The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
iện tín báo tin Như Nguyện chờ tôi ở Đà Lạt, vẫn tại ngôi biệt thự như một toà lâu đài ở đường Hoa Hồng. Tôi thì còn phải bận rộn trong ít hôm nữa. Thời gian làm việc thật gấp rút vì viên Trung tá phòng Năm sắp bị tướng Trị đổi đi. Trên đường tới Quân đoàn, tôi rẽ qua ty bưu điện nhỏ như cái hộp gởi một điện tín cho Nguyện hẹn có thể gặp nàng trong vòng hai hôm nữa. Biết tính Nguyện, tôi không hy vọng Nguyện chờ đợi và có thể nàng sẽ trở lại Sài Gòn ngay buổi chiều. Phải chi tôi có Nguyện lúc này, đó là những phút hạnh phúc mà Nguyện chẳng thể chia sẻ hoặc chẳng bao giờ nàng nghĩ tới. Lúc này bỗng dưng tôi cảm thấy ngại khi nghĩ tới tối nay trở về căn phòng khách sạn tồi tàn, một mình lụi cụi gõ chiếc bàn máy để có bài gửi kịp chuyến bay buổi sáng. Có lẽ chỉ là một bài tạp ghi những điều tai nghe mắt thấy trong những ngày theo chân chiến dịch định cư đồng bào Thượng. Khi ném cây cọ để cầm bút, tôi vốn chán sự chỉ trích dù là xây dựng, không phải tôi ngại sự khó khăn xảy ra với các giới chức nhất là với tướng Trị, nhưng là mức độ hữu dụng của ngòi viết. Tôi không muốn cố gắng cái mà người Thượng Rhadé gọi là dìm sâu những ống tre khô dưới mặt nước. Ở một hoàn cảnh đã quá nhiều đen tối, hy vọng phải được thắp lên dù chỉ là một vài đốm sáng yếu ớt.
“Tôi xuống thế này là hết rồi, đưa đi đâu cũng chỉ có khá hơn, đổi sang đơn vị tác chiến càng thích hợp với khả năng của tôi nữa.”
Đến lúc sắp ra đi, đây là lần đầu tiên ông Trung tá tỏ lộ sự bất mãn. Đó là một sĩ quan xuất sắc dưới thời ông Diệm, nguyên làm tỉnh trưởng Bến Tre và chịu biện pháp đầy ải lên cao nguyên sau cách mạng. Đó thực sự là một công bộc quốc gia với tất cả tận tâm và cần mẫn, ngay ở địa vị hiện tại. Tôi cũng được biết thêm chi tiết rằng những năm đầu dưới thời ông Diệm khi ông là thiếu tá thì tướng Trị mới là sĩ quan cấp uý và hiện giờ ông được kể là thâm niên nhất ở nguyên vị cấp bậc của mình.
Khi trao vào tay tôi tập giấy đóng bìa cứng, viên Trung tá bảo nếu có thể anh hãy cho tôi một đặc ân là đừng phổ biến gì lên trên mặt báo. Đây là một hồ sơ mật, đối với tướng Trị nó như một cái xương hóc nuốt không trôi cũng chẳng thể lấy ra. Tôi cũng không hiểu tại sao ông Trung tá đã xử sự tôi với đặc biệt cảm tình, ông bảo mới gặp lần đầu tiên ông đã tin cậy tôi ngay và cho đến bây giờ ông vẫn tin ở trực giác của mình đúng. Dầu sao thì ông cũng vẫn tỏ lộ sự e ngại và khuyên tôi nên thận trọng:
“Anh coi chừng ông Tướng cũng chẳng ưa gì đám nhà báo. Sự có mặt của anh nơi đây như một cái gai mà ai cũng muốn nhổ đi. Sự khó dễ lúc nào cũng có thể có. Riêng đối với tôi còn ở đây ngày nào tôi còn cố sức giúp anh trong quyền hạn có thể của mình. Tôi trọng kỷ luật và nguyên tắc nhưng cũng biết đâu là giới hạn và cả ngoại lệ nữa.”
