Số lần đọc/download: 1218 / 43
Cập nhật: 2017-08-18 15:51:49 +0700
Chương 5
B
ên dưới buồng tu của tôi là nhà bếp tu viện. Trong khi viết tôi nghe thấy tiếng đồng thau chạm loảng xoảng: các nữ tu phụ bếp đang rửa bát đĩa trong gian nhà ăn đạm bạc của chúng tôi. Xơ tu viện trưởng giao cho tôi một nhiệm vụ khác họ: viết ra câu chuyện này, nhưng toàn bộ nỗi khó nhọc trong tu viện được hiểu như dồn lại làm một, hướng đến cái mục tiêu duy nhất: sự lành mạnh phần hồn. Hôm qua tôi viết về trận đánh, tiếng loảng xoảng trong bồn rửa bát với tôi dường như là tiếng giáo va vào khiên và áo giáp, tiếng gươm đao chát chúa chém lên mũ sắt; rồi từ bên kia cái sân hành lang, tiếng khung cửi của các nữ tu thợ dệt quay lạch cạch dường như là tiếng vó ngựa cồm cộp phi nước đại, cho nên, những gì tai tôi nghe ra, thì cặp mắt lim dim của tôi biến thành những thị kiến, đôi môi tĩnh lặng của tôi biến thành ngôn từ và ngôn từ, và ngòi bút lao theo trên trang giấy trắng bắt cho kịp.
Hôm nay có lẽ vì không khí nóng bức hơn, nên mùi bắp cải nồng hơn, đầu óc tôi uể oải hơn, và tiếng rửa bát đĩa loảng xoảng không dìu tôi ra xa hơn những gian nhà bếp của đạo quân Pháp: tôi trông thấy các chiến binh đang đứng xếp hàng trước những miệng nồi nghi ngút khói, trong tiếng gõ liên hồi của cùi dìa và cà mèn, tiếng muôi va cành cạch vào thành nồi, tiếng cạo rột roạt mảng cháy dính dưới đáy cái nồi đã cạn; và cái cảnh tượng, cái mùi vị bắp cải ấy sẽ lặp lại ở mọi đội quân, dù là đội Norman, đội Angevin, hay đội Bourgogne.
Nếu sức mạnh của một đạo quân được đo bằng tiếng náo động phát ra, thì đạo quân Pháp đúng là vang rền biểu dương mình vào giờ cơm. Tiếng ầm ĩ dội qua các thung lũng và đồng bằng, tới tận nơi nó hòa lẫn với một thứ tiếng dội tương tự, xuất phát từ các miệng nồi quân ngoại-đạo. Cùng giờ, đạo quân đối phương cũng đang mải mê nuốt lấy nuốt để một thứ xúp bắp cải tệ hại. Trận đánh hôm qua đã không ầm vang bằng như thế này. Cũng chẳng sặc mùi đến thế.
Cho nên tôi chỉ còn có cách là tưởng tượng các nhân vật trong câu chuyện của mình đang ở xung quanh nhà bếp. Tôi trông thấy Agilulfo hiện ra giữa khói bay nghi ngút, khom người trên một miệng nồi, vô cảm với mùi bắp cải, đưa ra lời cảnh cáo các đầu bếp của đội quân Auvergne. Đây rồi, cậu trai trẻ Rambaldo, ba chân bốn cẳng, xuất hiện.
– Ngài hiệp sĩ ạ! – vẫn đang thở hổn hển, cậu nói – cuối cùng thì tôi cũng tìm được ngài! Ngài biết đấy, tôi…, tôi muốn làm hiệp sĩ! Trong trận đánh hôm qua tôi đã báo thù… giữa cuộc hỗn chiến… sau đó, tôi đơn độc, đấu với hai… một cuộc mai phục… khi ấy… tóm lại, bây giờ tôi biết thế nào là chiến đấu. Tôi mong rằng trên trận địa tôi sẽ được gửi tới cái chỗ nguy hiểm nhất… hoặc được khởi sự một chuyến xông pha nào đó để gặt hái vinh quang… vì niềm tin thiêng liêng của chúng ta… cứu giúp phụ nữ, kẻ tật nguyền, người già, người yếu thế… ngài có thể bảo tôi…
Agilulfo, trước khi xoay mặt về phía Rambaldo, đứng yên một lúc, nhún vai, như thể để nhấn mạnh nỗi bực dọc bị cắt ngang khi đang hoàn thành một nhiệm vụ; sau đó, xoay mặt lại, chàng bắt đầu một bài diễn từ lưu loát, cặn kẽ, thấp thoáng niềm vui thú vì mình đã nhanh chóng làm chủ một đề tài được đề ra ngay tại chỗ, và đã mổ xẻ rất chu đáo.
– Này cậu hiệp sĩ tập sự! dựa trên những gì cậu nói, dường như cậu coi địa vị hiệp sĩ của chúng ta chỉ bao hàm việc tắm mình trong vinh quang, dù là khi dẫn đầu đoàn quân trong chiến trận, hay là trong các chuyến xông pha riêng lẻ táo bạo, và công cuộc sau được hiểu là để bảo toàn niềm tin thiêng liêng của chúng ta, cũng như để cứu giúp phụ nữ, người già, kẻ bệnh tật. Ta hiểu có đúng không?
– Đúng ạ!
– Cậu nghe đây! Các hoạt động mà cậu đề cập đúng là đều gắn liền với cái binh đoàn sĩ quan ưu tú của chúng ta, song… – tới đây thì Agilulfo nở một nụ cười khe khẽ, nụ cười đầu tiên Rambaldo nghe được từ cổ chiếc mũ chiến trắng toát, một nụ cười vừa niềm nở vừa chế nhạo – … song đâu chỉ có vậy. Nếu cậu muốn, ta dễ dàng kê khai ra từng trách nhiệm trực thuộc: Đội Hiệp sĩ Lính trơn, Đội Hiệp sĩ Cấp cao, hay Đội Hiệp sĩ Tham mưu.
Rambaldo xen vào:
– Thưa ngài hiệp sĩ! Tôi chỉ cần đi theo và noi gương ngài.
– À, vậy là cậu thích đặt kinh nghiệm trước lý thuyết: ta chấp nhận. Cậu thấy đấy, hôm nay ta đang thi hành bổn phận của mọi ngày thứ Tư: Thanh tra Tổng cục Hậu cần. Trong cương vị này, ta đi giám sát nhà bếp của các đội quân Auvergne và Poitiers. Khi đi theo ta, cậu sẽ có thể từng bước học tập cái ngành phục vụ tế nhị này. Không phải điều Rambaldo trông đợi, cậu hơi thất vọng. Chẳng muốn tự mâu thuẫn, cậu làm như mình đang chú tâm vào những gì Agilulfo đang thể hiện và bảo ban các bếp trưởng, quản rượu và phụ bếp, bụng vẫn hy vọng đó chỉ là cái màn nghi lễ mào đầu trước khi xông vào một kế hoạch vũ trang sấm sét nào đó.
Agilulfo đếm đi đếm lại lượng thực phẩm được phân phối, khẩu phần xúp, số cà mèn nhận xúp, dung tích xúp còn trong nồi.
– Cậu biết không, với bộ chỉ huy của một đạo quân – chàng giải thích – điều khó nhất là tính xem mỗi cái nồi xúp rau to tướng chia được cho bao nhiêu cà mèn. Chưa đội quân nào tính đến nơi đến chốn. Hoặc là không ai biết các khẩu phần dôi ra đã đi về đâu, làm thế nào để ghi lại chúng trong sổ phân phối, hoặc là – trường hợp lượng phân phối không đủ – binh lính bị bỏ đói, tức khắc sự bất mãn sẽ len lỏi trong doanh trại. Đúng là ở mỗi nhà bếp quân sự lúc nào cũng có một hàng người ăn xin, neo đơn già lão, tật nguyền, kéo đến để thu thập thức ăn thừa. Tất nhiên, mất trật tự vô cùng. Để nhìn nhận cho rõ hơn, tôi ấn định rằng mỗi đội quân phải đưa ra danh sách binh lính có mặt và luôn cả những kẻ nghèo khổ thường tới nối đuôi đợi bữa ăn. Như thế, ta sẽ biết đích xác mỗi cà mèn xúp đã đi về đâu. Cho nên lúc này, để thực hành các nhiệm vụ của mình trong cương vị một hiệp sĩ, cậu có thể làm một vòng quan sát nhà bếp của các đội quân, với danh sách trong tay, kiểm tra xem mọi thứ có đúng như vậy hay không. Sau đó trở lại báo cáo với ta.
Rambaldo phải làm gì bây giờ? Từ chối, hoặc là ôm cả vinh quang hoặc là ngã về không chăng? Cậu đang đứng trước nguy cơ hủy hoại sự nghiệp của mình vì một chuyện không đâu. Cậu đi.
Cậu quay trở lại, ngán ngẩm, ý tưởng mịt mờ.
– Chao ôi, vâng, tôi có cảm tưởng là tốt thôi – cậu nói với Agilulfo – nhưng đúng là cực kỳ hỗn loạn. Thế rồi những kẻ khốn khổ kéo tới kiếm chút xúp kia, phải chăng họ đều là người anh em?
– Sao lại đều là người anh em?
– Biết nói sao, họ giống nhau quá… đúng hơn, y như nhau, người này có thể thay cho người kia. Đội quân nào cũng có cái kẻ ấy theo kiểu của mình, đích xác như mọi đội quân khác. Lúc đầu tôi tưởng cũng cùng là người ấy rời từ nhà bếp này sang nhà bếp nọ. Nhưng khi tôi nhìn vào danh sách thì thấy tất cả các cái tên đều khác nhau: Boamoluz, Carotun, Balingaccio, Bertella… Tôi bèn đi hỏi viên đội trưởng để kiểm lại: vâng, hoàn toàn tương ứng. Tuy nhiên, chắc chắn sự giống nhau này…
– Để đích thân ta đi xem sao.
Cả hai đi về phía doanh trại Lorraine.
– Kia rồi, ngài trông người kia kìa – Rambaldo chỉ vào một cái chấm như thể đó là một người. Thật vậy, là một người: nhưng nếu chỉ nhìn phớt qua thì bộ áo xanh, ố vàng, bạc thếch và gương mặt đầy tàn nhang, râu ria bờm xờm, lởm chởm, sẽ bị ánh mắt tưởng nhầm là sắc màu của đất đá và lá cây.
– Nhưng người đấy là Gurdulù mà!
– Gurdulù à? Lại một cái tên khác! Ngài biết anh ta không?
– Một người không tên mà có đủ mọi cái tên. Cảm ơn cậu hiệp sĩ tập sự; cậu không những đã phát hiện ra một sự bất quy tắc trong các bổn phận của chúng ta, mà còn tạo cơ hội cho ta tìm lại được viên lính hầu mà đích thân hoàng đế đã ban lệnh giao cho ta nhưng rồi bị thất lạc ngay sau đó.
Các đầu bếp của đội quân Lorraine, sau khi đã phân phát khẩu phần ăn cho binh lính xong, bèn để lại cái nồi cho Gurdulù.
– Này, toàn bộ phần xúp cho anh đấy!
– Ối, toàn bộ phần xúp! – Gurdulú kêu lên, chúi đầu vào miệng nồi như thể nhoài người ra khỏi một bậu cửa sổ, cầm chiếc thìa, anh ta xoèn xoẹt cạo lấy cạo để, cậy ra cái phần quý báu nhất của mỗi cái nồi, tức là lớp cháy cứng ròn dính vào đáy và thành nồi.
– Toàn bộ phần xúp! – tiếng anh ta dội oang oang trong cái nồi, và qua một cú với người sục sạo kịch liệt, cái nồi lật úp lên người anh ta.
Giờ thì Gurdulú bị nhốt trong miệng nồi lật úp. Từ trong đó phát ra tiếng thìa gõ cụp cụp như từ một chiếc chuông rè và tiếng kêu om sòm của anh ta.
– Toàn bộ phần xúp!
Sau đó, cái nồi động đậy như một con rùa và lật ngửa trở lại, Gurdulù tái hiện.
Người anh ta bê bết xúp bắp cải từ đầu đến chân, loang lổ, nhớp nháp, lại còn lem luốc những vết nhọ nồi. Xúp dính vào mắt, anh ta như mù, vừa đi vừa kêu to:
– Toàn xúp là xúp!
Cánh tay khua khua ra phía trước như đang bơi, anh ta không thấy gì ngoài xúp, phủ đầy trên mắt và trên mặt.
– Toàn xúp là xúp!
Một tay anh ta vung chiếc thìa, như muốn múc hết mọi thứ xung quanh về cho mình.
– Toàn xúp là xúp!
Chứng kiến cảnh tượng, Rambaldo cảm thấy xáo động đến chóng mặt; nhưng đó không chỉ là một sự tởm lợm mà còn là một niềm hồ nghi, rằng cái con người đang dọ dẫm vòng vòng trước mặt mình kia là có lý, và thế gian chẳng khác gì hơn là một thể xúp mênh mông không cấu thể, trong đó mọi thứ đều tự rã và tự nhuốm lên chính mình mọi thứ khác. “Cứu tôi với! tôi không muốn mình trở thành xúp”, cậu chực hét lên, nhưng thấy Agilulfo đang đứng gần đấy, khoanh tay, vô cảm, xa xăm, và không hề bị tác động bởi tính chất phàm tục của cảnh tượng; cậu cảm thấy chàng ta sẽ không bao giờ thông cảm cho nỗi hoảng hốt của mình. Lúc này, cái nỗi niềm da diết trái cựa luôn luôn truyền đạt cho cậu từ hình bóng chàng chiến binh áo giáp trắng toát đã được đối trọng bởi một nỗi niềm da diết mới truyền đạt từ Gurdulù: và qua phương thức này cậu có thể cứu vãn sự quân bình của mình mà điềm tĩnh trở lại.
– Sao ngài không giải nghĩa cho anh ta hiểu mọi sự không phải là xúp và bảo anh ta chấm dứt cái vũ điệu xaraban ấy đi? – Cậu đề nghị Agilulfo, cố công giữ cho âm sắc của giọng mình vẫn như mọi khi.
– Cách tốt nhất để hiểu anh ta là đề ra cho anh ta một nhiệm vụ thật cụ thể – Agilulfo nói; và quay sang Gurdulù – mi là viên lính hầu của ta, theo lệnh ngài Charles, vua của người Frank, Hoàng đế chí thánh. Từ nay mọi chuyện mi phải vâng lời ta. Và bởi vì ta mang trọng trách Tổng giám Mai táng và Đốc vụ Trắc ẩn chăm lo phần mộ cho người chết trong trận đánh hôm qua, ta sẽ phát cho mi cuốc và xẻng, ta sẽ dẫn mi tới bãi chiến trường mà chôn cất thân xác các người anh em của chúng ta đã được làm phép rửa tội để vẻ vang về với nước Chúa.
Chàng cũng mời Rambaldo đi theo Gurdulù, để mà cậu ta có thể nhận thức được cái nhiêm vụ tế nhị kia của các chàng hiệp sĩ.
Cả ba đi về phía chiến địa: Agilulfo, với cách bước đi của mình, dù muốn thong dong, nhưng như thể đang giẫm lên những mũi đinh; Rambaldo, mắt tròn xoe đảo quanh, bồn chồn mong nhận ra những nơi chốn mình đã đi ngang hôm qua dưới một trận mưa giáo mác và gươm đao; Gurdulù, cuốc và xẻng trên vai, chẳng ý tứ gì về sự long trọng của nhiệm vụ, huýt sáo và hát vang.
Đang đi trên một gò đồi, họ phát hiện ra cái bãi đất nơi đã diễn ra cuộc hỗn chiến đẫm máu nhất. Mặt đất ngổn ngang xác chết. Bầy kền kền, vuốt bấu dính vào bờ vai hoặc vào mặt các xác chết, đang chúi mỏ sục sạo trong các buồng bụng đã bị rách toang.
Đây là một công việc bầy kền kền không thể một mạch thỏa chí tiến hành. Chúng sà xuống khi trận đánh vừa vào hồi kết thúc: nhưng tất cả các xác chết rải rác trên bãi chiến trường đều được bao bọc bởi bộ áo giáp bằng thép, chúng vẩy mỏ mổ liên hồi mà vẫn không thể chọc thủng. Trời vừa tối, lặng lẽ lặng lẽ, từ cả hai phe, những tay lính hôi của xác chết trườn người bò tới. Bầy kền kền lại xoắn tít lên bầu trời chờ bọn họ xong xuôi. Những tia sáng ban mai đầu tiên chiếu rọi một bãi trắng hếu các thi thể trần truồng. Bầy kền kền lại sà xuống và bắt đầu bữa đại tiệc. Song chúng phải gấp rút, vì chẳng chóng thì chày đội phu đào huyệt sẽ kéo đến, chối từ loài chim cái thứ họ nhường cho loài dòi.
Agilulfo và Rambaldo vung gươm, còn Gurdulù thì quơ xẻng, đuổi lũ khách viếng đen sì bay đi. Sau đó họ bắt đầu cái công việc cấp thiết và buồn bã: lần lượt mỗi người lựa một xác chết, cầm đằng chân, lôi lên một chỗ thích hợp trên đồi mà đào một miệng huyệt.
Agilulfo lôi một người chết và nghĩ:
– Này tử thi! mi có cái điều ta chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có: cái thi hài nhầy nhụa này. Đúng hơn, không những mi có mà mi còn là cái thi hài nhầy nhụa, tức là điều mà đôi khi, trong những lúc sầu muộn, ta giật mình ganh tị ở những con người hiện hữu. Đẹp đẽ nhé! Nhưng ta có thể đích đáng bảo rằng mình được đặc quyền, kẻ có thể không cần đến nó nhưng vẫn làm mọi sự. Mọi sự, tất nhiên, ta cho là hệ trọng hơn cả; và ta có thể làm rất nhiều thứ tốt hơn kẻ hiện hữu mà không vấp phải các khuyết thiếu thông thường: lố bịch, thô gộp, bất nhất, thối rữa. Đúng là kẻ hiện hữu cũng luôn luôn đem đến cái gì đó, một dấu ấn đặc thù mà ta không bao giờ có thể. Song nếu cái bí quyết của họ là ở đấy, trong cái bị lục phủ ngũ tạng kia, thì xin cảm ơn, ta không thiết. Cái thung lũng thi thể trần truồng đang tan vữa nơi đây không còn khiến ta tởm lợm hơn cái lò thịt giống người sống nữa.
Gurdulù lôi một người chết và nghĩ:
– Ê xác chết! rắm của mày thối hơn rắm của tao. Tao không biết tại sao mọi người lại khóc thương mày. Mày thiếu cái gì nào? Lúc trước mày động đậy, bây giờ sự động đậy của mày được chuyển sang cho lũ dòi mày nuôi. Lúc trước mày để móng để tóc: bây giờ mày rỉ nước rữa để cọng cỏ trong vườn mọc cao dưới nắng. Mày sẽ thành cỏ, sau đó thành sữa con bò đã ăn cỏ, thành máu em bé đã bú sữa, cứ thế nhé. Ê xác chết! mày không thấy là mày đang sống mạnh sống hùng hơn tao à?
Rambaldo lôi một người chết và nghĩ:
– Ôi chàng chiến binh quá cố! tôi chạy miệt mài tới đây chỉ để mà kéo lê kéo lết bạn thôi sao. Là gì thế: cơn thịnh nộ thúc đẩy tôi, nỗi ám ảnh chiến trận và tình yêu, nhìn qua đôi mắt trợn trừng từ cái điểm nơi thủ cấp của bạn rớt xuống dội bật trên đá sỏi? Tôi nghĩ về những điều đó, chàng chiến binh quá cố ạ! bạn khiến tôi nghĩ về những điều đó; nhưng thay đổi được gì đây? Chẳng gì cả. Đối với chúng tôi, người sống, cũng như các bạn, kẻ đã quá cố: không còn những ngày tháng nào ngoài những tháng ngày trước khi xuống mồ. Rằng tôi đã được trao phó để mà không phí phạm, không phí phạm bất kỳ cái gì tôi là và có thể là. Để hoàn thành những trận đánh xuất sắc cho quân đội Pháp. Để ôm hôn và được nàng – nữ chiến binh Bradamante – ôm hôn. Chàng chiến binh quá cố ơi! tôi hy vọng bạn đã vận dụng những tháng ngày của mình thật tốt đẹp. Dẫu sao, con xúc xắc đã đổ ra phần số của bạn. Phần tôi thì nó còn đang xuắn tít trong hộp lắc. Ôi chàng chiến binh quá cố! tôi yêu nỗi khắc khoải của tôi, không phải sự bình yên của bạn.
Gurdulù ca hát, sửa soạn đào huyệt cho cái xác chết. Anh ta đặt cái xác nằm xuống đất, vạch ra các đường biên xung quanh bằng cái cuốc, dời cái xác đi, xông vào cuốc túi bụi.
– Hỡi xác chết! mày nằm chờ như thế này chắc là rầu rĩ lắm. – Anh ta lật cái xác nằm nghiêng, hướng về miệng huyệt, như thể để cặp mắt nó chứng kiến anh ta đào. – Bớ xác chết! mày cũng có thể buông dăm ba nhát cuốc chứ lị. – Anh ta dựng nó lên, tìm cách đặt cái cuốc vào tay nó. Cái xác đổ sụm xuống. – Thôi được. Mày không thể. Có nghĩa là về chuyện đào huyệt, tao đào, sau đó mày chôn.
Huyệt đã đào xong: nhưng do cách bổ cuốc lộn xộn của Gurdulù, nó mang một hình thể không đều, với cái đáy lòng chảo. Giờ thì Gurdulù muốn thử. Anh ta tụt xuống và nằm soài trong đó.
– Ồ, hết sẩy, nghỉ ngơi dưới này quá đã! Ối, đất mỹ miều êm ái! Úi dà, trở mình khoan khoái! Ê xác chết! mày xuống đây đi để mà cảm thấy cái huyệt tao đã đào cho mày tuyệt vời như thế nào! – Sau đó anh ta nghĩ lại. – Tuy nhiên, nếu chúng ta đã đồng ý với nhau rằng mày phải lấp huyệt, thì tốt hơn tao ở lại dưới này, và mày xúc xẻng đổ đất lên người tao! – Anh ta đợi một chốc. – Nào! Nhanh lên chứ! Khó gì đâu? Cứ như thế này! – Nằm dưới huyệt, anh ta bắt đầu giơ cuốc cào đất rơi xuống. Cả ụ đất trượt lở xuống người anh ta.
Agilulfo và Rambaldo nghe thấy một tiếng thét tắc nghẹn, họ không biết là do sợ hãi hay do thỏa mãn khi thấy mình được chôn kỹ như thế. Họ kịp thời kéo Gurdulù lên, đang bị đất lấp sắp chết ngạt.
Chàng hiệp sĩ cho rằng công việc của Gurdulù đã được thực hiện không đúng, còn của Rambaldo thì không đủ. Phần mình, chàng đã vẽ trọn một cái nghĩa trang nhỏ, vạch ra các miệng huyệt hình chữ nhật, cạnh dài song song với một con lộ nhỏ.
Chiều tối trên đường trở về, họ đi ngang qua một bãi đất trống trong rừng, nơi đội lính thợ mộc của đạo quân Pháp đang cưa xẻ các thân cây làm nguồn dự trữ củi đốt và để làm các cỗ chiến xa.
– Này Gurdulù, bây giờ anh phải đi đốn củi.
Gurdulù vung rìu phạt tứ tung, kết thành bó: que nhúm lửa, củi xanh, chồi dương xỉ, bụi dương mai, và mẩu vỏ cây dính nấm mốc.
Chàng hiệp sĩ giám sát: kỹ năng bổ rìu của thợ xẻ, công cụ, cách chất xếp thân cây, giải thích cho Rambaldo đâu là nhiêm vụ của một hiệp sĩ trong việc tạo ra nguồn dự trữ củi. Rambaldo không chú ý lắng nghe; một câu hỏi vẫn đang cháy bỏng trong cổ họng cậu suốt quãng thời gian, và bây giờ chuyến đi cùng Agilulfo sắp kết thúc mà cậu vẫn chưa nêu nó ra:
– Thưa ngài hiệp sĩ Agilulfo! – cậu xen lời.
– Cái chi? – Agilulfo hỏi, tay mân mó vài cây rìu.
Cậu trai trẻ không biết bắt đầu từ đâu, rào đón thế nào để đi tới cái câu chuyện duy nhất cậu giữ trong tâm khảm. Thế là, mặt đỏ bừng, cậu hỏi:
– Ngài có biết nàng Bradamante không ạ?
Nghe ra cái tên ấy, Gurdulù – đang tiến lại gần, tay ôm trên ngực một trong những bó củi của mình – bật nhảy bẫng. Đủ mọi thứ củi non tung bắn lên không trung: tua kim ngân, chùm bách xù, cành thủy lạp.
Agilulfo cầm trên tay một cây rìu hai lưỡi sắc lẻm. Chàng giơ rìu, lấy đà, nhào tới bửa ngang một thân cây sồi. Cây rìu hai lưỡi xẻ rời thân cây, song phần trên vẫn nằm nguyên trên phần gốc, nhát phạt vô cùng chính xác.
– Chuyện gì vậy, thưa ngài hiệp sĩ? – Rambaldo kêu lên, rùng mình sợ hãi – ngài làm sao thế?
Agilulfo đang khoanh tay, đi vòng quanh khảo sát thân cây.
– Cậu thấy chưa? – chàng nói với cậu trai trẻ – một cú bửa ngọt lịm, không chút lay động. Cậu hãy quan sát nhát rìu đã gọn lỏn như thế nào.