Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Chương 5
C
ăn nhà nằm bên số chẵn đường Phan Đình Phùng, cách tòa Lãnh sự Pháp vài bước. Trước cửa trồng hoa giấy. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai thiết chăm sóc giàn hoa, để nó mọc xum xuê che lấp cả ánh sáng. Vì thế, căn nhà đã cổ kính lại càng thâm u. Nó là biểu tượng của sự phản kháng tiêu cực. Nó chẳng chịu hòa nhập vào niềm vui thống nhất tổ quốc. Nó thiếu cờ lớn, hình như không treo chân dung chủ tịch hồ chí minh, mặc dù, căn nhà thường xuyên phải tiếp những nhân vật quyền quý của chế độ mới: Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ lâm thời cọng hòa miền Nam, bà Nguyễn thị Bình và chồng, đại tá Đinh Khang, chánh văn phòng của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước những năm 70, thời quân phiệt Nguyễn Cao Kỳ, căn nhà phải tiếp Tổng ủy viên thông tin chiêu hồi Đinh Trình Chính. Vậy thì căn nhà còn là biểu tượng đậm nét của thời đại về lòng thù hận huynh đệ, về sự xung đột tư tưởng, về nỗi xâu xé quyền bính gây ra bởi chủ nghĩa và chủ nghĩa, gây ra bởi sự dấn thân mù quáng và sự bon chen hèn mọn.
Chủ nhân của căn nhà, ông Đinh Phụng, đứng giữa thù hận và chống luôn cả hai phía thù hận. Mặc nhiên ông cô đơn. Ông tự biến ông thành thứ Kiều Phong trong Thiên Long bát bộ. Người hiệp sĩ kia có đường gươm chém đá, có trái đấm chặt cây, có chút tình oan nghiệt, có bạn hiền, có trời đất, có rượu. Để đi, để khóc, để trút hận sầu. Chủ nhân căn nhà chỉ có một góc tối. Để thở dài. Ông còn người em khác, không màng công danh, không ham phú quý, khinh bỉ địa vị xã hội của Chính, của Khang, sống thầm lặng như một ẩn sĩ ở một xó xỉnh nào đó của phồn hoa Sài gòn. Ông nhiều con cái, dĩ nhiên, nhưng ba đứa con trai của ông đã là sư tử lãng mạn trong lịch sử tranh đấu hôm nay: Đinh Vượng, Đinh Cường, Đinh Dũng.
Ba anh em cùng chung một tâm sự, từ sau 30-4-75. Sống trong một gia đình trung lưu, trí thức, lương thiện, ba cậu con trai được ấp ủ bằng nỗi niềm của bố và của ông chú tài năng ở ẩn. Như tất cả những người tuổi trẻ Sài gòn, ba cậu yêu mến cuộc đời vô cùng. Cuộc đời, với tuổi vừa lớn, cơ hồ một tình nhân mắt xanh thu cổ tích, tóc heo may thần tiên, tim suối đàn miên viễn. Mộng ước của tuổi trẻ là làm hồng môi cuộc đời, làm thơm má cuộc đời, làm xanh tóc cuộc đời, làm rung động trái tim đời. Giấc mơ mới ở đoạn đầu. Cuộc đời thay đổi. Cuộc đời vụt biến. Cuộc đời mất tích. Tuổi trẻ hụt hẫng. Tuổi trẻ thất tình với cuộc đời. Tuổi trẻ tương tư cuộc đời. Tuổi trẻ bơ vơ. Tuổi trẻ hư vô. Một hôm, tuổi trẻ muốn tìm lại cuộc đời, muốn tìm lại kỷ niệm chan chứa và mộng ước dạt dào lỡ trao gởi cuộc đời…
- Chú Lăng không còn cư ngụ ở Trần Bình Trọng nữa, bố có biết chú ấy đi đâu không?
Đinh Vượng hỏi bố. Ông bố thầm lặng đáp gọn:
- Chú ấy đã nhập thế.
- Nghĩa là?
- Chú ấy biết lúc nào chú ấy phải chiến đấu.
- Chú ấy làm phản động?
- Không, chú ấy đi làm lịch sử. Con đã biết rồi đấy, chú con là người lạ lùng. Có lẽ, phải nói, chú con là người Việt Nam chân chính, người quốc gia lý tưởng, người quốc gia cực đoan hiểu theo ý nghĩa đẹp nhất. Có lần, chú con than thở rằng: “Đôi khi, tôi không thấy tôi là người Việt Nam nữa. Người ngoại quốc làm sao nhận diện nổi mẫu người Việt Nam mà họ mong mỏi. Dân tộc chúng ta đã bị phiêu lưu quá xa cội rễ của mình bằng học thuyết, bằng chủ nghĩa, bằng giáo điều…”
Sự thở than của ẩn sĩ họ Đinh không viển vông chút nào. Cuộc phiêu lưu tư tưởng của dân tộc ta khởi sự từ Khổng giáo. Rồi Lão giáo, Phật giáo. Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca không có gì để chê trách. Nhưng giáo điều và sự thêu dệt của bọn truyền giáo đã tạo ra những khe khắt, những u mê trói buộc và làm tăm tối con người, đã xóa bỏ dấu vết tinh thần Văn Lang, tinh thần tuyệt diệu của giòng giống Bách Việt. Những sáng tạo Cổ Loa, Hoa lư kỳ diệu, dần dần, mai một. Những công trình nhà Hồ, lũy Thầy nhân bản chẳng hề thấy nữa. Giáo điều thêu dệt và lễ nghĩa chế thêm của bọn truyền giáo biến dân tộc thành một bầy người cam đành với thân phận hẩm hiu của mình, phó thác định mệnh cho Trời, cho con Trời. Thường thì con Trời quyền uy hơn Trời. Người ta được phép nhục mạ Trời nhưng không dám động đến con Trời. Giáo điều đẻ ra hình phạt. Hình phạt đẻ ra ân huệ dành cho bọn truyền giáo. Rốt cuộc, con người đành an ủi bằng tiêu dao tâm hồn, bằng sự chối bỏ cuộc đời bể khổ để giải thoát cá nhân một cách ích kỷ. Toàn là những thêu dệt của bọn truyền giáo ngu xuẩn. Phiêu lưu mãi, phiêu lưu mãi… Toàn những khuyển nho xu phụ, những thầy cúng đồng bóng, những sư mô đàn chay. Rồi Thiên Chúa giáo, rồi thực dân giáo. Rồi giáo điều thêu dệt, giáo hội chế thêm. Rồi Tin Lành giáo, Bà la môn giáo, Hồi giáo, Sư bút giáo, Bà hai giáo… Rồi khuyển tây, khuyển nhật, khuyển mỹ. Rồi cọng sản giáo, rồi khuyển nga! Một giáo hội đẻ thêm hàng chục giáo hội. Trên đầu người Việt Nam đội nặng… giáo hội: Giáo hội Công giáo, Giáo hội Tin Lành, Giáo hội Giêhôva, Giáo hội Ba ngôi, Giáo hội Phật giáo thống nhất Ấn Quang, Giáo hội Phật giáo thông nhất Việt nam quốc tự, Giáo hội Cổ sơn môn, Giáo hội Hòa hảo, Giáo hội Cao đài, Giáo hội Ba Hai… Giáo hội và giáo hội. Giáo hội trước, tổ quốc sau. Bao nhiêu giáo hội đè lên tinh thần dân tộc. Vậy nên dân tộc mới ngóc đầu không nổi, mới triền miên lầm than, cay đắng, nô lệ, chiến tranh, tù đày, phân cách. Người ta cứ nhận người ta là người Việt Nam, người ta cứ nói về tinh thần dân tộc nhưng người ta không cư xử với nhau như người Việt Nam xa xưa, ít ra, như người Việt Nam thuở ca dao nhiễu điều phủ lấy giá gương, và người ta chẳng còn xúc động với huyền thoại đồng bào. Chắc chắn, để trở về nguồn gốc, trở về hạnh phúc đích thực của mình, mỗi người Việt Nam đều phải truy nã thân phận mình hiện tại.
Cậu Đinh Vượng không muốn biết chi tiết rườm rà của sự lạ lùng của ông chú ẩn sĩ, cậu cắt ngang lời ông bố thầm lặng:
- Chú Lăng đi làm lịch sử ở đâu?
- Ở Việt Nam.
- Chú ấy vẫn còn ở lại Việt Nam?
- Vẫn còn, và mãi mãi. Lịch sử Việt Nam phải do người Việt Nam làm ở Việt Nam. Lịch sử làm từ ngoài Việt Nam đem về là lịch sử của khốn cùng, của sa đọa. Chúng ta đã có bốn lần lịch sử ấy: Lịch sử làm bởi Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm.
- Con muốn làm lịch sử, được không?
- Tại sao không? Bây giờ là cơ hội đẹp của những người Việt Nam chân chính muốn làm lại quê hương của mình.
- Bố không sợ nguy hiểm cho con sao?
- Không. Không ai có quyền sợ hãi cho những người đi làm lịch sử. Gia đình ta có một đại biểu trong phỉ quyền, một đại biểu trong ngụy quyền, rất nên có một đại biểu trong chính quyền tương lai, hoặc đại biểu tranh đấu cho sự kiến tạo một chính quyền tương lai.
- Con sẽ đi một mình?
- Con tự tìm lấy đường đi, đường đi của người quốc gia lý tưởng. Đường ấy gian khổ và cô đơn nhưng nó cho phép con hãnh diện.
Cậu Đinh Vượng hết buồn bã. Tuổi trè của cậu không còn bơ vơ hụt hẫng nữa. Cậu vẫn còn một con đường đi để làm thắm má hồng môi cuộc đời. Và cậu đi. Ngày nào cậu cũng đi. Đi sớm về khuya. Cậu đến trường này, cậu đến đại học nọ. Cậu gặp nhiều người như cậu. Một hôm, lại một hôm, cậu hỏi Đinh Cường:
- Mày dám chơi không?
Đinh Cường hỏi:
- Chơi gì?
Đinh Vượng đáp:
- Chơi cọng sản.
Đinh Cường mỉm cười, khó khăn xoay cái cổ. Cậu là đệ tử của thày Tâm Giác, sáng chói Trung tâm Nhu đạo Quang Trung. Có lần đi đấu võ tranh giải, cậu bị người lớn chơi bẩn, thả lên đài thằng đối thủ đai lớn hơn mà hạ xuống. Nó cho Đinh Cường đo ván với thương tích ở cổ. Đinh Cường nuôi hận, không thèm chữa, cứ để cái cổ ngoẹo một bên.
- Em khinh bỉ những thằng chơi bẩn. Cọng sản là bọn chơi bẩn. Sợ gì nó mà không chơi.
Đinh Vượng nói:
- Trò chơi này khác trò chơi nhu đạo của mày. Nó đòi hỏi cái đầu mày, sự thận trọng và tinh thần chuẩn bị vào tù, ăn đòn.
Mắt Đinh Cường sáng rực:
- Anh tìm
thấy Phục Quốc rồi à!
Đinh Vượng gật đầu:
- Đúng mà không đúng. Tất cả đều có bổn phận phục quốc nhưng chúng tao thấy dùng chữ phục quốc không ổn. Quê hương mình còn đó, ngôn ngữ mình còn đó. Đất nước mình chỉ mới bị thống trị bởi một chế độ khốn nạn. Và bây giờ mình đánh nát cái chế độ khốn nạn này là xong. Khi nào đất nước bị xóa tên bản đồ như Do Thái ngày xưa, như Palestine ngày nay mới dùng chữ phục quốc. Phục quốc nghe nó vời vợi, tiêu cực lắm. Đánh nát chế độ cọng sản tích cực và gần gũi hơn.
- Em hiểu rồi, mình chống cọng sản.
- Không chống. Chúng tao đã bàn nhau. Cha anh chúng ta chống cọng ba mươi năm mà cứ thua dài dài. Chúng ta mở kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên đánh cọng sản. Kinh nghiệm đánh còn non nớt thì vừa đánh vừa học cách đánh. Nhất định không chống cọng sản. Đánh thẳng vào mặt cọng sản. Đánh vào tim, vào óc nó. Đánh gục lãnh tụ nó. Đánh chết lãnh tụ nó. Chỉ đánh chết lãnh tụ của nó thôi. Bẻ cùn móng vuốt chủ nghĩa của nó.
- Ngon vậy?
- Chứ sao.
- Anh giao em nhiệm vụ gì?
- Mày dán bích chương và rải truyền đơn.
- Chỉ thế thôi à?
- Bước đầu.
- Bao giờ khởi sự?
- Mày bằng lòng thì “hàng hóa” xong tao sẽ giao.
- Em chơi.
- Tốt.
- Anh rủ thằng Dũng chưa?
- Tao không rủ rê.
- Anh đã rủ em?
- Tao không rủ mày. Tao hỏi mày. Mày có quyền từ chối. Lịch sử không bao giờ làm nên bởi những thằng a dua ngu muội. Đi chiến đấu khác với đi ăn cướp. Chiến đấu kết bạn. Ăn cướp kết bè. Chúng tao không xưng là Tổ chức, Phong trào hay Công ty. Chúng tao có cái tên nho nhỏ: Nhóm Tuổi Trẻ Đánh cọng sản.
Đinh Cường thấm lời đàn anh hơn nó có hai tuổi. Nó gặp riêng thằng em Đinh Dũng nói những gì mà Đinh Vượng đã nói với nó. Đinh Dũng khoái chí:
- Tôi âm thầm đi kiếm Phục Quốc, kiếm hoài không ra, nay các ông cho tôi cơ hội chơi cọng sản, còn gì bằng. Tôi chơi ông chú, bà thím trước.
- Cách nào?
- Đọc truyền đơn của mình.
- Đừng.
- Yên chí, tôi sẽ nhét vào túi ông chú một cái, bà thím một cái, khi họ đến đây thăm bà nội.
Hai tháng 10 và 11 năm 1975, Sài Gòn đầy truyền đơn. Truyền đơn đủ loại. Đánh máy. In Ronéo. Truyền đơn nhét vào xe hơi. Truyền đơn bỏ vào giỏ đi chợ. Truyền đơn nhìn mặt đưa công khai. Truyền đơn ném vô nhà… Truyền đơn hứa hẹn tái chiếm Sài gòn. Truyền đơn dặn dò ngày tấn công. Truyền đơn viết non nớt, ngo nghê, ngớ ngẩn mà nhiệt tình. Vững chãi nhất là truyền đơn của nhóm Tuổi Trẻ Đánh Cọng Sản. Sở Công An Nội Chính ngạc nhiên không hiểu bọn phản động in, rải truyền đơn bằng những phương tiện nào. Họ điều tra. Họ giăng lưới. Đinh Dũng, những ngày chưa chơi nhau với cọng sản, thường rong chơi các khu chợ trời. Cậu mua đồng hồ, radio giùm bộ đội nên quen vài anh bộ đội. Đinh Dũng còn bán xăng ăn cắp giúp bộ đội nữa. Do đó, cậu đã thản nhiên ngồi trên xe dzíp của bộ đội mà rải truyền đơn mỗi tối.
Đinh Cường dán bích chương kêu gọi dân Sài Gòn tẩy chay cọng sản. Cậu dán những khẩu hiệu sôi sục chiến đấu. “Còn cọng sản, còn tù đày, đói khổ”. “Chặt đầu Lê Duẩn, phanh thây Trường Chinh”. “Tống cổ bọn nón cối, giép râu khỏi miền Nam”… vân vân. Ở góc mỗi khẩu hiệu, bích chương đều ghi tắt NTTĐCS. Cái thú của Đinh Cường là, sáng sáng, ra ngắm “tác phẩm” của mình trước khi bị bọn Cờ Đỏ lột đi, lèm bèm chửi rủa bọn phản động với công an phường.
Đinh Vượng làm những việc lớn hơn. Bằng hữu của cậu toan tính gây một tiếng vang lớn ở Sài Gòn. Đinh Vượng không hề nói kế hoạch của cậu cho hai em biết. Đinh Dũng đã nhét được vào túi áo mưa của ông chú Đinh Khang và bà thím Nguyễn thị Bình, mỗi người một cái truyền đơn. Cậu rất buồn vì không thấy phản ứng của hai đảng viên đảng cọng sản. Khi mùa mưa chấm dứt, hoạt động của Đinh Vượng, Đinh Cường, Đinh Dũng cũng chấm dứt theo. Lợi dụng nhiệt tình và lòng ngay thẳng của tuổi trẻ, công an cọng sản đã tung bọn sinh viên học sinh nằm vùng của họ gia nhập các tổ chức phản động. Bọn phản phúc làm việc tận tình, chúng hăng say đánh cọng sản hơn cả Nhóm Tuổi Trẻ Đánh Cọng Sản và các tổ chức chống cọng khác. Chúng mai phục theo chỉ thị, rất công phu và kiên trì. Cuối tháng 11-1975, nhóm Đinh Vượng dính lưới công an hết. Đến cuối tháng 6-1975 thì các tổ chức chống cọng sản của sinh viên học sinh tan rã. Kẻ vào tù, người bỏ trốn về các vùng kinh tế mới, người tình nguyện vào thanh niên xung phong để tạm ẩn thân, chờ đợi cơ hội khác.
Ba anh em Đinh Vương, Đinh Cường, Đinh Dũng bị bắt tại nhà. Công an bảo vệ chính trị áp vô lúc 9 giờ tối. Họ còng tay ba anh em lại, bắt đứng nghiêm nghe họ đọc “Quyết định”. Đinh Vượng không đứng nghiêm. Hai người công an kè cậu đứng dậy. Đinh Vượng thản nhiên nói:
- Một mình tôi dám đánh chế độ cọng sản bằng cái đầu và trái tim. Cả chế độ xúm lại bắt tôi bằng còng, súng đạn và quyền hành. Tôi nhận tội hết. Hai em tôi bị khích động thôi.
Đinh Cường cố đưa cái cổ cao lên:
- Tại sao tôi không nhận tội đã đánh chế độ nhỉ?
Đinh Dũng lây máu đàn anh:
- Và tôi nữa!
Người công an lớn tuổi hỏi ông Đinh Phụng:
- Ông có ý kiến gì?
Ông Đinh Phụng nhìn ba đứa con trai, trả lời công an:
- Đã bao giờ ông thấy sư tử đẻ ra chó chưa? Ông có thể bắt thêm tôi, nếu cần thiết.
Công an im lặng. Họ lục soát lung tung, tịch thu bừa bãi. Hai giờ sáng, ông Đinh Phụng ký vào biên bản. Ba anh em họ Đinh rời gia đình. Tháng 4 năm 1977, Đinh Cường và Đinh Dũng được trả tự do. Ít lâu sau, ông bố thầm lặng mất khi Đinh Vượng, hai tay còng chéo vào nhau, ngồi dựa lưng ở góc tường cachot khu A đề lao Gia Định.