Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Tứ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Toan Nguyen
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3491 / 68
Cập nhật: 2024-10-26 21:10:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ân các làng xa hàng chục cây số tới tấp kéo về Ka-lan, xem thằng Cụt bị bắt. Mông-phai, tên quan một cụt tay của đồn Suối-đỏ, là con quỷ gớm ghiếc nhất ở Xây-thả-von.
Trong một góc làng, trung đội trưởng Vi-xiên dang hai tay, gầm lên:
- Im lặng! Đồng bào lùi ra! Tôi không bà con gì với nó...
Đám đông ngót trăm người láo nháo, hỗn độn, im được vài giây rồi lại sấn sổ:
- Anh bênh nó!
- Tránh ra! Nó cắt cổ cha tôi mới hôm kia!
- Con ơi, Bun-ma ơi, con về mà xem thằng Cụt... hu hu!
Tên tù binh biết không thoát chết. Hắn quắc đôi mắt điên dại, nghiến bạnh quai hàm, ngửng đầu lên. Mâý xoắn tóc nâu rủ xuống trán. Một bà cụ ẩy Vi-xiên ra, tay run lẩy bẩy giơ cao tấm váy cũ, quật trên mặt hắn, nấc oà: “Mày... mày hiếp con tao... nó chết!”. Một hòn đá bằng nắm tay vút qua vai Vi-xiên, trúng giữa ngực thằng Cụt đánh hự. Hắn nẩy người, rũ xuống.
Vi-xiên khuyên lơn, quát tháo, lúc ngọt lúc sẵng, nghĩ bụng lại oán Tiến. Cậu ta vừa bàn giao tù binh xong đã biến mất tăm, để một mình Vi-xiên không ngăn nổi khối người căm uất đến điên cuồng này. Đúng lại anh chàng sợ xẩy ra va chạm giữa bộ đội Việt với nhân dân, sinh to chuyện. Lúc nào cũng ý tứ chi ly, rõ máy móc!
Nhác thấy phò Phun đi đến, Vi-xiên reo to: “Ủy ban đây rồi! Đồng bào tránh ra!” Anh đưa tay gạt mồ hôi ướt đầm trên trán, tuy trời không nóng. Tiểu đội du kích làng Ka-lan áp giải tên tù binh ra tòa xử tội.
Trong khi ấy trung đội 8 đóng ở ngoài rừng nghỉ tắm giặt, chuẩn bị trở về nắm cơ sở. Tiến vừa dúng bộ quần áo bết bùn khô và máu xuống nước, Mộc đã giật lấy ngay.
- Anh bị thương, để tôi.
Tiến bật cười. Mất mẩu thịt ở vai mà bở, bao nhiêu chuối trứng của dân cho đều dồn phần Tiến, động sờ đến việc gì đã có người hớt tay làm hộ. Anh ngồi nhìn bộ đội tắm giặt, tán nhảm mấy câu rồi lên chỗ trú quân. Đồng chí Mạc bí thư liên chi đang ngồi trên võng, nói chuyện với anh em B.8.
Đến chỗ Mạc, Tiến nhận được một lá thư bên nước gởi sang. Tưởng thư nhà... nhưng cũng tốt, vì lá thư của Điềm, ông bạn tri kỷ cụt tay. Điềm có tài đối đáp kê đệm nổi tiếng trong lứa cán bộ trẻ. Tiến đọc thư cứ phì cười từng quãng.!!!Chúng mày ơi!!!!Rời chiến trường về nước, tao phóng tốc độ mã hồi, bụng cứ thon thót sợ phục kích. Nhưng khi lọt qua dốc Tang-đam, đặt chân lên đất ông bà, tao lại nhớ chúng mày thức suốt một đêm. Ăn bát phở, miếng đường cũng thấy bùi ngùi thương thương cái tố quỷ bốn đứa chúng mình ở Át-tô-pơ, nướng măng chia nhau nhai trừ bữa.!!!Trên cho tao nghỉ một lèo bốn mươi ngày chữa báng số 3 và chỗ cưa tay chưa lành hẳn. Nhàn cư vi bắt thiện, tao đâm ra muốn lấy vợ. Nói chúng mày đừng cười. Tao tưởng mì: ba ngày tìm hiểu, trầu cau đưa đến một tuần vừa ngon ơ. Hóa ra nhùng nhằng mất gần tháng. Thấy nhiêu khê quá, tao đâm thắc mắc, mấy lần tính nước lui quân, nhưng con bé cứ động viên tao mãi. Tội nghiệp, trước tao nghĩ nó thấy què cụt thế nào cũng chê. Nhưng nó khóc bảo tao: Anh mất một tay chứ mất hai tay em cũng lấy”. Nghĩ càng thấy lạ, xây dựng cơ sở cho cách mạng Lào thì tao kiên trì mấy năm không kêu, mà xây dựng cơ sở cho chính mình tao lại nóng vội như Trương Phi. Nhưng cưới vợ xong tao thích quá nên bao nhiêu thắc mắc biến đi ráo. Thế mới khỉ,. nói thế chứ tình cảm của tao bị chúng mày chiếm hết ba phần tư rồi, tao không quên bạn đâu.!!!Tao có đến thăm nhà mày Tiến ạ. Ông cụ râu bạc một nửa, vẫn làm ở hỏa xa, ngành tiện. Em mày vẫn ở đội chữa cầu, đi xếp tà-vẹt cao ba bốn chục thước làm trụ cầu gẫy. Cô em út học lớp năm, đảm ra phết. Từ ngày bà cụ chết bom, gia đình túng bấn lại neo người, cứ ngong ngóng mày về lấy vợ để thêm tay đỡ đần. Ông cụ bảo trước định độc-lập rồi gia đình trở về quê ngoài Bắc, giờ thì tính chuyện ở luôn đất Bình-Định.!!!Bởi thế nên tao rấm sẵn cho mày một cô hàng xóm tên là Xuân, tiêu chuẩn đẹp hạng A1 non và A2 cúng, họ gì chả biết, 19 tuổi, con nhà trung nông làm ăn rất cừ. Tao kể thành tích mày nhé, cho xem cái ảnh xinh trai nhất ấy nhé, tán dương chiến sĩ quốc tế vinh quang nhé. Chu đáo đến nỗi con bé mê tít, vài hôm lại vờ vĩnh tạt sang, ý chừng thăm dò xem bao giờ mày về. Tao hẹn: “Cô thật ưng, tôi mới gọi em nuôi tôi về”. Nguýt dài, nom duyên lạ. Giá tuổi tao chưa ngót tam tuần thì không còn đến phần mày, hẳn mày không chê vào đâu được. Mọi việc tổ chức tao liệu cho cả. Cấm mày không được nhường anh em về luân lưu trước đấy. Mày không về tao nhỡ tàu ê mặt lắm, tao từ mày tức khắc.
Thăm chung bà con Xây-thả-von, cả Việt lẫn Lào. Riêng chúc Sơn-Linh tiến bộ.!!!HÀ VĂN ĐIỀM
Mạc cũng xem thư, cười cái giọng ông tướng của Điềm, rồi bâng khuâng nhìn Tiến. Cán bộ không thiếu, nhưng phụ trách một trung đội vừa tác chiến vừa trực tiếp nắm cơ sở như B.8 không phải dễ. Anh thầm mong Tiến xung phong ở lại đợt nữa, đợi có người thay hẵng về.
Trong khi ấy Tiến lười biếng ngả lưng trên võng, cười một mình. Thằng Điềm thế mà khá, nó vẫn nhớ bạn. Ừ, về nước nghỉ một thời gian, thăm bố và hai em, tẩm bổ cho lại người, với lại xem qua cái cô Xuân thế nào. Khó tính như Điềm mà xếp loại A, hẳn phải xinh lắm. Tiến lim dim mắt, cố tưởng tượng mặt mũi một cô gái Bình Định thật kháu. Nhưng anh chỉ hình dung được một đôi mắt to, cái mồm be bé và cái mũi hơi hớt, tất cả đều là của một cô gái Lào, của Bua-kham... Giá Kham là người Việt nhỉ... Tiến xấu hổ ngầm, ngồi lên hỏi Mạc:
- Anh biết tôi thèm gì nhất không?
- Cô Xuân hả?
- Bậy... Tôi thèm nghe một em bé nói tiếng Việt. Chắc là dễ thương lắm. Năm năm rồi, nghe toàn giọng anh em bộ đội mình nặng trịch, nhớ tiếng trẻ con quá. Tôi về nước, có bao nhiêu tiền trút ra mua kẹo chia cho thiếu nhi, để chúng nó bi bô suốt ngày mình nghe...
Mạc trầm ngâm cuộn điếu thuốc bằng lá chuối khô:
- Đúng, mình cũng nhớ... Hôm trước có mấy cô Việt-kiều trong đội Đời Sống Mới đến bàn công tác, mình nghe cứ như chim hót ríu tít. Thảo luận xong, các ả phê bình mình ngủ gật. Mình bảo: “Tôi nhắm mắt để thưởng thức tiếng Việt, các chị nói hay quá”. Thế là cười trừ, hòa cả làng.
Tiến phá lên cười thích thú.
Chiều nay trung đội 8 họp để bình nghị luân lưu, nhưng Mạc bận không dự. Bắt tay Tiến, anh ngần ngừ định nói: “Cậu về, chúng mình lúng túng nhiều đấy”. Nhưng rồi anh lặng im bỏ đi, vẫn lo lo và tiêng tiếc. Mạc về dự phiên tòa đặc biệt của ủy ban xử thằng Cụt, do phò Phun làm chánh án.
Tòa án quyết định xử bắn. Nhân dân không ngớt kêu ca: “Tội nó phải xẻ từng miếng thịt mới đáng. Hay là cho voi xé xác càng đỡ tốn đạn”. Một ông lão ở xa ngót hai chục cây số đánh voi đến định xin một miếng thịt thằng Cụt, lúc về cứ bô bô: “Phò Phun còn thương hại nó, xin miếng thịt không cho”.
Trên đường về nơi trung đội 8 trú quân, Mạc vẫn chưa hết băn khoăn. Nhưng vẻ mặt buồn xo của Tiến khiến anh chú ý ngay. Vô lý, không lẽ nào nào bình trượt vì Tiến ở Lào lâu hơn nhiều anh em khác. Hay là sắp về, nhớ anh em?
Mạc đến vỗ vai Tiến:
- Phấn khởi mà về. Vài tháng lại lên chứ bao nhiêu?
Tiến vẫn lì sì, không tươi như lúc trưa. Mạc kéo anh em ra hỏi mới biết sự tình. Thì ra với tiêu chuẩn luân lưu mười phần trăm quân số, trung đội 8 chỉ được về phép bốn người, nhưng sàng đi lọc lại vẫn tòi ra năm. Tiến được ghi đầu danh sách. Riêng Mộc lên Lào sau nhưng gia đình phải chuyện rắc rối: mẹ chồng nàng dâu xô xát nặng, vợ bắn tin sắp lấy người khác và không nhận con, Mộc muốn về dàn xếp. Tiến bỏ đi nằm một lúc lâu, hút liền ba điếu thuốc lá, rồi trở lại hội nghị tuyên bố nhường cho Mộc đi phép.
Mạc nghe chuyện cũng bứt rứt không yên, cảm thấy như mình đã ích kỷ, ngầm níu Tiến ở lại hay sao ấy. Anh đến hỏi:
- Vì sao cậu nhường hả?
Im lặng. Mạc nhắc lại câu hỏi. Tiến không nhìn anh, càu nhàu:
- Nhà cửa thằng Mộc ra như thế, anh bảo tôi tranh với nó à?
- Không phải tranh, nhưng mà...
- Ở hai thâm niên còn được, huống hồ mấy tháng. Tôi có mất tinh thần đâu.
Biết Tiến đang buồn và đang đấu tranh rất găng, Mạc không hỏi nữa. Anh thở dài, móc túi cho Tiến hai chục đồng Đông-dương, tiền mới bán chiếc đồng hồ.
Một lát sau, Tiến kéo Mộc ra bờ suối:
- Mày còn tiền về đường không?
Mộc cười tươi:
- Hết. Cần khi gì, được về là khoái rồi. Anh coi như vợ tôi nó...
- Ngu lắm, đi một tháng đường núi lấy gì mà ăn? Tao cho mày một chục... thôi cầm cả hai chục, kiếm vài con gà làm lương khô.
- À, cái võng thằng An tôi đưa lại anh Thiết. Ảnh nặng cân, võng xi-ta cũ không chịu nổi. Anh “quan điểm” nhường cho về, tôi cũng mừng...
Trong ngày hôm nay, Mộc-cóc nói nhiều hơn cả một tuần về trước. Mộc không nén được nỗi mừng bồng bột, làm Tiến cũng vui lây.
Sau buổi liên hoan chay tiễn đưa, Tiến thức đến khuya viết giúp thư cho sáu đồng chí đứt liên lạc với gia đình từ lâu, để gửi Mộc mang về. Thư gửi cho ủy ban xã, chi bộ địa phương, cho bà con nhờ tìm hộ địa chỉ gia đình siêu bạt, cộng tất cả non hai chục lá thư. Hỏi nhiều nơi may ra có người biết mách hộ. Huy viết giúp một lúc hai mắt đã díp lại, bỏ đi ngủ.
Hai giờ sáng, bìm bịp đã mấy lần gọi trở canh, Mộc hé chăn ra vẫn thấy mái tóc bù xù của Tiến cúi dưới ánh cà-boong nhấp nhoà, khói bám trên trán anh những vệt muội xám. Kê quyển vở trên đùi, anh viết theo lời đồng chí ngồi bên cạnh đang kể ngập ngừng như hổ ngươi:
- Ba năm tôi không được thư. Anh hỏi dùm tôi: nghe nói vợ tôi hắn lấy chồng ngụy binh rồi, thiệt không? Mà thôi, đừng viết rứa họ cười. Ờ... Anh cứ hỏi: Vợ tôi còn ở thôn 6 Mỹ Hòa không, có chi đặc biệt không. Nói khéo khéo chút là họ hiểu ý. Đừng hỏi kỹ quá họ lại quan niệm, anh hỉ?
Mộc thở dài kéo chăn trùm kín đầu. Mộc thấy thương Tiến da diết hơn bao giờ hết.
Sáng hôm sau, Mộc lên đường về Việt Nam với một tập thư dày. Trung đội 8 lại chia từng tổ, trở lên vùng Hàng Rào. Lần này họ gấp rút vận động nhân dân lập làng kháng chiến. Trên khu nhận định địch sắp càn quét một đợt rất dữ và lâu ở Xây-thả-von, chỗ xung yếu của phòng tuyến quốc lộ 13 và sông Nạm-khoỏng. Cơ sở chính trị và du kích vùng Hàng Rào đã lớn mạnh, có thể công khai đấu tranh vũ trang với Pháp.
Bẵng đi nửa tháng, khi không còn ai nhắc đến anh em luân lưu về Việt nữa, Tiến nhận được lá thư của tiểu đội trưởng Chỉnh báo tin dữ:
“Chuyến liên lạc đưa họ về Việt rơi vào ổ phục kích giữa rừng La-ve.
Chỉnh bị thương ở đùi phải trở lại nằm bệnh xá khu bộ. Mộc hy sinh tại chỗ, trước khi chết còn dập lựu đạn giết hai tên địch. Chúng chặt xác Mộc ra từng mảnh ném xuống đầm, mang đầu về bêu cửa đồn. Trạm liên lạc khu bộ đã cử một tổ đi mò xác chôn cất.
Đọc xong thư, suốt một ngày Tiến không nói không cười. Huy lủi ra rừng khóc một lúc, rồi lấy tất cả thư nhà ra đọc lại, Thiết lau chùi mãi khẩu Bờ-ren đầu bạc, lẩm nhẩm những gì hàng giờ không rõ.
o O o
- Lập làng kháng chiến à? Sao lại lập làng kháng chiến?
Tất cả tổ It-xa-la bí mật làng Na-bua ngơ ngác nhìn Tiến rồi nhìn nhau. Giữa lúc đồn Suối-đỏ vừa bị nuốt gọn, lính địch hoang mang đào ngũ liên tiếp, làng Na- bua vừa đấu tranh giành lại được bốn người Pháp bắt đi lính, tại sao giữa lúc ấy mặt trận It-xa-la huyện lại chỉ thị cho vùng Hàng Rào lập kháng chiến? Tại sao anh Tiến sát với tình hình Na-bua nhất cũng khuyên họ rút vào Núi-hoa đánh Pháp?
Tiến vẫn dẽ dàng phân tích:
- Trên khu nhận định chắc phải đúng. Pháp định càn rất mạnh, rất lâu, nó định diệt hết chúng ta đấy. Ít nhất nó cũng đưa đến hàng nghìn quân...
- Thố! Anh nói thật chứ?
- Thật. Và nó càn ít nhất nửa tháng. Nó định đóng hai đồn giữa vùng ta, ở Na-bua và Kha-nứa. Đầu mùa mưa, khi ta cấy lúa thì chúng càn.
Xẩy lắc đầu không tin. Hai chị lớn tuổi trong tổ bàn gì với nhau rì rầm, dáng lo sợ. Riêng Đeng gật gù, chưa phản đối hẳn. Đánh du kích bí mật lén lút chả thích, công khai đọ sức với Pháp thú hơn. Nhưng Đeng còn ngại vào ở núi thì hội hè khó khăn, mất cả vui chơi. Để xem cô Bua Kham có chịu vào không đã...
Đến chiều tối cuộc họp vẫn chưa kết quả. Xẩy đứng dậy phủi đít, giọng nặng trình trịch:
- Mỗi chốc bỏ làng chạy vào núi không phải dễ. Phải bỏ đi một nửa ruộng xa, làm rẫy thay vào, mà dân làng không quen làm rẫy. Giếng nước mặn Xê-liên chỉ nấu được muối vào mùa nắng, đến mùa mưa phải ăn nhạt à? Lại còn bông vải thuốc men... Người khỏe không nói làm gì, nhưng còn người ốm đau, cụ già. Trẻ con... Không được đâu. Các ông trên khu chỉ khéo doạ. Địch kiếm đâu ra hàng nghìn quân? Lấy gì ăn mà càn nửa tháng? Con cá sấu hai hàm răng ta bẻ mất một, chỉ còn cái đồn Núi-qủy nho nhoe. Chả khó khăn gì...
Tiến nén bực dọc, chêm vào một câu phương ngôn:
- Muốn dễ bị khó, muốn khổ được nhàn.
Xẩy cáu kỉnh vặc lại:
- Chúng tôi không sợ khó sợ khổ đâu. Pháp nó bắt người cướp của cực nhục lắm rồi. Nhưng mười đồng cân bên kia sông chớ vội nghe mà lội đi tìm, hai đồng cân lọt vào tay xin hãy cầm cho vững. Ở làng như bây giờ đấu tranh mạnh Pháp cũng phải kiềng mặt. Vào chiến khu trong Núi-hoa chắc đâu là chống nổi Pháp?
