôi mượn cái va ly.
Cốt làm có việc cho đỡ thẹn, Nga mở khóa, vờ vịt tìm tòi quần áo. Bỗng nàng nghĩ ngay được những câu hỏi để che mắt mọi người:
- Anh Chi ạ, hôm kia, tôi báo con Sen ra đưa bà cái ấy, có lẽ bà với anh không bằng lòng!
Chi cười, đáp một cách rất tự nhiên:
- Không ạ. Cô làm thế là phải, mà chúng tôi làm thế cũng là phải.
Nga mỉm cười khẽ gật đầu, rồi trông đi.
Vì Nga không muốn tỏ ý cảm ơn bằng lời nói, giữa chỗ công chúng người ta đương để ý đến mình. Chi nói:
- Tôi tưởng cả quan lớn, bà lớn cũng đi Hà Nội. Anh Lại anh ấy nói cô đi có một mình.
- Vâng. Thầy me tôi chỉ lên tỉnh thôi. Lúc ấy tôi cũng trông thấy anh đi xe với chú Thái An.
- Vâng.
Lặng yên một lúc, Nga lại nói:
- À, tôi có mấy quyển sách, anh có dùng đến, anh cứ lại đằng nhà mà lấy.
Chi ngạc nhiên, nhìn Nga để hỏi ý. Muốn cho Chi hiểu thấu câu nói thật bụng của mình, nàng nhắc lại:
- Tôi có mấy quyển sách, anh có dùng đến, anh cứ lại đằng nhà mà lấy. Mỗi thứ tôi có đến hai, ba quyển, mà quyển nào cũng tốt lắm.
Mắt Chi vẫn không rời Nga, ấp úng đáp:
- Vâng.
- Anh có bút chì không?
Chi móc túi đưa Nga bút chì. Nga lấy danh thiếp của mình, đề thêm tên phố, và viết nguệch ngoạc mấy dòng:
Nhà chú Tham tôi. Những ngày chủ nhật, cứ lại. Tôi rất mong giúp anh để tỏ lòng biết ơn của tôi.
Rồi đưa danh thiếp cho Chi, nàng nói to:
- Đây, những sách tôi biên tên ra đây.
Chi cầm danh thiếp, đọc xong, nhìn trộm Nga một cái rất nhanh. Nga mỉm cười. Rồi hai người cùng có vẻ mơ màng đâu đâu.
Không muốn phí thì giờ, Nga nói ý:
- Nếu anh hỏi thằng Lại, anh có thể biết rõ tâm địa người ấy.
Chi khẽ đáp:
- Vâng.
- Hiện bây giờ anh có cần gì không?
- Không ạ.
- Thôi được, chủ nhật sau, anh có thể ra chú Tham tôi hỏi gì không?
Nghĩ ngợi, Chi nói:
- Vâng.
- Anh cứ đến vào buổi sáng, chú tôi có nhà.
- Vâng. Nhưng mà...
- Không, anh đừng ngại.
- Vâng, ơ kìa, anh Lại đã mua được bánh rồi.
Nga quay nhìn: Lại đang cố len. Nga vờ đứng xa Chi, rồi lúc Lại đến, Nga bảo:
- Mày đi lâu quá. Tao nhờ anh Chi, có điều gì bỡ ngỡ phải hỏi anh ấy.
Nói xong, Nga cầm mấy phong bánh rồi cất vào va ly, và dặn:
- Trông đồ đạc cẩn thận nhé. À, mày đói chưa?
- Bẩm chưa.
- Nhưng mày cứ cầm mấy hào, rồi mua quà mà ăn.
Nga móc túi, đưa tiền và nói thầm:
- Có mua gì ăn, nhớ mời cả anh Chi, nghe chưa!
- Vâng.
Dặn dò xong, Nga chào Chi bằng một đôi con mắt kín đáo, rồi lên toa hạng ba.
Suốt từ đó đến Hà Nội, Nga vơ vẩn, ngồi thần người ra. Chị em nói chuyện, nàng không để tai nghe. Mơ màng, nàng nghĩ đến ái tình, đến những người đã đánh tiếng dạm nàng làm vợ, đến cảnh Chi nghèo khó, quần áo Chi tồi tàn. Bỗng nàng thở dài, sực nhớ lại câu hát của con vú em hôm nọ.
Hồ trông thấy mặt anh chàng lại chê.
Quanh mình Nga, người ta nói chuyện rầm rầm.
Tiếng bánh xe chạy trên đường sắt, tiếng còi hét ré tai, cũng không làm cho nàng nhớ rằng hiện nàng đương ở trên xe lửa. Nàng tựa cằm vào cửa sổ. Ruộng nương, sông núi, như bị xoáy nghiêng xoáy lệch, càng làm cho óc nàng bị quay cuồng.