Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Tru Sa
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ngọc Viễn
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2024-09-01 17:36:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nơi Sương Phủ
ơi Sương Phủ
Giấc ngủ chập chờn ít lâu thì vỡ tung vì tiếng chuông của đồng hồ báo thức. Bữa tiệc tối qua tôi uống nhiều rượu nên tới giờ vẫn nhức đầu. Tôi muốn ngủ thêm một lúc, đợi khi cơn nhức đầu dịu hẳn mới rời khỏi giường nhưng đồng hồ vẫn inh ỏi. Sau nhiều hồi báo, tôi ngao ngán dần cảm giác thèm ngủ. Tôi lật chăn, ngồi dậy, tắt đồng hồ. Ngoài khung cửa, sương vẫn kéo mờ trên mái nhà. Hàng cây nghiêng nghiêng, những tán lá vàng úa. Phố vắng, lá phượng rơi trong giọt nắng ngắn của bình minh sớm. Chiếc xe bus chạy vòng và dừng lại trước mỗi điểm đỗ. Cửa xe mở toang ngay cả khi không có khách chờ xe. Nắng đổ nhè nhẹ, nho nhỏ hình chiếc lá. Tôi đứng đấy, cứ gà gật, mắt lim dim cho đến khi nắng nồng, sắc và mạnh hơn, quạt vào mặt râm ran. Mặt trời bắt đầu nóng bỏng. Tiếng chân người dồn dập, còi xe rú cao như chửi thề. Ngày mới bắt đầu khi người chật cứng mọi con đường.
Tôi làm nhân viên trong một cửa hàng nội thất ở thành phố. Công việc của tôi được phân theo từng ca. Tôi làm ca sáng, tới chiều sẽ có người khác thay. Cửa hàng nơi tôi đang làm việc là một chi nhánh khác, nhỏ bé hơn của công ty nội thất. Không có nhiều bận rộn ở công việc này và ngoài những mối quen thì chỉ có những vị khách thi thoảng tạt qua xem mặt hàng. Tính cả tôi thì cửa hàng có sáu nhân viên. Một con số không cần thiết cho một cửa hàng bé nhỏ thế này. Ông chủ không mấy khi đến, mọi công việc đều bàn giao qua điện thoại.
Sáng, chúng tôi tới cửa hàng để khiêng đồ ra bày, lau bụi rồi ngồi không chờ khi hết ca. Đồng nghiệp tôi thường trốn giờ làm, ngủ gật trong giờ, thường xuyên tổ chức bài bạc trong gian nhà kho. Họ có cử một người để canh, phòng khi ông chủ điện về hoặc có khách tới mua hàng. Tôi chẳng mấy ham hố với trò đỏ đen và vì thế tôi luôn là người trực thay họ.
Tôi có một người bạn. Cậu ta tên Thuần. Tôi với Thuần chưa thành tri kỷ, nhưng trong những mối quan hệ ít ỏi của tôi thì cậu ta là người có vài trò và lâu dài nhất. Thuần hơn tuổi tôi, cậu mê đọc sách và chọn cho mình nghề dạy học. Nhà Thuần nằm trong một con ngõ nhỏ, nằm đối diện với một phiên chợ. Từ nhỏ Thuần đã sống ở đây. Cha mẹ Thuần từ nhiều năm trước đã sang Đức làm ăn và định cư hẳn bên đó. Hàng tháng họ vẫn chuyển tiền về cho Thuần. Ở ngôi nhà này chỉ còn Thuần với một người bác già cả. Việc chợ búa đều giao cho bà ấy và công việc của Thuần đơn giản chỉ là ngày đi dạy, tối đến thì vùi đầu trong sách.
“Sách bao dung với mọi nỗi đau. Mỗi trang ăm ắp trí tuệ nhân loại.” – Có lần Thuần nói với tôi. Cậu ta nâng cặp kính lên, và như để tôi một lần nữa ghi nhớ cậu ta lặp lại câu nói đó.
“Thế ư. Hình như nó đúng.” – Tôi nói.
“Nó rất đúng, cậu không thấy sách thì vẫn mù lòa.”
Tôi không đáp lời và chỉ gật đầu, như một sự lẩn tránh bất đắc dĩ. Tôi không có thù hằn gì với những chữ nghĩa nhưng chẳng bao giờ tôi tìm thấy hứng thú ở việc đọc. Việc giở một cuốn sách, đọc một lèo, đọc ngắt quãng hay nhẩn nha từng con chữ đều khiến tôi uể oải và chuyện tìm hiểu nhiều hơn về một bề mặt ẩn sau mỗi câu văn thì thú thật nó rối rắm chẳng khác gì môn số học.
*
“Mày làm một chân nhé. Đang thiếu người.”
Tôi không đáp lời. Mấy người nhân viên quen thuộc trong những sới bạc giục tôi và tôi đành nhập cuộc. Cũng như mọi lần, sới bạc được tổ chức ở nhà kho. Trong này ngoài những món đồ lỉnh kỉnh thì có vài bộ bàn ghế tồn đọng từ lâu. Họ trải chiếu ngồi đất. Tôi không thích thú lắm nhưng vẫn cầm bài lên đánh. Trong suốt trận bài ba người họ, và một số ít những người thỉnh thoảng lại lén vào để quan sát ván bài từng gào lên. Mỗi lá bài đều ảnh hưởng tới gương mặt của mỗi người họ. Những ván về nhất hoặc ù gương mặt tôi vẫn thế. Không có thích thú nào khi thấy từng tờ tiền gom đầy chỗ của mình. Về bét hay móm chẳng khiến tôi gào lên hay đơn giản là cảm thấy bực bội.
Các cây bài hội đủ, bốn người hạ bài. Tiếng chửi thề, ba gương mặt hoặc méo hẳn đi, hoặc gãi đầu, hơi cau mày, còn thì cười rất rạng rỡ. Tôi không tìm thấy đâu một gương mặt quen thuộc thường ngày. Kể cả nụ cười tròn đầy, có phần hả hê cũng mang vẻ cổ quái.
Tôi xin rút khỏi sới bạc. Một người khác thế chỗ tôi. Tôi ra ngoài cửa hàng. Không có vị khách nào ghé vào. Nửa tiếng nữa sẽ hết ca.
Một cỗ xe cưới phóng qua. Cô dâu chú rể ăn mặc sang trọng, bộ máy phát nhạc đặt trên xe được bật hết volum, nhạc nhẽo ầm ĩ cả con phố. Vài chiếc xe đi chậm lại hoặc dừng ở vỉa hè để nhìn hai người ngồi trong xe. Khi chiếc xe vô tình lướt qua tầm nhìn, tôi cũng thấy nó và chỉ như vậy.
Chuông điện thoại vang lên và tôi rút máy.
Một tin nhắn, số lạ. Tôi đọc qua rồi quên ngay.
*
Tôi điện trước cho Thuần báo hôm nay sẽ đến. Quãng vài tháng tôi lại ghé qua nhà Thuần. Tôi thường đến vào chủ nhật, hôm đó tôi không phải đi làm còn Thuần cũng được nghỉ. Vốn tôi không hứng thú gì nhưng so với việc tụ tập rượu chè với những gã bạn lêu lổng, mở tivi xem các chương trình vô bổ hay vào lúc khuya khoắt tìm một cô gái làng chơi…Thì ghé qua một người bạn sẽ hữu ích hơn.
Lúc mặt trời vừa nhô khỏi rặng núi và thấp thoáng những tia nắng đầu tiên tôi đã thức dậy. Những giấc ngủ của tôi luôn thất thường. Hầu như chưa bao giờ tôi có được một giấc ngon, kể cả lúc tôi ngủ li bì thì khi thức dậy tôi vẫn thấy uể oải. Rất ít khi tôi nằm mơ và các giấc mơ thường tan biến mỗi khi tôi tỉnh ngủ.
Vệ sinh thân thể xong xuôi, tôi mặc quần áo, xuống đường. Chiếc ví nằm lăn lóc dưới đất, vài tờ tiền xanh đỏ thòi ra ngoài miệng ví. Số tiền thắng từ trận cá cược tối qua khiến chiếc ví dày thêm và tôi phải dành thêm chút thời gian để sắp xếp lại.
Còn sớm nên phiên chợ đối diện với nhà Thuần vẫn rất ồn ào. Tiếng rao bán ầm ĩ, tôi ngửi thấy mùi thịt cá tanh tưởi. Tôi vào trong ngõ.
Người bác già của Thuần đã dậy rồi và đang dọn dẹp nhà cửa. Bà ấy thường mặc những bộ áo kẻ hoa hoặc nâu sẫm. Mái tóc người bác già đã bạc quá nửa, khuôn mặt gầy nhẳng và da dẻ lẽo nhẽo những nếp nhăn. Điều tôi biết nhiều nhất ở người bác già là bà ấy rất thích làm việc. Không một lúc nào là tôi thấy bà ấy nghỉ ngơi. Việc chợ búa, dọn dẹp nhà cửa bà ấy đều làm tốt. Thậm chí khi đã xong xuôi mọi việc, như để lẩn tránh nhàn rỗi bà ấy tìm tới một công việc khác hoặc không thì vờ đánh rơi thứ gì đó, gây vấy bẩn căn phòng để mình lại bận rộn. Người bác già không có ý định tìm một công việc nào đó ngoài kia, cuộc sống bà ấy thu nhỏ trong ngôi nhà này.
“Thuần đang ở dưới tầng. Cháu cứ xuống đó.”
Tôi đưa cho bà hai trăm, bảo mua thứ gì đó để làm bữa trưa. Người bác già nhận lấy và nói “Cậu muốn ăn gì.”
“Gì cũng được.” – Tôi nói và đi xuống tầng.
Nhà hai tầng. Tầng một là phòng ăn, sâu bên trong là nhà bếp. Ở cạnh nhà bếp là phòng của người bác già. Tầng trên là phòng của Thuần và ban công. Ngoài ra còn có một tầng khác, được xây sâu dưới lòng đất. Gian phòng này nằm ở tầng một, cạnh phòng khách. Tôi bậy chiếc nắp lên rồi leo xuống. Có một cái thang dây ngắn nối với gian phòng phía dưới. Sự bố trí này khiến gian phòng giống một mật thất. Gian phòng dưới được thắp sáng bởi những ngọn đèn lắp ở hai bên tường. Loại đèn bóng vàng, ánh sáng dịu nhưng nhợt nhạt. Có một chiếc bàn lớn làm bằng gỗ mun ở dưới, Thuần đang ngồi. Cậu ta ngồi xoay lưng về phía tôi, cái lưng khom xuống, đầu cậu ta cũng chúi thấp và tay thì chậm chạp giở từng trang của cuốn sách. Có một chồng sách được xếp trên bàn và cuốn nào cũng rất dày. Gian phòng này khoảng hai mươi mét vuông. Ở đây tôi không thấy gì ngoài những tủ sách. Tủ dựng sát vách tường, bìa sách quay ra ngoài. Để phân biệt từng loại sách Thuần đã chia ra thành từng tầng. Tờ giấy ghi thể loại sách được dán gần đó.
Chưa kịp chào thì Thuần đã ới tôi lại.
Thuần trông gầy và xanh. Cặp kính cậu ta dày lên, hai bên mép và dưới cằm râu mọc rậm rạp như một bãi cỏ. Ngón tay của cậu ta gầy nhẳng và cứng nhắc như những đốt xương. Khuôn mặt Thuần xanh xao, có vẻ gì đó dại dại nhưng qua cái miệng mở rộng, tạo thành một nụ cười tôi biết cậu ta còn tỉnh táo.
“Tôi nghỉ dạy rồi, bây giờ tôi chỉ đọc sách thôi.” – Thuần nói.
“Cậu nghĩ thế nào vậy. Tôi chẳng hiểu nổi?”
“Tôi thích đọc sách, không, phải nói là phát điên mới đúng.”- Thuần nói và mỉm cười, tôi không sao chịu nổi cái nụ cười ngoác rộng, mang vẻ hạnh phúc đó - “Chúng ta sinh ra và đều có một cuộc sống. Nhưng có phải chỉ như thế? Lúc nhỏ rong chơi, lớn lên thì học túi bụi, sau đó thì tìm một công việc rồi thì cưới vợ, sinh con và dạy cho con cái của mình những điều mình đã trải qua. Họ sống như nhau và chết như nhau. Điều này thật tai hại như một vòng tuần hoàn kinh tởm.”
Tôi xua tay “Những cuốn sách khiến cậu mụ mị mất thôi!”
“Không đâu.” – Thuần gào lên và tôi thấy từng câu nói của cậu ta rít lên, sắc thành những mũi dao.- “Sách là một điều khác hẳn. Tôi không nói những cuốn sách sướt mướt ái tình, khoe khoang nhân nghĩa. Tôi khinh những thứ sách đó và chẳng bao giờ dành cho chúng nửa ánh nhìn. Những cuốn sách tôi đọc. Phải, những cuốn ở đây, cậu xem, nó là những tầng cao của tri thức.”
Tôi nói “Cậu khiến tôi nhức đầu quá.”
“Bản chất của sự nhức đầu là gì, một cơn choáng váng thông thường hay một tư duy chưa được khai mở...”
Tôi không sao hòa đồng nổi với mớ kiến thức hỗn độn của Thuần, kể cả nụ cười của cậu ta tôi cũng không cách nào thấy gần gũi. Những cuốn sách khiến Thuần hả hê tới vậy ư, tôi không nghĩ niềm say mê với sách đưa Thuần tới tận cùng của sự thỏa mãn nhanh tới như vậy. Vì rằng cậu ta không tham gia hoạt động xã hội, không rượu chè, không cờ bạc cũng chẳng đàn bà. Những gì ở Thuần quá xa lạ với tôi.
Bữa cơm hôm đó Thuần vẫn lải nhải những điều như vậy và tôi thì chỉ nghe một cách vu vơ. Những gì Thuần nói vừa lọt vào tai tôi đã trôi tuột đi. Đã thành thói quen, mỗi khi ăn cơm Thuần thường mang theo một cuốn sách. Khi thoảng Thuần lại giở ra và dừng lại rất lâu ở mỗi trang sách. Tôi không bao giờ bận tâm nhiều về sách nên chẳng để ý cậu ta mang theo thứ sách gì. Tôi chỉ chú ý nếu cậu ta đột ngột gào lên. Dĩ nhiên đó không phải tiếng động của sự sợ hãi hay một triệu chứng của căn bệnh tâm thần. Thuần gào lên một câu viết nào đó mà hẳn rằng cậu ta rất tâm đắc. “Cái chết là sự chuyển kiếp vĩ đại”, “Chúa đã bỏ tôi hay tôi không thấy Chúa?”, “Đứa trẻ nhỏ nói: “Tôi là xác và hồn”. Tại sao người ta không nói như các trẻ?”…Một số ít những gì Thuần đã hét lớn lên trong bữa cơm hay ở một nơi khác mà tôi cũng có mặt. Thuần thường cười rất lớn khi gào lên như vậy, còn tôi thì không, chẳng bao giờ tôi mỉm cười. Ý tôi không phải nụ cười mang tính chất khoái trá khi tìm ra một thứ gì đó đáng để mình phải gào lên để lặp lại, tôi chưa bao giờ cười với mình. Đó là những gì tôi từng phân vân và giờ thì tôi nghĩ nó đúng, với bản thân tôi.
Xong bữa, người bác già dọn dẹp bát đĩa rồi lui vào gian nhà bếp. Thuần và tôi ngồi trên ghế, tôi với lấy điều khiển để bật tivi. “Thôi nào, để tớ yên đi.” – Thuần nói và lại đọc sách.
“Cậu bỏ cuốn sách ra đi.” – Tôi nói.
“Cậu sẽ còn gì nếu buông lỏng linh hồn mình, mặc sức sa đọa.” – Thuần nói.
Tôi vỗ trán “Tôi chẳng thể hiểu nổi những thứ phi lý mà cậu nói. Cậu bỏ bê công việc, bỏ bê các hoạt động ngoài trời, còn chuyện ái tình thì tôi biết cậu chẳng ham hố, nhưng những điều đó còn hữu ích hơn việc mê mẩn trong mấy thứ sách này.”
“Không đâu!” – Thuần đấm mạnh xuống mặt bàn – “Thế cậu nghĩ thứ gì là hữu ích. Thuyết tiến hóa, Cộng Hòa, Thông sử và thiên thể luận, Faust, Nietzche, ôi tư bản, ôi tiền tệ, đường tới Roma, vết máu này ai sẽ lau cho sạch…Trí tuệ của nhân loại. Hoặc cậu muốn làm kẻ bị ăn óc hoặc cậu chán lốt bù nhìn bằng thịt.”
Thuần đặt cuốn sách xuống bàn, nói. “Hãy trông xem, chúng ta đã quá nuông chiều bản thân rồi. Bà bác già của tôi đấy, bà ta chỉ biết tới làm việc thôi. Ngày trước ở dưới quê bà ấy vẫn làm việc và tới bây giờ cũng vậy. Cuộc đời bà ấy rồi cũng chẳng thoát khỏi lao động, mà đó nào có phải gì cao cả, chỉ là những công việc vặt vãnh. Chỉ là chuyện đồng áng, bếp núc. Xuống mồ khi đang sống, chết tiệt thay.”
Những lời Thuần nói không sao lọt được vào đầu tôi. Và cậu ta vẫn kéo dài câu chuyện của mình bằng một chuỗi lý thuyết dai dẳng. Có lẽ tôi không phải người ham học, cũng không có thiên chất về việc nhận thức tư tưởng nên chẳng thể hiểu nổi đam mê của Thuần.
“Và giờ thì tôi đang tìm kiếm đây.” – Thuần mỉm cười, còn tôi thì quay đi, che miệng để giấu những cái ngáp dài. – “Rồi thì tôi sẽ tìm thấy…”
“Tôi mệt quá, cậu cho tôi mượn cái giường nhé.” – Tôi nói.
“Ừ, cậu cứ nằm nghỉ ở đây.” – Thuần ngừng câu chuyện của mình và cầm lấy cuốn sách, đứng lên.
Thuần mở cánh cửa thông xuống tầm hầm rồi đi xuống.
Tôi nằm trên bộ salon, thả lỏng người nhưng vẫn chưa ngủ ngay được. Mất một lúc lâu mắt tôi mới hơi lim dim.
Người bác già đã rửa xong bát đĩa và đang ở trong buồng tắm. Tôi nghe thấy tiếng loẹt quẹt của chiếc chổi cọ toalét.
*
Cửa hàng nội thất nơi tôi đang làm việc phải sang tên cho người khác. Công ty nội thất ở trung tâm thành phố hiện đang gặp trục trặc và buộc phải nhượng lại một vài chi nhánh để gỡ lại chút vốn. Những nhân viên khác ở cửa hàng nhao nhao lên. Tôi không hòa hợp nổi với thứ cảm xúc hỗn loạn đó, tôi chẳng buồn bã và để mất qúa nhiều thời gian với những lo nghĩ. Tôi bỏ đi.
Vài hôm sau tôi vẫn chưa tìm được việc, tôi vẫn trú lại khu nhà trọ. Hàng ngày tôi dậy sớm như một thói quen, sau đó thì ra ngoài và tới xế chiều mới trở về. Nhiều hôm tôi qua đêm ở chỗ những người bạn, tất nhiên Thuần không có trong đó vì đây đã là lớp bạn khác, đông đúc hơn và thiếu tính chặt chẽ. Chúng tôi uống rượu, đánh bài thâu đêm, khi hứng tình thì tìm tới một khu nhà thổ để chọn lọc những gương mặt khả ái và ít mầm mống bệnh tật, say cả đêm.
Đám bạn đó cũng như tôi vẫn đang thất nghiệp hoặc chỉ có một vài người là đã ổn định công việc nhưng nghe chừng chuyện làm ăn cũng chẳng suôn sẻ gì. Họ hội họp lại và cũng như những chính khách bên bàn ngoại giao, chúng tôi chụm đầu lại, cùng hướng suy nghĩ về một trò chơi.
*
Mùi rượu nồng nặc đánh thức tôi dậy. Bên cạnh tôi là một người nữ trần truồng. Tôi lật chăn lên, bước xuống giường. Quần áo của tôi và người nữ vương vãi khắp căn phòng và giờ thì tôi cần phải tìm lại bộ đồ của mình. Tôi đi thật cẩn thận, tránh dẫm phải những mảnh chai. Người nữ đã ngủ rồi, tôi nghe thấy tiếng nghiến răng. Cô ta nằm xoay vào trong tường, hai tay cô đặt chếch lên trên và che mất khuôn mặt. Thứ tôi nhìn thấy rõ nhất ở cô ta là thân hình đầy đặn và với cặp mông căng đầy, có sự cân đối giữa phần trên với phần dưới tôi biết đây là một người đàn bà từng trải. Tôi không muốn đầu óc mình thêm bận rộn và vì thế tôi cầm quần áo, đi vào buồng tắm. Ít lâu sau, khi thân thể sạch sẽ hơn tôi mở cửa, bước xuống lầu. Trước khi ra ngoài tôi ném lên giường một ít tiền.
Đây là một khách sạn.
Điện thoại réo, số lạ và tôi tắt máy.
Hôm nay đám bạn kia của tôi không gọi và tôi cũng không liên lạc gì với họ.
Trời bắt đầu hửng nắng. Thời tiết hôm nay ấm áp. Một ngày cuối tuần gợi ý cho tôi về một chuyến dạo chơi ngoài phố phường.
“Đi dạo…” – Tôi chậm rãi bước đi, và cứ hờ hững bước mãi như vậy.
Một người bạn gọi cho tôi và tôi cáo bận để tránh mặt.
*
Gần đây tôi không kiếm thêm được gì. Mặc dù tôi rất may mắn trong bài bạc nhưng tôi vẫn phải ngừng nó lại. Chẳng chút ăn năn về việc kiếm tiền bất chính hay gì đó đại loại vậy. Tôi chỉ không thấy vui, dù được bạc hay thua trắng. Đã từ lâu rồi và tôi chưa cảm thấy vui. Những nụ cười của tôi gượng gạo. Tôi vào vũ trường, nhảy múa theo những tư thế quỷ quái của đám bạn, nhưng thú thực tôi không thấy thích thú gì. Kể cả những cơn cuồng hoan với các cô gái cũng không cách nào khiến tôi thấy thỏa mãn. Tôi không nói những nụ cười hùa theo vì đó đã sang một nhẽ rồi, Thuần từng nói với tôi “Chúng ta mải miết trong cái xoắn ốc và ốc sên cả cuộc đời.” – Đây là một trong số ít những gì của Thuần đã nói với tôi. Thuần luôn cài vào tai tôi một vài câu kỳ quái như vậy. Mớ kiến thức hỗn độn đó đã từ lâu ngụ trong trí óc Thuần và chúng đang ăn mòn cậu ta.
*
Tôi được nhận vào làm ở một tòa báo lá cải. Bằng đại học với dấu chứng nhận đỏ chói cùng một bằng thạc sĩ ngoại ngữ bỏ xó từ lâu bỗng hữu ích. Cấp trên phân tôi vào mảng dịch. Công việc của tôi là nhận các tin tức, trang báo tiếng anh và dịch lại để ngày mai sẽ lên bài. Thời gian này tôi ít liên lạc với những người bạn. Lớp bạn thuộc về số đông, những người thường tụ họp bên những chầu rượu và các cô gái nhà chứa thì vẫn gọi cho tôi. Tôi luôn tắt máy. Còn lớp bạn mà Thuần nằm trong đó thì chỉ có rất ít người là còn nhớ tới tôi. Họ gọi cho tôi và bao giờ cũng vậy, họ mào đầu bằng lời thăm hỏi xã giao và kết thúc cuộc gọi cũng bằng một lời hẹn gặp lại mang tính xã giao. Dạo gần đây không còn cuộc gọi nào gọi nào.
Tôi không nghĩ nhiều đến tiền lương, tôi chỉ muốn có một công việc. Không có niềm say mê nào ở đó và cũng như thường lệ, tôi làm việc thật tốt, đốt cạn thời gian, tan giờ thì ra về. Mỗi tuần tòa báo lại tổ chức một cuộc liên hoan. Tôi là một thành viên trong báo, tôi không thể lánh mặt. Tôi cùng họ nâng cốc. Thứ rượu xanh đỏ, có mùi dâu tây được rót ra những cái ly con con. Họ uống và chép miệng, đôi lúc lại “khà” một tiếng nghe rất khoái trá. Một người rót rượu, tôi nâng ly uống. Thứ nước cay cay chảy trong miệng tôi rồi trôi tuột đi. Với tôi những ly rượu màu đỏ, đen sẫm hay thứ rượu nếp màu trắng cũng chẳng khác nhau gì và nó tới tay thì tôi uống, vậy thôi.
*
“Thuần gặp chuyện rồi, cháu tới mau đi.”
Người bác già của Thuần điện cho tôi, tin báo khiến tôi tỉnh queo khỏi những mơ màng. Ngay sau đó, tôi rời khỏi chỗ làm và phóng xe đến nhà Thuần.
Không có nhiều thay đổi ở người bác già. Bà ấy vẫn vận bộ đồ nâu quen thuộc. Khi tôi tới có lẽ người bác già vẫn đang quét dọn nhà cửa nên cây chổi vẫn cầm trên tay.
“Cậu ấy sao rồi” – Tôi hỏi người bác già.
“Thuần nửa tháng nay cứ ở dưới tầng hầm.” – Người bác già nói - “Mấy tuần đầu bác còn lấy đồ ăn cho Thuần nhưng rồi nó chẳng ăn uống gì.”
Tôi bỏ ngỏ những lời nói sau đó của người bác già và lao xuống tầng hầm. Dưới hầm vẫn sáng đèn.
Điều tôi nhìn thấy đầu tiên và cảm thấy khó thuyết phục nhất là những cuốn sách. Chúng rơi vung vãi khắp nơi. Các tủ sách lớn dựng ở bờ tường nhiều ngăn đã trống trơn, có vẻ như Thuần đã lấy chúng xuống nhưng không hiểu vì lẽ gì mà cậu ấy lại quăng chúng khắp căn phòng như vậy. Thuần vốn rất yêu sách.
Thuần ngồi xoay hẳn về phía tôi và dĩ nhiên tôi đã thấy cậu ta.
“Cậu lại đây.”- Thuần nói “Tôi muốn nhìn thấy cậu lần cuối.”
Thuần trông xanh xao, việc nhịn ăn khiến lớp da mỏng dính thêm oặt èo. Mái tóc Thuần bạc quá nửa, khi Thuần vẫy tay, tôi nhìn rõ những đốt ngón tay héo tàn. Chúng co rút lại và cứng ngắc như đã mất đi lớp da bọc bên ngoài.
“Để tôi dìu cậu lên trên.”
“Không cần đâu.” – Thuần nói “Hãy để tôi ở đây.”
Thuần mỉm cười và nói “Cậu biết không, thật gớm ghiếc.”
“Cậu nói về điều gì, thôi nào trông cậu mệt mỏi quá rồi, theo tôi lên trên đi. Tôi sẽ đi mua cho cậu một bát gà tiềm để tẩm bổ.”
“Không đâu.” – Thuần xua tay – “Sẽ chẳng bổ dưỡng gì và cậu hãy nghe đây, những lời cuối cùng của tôi.”
Tôi không cắt ngang Thuần.
“Tôi yêu sách, điều này cậu cũng rõ rồi. Sách, đó là sự tổng hợp tinh hoa của mọi bộ não thông thái nhất. Và tôi đọc. Nhưng cậu biết không, suy cùng thì điều gì cần nhất với chúng ta. Và tôi, hay ai đó đọc sách là để giải trí ư? Vì công việc ư? Hay là một cái thú lúc tuổi già?”
Thuần lại ho. “Thế giới này sẽ sớm rơi vào kỷ băng hà nếu không có những chân lý.”
Tôi chẳng muốn nghe nữa, đầu óc tôi rối tung lên vì những lời hồ như mê sảng của Thuần.
Thuần đặt tay lên vai tôi, nụ cười của Thuần tắt đi và trên gương mặt khô héo đó tôi thấy rõ những giọt nước mắt. Chúng kéo thành hai rãnh dài trên khuôn mặt Thuần.
“Tôi đã rõ. Mình chỉ là một thằng ngu. Vòi rồng cuốn tôi và tôi xoay tròn không do chiều xoắn vòi rồng.” – Thuần ôm họng, tỏ vẻ khó thở, một điềm xấu đang đến với Thuần và phải khá vất vả mới nói được tiếp.
“Giáo dục, đạo đức, triết học, hay những điều về lý tính…Có đủ trong những cuốn sách. Nhưng…Nhưng…Trời ơi! Con người cũng trong đó nhưng không trong đó. Ai mới thấy chứ…”
“Cậu cũng là con người đó thôi và ai chẳng thế.”
Thuần níu tôi xuống, chân tôi hơi khom nhưng vẫn cố đứng vững để không ngã đè lên Thuần. “Đấy chỉ là những khối thịt hình người thôi. Bên trong rặt là bùn đất. Và con người…”
Thuần định gào to gì đó nhưng miệng chỉ ngoác ra nửa chừng thì tê cứng lại. Thuần ngã xuống, miệng cậu ấy vẫn há ra.
*
Thuần được đưa vào bệnh viện, được vài ngày thì qua đời. Trong đám tang tôi có thấy cha mẹ Thuần, họ khóc rất nhiều, còn người bác già thì khá bận rộn với việc sắm sửa cỗ bàn và lau dọn nhà cửa. Khi đưa quan tài Thuần ra mộ tôi cũng đi theo. Tôi thấy điện thoại của cha Thuần reo, ông ấy bắt máy và lủi ra một góc khuất. Những cái vung tay trong tiếng cười đắc chí khiến tôi liên tưởng về một cuộc làm ăn xuyên lục địa.
Trước lúc khâm liệm, tôi cúi nhìn Thuần lần cuối. Sau ván gỗ lạnh câm, khuôn mặt Thuần đã trở lại bình thường. Cũng lúc này, một gương mặt khác của Thuần chạy qua óc tôi. Đó là một gương mặt khô héo và cái miệng ngoác ra như muốn nói lớn điều gì đó. Gương mặt Thuần này dừng lại, ở yên trong đầu tôi và dần biến đổi. Nó đang méo đi, cặp mắt được vuốt xuống bỗng mở to, cái miệng cũng ngoác lớn với những lời trăn trối tới phút cuối vẫn chưa thể thoát ra ngoài. Hay chăng, Thuần vẫn chưa tìm ra một câu trăn trối, và khi ấy Thuần chỉ muốn hét lên. Ông ngoại tôi trước lúc lâm chung cũng đã hét rất lớn.
Sau đám tang, tôi thấy người bác già đốt trước mộ Thuần cái gì đấy. Giấy, và có chữ viết tay. Tôi không hỏi được nguồn gốc của số giấy tờ này. Người bác già đốt, cha mẹ Thuần ném giấy và vàng mã để lửa thổi lớn thêm. Tôi cuống cuồng dập lửa và không tìm thấy nước. Ngã gục xuống đám cháy, tôi không còn biết gì nữa. Tôi cảm nhận thấy tro giấy, mùi khét của nước mắt và của cái miệng cười dưới mộ từ trong đầu mình.
*
Tôi nhập viện rồi ra viện. Người bác già của Thuần đã về quê, cha mẹ Thuần trở về Đức. Nhà Thuần được giao cho một người bà con và họ sửa lại để phát triển nghề bún đậu mắm tôm gia truyền. Tầng hầm của Thuần còn đó, tôi không tìm thấy cuốn sách nào và chỉ thấy một buồng ăn dưới lòng đất. Các thực khách đánh chén thả phanh, mùi mắm sặc sụa. Bún trắng, giấy ăn nhàu nát, vo viên đổ rác khắp sàn. Tôi trượt ngã trong lúc bâng quơ trong mơ hồ. Họ cười ồ. Tôi dò dẫm thoát khỏi tầng hầm.
Thuần không còn nữa và đây là cuộc sống của tôi.
2012
Mây Mù
Tôi thường dậy sớm, pha cho mình một ấm trà. Quanh năm tôi chỉ uống loại trà sen túi lọc. Trà chẳng ngon lành gì, tôi uống cốt để tỉnh táo hơn. Thỉnh thoảng, tôi mua thêm chút hoa nhài thả vào ấm trà để thay đổi hương vị. Trà hết, tôi pha ấm mới. Tôi hớp một ngụm trà rồi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Đồng hồ điện tử chạy số không phát ra tiếng. Tôi không cài chế độ báo thức vì chuông báo rất lớn,
“Mới năm giờ, hẵng còn sớm.”
Tôi uống chút nước trà còn vương lại dưới đáy cốc rồi với lấy chiếc điều khiển. Kênh Star Movie đang chiếu phim hình sự.
Em trai tôi tuổi sửu. Theo như những gì ghi trong lá số tử vi thì em tôi là người siêng năng và ít khi gặp thuận lợi trong công việc. Ký ức về thằng em thuở thơ ấu không quá ấn tượng để lưu giữ như chưng cất rượu quý. Em trai tôi tuổi sửu, có thể lực rất tốt và hai nắm đấm kia thì đã không ít lần cứu nguy cho tôi – Đó là những gì về đứa em mà tôi còn nhớ.
“Nơi đây không dành cho tôi.” – Em nói và xách balô rời khỏi nhà. Không có một bữa tiệc hay một lời từ biệt ướt át nào trong ngày hôm đó. Những cái vỗ vai, bắt tay hay sướt mướt hơn là một vòng ôm thật chặt đều không xảy ra. Đến cái nhìn dai dẳng bám theo cho tới khi mọi thứ về em trai chỉ còn lại những dấu chân cũng không có. Bữa đó, nó mở cửa bước ra còn tôi nhìn dõi theo cho đến khi cánh cửa tự đóng sập bởi cơn gió.
Em tôi không nói mình sẽ đi đâu và tôi cũng không hỏi. Đã nhiều năm trôi qua, tôi không nhận được một lá thư hay tin tức nào của nó. Tôi cũng không có ý định tìm kiếm. Nhà tôi ở đây, ở con phố mang tên K này.
*
Tôi mở một quán giải khát ở phố K. Quán của tôi có cả café, trà, đồ ăn nhanh và là quán giải khát duy nhất con phố nên luôn đông khách. Quán một tầng, có đủ mọi tiện nghi cần thiết, mọi việc được giao cho những người giúp việc nên tôi khá rảnh rỗi. Diện tích quán rất nhỏ, chừng sáu người là hết chỗ đi lại, ai muốn ngồi vỉa hè thì có thể thanh toán trước rồi ra ngoài ngồi. Giới hạn của quán từ trước đến nay vẫn vậy, bởi không có sự ngăn cách nên tôi có thể nghe lỏm được vô khối chuyện. Để tiếp cận các câu chuyện được nhiều hơn tôi có thể vờ đi qua hoặc viện lý do cần phải xem xét vài chỗ để có dịp sẽ tân trang. Nếu chắp nối các mẩu chuyện, dụng công thêm trí tưởng tượng thì tôi sẽ có được một cái cốt để viết vài truyện ngắn. Tôi nghĩ thế, rồi bỏ xó.
Mấy năm gần đây, khách đến quán chỉ tán ngẫu một vài câu, không lắm lời và hiếm khi cười rú lên hay làm một điệu bộ kỳ quặc nhằm tạo tiếng cười. Mỗi bàn, lẻ tẻ một hai người. Khách uống, nói chuyện khẽ, mở điện thoại nhắn tin, người gọi thêm nước, người xin thanh toán tiền. Mọi quán xá nơi đây đều thế, không bao giờ xôn xao tới mức gây ồn quá đà. Các vị khách tới quán gọi đồ uống, nói dăm ba lời rồi đứng lên trả tiền. Cũng có những đôi tình nhân tìm đến đây. Không khó để bắt gặp những thân hình quấn chặt với nhau trên băng ghế nhưng dù những chuyện như vậy hay ghê gớm hơn xảy ra thì cũng chẳng ai than phiền gì. Tôi sẽ ở đó, lướt qua rồi mặc xác họ.
Cửa mở, hai người khách bước vào. Sau khi tìm được chỗ ngồi họ bắt đầu gọi nước uống.
*
Vào những năm…Ồ, tôi chẳng nhớ nổi nữa. Đại loại là cũng lâu rồi, tôi từng làm bảo vệ cho một trường đại học ở thành phố. Tôi làm ca sáng và tối. Hệ trường đại học phân bố nhiều khoa. Cũng như hầu hết các trường đại học, trường này cũng có ký túc xá. Ca sáng tôi trực ngoài cổng, đến tối thì được phân đi kiểm tra khóa cửa các phòng học. Tôi không thân với ai trong đội bảo vệ và họ cũng không tọc mạch. Bảo vệ ở cổng thì xem xét giờ giấc để khóa cổng, còn bảo vệ ở bãi trông xe thì ghi vé và ít lâu lại đi kiểm tra những hàng xe. Không có ấn tượng gì trong quãng thời gian làm việc ở trường. Chuyện thường ngày giữa tôi và những người bảo vệ chỉ dừng ở những câu chào hỏi thông thường.
Trường học rất ít khi tổ chức những hoạt động ngoài trời và tôi thấy rằng thứ phong trào đó rất mau lắng xuống. Các giáo viên không quan trọng lắm những buổi ngoại khóa còn các sinh viên chỉ tham gia khi có người nhắc chuyện điểm danh. Một vài nữ sinh đã cười với tôi, tôi cười lại đáp lễ. Những cái nhìn. Vào ca tối tôi thường đi quanh sân trường. Các cột đèn ở sân trường rất sáng nên tôi không cần mở đèn pin. Tôi có thấy vài đôi trai gái. Ai quen mặt tôi thì chào hỏi. Tôi gật đầu hoặc đáp lại bằng một câu chào tương tự như vậy.
Cửa sổ ký túc xá sinh viên không lắp kính. Vào mùa đông hay khi trời chuyển mưa cánh cửa sổ thường được khép lại còn thì luôn được mở. Ô cửa được che chắn với bên ngoài bằng những thanh sắt dài được xếp xen kẽ. Mỗi khi nhìn lên cửa sổ tôi lại thấy những chiếc bóng nhợt nhạt. Mỗi cái bóng lướt qua cửa sổ rất mau, nhiều khi khững lại và ở yên một chỗ. Tất cả như nhòa mực trong ánh sáng chấp chới của đèn hành lang. Khóa mới. Thêm một khóa mới. Các ô cửa sổ vẫn chiếu ra những chiếc bóng dài, lê bước chậm. Vẫn luôn có các cuộc nhậu ồn ào trong phòng hoặc sân thượng ký túc, và đấy, tiếng cười hô nâng chén, hát loạn xà ngầu thường đại náo cảnh đêm để rồi tàn tiệc ai cũng thờ ơ trong cái bóng mất ngủ. Họ vật vờ, tiu nghỉu như bản hành ca không tiếng người.
“Những cái nhìn, qua…” Tôi nói, nhớ lại và không nhớ thêm được gì. Trí nhớ có như không, cảm giác của một cuốn sách cổ màu trắng.
*
Tôi dành riêng ngày Chủ Nhật để dọn dẹp nhà cửa. Tôi dậy từ sáng sớm. Vệ sinh thân thể xong xuôi, tôi pha một ấm trà. Ngồi thế đến bảy giờ sáng, tôi giật mình ngồi dậy dọn dẹp. Theo như lịch trong ngày thì sau khi lau dọn nhà cửa tôi sẽ đi chợ, còn thời gian thì tạt qua mấy quầy café để mua thêm máy xay café. Lâu quá rồi, tôi mới tổng vệ sinh cả ngôi nhà. Bàn ghế, chăn màn đã cũ, bụi đóng dày như nấm. Chiếc tivi Sony vẫn chạy tốt nhưng trên màn hình đã xuất hiện những vết xước và vài núm bật ở điều khiển đã tụt hẳn vào bên trong. Tôi vào buồng tắm, thả hết quần áo vào máy giặt, cả áo bẩn, áo mới lẫn những bộ đồ chưa mặc lại. Phòng trong và ngoài tôi đã lau dọn sạch sẽ và giờ chỉ còn tầng trên. Đã rất lâu tôi không lên tầng trên cùng. Trên đó là một phòng bỏ trống và được dùng làm nhà kho. Phòng có một cánh cửa dẫn ra lan can. Cánh cửa cũ mèm, đôi chỗ còn tróc thành những mảng lớn. Tôi kéo chốt rồi đẩy cánh cửa.
Mùi ẩm mốc, bụi bặm của căn phòng khiến tôi khó thở. Tôi ho vài tiếng. Trong phòng, bàn ghế ngổn ngang. Tường loang lổ. Cái máy khâu đen nhẻm bụi biến dạng dưới lớp tơ nhện chằng chịt. Có một hòm gỗ đặt phía trong. Đây là phòng của cha. Tôi và em trai hay chạy lên đây chơi, khi chúng tôi chuyển tới thành phố này, cũng đã mươi mươi năm. Thuở đó, tôi và em tôi hay chơi cá ngựa, cờ tướng, trao đổi những giấc mơ thông qua các hình vẽ nghuệch ngoạc trên giấy ô ly. Đứng thế, tưởng mình nhớ nhưng tôi đang cố nghĩ, cạo cho bằng được dáng dấp của tuổi bé con. “Bao lâu nhỉ, một…hai…ba…” – Tôi không nhẩm ra ngày tầng phòng này vẫn còn sáng sủa bởi tiếng người dưới ánh đèn dầu. Tôi đứng lặng một chỗ, đầu tôi vẫn mù mờ bởi những hình ảnh lấp ló nửa chừng. Sau đấy tôi lục được một cuốn album. Bụi đóng thành nhiều tầng dày. Tôi không mở album. Tôi ra khỏi phòng.
Em tôi đã đi rồi, em tuổi trâu và nhiều lần giải vây cho tôi bằng những vết sẹo. Chỉ nhiêu đó là đủ tôi biết rằng mình cũng có em. Hai con trâu sống cùng chuồng trước khi đường ai nấy đi.
Tôi đóng cửa phòng và đi xuống lầu. Công việc của máy giặt kết thúc bằng tiếng rè chậm. Đồng hồ điện tử ghi 00: 00: 00
Mặc thêm một chiếc áo mỏng và cái quần dài, tôi lấy một số tiền vừa đủ rồi ra ngoài. Đã tới lúc phải đi chợ để chuẩn bị cho bữa trưa.
*
Phố K rất ít khi xảy ra những xung đột hay tranh chấp quá lớn, mang tầm trọng án. Mỗi ngày, tôi vẫn nghe thấy những vụ mất trộm, hỏa hoạn, cướp giật, tai nạn xe cộ…Những tin tức hay thậm chí là việc tận mắt nhìn suy cùng cũng chỉ là những chuyện bên ngoài. Tôi nghe, nhìn rồi quên. Công việc của tôi là quản lý cửa hàng chứ không phải cán bộ trong đội phòng chống tệ nạn.
Quán của tôi nằm gần với trung tâm thành phố. Bên cạnh có những quán ăn và cửa hàng khác nhưng đó không phải là điều tôi muốn dông dài. Đi thêm khá xa nữa, qua con đường đất sẽ ra khỏi thành phố. Không có miền quê nào ngoài đó mà chỉ có một đại lộ dẫn tới những thành phố khác. Nhiều người ở thành phố tôi đã di cư sang đó, họ ở đó và không bao giờ trở về. Tôi chưa một lần rời khỏi phố K. Những phố bên cạnh hoặc xa hơn là ở vùng này, vùng kia, thành phố này, thành phố nọ tôi chỉ biết trên các trang tin tức. Những dãy phố kế bên ồn ào hơn, nhiều hộ dân cư và dán nhiều giấy cảnh giới. Các thành phố lớn, cách đây nhiều chuyến tàu luôn có những mối đe dọa. Trộm cắp vặt, tai nạn xe, giang hồ thanh toán, xe ôm giết khách, một hai vụ cướp vàng chặt tay, cháy nổ, tham nhũng, dân và quan chạy mặt nhau như chơi đuổi bắt, ba miền nhập rồi nhưng lòng người vẫn tứ phương…Ôi, nếu đọc thêm chắc tôi thành Wiki mất. Những bô lão ở phố K, bao gồm cả kẻ đang mất dần tuổi xuân như tôi luôn ngại đi xa. Nhiều đe dọa quá. Nhìn ngang ngó dọc rất có thể sẽ trúng một nhát dao. Thậm chí rằng ngay cả khi lái xe, ăn tối hay ngồi trong nhà vệ sinh thì cũng nơm nớp rằng bất kỳ lúc nào cũng có một nòng súng chĩa về phía mình. Nhiều năm trước trên báo đăng tin một quan chức bị bắn chết bởi viên đạn lạc từ một cảnh sát cơ động khi họ giải vây ông ta khỏi bọn bắt cóc. Còn nhiều năm nay, mạng xã hội rầm rộ tuyên cáo về những cuộc đột tử bầm dập nơi công quyền, cường quốc chế tạo bom nguyên tử, nước nhỏ di dân khắp chốn, chưa nghe động binh mà trái đất đã loang lổ.
“Cam vắt!”
Một người khách nói và tôi khẽ gật đầu, chuẩn bị các nguyên liệu để ít phút sau sẽ mang ra.
Quán giải khát hướng ra đường. Cửa kính tự động đóng nếu không có người. Ngồi ở trong quầy nhìn ra ngoài tôi có thể thấy mọi chuyển động của xe cộ, con người hay những chiếc lá rơi. Đó chỉ là sự mô phỏng của lớp kính ngăn cách, rõ ràng là tôi thấy họ, thảng hoặc lúc nào đó lặng im vì một thân hình quen thuộc, vì một cái kẹo bông, tiếng rao tào phớ, tiếng huýt sáo vụng về. Mọi thứ còn mờ nhạt quá và tôi chỉ thấy vậy thôi. Trí nhớ tôi không được tốt, tôi cũng rất ngại khi phải dừng công việc của, chui tìm quá khứ. Không muốn làm loài chuột bới vuốt vào cái hang cũ nên tôi thường ngỡ ngàng khi nhìn thấy những vật quen.
“Ở đây có thuốc lá không?” – Một vị khách hỏi.
“Quán của tôi chỉ có nước giải khát, café và đồ ăn nhanh.”
“Quán này mở lâu chưa.”
“Cũng lâu rồi, ông gọi thêm gì không.”
“Này anh” – Người khách vò đầu - “Con trai tôi bỏ nhà đi đã nửa tháng nay. Ngày nào tôi cũng để phần cơm cho nó…”
Tôi gật gù.
“Canh rau rút, thịt kho tàu với hai quả trứng ốp, một đĩa đậu rán cùng nước mắm. À, ngày nào tôi cũng nấu một nồi cà ri gà, có lúc tôi ăn trừ bữa để lại nửa nồi có lúc tôi không ăn gì cứ để đó, chờ, hôm sau phải đổ đi nấu nồi khác.”
“Lâu quá không ai gọi thuốc lá nên tôi không nhập nữa, ông thông cảm.” Tôi hỏi. Người đàn ông kia lại vò đầu.
“Theo anh thì nó có thể đi đâu? Nó bướng bỉnh thật đấy nhưng vẫn chỉ là một đứa trẻ…”
“Ông cần dùng thêm thì cứ gọi.” – Tôi về quầy.
“Này anh…” – Câu nói chỉ vang tới đó thì dừng lại. Tôi lờ mình khỏi sự rỗi hơi của người khách bằng cách mở cuốn sổ thu chi và nhẩm xem hôm nay bán được bao nhiêu hàng.
Người khách đánh mắt quanh quán rồi đưa điếu thuốc đang kẹp ở ngón tay lên miệng, rít một hơi sâu. Điếu thuốc đã chạm tới ống lọc, ông ta không uống thêm hơi thuốc nào nữa. Vị khách đứng lên thanh toán và kết thúc sự có mặt mình ở đây bằng cái vò đầu.
“Nào, dọn dẹp bàn rồi mang cốc đi rửa đi.” – Tôi nói với bồi bàn. Cô ta gật đầu và bắt đầu công việc của mình.
*
Cha đã chết khỏi cuộc đời tôi, chết khỏi thế gian. Không còn ai hỏi về ông, chỉ riêng tôi là còn nhớ, ít nhất là khi nhìn thấy những món đồ có dấu vân tay của ông. Rõ hơn thì là bức ảnh trên bàn thờ. Ảnh chụp từ hệ máy ảnh đen trắng, qua nhiều năm các lớp màu trên đó rã dần ra và biến thành những khoảng trắng. Vài khối hình trên gương mặt cha đã rụng xuống. Cặp mắt đôn hậu ngày trước cũng mờ đục vào màu trắng. Tôi ngại việc gỡ ảnh thờ đem ra hiệu ảnh để phục chế lại. Nhìn ảnh mới tôi không quen, hơn nữa ảnh người chết cũng là bằng chứng về thời khắc của người, không thể tùy tiện đổi trác, chỉnh sửa theo ý mình.
Tôi thắp cho cha một nén hương. Mảnh khói tỏa ra che phủ đi một phần trên gương mặt cha. Sau đó tôi rút một chân nhang ra khỏi bát. Tôi lấy một điếu thuốc, châm lửa, hút một hơi rồi cắm điếu thuốc vào que nhang, cắm vào bát hương. Tôi chắp tay, định khấn nhưng chẳng biết nhẩm gì nên lại thôi.
Cha đi rồi, em tôi cũng đi luôn, còn mình tôi trong nhà.
Tôi không muốn gợi nhớ về cha nữa. Người đàn ông trên bàn thờ, ông ấy qua đời khi anh em tôi đã trưởng thành. Ông ấy là cha tôi và rất thương tôi – Chỉ nhiêu đó thôi là quá đủ cho ký ức về người cha.
*
Năm. Đấy là thống kê nối dài bản danh sách những người bỏ phố K. Hai thanh niên dứt áo ra đi tới nay vẫn chưa về, một trong số ba người kia đã chết trong một cuộc tranh chấp ở một thành phố xa nhà ngàn cây số. Người nhà đã đưa xác họ về đây và chôn cất ở nghĩa trang K. Hai người còn lại tôi loáng thoáng biết đã tiếp tục sống và năng nổ tới mức gây loạn đến chính quyền.
“Thật chẳng hiểu nổi.” – Một người khách đang nói về những người bỏ đi nói. “Có quái gì ở cái phố này.”
Người đàn ông đang nói. Tóc bạc, mặt gẫy, mũi hơi nhọn và hếch lên. Áo quần ông ta luộm thuộm. Ngồi một mình, và trầm tư, giận dữ cũng một mình.
“Một nơi quái gở.” – Ông ta nói và đánh mắt nhìn hết người này đến người kia. Vài cặp mắt liếc nhìn rồi ngừng lại. Chẳng có thêm một lời phàn nàn nào về sự gây rối này. Có khách gọi thêm café.
Người đàn ông kia đấm mạnh xuống bàn. Quả đấm mạnh khiến mặt bàn lắc lư, cốc nước trên bàn nghiêng nghiêng hồi lâu rồi lại đứng yên. “Cứ im lặng mãi thế sao?” Người đàn ông, hồ như đã dùng hết sức lực cho câu nói đó. Tiếng vang rất lớn. Tôi đứng ở quầy vẫn thấy ù tai. Vài người khách nhìn ra, tôi cũng nhìn ra. Mấy tiếng xì xào, chỉ trỏ rồi im lặng.
“Sao ông nói to thế nhỉ?” – Cô bồi bàn nói rồi ngoảnh đi.
“Các người có nghe thấy tiếng súng nổ không? Người chết kia kìa, nhân dân đấy, đồng loại chúng mày đấy, thấy không?” – Người đàn ông nói.
Không có thêm tiếng động nào.
“Có ai đã đi qua khu phố...chưa? Có một khu ổ chuột ổ đó. Tôi đã từng thấy họ lục thùng rác và mừng quýnh khi thấy một suất cơm thừa. Biết hôm qua không, nhóm dân phòng đẩy ngã cụ già bán bún, làm chết người.”
Tôi sắp xếp lại các hộp café và nước hoa quả. Một vị khách gọi thêm đồ uống.
“Này! Tôi đang nói đấy!” – Người đàn ông gào lên và bắt đầu ho.
Cô bồi bàn tới gần ông ta, bảo “Ông dùng thêm gì không?” Người đàn ông nhìn quanh quán, mọi cặp mắt đã bỏ rơi ông ta. Dường như ông ta muốn hét thật lớn một tiếng nữa nhưng giọng ông ta bắt đầu khàn. Người đàn ông ho vài tiếng. Các cơn ho nghẽn lại tạo thành những tiếng khù khụ của người bị sặc thuốc lào.
Người đàn ông thanh toán tiền và đi khỏi quán. Tôi nhìn ra và thấy người đàn ông mang theo một chiếc balô rất lớn. Ra đến cửa, người đàn ông chợt hét to. Người trong lẫn ngoài quán xôn xao một lúc rồi thôi. Chẳng có lý do để lắm lời khi ông ta đã đi và không ấn tượng đối với một tiếng hét không phải của ngôi sao.
*
Trà đã pha xong, chỉ đợi rót ra chén là uống được. Hôm nay tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Chiếc đồng hồ điện tử treo tường hết pin từ bao giờ nên tôi không biết chính xác về giờ giấc. Chiếc điện thoại của tôi đang sạc điện, qua ô kính mờ bụi, tôi thấy thấp thoáng mảnh trăng liềm. Còn trăng, trời chưa sáng. Tôi với lấy chiếc điều khiển và mở tivi. Truyền hình cáp đang chiếu một bộ phim kinh dị. Thứ phim ảnh này không hề phù hợp với tôi, sau vài lần chuyển kênh vẫn chưa thấy một chương trình bất đắc dĩ có thể xem được, tôi tắt vô tuyến.
Vừa nãy khi còn đang say giấc, bỗng tôi có một cơn giật mình. Không phải ác mộng vì tôi vẫn không nhớ mình mơ gì. Điều tôi rõ nhất là cơn giật mình đó đã khiến cơ thể tôi run lên và bật khỏi chỗ nằm. Thân thể tôi bải hoải, hai bàn tay tê rần. Sức lực tôi kiệt quệ trong một chốc rồi hồi phục từ từ. Tôi rót trà và bắt đầu uống. Vẫn loại trà sen túi lọc thường ngày. Mấy bông hoa cúc tôi bỏ thêm không khiến vị trà khác đi mà vẫn nhạt nhẽo, vị hăng như hoa dại. Tuần trước trên đài phát thanh có đưa tin về việc mất tích của một số người ở phố K. Họ nói đây không phải là một vụ bắt cóc, cũng khó để nói là một chuyến du lịch dài hạn vì đã có người vắng mặt mấy năm trời. Hầu hết họ đều chuyển đến nơi khác, phố, huyện hoặc một tỉnh lỵ xa xôi. Biết đâu họ bay đến nước khác rồi sống luôn ở đấy. “Đời ai người đó lo, lạ gì nào?” Nhưng tôi vẫn không hiểu lý do gì họ lại ruồng bỏ con phố này? Phố này cũng dài như mấy phố ghép lại, chỗ ăn chỗ chơi đầy ra, công việc không thiếu, đường xá rộng rãi, ít tắc và rất an ninh…Những người đó thường lẳng lặng bỏ đi, hoặc như anh trai tôi ngày nào, chỉ nói một câu từ biệt rồi mở cửa và ra đi. Họ không mang theo vợ con hay bạn bè, họ ra đi một mình. Như con cú trắng đứng nhiều năm trên nóc nhà, chẳng ai hay và khi cú ta vỗ cánh bay đi cũng chẳng ai hay, tiếng Francoise Sagan thuở trăng non.
Tôi chuyển tới ngôi nhà này từ khi còn nhỏ. Những gương mặt ở dãy phố này tôi đều biết và rất quen thuộc. Tôi và họ gặp nhau. Nếu thân thiện thì hỏi chuyện còn thì sẽ giơ cao tay, cười và từ giã nhau bằng những cái vẫy tay. Tôi có một số ít bạn bè ấu thơ. Tôi không còn nhớ nhiều vì khi chúng tôi lớn thì không ai biết về nhau nữa. Mỗi người mỗi công việc và mỗi cuộc sống. Càng lớn, con người càng lẻ đi và chỉ biết bầu bạn với công việc, đến lúc rã việc bởi tuổi tác thì kết duyên với bệnh tật, cứ vậy đau đáu chỉ mong vùi mãi vào giấc ngủ không tuổi không tên.
*
Tôi nhìn đồng hồ treo tường. Mọi con số đều đã dừng lại. Trà đã hết, ấm nguội lạnh. “Trời hẵng còn tối mà mình thì lại tỉnh táo quá.” – Tôi ngồi dậy và bước lên lầu. Cánh cửa rỉ sét của gian nhà kho đã ở trước mặt. Tôi mở chốt, kéo cánh cửa ra. Gian phòng vẩn lên mùi bụi bặm và ẩm mốc. Tôi ấn công tắc điện rồi bước vào phòng. Loại bóng đèn công suất thấp lâu rồi chưa được thay, thỉnh thoảng lại nhấp nháy như triệu trứng của cháy dây tóc. Căn phòng này rộng hơn dưới nhà nên để được rất nhiều đồ đạc. Những cỗ bàn ghế hỏng chân hoặc đã cũ đều được chuyển lên đây. Có vài món đồ mà từ lâu tôi đã quên bẵng. Chiếc làn nan hình con vịt góc kia rất quen. Cả cái đèn ông sao rách nát, bộ đồ hàng nấu ăn, mặt nạ con hổ…Quen lắm. Nhưng quen thế nào? Chịu thôi. Trước mắt tôi, giờ chỉ là những đồ vật cũ phủ bụi.
Nhìn quanh gian phòng hồi lâu, tôi chợt dừng lại ở một chồng sách. Cũng chẳng thể gọi đó là một chồng sách vì ở đó còn có các cuốn sổ, tập tài liệu, sách giáo khoa và cả những tấm áp-phích quảng cáo. Cuốn album, tôi thấy nó. Trên album có thêm một lớp bụi mỏng. Trong này là ảnh của tôi, cha và thằng em.
Tôi lau bụi rồi mở. Trang đầu để trống. Tôi mở những trang tiếp theo. Phần lớn hình chụp của cha đều là ảnh đen trắng. Rất khó để nhìn rõ vì ảnh được chụp từ 1954. Khuôn mặt những người trong ảnh đều mờ nhạt. Một số bức nửa thân người còn vỡ vào màu trắng của phông nền. Các bức ảnh cưới cũng mờ nhạt như vậy. Một tấm tôi chỉ thấy bàn tay cầm hoa, một bức khác tôi nhìn thấy một đoàn người không đầu. Tôi nhìn vào tấm ảnh cố nhớ lại. Những hình ảnh lẩn khuất như trò ú tim. Gương mặt cha đang rời khỏi tôi, không cách nào giữ lại được. Tôi tiếp tục lật các trang khác của cuốn album và dừng lại ở một tấm ảnh. Một cái ảnh màu 10x15 chụp cả người. Trong hình là hai đứa trẻ con đứng cạnh nhau. “Đây là…” Không thể lẫn đi đâu được, hình của tôi và em trai chụp lúc nhỏ. Chăm chú nhìn bức ảnh, tôi đứng bất động hồi lâu. Hai đứa nhóc cao bằng nhau, một đứa mặc áo xanh, đang cười và một đứa mặc áo đỏ đang cắn móng tay. Tôi gỡ tấm ảnh khỏi album và cầm trên tay. Tôi cứ đứng thế nhìn bức ảnh. “Tôi đứng bên trái hay bên phải. Tôi đang cười hay đang cắn móng tay?” Bức ảnh này, hai đứa nhóc trong bức ảnh, chúng là...Có thật đây là hình chụp anh em tôi hay của một cặp anh em nào đó giờ tôi đã quên mất. Tôi lật những trang sau của cuốn album. Không có thêm một bức ảnh màu nào. Tất cả đều là ảnh đen trắng, nhiều bức các hình ảnh chìm nghỉm trong màu trắng. Mở lại cuốn album. Chẳng có thêm hình màu hay hình trẻ con nào. Bức trên tay tôi là bức độc nhất trong album. Giơ tấm hình lên, tôi nhìn thật lâu. Tôi vỗ trán. Hai thân hình bé nhỏ đó tôi ghi nhớ rồi, thuộc tới mức nhắm mắt cũng nhớ không sót gì…“Ai thế?” Ngón tay tôi run run, cuốn album tuột khỏi tay. Tấm ảnh tuột khỏi tay, đổ sầm xuống đất.
“Ai…”-Vừa lẩm bẩm tôi vừa bước đi. Được vài bước thì tôi trượt chân, ngã xuống. Trán tôi đập mạnh xuống sàn nhà. Cơn choáng váng khiến đầu óc tôi rối tung lên. Hệt như đi vòng tròn quá lâu, tôi thấy váng vất, buồn nôn, thấy gian phòng quay vù đường cánh quạt.
2013
Khóa Sắt Khóa Sắt - Tru Sa