Ông cười nhưng không giấu được vẻ thoáng buồn trong câu nói. Tôi đang có trước mặt những cặp hồ sơ đầy dấu chữ đỏ mật hoặc tối mật. Một lần nữa trí óc tôi phải làm việc chứ không thể cầm viết ghi chép. Đây là những bức thư và tài liệu của phe ly khai, phần lớn viết bằng tiếng Pháp kể cả truyền đơn hô hào người Thượng nổi dậy, đám người mà ai cũng biết có tới 99 phần trăm mù chữ dốt nát. Cả lịch sử bi hùng của cao nguyên như gói trọn trong huyền sử cuộc đời của một người đàn ông Thượng đã từng được mang họ cụ Hồ để chiến đấu bên cạnh người Mỹ. Và những chữ nối nhau chỉ là những chi tiết của một trang sử máu. Và thường tình máu chỉ gọi tới máu, đó cũng là giai đoạn không nương tay của tướngThuyêát, khi ông còn ngự trị trên đồng rừng cao nguyên.
Khi biết tướng Trị sắp tới, tôi gấp trả lại tập hồ sơ với lời hứa cho phép trở lại của viên Trung tá. Lúc này còn quá sớm cho cuộc hẹn gặp Davis. Tôi rảo một vòng xuống phố mua mấy tờ báo. Báo gửi chậm một ngày nhưng vẫn ghi đúng ngày tháng. Và giữa những trang báo quen thuộc, tôi lại thấy xuất hiện cái bút pháp kịch liệt của ông Hoàng Thái Trung khi chỉ trích cuốn sách của một tác giả Mỹ viết về những người lính Mũ Xanh. Ngoài cái sắc bén thâm sâu, giọng ông lúc này còn đượm nhiều vẻ ngầy ngà cay đắng. Lần đầu tiên ông để mất cái phong thái trầm tĩnh cố hữu để bị lôi cuốn vào những luận cứ đầy cảm tính. Cái trẻ trung của một trí thức đáng mến ở chỗ còn nguyên chất lửa ấy. Tôi nghĩ tới ông Trung, tới Huế và những ngày sẽ sống với Nguyện ở ngoài đó, chính tôi cũng không thể ý niệm rõ. Lần gặp gỡ đầu tiên với ông Trung trong một hoàn cảnh đặc biệt với những kỷ niệm thật đậm đà. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, sau lần triển lãm có vẻ thành công, có một cuộc họp mặt của những văn nghệ sĩ thời danh do sáng kiến của ông Ngoại giao. Ở một thời kỳ mệnh danh là cách mạng, ai cũng thấy phải làm một cái gì. Bộ Giáo dục thì tấp nập thành lập những phái đoàn sinh viên xuất ngoại để giải độc dư luận gây thành tích ngoại giao, trong khi Bộ Ngoại giao thì lại có cả một kế hoạch giải toả văn hoá rộng lớn. Hôm đó ngoài số hoạ sĩ bạn thân, tôi còn thấy hiện diện một số khuôn mặt văn nghệ lớn. Một nhà văn tiêu biểu chống cộng thuộc thế hệ bốn mươi, một văn trẻ thuộc thế hệ lạc lõng với nhân vật tôi cố hữu là đàn bà, một kịch tác gia nổi tiếng chưa hề viết kịch. Tôi chú ý tới sự có mặt của nhà phê bình văn học Hoàng Thái Trung. Ông vừa là một nhà báo, một giáo sư đại học rất trẻ, luôn đề cao sự hoài nghi về ý nghĩa mù mịt của trận chiến tranh hiện tại. Ngòi bút của ông ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới trẻ và được coi như biểu hiệu một thái độ trí thức đứng đắn. Cũng bởi đó ông bị nhiều người gán cho là cộng sản, cũng rất may ông là người Thiên chúa giáo, mà đã là công giáo thì không thể sống chung với cộng sản. Nhưng tiền đề này cũng không hoàn toàn đúng khi được biết sau này ông Trung đã rời hàng ngũ để đi sang con đường bên kia. Cũng bởi sự có mặt của nhân vật Hoàng Thái Trung hôm đó đã gây cho ông Ngoại giao những cảm giác khớp kháp khó chịu. Khi còn là nhà báo, hai người đã có những xung khắc thể hiện bằng mấy cuộc bút chiến và sau đó Hoàng quân bị chánh quyền và người Mỹ liệt xếp vào thành phần thiên tả nguy hiểm. Riêng với ông Ngoại giao, từ lâu tôi vẫn chỉ được nghe tiếng ông hơn là biết mặt. Ông xuất thân từ một dòng dõi Nho học nhiều tiếng tăm, vậy mà dư luận vẫn gán cho ông là một trong những thành phần nội các có dính líu nặng nề với người Mỹ. Ở một thời đại mà lời đồn đãi quá nhiều khiến người ta nghi ngờ tất cả ngay như đó là một hành vi tố cáo. Tôi chỉ biết nguyên ông ta là chủ bút một trong hai tờ báo Anh ngữ ở Việt Nam, có thái độ thân Mỹ rõ rệt và bênh vực vô điều kiện sự có mặt của quân đội Mỹ trong vùng Đông Nam Á châu. Ông có thái độ chống cộng thật hăng hái, điều đó không ai có thể phủ nhận. Đó cũng là lý lẽ ông được người Mỹ tin dùng nhưng theo nhận định của giới thân cận thì ông ta là hình ảnh của một tinh thần quốc gia mờ nhạt đến độ đáng phàn nàn. Là nhà ngoại giao Việt Nam nhưng ông là phát ngôn viên trung thực cho chánh sách đang theo đuổi của người Mỹ.
Trở lại mục đích cuộc họp mặt là cố gắng giới thiệu các công trình văn hoá ra ngoại quốc, như điều mà miền Bắc cũng đã làm. Dự định to lớn nhưng đúc kết buổi nói chuyện thật còm cõi và chẳng đưa tới một kết quả cụ thể nào. Tôi không muốn nhắc tới những đường hướng dẫn lối của ông Ngoại giao bắt đầu từ một quan niệm nghệ thuật vô cùng sơ đẳng, tôi cũng không muốn nhắc lại những chi tiết không mấy đẹp hôm đó do thái độ cầu cạnh của một số mệnh danh là văn nghệ sĩ. Tôi cũng gặp Như Nguyện, người đàn bà mua tranh tôi trong vai trò tuỳ viên văn hoá của sứ quán và tôi cũng không thể nghĩ rằng sẽ có những ràng buộc định mệnh giữa tôi và nàng sau này. Thực sự cho đến bây giờ tôi không biết gì hơn về người đàn bà ngoài cái hiện tại của một cuộc sống phóng thả và rất nhiều tai tiếng. Nguyện đối với tôi có một sức hấp dẫn kỳ lạ của một loài chim bay rất cao để có một tiếng hót hay. Có lần từ Tokyo, Nguyện viết thư cho tôi, thư khá dài không đề cập tới một chuyện gì rõ rệt nhưng chứng tỏ tâm hồn nàng đang có những dao động. Nguyện bảo, nàng như một con chim nhỏ đi trốn tuyết và rất cô đơn. Phải chi Nguyện được anh giam hãm như anh đã từng giam hãm con mèo đen trên cái ấm áp của một thảm hồng. Tôi thấy nhớ Nguyện và nghĩ rằng nếu tôi trở lại với hội hoạ cũng bởi tại một nỗi thầm kín riêng tư nào. Tôi trở lại chỗ hẹn, Davis đang nôn nóng chờ tôi tới. Y Ksor khẩn cấp cho người mời chúng tôi lại nhà làng. Không khí đang trở nên thù nghịch, sự căng thẳng lên tới cực điểm khi có nhuốm vẻ thần linh tôn giáo. Cả Buôn Hdíp Mrâo vừa ổn định cuộc sống hiền hoà hôm qua nay bỗng trở lại nhốn nháo như sẵn sàng cho một cuộc nổi loạn.
“Kdi rai Cam, ram Yuăn.”
Y Ksor bảo thế, mọi sự đã tan tành như sau trận chiến giữa người Chàm với người Kinh. Bao nhiêu công trình sửa soạn cho khu định cư bỗng dưng thất bại trở thành mây khói. Hơn một ngàn người nhất tề đứng dậy đòi trở lại rừng sâu. Họ sợ hãi nhưng quyết liệt chống cự lại những người lính ngăn cản.
“Tại sao vậy, thiếu tá Ksor? Hay là họ bất mãn vì trợ cấp quá thiếu thốn?”
“Đâu có, đây chính là thí điểm tiếp cư kiểu mẫu nên khả năng tiếp liệu được coi là dư thừa nhất. Chỉ tại ông Trung uý thì còn trẻ và hăng hái quá lại là người miền xuôi nên không biết rõ họ.”
Nghe nói vậy viên Trung uý tỏ vẻ kháng cự Y Ksor, hắn quả quyết nạn nhân là một tên Thượng cộng nằm vùng và chính tên này bày đặt ra bùa phép xúi giục dân chúng. Ở những trường hợp bối rối khó khăn, thiếu tá Y Ksor tỏ ra bình tĩnh hơn bao giờ:
“Tôi biết và cả phục Trung uý nữa về những kinh nghiệm chiến tranh rừng rú nhưng còn sự am hiểu người Thượng với tập quán phong tục đầy mê tín dị đoan của họ chắc Trung uý không thể nào bằng tôi bởi rõ ràng chính tôi là một người Thượng. Không phải tôi cố ý quy lỗi nhưng chính vì sự bắt bớ tra tấn người thầy cúng của họ nên mới gây ra tình trạng căng thẳng. Điều mà tôi lấy làm tiếc là với những đồng bào còn quá mê tín như vậy lẽ ra phải tìm cách thuyết phục người thầy cúng của họ trước.”
Thì ra đã quen với nếp sống du mục đốt rừng làm rẫy, khi dời tới một địa điểm mới nào dân làng đều có nhờ một vị thầy cúng làm lễ xin phép thần Nhang xem có cho họ ở lại vùng đất mới hay không. Nếu không thì họ tin rằng thần linh sẽ quở phạt, làm ra bệnh tật và chết chóc và bây giờ họ đang tìm cách chạy xa mảnh đất mà họ tin là nhiều ma quỷ và chết chóc. Y Ksor nói với tôi giọng bày tỏ:
“Ông nhà báo thấy không dù phương tiện trang bị tới mức nào cũng rất có thể thất bại nếu quên khía cạnh chuẩn bị tư tưởng trong việc di dời.”
Viên Trung uý tỏ vẻ biết phục thiện và hỏi lại thiếu tá Y Ksor là hắn ta và những người lính có thể làm gì được trong giới hạn hiện tại. Dường như đã nắm vững tình thế, viên Thiếu tá đưa ra ngay một giải pháp khả hữu:
“Những người Thượng bản chất rất hiền lành nhưng họ trở nên hung bạo khi sợ hãi. Việc ngăn chặn lưu giữ họ lâu thêm trên mảnh đất này chỉ làm tăng thêm mối sợ hãi đó. Theo tôi, Trung uý cứ để họ ra đi và tiếp tục canh chừng cũng như giúp đỡ, họ cũng chẳng vào ngay trong rừng sâu để bị bắn lầm hoặc gặp lại những tên du kích cộng sản mà họ vốn thù ghét. Địa điểm này chắc chắn không còn dùng thêm được nhưng cũng không thể bỏ phí, chúng ta sẽ di dời họ tới một nơi cách đây chừng vài cây số, cũng bên trục quốc lộ và tôi sẽ cố thuyết phục người thầy Nhang của họ chấp nhận nơi đó.”
Y Ksor còn phải giải quyết thật nhiều những khó khăn, trong đó có việc mua chuộc người thầy cúng vô tội đã bị tra tấn xưng vù cả mặt mũi. Ông cũng tỏ ý lo ngại sự hiện diện của mấy nhà báo Mỹ vì rất có thể sự đụng chạm này được họ giải thích như hậu quả của sự miệt thị và bạc đãi đối với những người Thượng bị dồn vào những nơi mà họ gọi là trại tập trung để đầy đoạ và tiêu diệt và vì thế người Thượng phải vùng dậy liều chết trở lại rừng sâu. Có lẽ mục sư Denman đã khôn khéo rút lui trước để tránh một ngộ nhận tai tiếng như thế.
Cả buổi tối bên ghè rượu, như một nhà ngoại giao đại tài, Y Ksor đã thuyết phục thiệt hơn với người thầy cúng và cả những vị chủ làng với lời nhận lỗi và hứa hẹn tiếp tục giúp đỡ. Ông cũng hứa sẽ bắt đầu xây cất lại một Buôn Hdíp Mrâo mới trên một vùng đất lành mà vị thần Nhang cho phép tới.
Không khí có vẻ hoà hoãn và dịu hẳn xuống nhưng cũng không tránh được quyết định cho họ ra đi. Buổi sáng, viên Trung uý cho lệnh vòng vây được giải toả, từng đoàn người bồng bế với gia súc đi thành hàng dài về phía mặt trời mọc, hướng về dãy núi lam và khu rừng xanh phía xa. Chưa ai có một ý niệm gì về cái đích sẽ đặt chân tới. Khi đám những người Thượng cuối cùng đi khỏi, nhìn ngôi làng mới lấp loáng nắng trên những mái tôn, vắng hoe như một ngôi chợ dựng lên rồi bỏ hoang, thiếu tá Y Ksor mắt nhoà lệ, nét mặt đanh lại để cố dằn một tiếng khóc.
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh