Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Nguyễn Văn Thảo
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1379 / 26
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
gồi ở cuộc họp buổi sáng chỗ Gordeev, Naxtia nhìn trộm các đồng nghiệp của mình, quay đi trở lại với ý nghĩ: ai trong số họ? Một số chị biết rõ hơn, số khác - biết ít hơn, nhưng không hề nghi ngờ một người nào lại là kẻ lừa đảo và phản bội.
Dosenco. Thám tử trẻ nhất của Gordeev, người cao, mắt đen. Đôi khi ngây thơ và cảm động đến nực cười, còn đôi khi làm kinh ngạc bởi sự tỉnh táo của lí trí và sự khéo léo chuyên nghiệp. Luôn ăn mặc lịch sự, chải chuốt, quần áo là ủi kĩ. Có lẽ, toàn bộ tiền lương được ném vào quần áo. Nhưng lẽ nào ăn mặc đẹp là tật xấu? Nắm được Dosenco chỗ nào? Bằng tiền ư? Phải, có lẽ thế. Hay bằng đàn bà. Nhưng cậu ta độc thân, vậy nên không thể tống tiền cậu ta được, hoạ chăng tống tiền cô ta, nếu cô ta có chồng.
Corotcov. Sống với vợ, con trai và mẹ vợ bại liệt sau cơn đột quỵ trong căn hộ hai phòng tí xíu. Nhiều năm xếp hàng đợi phân nhà, đến giờ vẫn chưa đợi nổi. Giờ đây việc xây dựng của nhà nước đã bị giảm bớt, mà để mua được nhà thì lương công an chẳng bao giờ đủ. Naxtia rất thân với anh, luôn luôn biết rõ những phi vụ ái tình, những chiến thắng nho nhỏ và những bi kịch be bé của anh. Corotcov rền rĩ than vãn hết với chị, còn chị an ủi anh và cho những lời khuyên thông thái mà chủ yếu quy lại là để, cầu Chúa, đừng làm tổn hại đến gia đình. Một năm rưỡi nay Corotcov có cuộc tình ổn định với một phụ nữ vốn là nhân chứng một vụ án mạng. Vốn đa tình, nhanh bùng cháy và chóng tắt, anh đã phá vỡ kỉ lục của bản thân về độ bền trong mối tình này. Chị tình nhân của anh có hai con trai, và Corotcov quyết định dứt khoát là chờ đợi khi bọn trẻ lớn rồi, anh sẽ cưới chị ta. Anh có cần tiền không? Cần, mà cần rất nhiều cơ. Điều đó có nghĩa hay không để anh đi tới chỗ phản bội?
Xeluanov, một trong những cán bộ có kinh nghiệm nhất trong Phòng của họ, một người thích đùa, khôi hài, bày trò, đôi khi thô lỗ. Nhưng có thể ngay lập tức thay đổi, trở nên nghiêm nghị, lao đến giúp đỡ, dù điều đó có thể anh phải trả giá như thế nào. Xeluanov đã li dị, chị vợ không chịu nổi tính cách khó chịu của anh cùng với ngày làm việc không có chuẩn mực, đã đem các con đi với anh chồng mới về Voronej. Naxtia biết rằng đôi khi, lừa dối ban lãnh đạo một cách trắng trợn và tỏ vẻ như đang làm việc, Xeluanov bay về Voronej để sống với các con mấy tiếng đồng hồ và ngay trong chiều hôm ấy quay về. Sau mỗi chuyến đi anh lại say khướt và hai ba ngày sống u ám và trầm cảm. Anh ta chăng? Biết đâu những chuyến đi này liên quan với việc thực hiện những nhiệm vụ của ai đó, chứ không phải chỉ là muốn gặp các con?
Lexnicov, người điển trai được thừa nhận, người làm tất cả các phụ nữ trẻ ở Petrovca 38 sầu gan héo ruột. Khác với Xeluanov khôi hài và mở rộng lòng mình với bất cứ ai, Lexnicov hiếm khi mỉm cười, luôn kín đáo và rất nghiêm nghị, thậm chí là một kẻ khó gần. Naxtia hoàn toàn không biết gì về cuộc sống gia đình của anh ngoài việc anh đã lấy vợ lần thứ hai và mới trở thành ông bố. Có phải anh ta là con ngựa đen hay không? Có thể nắm anh ta ở chỗ tự cao, ở chỗ thăng tiến trên bậc thang danh vọng...
Những suy tư không vui của chị bị thủ trưởng cắt đứt. - Cô Naxtia, tôi đang hỏi cô đấy. Tỉnh dậy đi.
— Tôi nghe đây, thưa chú Gordeev, - Naxtia rùng mình.
— Hãy kéo thực tập viên Meserinov vào công việc, cô sẽ là người hướng dẫn cậu ta. Từ ngày hôm nay cậu ấy chịu sự quản lí của cô.
Từ góc phòng đối diện, học viên trường Cảnh sát Moskva vai rộng, tóc sáng đang mỉm cười với chị.
Sau buổi họp Naxtia dẫn Meserinov vào phòng làm việc của mình.
— Hãy dùng cái bàn trống, Meserinov, đó sẽ là chỗ của anh trong một tháng. Có thể gọi tôi đơn giản là Naxtia.
— Thế chị sẽ dạy tôi thế nào, như ở trường à?
Naxtia nhún vai.
— Tôi không rõ lắm người ta dạy anh như thế nào trong trường. Không loại trừ là anh sẽ không thích phương pháp của tôi. Lúc ấy thì hãy xin đến với một ai đó khác. Để bắt đầu, chúng ta sẽ kiểm tra xem anh có biết tư duy trong hệ thống nhân cấp không đã.
— Đó là gì ạ? - Thực tập viên nhíu mày.
— Tôi đang suy nghĩ một chữ. Ví dụ như, họ của một diễn viên điện ảnh hay đạo diễn nổi tiếng. Nhiệm vụ của anh - đoán xem là ai và thế nào. Anh có quyền hỏi tôi bất cứ điều gì, nhưng với một hạn chế: các câu hỏi phải được thể hiện dưới dạng mấy giải pháp khác nhau bao quát tất cả mọi phương án để tôi không thể trả lời anh “chả cái này cũng chả cái kia”. Ví dụ anh có thể bắt đầu từ câu hỏi: “Đó là đàn ông hay đàn bà?” Không thể có phương án thứ ba. Rõ chưa?
— Hình như, - Meserinov gật đầu vẻ thiếu tin tưởng.
— Vậy thì bắt đầu đi.
— Đó là đàn ông hay đàn bà?
— Đàn ông.
— Họ của ông ta bắt đầu bằng phụ âm hay nguyên âm?
— Tốt, - Naxtia khen. - Bằng phụ âm.
Nhưng lời khen là hơi sớm. Đến câu hỏi thứ ba thì Meserinov nghĩ rất lâu.
Naxtia không giục cậu ta, im lặng sắp xếp vô số ghi chép trên bàn.
— Tôi không biết cái gì tiếp theo, - cuối cùng cậu nói.
— Hãy nghĩ đi, - không ngẩng đầu, Naxtia đáp.
— Nhưng tôi không hiểu, cần điều đó để làm gì. Một sự ngốc nghếch thế nào ấy. Tôi nghĩ, chị sẽ kể về những đấu pháp tác chiến hay giao nhiệm vụ gì đó...
— Tôi sẽ giao. Có thể. Nhưng trước tiên tôi cần khẳng định được là anh biết suy nghĩ đã. Không nhất thiết làm điều đó một cách nhanh chóng, chính tôi cũng suy nghĩ chậm. Hãy nắm được bài học thứ nhất: khi anh đang ở chỗ làm việc, anh sẽ không thể chọn lựa những bài toán mà anh không thích, và từ chối không giải quyết cái gì không hợp sở thích của mình. Anh phải sẵn sàng giải bất cứ bài toán lôgíc nào nảy sinh trong quá trình phá án. Không ai khác làm điều đó thay cho anh. Còn nếu anh nghĩ rằng công việc của nhà thám tử - đó chỉ là phục kích và bắt giữ, thì tôi phải làm cho anh thất vọng. Những thứ đó sẽ là sau, gần về cuối. Còn khi trước mặt anh là một xác chết không ai biết và không rõ vì sao bị giết, anh chẳng còn gì hơn ngoài việc suy nghĩ căng thẳng, ai có thể và tại sao lại giết ông ta và làm cách nào để sáng tỏ và kiểm tra điều đó. Vậy nên hãy làm ơn, nghĩ cho ra những câu hỏi cho đến khi giải được bài toán tư duy, mà đồng thời cũng là luyện sức chịu đựng và sự kiên trì.
Thực tập viên nhíu mày và quay về phía cửa sổ. Dosenco ngó vào phòng với cái tách bốc khói trên tay.
— Chị Naxtia, tôi có thể ngồi im trong phòng chị một chốc không? Có người đến gặp Corotcov, họ cần nói chuyện mặt đối mặt, mà tôi thì vừa pha trà xong...
— Hãy vào đi, anh Dosenco.
Dosenco là thám tử duy nhất của Phòng mà Naxtia gọi là “anh”. Đó không phải là dấu hiệu tôn trọng đặc biệt đối với thượng uý Dosenco. Giản dị là chính anh ta sùng kính Naxtia, coi chị là vô cùng thông minh và bao giờ cũng gọi chị trang trọng, Xeluianov thậm chí vẫn nói đùa rằng thượng uý trẻ đáng yêu thầm si mê bà Naxtia khắc nghiệt và vô tình. Tất nhiên là không phải thế, nhưng chị chẳng còn cách nào khác, cũng phải gọi “anh” vì lịch sự và để không rơi vào giọng điệu kẻ cả.
Chị nhanh nhẹn thu các ghi chép trên bàn, nhớ đến những lời răn của
Gordeev và đòi hỏi kiên quyết của ông là không bàn bạc với ai trong số căn bộ của Phòng về tiến trình phá vụ án mạng Victoria. Chị mềm mỏng huyên thuyên với đồng nghiệp về những chuyện vặt vãnh, than vãn đôi ủng cũ thấm nước, còn đôi giày mới trong khi nước và bẩn nhiều thế này dưới chân thì chẳng mấy chốc cũng hỏng, kêu ca rằng đã qua đi cái thời các cửa hàng bán những đôi ủng cao su đủ màu sắc mà hẳn là rất hợp cho lúc này, tóm lại, chị “làm nhiễu khí quyển” để không cho Dosenco khả năng nói về chuyện công vụ.
Sau một lúc Dosencov đi ra, còn thực tập viên ngồi im, vẫn không nghĩ ra câu hỏi thứ ba. Cuối cùng cậu ta quay lại và thốt lên:
— Ông diễn viên này sinh ra ở Tây bán cầu hay Đông bán cầu vậy?
“Ơn Chúa, đã nhích khỏi chỗ, - đã bắt đầu nghi ngờ sự đúng đắn về việc lựa chọn của mình, Naxtia nghĩ thầm nhẹ nhõm, - bây giờ sự thể sẽ tiến nhanh hơn”.
Sự việc đúng là tiến triển nhẹ nhàng hơn, và sau một giờ rưỡi của những nỗ lực khổ sở, Meserinov đã tiến đến Charles Chaplin.
— Chúng ta chuyển sang mức độ phức tạp thứ hai. Hãy lấy giấy bút ra và ghi nhé...
Naxtia đọc cho cậu ta sự mô tả một tình huống khá thông thường của việc phát hiện ra tử thi tại một nơi công cộng.
— Hãy sử dụng nguyên tắc chia đôi, lập cho tôi một danh mục đầy đủ các giả thuyết. Có thể bắt đầu từ tình thế phải chọn lựa “tên sát nhân quen hoặc không quen với bị hại”. Giả thuyết “không quen” bị loại bỏ vì những tình thế tiếp theo: “tên sát nhân tình cờ hoặc được thuê”, và cứ thế tương tự. Có hiểu không? Kết quả là anh phải có một sơ đồ, nơi mỗi ô vuông, trừ những ô cuối cùng, còn được chia ra thành đôi nữa.
o O o
Naxtia cho vào xắc danh sách dài các bạn bè và người quen của Cartasov với chỉ dẫn số điện thoại và nơi làm việc của họ. Nhiều họ tên đã được đánh dấu bằng chữ thập, điều có nghĩa là họ đã được thẩm vấn. Nhưng dẫu sao thì vẫn còn lại không ít...
Colobov, một người không cao, hơi gù, với bộ dạng luộm thuộm và cặp mắt láu cá, trả lời các câu hỏi một cách miễn cưỡng.
— Vợ anh có những quan hệ thế nào với Victoria và Cartasov bạn trai của cô ta?
— Thế nào, thế nào... - anh ta lầu bầu. - Bình thường. Với Victoria đôi khi họ cắn xé nhau, còn với Cartasov thì hình như là không.
— Vì chuyện gì mà Lena cãi nhau với Victoria?
— Ai mà biết nổi họ? Đàn bà mà...
— Lena có kể với anh việc Victoria ốm không?
— Có nói.
— Hãy cố nhớ cô ấy đã nói gì, sao cho chính xác nhất.
— Đã nói gì à? Bao nhiêu thời gian đã qua, tôi không nhớ chính xác nổi. Hình như đầu óc cô ta có vấn đề gì đó về những giấc mơ... Không, tôi không nhớ.
— Hãy cố nhớ lại, lần cuối cùng anh nhìn thấy hay nói chuyện với Victoria là bao giờ.
— Tôi không nhớ. Đã lâu. Khi ấy còn ấm, có lẽ vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10. - Nhưng làm sao anh lại nhớ là trời còn ấm?
— Trên người cô ta là bộ trang phục sang trọng. Cô ta đến chỗ Lena, còn tôi lại đúng lúc định về, chạm nhau ở phòng ngoài. Victoria không mặc áo choàng, chỉ áo vét thôi, nghĩa là đang ấm.
— Có thể cô ấy đi xe, vì thế không cần áo khoác?
— Có thể lắm - Colobov thốt ra không xác định. - Với con đĩ ấy mọi chuyện đều có thể.
— Anh gọi Victoria là con đĩ. Anh không thích hành vi của cô ta?
— Tôi thì có can hệ gì? Chỉ mong đừng quấy nhiễu thôi.
— Thế Victoria đã quấy nhiễu?
— Sao anh nói thế?
— Mặc dù vậy, anh đối xử với cô ta thế nào?
Lại tiếng gầm gừ không rõ và cái nhún vai. Không, rõ ràng Colobov không thể là nhân chứng có thể mong muốn. Anh ta bán hàng trong một kiốt suốt ngày trên ga Xavelovxki, làm một ngày nghỉmột ngày.
— Này, Victoria đến chỗ anh bao giờ chưa?
Rõ ràng Colobov không thích câu hỏi này. Sự mỉa mai biến mất, anh ta cương lên và trả lời xít qua kẽ răng.
— Thế cô ta ra đó làm gì?
— Tôi không hỏi anh, cô ta cần gì ở đấy, tôi đang hỏi, anh đã bao giờ trông thấy cô ấy trên ga Xavelovxki chưa. Và nếu anh trông thấy, thì bao giờ, với ai, có đi lại gần kiốt của anh không và đã nói gì lúc ấy. Câu hỏi rõ chứ?
— Cô ta không đến đó. Tôi chưa trông thấy lần nào.
— Thế có bao giờ anh đến chỗ cô ấy làm việc chưa?
Và cứ thế bất tận - “tôi không biết, không nhớ, không ở, không thấy...”.
— Khi nào thì anh biết Victoria mất tích?
— Lena nói... cuối tháng 10, hình như thế. Chắc thế.
— Cụ thể cô ấy nói thế nào?
— Rằng Cartasov tìm Victoria, cô ta không đi làm và không có ở nhà.
— Vào thời gian ấy vợ anh không đi đâu khỏi nhà chứ? Đến thành phố khác hay đến chỗ bạn gái mấy ngày ấy?
— Hình như không.
— Hình như ư? Thông thường anh có rõ Lena ở đâu không?
— Thông thường - không. Tôi suốt ngày không ở nhà. Tôi làm việc cách nhật, vì thế...
— Thế còn những ngày anh không làm việc?
— Tôi cũng không ngồi ở nhà. Và không kiểm tra Lena. Quan trọng nhất - ở nhà sạch sẽ và thức ăn được chuẩn bị. Còn lại - không phải việc của tôi.
— Cô ấy là vợ anh kia mà. Lẽ nào anh thờ ơ với việc cô ấy ở đâu và làm gì à?
— Tại sao lại thờ ơ?
— Theo tôi, chính anh đã nói thế.
— Theo tôi, tôi không nói như thế.
— Cuối tháng 10 anh không đi đâu xa chứ?
— Không.
— Suốt thời gian anh vẫn làm việc cách nhật?
— Suốt thời gian.
— Đành phải đi ra ga, hỏi dân buôn bán địa phương về tay Colobov này, Naxtia nói trầm ngâm. - Sao đó mà anh ta giật nẩy mình khi bị hỏi. Anh ta có trông thấy Victoria trên ga hay không. Một người ra ga Xavelovxki, người khác đến chỗ Lena. Nhanh lên.
o O o
— Có thể bao nhiêu lần nữa đây! - Lena than vãn. Đó là một cô gái tóc sáng rất xinh xắn, mủm mỉm với cặp mắt xám to, thân hình mỡ màng và cặp chân quyến rũ. Cố để lộ rõ cái eo thon nhỏ và cặp mông cân đối. Cô đã mặc chiếc quần bò quá chật và cái áo len dài tay quá thoáng đãng. Thậm chí nói chuyện với điều tra hình sự, cô ta cũng không thèm bỏ cái kẹo cao su đang nhai, vì thế lời của cô ta, vốn thiếu nó cũng đã chậm, với các nguyên âm kéo dài, có vẻ đồng thời vừa trẻ con vừa nhõng nhẽo.
— Các vị đã hỏi cung tôi bao nhiêu lần rồi.
— Tôi không hỏi cung cô. Đơn giản là chúng tôi trò chuyện với cô, Lena? Hãy nói, tại sao cô bỏ việc và ngồi ở nhà?
— Colobov khăng khăng đòi thế. Anh ta cần một bà nội trợ, chứ không phải một người vợ. Còn tôi thậm chí ở nhà thấy thích hơn là đi sơn tường.
— Và cô không buồn chán à?
— Khô-ông, không chán. Ngược lại, tốt lắm. Trước kia chưa bao giờ tôi có nhà của mình, đầu tiên là trại trẻ mồ côi, trường nội trú, sau là kí túc xá, thế nhưng giờ đây tôi suốt ngày dọn dẹp, lau sàn, chùi bụi, xả nước vào bồn tắm. Tôi cũng rất thích nấu ăn nữa.
— Cần gì cô phải cố gắng thế khi chồng làm việc cách nhật còn những ngày nghỉ cũng không ngồi ở nhà?
— Tôi cố cho chính mình. Tôi đúng là thích thú điều đó. Anh chẳng thể hiểu đâu.
— Thế nấu ăn cho ai? Cũng cho bản thân?
— Cũng. Thức ăn trại trẻ mồ côi đủ với tôi rồi. Và sau nữa, Colobov thích đưa khách khứa về nhà và bao giờ cũng không báo trước, cứ như cố tình làm thế ấy. Nếu trong nhà không có gì để ăn là ầm ĩ lên. Vậy nên tôi bao giờ cũng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
— Có trường hợp anh ấy đưa khách về mà chị không có nhà không?
— Vẫn có chuyện đó. Tôi cũng không bị trói trong nhà này, còn anh ta không nói trước, bao giờ về và về với ai.
— Vậy lúc ấy thì sao? Cũng gây gổ à?
— Khô-ông. - Mẩu kẹo cao su, loáng lên giữa những chiếc răng nhỏ không đều, chuyển từ bên này sang bên kia. - Quan trọng đối với anh ấy là sự sạch sẽ và tủ lạnh đầy, hâm nóng tự anh ấy có thể. Khi khách khứa ở nhà, nói chung anh ấy không cần tôi. Đối với anh ấy, tôi cứ như một thứ đồ gỗ ấy.
— Và cô không phật ý à?
— Gì mà phật ý chứ? Tôi lấy chồng có vì yêu đâu. Colobov cần một cô nội trợ, còn tôi cần nhà, đề là nhà mình, với căn bếp của mình, buồng tắm của mình.
Khi tôi sống trong kí túc xá Công ty xây dựng, tôi chẳng hề có một chút hy vọng nào có nổi mái nhà riêng của mình.
— Hồi cuối tháng 10 chồng cô không đi đâu khỏi nhà chứ?
— Không, điều đó thì chính xác. Anh ấy không bỏ một ngày đi làm nào.
— Sao cô biết?
— Tôi vẫn ra ga kiểm tra mà.
— Sao?!
Thuần tuý là đáng sửng sốt. Ả mèo trắng mũm mĩm điệu đà này cởi mở làm sao. Khó mà hiểu, đó là sự trơ tráo không che đậy, công khai chẳng thèm vận áo quần tế nhị, hay là tính chân thật của một phụ nữ bị đẩy đến tuyệt vọng không còn có thể và không muốn lừa dối bản thân và những người khác.
— Có điều anh đừng nói với anh ấy, nhé? Anh ta sẽ lập tức đánh tôi, nếu biết. Xin hiểu cho, anh ta không đăng kí hộ khẩu cho tôi ở nhà này, nên nếu anh ta có ý đồ li dị, tôi lại mục rữa trong kí túc xá mất thôi. Năm ngoái anh ta có tình nhân, đúng là phi thực tế sao ấy, và tôi đã rất hoảng sợ là anh ta sẽ vứt bỏ tôi và cưới cô ả kia. Lúc ấy anh ta cứ dối tôi luôn, rằng người ta cử anh đi thành phố khác lấy hàng hoá, thực ra anh ta cứ quanh quẩn chỗ ả kia, mà cũng có thể đi đâu đó với ả. Thế đấy, thế nên từ đó tôi luôn kiểm tra anh ta: đang làm việc hay đã chuồn đi với đàn bà. Tất nhiên anh ta vẫn phản bội tôi, nhưng điều đó thì mặc. Có điều đừng chìm sâu quá, để đừng xua đuổi tôi. Bây giờ tôi sống như thế đó: 8 giờ sáng anh ta đi làm, sau hai giờ tôi bám theo anh ta, ngó từ xa xa - anh ta ngồi trong kiốt thì tôi quay về. Gần tối tôi lại đến một lần nữa. Tôi nói chính xác với anh, thời gian hai tháng gần đây anh ta không bỏ mất một ngày làm việc nào. Thậm chí khi anh ta bị đánh tơi tả, thì cũng chỉ nằm một ngày, ngày nghỉ của mình, còn ngày hôm sau với cái mặt bị băng bó vẫn đi bán hàng. Có thể hiểu anh ta, trong kiốt ấy anh ta đâu phải ông chủ, người ta trả phần trăm cho phần anh bán được hàng. Bỏ mất một ngày, sẽ nhận ít hơn.
— Thế với người đàn bà kia thì sao? Cô đã nói, lúc ấy anh ta bỏ nhiều ngày không làm việc.
— Ồ, cô ả có nhiều tiền, chắc ả dấm dúi cho thêm. Nhưng nói chung, Golobov là kẻ tham lam, có thể bóp cổ vì một đồng xu, vì thế tôi mới dè chừng khi biết được anh ta không đi làm. Tôi hiểu ngay, đó không phải một con đĩ bình thường, loại mà anh ta thay xoành xoạch hàng ngày, mà là cái gì đó khác. Đến bao thuốc lá anh ta cũng chẳng cho bọn gái đĩ của mình..
— Thêm một câu hỏi. Sao cô đã thôi việc mà vẫn có hộ khẩu trong kí túc xá? Cô lập tức phải cắt hộ khẩu, đúng thế chứ?
— Khô-ông, tôi là trẻ mồ côi mà. Không thể cắt khẩu thiếu sự đồng ý của tôi, thậm chí nếu tôi không còn làm ở xí nghiệp nữa.
— Rồi. Ta quay về chuyện chồng cô nhé. Tiện thể, anh ta không kể vì sao lại bị đánh à?
— Chà, có mà kể. Nếu có kể thì cũng sẽ nói dối thôi. Vì thế tôi chả hỏi anh ta gì cả, tôi không nhúng mũi vào công việc của anh ta.
— Hãy nói, anh ta không bao giờ nói là trông thấy Victoria trên ga Xavelovxki chứ?
— Không, chưa hề có chuyện đó.
— Anh ta không hỏi cô xem Victoria làm việc ở đâu à?
— Có lần tự tôi đã nói với anh ta là cô ấy làm thư kí ở một công ty. Còn anh ta không hỏi thêm chi tiết. Nói chung thì anh ta không có thiện cảm với cô ấy.
— Tại sao?
— Ồ, anh ta cho rằng Victoria có thể ảnh hưởng xấu đến tôi.
— Về mặt nào?
— Say rượu và nói chung... Theo tôi, anh ta tức tối kinh khủng vì Victoria kiếm được nhiều tiền hơn anh ta. Vì anh ta bao tôi, vì tôi chẳng có một xu nhỏ nào và tôi phụ thuộc hoàn toàn vào anh ta. Vậy nên anh ta lo rằng tôi sẽ đi theo con đường của Victoria, sẽ bắt đầu kiếm ra tiền và sẽ có thể mua hay thuê được căn hộ riêng. Anh ta tìm ở đâu ra một con ngốc như tôi nữa? Không một mụ đàn bà bình thường nào sẽ chịu đựng được lối sống này, anh cứ tin tôi đi.
— Thế cô có ý định làm cái việc mà Victoria đã làm không? Hay chồng cô lo sợ vô ích?
— Tất nhiên là vô ích. Anh ta là kẻ ngu nên đo tất cả bằng thước đo của mình. Nhưng đầu tôi vẫn vững trên cổ. Thành như Vicioria - hẳn là tôi không thể, mặt mũi không đạt. Còn để làm nghề điếm thông thường thì tôi đã quá lứa. Nói chung nó không hợp với tôi. Tôi chỉ muốn quán xuyến chuyện nhà cửa, nuôi con, chẳng cần gì hơn nữa. Colobov, đồ chó, hắn không muốn có con.
— Tại sao?
— Anh ta cần gì chúng? Phức tạp. Và nếu có con, sẽ không còn dễ đẩy tôi về kí túc xá, anh ta biết luật, nên sợ rằng quyền lực của anh ta đối với tôi sẽ hết.
... Cái gì níu giữ con người lại với nhau? Cái gì buộc họ phải ở cùng nhau?...
o O o
Cái kiốt trên sân ga, trên giá mẫu - một tập hợp chuẩn các loại rượu, thuốc lá, kẹo cao su và bao cao su. Người bán hàng - một thanh niên độ hai mươi tuổi, da hơi đen, mũi khoằm, vẻ ngoài tương đối dễ thân thiện.
— Anh có biết Colobov không?
— Colobov hả? Có. Mà có chuyện gì?
— Anh có biết là khoảng một tháng trước, đầu tháng 11, ai đã đánh anh ta thậm tệ không?
— Anh ta không nói, nhưng ai cũng biết. Mặt đầy xây xước.
— Thế anh không biết vì chuyện gì à?
— Anh ta không nói mà tôi cũng không hỏi. Chỗ chúng tôi không chấp nhận điều đó. Đó là việc của họ.
— “Họ” là ai?
— Cứ như anh không biết ấy. Kiốt của Colobov bên kia đường, của tôi - bên này. Phía kia do băng Bulurxcaia kiểm soát, còn phía bọn tôi - băng Marinxcaia, tức của khu Marinxcaia Rossa. Thiếu gì chuyện xảy ra chỗ họ đằng ấy. Chúng tôi không can thiệp vào.
— Nghĩa là anh nghĩ, đó là một vụ thanh toán?
— Thế còn là gì nữa chứ?
— Hãy nhìn tấm ảnh này. Đã bao giờ anh trông thấy cô gái nầy chưa?
— Tôi không nhớ. Đẹp quá đi mất, lại có những cô như thế này trên đời ư!
— Cảm ơn vì đã quấy phiền...
Kiốt tiếp theo.
— Colobov? Tất nhiên tôi biết. Chúng tôi ở đây biết nhau hết... Bị đánh? Tôi nhớ, có chuyện đó. Chính là vào đầu tháng 11, chính xác. Không, không biết. Colobov không kể. Tôi không thấy cô gái...
Thêm một kiốt, rồi một kiốt nữa và nữa... Và cứ thế tận chiều tối. Không ai biết vì sao Colobov bị đánh và ai đã làm việc đó. Những người bên phía Butưrxcaia đoan chắc rằng Colobov không dính một lỗi gì và không ai cần thanh toán với anh ta. Vả lại, nếu như họ có nói dối và đánh Colobov đích thị trên cơ sở những vụ buôn bán, thì chắc gì điều đó liên quan với việc giết hại Victoria? Cũng không ai nhận biết cô gái trong ảnh. Thêm một ngày mất công toi.
“Chao, giờ đây thật cần Larsev” - Naxtia than thầm, - Chắc chắn anh biết cách “xoay” Colobov và lôi ra từ anh ta sự thật về vụ đánh đập mà không hiểu sao anh ta không hề nói với ai này. Một nhà tâm lí học có kinh nghiệm. Larsev biết cách làm mở miệng thậm chí cả nhân sư, điều đôi khi không chỉ các cán bộ của Phòng mà cả nhiều điều tra viên, nếu có dịp làm việc với anh, đã hoàn toàn không ngại ngần lợi dụng. Làm rõ đến cùng chuyện ẩu đả và đặt dấu chấm cho nó thì hay làm sao!
Chả hiểu thế nào Naxtia tin chắc rằng vụ đánh đập chồng của Lena không có gì chung với vụ giết người, nhưng chị quen kiểm tra và nghiền ngẫm mọi thứ đến tận cùng.
Chị vừa hé xin Gordeev giao cho Larsev trò chuyện với Colobov. nhưng thủ trưởng nhăn mặt khó chịu:
— Hiện cô đã có bốn người, kể cả Dosenco nữa là năm. Còn thiếu chuyện này. Larsev cũng đã quá tải rồi. Hãy tự mình xoay xở lấy.
Nhưng tại sao Colobov đã căng thẳng khi bị hỏi, Victoria có đến nhà ga hay không? Hay đó chỉ là cảm giác của điều tra viên? Tất nhiên cũng có thể là chỉ cảm thấy. Nhưng vốn không thích vứt bỏ giữa chừng cái việc đã bắt đầu, Naxtia đành phải mất thêm một ngày để làm sáng tỏ tình huống.
Cùng với Morozov và thực tập viên Meserinov chị đã đi hỏi những người bán vé, nhân viên nhà ga, cán bộ công an đường sắt, người bán quầy bar, bác sĩ tại các trạm xá, công nhân đào hầm lò cạnh nhà ga đã hơn hai tháng... Không gì cả.
Không ai nhớ nổi Victoria. Lại vẫn một sự trống rỗng.
o O o
Người đàn ông đứng tuổi được gọi giản dị là Arxen, đặt ống điện thoại lên máy, ngẫm nghĩ mấy phút, sau đó lại nhấc nó và quay số. Không ai trả lời lão. Lúc ấy lão nhổm lên khỏi ghế bành, đi sang phòng bên cạnh, nơi cũng có máy điện thoại, và vẫn gọi theo số máy kia. Và vẫn những hồi tút dài đáp lại. Arxen mỉm cười thoả mãn, mặc chiếc áo khoác màu xanh đen, đi giày đế cao có lớp lót bằng lông và bước ra đường. Qua hai dãy nhà, ghé vào bốt điện thoại, gọi lại một lần nữa, không nhận được lời đáp và đi vào metro.
Qua nửa giờ sau lão đã ngồi trong một quán cà phê và uống rượu “borj". Đối diện lão là chú Colia đang nốc bia.
— Cần làm việc thêm nữa với chàng trai kia, - Arxen nói bình thản.
— Sao, bài học đầu tiên không qua nổi à? - chú Colia nhướn lông mày.
— Qua, đã qua, đừng lo, - Arxen cười mỉa vẻ bề trên. - Nhưng cần phải bảo hiểm. Hình như, sẽ chóng thôi người ta sẽ gây áp lực lên cậu ấy. Chúng ta cần phải làm việc đón đầu, vậy tốt nhất là nên nhắc cậu ta, cậu ta là ai trên trái đất tội lỗi này.
— Chúng tôi sẽ nhắc, - chú Colia gật đầu và cười nụ cười kì lạ của mình qua đó loé lên những chiếc răng sắt đùng đục.
Người mà hôm nay nhiều người biết dưới cái tên là Arxen, thuở nhỏ có tên thông thường nhất là Mitia, vốn là một cậu bé nghiêm nghị và trầm tư, học giỏi và đọc nhiều. Ngay từ hồi còn nhỏ cậu đã bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi khó hiểu về sự trọn vẹn của thân thể mình, cậu rất sợ đau đớn, sợ tiêm, vết xây xát, vì thế không chạy trên đường, không đuổi theo trái bóng với các chú bé khác, không chơi với chúng trò đánh nhau hay trò nghịch ngợm khác, mà chỉ thích ngồi ở nhà, giải những thế cờ và ngẫm nghĩ những ý tưởng nho nhỏ của mình.
Tuổi thơ của cậu trùng với thời kì hào hùng, khi tất cả các chú bé đều mơ trở thành Papanin, Tscalov, Liapisev và Gromov (các anh hùng của Liên Xô cũ những năm 30). Mitia cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng người ta giải thích với cậu rằng với sự yếu ớt, thiếu luyện tập thể thao và thị lực kém của cậu thì tương lai vinh quang không dành cho cậu. Mitia bị dằn vặt vì điều này hoàn toàn không lâu, bởi đầu óc cậu nhận được một cú thúc mới và bắt đầu đặt ra cho cậu bé những câu hỏi mới. Những người thế nào thì hợp với công việc thế nào? Người khuân vác cần mạnh khoẻ. Thầy giáo cần phải kiên nhẫn. Phi công phải không sợ độ cao... Câu hỏi hoá ra hấp dẫn đến nỗi Mitia đã tìm đọc những cuốn sách chuyên viên về tâm lí học mà thời ấy đâu phải có nhiều. Người ta biết cậu trong nhiều thư viện thành phố và luôn luôn với sự khâm phục nhìn cậu bé nhỏ nhắn, gầy gò, đeo kính, nhiều giờ liền ngồi ở một góc phòng đọc với cuốn sách quý hiếm gì đó.
Thời gian trôi đi, và đến thời điểm khi Mitia đã là cán bộ Phòng tổ chức của KGB (ủy ban an ninh quốc gia), gã tự xem mình là người am hiểu trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp. Thái độ trầm tư và có trách nhiệm đối với mọi thứ gã làm đã thể hiện trong công tác. Gã luôn nói chuyện lâu với những người xin vào làm việc, và thậm chí cho họ những lời khuyên rằng, ở đơn vị nào họ có thểứng dụng tốt nhất cho khả năng và thiên phú của họ. Gã có cảm giác rằng đang làm một công việc cần thiết và quan trọng khi giúp phân bổ đúng các cán bộ trong cái tổ chức quan trọng dường ấy, và bằng cách đó, dù là gián tiếp, đang đóng góp phần mình vào sự củng cố an ninh của Tổ quốc.
Có lần, một cản bộ trẻ của Sở an ninh Moskva đến chỗ gã để làm thủ tục vào công tác ở bộ máy trung tâm, vào Cục Tình báo ngoài nước. Theo thông lệ, Mitia lại giải thích với anh kia những đặc điểm công việc ở nước ngoài, nhấn mạnh sự cấp thiết cần tính đến nền văn hoá và truyền thông của nước sẽ đến, đặc biệt trong tâm lí sinh hoạt, trong cách hành xử của mình. Tất cả các phòng của sứ quán bị tình báo kẻ thù nghe trộm, tìm những khả năng chiêu mộ công dân Xô viết, vì thế cần chú trọng đặc biệt các vấn đề gia đình, nói khác đi - không cãi nhau với vợ và lại càng không được đánh cô ta, bởi nếu biết được sự bất hoà trong cuộc sống vợ chồng, người ta có thể ngay đó dúi một cô bạn quyến rũ cho người cán bộ sứ quán. Ứng cử viên cho chức vụ mới nghe lơ đễnh và bằng những lời của mình cho thấy rằng, những lời khuyên của tay cán bộ tổ chức chẳng đáng một xu, rằng anh ta, ý là, đã giải quyết tuyệt vời công việc ở Moskva thì ở nước ngoài cũng sẽ không sơ suất. Còn anh ta làm gì với vợ mình thì chẳng đụng chạm gì đến ai cả.
Mitia hiểu rất rõ rằng, người trẻ tuổi này chắc chắn là đã có những lời đánh giá xuất sắc, nắm vững hai thứ tiếng, sẽ không hợp cho công tác tình báo ngoài nước. Anh ta hẳn sẽ tốt ở đây, trong môi trường Xô viết quen thuộc của thành phố thủ đô, còn ở nước ngoài anh ta sẽ thất bại. Thế nhưng cố gắng của Mitia trình bày những lí lẽ của mình với phụ trách đơn vị mà ứng cử viên kia sẽ tới, đã vấp phải sự thô lỗ công khai. Người ta cho gã hiểu không lấp lửng, rằng gã chỉ là một thư lại, là “con tốt đen”, việc của gã - ghim giấy tờ và dán ảnh, chứ không phải là dúi mũi vào công việc tác chiến, vấn đề đã được quyết, mọi thứ đã được đồng ý, chỉ còn một tờ quyết định nữa thôi. Sự phản ứng như thế đã làm chàng kiểm tra viên phòng tổ chức choáng váng.
Nỗi oán hận như một cái đinh gỉ ghim sâu trong lòng gã.
Sau mấy ngày, ứng cử viên cho công tác ở nước ngoài được chở đến trạm cai nghiện trong trạng thái say mềm với chiếc cặp lèn cứng giấy tờ mật và thiếu thẻ công vụ, những thứ mãi không sao tìm ra được. Anh ta lập tức bị đuổi khỏi cơ quan và bị chuyển sang toà án. Và không ai biết rằng sự bổ nhiệm vào Cục tình báo ngoài nước bị cắt đứt bởi vì Mitia đã ngồi vài buổi tối với các sách chỉ dẫn về y học và được học. Còn sau đó tìm ra những người cần thiết và trả tiền cho họ. Tay cán bộ tổ chức rất hài lòng, rằng sự bổ nhiệm mà tự gã cho là không đúng, đã không thành. Gã thậm chí không hề nghĩ đến việc là đã bẻ gãy cuộc đời của một người vốn không làm gì xấu đối với gã và gã cũng chẳng hề có ác cảm gì với anh kia. Gã bất ngờ cảm thấy một khoái cảm sâu sắc từ việc là dù thế nào đi nữa thì mọi thứ cũng đã thành đúng như gã muốn. Đó là kinh nghiệm điều khiển con người đầu tiên, và kinh nghiệm rất thành công. Mitia hiểu ra, nói chung không nhất thiết đi khẩn cầu hay nện nắm đấm xuống bàn nhằm chứng minh lẽ phải của mình. Có thể hành động một cách khác khi lập nên những xảo thuật tinh vi, bố trí các nước đi như trong một ván cờ, giật những sợi chỉ vô hình và thoả mãn dõi theo các sự kiện được phát triển theo kịch bản, dù tất cả những người tham dự các sự kiện này chân thành cho rằng họ hành động độc lập và tự nguyện. Các nạn nhân không có ý nghĩa... Những con tốt trong trò chơi của người lạ. Trong trò chơi của gã.
o O o
Bà vợ goá của Coxar, người chết bi thảm ngày 25 tháng 10 dưới bánh chiếc xe không dừng được, là một phụ nữ cân đối trẻ hơn tuổi với khuôn mặt dễ mến và mái tóc diễm lệ màu hạt dẻ thẫm. Bà niềm nở đón người điều tra viên hình sự, nhưng thấy rõ rằng bà cố kìm giữ hết sức và cuộc trò chuyện này là nặng nề và khó chịu đối với bà.
— Lẽ nào điều này có liên quan tới cái chết của chồng tôi? - bà hỏi ngạc nhiên khi được hỏi về các sự kiện giữa tháng 10.
— Không, không có. Chúng tôi không chuyên trách điều tra các tình huống vụ xe chèn ông nhà.
— Tôi hiểu thế mà, - bà thở dài cay đắng. - Theo tôi, nói chung chẳng ai chuyên trách những tình huống này... Chẳng có ai rỗi hơi với một Coxar nào đó. Nếu như anh ấy là một bộ trưởng hay nghị sĩ, các vị đã không chỉ chạy loạn lên chỉ có thế.
— Tôi hiểu tình cảm của bà, nhưng xin hãy tin tôi, bà không đúng đâu. Phòng cảnh sát khu Tây Nam phụ trách vụ xe chèn, còn tôi làm việc tại Petrovca, ở Cục truy lùng tội phạm Moskva, và chúng tôi đang cố phá một vụ tội phạm hoàn toàn khác.
— Anh Coxar thì liên quan gì tới điều đó? Anh là người trung thực nhất, cả đời chưa hề lấy một xu của người lạ, không làm phật ý một con ruồi...
Người đàn bà bật khóc và nhanh chóng tự trấn tĩnh.
— Thôi được, xin hỏi đi.
— Khoảng ngày 10 - 12 tháng 10 có một người là Cartasov nào đó có nhờ chồng bà dẫn đi gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn. Chồng bà có nói với bà điều đó không?
— Vâng, tôi nhớ cuộc trò chuyện đó. Anh ấy nói ngay là sẽ cố gọi điện thoại cho Maxlenicov, còn nếu không gọi được cho ông ta thì sẽ gọi cho Golubev, bác sĩ quen khác.
— Ông Coxar có nói với bà, Cartasov có vấn đề gì không?
— Có nói. Đâu như bạn gái của Cartasov có ý tưởng rằng người ta tác động lên cô bằng radio. Không, hình như không như thế... Xin đợi cho... À thế này! Cô ta quyết rằng có ai đó ăn cắp giấc mơ của cô ta và kể trên radio. Thế sẽ chính xác hơn.
— Gì tiếp theo?
— Anh Coxar ngay đó gọi điện thoại cho Maxlenicov, thoả thuận với ông ta. Tôi còn nhớ, Maxlenicov nói rằng hai, ba ngày tới sẽ rất bận, vì thế chỉ có thể tiếp người quen của chồng tôi vào thứ sáu.
— Thứ sáu à? Bà có cuốn lịch nào đây không?
— Nó đây.
Bà goá Coxar chìa ra một quyển lịch nhỏ bà rút ở trong sổ ghi chép nằm trên bàn. Trên lịch ngày 15 tháng 10, thứ sáu được khoanh bằng bút chì.
— Bà có nhớ thứ sáu nào không? 15 tháng 10 hay muộn hơn, vào 22 tháng 10?
— Chắc là ngày 15. Vâng, chính xác. - bà ngó vào lịch. - Anh thấy ngày được khuyên bút chì chứ?
— Điều đó có nghĩa là gì?
— Đó là lịch của anh Coxar. Anh luôn dùng nó. Bằng một màu khuyên những ngày sinh nhật và những ngày kỉ niệm, bằng màu khác - những cuộc thăm viếng đã thoả thuận... Còn bằng bút chì bình thường anh khoanh các ngày không có quan hệ riêng đối với anh, nhưng cần nói về chúng với ai đó, như trong trường hợp với Cartasov. Anh Coxar, anh thấy đấy, luôn luôn lo phụ lòng ai đó hay nhầm lẫn gì đó.
Người đàn bà lại chực khóc, nhưng kìm được.
— Đó là sổ ghi chép của chồng bà?
— Vâng.
— Có thểmượn nó một thời gian được không? Tôi nhất định sẽ trả lại.
— Hãy cứ lấy, nếu cần.
— Thêm câu hỏi nữa, nếu bà cho phép. Bà luôn biết rõ công việc ông nhà chứ?
— Dĩ nhiên. Chúng tôi rất yêu nhau...
— Ông ấy có nhiều bạn không?
— Nghe này, đừng làm nẫu lòng tôi nữa. Chuyện đó giờ còn ý nghĩa gì đâu? Anh không nghĩ là ai đó trong số bạn bè đã nghiến anh ấy đấy chứ? Và nói chung, anh nói là không chuyên trách vụ chèn xe...
— Mặc dù vậy, xin hãy nói, ông ấy có những người bạn mà ông chia sẻ hết mọi vấn đề của mình?
— Phải, anh ấy chia sẻ hết với tất cả mọi người. Anh là người cởi mở, quảng giao lắm!
— Nghĩa là, ông ấy kể về Cartasov và và cô bạn ốm của anh ta không chỉ với bà?
— Anh ấy nói về điều đó thực tế là với tất cả những ai hôm ấy anh trò chuyện cùng. Thậm chí với cả bà mẹ. Anh gọi điện thoại cho bà để hỏi thăm sức khoẻ, còn sau đó nói: “Mẹ tưởng tượng xem, có những thứ bệnh gì cơ chứ! Hôm nay một người quen gọi cho con...” Ấy cứ thế tiếp theo. Không hiểu sao câu chuyện với cô gái của Cartasov lại gây cho anh ấn tượng mạnh thế, anh còn nhắc lại mãi về chuyện đó.
— Ông Coxar không kể gì hơn về Cartasov à?
— Không.
— Bà nhớ tuyệt đối chính xác chứ?
— Anh có thể khẳng định được là trí nhớ tôi rất tốt. Tôi nhớ rất rõ về những gì liên quan tới anh Coxar. Sau khi anh mất, tôi lật lại trong trí những giờ, ngày, tháng cuối cứ như điều đó làm anh sống lại ấy. Tôi có cảm giác rằng chỉ cần nhớ lại được tất cả đến chi tiết nhỏ nhất cuối cùng thì anh sẽ trở về...
o O o
Chiếc Volga màu be quành từ xa lộ Kievxki và đi về phía Matveevxki. Nó dừng lại cạnh nhà bảo trợ tòa hội dành cho những người tàn tật và già cả, và một người đàn ông chững chạc với khuôn mặt hấp dẫn có những đường nét quý phái bước ra khỏi xe.
Người đàn ông tự tin đi vào tiền sảnh, theo thang máy lên tầng bốn, đi dọc theo hành lang, không gõ cửa và bước vào một căn phòng.
— Chào bố.
Từ chiếc gối, cặp mắt nhập nhèm đục mờ trong đó loáng lên gì đó tựa cái cười, ngó ông ta. Cặp môi già nua giần giật.
— Con à... Đã lâu không đến.
— Xin lỗi bố. - Người đàn ông xích chiếc ghế lại gần giường và ngồi xuống. - Công việc mà. Buộc phải đi xa cả tháng, đang tiến hành chiến dịch bầu cử. Bố cũng biết, sau mấy ngày nữa là bầu cử Duma rồi. Bố cảm thấy thế nào?
— Tệ lắm, con trai ạ. Con thấy đấy, ta nằm hầu như không dậy được nữa. Tốt nhất là con đưa ta đi khỏi đây, ta rất không muốn chết trên cái giường công cộng.
— Con sẽ đón đi, bố ạ, nhất định đấy. Để cho qua bầu cử, hết việc chạy nháo nhào và loạn thần kinh - lập tức con sẽ đưa bố về nhà.
— Mong nhanh nhanh lên. Ta không sống được đến ngày đó...
Ông lão khép mắt lại. Trên đôi má nhăn nheo chảy dài giọt lệ rồi lẫn vào những nếp da nhăn.
— Bố ạ, bố vẫn nhớ năm 70 chứ?
— Năm 70? Đó là khi với con...
— Vâng, vâng, - người đàn ông sốt ruột cắt ngang. - Bố nhớ chứ?
— Nhớ. Sao lại không nhớ chuyện như thế cơ chứ? Mà sao? Con bị quấy nhiễu à? Cái ông bạn của con mà con...
— Chuyện đó thì rõ rồi, - người con lại cắt ngang. - Thế còn ai nữa?
— Thậm chí bố cũng không biết. Batưrov chết đã lâu. Xmeliacov chăng? Nó có thể nhớ, nhưng cũng chẳng biết là gì đâu. Ngoài bố ra, có lẽ không ai biết. Mà con hỏi để làm gì?
— Ồ, hỏi vậy thôi, phòng bất trắc. Tự bố biết, nếu đảng của con thu được số phiếu cần thiết và con vào được Duma, sẽtìm ra những kẻ mong muốn, những kẻ thích cào bới trong đống giẻ bẩn.
— Con có kẻ thù không?
— Thời này ai mà không có chứ?
— Bố sợ cho con, con ạ. Đừng chui vào lò lửa này, con sẽ bị đốt cháy mất.
— Đừng sợ, bố ạ, chúng ta sẽ vượt qua. Thôi, con đi đây.
— Đừng bỏ bố, con trai, đến thăm nhiều hơn nhé, được không? Trên đời này ta chẳng có ai, ngoài con. Mẹ con đã chết, vợ ta cũng vậy...
— Đừng bi thảm hoá, bố ạ. Ngoài con, bố còn một con gái và một con trai. Chính bố có lỗi, đã nuôi chúng lớn lên thành thứ đểu cáng, những gì tốt nhất bố đã cho chúng, thế mà chúng vứt bỏ bố lúc tuổi già.
— Không nên nói thế, con ạ, gì mà con... - Giọng của ông lão thực khó nghe rõ. - Ta đã làm cho con không ít, con hãy nhớ lại.
— Con thì con nhớ, - người con trả lời gay gắt. - Vì thế mà con đến với bố. Thôi nhé, bố hãy vững vàng lên, muộn nhất là sau một tháng nữa con sẽ đưa bố ra khỏi đây.
— Vĩnh biệt, con trai.
Giấc Mơ Bị Đánh Cắp Giấc Mơ Bị Đánh Cắp - Alexandra Marinina Giấc Mơ Bị Đánh Cắp