- Làng Pa-thôn bên cạnh ta đấy vào kháng chiến rồi...
- Làng Pa-thôn khác. Cả một vùng ao đầm mênh mông, Pháp hóa thành chim mới lọt vào được. Hay như trên Bô-lô-ven núi dốc ngược, rừng bịt bùng mới có cái thế chống giữ. Còn địa thế như vùng ta đừng hòng!
- Bởi thế ta mới vào núi...
- Chúng tôi không phải người thiểu số, ở núi chết đói mất thôi.
- Anh Xẩy ạ...
- Anh không sát tình hình nên không biết. Anh cứ báo cáo lên cấp trên rằng là tổ It-xa-la Na-bua không thông cái việc lập làng kháng chiến. Tôi cũng viết báo cáo gửi cho bên Mặt trận, không ai trách anh đâu mà lo.
Tổ It-xa-la chui ra khỏi lều, tản từng nhóm hai ba người, chia thành nhiều ngả băng rừng về làng.
Từ nãy đến giờ, Thiết, Huy và Bân chỉ ngồi nghe bàn cãi. Lý luận đến như ông Tiến mà không thuyết phục nổi nữa là tay non. Thiết thở dài đánh sượt, bật lửa châm cà-boong:
- Tụi mình lãnh cái làng khó nhai nhứt hạng!
Tiến ra ngoài lều ngồi phịch xuống một thân cây mục, muỗi ùa đến vo ve không buồn xua. Lầu đầu tiên từ ngày về Na-bua, ý kiến của anh bị bác một cách quyết liệt.
Chiến thắng Suối-đỏ thổi qua Xây-thả-von một luồng gió phấn khởi, thổi bùng lửa đấu tranh chống Pháp từ khu căn cứ du kích đến vùng sau lưng địch. Nhưng bọn gián điệp đã kịp thả trong gió ấy một làn hơi độc: “Bộ đội lớn sắp đánh Núi-qủy, Xây-thả-von giải phóng đến nơi rồi!”. Nhân dân mừng khấp khởi. Nào ai chịu tin rằng lực lượng diệt đồn Suối-đỏ là bộ đội Lào - Việt góp nhặt trong ba huyện, tổng cộng chưa đầy hai đại đội, được cơ sở làng Suối-đỏ và nhân mối ngụy binh làm nội ứng, đã táo bạo kỳ tập một đại đội trong đồn giữa ban ngày!
Các làng cơ sở khá đã kịp thời nhận ra âm mưu địch, hối hả rào làng kháng chiến, chuẩn bị chông bẫy. Riêng cái làng Na-bua này cứ nhơn nhơn lạc quan tếu, há miệng chờ sung, đợi “bộ đội lớn” đến hốt đồn Núi Quỷ. Nguy nhất là toàn tổ It-xa-la đều chung tâm lý ỷ lại như thế. Trong khi ấy địch đang tập trung quân, sắp mở cuộc tấn công tiêu diệt cơ sở kháng chiến Xây-thả- von.
Tiến hậm hực như người bị đòn mà không biết kêu ai, cứ hờn dỗi một mình. Nói thế nào cho họ hiểu bây giờ?
Tiếng lội suối róc rách vẳng đến. Một bóng nhỏ chầm chậm trèo lên dốc, rẽ lá đi về phía lều. Tiến thổi phụt ngọn lửa cà-boong, căng mắt nhìn ra, khẩu tiểu liên lăm lăm.
- Bua Kham!
Đúng Kham thật.
Các anh chị It-xa-la đi họp không cho Kham theo, vì còn nghi ngờ liên lạc với Phủi. Kham nghe nói anh Tiến về, bụng tự nhiên nóng như lửa đốt. Muốn gửi hộp sữa gói thuốc lá ra biếu anh, nhưng nhớ lời chú Xẩy mỉa mai hôm nọ, Kham không dám. Đợi khi các anh chị tan họp về làng, Kham mới lẩn lút ra lán bí mật. Mọi hôm cha Kham về làng vẫn ở đấy. Tuy biết anh Tiến chỉ bị thương nhẹ và biết mình bị ngờ vực, nhưng Kham bị một sức vô hình nào lôi đi, không cưỡng được.
Kham đứng trước mặt Tiến, nhìn xuống đất, ngón chân cái di di một mảnh lá:
- Em ra tiếp tế... tưởng cha em về...
Kham nói dối rất vụng. Như mọi người dân quê khác, Kham ghét nói dối cũng ngang ghét ăn cắp. Nhưng may các anh Việt không để ý. Họ xuýt xoa khen Kham chịu khó, thắp cà-boong ăn cơm với cá nướng Kham mang đến, tán chuyện và cười rúc rích. Anh Tiến nói chuyện đánh đồn rất vui. Kham cười to, anh lại xuỵt một cái, rồi cười theo.
- Đến cách cổng đồn mấy thước thì lộ. Bộ đội xông vào địch bắn ra như mưa. Anh Cầu trúng đạn giữa ngực, ngã sấp...
Kham tái mặt, phải vịn tay vào cột. Eo ơi, sao lại đánh liều lĩnh thế! Rồi Kham lại mừng rơn, vì anh Tiến chỉ trúng đạn một tý thôi. Chắc đau lắm... Kham nhìn các anh bộ đội ngồi quanh, thấy ai cũng cao lớn thêm lên hàng thước, oai vệ quá.
Đến khi Thiết giục về kẻo lộ, Kham mới bần thần đứng dậy:
- Vâng, em về thôi...
- Kham không sợ ma à? Dám về không?
Tự nhiên Kham rủn người. Từ chiều đến giờ, Kham quên cả sợ ma. Không nhớ đến thì thôi, đã nhớ thì hồn vía lên mây sạch. Trong rừng lúc nhúc những ma lớn bé, đủ các loại phỉ-lôộc, phỉ hà, phỉ-coòng-còi. Ban đêm đúng giờ âm thịnh chúng kéo nhau từng đàn đi nghễu nghện...
Thấy Kham giương mắt hãi hùng nhìn vào bóng đêm, Tiến phì cười:
- Cậu nào đưa hộ con bé về làng tí?
Bân và Huy nhao nhao đùn cho Tiến; Thiết tủm tỉm không nói. Đeo khẩu súng, vớ lấy dao và gầu, Tiến cầm cà-boong đi ra với Kham:
- Thôi được, tớ đi soi cá một thể, kiếm tí tươi.
Sau lưng Tiến, anh em bấm nhau cười ranh mãnh. Lúc ấy Tiến mới nhớ ra chúng nó tinh quái, đẩy cho mình đi với cô gái chưa chồng, trong một đêm không trăng. Anh ngần ngừ dừng lại, rồi chậc lưỡi, bước thẳng. Bụng ông ngay thẳng, ông cóc sợ.
o O o
Con cá quả lừ lừ nổi lên đớp bọt nước. Mắt nó nhìn ánh lửa đăm đăm, vây và đuôi phe phẩy. Phập! Cái bụng trắng hếu phơi ngửa, máu loang sẫm nước.
Kham nhặt con cá gần đứt đôi bỏ vào gầu. Súng đeo sau lưng, tay soi đuốc, Tiến dò dẫm chém hết con này đến con khác. Tóm được cả một chú rùa to, thức ăn quý của người Lào. Thôi gửi về cho lão Xẩy nhắm rượu. Bực vì Xẩy gàn bướng, nhưng Tiến vẫn mến anh chàng tính thẳng ruột ngựa và gan lì, đấu tranh với địch chả biết sợ là gì. Còn hai con trê bằng bắp tay để biếu ông cụ Pứ, làm món cá sống băm sền sệt cũng để nhắm rượu. Rượu vào lời ra, ông lão phù thủy hẳn lại nhắc đến anh Việt xỏ tai và gán thêm cho anh cái phép độn thổ vào đồn.
Trong khi Tiến nghĩ miên man về cá với rùa, Kham nhìn anh không chớp mắt. Kham vừa tìm ra một điều lạ. Khi nhìn thảng, khuôn mặt Tiến trông như già và nghiêm nghị. Nhưng khi nhìn một bên, trông anh có vẻ tươi tinh và rất trẻ. Quái nhỉ! Kham càng nhìn càng thấy rõ rệt như thế.
Kham vẫn chưa hiểu vì sao lại tha thiết muốn gặp anh Tiến, muốn nghe anh nói, và khi bị anh trêu thì thẹn thò. Đối với các anh Việt khác, Kham đùa rất nghịch ngợm như tất cả các cô gái Lào thường đùa.
- Anh thích ở nước Lào không?
- Thích chứ.
- Anh thích lấy vợ Lào không, em hỏi cho?
- Ai ưng mà lấy?
- Em ưng, anh lấy em nhé? Bao giờ cưới nào?
Thế là cả lũ xúm lại trêu anh kia đến đỏ mặt tía tai. Nhưng tất cả chị em đều biết bộ đội Việt không mấy khi lấy vợ Lào. Họ thường nói dối là có vợ rồi, hoặc bảo đến độc lập sẽ hay, hoặc phân trần rằng bên nước Việt phong tục buộc vợ phải về nhà chồng, không hợp với người Lào. Bạn gái với nhau thủ thỉ, kể cũng lắm cô yêu anh Việt ra trò, phải theo chồng về nước Việt cũng cứ lấy. Bởi họ chăm chỉ, làm ruộng đánh giặc đều giỏi, lại ăn nói khôn ngoan, từ già đến trẻ ai cũng mến chuộng họ.
Kham nghĩ đến anh Tiến lại ngạc nhiên. Giữa Kham với anh Tiến cái gì cũng trái ngược. Kham sợ Pháp, sợ ma, sợ trăm nghìn thứ, còn anh chả sợ tí gì. Kham thích chơi hội, múa hát, diện đẹp thì anh lại không thích. Bảo anh là ông sư cũng chả đúng, vì ông sư sướng nhất làng mà anh chịu khổ trăm chiều. Hình như anh không phải thày tu, cũng không giống người trần tục, mà là một thứ người đặc biệt, khó kiếm lắm. Đúng anh là khôn kẹo - con Người Ngọc trong cổ tích - không cha mẹ tự dưng sinh giữa cõi đời. Kham nhớ mồn một câu chuyện chú Xẩy kể, đúng vào ngày Kham gặp anh Tiến, biết It-xa-la. Nhiều lúc Kham tưởng tượng thấy mình đang sống lại kiếp trước, với ba anh em chung sức đánh Hổ tinh...
Tiến chém hụt một con cá, rồi con nữa. Kham cười khúc khích. Đi ngược suối đã khá xa, đến quãng này nước sâu khó chém. Một đôi cá quả ung dung dạo qua. Tiến hớt hải chém hụt, đà tay mạnh quá xuýt ngã chúi, nước tóe lên tắt phụt ngọn cà-boong. Kham cười ròn rã, tiếng cười trong lanh lảnh đập vào vách đá càng dội to. Tiến bật lửa châm cà-boong, gắt gỏng:
- Con gái gì mà cười đổ nhà đổ cây... Biệt kích đến bắn chết cả hai bây giờ.
Kham bưng miệng nhưng vẫn cười phì phì qua kẽ tay:
- Cá có đôi, anh chém làm gì?
- Có im không? Biệt kích...
- Người có đôi, biệt kích bắn cũng chả được. Đấy, anh chém có trúng đâu!
- Ừ nhỉ!
Tiến bật cười làm tắt lửa lần nữa. Trăng lên muộn đã nhô lên khỏi rặng dừa mé cuối làng. Có trăng cá không chịu đuốc, mà gầu cá đã nặng trĩu tay. Tiến ngồi xuống tảng đá bên bờ suối nghỉ một lát, súng đặt ngang đùi.
Ánh trăng lan nhanh qua đồng cỏ, dãi rập rờn trên rặng cây cà-đon dọc bờ suối, lấp lánh gợn vàng trên dòng nước.
- Anh Tiến kể chuyện nước Việt em nghe đi. Chuyện anh nữa.
Tiến dựa lưng vào tảng đá, ngửa đầu, Trời sâu thẳm, xanh nhạt và sáng. Mây gợn trắng chụm thành bông hoa đại, phơn phớt một thoảng vàng trên các cánh. Mùi hoa cỏ phảng phất, hay là hương thơm của đoá hoa trên trời? Điệu khèn như hơi thở đứt quãng vướng trong gió... Tiến lim dim mắt, từng thớ thịt dãn ra nhẹ lâng lâng.
Kham im lặng nghe anh con trai Việt kể chuyện.
Ai cũng nói nước Việt rừng ít ruộng nhiều, anh lại bảo nhiều người Việt thiếu ruộng. À bởi có những người giầu chiếm đất rồi cho thuê lấy thóc. Bảo họ nhường bớt chỗ thừa, họ không chịu. Vô lý quá! Cha anh Tiến không cày cấy, chỉ gọt toàn bánh xe bằng sắt. Lạ nhỉ, thế mà cũng có người mua. Thì ra anh Tiến cũng là người dân thường, cũng nghèo thôi, không có nốt ruồi đỏ trên sống lưng. Nhưng anh được ông cụ cao tuổi đứng đầu nước Việt Nam dạy bảo nên chóng khôn ngoan hiểu biết. Kham đoán phò Hồ Chí Minh trước kia tu đến chức A-chan-khu hay cao hơn nữa.
Rồi Kham kể lại những lời dè bỉu ngờ vực của các anh chị It-xa-la, và nỗi buồn tủi của mình. Anh Tiến an ủi, khuyên nhủ. Anh thấy Kham là người tốt, thông minh, chịu khó. Anh khuyên Kham nên nhận công tác tiếp tế và đưa tin cho It-xa-la. Anh cười chú Xẩy khi nghe nói chú giao cho Kham vận động thằng Mắt mèo: “Sức con gái mà giao việc như chất hàng lên lưng voi!” Kham lại nhận ra một điều mới lạ nữa: nói chuyện kháng chiến như anh Tiến nghe rất vui, y như bàn công việc nhà. Cha Kham mỗi lần giải thích cái gì cho vợ con cũng mắng phủ đầu: “Mẹ con bà ngu lắm!”. Kham chối cả tai, và nghĩ chính trị là chuyện gì cao xa lắm, công tác kháng chiến là những việc ghê gớm lắm, chứ có biết đâu...
Kham mừng khấp khởi, nhưng hỏi gặng:
- Tiếp tế đưa tin cũng là kháng chiến chứ anh nhỉ?
Trăng lên đã thắng đỉnh đầu. Mây đen từng tảng tròn dần dần ùn kín chân trời, chớp xa nhay nháy. Hai người ngồi im, không biết nói gì thêm mà cũng chưa muốn về.
Tiến nhìn Kham đang suy nghĩ, hai tay bó gối. Lần đầu tiên anh ngắm kỹ Kham từng nét, không sợ bị để ý.
Khuôn mặt Kham không cân đối. Đôi mắt to quá khổ, mồm bé chum chúm, khi cười hở cái răng nhọn. Nhưng Kham vẫn đẹp và có duyên, cái duyên rất hồn nhiên của một người không biết giấu giếm tình cảm.
Trăng chảy như làn sữa trắng đục trên má, trên cánh tay trần của cô gái. Một chấm nốt ruồi ló giữa khóe cổ áo sơ mi... Tiến rờn rợn, chợt nghĩ đến anh em cùng tổ: “Hỏng, hỏng to! Dẫn con gái chưa chồng đi quá nửa đêm, chúng nó biết thì tha hồ tai tiếng, chuyện một đồn mười!”. Ban nãy Kham đòi ở lại soi cá, Tiến từ chối không được, và thực ra cũng chỉ từ chối lấy lệ...
Ngẩng đầu lên, Kham bắt gặp Tiến đang nhìn mình chăm chắm. Anh vội ngó lên trời, hút lấy hút đế điếu thuốc lá chưa kịp châm. Kham hiểu, mỉm cười rạo rực. Chờ đợi...
Tiến vụt thấy sợ Kham, sợ cả mình. Anh nói hối hả để cắt đứt cái phút nguy hiểm:
- Đi về em!
Kham buồn rầu đứng dậy. Quả con người kỳ lạ, không có tí gì gọi là tình cảm. Con trai Lào gặp gái, dù yêu hay không yêu cũng biết buông đôi câu tán tỉnh...
Đoạn đường hai cây số mới đi mươi bước đã hết. Quãng suối lội đầu làng sao hôm nay đá trơn quá, phải có một người nắm tay Kham mới qua được. Về đến cổng làng, Kham dừng lại thủ thỉ:
- Anh đến thăm em luôn, anh nhé!
Một câu chớm trên đầu lưỡi Tiến, rất âu yếm và tình tứ. Anh vội nuốt nó vào bụng, vớ ngay một câu khác tình cờ bay ngang:
- Địch sắp càn lớn em ạ...
Dọc đường trở về trại bí mật, Tiến băn khoăn như vừa làm một việc gì rất sai trái. Nhưng chỉ mấy phút sau anh lại thấy nhớ Kham lạ lùng. Rồi quay ra trách mình lười may vá giặt giũ, để ban nãy phải ngồi bên Kham với bộ xi-ta rách và bốc mùi chua khăn khẳn. Lại ngồi trên gió mới chết chứ. Chắc cô ả cười Tiến vụng về và ở bẩn. Người ta tự nhiên như anh em, có gì đâu. Chẳng qua là “mến anh bộ đội”, nếu yêu thì ai đi giấu làm gì.
Tiến mù tịt về tâm lý phụ nữ, nên không thể đoán được Kham nghĩ gì về mình. Hơn nữa các cô gái Lào lại còn nghịch sát sàn sạt gấp mười, chứ không ý tứ như Kham hôm nay. Tiến thở dài, kết luận rằng từ nay xin chừa mơ ước hão.
Kham bắt đầu nhận với tổ It-xa-la đi đưa tin và tiếp tế cho bộ đội, nhưng không gặp Tiến nữa. Sau mấy lần họp với tổ It-xa-la và bàn riêng với Xẩy về việc lập làng kháng chiến không kết quả, Tiến phải tạm giao cơ sở Na-bua lại cho tổ Thiết. Anh đi kiểm tra công tác chuẩn bị chống càn với phò Phun.
Vùng Hàng Rào biến thành một bãi chông bẫy lớn. Chỉ còn lại lác đác những làng chưa công khai đánh Pháp như Na-bua, Pà-đăm, Hạt-luỗng... những hòn cù lao chênh vênh giữa biển khơi đang dập dồn nổi sóng.
Bên Kia Biên Giới Bên Kia Biên Giới - Phan Tứ Bên Kia Biên Giới