A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hững ngày tiếp sau, mọi thứ lại bắt đầu theo một trật tự mới giống hệt với trật tự cũ. Pierre, viện cớ do đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ được giao, đã xin Blondeau cho phép rời chỗ trú quân ở Martin-des-Pallières, gần khu đóng quân của Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11, những người đã bị giam giữ suốt sáu tháng trong điều kiện rất tồi tàn, họ bị thua trong khi không bị tấn công mà cũng không hề đánh lại - tình huống mà người ta bắt đầu thấy quen thuộc trong lịch sử quân đội Pháp thời gian gần đây. Chính họ cũng đang nuôi mối thù hận đối với quân Nhật, lũ da vàng và cả nòi giống ấy. Họ đã ở đó quá lâu, vậy mà vẫn không thể rời đi được, họ buộc phải gặm nhấm vị cay đắng của nỗi nhục khi nhớ về “một thời oanh liệt”, cái thời mà có thể không thực sự tồn tại, cái thời “đi thị sát” về vùng kênh Avalanche và cái thời của những cuộc đua đầu tiên ở trường đua ngựa Phú Thọ.
Chỉ thị của Blondeau rất rõ ràng: giữ khoảng cách với những gã da trắng nhỏ mọn quàu quạu, những tên thực dân thích sống với quá khứ và thích phục thù. Vấn đề ở chỗ, hầu hết dân da trắng ở thuộc địa đều nghĩ giống nhau: chỉ có loại người ấy, những kẻ khuyên dùng dùi cui - không biết đánh giáp lá cà, không đáng mặt đàn ông, chỉ một cú hiểm và a lê hấp! xẹp lép như con tép, khi nào các cậu mới hiểu điều đó? Thứ thuốc độc ấy - Pierre nghĩ - nhưng dù sao thứ thuốc độc đó cũng đang lan truyền, có thể ngấm cả vào mạch máu cậu.
Trong lúc chờ Leclerc tới, rồi binh đoàn Massu, người ta buộc phải giữ những gì đã chiếm lại được, buộc phải thỏa hiệp với quân Anh và nới lỏng gọng kìm mà hằng đêm vẫn đang khóa chặt quanh Sài Gòn.
Không đài, không báo, tin tức chỉ thu lượm được qua những lời đồn, không hoàn toàn đúng mà cũng chẳng hoàn toàn sai, trừ khi người ta thông báo cái chết của ai đó: xác chủ cửa hiệu làm tóc được phát hiện cùng một chữ thập đẫm máu trên cổ, nội tạng bị phơi dưới nắng ngay bên cạnh, gan bàn chân bị bỏng, một mẩu giấy viết chữ “Việt gian” dính vào mắt cá chân; nhiều điệp viên hai mang bị phát hiện làm việc ba mang; chính Dewey, lãnh đạo sáng chói của OSS, đã bị hạ sát nhầm trên đường ra sân bay khi gào lên: “Tôi là người Mỹ!” lời tuyên bố công khai nực cười và ngây thơ chứng tỏ rõ rằng chẳng ai ngây thơ hết.
Một người bán phở rong đi ngang qua phố Paul-Blanchy(1), cất tiếng rao lảnh lót, “ai hủ tiếu! ai hủ tiếu!” đó là một tín hiệu tốt lành ngay cả nếu anh ta có giấu một con dao găm trong nếp gấp tay áo; phu xe kéo, một nông dân lưng còng, một kẻ ăn mày trên đường Catinat, đó là cuộc sống đã quay trở lại, có thể ô tạp nhưng có thực, ấm nồng, và đáng thèm muốn. Pierre nhìn thấy trong ánh mắt những người đi trước một điều rằng chẳng có gì tốt đẹp từ cái “tiền tuyến” huyền thoại này; nhưng cả những lý tưởng mà cậu từng mang cũng ngập chìm trong nhục nhã, hình ảnh khu Cité Hérault đeo đuổi cậu, còn thật hơn cả những cảnh tượng trên đường phố, nét hoa mỹ của tòa nhà năm tầng ở góc đường Catinat và Lagrandière, vẻ thơ mộng vô tình của các biển hiệu. Cần phải “tin tưởng” như Blondeau có lẽ đã nói, không cần biết tin vào cái gì. Chỉ có nhiệm vụ là phải sống sót.
Cậu ở chung phòng với Tikho trong căn nhà ở khu phố Đa Kao, trong con hẻm thông ra đường Paul-Bert(2), một đầu được che chở dưới tán lá rộng lớn của một cây dái ngựa, một con ngõ um tùm cây cối mọc trên tường, hoặc chính là tường đã được xây bao quanh cây cối. Chủ ngôi nhà họ ở là một bà già người lai, dửng dưng còn hơn cả chính những người An Nam, suốt ngày ngồi trên chiếc ghế đẩu, sau bếp, cắt tiết gà và nấu mì. Bà cho họ thuê một phòng rộng ngay tầng trệt với điều kiện là không được gái gú - dù sao thì họ cũng làm chuyện ấy ở chỗ khác. “Về việc này, chúng ta sẽ thu xếp cách khác, Tikho nói vẻ bí hiểm.” Pierre chẳng vội muốn biết, bởi cậu gán cho chuyện tình dục cả một thế giới đáng ngờ với giang mai và những mũi tiêm đau đớn, mà để làm điều đó phải có sự tráng kiện bẩm sinh như Carraz hoặc vẻ lãnh đạm khiêu khích của Tikho. Cậu không thấy được nét quyến rũ toát ra từ bản thân, vốn nhạy cảm với cả đàn ông và đàn bà, một nét đẹp mảnh mai và u buồn đợi chờ bàn tay khéo léo cứu rỗi. Cậu chẳng tin vào điều gì, thậm chí còn nghi ngờ cả những hoài nghi của mình.
Do sự tình cờ trớ trêu, văn phòng của họ là một túp lều trong hẻm Éden này, nơi mà ngày mới đến, Pierre đã bắt gặp ánh mắt mơ hồ ấy nhìn họ, cái nụ cười không hề tươi tắn ấy. Ông già đã có mặt tại vị trí hằng ngày của mình, bằng lòng với một đồng bạc hay một lời giễu cợt, thờ ơ với thời cuộc.
“Cậu phải dè chừng đấy, Tikho nói, dè chừng với cả ông ta.
- Cậu đang nói gì thế? Pierre ngạc nhiên hỏi. Ông ta còn chẳng làm đau một con ruồi.
- Một con ruồi thì không, nhưng nếu phải ra tay giết cậu, ông ta sẽ làm đấy.”
Pierre nhún vai; tuy nhiên quả là cậu cũng không thoải mái trước sự hiện diện của thực thể mơ hồ này. Rồi một ngày ông già biến mất, và cậu cũng không còn nghĩ đến chuyện đó nữa.
Dù chẳng biết gì về nghệ thuật báo chí, Tikho vẫn xào xáo lại các tin nhanh rồi vận dụng khả năng tóm tắt và khiếu hài hước sâu cay của mình để nặn ra được những tiêu đề dù chưa từng được đăng tải nhưng anh ta vẫn cất sâu trong ngăn kéo tủ. Anh ta dựng nên bức chân dung biếm họa của cô gái tên Thiệp, ngồi thẳng người sau khẩu Remington, đang cài lại chiếc cặp ghim trên búi tóc cột chặt của mình.
Điện thoại hiếm khi đổ chuông, có những khoảng thời gian đình trệ khá lâu khiến Pierre càng có ý thức về vị trí “Trưởng Văn phòng Sài Gòn” của mình. Vương quốc của cậu giới hạn ở cô gái tên Thiệp đáng thương và một chàng trai trẻ ít lời tên Kim, người được tuyển làm gác cổng kiêm chân sai vặt. Pierre nhìn cậu ta, nói vài lời bông đùa. Một người rụt rè đến như Kim, mà chỉ sau vài ngày đã chuyển từ việc lắp bắp những câu không thể hiểu nổi sang thành câu trả lời, rồi mỉm cười.
Pierre biết rằng thành phố vẫn đang trong tình trạng vô chính phủ và cậu không thể làm gì để đáp ứng được những đòi hỏi cần thiết về giấy má và vân vân. Nhà in thì ở tận Chợ Lớn mà vào thời điểm này, khu vực ấy không hề an toàn. Số đầu tiên của tờ Tự do! đã lỗi thời trước khi được ra mắt, cùng với những thông điệp cá nhân có lẽ chẳng bao giờ đến tay người nhận: Ba chàng lính trẻ tuổi đời 25, 22 và 20 mong tìm các thiếu nữ kết bạn tâm giao trong thời gian ở Đông Dương. Lính trẻ mong muốn định cư ở Đông Dương tìm bạn nữ nghiêm túc thuộc gia đình trồng cao su. Số 119, đại lộ Charner(3): thiếu nữ Paris mong tìm bạn trai người Paris gia đình tử tế. Viết về báo, số...
Không chỉ chứa chấp cậu, Tikho còn đưa Pierre đi cùng khắp nơi. Anh ta cho cậu mở từng cánh cửa và dần dần cho cậu hiểu ra rằng chẳng có gì để hiểu hết. Đằng sau vẻ chính trực của nhà nhập khẩu người Bordeaux che giấu bản chất buôn lậu, người mà dưới ách người Nhật đã cư xử hết sức anh hùng; nhà cộng sản thuộc “nhóm Mác xít”(4) cho rằng nền độc lập của nước Việt vẫn còn chưa chắc chắn và trước khi đến được lúc đó thì các đồng chí người Việt nên từ bỏ phương pháp quyết tử và cần phải chắt lọc phân tích chính trị của mình; chủ đồn điền này đã làm giàu bằng cây cao su lại đi tố giác đường dây buôn bán nô lệ từ Bắc Kỳ và than thở khi mất cơ hội; một người lai có ánh mắt u ám, như nhân vật của Victor Hugo, kể về nỗi nhục trong việc xưng hô, về việc những đứa con lai bị cả hai cộng đồng hắt hủi; viên luật sư gốc Việt lớn lên ở Pháp, theo đạo Thiên Chúa, không thể ngủ được nếu không đọc vài trang của Maupassant, lại là một người theo chủ nghĩa dân tộc cao ngạo. Pierre lần nào cũng tin chắc là mình đã nắm bắt được sự thật về những con người này, cái sự thật duy nhất, không thể chối cãi, rồi trong những giấc mơ của cậu tất cả lẫn lộn, tạo nên một bức tranh chìm trong cơn mưa nặng hạt, ở đó chẳng nhận rõ được gì. Khi cậu tâm sự với Tikho, anh ta chỉ cười: “Đó là vì cậu còn chưa thấy gì cả.”
Ngày 5 tháng Mười năm 1945, giữa cơn mưa rào, họ ra sân bay Tân Sơn Nhất chờ chiếc Dakota của Leclerc bay đến từ Sri Lanka. Tất cả người Pháp đổ xuống đường và cho dù chỉ được một lần, bầu không khí sôi sục hưng phấn không hẳn chỉ theo kiểu thích gây gổ. Qua hàng rào ướt như chuột lột tạo thành từ đoàn lính Nhật đang quay lưng lại phía cậu, Pierre nhìn thấy vị anh hùng người Pháp: một người đàn ông nhỏ con, gầy đét vung gậy lên phía trước, quân phục nhàu nhĩ, mắt màu xanh sứ, mũ kê pi bốn sao đội hơi lệch. Blondeau rỉ tai Pierre: “Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy thì ông ấy mới là một đại úy vô danh đang chạy xe trên đường phố ở Morvan. Ông ấy hẳn đã ném chiếc xe máy xuống mương vì hết sạch xăng. Ông ấy nhìn thấy tôi và đến hỏi điều gì đó. Lúc ấy, chúng tôi đã nhìn thấy chiếc Messerschmitt của Đức bay trên trời - màu xanh ngằn ngặt của bầu trời tháng Sáu năm 1940 - và ông ấy đã khóc, giọt nước mắt duy nhất lăn dài bên cánh mũi.
- Ông ấy có biết điều đó không? Anh chưa bao giờ nói cho ông ấy biết chuyện đó à?
- Ông ấy không thuộc típ người đa cảm.
- Vậy thì sao nào?
- Chính tôi mới là người cần nhớ lại chứ không phải ông ấy.”
Quay mặt về phía dinh Norodom(5), đứng trên một chiếc thùng gỗ, Leclerc bắt đầu nói một tràng mà chẳng ai nghe thấy gì, trừ những từ ông nhấn mạnh bị lạc đi giữa trời mưa gió. Ông nhìn thẳng về phía chân trời cứ như chỉ có nơi ấy để mà nhìn. Rồi ông bắt tay thật chặt vài người, trước khi mất hút sau câu nói: “Còn bây giờ, vào việc thôi!”
Vài ngày sau, ông đến gặp họ ở hẻm Éden, thanh tra theo kiểu kiểm tra tất cả, nhanh gọn mà chính xác đến cặn kẽ: “Tôi thấy các anh thiếu đủ thứ, chỉ trừ nghị lực và lòng dũng cảm. Tôi tin tưởng các anh, cũng như người dân Đông Dương và Pháp. Với tư cách nhà báo, các anh mang một nghĩa vụ đặc biệt - thậm chí là thiêng liêng. Các anh có hiểu điều ấy không? Tôi muốn mỗi người lính trên đất nước này coi mình là người giải phóng chứ không phải kẻ áp bức.” Những lời lẽ có thể thật nực cười trên miệng lưỡi kẻ khác, nhưng lại được Leclerc truyền đạt với vẻ trang nghiêm giản dị. Ông biến nó thành sự thật vì ông tin tưởng như vậy, ai nấy trong bọn đều phổng cả mũi nhờ niềm tự hào lặng lẽ trong những lời đoan chắc của ông. Ông không tra vấn họ. Pierre, đờ đẫn vì thán phục và cũng do cả nhút nhát, không dám nói với ông về vụ cư xá Cité Hérault, về thái độ gay gắt của người dân nơi đây, về những gì mà người ta có thể đoán được qua nỗi oán hận của phần lớn người Việt, khi bắt gặp ánh mắt họ. Và rất có thể, ông đã biết hết những điều đó. Blondeau cũng đã nói như vậy, cần phải tin tưởng... Pierre, một độc giả của Pascal(6), biết rằng trong những vấn đề này trước tiên là nên phục tùng. “Khi nào sẵn sàng các anh hãy đến gặp tôi. Tôi muốn các anh viết thật thoải mái tự do, như cái tên rất đẹp của tờ báo. Tự do! từ đẹp đẽ nhất trong tiếng Pháp! Từ đó còn có nghĩa khác ư? Những người Pháp tự do, như người ta gọi chúng ta thế. Hãy xứng đáng với tên gọi đó. Nhất trí chứ?”
Ông vừa rời đi thì Tikho, Thiệp và Pierre nhìn nhau, kiếm tìm vẻ mặt xác nhận cuộc viếng thăm của ông là có thật. Pierre đứng đờ ra, trốn tránh lời mỉa mai cay độc có thể buông ra từ miệng Tikho.
Dần dần, sân hiên khách sạn Continental đã lấy lại vẻ thường ngày và Pierre đã có thói quen gặp gỡ Carlisle ở đó cùng những nhà báo khác đến Sài Gòn để đưa tin về các “sự kiện”. Dù cảm thấy không nên ở bên họ nhưng cậu vẫn hài lòng đôi chút khi mình được họ chấp nhận trong tình bằng hữu. Cậu bắt đầu nói, nhại lại họ, làm ra vẻ biết những bí mật tối thượng trong khi cậu chẳng hề biết tí gì, dại dột tưởng mình được che chở bởi giới quý tộc tự phong chấp nhận cậu quá dễ dãi này. Cậu cười hùa theo những lời đùa cợt của họ và chấp nhận những quy định của họ. Quy định số 1: không bao giờ tin tưởng nhà báo. Quy định số 2: không bao giờ nói chuyện với nhà báo. Quy định số 3: không bao giờ kết bạn với nhà báo.
Buổi tối, cậu đi chơi với Carraz, chắc là do ảnh hưởng từ đội đặc công Ponchardier trứ danh nên cậu ta có thể hiên ngang cởi trần đi dạo với một dây lựu đạn quàng quanh cổ.
Vài quán rượu đã mở cửa trở lại, vài cô gái đã tái xuất: những cô đẹp nhất đã bị lính Anh tóm mất và cho dù thế nào thì điểm của lính Pháp cũng đã rớt thê thảm sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng Ba.
“Mật khẩu của tao, đó là Cửng-cu,” Carraz vừa nói vừa đẩy cậu lên phía trước. Carraz đi khắp nơi mà không hề e sợ, không cần hộ tống và không giấy phép, tự do như một người đã chết nhưng đang phiêu du một thời gian trên cõi trần. Cậu ta luôn có ba viên xúc xắc trong túi và bằng nguồn trò vui vô tận cùng những bài hát, cậu ta thu hút được đám trẻ con.
Massu đã đi máy bay kịp gặp chủ tướng và chiến hạm Vinh quang đã đến nơi cùng Trung đoàn Bộ binh. Dronne, Fonde và những người khác - có thể còn hơn cả chuyện khi mình tướng Leclerc đến, cậu đã cảm nhận trong phong thái tự tin của họ khi đi ngược phố Catinat, những tiếng reo mừng rỡ của họ khi nhận ra đồng đội, một sự đợi chờ mới mẻ mà cậu đã không còn tin tưởng nữa. Nhưng còn lần này thì sao? Họ tin tưởng vào bản thân. Họ đi theo Leclerc, người đi theo De Gaulle, người đã cứu vớt danh dự cho Tổ quốc. Điều này không thể không có ý nghĩa. Bao nhiêu người anh dũng như vậy liệu có thể nhầm lẫn? Hẳn là trong chốc lát người ta có thể quên đi cuộc đình công đang tiếp diễn, rác rưởi và gạch vữa đầy trên đường phố và những người bên cảnh binh tình nguyện vận thường phục, đeo băng tay tam tài, đi tuần tra quảng trường Nhà Hát Lớn.
“Cậu thực sự tin vào những điều ngu xuẩn này à?”
Tin, tin, vẫn luôn là cái động từ này... Nhưng từ miệng Leclerc thì nó thật đúng đắn, còn từ miệng Carlisle lại trở nên trống rỗng và lạc điệu. Pierre không thể kiềm chế mong muốn làm gã vui lòng dù gã khiến cậu phật ý. Carlisle đã năm chục tuổi đầu và ánh mắt màu xanh lợt mỉa mai lẩn dưới mi mắt đã mở rồi nhắm trước bao cảnh đời. Một nếp nhăn cay đắng hiện trên khóe miệng gã.
“Có thể đó là những điều ngu ngốc, Carlisle, nhưng tôi viết cho báo của quân đội Pháp. Chấm hết.
- Tôi biết tỏng là cậu viết cho ai. Tôi muốn hỏi đánh giá riêng của cậu cơ.
- Anh muốn tôi nói gì đây? Tôi là người Pháp.
- Một câu trả lời kiểu Pháp
- Một lời nhận xét kiểu Anh.”
Chẳng có gì hay ho bằng những cãi cọ giữa bạn bè với nhau. Pierre nóng nảy trong khi gã bạn già vẫn lạnh tanh, cùng với nụ cười nhạt thể hiện tất cả những gì mà người ta muốn, một vẻ ngạo nghễ khó chịu, một thái độ khoan dung nhàm chán.
“Đó là chiến tranh, vì vậy...
- Ồ không đâu! Chỉ là chủ tướng thích đàm phán trên thế kẻ mạnh.
- Rồi các cậu sẽ thay đổi thôi!”
Pierre đấm tay xuống mặt bàn.
“Đừng có hắt nước đi thế, anh bạn của tôi. Thời buổi khó khăn, một ly cũng quý hiếm như một cuộc đối thoại tử tế.
- Tôi sẽ hắt nước đi nếu tôi muốn.
- Nghe này, Garnier, cậu là một người thông minh. Cậu biết rõ vị thế kẻ mạnh của các cậu là cái quái gì khi không có chúng tôi, Sư đoàn lính Ấn 20 và tướng Gracey đần độn. Các cậu trở lại trong hành trang của chúng ta, hay đúng hơn là trong những chiếm hạm của chúng tôi, cùng binh lính, xe tải và vũ khí của chúng tôi. Thậm chí kể cả quân phục các cậu mặc cũng chẳng phải do các cậu trả tiền. Chẳng ai muốn các cậu có mặt ở đây - kể cả người Nhật, người Tàu và người Mỹ. Cả người Việt cũng không, rõ ràng là thế. Và nếu như Churchill không năn nỉ...
-... vì những lý do rất vụ lợi...
- Kể từ khi nào lợi ích quốc gia đã bị loại khỏi chính trị vậy, xin kính cẩn hỏi cậu như thế? Và cậu thừa biết là vấn đề không nằm ở đó.
- Thế thì vấn đề là ở đâu?
- Vấn đề là De Gaulle của các cậu và nỗi ám ảnh của ông ta về uy quyền, Đế quốc Pháp, dù bây giờ người ta có gọi nước Pháp là gì.
- Liên hiệp Pháp.
- Khác nhỉ. Cứ đeo băng tay tam tài cho một trong những gã kia (gã chỉ vào một đội tuần tra đi ngang qua trước mặt họ) và gọi hắn là người giải phóng đi, nhưng hắn vẫn chỉ là một kẻ thực dân mà thôi.
- Còn chúng tôi, vậy anh gọi chúng tôi là gì?”
Carlisle ngừng một lát, uống một ngụm đồ uống duy nhất sẵn có: rượu gạo, mật, và sữa bột.
“Chỉ vì cậu nên tôi sẽ động lòng mà gọi là những kẻ vô tội. Nhưng vì trung thực nên phải thêm rằng: chẳng bao lâu nữa các cậu sẽ không còn vô tội đâu.”
Pierre sôi sùng sục trong lòng. Với mỗi từ mà người kia nói, cậu đều muốn dần cho gã ta một trận.
Carlisle làm hiệu chào Franchini, ông chủ khách sạn Continental, đang đảo một vòng quanh các bàn. Gã đảo Corse cười đáp lại gã. Carlisle lại nhấp môi vào ly cocktail. Gã tặc lưỡi cứ như đó là rượu vang đỏ dom Pérignon.
“Tôi biết: anh khó mà chấp nhận được rằng chúng tôi có đặc quyền bám lấy đế chế của mình trong khi các anh phải gạt bỏ, nhưng...
- Nhưng sao?
- Nhưng dù cả hai dân tộc chúng ta đều có thể phải đi đến chỗ từ bỏ đế chế của mình, thì giữa chúng ta vẫn có một sự khác biệt rất lớn.”
Bên kia phố, Pierre phát hiện thấy một chú chuột, một chú chuột to tướng màu xám, gần như đen tuyền - sinh vật duy nhất quá mập mạp khi được thành phố này nuôi dưỡng.
“Sự khác biệt đó là gì?” cậu hỏi, đột nhiên vẻ đầy mơ mộng, đôi mắt còn bị ám ảnh bởi ánh nhìn của con vật gặm nhấm đang bất động.
“Khác nhau là ở chỗ chúng tôi đã thắng trận còn các cậu thì thua.
- Chúng ta không nhìn sự việc theo cùng một cách. Cho dù thế nào thì những người ngồi đây như chúng ta đều đã đánh - và chiến thắng.”
Carlisle không muốn châm chọc cậu hơn nữa. Gã đưa thuốc lá và lửa cho Pierre, thờ ơ với cái thứ vừa đột ngột hạ hỏa cho anh bạn người Pháp yêu quý của mình. Một chú chuột. Sự khác biệt mà một chú chuột có thể làm được.
Ngày hôm sau, Bằng Sơn biến mất.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước