How many a man has dated a new era in his life from the reading of a book.

Henry David Thoreau, Walden

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
au khi đơm xôi thắp nhang trên bàn thờ chồng, bà Huệ lật đật vào bếp dùng chiếc đũa cả xới phần còn lại trong nồi đang nghi ngút ra dĩa sành, cẩn thận để xuống, vun lại cho gọn gàng đoạn rắc tí muối mè lên trên, cầm dĩa xôi đi vào phòng cháu.
Hải đang ngồi bên bàn học. Tuy nhìn từ phía sau lưng nhưng bà chợt khựng lại khi thấy cháu hình như không đọc sách mà nhìn ra ngoài.
Bà kêu khẽ:_Hải ăn sáng đi con, đói chưa?
Hải giật mình quay lại vội vã nhấc đĩa xôi từ tay cô hít hà:
_Trời ơi! Nhìn xôi đậu cô nấu hấp dẫn quá!
Không màng đến cái thìa gỗ cô cắm sẵn trên mặt xôi, Hải lấy tay bốc xôi vo tròn bỏ gọn lỏn vào trong mồm nhai ngon lành.
Nhìn cháu ăn xôi bà Huệ chép miệng:
_Cô đã nói rồi, học hành gì thì cũng phải nhớ tới bữa ăn. Lỡ cô không có nhà cả tháng, con cũng bữa no bữa đói sao con? Nấu nồi cơm đâu mất bao lâu, rau cải ngoài vườn sẵn đó ngắt vào vài cọng ăn cho mát ruột.
Hải vội lấp liếm lái sang chuyện khác:
_ Lần này cô mang hàng trên đó về nhiều không, có củ nâu nhuộm áo không cô?
Bà Huệ ngạc nhiên tròn xoe mắt:
_Ủa sao tự nhiên con không hỏi gì lại hỏi mỗi cái thứ củ nâu?. Con cần à? Thật ra cô buôn mỗi thứ một ít. Các loại rễ làm thuốc, măng, nấm khô này, củ nâu này, mật ong này…Ba cái thứ linh tinh ai dặn gì, cần gì cô mới mua chứ ai hơi đâu cái gì cũng quơ vào rinh về có mà hết vốn! Mình lấy công làm lời ấy mà! Thế nhưng con khỏi lo, con cứ gắng học đi, cô đủ sức chi tiền cho con lều chõng đi thi.
Bà Huệ vuốt nhẹ vai Hải:_Con trai ơi! Dù khổ bao nhiêu, vất vả lên rừng xuống biển thế nào đi nữa mà con trai học hành nên danh phận là cô không màng gì đâu!
Hải cảm động chớp chớp mắt nhìn cô:
_Cô ơi cô lo cho con thế này con ngại lắm! Nếu con thi không đỗ thì sao?
Cô Huệ nắm tay Hải bóp nhè nhẹ:
_Nếu không đậu cũng không sao. Con đã đỗ đầu khoa thi Hương, nếu con không mơ tới thi Đình thì đã có danh phận không phải chỉ trong làng trong huyện. Còn không thi đỗ thì về làm thầy dạy chữ cũng không muộn, phong lưu chán, lo gì! Phải vậy không?
Hải gật gù:
_Đúng vậy! Con mơ vào thi Đình mặc dù mới qua kỳ thi Hương chưa thi Hội.
Bà Huệ không nói gì nữa lặng lẽ nhìn cháu ăn xôi. Đang ăn Hải chỉ tay về phía bãi cỏ thấp thoáng sau ngàn dâu thưa ở phía xa xa:
_Bãi cỏ phơi lụa của nhà ai thế cô?
Bà Huệ:_Nhà ông chủ dệt lụa, ông Mạc em ông Khang hương trưởng chứ ai vào đó nữa!
Hải hỏi tiếp:
_ Có phải ông ấy có người con gái tên Vân Sa không?
Hỏi tới đây bỗng dưng mặt Hải nóng ran khi thấy cô Huệ nhìn mình trân trối. Cả tuần nay từ khi gặp Vân Sa hồn phách Hải cứ để đâu đâu. Đọc sách tập trung được một chút lại tha thẩn lan man vương vấn hình bóng yêu kiều chàng bất ngờ gặp gỡ bên bãi cỏ.
Một lát bà Huệ đáp:
_Ừ đúng rồi! Vân Sa là con gái rượu đấy! Nhà đó chỉ có một tiểu thư con người vợ trước và một công tử con bà vợ hai còn bé lắm chừng sáu bảy tuổi gì thôi!
Hải hỏi lại:
_Ủa ổng hai vợ à?
Bà Huệ:
_Không! Mẹ Vân Sa mất khi cô ấy mới ba tuổi. Ở vậy mấy năm sau ổng mới lấy vợ khác mà!
Thấy cháu hỏi kỹ càng, nhìn dáng vẻ cháu, bà Huệ biết ngay Hải cảm Vân Sa mất rồi! Điều này đâu khó hiểu. Một người già dặn như bà không thể lầm được. Chợt bà cảm thấy lo lo. Sao cháu lại gặp Sa nhanh thế nhỉ?. Sa là con nhà gia thế, lại sắc nước hương trời ai nhìn chả phải lòng. Chỉ có điều thân phận như gia đình bà liệu có hợp không? Khéo chừng thiên hạ lại dè bỉu “Đũa mốc mà chòi mâm son” ấy chứ! Nhưng nghĩ cho kỹ, ngoài sự giàu có, ngoài chức phận của ông Khang (anh ông Mạc) thì gia đình ấy có gì hơn gia đình bà?. Hải, cháu bà là một thanh niên tuấn tú hay chữ nhất làng trên xóm dưới, biết bao thiếu nữ mơ ước, thiếu gì người ướm hỏi để mai mối cho con gái họ mà bà đã trả lời đâu! Bà tin rằng Hải dư sức tìm được người xứng đáng. Nếu người đó là Vân Sa thì càng hay chứ sao! Nghĩ vậy bà nhìn Hải bỏ miếng xôi cuối cùng vào miệng nói giọng ỡm ờ:
_Con cố gắng học hành, mai mốt vinh quy bái tổ về làng cô đi hỏi Vân Sa cho!
Mắt Hải sáng lên miệng còn lúng búng xôi chưa kịp nuốt gật lia lịa:
_Vậy cô nhớ đó! Con quyết thi đỗ khoa này. Nhà ông Mạc kín cổng cao tường, từ hôm gặp Vân Sa đến giờ không thấy bóng dáng đâu nữa!
Bà Huệ không nói gì thêm, lặng lẽ mang đĩa xôi đã hết bước ra khỏi phòng, mỉm cười một mình. Bà đang nghĩ cách để Hải có cơ hội gặp Vân Sa.
Bà Huệ khoả cái chén cuối cùng trên mặt nước xếp vào rỗ tre gác sẵn trên cầu ao, xong xuôi đưa tay lên ngang trán tránh ánh mặt trời làm chói mắt. Bà nhìn về hướng bãi cỏ rộng thênh thang nhà ông Mạc như chờ đợi. Bà bỗng giật mình. Buổi trưa vắng vẻ có bóng ai thấp thoáng ngoài bãi dâu gần vườn sau nhà bà. Chưa kịp lên tiếng hỏi thì Vân Sa xuất hiện. Nàng mặc áo ba tà màu nâu, vấn tóc đuôi gà đi băng băng qua vườn cải. Dáng Vân Sa như lả lướt trong nắng tràn, gió lộng. Những bông cải vàng lung linh nổi bật in trên tà áo nâu. Khi nàng dừng lại khẽ đưa tay dạt nhẹ những bông hoa vàng sang hai bên để đi cho dễ thì bà Huệ cắp rổ chén dĩa từ phía cầu ao cũng vừa trờ tới, bà kêu lên:
_Vân Sa đó à!. Cô nhắn thằng Bôn mấy bữa rồi, nó có nhắn lại ngay cho con không hay bữa nay mới nói, cô trông con quá trời!
Vân Sa hỏi:
_Có gì gấp không cô?
_À không! Chỉ là hôm lên mạn ngược, cô mua được ít quế tốt lắm, thơm ngon vô cùng, chút nữa con mang về cho nhà dùng. Nấu trà uống cho ấm người mỗi khi trời lạnh. Ủa sao lại đi lối này? Sao không đi ngõ trước gần hơn không? Đi lối này…mới đầu cô tưởng… bà ấp úng, Vân Sa tiếp ngay:
_Tưởng ăn trộm chứ gì?
Vân Sa thành thật phân bua:_ Con đi đằng sau khỏi mắc công chào mọi người. Dì con đang tiếp khách cô ạ!
Bà Huệ nhìn Sa bật cười không nói gì. Từ lâu bà thấy tuy Vân Sa, lá ngọc cành vàng nhưng vì mất mẹ sớm hồi nhỏ hay chơi với trẻ con trong xóm không bị cách biệt cấm đoán như những cậu ấm cô chiêu khác nên nàng tự nhiên, không khách sáo rất dễ gần. Có gì nói toạc móng heo ít khi để bụng. Có sao nói vậy!
_Anh Bôn nói sớm, nhưng từ hôm con bị ngất xỉu trên đình khi xử chị Lạc đến giờ bố và dì hay để ý, con khó ra ngoài. Nói tới đây hai mắt Vân Sa rơm rớm lệ.
_Thôi đừng buồn nữa con! Mỗi người một phận. Cái làng này a, nếu phải khóc cho mọi người e là khóc cả đời!
Lần theo con đường mòn băng qua vườn cải, một lát sau cả hai đã vào trong bếp.Vân Sa thập thò đầu ngó ra gian trước hỏi khẽ:
_Anh Hải đang học phải không cô?
Hỏi xong nàng đưa tay lên miệng: Suỵt mình nói nhỏ thôi! Con ngồi dưới này với cô được rồi.
Bà Huệ nghe Vân Sa nhắc tên cháu mình sướng rơn, đúng ý bà quá nhưng giả vờ hỏi:
_Con cũng biết Hải à?
Vân Sa đáp:
_Sao không biết được. Anh ấy là một trong những người đỗ đầu khoa thi hương mà!
Bà Huệ gật gật đầy tự hào, nếu không có mộng thi đình thì cháu bà đã nhận một chức vị ra trò ở làng cũ rồi không về đây đâu! Nghĩ vậy bà tâm sự:
_Đời cô bây giờ đi buôn một thời gian nữa cho Hải tiếp tục ứng thi chứ sau này cô sẽ ở nhà thôi! Cô mong Hải thi cử xong xuôi thành gia thất để cho cô có cháu bồng là cô mãn nguyện, chẳng mong gì hơn.
_Chào Sa. Sao cô không mời khách lên nhà trên mà lại ở dưới bếp thế này?
Vân Sa quay đầu lại. Hải đứng ở ngưỡng cửa nhìn vào. Chàng cười thật tươi chỉ ra phía ngoài:
_Mời cô Vân Sa ra đây! Hân hạnh được cô tới thăm.
Bà Huệ giục:_À hoá ra biết nhau hết rồi à! Vậy Sa lên nói chuyện với Hải đi. Đợi cô đun ít trà ăn với bánh đậu xanh mới mua ngon lắm! Chờ Sa qua ăn chung cho vui đây!
Vân Sa kêu lên:_Ấy chết khách với khứa gì, để cho anh Hải học chứ! Em ngồi dưới đây được rồi.
Thật ra Hải chờ giây phút này từ cả chục ngày nay. Cô Huệ có nói hồi trưa là cô đã nhắn Sa qua chơi. Hải khấp khởi từ đó tới giờ có đọc được trang sách nào đâu, vào giường cũng chẳng chợp mắt được. Cô Huệ đứng đằng sau nháy mắt ra hiệu. Hải thu hết can đảm năn nỉ:
_Thôi mà cô Sa! Cô ngồi trong này thì làm sao tôi ngồi ngoài đó ăn bánh đậu xanh nhâm nhi một mình đây! Xin mời cô. Nhà có mấy người đâu! Lâu lâu cũng phải nghỉ ngơi chút chứ cứ học riết có mà điên chứ thi với cử gì!
Vừa nói Hải vừa nhìn Sa đăm đăm. Ánh mắt chàng thật tha thiết khiến Vân Sa không cưỡng lại được đành bước theo chàng ra gian giữa.
Vân Sa đứng lại nơi bàn thờ có linh vị của chồng cô Huệ thắp một nén hương lạy rồi cắm vào bát nhang.
Sa đang lúng túng không biết có nên ngồi xuống cái phản gỗ gần bàn thờ không thì Hải đã vội vàng rút cái ghế đẩu dưới cái bàn đan bằng mây tre đặt ở góc phòng bên song cửa nhìn ra đầu ngõ trịnh trọng mời:
_Mời cô ngồi chơi, nhà tuềnh toàng quá mong cô đừng để ý.
Sa vén tà áo nâu ngồi xuống:
_Anh khách sáo chi vậy! Em chứ có phải vua chúa chi đâu mà anh rào trước đón sau cho mệt. Vừa nói Vân Sa vừa cười khúc khích.
Hải lặng ngắm nàng qua màu áo nâu, làn da trắng, nét mặt thanh tú, trong màu áo này Vân Sa không tạo cho chàng cái cảm giác xa vời như trong màu áo trắng hôm trước khiến có khát khao nhưng không dám tin mình có thể chạm được, với được tới nàng. Hôm nay nàng ngồi đây mộc mạc đơn sơ nhưng căn phòng vẫn như sáng bừng bởi vẻ đẹp thanh tao tươi sáng của nàng. Nàng toát ra một vẻ quyến rũ lạ lùng, khiến Hải có ý nghĩ thật táo bạo phải chiếm hữu được nàng nếu nàng không phải của chàng có lẽ chàng không thể nào làm được chuyện gì nên hồn. Cứ nghĩ vẻ đẹp này sẽ là của ai đó không phải của mình đầu óc Hải cứ rối tung lên, hơi thở như bị nghẹn lại.
Thấy Hải ngây người ra nhìn mình không chớp mắt Sa e thẹn ấp úng nói:
Anh Hải sao vậy? Suy tư gì vậy? Ngồi xuống đi chứ. Chủ đứng mà khách ngồi sao đặng?
Hải vội kéo ghế ngồi nói đùa:_ Sa biết anh đang nghĩ gì không? Anh đang nghĩ có cái lọai gì mà bôi vào ghế để rồi khách ngồi xuống đứng dậy không được nữa, giống như mủ mít dùng bắt ve sầu đó!
Vân Sa phá lên cười ngất. Hải cũng cười theo. Chỉ một lúc họ nói chuyện thật rôm rả như thể đã quen biết nhau lâu lắm vậy!
Đang nói chuyện bỗng mắt Vân Sa dừng laị ở bức đại tự và hai câu đối trên bàn thờ. Hai bên tường có treo hai bức thư pháp. Tất cả đều mới toanh màu mực tươi rói nổi bật trên nền giấy thắm đỏ. Nét chữ sắc sảo rất có thần. Lần đầu tiên không cần sự giải thích của ai nàng đã hiểu được thế nào là nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa. Thấy Sa nhìn đăm đăm những câu đối trên tường Hải giải thích:
_Bức đại tự trên bàn thờ cũ quá lâu đời rồi anh mới viết lại đó.
Thấy Hải xưng anh thật tự nhiên không ngượng ngập Sa cúi xuống mân mê tà áo, một lúc nàng mới ngửng đầu lên nói:
_Anh biết không nét chữ nói lên nết người
Hải hỏi:
_Vậy anh có “nết” không em.
Sa nói như một lời khen:
_Viết chữ Hán, học chữ Hán theo em rất khó, phải tài hoa lắm mới viết được như vậy!
Hải gật đầu:
_Em nói đúng. Chữ Hán anh đang học chỉ dùng trong thi cử, trong văn chương cao vợi uyên thâm. Đây là chữ thông qua đó người Hoa dùng khi đô hộ muốn đồng hoá người Việt. Chữ Hán là chữ chính thống của triều đình, là quốc tự chứ không phải quốc âm, tiếng Việt của mình. Chữ Hán không ghi lại quốc âm hay quốc ngữ do đó người Việt phải dùng ký tự chữ Hán để ghi tiếng Việt đó là chữ Nôm. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm viết bằng chữ Nôm mang nặng hồn Việt hơn, đi vào lòng dân ta hơn nhất là Kiều của cụ Nguyễn Du. Cũng bởi lẽ đó đôi khi triều đình cũng dùng chữ Nôm làm văn tế.
_Ồ! Em cũng mê thơ cụ Nguyễn Du lắm! Đọc ngược đọc xuôi đều hay quá anh ạ!
Hải tâm sự:
_Bản thân anh khi học chữ Hán cũng cảm thấy xa lạ không nuốt trôi hiếm khi có sự đồng cảm. Mà nếu có anh cũng khó giải thích
Vân Sa hỏi lại:
_Sao vậy anh?
Hải ậm ừ:
_Ờ thì anh thấy thích nhưng khó hiểu. Anh nghĩ có lẽ có cái gì đó chung, một nét văn hoá tâm linh đặc biệt không phải chỉ nối kết người Hoa với người Việt mà là điểm chung khiến mọi người dù khác tiếng nói đôi khi vẫn chợt cảm thấy, nghe thấy. Vừa nói Hải vừa kéo trong tập sách một tờ giấy hồng, cầm cây bút lên nhúng mực khoa bút viết liền mấy chữ. Nét hiện tới đâu tờ giấy như ngời ngời tới đó. Viết xong chàng đọc: “Tính tương cận tập tương viễn” tức khởi đầu tính người ai cũng như ai, đó là nét chung của con người vì học tập, vì tập quán, tiếng nói khác nhau mà thành sinh ra khác nhau.
Vân Sa chăm chú nghe chàng nói. Đâu phải đây là lần đầu nàng nghe câu này! Hồi nhỏ cứ ê a suốt ngày ấy chứ nhưng khi nghe chàng giảng nàng thấy sao hay vô cùng mặc dù vẫn không hiểu hết những gì Hải nói. Trong lòng nàng dâng lên một niềm khâm phục. Nàng nghĩ nếu nàng chưa hiểu rõ là vì nàng chưa đủ sức hiểu cái sự học của Hải chứ không phải Hải diễn đạt lan man như những thầy đồ làng. Hải khác xa họ lắm. Cứ nghĩ đến bác Khang của nàng mà phát ngán. Hải không ngượng ngập, không làm bộ làm tịch, phách lối trịch thượng khi nói chuyện với phụ nữ
Bà Huệ cầm cái khay gỗ trên có hai cái chén trà tươi bốc khói và một dĩa bánh đậu xanh, để lên bàn nói:
_Hải mời Sa dùng trà, cô ra ngoài hái mớ rau đây!
Vân Sa kêu lên:
_Ồ đâu có được. Cô ngồi uống trà luôn chứ sao chỉ có hai chén trà thế này?
Bà Huệ xua tay:
_Thôi, hai con cứ nói chuyện uống trà cho vui, cô ít học không thể đàm đạo chung được đâu!
Nói xong bà hấp tấp ra sau không để Vân Sa nói thêm câu nào. Vân Sa đưa mắt nhìn Hải, chàng cười:
_Cô anh là thế Cô không thể ngồi yên một chỗ lâu đâu! Chàng nâng chén trà trịnh trong mời:
_Mời em!
Vân Sa hơi ngần ngừ rồi đưa tay đón lấy. Những ngón tay thanh mảnh trắng mềm khẽ chạm vào tay Hải. Hải thấy người mình như có luồng khí giật. Chỉ va chạm nhẹ mà hồn phách Hải như lơ lửng trên từng mây. Khi thấy Sa ghé môi nhấp trà chàng mới nhớ, vội vã kéo dĩa bánh đậu xanh sát lại gần phía nàng:
_Sa ăn bánh đi! Ngọt bùi béo ăn vào tan đều trong miệng ngon lắm!
_Cám ơn anh, anh cũng dùng trà xơi bánh đi chứ!. Vân Sa vừa nói vừa nhón một cái.
Họ lại tiếp tục trò chuyện. Càng trò chuyện, Vân Sa càng hỏi nhiều và Hải thì trả lời nhiều. Chàng nói thật say mê những điều trước giờ chàng không thổ lộ với ai.
Mặt trời đã xoay bóng từ ngõ trước ra vườn sau. Bà Huệ ngồi nhặt rau bên thềm thi thoảng lại nghiêng đầu nhìn vào. Bà sung sướng lòng lâng lâng khi thấy hai trẻ có vẻ tâm đầu ý hợp. Bà nghĩ thầm, hai đứa cứ như tiên đồng ngọc nữ, mong sao trời khéo xe duyên cho tụi nó. Mình sẽ tìm cách cho hai đứa dễ dàng gần nhau, như vậy mới có hy vọng sau này Vân Sa sẽ như thể con dâu ta. Nếu không lanh chân lẹ tay có thể sẽ để vuột mất.
Bà dõng tai lắng nghe.
Vân Sa hỏi:
_Thế kỳ này anh thi đỗ sẽ là trạng nguyên à?
Hải bật cười lắc đầu:
_Dâu dễ vậy em! Lần này thi qua được mới vào thi Đình mà dù có thi đỗ cũng không là trạng nguyên đâu!
_Sao thi đình đỗ đầu lại không phải trạng nguyên?
_Khi vào thi Hương anh thấy có cái biển đề bốn chữ trước trường thi: “Phụng chỉ cầu hiền” tức là “ Vâng lệnh vua tìm người tài đức”. Ai vượt qua kỳ thi Hương như anh bây giờ nếu muốn sẽ vào kinh đô ứng thi Hội tại Bộ Lễ. Nếu trúng cách thì vào thi Đình ở trong điện vua do vua trực tiếp ra đề. Nếu đậu sẽ thành các bậc tiến sĩ, đại khoa. Đậu cao nhất bây giờ không là trạng nguyên mà là Đình nguyên tức đỗ đầu khoa thi Đình.
Bỗng ngoài sân ngõ trước có người gọi với vào:
_Ới cô Huệ ơi!
Bà Huệ gọi với ra:
Ơi! Ai đó hỏi gì?
Tiêng Bôn:
_Có Vân Sa trong đó không cô? Con qua đón em nó về. Chạng vạng rồi cô à!
Hải và Sa đều giật mình nhìn ra ngoài
Trời đã tắt nắng. Hoàng hôn đang nhuộm tím những hàng cây quanh nhà. Họ bàng hoàng nhìn nhau không hẹn cả hai đều thốt lên:
_Trời! Sao nhanh quá!
Sa lật đật đứng dậy khẽ vuốt lại tóc, vén tà ngay ngắn, cúi đầu chào Hải. Không kịp đợi Hải nói thêm lời nào nàng chạy ra hiên chào cô Huệ, đưa tay vẫy Bôn đang còn đứng đợi lóng ngóng trước ngõ chứ không vào.
Bà Huệ đưa Vân Sa ra tới ngõ. Hải lẽo đẽo theo sau
Bôn giục:
_Nhanh lên Sa à! Dì nói về ngay nếu không bố về khó ăn nói đó!
Bà Huệ cố níu tay Sa thầm thì:
_Rảnh qua chơi với cô nhé! Cuối tuần sau cô lại lên mạn ngược muốn gì cứ nói cô mua cho.
Trước khi ra khỏi hàng giậu nhà cô Huệ, Sa ngoái lại, Hải trong bộ đồ vải thô đen vẫn đứng lặng nhìn theo.
Nhìn dáng điệu có vẻ lưu luyến của hai người Bôn sinh nghi nói thật to:
_Về cho rồi. Bác về thì mọi tội lại đổ đầu anh. Lẽ ra em không nên ở đây lâu quá! Nhà bà Huệ bây giờ đâu phải chỉ có mỗi mình bà ấy đâu!
Giọng Bôn đầy vẻ trách móc. Nhưng Sa không nghe thấy gì cả! Trên đường về, đầu óc nàng lan man vơ vẩn như để tận đâu đâu, dường như nàng không còn cảm nhận được những gì thường ngày rất gần gũi quanh mình. Tâm hồn nàng đang sang trang mới. Nàng như đang bước vào thế giới mới, một thế giới thật kỳ ảo khó diễn đạt.
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên