Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Banana Yoshimoto
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Hoa
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1851 / 90
Cập nhật: 2015-09-11 19:41:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 Cuộc Sống
ể từ khi bắt đầu cuộc sống ba người với tôi và mẹ, mỗi tối bố đều vui vẻ trở về nhà. Bộ dạng phấn khích đến hớn hở. Tối nào cũng vậy, khi nhìn thấy bố mở cửa với gương mặt tươi cười đã rũ bỏ sự mệt mỏi như muốn nói "Bố đã về rồi đây!" và ôm theo nào là sushi nào là bánh ngọt, tôi lại hơi lo lắng: " Cái con người này ở công ty có làm việc chăm chỉ không nhỉ?". Đến thứ bảy và chủ nhật, bố lúc thì lái ô tô đưa chúng tôi đi vòng vèo qua các tiệm ăn nổi tiếng, tiệm ăn ngon ở Tokyo, lúc thì tự mình nấu ăn, lúc thì bỏ cả ngày chủ nhật để đóng cho tôi cái giá sách để bàn dù cho tôi bảo không cần, thực vất vả. Quả là ông bố yêu quý đến muộn. Sự nhiệt tình đó rõ ràng đã xóa đi tất cả những vết cặn lo lắng nhỏ nhoi còn đọng lại giữa ba người. Những cong vênh do thời gian tạo ra đã được hóa giải, gia đình bắt đầu vòng quay yên ổn.
Tối hôm đó, từ lúc chiều bố gọi điện về nhà với giọng buồn buồn: "Bố phải làm thêm giờ rồi". Sau khi mẹ lăn ra ngủ, tôi vừa viết báo cáo trên chiếc bàn trong bếp vừa xem tivi thì bố về. Bố nhìn tôi cười có vẻ mừng rỡ: "Con vẫn thức à?" rồi hỏi: "Mẹ đã ngủ rồi à?"
- Vâng. - tôi đáp. - chỉ có cá và canh tương, bố có ăn cơm không?
- Thế cũng được. - bố đáp và lạch cạch kéo ghế ra, ngồi xuống, cởi áo khoác. Tôi bắc nồi, cho đĩa vào lò vi sóng. Trong căn bếp giữa đêm khuya, một luồng sinh khí được thắp sáng. Tiếng TV vang lên đều đêu trong không gian tĩnh lặng. Đột nhiên bố hỏi.
- Maria, con có ăn bánh bột gạo không?
- Gì cơ ạ? - khi tôi quay đầu lại, bố sột soạt lấy ta từ trong cặp hai chiếc bánh bột gạo được gói cẩn thận trong tờ giấy, đặt lên bàn.
- Một cái là phần của mẹ.
- Thế là thế nào, chỉ có mỗi thế này thôi sao? -Tôi ngạc nhiên hỏi.
- À!trưa nay có ông khách mang đến đấy. Bố ăn thử thấy ngon nên xin cả phần cho hai mẹ con. Thực sự cái này ngon lắm đấy. - Bố giải thích chẳng chút xấu hổ.
- Bố có bị họ nói là giống thằng bé giấu cơm nuôi chó trong nhà không đấy? - tôi cười.Một người đàn ông lớn tuổi mà lại lén giấu vào cặp có mỗi hai cái bánh bột gạo để mang về nhà.
- Tokyo ấy à, chẳng có gì cả, rau thì chán, cá cũng dở, thực ra thì chỉ có bánh bột gạo ngon để tự hào thôi.
Bố vừa lặng lẽ ăn cơm và món canh tương tôi vừa hâm nóng vừa nói. Tôi lấy cá từ lò vi sóng ra và đặt trước mặt bố, "cái nào đây", tôi nói, sát lại gần chiếc bàn, nhón tay lấy một chiếc bánh bột gạo. Có tâm trạng như người nước ngoài lần đầu tiên cầm chiếc bánh bột gạo trong tay. Ăn thử một miếng có vị đậm của xì dầu cháy, rất ngon. Khi tôi nói ra điều này, bố gật đầu vẻ mãn nguyện.
Khi vừa mới đến Tokyo, có một lần tôi đã nhìn thấy bố trên đường đi làm về. Đó là lúc tôi vừa xem phim xong, đang đứng chờ đèn tín hiệu ở ngã tư khu văn phòng. Bầu trời phía tây rực nắng được phản chiếu rõ nét trên toàn bộ cửa sổ của tòa nhà, sống động như một tấm gương. Đúng vào thời khắc tan sở, rất nhiều người mặc comle và những nữ nhân viên văn phòng trở về trong các bộ trang phục sặc sỡ bình thường đang đang dừng lại trước đèn tín hiệu, chờ đèn chuyển sang màu xanh. Trạng thái của gió cũng như biểu hiện của con người, đều mệt mỏi lờ đờ như nhau. Mọi người nói chuyện với vẻ mặt cười không rõ ràng, chẳng biết là câu chuyện vu vơ hay có mục đích. Còn khuôn mặt của những người đang im lặng lại có chút nghiêm nghị.
Đột nhiên tôi nghĩ người đàn ông đang đi bộ phía bên kia đường thật đáng để mắt tới, đơn giản vì đó là bố tôi. Bố cũng đang đi bộ với vẻ mặt nghiêm nghị, trông là lạ. Đó là biểu hiện chỉ có thể thấy ngay trước thời điểm ông rơi vào cơn ngủ gật trong lúc xem TV ở nhà. Tôi nhìn chằm chằm khuôn mặt lúc bên ngoài của bố với tâm trạng cực kì hứng thú. Đúng lúc đó, từ trong tòa nhà có công ty của bố, một nữ nhân viên văn phòng chạy ra, gọi bố dừng lại bằng giọng rất to. Từ phía bên kia đường nơi tôi đứng, tôi đã nhìn rõ suốt từ đầu đến cuối. Cô ấy cầm trong tay một chiếc phong bì hình như có tài liệu bên trong. Khi bị gọi tên, bố nhìn xung quanh rồi cuối cùng thấy cô ấy, khẽ mấp máy mồm như đang nói à à, tệ quá, tệ quá và cười. Cô gái thở hổn hển chạy đến, trao cho bố chiếc phong bì và mỉm cười, cúi đầu và quay đi. Thế nhé, bố tôi nói và cầm chiếc phong bì, rảo bước về phía ga.
Khi đó đèn tín hiệu chuyển màu, dòng người ùa ra. Trong thoáng chốc, tôi phân vân không biết có nên đuổi theo không nhưng vì chậm mất rồi nên đành dừng lại, suy tư một thoáng trong khu phố lúc hoàng hôn..
Việc quên đồ chẳng có gì to tát đáng kể này chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng lại hé mở cho tôi cuộc sống của bố từ trước đến giờ với dáng vẻ tự nhiên của nó. Cuộc sống dài đằng đẵng của bố. Cũng những năm tháng dài bằng những ngày mẹ con tôi sống ở thị trấn ven biển, bố đã hít thở không khí ở nơi này. Xung đột với người vợ trước, đi làm, đạt kết quả tốt trong công việc, ăn cơm, quên đồ giống như bây giờ, nghĩ đến mẹ và tôi đang sống ở thị trấn xa xôi. Thị trấn đó, nơi tôi và mẹ sống, đối với bố có lẽ là một nơi yên bình mà bố đến thăm vào cuối tuần. Có lẽ bố đã từng muốn giũ bỏ chúng tôi. Đúng thế, chắc chắn là có, tôi nghĩ. Dù cả đời không nói ra nhưng chắc hẳn trong thâm tâm, có điều gì đó phiền toái lắm. Do ở trong tình huống quá kì lạ nên, ngược lại, ba người chúng tôi trở nên hiền lành như những nhân vật ở trong kịch bản Gia đình hạnh phúc điển hình. Mỗi người đều đang nỗ lực một cách vô thức để không cho ai thấy những tình cảm sướt mướt chắc chắn đang ngủ yên nơi tận cùng trái tim mình. Đời người là một vở kịch, tôi nghĩ. Dù ý nghĩa có hoàn toàn giống nhau thì tôi cảm thấy nó gần gũi với tôi hơn là từ "huyễn tưởng". Đó là khoảnh khắc của sự cảm nhận đầy choáng váng giữa đám đông vào buổi chiều hôm đó. Mỗi con người đều có một tâm hồn với mọi cung bậc, mang sự hỗn độn của mọi cái tốt, xấu, và tự một mình mình gánh chịu cái sức nặng đó mà sống. Với mong muốn cư xử thân thiện đến hết mức có thể với những người yêu quý sống cạnh mình.
- Bố này, đừng cố quá kẻo lại ô-ba-hit ( overheat: cháy rụi) đấy! - Tôi nói. Bố ngẩng đầu lên, cái nhìn ngơ ngác chẳng hiểu gì.
- Cố quá nghĩa là thế nào?
- Vì thế này nhé, đại loại như về sớm này, mua quà cho con này, mua quần áo cho con này, nếu làm quá thì sẽ mệt mất, đúng không nào?
- Việc cuối cùng là gì thế? Bố chưa từng làm đâu! - bố cười.
- Mong muốn của con đấy.- Tôi cũng cười.
- Ô-ba-hit là gì thế?
- Là đột nhiên chán ngấy gia đình, đi cặp kè bồ bịch này, say sưa rượu chè này, cáu giận đánh đập gia đình này, là những việc như thế đấy.
- Biết đâu một lúc nào đấy.- Bố tôi lại cười.- Nhưng mà bây giờ, giành lại được cuộc sống cùng với hai mẹ con là bố đã mãn nguyện lắm rồi. Bố đã chờ suốt bao năm để được sống cuộc sống mà mình từng ước muốn, bố vui lắm. Trong thế giới này, cũng có những người thực sự thích thú cuộc sống độc thân nhưng bố thuộc tuýt coi trọng gia đình ấm cúng. Vì thế, bố đã không hạnh phúc cùng với người vợ trước. Cô ấy ghét trẻ con và thích chơi bời. Việc nhà cũng đoảng. Tất nhiên, những người như thế cũng tồn tại và đó là chuyện đương nhiên nên chẳng có gì phải suy nghĩ cả, nhưng bố đã từng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, hằng ngày cùng nhau xem TV ở nhà hay cùng nhau ra ngoài vào ngày chủ nhật dù có phiền phức. Những người kiểu đó mà yêu nhau đều không có kết cục tốt đẹp. Mỗi khi nhớ lại những chuyện xảy ra trong khoảng thời gian dài sống xa hai mẹ con và những nỗi buồn khi đó, bố đã hiểu người thân quan trọng biết dường nào. Tất nhiên lúc nào đó, có lẽ suy nghĩ sẽ thay đổi, bố sẽ thấy chán con và mẹ nhưng đó cũng lại là cuộc sống. Nếu tâm hồn mọi người trở nên không đồng điệu, dù những lúc như thế có đến thì để cho chính những lúc như vậy, ta cần có thật nhiều kỉ niệm vui vẻ.
Bố ngừng ăn và nói giọng đều đều. Tôi nghĩ bố nói những điều thật có ý nghĩa, rõ ràng và tôi cảm thấy, kể từ khi bắt đầu sống ở đây, một thứ tình thân lần đầu tiên tôi cảm nhận được đang thấm vào trong tim mình.
- Mẹ con ấy à, bố biết chắc có nhiều suy tư lắm mặc dù mẹ không nói ra. Vì đã phải rời xa nơi mình từng sống nhiều năm mà. - Bố nói vẻ buồn rầu.
- Tại sao ạ?
- Đây này. - Bố gảy đũa vào miếng cá thu khô.. - Bữa tối ở đây ngày nào cũng có cá. - Nghe bố nói, tôi mới thấy đúng là vậy. Cảnh mẹ tôi dừng chân đứng trước cửa hàng cá hiện lên và tôi chìm vào im lặng.
- Con là sinh viên đúng không? Buổi tối lúc nào cũng ở nhà thế này, không có tụ tập hẹn hò hay làm thêm à? - Bỗng bố hỏi.
- Gì ạ? Con không tham gia câu lạc bộ, nhưng mà tụ tập hẹn hò thì đâu có thường xuyên đến thế. Con cũng chẳng làm thêm. Mà tại sao đột nhiên bố lại nói những điều như là kiến thức từ TV thế? - tôi cười.
- Bố muốn nói một lần thôi: sao lúc nào con cũng ngủ muộn thế? - Bố cười.
Chiếc bánh bột gạo phần cho mẹ nằm im lìm trên bàn như đang kể niềm hạnh phúc của gia đình tôi.
Dù vậy, thỉnh thoảng tôi lại nhớ biển đến mức không thể ngủ được. Nhớ quay quắt.
Ở khu Ginza nơi tôi hay đến, thỉnh thoảng đột nhiên có mùi biển lan theo gió. Không phải là nói dối, cũng không phải nói quá lời, khi đó tôi đã định hét lên. Tôi nhanh chóng hít căng tràn toàn bộ cơ thể mùi vị đó, rồi đau đớn đến mức không thể cử động được mình. Rồi tôi muốn khóc. Thường những lúc như thế, tiết trời khá đẹp, xa xa bầu trời trong veo trải rộng, tôi vội vứt cây đàn hiệu Yamano và chiếc túi Printemps đang cầm trong tay, chạy đi, đứng trên triền đê bẩn thỉu với những con sóng vỗ liên hồi, muốn ngửi mùi biển đến thỏa thuê. Rồi lúc nào đó, hành động bột phát mạnh mẽ đó sẽ nhạt đi nhưng sự đớn đau của nó phải chăng là nỗi nhớ quê hương?
Hôm trước, khi tôi đi bộ cùng mẹ cũng như vậy. Trưa một ngày thường trong tuần, trên con đường lớn vắng bóng người, đúng lúc vừa ra khỏi cửa hàng bách hóa tổng hợp, một cơn gió mạnh ùa đến, mang theo mùi biển. Cả hai mẹ con ngay lập tức nhận ra.
- A, mùi của biển. - Mẹ nói.
- Kia kìa, vì phía đằng kia có...cái đó đấy, cầu tàu Harumi ấy.
Tôi chỉ tay và nói. Cảm giác giống như một người tìm hướng gió.
- Đúng rồi. - Mẹ khẽ mỉm cười.
Mẹ muốn mua hoa ở cửa hàng hoa chỗ cổng công viên nên chúng tôi đi về phía công viên. Từ xa loang loáng màu xanh ướt nước của công viên. Màu xanh đó hiện lên rõ nét trên nền trời xanh quý giá giữa lúc trời nắng trong mùa mưa đầu hạ. Đúng lúc đó một chiếc xe buýt đi về phía Harumi chạy ngang qua, tiếng kêu ầm ầm của thân xe còn đọng lại trong tai.
- Mẹ con mình uống chút trà rồi về nhé. - tôi nói.
- Thôi, nhanh lên. Chiều nay mẹ còn đi đến lớp cắm hoa, mà này, ngày mai bố đi công tác đấy. Nếu mẹ không nấu cơm và cả nhà không cùng ăn tối cùng nhau thì bố lại thất vọng đấy, hệt như trẻ con ấy nhỉ.
Nói xong mẹ quay mặt cười.
- Chỉ bây giờ thôi, chẳng mấy chốc sẽ bình tâm lại mà, con chắc chắn đấy.
Tôi đáp. Khuôn mặt cười của mẹ kể từ khi sống cuộc sống vợ chồng cũng trở nên tròn trịa hơn. Trong ánh nắng mềm mại, nét cười làm loang rộng những đường sóng trên khuôn mặt mẹ.
- Maria, con đã có bạn rồi chứ? Có bạn rồi nhỉ, bao nhiêu là điện thoại gọi đến. Trường đại học có vui không?
- Tại sao mẹ lại hỏi thế, à, vui ạ.
- Này nhé, ở đằng đấy con lúc nào cũng cùng với Yoko và Tugumi như chị em đúng không. Mẹ tự hỏi không biết con có buồn không. Vì nhà mình ở đây trầm quá.
- Đúng thế. - Tôi đáp. - Ít âm thanh quá mẹ nhỉ.
Tiếng bước chân bận rộn đi đi lại lại trên hành lang. Sự sôi động trong phòng bếp, tiếng gầm rú của cái máy hút bụi to đùng, tiếng chuông điện thoại kêu ở sảnh. Lúc nào cũng có nhiều người ầm ĩ trong cùng một ngôi nhà, tiếng đài phát thanh của các tổ dân phố báo hiệu những đứa trẻ đang về vào lúc 5 giờ và 9 giờ phát ra những tiếng loa trong thị trấn. Tiếng sóng, tiếng còi hơi, tiếng chim hót.
- Mẹ mới là người buồn nhất. - tôi nói.
- Ừ, đúng thế thật. Mẹ hiểu rằng mẹ không thể cứ mãi làm phiền ở đó được, được sống với bố, tất nhiên là mẹ vui lắm nhưng mà thế nào nhỉ, cái cảm giác đã từng sống với đông người giống như tiếng sóng ầm vang không thể nào dứt ra khỏi tâm trí mẹ.
Nói xong mẹ đưa tay lên miệng cười xòa.
- Mẹ là thi sĩ mất rồi.
Tôi có những kỉ niệm mà vì khi đó còn quá nhỏ nên tôi chỉ nhớ một cách mơ hồ, tuy nhiên, bây giờ mỗi khi nghĩ lại thì thấy thật buồn cười. Có lần vào mùa hè, vì chơi đùa mệt mỏi nên sau bữa cơm tối, tôi cứ vừa xem TV bên cái bàn ăn vừa ngủ gà ngủ gật, bố mẹ bắt đầu nói chuyện. Sau khi vô tình mở mắt, tôi cứ nhắm hờ, và dán vào cái chiếu tatami, lắng nghe câu chuyện. Chuyện như thế thường xảy ra. Bố kể tất cả mọi chuyện, nào là bà vợ ở Tokyo vẫn chưa chịu chia tay, hay bố không thể để hai mẹ con ở đây mãi như thế này. Khi trẻ hơn bây giờ, bố thuộc tuýt người nghiêm nghị như thể lúc nào cũng đau khổ ưu tư, sau khi gặp mẹ, bố đã thay đổi tính cách đó. Tôi nghĩ là đã thay đổi khá nhiều. Còn mẹ thì thuộc kiểu người lạc quan. Khi đó mẹ nói.
- Xin lỗi anh, ở đây mãi như thế này là có ý gì?
- À không, chỉ là do anh buột miệng thôi. Masako là em gái của em mà. Tuy nhiên, em vẫn phải ăn nhờ ở đậu, từ sáng đến đêm đầu tắt mặt tối với những việc nặng nhọc, thế có phải gọi là hạnh phúc không?
Bố lại bắt đầu nói miên man đến những chuyện như thế. Sự khó chịu của mẹ cũng đã truyền sang tôi đang xoay lưng nằm nghiêng. Mẹ rất ghét kể khổ.
- Thôi đừng nói nữa. - mẹ thở dài. Những lời nói ấy đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Đến mức mỗi khi cần nó lại vang lên. - Nếu nói toàn những chuyện như thế này thì chui vào quan tài rồi vẫn còn kêu thiếu, anh ạ.
Tôi cũng nhớ lần nói chuyện với Tugumi.
- Này, bố mày, thực sự bột nhỉ.
Khi tôi đang sao băng trong phòng của Tugumi,Tugumi đã trầm ngâm nói như thế. Đó là một buổi chiều đầy mây. Sóng cuồn cuộn dữ dội, đầy nguy hiểm. Vào những ngày thời tiết xám xịt, u ám như thế, Tugumi luôn cư xử mềm mỏng hơn một chút. Có lẽ là vì khi còn nhỏ, nó đã từng suýt chết vào một ngày có thời tiết như thế này, dì Masako có lúc nào đó đã nói như vậy.
- Bột? Bột gì cơ?
- Đồ ngốc, là chỉ con nhà lành ấy(*). Thế nào nhỉ, bột này là chỉ công tử bột ấy, hiểu không? - Tugumi còn sốt, vẫn cứ nằm xõa tóc trên chiếc vỏ gối trắng muốt cười, má đỏ rực.( *: Ở đây, trong nguyên tác, tác giả chơi chữ "bon".Bon trong tiếng Nhật ngoài nghĩa là bình thường, tầm thường, còn có nghĩa là con nhà tử tế dùng theo cách nói của dân vùng Kansai.)
- Ừ nhỉ, thực sự có vẻ như thế. Mà tại sao, tại sao mày lại nghĩ như thế?
- Thì, bất cứ lúc nào bố mày cũng có suy nghĩ èo uột về những chuyện không thật. Cái tính cách nhút nhát mà cứ luôn làm cao, giống hệt mày đấy chứ, nhưng mà mày không yếu ớt đến thế đâu. Thế nào nhỉ, có vẻ dễ tổn thương với thực tế, bố mày ấy.
Thấy cũng có đôi chút có lí nên tôi không hề có cảm giác tức giận.
- Cũng tốt mà. Vì thế bố mới hợp với những người như mẹ tao đấy chứ?
- Đúng thế. Đôn hậu hơn những kẻ phiền toái nằm liệt giường như tao. Hơn cái kẻ chỉ nằm trong chăn mà chuyện gì cũng biết. Mà thôi, lại nói những điều khó chịu rồi. À, dù sao thì có lần tao tình cờ gặp bố mày ở hành lang, bố mày lại bảo: "A, Tugumi, nếu muốn cái gì ở Tokyo, bất cứ cái gì cứ nói đi, chú mua cho." Cái đứa như tao mà cũng đã mỉm cười đáp lại đấy.
Tugumi nhìn tôi, cười. Trong căn phòng vào buổi chiều, ánh đèn đọc sách sáng trắng, một giai điệu yên ả đang lan tỏa. Vừa lắng tai nghe cho đến hết băng, tôi vừa im lặng đọc tạp chí. Trong căn phòng hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng lật trang sột soạt lặp đi lặp lại.
Tugumi.
Có ở xa mới hiểu rõ Tugumi.
Vì không hiểu nên mọi người thấy Tugumi là đứa con gái lắm chiêu, xấu tính ( đương nhiên nó chắc chắn có bản chất như vậy). Tôi có cảm giác rằng tôi, người nếu thích thì chắc chắn có thể gặp bất cứ ai, nếu muốn thì có thể đi bất cứ nơi đâu trên trái đất, sẽ bị Tugumi, người chắc chắn không thể rời xa khỏi cái thị trấn nhỏ bé này, lãng quên. Vì Tugumi không quay lại quá khứ. Với Tugumi, luôn chỉ là ngày hôm nay.
Một tối nọ, có chuông điện thoại, khi tôi nhấc ống nghe lên alô thì nghe thấy giọng của Tugumi: "Tao đây".
Đột nhiên dường như ánh sáng và hình bóng của quê hương hiện ra, trước mắt tôi là một màu trắng xóa. Tôi nói to.
- Oa, khỏe chứ? Nhớ quá, mọi người khỏe chứ?
- Vẫn thế thôi, mày vẫn có vẻ ngố thế! Maria, mày học hành ổn đấy chứ?
Tugumi cười. Khi bắt đầu câu chuyện, trong nháy mắt khoảng cách được thu ngắn và hai đứa trở lại là hai chị em họ sống cùng nhau.
- Ừ, vẫn ổn, vẫn ổn.
- Bố mày không bồ bịch à? Có lần thứ hai, biết đâu không có lần thứ 3.
- Không bồ bịch gì đâu.
- Thế à, tao nghĩ là bà già tao sẽ chính thức nói chuyện với mẹ mày sau nhưng mà, hình như mùa xuân sang năm nhà tao sẽ đóng cửa nhà nghỉ.
- Cái gì, sẽ không còn nhà nghỉ nữa à? - tôi ngạc nhiên hỏi.
- Đúng thế, đúng thế. Chẳng hiểu bố tao đang nghĩ gì nữa, hình như là khách sạn mini. Nghe nói là cùng kinh doanh với ông bạn có đất. Ông ấy bảo đấy là mơ ước của ông ấy,tao buồn cười quá. Thật viển vông. Lại còn nói sẽ để cho Yoko thừa kế nữa. Chuyện là thế đấy.
- Tugumi cũng đi à?
- Tao định sẽ chết ở biển hoặc ở núi.
Tugumi nói vẻ thực sự bất cần.
- Thế à, buồn quá, ngừng kinh doanh nhà nghỉ Yamamoto.
Tôi thất vọng nói. Tôi luôn tin rằng những con người ấy sẽ vẫn mãi sống như thế ở cái thị trấn đó.
- À, dù thế nào thì nghỉ hè mày cũng có chút thời gian rảnh rỗi chứ? Về đây chơi đi. Mày có thể ở trong phòng dành cho khách, bà già nói là sẽ thết đãi mày món sashimi (*) đấy.(món gỏi cá sống)
- Ừ, tao sẽ về. Tất nhiên rồi.
Tôi có cảm giác trong mắt mình, phong cảnh thị trấn và cảnh bên trong nhà Yamamoto lướt nhanh như một đoạn phim màu tám ly cũ kĩ. Trong căn phòng nhỏ quen thuộc đó, cũng hiện lên cánh tay mảnh mai của Tugumi đang nằm, tay cầm ống nghe điện thoại.
- Thế quyết định rồi nhé. Tao sẽ đợi mày đấy. Ấy,bà già bảo muốn nói chuyện với mẹ mày, bà đã lên cầu thang rồi, mày gọi mẹ đi. - Tugumi gấp gáp nói nên tôi trả lời: "Ừ, tao sẽ chuyển máy," rồi gọi mẹ.
Tôi đã hướng tới mùa hè cuối cùng ở nhà Yamamoto như thế đấy.
Vĩnh Biệt Tugumi Vĩnh Biệt Tugumi - Banana Yoshimoto Vĩnh Biệt Tugumi