Books are immortal sons deifying their sires.

Plato

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ho dù có thực hiện được việc cơ khí hóa hoàn toàn đi nữa thì trong năm, hẳn là vẫn sẽ có những tuần và những tháng ta không thể dùng phương tiện gì khác ngoài xe trượt tuyết bình thường để đi trên các con đường làng. Máy dọn tuyết sẽ làm việc trên các đường lớn trải nhựa, nhưng không thể cho máy dọn tuyết đi vào tất cả các đường “dim-ni-ắc”[9] chạy từ làng này đến làng khác, trực tiếp vượt ngang qua những con sông đóng băng, những đồng cỏ lầy bùn, những khe hẻm.
Bão tuyết nổi lên từ chiều, mà bây giờ đã gần chín giờ tối. Độ rày đêm không trăng, trong bóng tối nhờ nhờ xung quanh, không một vệt đen, không một cái cây, không một cột điện thoại. Tuyết lấp kín đường, dùng cương điều khiển ngựa là việc vô ích. Con ngựa già tinh khôn tự ý lúc thì tạt sang trái, lúc thì tạt sang phải, khi nó cảm thấy trong đống tuyết dưới chân không có nền đường rắn.
Đối với Mác-tư-nốp và Glô-tốp trưởng trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca cố nhiên hợp lý nhất là sau cuộc họp ở nông trang, nên nghỉ đêm luôn tại đó. Nhưng bây giờ tìm xem ai là người có lỗi - người đầu tiên nói: “Ta cứ đi thôi!” - thì nhận rồi. Bây giờ phải lần về nhà cho bằng được.
- Đi, đi, chú Nhóc! - Glô-tốp vung roi.
- Chú Nhóc này hẳn là nhiều tuổi rồi. - Mác-tư-nốp nói.
- Cái gì? - tiếng gió rít khiến Glô-tốp nghe không rõ.
- Có lẽ chú Nhóc của đồng chí đã nhiều lần được làm ông rồi đấy, - Mác-tư-nốp hét to, hướng thẳng vào mặt Glô-tốp.
- Người ta hai mươi tuổi mới chỉ là thanh niên. Còn ngựa, thì tuổi tác phải tính khác, - Glô-tốp đáp. - Nào, đi đi! Nhanh nhẹn lên.
Chiếc xe trượt di chuyển một cách khó nhọc trên tuyết xốp lún sâu, xóc nảy lên. Hai người ngồi quay sườn về phía gió.
- Ở một huyện trước đây tôi công tác, có một ông chủ tịch tên là Ti-khôn Pê-tơ-rô-vích Glu-sen-cô. - Mác-tư-nốp nhích lại gần Glô-tốp hơn, nói tiếp câu chuyện còn bỏ dở lúc xe vượt qua sông Xây-mơ đóng băng, lúc đó họ phải xuống xe đi bộ lên dốc cho xe đỡ nặng. - Cái ông Glu-sen-cô ấy có hồi làm bí thư huyện, công tác chẳng ra sao cả, ông ta không đảm đương nổi việc lãnh đạo một huyện. Người ta điều ông ta đi làm trưởng trạm máy kéo. Ông ta miễn cưỡng nhận nhiệm vụ. Ở cương vị mới, ông ta cũng chẳng làm nên trò trống gì. Kết quả xoàng thôi, trạm máy kéo của ông ta được xếp vào loại trung bình. Sau đó ông ta được đưa về làm chủ tịch một nông trang lớn, vào loại chậm tiến nhất. ông ta khước từ, không chịu đi, suýt nữa bị đưa ra khỏi Đảng. Nhưng rồi ông ta cũng đi. Chính ở đấy, ông ta đã tiến vọt lên! Trong hai năm, ông ta làm cho nông trang thành một nông trang giàu nhất huyện. Đồng chí có biết cái ông Ti-khôn Pê-tơ-rô-vích Glu-sen-cô ấy bắt đầu công việc từ đâu không?
Glô-tốp lầu bầu cái gì không rõ, miệng lấp dưới cổ áo da lông.
- Thoạt đầu, ông ta cấm ngặt tất cả các đội trưởng sản xuất và các nông trang viên không được nhận một héc-ta đất cày nào của trạm máy kéo, nếu chưa có ý kiến của ông ta. Ông ta nói: “Tôi biết bọn làm ẩu ấy rồi! Chính tôi sẽ kiểm tra chất lượng!” Mùa hè đầu tiên, năng suất của ông ta tăng gấp đôi so với trước. Từ đó, họ bắt đầu sống ung dung. Các nông trang viên quý ông ta như vàng. Còn ở các nông trang bên, người ta chửi ông ta không tiếc lời! “Thế sao khi ông làm trưởng trạm máy kéo, ông không cày cho tất cả các nông trang như bây giờ ông đòi hỏi các trạm máy kéo?” Thế đấy, đồng chí Glô-tốp ạ. Đồng chí bảo sao?.. Ta hút thuốc chứ? Bỏ thuốc ra đây, tôi hết thuốc lá rồi.
Glô-tốp mặc nhiều áo ấm quá, ông xoay người một cách khó nhọc, gạt tà áo da lông và áo măng-tô lót bông, móc trong túi áo vét-tông ra bao thuốc lá “Xê-vê-rơ”. Họ tháo bao tay, phơi những bàn tay trần ra trước gió rét căm căm, châm lửa hút thuốc, đánh gần hết một bao diêm.
- Có lẽ nên điều cả đồng chí đi làm chủ tịch nông trang chăng? Thế nào, dù chỉ là tạm thời thôi, được không? Để đồng chí đứng ở cương vị người ngoài nhìn nhận lại công việc của mình, có thể nói là để thực hiện sự tự phê bình từ dưới lên, được chứ?..
- Không đủ trưởng trạm máy kéo để đưa về tất cả các nông trang, - Glô-tốp đáp, -Huyện ta có ba trạm máy kéo, nhưng có những ba mươi nông trang,
- Còn thuốc lá thì đồng chí cũng không nên hút loại thuốc lá của trưởng trạm, - Mác-tư-nốp nói, - Cả thuốc lá hút cũng nên tương xứng với năng suất. Đồng chí mà hút thuốc lá “Ca-dơ-bếch” trước mặt các nông trang viên thì cũng đáng thẹn đấy. Xét về công việc, đồng chí chưa xứng đáng hút loại thuốc ấy.
Glô-tốp lại lầu bầu cái gì không rõ.
- Là nói đùa thế thôi, - Mác-tư-nốp nói tiếp, sau một lúc ngừng lâu, - nhưng dù sao, đây cũng là vấn đề: làm thế nào bắt các trưởng trạm máy kéo phải chăm lo đến năng suất mùa màng?
- Thế chúng tôi lại không lo cho năng suất sao?
- Quỷ tha ma bắt các anh đi, các anh lo về hiệu suất ngày công nhiều hơn, chứ không phải lo về năng suất mùa màng. Chạy theo số héc-ta. Như thế thì chẳng khác gì ta đánh giá công việc của một nhà máy căn cứ vào số vòng quay của các cỗ máy. Năm nay máy đã quay được số vòng nhiều gấp đôi so với năm ngoái, như vậy là nhà máy đã làm việc tốt gấp đôi. Nhưng số vòng quay là cái gì? Cóc cần số vòng quay! Phải làm ra sản phẩm kia!
Glô-tốp quay về phía Mác-tư-nốp.
- Anh đâm đầu vào cánh cửa mở đây. Mọi việc đã giải quyết xong từ lâu rồi.
- Giải quyết cái gì?..
- Chúng tôi phải chịu trách nhiệm không những về hiệu suất ngày công, mà cả về năng suất mùa màng nữa.
- Chịu trách nhiệm thế nào? “Ái chà chà, sao các anh không biết xấu hổ, sản lượng của các anh thấp kém quá!” Thế chứ gì? Đây chưa phải là chịu trách nhiệm.
- Thế còn những quy chế mới cho những người tham gia triển lãm nông nghiệp thì sao? Bây giờ trạm máy kéo không thể được tham gia triển lãm chỉ vì con số héc-ta đất mềm đã cày được. Người ta sẽ tính đến cả năng suất thu hoạch.
- Được, triển lãm cố nhiên là việc lớn. Còn mùa màng tốt đồng chí được lợi lộc gì?.. “Mọi việc đã giải quyết xong rồi”. Chưa đâu, ông bạn ạ, chưa giải quyết gì hết!.. Này, hãy nhìn về phía trước đi, đồng chí điều khiển ngựa kia mà. Bão tuyết gớm quá! Phải ngủ đêm giữa đồng thì chẳng lấy gì làm thích thú. Giá như có đống cỏ khô nào mà rúc vào thì tốt.
Glô-tốp giơ roi chỉ xuống tuyết cạnh bàn trượt:
- Đường đây này.
- Đồng chí thật là con người bình tĩnh, - Mác-tư-nốp lại lên tiếng, giọng đã có vẻ cáu kỉnh. - Ba ngày trời bị đả kích tơi bời tại các cuộc họp của nông trang về việc không thực hiện đúng hợp đồng, vậy mà đối với đồng chí, những lời đả kích ấy cứ như nước đổ đầu vịt!
- Người ta đả tôi thì tôi cũng đả lại. - Glô-tốp đáp, - tôi cũng nhiều phen bị lao đao: chất đốt không được đưa đến kịp thời, thiếu thợ phụ ngồi rơ-moóc, thợ lái máy kéo không được cho ăn uống tử tế.
- Đồng chí không thực hiện giao ước của mình, các nông trang không thực hiện đúng giao ước của họ, thế là hòa chứ gì? Các đồng chí bằng lòng với tình trạng ấy phải không? Nhưng ai phải là người thắng trong cuộc tranh chấp này? Đồng chí đại diện cho lợi ích của Nhà nước ở nông thôn kia mà!...
Xe trượt tuyết rẽ vào một cái khe, ở đó tuyết bị dồn thành đống cao đến nửa mét. Ngựa dừng lại.
- Đừng thúc nó, để nó nghỉ một chút, -Mác-tư-nốp nói và nhảy xuống xe.
Lún trong tuyết gần đến ngang lưng, anh đi lên phía trước con ngựa, sửa lại đôi càng xe đã nghiêng lệch đi, sờ nắn những dây thắng, vòng cổ và phá lên cười:
- Các ông thực hiện việc cơ khí hóa kiểu này đấy phải không?
- Cái gì kia?
- Vòng cổ không được xiết bằng dây kết, mà bằng đinh bù-loong. Lại còn cả đai ốc hãm nữa chứ.
- Ở trạm máy kéo chúng tôi, kiếm sắt dễ hơn kiếm một mẩu dây da.
- Thế các ông cũng cho ngựa ăn phoi bào sắt thay cho cỏ khô chứ? Trách nào nó không muốn kéo xe đưa chúng ta đi nữa.
- Nó sẽ đưa chúng ta về đến nhà. Chẳng còn bao xa nữa... Nhanh nhẹn lên, chú Nhóc.
Xe ra khỏi những đống tuyết, lên một sườn dốc gió đã quét sạch hết tuyết, rồi tiếp tục lên đến đỉnh đèo. Phía trước có ánh lửa nom khá gần: một thị trấn trong thảo nguyên, khu nhà của trạm máy kéo.
- Ta đến nơi rồi!
- Chưa hẳn đã đến nơi đâu. Đến khu nhà của trạm máy kéo thôi. Nếu đồng chí muốn thì ngủ đêm ở đây, trong văn phòng, không thì về nhà tôi ở trong làng, ba ki-lô-mét nữa.
- Cho xe đến nhà tập thể của thợ lái máy kéo. Ở đấy ta sẽ được sưởi ấm.
Hơi nước cuồn cuộn tuôn ra qua cửa lớn mở toang. Một gã trai từ bậc tam cấp chạy ra, anh ta mặc áo sơ-mi lót trong, đi chân không. Anh ta dùng xô múc tuyết sạch trong đống tuyết. Thấy chiếc xe trượt tuyết đến gần, anh ta dừng lại trên bậc thềm, đưa tay lên ngang lông mày làm một vành che ánh sáng khiến anh ta không thấy rõ những người mới đến.
- Đây có phải là khách sạn của trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca không? - Mác-tư-nốp xuống xe hỏi. - Còn phòng nào chưa có khách không?
- Còn, còn, đồng chí Mác-tư-nốp ạ! - Gã thợ lái máy kéo nhanh nhẩu hưởng ứng câu đùa, anh ta đã nhận ra hai người mới tới là bí thư huyện ủy và trưởng trạm máy kéo. - Có nhà tạm, phòng cắt tóc, hiệu ăn!
Mác-tư-nốp và Glô-tốp vào nhà.
- Tôi thấy là còn phòng chưa có khách thuê, - Mác-tư-nốp đưa mắt nhìn một lượt mấy chiếc giường ván, rồi nói, - Thế còn hiệu ăn đâu?
- Kia ạ, - anh thợ máy kéo đưa tay chỉ cái bếp lò, ở đó có cái gì đang sôi trong chiếc chảo gang lớn. - Chúng tôi luộc và nướng khoai tây, làm nhiều kiểu món ăn khác nhau. Thiếu nước, chúng tôi cho thêm tuyết vào. Mươi phút nữa là xong thôi.
Căn phòng lớn được sưởi ấm đến phát nóng lên. Trong phòng có những giường ván hai tầng đủ cho chừng hai mươi thợ lái máy kéo. Tất cả bọn họ đều làm công việc sửa chữa máy trong mùa đông. Đi bộ về nhà thì xa, họ ở lại ngủ đêm ngay tại đây, cạnh xưởng. Trong nhà tập thể nồng nặc mùi dầu hỏa, mùi dầu xô-la, mùi khoai nướng quá lửa, mùi xà phòng giặt.
- Chà, vào đến đây thì chẳng muốn đi tiếp nữa! - Mác-tư-nốp nói, cởi tấm áo da lông và ngồi xuống chiếc giường ván cạnh bếp lò lửa cháy rừng rực. - Ngủ lại đây thôi.
- Đồng chí ở lại đây, đồng chí bí thư ạ, - những người thợ lái máy kéo cùng nhau lên tiếng. - Chúng tôi sẽ thu xếp chỗ.
- Hôm nay anh em không có mặt đầy đủ, ba người về làng lấy thực phẩm. Buồng của họ kia.
- Nói thực, đệm của chúng tôi hơi bẩn...
- Có thể trải áo khoác da lông, nằm lên mà ngủ.
- Về rận, rệp hay các thứ bọ khác thì xin đừng nghi ngại gì cả. Không có đâu. Các loài rệp bọ không chịu nổi mùi xăng dầu của chúng tôi.
- Các đồng chí ăn tối với chúng tôi nhé.
- Chúng tôi sẽ thết trà nữa. Sôi chưa, anh đầu bếp?
- Sôi rồi. Rửa đĩa chén đi.
Mác-tư-nốp đưa mắt nhìn Glô-tốp:
- Đồng chí sang văn phòng gọi điện về nhà, báo cho biết chúng ta nghỉ lại ở đây. Kẻo không vợ đồng chí lại ngỡ rằng chúng ta bị bão tuyết vùi lấp ở chỗ nào rồi.
Những người thợ lái máy kéo kê hai chiếc bàn lại gần nhau, trải giấy báo lên, bày bát đĩa, cắt bánh mì.
- Mời đồng chí ngồi vào, đồng chí Mác-tư-nốp! Đồng chí trưởng trạm! Ăn uống một chút cho ấm người lên!
...Đã quá nửa đêm, họ ăn tối, uống trà. Trong bếp lò, lửa đã tàn lụi, nhưng Mác-tư-nốp vẫn nói chuyện với anh em thợ lái máy kéo. Có người ngồi trên giường, có người vẫn theo thói quen của dân thảo nguyên, ngồi chồm hỗm trước mặt anh hay ngồi ngay xuống sàn. Riêng có Glô-tốp ngủ gà ngủ gật, nửa nằm nửa ngồi trên giường, đầu tựa vào tường.
Trong một năm làm việc ở huyện, Mác-tư-nốp đã biết tất cả các đội trưởng đội máy kéo và nhiều thợ lái, Trong số thợ sửa chữa máy, có anh đội trưởng trẻ tuổi Ê-go A-pha-na-xi-ê-vích Ma-xlốp năm ngoái đã giật được cờ luân lưu của huyện. Các nông trang viên và thợ máy kéo trọng anh vì tính anh nghiêm nghị, khắt khe trong công tác, hiểu biết nhiều về kỹ thuật, nhưng chỉ trước mặt anh họ mới gọi là Ê-go A-pha-na-xi-ê-vích, còn sau lưng anh, họ gọi là Lu-rơ-tsích: anh còn trẻ quá, mới ngót hai mươi tuổi, má đỏ hồng, mắt màu hạt dẻ, lông mày đen. Ở đây có đội trưởng Ni-cô-lai Pê-tơ-rô-vích Bê-rê-giơ-nôi làm việc ở trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca từ ngày trạm mới thành lập, anh là đại úy dự bị. Ở đây, có anh thợ lái máy kéo Va-xi-li Sa-tô-khin, anh em thường gọi anh là “người anh hùng Ma-rê-xê-ép” của chúng ta, vì anh mất một chân, dùng chân giả. Ngoài ra, còn có hai bố con Gri-gô-ri-ép đều là thợ lái máy kéo, người chở chất đốt cho Bê-rê-giơ-nôi là cụ Ti-khôn An-đrô-nô-vích Xtu-pa-cốp bảy mươi tuổi, ngay cả mùa đông cụ cũng không rời bỏ anh em thợ máy kéo, cụ giúp họ sửa chữa máy. Khi Mác-tư-nốp và Glô-tốp vào, cụ Xtu- pa-cốp đang giặt mấy chiếc sơ-mi trong cái chậu làm bằng thùng chất đốt cũ. Sau bữa ăn tối, khi đã hong mấy chiếc sơ-mi ướt trên bếp lò, cụ cũng góp chuyện với anh em, đến ngồi cạnh Mác-tư-nốp trên chiếc chậu giặt úp sấp.
- Công việc thế nào, cụ Ti-khôn An-đrô-nô-vích? - Mác-tư-nốp hỏi. - Sức nén ra sao?
- Chẳng có gì đặc biệt, đồng chí Mác-tư-nốp ạ.
- Vòng gang không để khí nén lọt ra ngoài chứ?
- Hiện giờ thì không... Còn công việc của đồng chí ra sao?
Anh em thợ lái máy kéo bật cười.
- Sao lại hỏi công việc của tôi là thế nào?
- Thì đồng chí mới được bầu làm bí thư thứ nhất mà. Sự thể ra sao? Khá vất vả phải không?
- Khá vất vả.
- Làm phụ việc thì tất nhiên là dễ dàng hơn.
- Tôi nghĩ rằng có sự giúp đỡ của các đồng chí thì tôi sẽ đảm đương được công việc.
- Xi-lanh của ông cụ bị sứt, - Sa-tô-khin nói.
- Xi-lanh bị sứt là thế nào?
- À, thế này, hôm qua chúng tôi học chính trị, đọc cuốn “Những vấn đề kinh tế ở Liên Xô”. Thế là ông cụ phóng ra một ý kiến lạ đời! Ông cụ bảo: “Cần gì phải luẩn quẩn mãi với hai hình thức sở hữu ấy? Cứ đưa quách lên thành nông trường quốc doanh ráo cả đi là xong!”
- Sao? - Mác-tư-nốp ngạc nhiên, tò mò nhìn ông già. - Cụ Ti-khôn này, sao cụ lại muốn đưa nông trang lên thành nông trường quốc doanh?
- Chẳng phải một mình tôi.
- Vậy mà tôi chưa hề nghe ai nói như thế đấy.
- Thế đồng chí có nghe được hết những gì người ta nghĩ không? Người ta nghĩ trong bụng nhưng không nói ra mồm.
- Cũng có thể... ờ, nhưng tại sao lại phải đưa lên thành nông trường quốc doanh?!
- Vì ở nông trường quốc doanh sống khá hơn, đồng chí Mác-tư-nốp ạ. Tiền lương cố định. Còn ở nông trang tập thể thì không biết trước một ngày công được trả như thế nào.
- Được, cứ cho rằng không phải trong tất cả các nông trang, người ta đều biết trước mình sẽ được những gì, - Mác-tư-nốp nói. - Nhưng trong nhiều nông trang thu nhập đã ổn định. Mọi người biết rằng sẽ không kém hơn năm ngoái. Chưa biết chừng còn khá hơn, vì kinh tế đang phát triển.
- Này, cụ ơi, thế cụ có biết chế độ tổ chức của các nông trường quốc doanh như thế nào không? - Gri-gô-ri-ép - bố hỏi, - Cụ đã từng làm việc trong nông trường quốc doanh rồi ư?
- Ôi dào! - Ông già khoát tay. - Còn chỗ nào tôi chưa từng làm việc kia chứ! Tôi đã từng làm việc ở nông trường quốc doanh “Người khổng lồ” trong thảo nguyên Xan-xcơ, đã từng làm công việc khai thác dầu hỏa trên biển Ca-xpi, đã từng làm việc ở mỏ Đôn-bát. Tôi đã lang thang phiêu bạt khắp gầm trời.
- Tại sao cụ lại trở về đây?
- Tôi trở về quê hương... Hẳn là cuối đời, người nào cũng muốn trở về quê hương.
- Ông cụ chẳng còn thân thích họ hàng gì nữa...
- Thật ư?
- Vâng, tôi còn lại mỗi một mình. Ba thằng con trai chết ở mặt trận. Bà nhà tôi qua đời đã lâu. Con gái lấy chồng ở Xa-ra-tốp... Còn những ngày cuối cùng, tôi sống với anh em cho vui. Tôi giúp đỡ họ. Tôi chăm sóc máy móc, tôi cũng hiểu biết đôi chút về kỹ thuật. Tháo bộ phận nọ, bộ phận kia, thu thập lại, rửa và lau chùi cho sạch, gá lắp vào máy. Đây là nhà của tôi, tôi sống với anh em...
- Lẽ ra có thể xếp cụ vào bậc thợ lái, nhưng trình độ lý thuyết của cụ hơi yếu, thì không đạt, - Sa-tô-khin nói.
- Sao các cậu cứ bám dai như đỉa đói thế? - Ông già đưa mắt giận dữ nhìn anh em thợ lái máy kéo. - Hễ người ta nói cái gì không đúng như trong sách vở, theo ý riêng của người ta là bảo người ta nói ngang! Xi-lanh bị sứt!.. Tôi đã giảng giải cho họ như thế này này, đồng chí ạ. Trong đời tôi, tôi đã thấy đủ loại thủ trưởng, giám đốc và chủ tịch. Dù sao trong nông trường quốc doanh, một ông giám đốc tồi cũng ít hại cho dân hơn là một ông chủ tịch tồi trong nông trang tập thể. Ở nông trường quốc doanh, muốn gì thì gì, người công nhân vẫn có lương của mình. Tôi đã làm được ngần ấy việc, tôi được ngần này tiền, tôi ra cửa hàng dùng tiền ấy mua bánh mì, gạo, bơ, muốn mua gì thì mua. Phòng hành chính để chậm lương thì đã có tòa án, công đoàn, người công nhân được bênh vực. Còn ở nông trang thì gieo gì gặt nấy, vớ phải ông chủ tịch ngờ nghệch, đoảng việc là cơ nghiệp lụn bại, ông ta sẽ làm cho mọi người không có bánh ăn, mà không phải chỉ trong một năm thôi đâu.
- Cụ nói ngoa ngoắt thật đấy, cụ ạ, - Mác-tư-nốp đáp. - “Ông giám đốc tồi ít hại hơn là ông chủ tịch tồi” đấy không phải là cách giải quyết vấn đề. Cần làm thế nào để không có những ông giám đốc tồi, cũng không có những ông chủ tịch tồi!
I-u-rơ-tsích Ma-xlốp xen vào câu chuyện:
- Cụ ơi, mọi người đã giải thích cặn kẽ với cụ rằng sở hữu của nông trang cũng là sở hữu xã hội chủ nghĩa cơ mà. Không thể tước bỏ quyền sở hữu ấy của các nông trang như đã lấy lại các công xưởng và nhà máy của bọn tư bản.
- À, đây là anh nói về cái việc cướp... đoạt ấy phải không?
- Tước đoạt chứ.
- Nhưng nếu như chúng tôi không tiếc gì cái quyền sở hữu ấy, sẵn lòng từ bỏ nó thì sao? Nếu như chính chúng tôi sẵn lòng nhường lại nó cho nhà nước thì có gì đáng nghi ngại?
- Cụ không tiếc, nhưng có thể người khác vẫn tiếc.
- Chớ cho rằng ai cũng giác ngộ như ai.
- Nhưng bây giờ chẳng còn ai tiếc rẻ cái ấy nữa đâu! Bao nhiêu năm rồi! Bây giờ người nông dân không chạy đến chuồng ngựa của nông trang để vuốt ve con ngựa cái trước đây là ngựa của mình. Thậm chí người nông dân đã quên rằng mình góp những gì vào nông trang, ngay cả xương của con ngựa ấy cũng mục nát ra rồi!
Ông cụ tranh cãi một cách sôi nổi, nhưng cụ chỉ đưa ra kinh nghiệm sống của cá nhân để củng cố nhưng tìm kiếm về triết lý kinh tế của mình.
- Đồng chí này, - ông cụ quay về phía Mác-tư-nốp, - hay chính phủ ta sợ rằng người nông dân không ưa cái danh hiệu “công nhân”? Thế nào là công nhân thì có gì đáng sợ đâu nhỉ? Tôi xin nói với đồng chí rằng tôi đã từng sống theo tiếng còi tầm. Tiếng còi nổi lên là trở dậy, sửa soạn đi làm; còi lần nữa là giờ giải lao, nghỉ ngơi, ăn sáng; còi lần nữa là hết giờ làm, về nhà! Tiếng còi thì có sao đâu? Tốt thôi! Kỷ luật, trật tự mà! Đối với người lao động, tiếng còi cũng chẳng khác gì tiếng nhạc trước giờ xung trận đối với người lính kỳ cựu - nó nâng cao tinh thần! Còn đối với kẻ lười biếng thì nó lại là cái roi quất! Đồng chí ạ! Này nhé! Người nông dân làm ăn riêng lẻ sợ tiếng còi như quỷ sợ bùa. Anh ta cho rằng không có tiếng còi thì thoải mái, ung dung hơn, mình làm chủ mình. Nhưng chẳng phải là ở nhà anh ta cũng có cái còi riêng của mình hay sao? Nếu trong mùa gặt hái anh ta ngủ dậy muộn và mặt trời lên đến ngọn cây sồi anh mới ra khỏi nhà thì hàng xóm láng giềng sẽ nói gì về người nông dân như thế? Người ta sẽ chê cười chứ gì? Tiếng tăm của một kẻ như thế sẽ đồn đi khắp vùng. Còn vợ anh ta sẽ dùng que thông lò giáng vào lưng cho, đây chẳng phải là tiếng còi ư? Ồ, tiếng còi quái ác là đằng khác! Mà không gieo trồng, không gặt hái kịp thời thì có cái gì mà đưa cho bàn tay trái? Con cái, ông bà già ngồi trên bếp lò đòi bánh ăn! Đấy chẳng phải là tiếng còi ư?
Mác-tư-nốp nghe cụ Xtu-pa-cốp nói với vẻ thích thú.
- Cụ Ti-khôn An-đrô-nô-vích này! - Gri-gô-ri-ép-bố ngắt lời ông già, - thế còn cụ, cụ vẫn chưa quên đã đóng góp những gì vào nông trang? vẫn còn nhớ chứ? còn giữ được giấy biên nhận không? Số tài sản cụ đem góp làm của công có nhiều không?
- Tôi ấy à? Tài sản à? - ông cụ nhìn quanh. - Can gì anh phải hỏi? Tôi với anh chẳng phải là hàng xóm láng giềng trước đây sao?.. Mãi đến tận năm 1929, tôi vẫn còn đi làm thuê thì có cái cóc gì mà góp làm của công nữa kia chứ? Ba con gà mái, một con ngỗng đực với một con ngỗng cái, cả gia sản có thế thôi. Vậy mà khi bọn cu-lắc dở trò phá hoại, tôi cũng có giữ được nữa đâu. Trong lúc tôi đang dự cuộc họp, giơ tay tán thành việc thành lập nông trang thì bà nó nhà tôi nhìn thấy chúng nó giết chết con lợn ở sân nhà anh, còn ở nhà Phê-đo Cô-vri-ghin thì bà ấy nghe thấy tiếng một con bò cái chửa bị hạ sát; bà ấy vớ lấy cái rìu và bổ vào đầu chúng nó. Tôi chẳng góp được gì vào nông trang cả. Chỉ có hai bàn tay này thôi, - ông cụ giơ ra hai bàn tay dài, chằng chịt gân xanh do làm lụng quá nhiều, những ngón tay xòe rộng, lòng bàn tay nổi lên những cục chai rắn đanh. - Hai bàn tay có thế thôi.
- Cụ là người tiến bộ bậc nhất đây! - đội trưởng Bê-rê-giơ-nôi bật cười. - Chẳng có tài sản gì, chẳng có gì phải tiếc! Một chiếc ba-lô sau lưng, không một vật gì thừa, theo Đảng đi bất cứ nơi nào! Người lính của cách mạng!..
- Giá như trong ban quản trị nông trang “Người dân cày đỏ” của chúng tôi có được những người lãnh đạo như Đê-mi-an Ô-pi-ôn-kin, - cụ Xtu-pa-cốp nói bằng giọng bực bội, - thì với hai bàn tay này tôi sẽ làm được cho nông trang nhiều hơn gấp mười lần! Tôi sẽ không phải rời bỏ làng quê đi lang thang đây đó tìm chỗ làm ăn tốt hơn ở nơi khác. Tôi còn bị thiên hạ gọi là kẻ đi lang thang để kiếm tiền. Vì lẽ gì? Những kẻ nào gọi tôi như thế? Chính là những kẻ đã làm cho nông trang không ngóc đâu lên được!.. Tôi mà làm việc thì phải biết! Giá như tôi biết rằng lao động của tôi làm cho nông trang giàu lên, những gì tôi làm ra không bị phí hoài!..
- Rồi đây ở nông trang các đồng chí sẽ có hội nghị tổng kết, các đồng chí là chủ, các đồng chí hãy nghĩ xem nên bầu ai vào ban quản trị để làm cho nông trang của các đồng chí trở thành nông trang tiền tiến. Chính tôi sẽ đến dự họp với các đồng chí.
Mác-tư-nốp phải mất khá nhiều thời giờ để giải thích cặn kẽ cho cụ Ti-khôn An-đrô-nô-vích Xtu-pa-cốp hiểu rằng không phải chỉ ở cửa sổ mới có ánh sáng, không thể vì những thất bại của các nông trang chậm tiến mà không nhìn thấy những kết quả to lớn của các nông trang tiền tiến; và ở các nông trường quốc doanh, không phải mọi việc đều tự nó diễn ra, và cũng có nông trường thế này thế khác, ở các nông trường quốc doanh cũng cần những ông giám đốc thông minh, những đội trưởng chính trực, những bí thư chi bộ tháo vát, nếu không nông trường sẽ làm ăn thua lỗ, giá thành lúa mì của nông trường sẽ quá đắt; chế độ nông trang tập thể là quyền sở hữu xã hội các tài sản tập thể, ngay cả bây giờ hình thức sở hữu đó cũng vừa ý đa số nông dân trước đây là những người sở hữu nhỏ, và cần chú ý đến nguyện vọng của họ; hai mươi ba năm tồn tại cửa các nông trang tập thể không phải là quãng thời gian quá dài trong lịch sử sau hàng nghìn năm tồn tại của nền kinh tế cá thể, không thể làm hết mọi việc trong một thời gian ngắn như vậy; nếu chúng ta chịu suy nghĩ và không tiếc công sức thì chế độ nông trang tập thể có thể làm cho chúng ta hoàn toàn sung túc về thực phẩm, và chúng ta sẽ chuyển sang khu vực nhà nước thống nhất thông qua sự sung túc, chứ không phải vì còn một số việc chúng ta không thể làm cho tốt trong các nông trang tập thể.
Cụ Xtu-pa-cốp đưa tay lên che miệng, húng hắng ho: -Vậy thì theo ý kiến đồng chí, nói theo danh từ của Đảng thì tôi có đầu óc tả khuynh chứ gì?
- Đúng, gần như thế... cụ nhớ danh từ chính trị như thế là tốt.
Mọi người bật cười.
Mác-tư-nốp lái câu chuyện sang hướng khác:
- Chuyển sang khu vực nhà nước thống nhất, tất cả những cái đó sau này sẽ diễn ra như thế nào thì hiện giờ chưa ai hình dung được một cách dễ dàng, tỉ mỉ. Cứ sống đi rồi sẽ biết. Bây giờ ta hãy cùng nhau suy nghĩ xem hiện nay chúng ta cần làm gì để thúc đẩy các nông trang chậm tiến? Các đồng chí đổ hết cả tội lỗi cho chủ tịch nông trang. Đúng, có nhiều điều phụ thuộc vào chủ tịch nông trang, Và huyện ủy chúng tôi cũng có lỗi, cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa giúp được các nông trang viên ở khắp mọi nơi chọn được những người lãnh đạo tốt, xứng đáng để bầu vào ban quản trị. Nhưng cũng nên nhìn lại mình xem. Ai cày, ai gieo trồng trên đồng ruộng của nông trang? Các đồng chí, các cán bộ trạm máy kéo, những người chuyên môn về cơ khí hóa! Các đồng chí cày như thế nào, gieo trồng như thế nào? Thậm chí ở một số nơi, các nông trang viên đã gán cho các đồng chí cái tên “những kẻ trí trá”, xấu hổ lắm, các đồng chí ạ. Nào ta hãy cùng nhau bàn về những việc ấy:.. Ba ngày hay, tôi với ông trưởng trạm của các đồng chí đến các nông trang, trưởng trạm của các đồng chí báo cáo về việc thực hiện hợp đồng. Người ta kêu ca các đồng chí nhiều lắm, các nông trang viên nguyền rủa các đồng chí không hết lời về việc các đồng chí bỏ nhiều giờ chết, làm ẩu! Này, tại sao các đồng chí làm việc như những kẻ thầu khoán chứ không phải như những chủ nhân biết quý trọng từng bông lúa thu hoạch thêm được?
- Không phải ai cũng làm việc như những kẻ thầu khoán, đồng chí Mác-tư-nốp! - những người thợ lái máy kéo nhao nhao lên tiếng.
- Thế ở nông trang “Chính quyền của các Xô-viết” của Đê-mi-an nhà giàu, năng suất đạt hai mươi hai tạ. Ai đã tạo nên năng suất ấy? Không phải thợ lái máy kéo ư?
- Còn ở nông trang “Tháng Mười”, ở nông trang “Bình minh” thì sao? Năng suất cũng gần hai mươi tạ.
- Đổ tội lên đầu chúng tôi là dễ dàng nhất. Nhưng thử đặt mình vào địa vị chúng tôi mà xem, chúng tôi làm việc trong hoàn cảnh như thế nào?
- Cứ xét việc sửa chữa máy chẳng hạn. Chúng tôi vẫn phải lắp ráp máy móc dưới tuyết!
- Sửa chữa máy kéo tốt hơn nữa thì sẽ ít giờ chết hơn.
- Điều kiện làm việc như thế thì sửa chữa cho tốt sao được?
- Nếu đồng chí muốn biết rõ những trở ngại khiến chúng tôi không thể làm việc tốt hơn được thì chúng tôi sẽ kể hết cho mà nghe!..
...Mác-tư-nốp liếc nhìn Glô-tốp đang thiu thiu ngủ, trong lòng bực tức: “Những con người đáng quý biết bao, những ý nghĩ đặc sắc biết bao, thế mà ông ta lại ngủ! Một con người có tính phớt đời đến đáng ghét!”.
- Thức dậy đi! - không nén nổi, anh hích vào vai ông trưởng trạm.
- Sao? Cái gì? - Glô-tốp mở mắt.
- Nghe anh em nói đây này.
- Ban nãy tôi nghe mãi, rồi tự dưng cứ buồn ngủ...
- Đúng là như thế này này, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, - Ma-xlốp nói, - trong hai - ba năm, không cần cung cấp máy mới cho chúng tôi. Chúng tôi cứ dùng những máy hiện có cũng được, số máy hiện có đủ dùng cho toàn bộ diện tích gieo trồng của chúng ta. Có những ngày, các máy đi-ê-den đúng là không có việc gì làm, bỏ không đấy thôi. Hãy cho chúng tôi thêm tiền dùng vào việc xây dựng nhà.
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, cách tổ chức của chúng ta xem ra không ổn, - Gri-gô-ri-ép - bố nói. - Đưa về nông thôn hàng tỷ rúp-mỗi trạm máy kéo bao nhiêu là máy, mà những máy quý giá biết chừng nào, vậy mà còn thiếu có mấy nghìn rúp để cho những tỷ rúp ấy phát huy được hết công suất phục vụ sản xuất nông nghiệp thì không cho thêm được.
- Đúng như kinh phúc âm đã nói: hãy đưa bằng tay phải sao cho tay trái không hay biết gì hết, - cụ Xtu-pa-cốp nói chen vào. - Một ông bộ trưởng cho máy gặt đập liên hợp, còn ông bộ trưởng khác không cho tiền xây nhà kho để những cỗ máy gặt đập liên hợp ấy khỏi phải ngủ đông trong tuyết.
- Có lẽ ngân sách của chúng ta đã được tính toán rất sát, nếu vậy tôi có ý kiến như thế này, - Ma-xlốp nói, - những máy kéo dự trù cung cấp cho chúng tôi thì có thể đem bán cho các nước khác, thế là có tiền thôi.
- Nghe thấy chưa? - Mác-tư-nốp hích Glô-tốp.
- Nghe thấy rồi.
- Ý kiến đồng chí ra sao?
- Ừ, tôi đồng ý với Ma-xlốp... hiện giờ chúng tôi đủ máy dùng, phải biết rõ hiện trạng. Trong vòng hai năm nữa, tôi không có máy mới cũng không sao, nhưng không có xưởng sửa chữa tốt thì khốn nạn! Chúng tôi tháo lắp máy ở ngoài trời, thế thì sửa chữa cái cóc gì? Loay hoay với sắt thép ở ngoài trời rét buốt! Mà thời tiết xấu như thế này! Anh em luẩn quẩn quanh cỗ máy kéo một tiếng đồng hồ thì sưởi mất hai tiếng bên dàn nồi hơi. Trong xưởng chỉ đủ chỗ cho năm chiếc máy. Vì thế, anh em làm công việc sửa chữa máy mùa đông chẳng kiếm được mấy đồng lương! - Glô-tốp sôi nổi hẳn lên. - Thế đồng chí đã thấy các máy công cụ của chúng tôi chưa, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích? Máy cũ rích! Đáng loại bỏ!.. Đã nhiều lần tôi suy nghĩ: tại sao máy móc của chúng ta? tuyệt diệu- quý giá như thế mà lại không có một cơ sở sửa chữa cho tốt? Thật chẳng khác nào như kẻ tiếc tiền không dám mua một bộ yên cương tốt cho con tuấn mã. Cưỡi ngựa chạy đua mà dây cương làm bằng vỏ sợi gai.
- Vậy là đồng chí đồng ý với Ma-xlốp chứ gì?.. Tại sao đồng chí không viết bản tường trình gửi lên bộ: tình hình là như thế, tạm thời chúng tôi không cần bổ sung máy mới, nhưng thay vào đó, chúng tôi xin cung cấp cái này cái nọ: một xưởng sửa chữa lớn, máy công cụ, những nhà tập thể đủ tiện nghi cho thợ lái máy kéo, nhà kho để máy móc dụng cụ?..
- Sao, anh tưởng ở bộ người ta không đoán ra, không biết những thiếu thốn của chúng tôi ư?
- Họ biết, họ biết đấy... Bác ta biết đường, nhưng vẫn cứ hỏi, - cụ Xtu-pa-cốp lầu bầu.
- Tôi muốn nói điều này có được không, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích? - Đội trưởng Ni-cô-lai Bê-rê-giơ-nôi đứng lên, - Về một vấn đề khác. Ban nãy đồng chí vừa kể cho chúng tôi câu chuyện về gã trai ở trạm máy kéo Ô-lê-si-nô, Cô-xchi-a Ê-rơ-sốp. Những điều hắn nói với đồng chí là đúng đấy: tại sao lúa mì tốt thì thợ máy kéo lại kiếm được ít ngày công hơn. Đúng là nên tìm cách khác để tính công cho chúng tôi. Không chỉ căn cứ vào hiệu suất ngày công, phải dựa cả vào năng suất thu hoạch nữa. Và nên cho trưởng trạm máy kéo có quyền nâng cao mức tiêu dùng nhiên liệu trong trường hợp cần thiết, tùy theo đất cày, theo năng suất thu hoạch, nếu không thì thường có tình trạng như thế này: muốn hay không muốn, thợ lái máy kéo cũng bắt đầu dùng mưu mẹo, cày nông, vì trước đó anh ta đã dùng mất quá nhiều nhiên liệu tại một khu vực đất nặng, ở đó không thể nào dùng nhiên liệu đúng mức quy định được. Hay chẳng hạn anh ta đã dùng hết nhiều nhiên liệu ở một khu vực lúa tốt, máy chỉ hoạt động bằng một phần tư bàn cắt. Tôi cũng xin nói thêm về những cán bộ hưởng lương cố định của trạm máy kéo. Kỹ sư trưởng nông nghiệp, kỹ sư trưởng, kỹ sư nông nghiệp? thợ chữa máy lưu động và chính trưởng trạm máy kéo nữa, họ cũng phải chịu trách nhiệm về năng suất mùa màng.
- Không phải là cũng chịu trách nhiệm, mà phải chịu trách nhiệm chính!.. Thế nào, I-van Trô-phi-mô-vích, - Mác-tư-nốp hỏi. - Các đồng chí không hề được lương khuyến khích khi mùa màng đạt năng suất cao ư?
- Làm gì có chuyện ấy, - Glô-tốp đáp. Chỉ có phụ cấp theo bằng cấp và thâm niên thôi.
- Như vậy là nếu một ông trưởng trạm có thâm niên và văn bằng, nhưng năng suất thu hoạch ở khu vực ông ta vào loại xoàng, còn ông trưởng trạm khác không có bằng cấp và thâm niên, nhưng năng suất ở khu vực ông ta phụ trách rất cao thì ông trưởng trạm thứ nhất được hưởng lương cao hơn ông trưởng trạm thứ hai ư?
- Tất nhiên,
- Lại thế kia đấy.... Thì ra ở đây cũng có thể sửa đổi một đôi điều, - Mác-tư-nốp nói. - Có lẽ nên làm thế này chăng? Nếu tính trung bình, trạm máy kéo đạt năng suất mười tạ trong các nông trang thì ông trưởng trạm lĩnh lương một nghìn rúp một tháng hay một nghìn ba trăm rúp. Năng suất mười lăm tạ thì lương hai nghìn rúp. Năng suất hai mươi tạ thì lương hai nghìn rưỡi hay ba nghìn. Còn phụ cấp theo văn bằng và thâm niên thì đã đành. Cái chính là năng suất. Đối với các kỹ sư nông nghiệp và thợ máy cũng thế. Ý đồng chí ra sao, I-van Trô-phi-mô-vích? Nói giả dụ cả năm đồng chí lĩnh lương tối thiểu, rồi khi thu hoạch, tính năng suất được hai mươi tạ. Vậy thì thưa ông bộ trưởng, xin trả thêm cho tôi khoản chênh lệch mười ngàn rúp. Thế nào?
Glô-tốp nhếch mép cười.
- Còn phải hỏi! Tất nhiên người ta sẽ gắng sức hơn, sẽ làm việc tốt hơn… tồn tại quyết định ý thức.
- Nhà duy vật có khác!..
Mác-tư-nốp đứng lên, tới gần khung cửa sổ tối đen, ở bên ngoài bão tuyết đang lồng lộn, anh đứng một lát, dùng móng tay cạo băng đóng trên kính.
- Ni-cô-lai Pê-tơ-rô-vích, đồng chí lái máy kéo từ năm nào? - Mác-tư-nốp quay về phía Bê-rê-giơ-nôi.
- Ngay từ năm những chiếc “Phơ-rô-giôn” đầu tiên xuất hiện trong các nông hội của chúng ta. Từ năm hai mươi lăm.
- Thế là hai mươi bảy năm rồi ư?
- Trừ đi bốn năm. Bốn năm lái xe tăng.
- Đồng chí là sĩ quan ư?
- Vâng, sĩ quan.
- Vậy mà sau khi phục viên, đồng chí không tìm một công việc nào đỡ lem luốc hơn, lại trở về đội máy kéo của mình ư?
- Công việc ấy chính là một công việc sạch sẽ mà tôi ưa thích. Tôi yêu công việc ấy, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ! Tôi cũng yêu ruộng đất nữa, tôi là nông dân, là người nông phu, và tôi cũng yêu quý giai cấp công nhân. Vì thế, không rời bỏ làng quê, qua trạm máy kéo, tôi gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân. Kể về chức vụ thì tôi cũng không bị xuống cấp. Ở đây tôi cũng có năm cỗ máy.
- Đúng, ở nông thôn chúng ta, thợ lái máy kéo là một nhân vật lý thú, - Mác-tư-nốp nói bằng giọng trầm ngâm. - Thợ lái máy kéo vừa là nông trang viên, vừa là công nhân...
- Vì thế cả ông chủ tịch nông trang lẫn ông trưởng trạm máy kéo đều mắng mỏ chúng tôi! - một người thợ lái máy kéo bật cười. - Một thân hai chủ, nên cả đuôi lẫn bờm đều ăn đòn!
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, chính điều đó tiếp sức cho chúng tôi: chúng tôi là nông trang viên. - Va-xi-li Sa-tô-khin nói. - Dường như chúng tôi chẳng có lợi ích gì đặc biệt mà đấu tranh cho năng suất thu hoạch cao, những cứ nghĩ mà xem: chính tôi là thành viên của nông trang đó, gia đình tôi ở đấy, vợ, con, họ hàng thân thích ở đấy cả. Đây là công việc thiết thân của mình. Không chăm lo sao được?..
Bê-rê-giơ-nôi lên tiếng:
- Đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, chẳng cần đồng chí gợi ý, thường thường vào buổi tối, chơi cờ mãi cũng chán, đôi khi chúng tôi vẫn bàn bạc về việc làm thế nào để công việc của chúng tôi có lợi nhiều hơn cho các nông trang. Nếu đồng chí ngủ lại đây với chúng tôi một vài đêm trên chiếc giường ván này, đồng chí sẽ được nghe đủ mọi thứ chuyện!.. Hôm qua chúng tôi vừa bàn về một chuyện như thế này. Nên làm cách nào cho trạm máy kéo có trách nhiệm về năng suất thực tế. Năng suất của những hoa lợi được đưa vào kho chứa. Chính chúng tôi nắm trong tay toàn bộ máy móc. Bây giờ đâu còn là thời buổi cày bằng bò nữa. Tám mươi phần trăm công việc đồng áng đã được cơ khí hóa. Vậy thì bây giờ chúng tôi phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về thu hoạch của nông trang! Vậy mà tình hình của chúng ta ra sao? Người ta tính năng suất khi hoa lợi còn trên cánh đồng. Người ta gọi đây là năng suất “sinh vật học”. Căn cứ vào đó người ta định mức nộp thuế bằng sản vật cho các nông trang. Tính lúc chưa thu hoạch thì năng suất là mười bốn tạ. Lúa không xấu. Chúng tôi bắt đầu thu hoạch. Người thu hoạch lại là thợ máy kéo chúng tôi, thợ điều khiển máy gặt đập liên hợp. Giả dụ là thu hoạch kém, hao hụt nhiều. Bỏ lỡ lúc trời còn tạnh ráo, rồi mưa xuống, lúa đổ rạp, không thu hoạch hết được. Đáng là mười bốn tạ thì vào kho chỉ có mười tạ. Nhưng mức nộp thóc vẫn thế, không thay đổi gì cả. Mà mức đó được quy định dựa vào số liệu do nhân viên kiểm tra đưa ra. Những nhân viên kiểm tra ấy chỉ làm cái việc quy định mức sản lượng, ngoài ra không làm việc gì khác. Việc cày
đất mùa thu, gieo trồng vụ thu, việc chăm sóc gia súc trong mùa đông, họ không hề bận tâm đến. Mùa màng năm sau ra sao cũng không liên quan gì đến họ. Họ chỉ bị trừng phạt khi họ phạm sai lầm như thế này: hạ thấp mức đóng góp. Còn nếu họ nâng cao mức đóng góp đến nỗi dù chúng tôi có thu hoạch tốt, không mất mát thì sau đó người nông dân cũng không đủ sống, nếu họ làm thế thì họ không bị trừng phạt đâu.
Glô-tốp đứng lên, ông ta lại thức giấc lần nữa và lần này tỉnh ngủ hẳn:
- À, lại đến cái nước ấy kia đấy! Tôi lại còn phải chịu trách nhiệm cả về sản lượng đưa vào kho nữa kia!.. Bê-rê-giơ-nôi ạ, con tính anh vừa đưa ra ở đây - cơ khí hóa tám mươi phần trăm thì chúng ta phải chịu tám mươi phần trăm trách nhiệm về sản lượng thu hoạch - thật là một lối tính toán lẩm cẩm! Vậy ra theo ý anh, nông trang chỉ còn phải chịu hai mươi phần trăm trách nhiệm thôi ư? Thế anh có biết câu tục ngữ nói rằng một thìa nhựa cây làm hỏng cả thùng mật ong không? Đúng là như thế đấy!.. Dù chúng ta có cày kỹ như thế nào, gieo hạt tốt như thế nào mà cánh đồng không được bón phân thì ở vùng ta, chân đất xấu như thế, đừng hòng mong đợi gì ở cánh đồng ấy! Nhưng ai có trách nhiệm bón phân? Nông trang. Còn phân bón hóa học? Còn việc bón thúc? Ở khu vực trồng củ cải còn bao nhiêu việc vẫn phải làm bằng tay?.. Tôi bằng lòng chịu trách nhiệm hết thảy: cả về năng suất “sinh vật học” cũng như về năng suất thực tế: Nhưng nếu vậy thì hãy trao cho tôi những quyền hành rộng rãi hơn!
- Những quyền hành rộng rãi hơn như thế nào? - Mác-tư-nốp mỉm cưới láu lỉnh. - Quyền bỏ tù các chủ tịch nông trang nếu họ không đưa phân bón đến phải không?
- Không, xin đừng có chế nhạo, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích. Hãy tự đặt mình vào địa vị tôi mà xem!
- I-van Trô-phi-mô-vích này, - Mác-tư-nốp nói, - ở địa vị đồng chí, tôi sẽ làm như sau. Tôi sẽ cùng với ban quản trị nông trang đề ra kế hoạch sản xuất cho cả năm. Tôi, trưởng trạm máy kéo, cam kết làm những việc này việc nọ, trong thời hạn như thế, như thế. Và nếu tôi là đảng viên, tôi sẽ làm đầy đủ những điều cam kết. Nhưng đồng chí chủ tịch nông trang ạ, tôi sẽ không dễ dãi với đồng chí đâu! Cả đồng chí cũng phải thực hiện những điều cam kết của mình, không sai một ly!..
- Anh lại khám phá ra châu Mỹ rồi! - Glô-tốp giơ hai tay lên tỏ vẻ ngạc nhiên. - Loại hợp đồng như thế vẫn có đấy chứ. Nó gọi là hợp đồng tiêu chuẩn giữa trạm máy kéo với nông trang. Phần đầu có viết: hợp đồng có hiệu lực pháp lý…
- Hiệu lực pháp lý... Vậy nghĩa là nếu vi phạm hợp đồng thì lập biên bản từng điểm một và đưa ra tòa phải không? Tìm ông trưởng trạm máy kéo, ông chủ tịch nông trang ở đâu? Ở tòa án ấy, các ngài đang kiện nhau... không, đồng chí nên nghe xem anh em nói gì. Hợp đồng ấy còn thiếu một số điểm. Cần phải làm thế nào để cả đôi bên đều rất có lợi nếu mùa màng đạt năng suất cao. Cả đồng chí và chủ tịch nông trang. Có lợi lớn đến mức các ông không hơi đâu mà bỏ công ra khiếu nại lẫn nhau với kiểm sát viên. Tôi mất hai giờ để kiện cáo nhưng trong thời gian đó tôi bị thua thiệt rất nhiều!..
Bão tuyết đã ngớt. Mác-tư-nốp và Glô-tốp quyết định lên xe đi về làng, gần huyện hơn được mấy ki-lô-mét.
Lúc chia tay, cụ Xtu-pa-cốp nói với Mác-tư-nốp:
- Tuy cả đêm không ngủ, nhưng thời gian ấy không đến nỗi uổng phí. Năm ngoái, trong mùa đông, có đến hai mươi đảng viên về nông trang chúng tôi. Họ nói với chúng tôi đủ điều: trái đất từ đâu mà ra, sự sống phát sinh trên trái đất như thế nào. Còn về việc cần phải làm thế nào để cho trên mặt đất này có quy củ hơn thì họ không hề đả động gì đến!..
- Đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích, nếu đây không phải là điều bí mật, xin đồng chí cho chúng tôi biết vì sao Boóc-dốp bị cách chức? - Va-xi-li Sa-tô-khin hỏi,
- Các đồng chí đọc trên báo rồi còn gì. Mác-tư-nốp vừa trả lời vừa mặc áo da lông.
- Nhưng trên báo chí viết vắn tắt: vì bóp nghẹt phê bình.
- Đúng thế.
- Chúng tôi được nghe kể như thế này: trong một cuộc họp các đảng viên tích cực, một đảng viên phản đối ý kiến của Boóc-dốp, thế là hôm sau, đâu như Boóc-dốp gọi điện cho cơ quan công an: “Các đồng chí có thể đưa hắn ra truy tố về việc gì không? Một việc khá ấm ớ cũng được? Nếu không có thì tìm cách bày đặt ra”.
- Chuyện ấy thì có.
- Khiếp thật, đến thế thì quá quắt lắm!..
- Vậy ra nếu anh ta chưa giở trò đểu giả đến như vậy thì đến giờ có lẽ anh ta vẫn làm bí thư huyện ta đấy nhỉ? - Sa-tô-khin nói. Thì ra anh ta bị cách chức không phải vì phạm nhiều sai lầm trong việc lãnh đạo huyện nhà ư?
- Khốn nỗi ở ta hiện nay đôi khi vẫn còn tình trạng như thế, - Gri-gô-ri-ép nói. - Một cán bộ có cương vị quan trọng chỉ bị cách chức khi rõ ràng là đã làm một việc gì đê mạt đến mức không thể chịu đựng được. Nhưng nếu nói chung, người đó không đáng ở cương vị lãnh đạo, phương pháp công tác không đúng đắn, xa rời nhân dân, không nghĩ cách làm thế nào để nhân dân sống hạnh phúc hơn, mà chỉ nghĩ đến cá nhân mình thôi, thì thế nào?..
- Tôi còn nhớ, - Bê-rê-giơ-nôi mỉm cười mỉa mai, - có lần Boóc-dốp đương đêm đến đội chúng tôi. Chúng tôi cày đất vụ thu. Các máy đang làm việc trên đồng ruộng. Tôi ngủ trong toa xe dùng làm trạm nghỉ ngơi cho anh em. Boóc-dốp quát tháo ầm ĩ: “Đội trưởng mà như thế à! Các máy kéo đang làm việc, còn mình thì ngủ khì!”. Tôi bảo: “Đồng chí Boóc-dốp! Tất cả máy kéo đều đang làm việc, vậy thì tôi phải làm gì? Chạy xung quanh các máy kéo trên vạt ruộng cày, thè lưỡi ra thở hồng hộc chăng? Tất cả các máy đều ở trên luống cày, không một chiếc nào bỏ giờ chết, như vậy là tôi đã tốn nhiều công sức chăm sóc điều chỉnh máy. Bây giờ tôi có thể nghỉ ngơi”. Boóc-dốp quát tháo một hồi rồi bỏ đi. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng anh ta: “Đồ lười biếng! Quân phá hoại ngầm!”
- Anh ta là một con người tàn ác, - Va-xi-li Sa-tô-khin nói. - Một người xấu bụng. Anh ta làm việc ở huyện nhà ba năm trời mà không để lại cho chúng tôi một kỷ niệm gì tốt đẹp về anh ta. Anh ta xục xạo trên các cánh đồng như một tên trương tuần. Thấy ông chủ tịch, anh ta cho xe đến, kéo riêng ông ta ra một chỗ, nói riêng với ông ta điều gì không rõ, ngoài ra không thèm nói với ai câu nào.
- Vụ kỷ luật Boóc-dốp chưa được giải quyết đến nơi đến chốn! - Ma-xlốp khoát tay. - Đáng lý nên ra một quyết định chi tiết như thế này: cách chức vì lý do gì, tại sao cách chức. Như vậy các nông trang viên sẽ được biết rõ đầy đủ, và đấy cũng là một bài học cho những người sẽ làm việc ở huyện ủy sau khi Boóc-dốp bị cách chức!..
- Ai lãnh đạo chúng tôi, bây giờ đó là điều rất thiết thân với chúng tôi, đồng chí Mác-tư-nốp ạ, - cụ Xtu-pa-cốp nói. - Thời buổi bây giờ không phải là thời buổi mỗi kẻ ru rú trong cái xó của mình như con gián ẩn sau bếp lò. Dưới thời Sa hoàng, cả đời chúng tôi không nhìn thấy quan trên! Chúng nó về làng chỉ để bóp nặn chúng tôi thu cho đủ số thuế còn thiếu. Quan đến rồi quan lại đi, - chỉ mong sao quan tếch cho mau! - Còn cuộc sống vẫn theo dòng của nó. Đất của mình, nếu như ta có đất, ngựa của mình, nếu như ta có ngựa, hạt giống của ta: gieo trồng gặt hái thế nào cũng chẳng dính dáng đến ai. Nhưng bây giờ là nông trang tập thể. Việc là việc chung. Không có các đồng chí, không có Đảng thì chúng tôi làm thế nào xây dựng được sự nghiệp chung ấy? Không có các đồng chí, chúng tôi không tiến nổi một bước. Ngày nay chúng tôi rất chú trọng đến người lãnh đạo: cái người Chúa ban cho chúng tôi là người thế nào? Chẳng hạn, bí thư huyện ủy hay chủ tịch Ban chấp hành Xô-viết của chúng tôi là người thế nào? Có đến ở lâu với chúng tôi không, hay chỉ như khách vãng lai? Một tâm hồn nồng nhiệt hay đại khái là cũng tử tế thế thôi? Chúng tôi có được nghe người đó chỉ bảo cho những điều hay lẽ phải không, người đó có biết làm việc không? Có vui vẻ không? Có mạnh bạo không? Người lãnh đạo vui vẻ thì chúng tôi cũng vui vẻ. Người lãnh đạo gan dạ cũng là điều hay. Khi người chỉ huy không nhát gan thì lính sẽ theo người chỉ huy xông vào nơi nước sôi lửa bỏng!..
Ba ngày sau, Glô-tốp đến gặp Mác-tư-nốp ở huyện ủy.
- Này, thế là thế nào: những người thợ lái máy kéo bình thường, chứ không phải là đồng chí, trạm trưởng máy kéo, đã giúp tôi nghe ngóng được nhiều hơn, biết rõ hơn tình trạng lộn ẩu trong công tác của đồng chí? - Mác-tư-nốp nói, anh đứng bên bàn, bực dọc đưa mắt từ trên cao nhìn Glô-tốp đang ngồi trong chiếc ghế bành, nhìn cái đầu tóc hoa râm, trán rộng của ông ta, cái cổ đỏ ửng, những vệt quầng thâm mòng mọng dưới đôi mắt ti hí, sâu hoắm của ông ta. - Điều đó không làm cho đồng chí lo lắng phải không? Đồng chí đã quen với vai trò thầu khoán, không muốn giữ vai trò nào khác phải không? Đóng vai phụ thì yên tâm hơn chứ gì?.. Đồng chí Glô-tốp ạ, sau cuộc nói chuyện với anh em lái máy kéo, có nhiều điều tôi còn phải suy nghĩ thêm. Tất nhiên, muốn củng cố trạm máy kéo, cần có vốn đầu tư lớn và nhiều cái khác. Nhưng ngoài tất cả những cái đó ra, đây là điều ta còn thiếu này: những trưởng trạm tốt! Nên cử những đảng viên ưu tú đi nhận nhiệm vụ ấy! Những người có uy tín, có học thức, hiểu biết thấu đáo về nông nghiệp và tất nhiên phải là những người có ý thức sâu sắc về vai trò của Đảng, những người luôn luôn lo cho công việc chung, tôi cho rằng trưởng trạm máy kéo phải là người như thế. Này, rồi đây khi chúng ta; có những trưởng trạm xứng đáng thì tôi lo cho đồng chí đấy, I-van Trô-phi-mô-vích ạ. Đồng chí sẽ không thể ganh đua với họ được. Không khéo đồng chí sẽ phải nhường chỗ của mình cho một người linh lợi hơn. Đồng chí điềm tĩnh quá. Một kẻ phớt đời!
- Tính tôi như thế, biết làm sao được, - Glô-tốp đáp.
- Tính nết à? Nhưng tính nết là cái gì? Nó chính là con người..:. Chẳng hạn, người này ưu tư. Kẻ kia phớt đòi. Vì sao kẻ hay ưu tư ấy buồn rầu? Có lẽ không một điều gì làm y hài lòng, y không tin vào sức mình, cũng không tin vào lực lượng của nhân dân chăng? Còn kẻ kia phớt hết mọi sự đời, sống theo nguyên tắc: “chạy nhà hàng xóm bình chân như vại”, “không đợi nào cái cày đi trước con trâu”, “không thể nhảy cao hơn đầu mình được”.
- Nếu anh có quyền, chắc anh không cho những kẻ phớt đời, những kẻ ưu tư vào Đảng đâu nhỉ. Anh chỉ đọc qua lý lịch và hỏi: “Tính tình thế nào? Lời đáp: Điềm tĩnh”. Không cần loại người này!..
- Này đồng chí Glô-tốp ạ, sự bình thản của đồng chí chẳng qua là thái độ thụ động về chính trị. Ta hãy cùng nhau tìm cho nó một cái tên chính xác. Suốt năm tôi không được nghe thấy đồng chí nói một lời nào sôi nổi về việc làm thế nào cải tiến công tác của trạm máy kéo... thế mà đồng chí vẫn đọc, vẫn nghiên cứu nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIX! Đồng chí vẫn nghiên cứu điều lệ đảng, trách nhiệm và quyền lợi đảng viên!..
Glô-tốp cười mỉa.
- Thái độ thụ động... Nhưng Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, nghe đồng chí nói chuyện với anh em lái máy kéo, tôi lại ngạc nhiên về tinh thần tích cực của đồng chí: “Theo ý kiến các đồng chí, còn những gì cần sửa đổi nữa?” - làm như tất cả những điều đó đều tùy thuộc ở đồng chí: ngày mai sẽ có những quyết định cần thiết và công việc của chúng ta sẽ trôi chảy hoàn toàn êm đẹp. Thực tình, nghe đồng chí nói, tôi cười thầm trong bụng.
- Đồng chí nhầm rồi! Chúng ta không có quyền sửa đổi pháp luật, ra những đạo luật mới, đúng thế. Nhưng chúng ta có trách nhiệm báo cáo cho những người lãnh đạo của chúng ta biết tất cả những gì chúng ta nghe thấy trong nhân dân, những ý nghĩ của nhân dân. Thợ lái máy kéo của đồng chí là những người có khả năng quản lý Nhà nước. Họ hiểu rằng đây là tuyến đầu của cuộc đấu tranh đạt năng suất cao. Họ suy nghĩ về trạm máy kéo của mình và về các nông trang không chỉ trong giờ làm việc, như một số người trong các cán bộ lãnh đạo chúng ta. Chúng ta đến nông trang một thời gian rồi lại đi, chúng ta không lĩnh công điểm ở nông trang. Còn đối với họ, nông trang là nhà của họ. Nông trang là cả cuộc đời họ, cuộc đời hiện tại và mai sau. Ngày đêm họ nghĩ về cuộc sống của họ!..
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va vào phòng làm việc.
- Tôi không làm phiền các đồng chí chứ? - chị hỏi, dừng lại ở ngưỡng cửa.
- Không, phiền gì đâu. Mời chị vào. Chị ngồi đây.
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na ngồi xuống chiếc ghế cạnh cửa sổ, mái tóc chị rõ ràng là chải vội, nom chị hơi gầy đi, má ửng lên những vệt đỏ, dường như ban nãy chị đã khóc. Mác-tư-nốp chăm chú nhìn chị hồi lâu.
- Chị ấy đang khổ tâm vì công việc không hợp khả năng, - Mác-tư-nốp nói, lấy trong ngăn kéo bàn bao thuốc lá và châm lửa hút. - Chị ấy phụ trách phòng chọn giống. Nhưng trước kia chị ấy là thợ lái máy kéo. Mà là thợ lái máy kéo xuất sắc! Chị ấy đã thi đua với Pa-sa An-ghê-li-na. Chị ấy đã được huân chương Lê-nin... Này Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na! Chị đến làm chính trị viên phó cho đồng chí ấy nhé, - Mác-tư-nốp nghiêng đầu về phía Glô-tốp. - Trạm máy kéo của họ hiện có một chính trị viên phó, anh ta là người tốt, nhưng ốm yếu, thương tật, phải đi đến các đội sản xuất là một việc nặng nhọc đối với anh ta. Chúng tôi sẽ tìm cho anh ta một công việc nhẹ nhàng hơn. Đây chính là công việc chị ưa thích: thảo nguyên, thợ lái máy kéo, máy móc!
- Đồng chí nói lạ, - Glô-tốp ngạc nhiên. - cử chị ấy đến làm chính trị viên phó cho chúng tôi ư? Còn Vích-to Xê-mê-nô-vích được điều sang huyện khác phải không?.. Anh ấy được điều đi đâu nhỉ, chị Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na?
- Không phải là bị điều đi, - Boóc-dô-va đáp. - Chính anh ấy bỏ đi nơi khác. Anh ấy đến Bô-ri-xốp-ca, làm giáo viên dạy sử ở một trường phổ thông.
- Tôi không biết là anh ấy đã đi, - Mác-tư-nốp nói. - Chúng tôi đã nói với anh ấy về việc sắp xếp công tác cho anh ấy ở đây, ở phòng cung cấp vật tư. nông nghiệp... Anh ấy đi đã lâu chưa?
- Hôm kia.
- Ơ, thế là thế nào? - Glô-tốp nhún vai. - Chồng sẽ làm việc ở một huyện khác, còn chị ấy ở lại đây ư? Đối với chị ấy, như thế không ổn.
Boóc-dô-va im lặng.
- Anh ấy vẫn chưa cắt biên chế ở đây kia mà. - Mác-tư-nốp nói, - Có lẽ anh ấy sẽ nghĩ lại chăng?..
- Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích, - Boóc-dô-va nhìn Mác-tư-nốp. - Tôi đến hỏi ý kiến anh về một việc rất quan trọng... quan trọng đối với tôi... Nếu anh đang bận, tôi sẽ đến vào lúc khác vậy.
Glô-tốp đứng lên.
- Tôi đi đây. Câu chuyện giữa chúng ta thế là xong rồi chứ?
- Không, chưa xong, đồng chí sẽ phải thay đổi tính nết đi.
- Ta sẽ thử xem... Nếu như trong thiên nhiên có thể có những việc như thế.
- Có chứ, đấy là chuyện thường, I-van Trô-phi-mô-vích ạ, tính nết con người ta thay đổi theo tuổi tác. Đồng chí chờ đây một lát. Hai giờ có cuộc họp thường vụ.
Glô-tốp đi ra.
- Có chuyện gì thế, Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na? - Mác-tư-nốp đi vòng qua bàn, dừng lại cạnh cửa sổ, hỏi.
Boóc-dô-va quay về phía cửa sổ, môi chị run run. Không trả lời, chị gục trán vào lưng ghế và bật khóc một cách đau xót. Mác-tư-nốp bối rối rót nước trong bình vào một cái cốc, đặt cốc nước lên bậu cửa sổ cạnh Boóc-dô-va.
- Tôi không muốn cùng đi với anh ấy đến Bô-ri-xốp-ca, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, - khi đã bình tĩnh lại, Boóc-dô-va nói. - Tôi khó xử quá! Tôi phải làm gì bây giờ?.. Tôi muốn ở lại đây. Tôi muốn đến trạm máy kéo làm việc. Chính tôi muốn xin anh giao cho tôi một công việc khác. Nhưng tôi phải làm thế nào bây giờ?.. Tôi không muốn sống chung với anh ấy. Tôi không thể chịu đựng nổi! Sống với anh ấy thật là khó chịu! Bây giờ tôi không tin một lời nào của anh ấy nữa... Tôi đã chung sống với ai mười hai năm trời? Ngu thật, tại sao tôi không bỏ đi từ trước. Còn bây giờ làm như thế thật xấu hổ. Lúc anh ấy có quyền thế thì chung sống với anh ấy, chịu nhẫn nhịn, thế mà lúc khó khăn, khi anh ấy thất thế thì lại bỏ anh ấy ư? Còn con cái? Chúng tôi có hai con. Tôi không thể bỏ rơi các con tôi! Tôi cũng không thể để con cho anh ấy. Anh ấy sẽ giáo dục chúng nó thành những người như thế nào? Thành những kẻ ích kỷ như bản thân anh ấy ư? Không đời nào tôi để con cho anh ấy! Tôi phải làm gì bây giờ?..
Mác-tư-nốp im lặng hồi lâu. Chiếc đồng hồ treo tường điểm hai tiếng.
- Xin lỗi, chị Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na ạ.., Các đồng chí sẽ đến gặp tôi. Hai giờ chúng tôi có cuộc họp thường vụ. Nếu chị muốn nói chuyện với tôi về việc đó thì ngày mai tôi sẽ đến đây sớm một chút, khoảng tám giờ. Được chứ? Mời chị đến, ta sẽ nói chuyện với nhau.
Boóc-dô-va đứng lên.
- Không, chị đừng đi, cứ ngồi lại đây. Hôm nay trong chương trình nghị sự của chúng tôi có vấn đề bàn về công tác của trạm máy kéo. Chúng ta sẽ cử tất cả các cán bộ xuống cơ sở triệu tập các cuộc họp đảng viên. Có lẽ chị cũng nên đi chăng? Thế nào?
Người dự họp đã đến: Ru-đen-cô, chủ tịch Ban chấp hành Xô-viết huyện, Mét-vê-đép, bí thư thứ hai, Pô-sô-khốp, biên tập viên tờ báo huyện, Glô-tốp, Ni-ki-phô-rốp, trưởng trạm máy kéo Ô-lê-si-nô, Gri-sin, thợ cơ khí lưu động, bí thư chí bộ cũng của trạm máy kéo ấy, Da-ru-bin, trưởng trạm máy kéo thứ ba. Vẻ mặt nhăn nhó, Mác-tư-nốp chào hỏi họ, những giọt nước mắt của Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na, khiến anh bối rối, anh im lặng mấy phút, cố tập trung tư tưởng. Anh ngồi xuống bên bàn; bấm chuông.
- Mời tất cả mọi người vào, - anh nói với người giúp việc lúc ấy ngó vào cửa. - còn thiếu ai nữa?.. Các đồng chí ủy viên thường vụ! Hôm nay chúng ta nghe báo cáo của các trưởng trạm và bí thư tổ chức Đảng của các trạm máy kéo. Nhưng theo tôi nghĩ; trước hết ta hãy làm như sau: chúng ta sẽ đến các trạm máy kéo và triệu tập các cuộc họp đảng viên. Chúng ta sẽ nói chuyện với các đảng viên ngay tại chỗ. Chúng ta sẽ mời cả các đảng viên của các nông trang đến dự. Ở đấy chúng ta sẽ tìm hiểu được nhiều hơn, sẽ biết được vì sao các trạm máy kéo của chúng ta làm việc kém. Chúng ta sẽ tìm hiểu đầy đủ: thiếu sót của chúng ta là ở đâu, cái gì chúng ta đủ sức tự mình khắc phục được, cái gì cần yêu cầu các tổ chức của tỉnh và Mát-xcơ-va giúp đỡ. Có điều, không phải sẽ đến trước cuộc họp nửa giờ, mà nên đến ở hẳn đấy ít ra là một vài ngày. Đi chỗ này chỗ kia, chuyện trò với mọi người, suy nghĩ, các đồng chí thấy thế nào?.. Được, thế thì ta quyết định đi: ai đi đâu?..
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện