You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6767 / 15
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 -
à Thụy gạt ngang khi ông Trứ vừa dứt lời:
-Con bé chưa xong đại học, anh đã muốn gả chồng. Làm gì vội dữ vậy?
Ông Trứ chắt lưỡi:
-Đã cưới ngay đâu mà vội? Tôi chỉ muốn con bé có nơi có chốn đàng hoàng, để nó đừng lông bông nữa.
Gằn giọng, bà Thụy nhắc lại:
-Lông bông! Anh dùng từ ngộ thật! Nó có hư hỏng đâu mà anh lo thế!
Ông Trứ lừ mắt:
-Đợi nó hư thì còn gì để nói nữa. Em lo sự ngiệp, tôi lo con cái. Gia đình anh Hưởng là chỗ bạn bè lâu năm, thằng Thưởng là đứa đoàng hoàng, mặt mày sáng sủa, tướng tá dễ coi, nó lại thương Bảo Nhi. Tôi thấy được.
Bà Thụy nhấn mạnh từng chữ:
-Đây là thời đại nào mà anh ép gả con chứ! Tôi muốn nói tự do lựa chọn. Bởi vậy tôi sẽ tạo điều kiện cho nó quen biết thêm nhiều người có vai vế trong xã hội... Rồi nó sẽ chọn đối tượng cho mình.
Ông Trứ cười nhạt:
-Như tôi và em ngày xưa chứ gì? Sống với nhau ngần ấy năm, chúng ta được bao nhiêu ngày hạnh phúc? Tôi nghĩ cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó thế mà hay hơn tự do yêu đương.
Bà Thụy cay đắng:
-Nói thế là anh thừa nhận tình cảm vợ chồng lâu nay là không thật? Chúng ta đã yêu lầm nhau à?
Ông Trứ thở dài:
-Không hẳn là vậy. Yêu nhau nhưng không cùng nhau nhìn chung về một hướng thì còn khổ gấp mấy lần phụ nhau.
Bà Thuỵ lạnh lùng:
-Đó không phải lỗi nơi tôi. Tôi làm việc hết sức mình cũng vì cái gia đình này. Tôi muốn các con tôi đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc. Anh không thích tiện nghi vật chất, mặc kệ anh. Nhưng bọn trẻ cần những thứ ấy, anh không thể cấm chúng.
Nhìn thẳng vào mắt chồng bà bảo:
-Trong tình yêu cũng thế. Hãy dẹp ý định ép Bảo Nhi ưng thằng Thưởng đi, nó nói với tôi nó không thích. Anh đừng mong buộc con.
Ông Trứ phân bua:
-Tôi chỉ con vào thẳng Thưởng chớ không ép. Em đừng vu khống.
Bà Thụy dang tay:
-Chỉ là cách nói chớ có gì khác? Thằng Thưởng thương Bảo Nhi hay thương cái cơ sở sản xuất của tôi?
Mặt đỏ bừng lên, ông Trứ nóng nảy:
-Em đánh giá người khác rẻ quá! Thằng Thưởng không thèm vào cái cơ sở ọp ẹp của em. Vốn liếng được mấy đồng mà lúc nào cũng tự cao chứ!
Bà Thụy im lặng. Ông Trứ làm sao biết được thực lực của bà khi ông chẳng muốn quan tâm, Với bà đó là nỗi bất hạnh vì bà cũng đâu muốn giấu chồng vốn liếng của mình. Trái lại bà luôn ao ước được ông cùng gánh vác việc làm ăn, nhưng ông lơ và không muốn. Đã thế thì thôi, bà cho ông biết lúc này làm chi, khi linh tính mách với bà rằng gia đình ông Hưởng, mà cụ thể là Thưởng đang dòm ngó cơ ngơi của bà. Cũng có thể Thưởng yêu Bảo Nhi, nhưng nếu nó yêu Bảo Nhi một thì nó yêu cơ nghiệp này mười. Giọng ông Trứ vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của bà:
-Gia đình anh Hưởng và nề nếp vừa nha giáo làm tôi an tâm nếu con mình làm dâu nhà họ. Em thử nghĩ xem, lỡ như Bảo Nhiyêu thương lầm một đứa chả ra gì, gia đình thuộc loại bất hảo thì sao?
Bà Thụy lững lờ:
-Đó là số phần của nó.
-Nó chưa yêu ai, bây giờ hướng nó vào chỗ tốt, không tốt hơn tin vào số mạng sao?
Bà Thụy buột miệng:
-Tôi không thích thằng bạch diện đeo mục kỉnh ấy.
Ông Trứ nhíu mày:
-Thì sao là vậy. Nếu tôi không lầm, em đã gieo vào Bảo Nhi tư tưởng này, nên thời gian gần đây nó thường lẩn tránh thằng Thưởng.
Bà Thụy cười nhạt:
-Bảo Nhi đâu phải trẻ lên ba, nó có lập trường của nó. Hơn nữa nếu nó thích, thì những ý tưởng tôi gieo vào đầu nó cũng chẳng có đất đâm chồi nảy lộc.
Đứng dậy bà nói:
-Tóm lại tôi muốn Bão Nhi sống thoải mái ở lứa tuổi của nó. Tôi tin người mà nó yêu thương tốt hơn thằng Thưởng gấp bội. Do đó chả có gì phải vội và ép buộc nó.
Quay lên lầu, bà gọi:
-Nhi à! Chở mẹ đi!
Len lén nhìn ông Trứ, Nhi nói:
-Thưa ba con đi...
Mau mau dẫn xe ra, Bảo Nhi đợi bà Thụy lên ngồi sau lưng là cô hỏi ngay:
-Ba nói gì với mẹ vậy?
Bà Thụy ậm ự:
-Nhằn nhì chuyện làm ăn, chớ có chuyện gì khác.
Bảo Nhi gặn:
-Ba không nhắc tới con chứ?
-Không!
-Thế ba có nhắc gì anh Thưởng không?
Bà Thụy trả lời:
-Có! Ổng hỏi mẹ thấy nó như thế nào?
Bảo Nhi hồi hộp:
-Rồi mẹ bảo sao?
Bà Thụy thản nhiên:
-Mẹ bảo không ưa. Cả con cũng thế. Như mẹ hỏi thật sao con không ưa nó?
-Con không biết nữa.
-Không rõ lý do à! Chà! Nếu Thưởng kiên trì chắc con sẽ siêu lòng. Đúng không?
Bảo Nhi trề môi:
-Thiếu gì người đeo con, chớ có phải mình Thưởng đâu.
Bà Thụy nhẹ nhàng:
-Đừng kiêu căng. Ông bà xưa vẫn bảo: "lắm mối tối nằm không". Nhiều người đeo con, nhưng chúng như thế nào, có đàng hoàng như Thưởng không? Và quan trọng nhất là con có thích ai chưa?
Bảo Nhi nhanh như máy:
-Chưa! Con chưa thích ai hết.
-Thật không?
Nhi bối rối:
-Sao mẹ lại hỏi thế?
Bà Thụy cười:
-Vì mẹ đã từng trả lời như vậy khi bà ngoại hỏi câu tương tự.
-Nhưng con chưa thích ai thật.
-Một chút xíu cũng không à?
Nhi chớp mắt:
-Nếu chỉ một chút xíu, thì con thích nhiều người lắm.
Bà Thụy mắng yêu:
-Vậy là tham lam... khỉ ạ!
Nhi phụng phịu:
-Bộ lúc nhỏ mẹ không vậy sao?
Bà Thuỵ im lặng. Một lúc sau Nhi mới nghe mẹ nói:
-Hồi đó nhà mẹ sát vách ba. Hai người để ý nhau từ lúc còn nhỏ. Mẹ chẳng thích ai khác ngoài ba con, dù chỉ một chút xíu.
Thở dài nghe xót cả lòng, bà Thụy thở than:
-Còn bây giờ... cứ như hai người xa lạ.
Bảo Nhi hỏi:
-Tại sao như thế hở mẹ?
Bà Thụy ngập ngừng:
-Hai mươi mấy năm trôi qua, ai cũng thay đổi. Hồi trẻ khác, và về già lại khác.
Nhi vẫn thắc mắc:
-Vậy ai là người có lỗi?
Giọng bà Thụy thoảng bên tai Nhi:
-Có lẽ cuộc đời có lỗi.
Nhi kêu lên:
-Ôi! Con chán quá!
Bà Thụy vội vàng nói:
-Sao lại chán? Có phải vợ chồng nào cũng như ba mẹ đâu. Con thấy gia đình Thưởng không? Lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc.
-Tự nhiên mẹ đi ca tụng gia đình người khác. Trong khi gia đình của mình cũng đâu đến nỗi.
Bà Thụy nhếch môi nhưng không nói gì. Tới cơ sở sản xuất, bà xuống xe.
-Vào không con?
Bảo Nhi lắc đầu:
-Sợ trễ giờ học mẹ ạ!
Bà Thụy ngần ngừ:
-Thôi thì hôm khác mẹ giới thiệu con với người bạn cũ.
Nhi buột miệng:
-Ông Hiếu phải không?
-Sao con biết?
Nhi không trả lời, cô nhấn ga:
-Con đi học đây!
Nhưng hôm nay trường cho nghỉ vì giáo viên bận họp. Nhi biết từ hôm qua, và cô đã im lặng vì không muốn ở nhà dù hiểu lông ngông ngoài phố chẳng hay ho gì mấy. Ghé vào một quán cà phê, Nhi gọi cho mình ly sữa tươi rồi ngồi ngân nga. Bài "Because I love you" nghe mới thắm làm sao! Tiếc rằng hôm nay không có nhỏ Ngự Bình, nếu không nó đã ư ử hát theo rồi. Đang chúm môi hút sữa, Nhi chợt thoáng thấy Minh lững thững bước về phía mình. Vẫn đôi mắt đăm đăm, cái nhếch môi ngạo mạn, anh nhỏ nhẹ:
-Tôi xin phép ngồi chung, chắc Nhi không từ chối?
Bảo Nhi trấn tĩnh lại và mồm mép:
-Tôi đang buồn vì không có ai trò chuyện đây.
-Cô bé hay đi cùng em đâu?
-Về quê rồi...
Mắt hơi nheo lại, Minh hỏi:
-Em trốn học à?
Nhi bĩu môi:
-Được nghỉ chớ không trốn. Tôi là học trò ngoan đấy! Còn anh? Có làm gì không mà coi rảnh rỗi thế?
Minh thản nhiên:
-Với tôi, ngồi quán là công việc.
Bảo Nhi dài giọng:
-À! Suýt nữa tôi quên. Anh là dân bảo kê mà lại... Ngồi quán đúng là công việc.
Minh nói:
-Nhận xét của em làm tôi về soi gương mất đúng tuần lễ, nhưng vẫn không nghĩ ra tôi giống dân bảo kê ở điểm nào.
Bảo Nhi lém lỉnh:
-Vậy là gương của anh không linh rồi. Nếu gặp gương thần trong chuyện công chúa Bạch Tuyết. Chắc chắn anh đã nghe được nhiều câu trả lời đích đáng.
Minh phán một câu:
-Em đúng là... láu cá.
Bảo Nhi tỏ vẻ phật ý:
-Anh là người đầu tiên và cũng có lẽ là duy nhất nhận xét tôi như thế.
Minh xoa cầm:
-Vì tôi rất trung thực.
Nhi không chịu thua:
-Tôi láu cá cũng chẳng có gì lạ, vì... ngồi uống ca phê với ma phải mặc áo giấy chứ!
Minh bật cười và Bảo Nhi lại một thoáng ngẩn ngơ vì nụ cười, ánh mắt của anh. Minh nhìn trả lại Nhi làm cô phải quay đi. Anh vừa nhấp cà phê vừa hỏi:
-Mặt tôi dính lọ à?
Bảo Nhi khịt mũi:
-Kh..ô... ng! Tôi thấy anh cười trông hay hay.
Minh phản công:
-Chỉ... hay thôi sao?
Bảo Nhi nhún vai:
-Tôi chưa phát hiện thêm điều gì khác.
Minh cười mĩm:
-Trái lại tôi vừa phát hiện thêm ở em một vài điểm ngồ ngộ.
Nhi hỏi ngay:
-Điểm gì vậy?
-Sao tôi phải nói chứ?
-Tôi ghét nhất ai úp mở.
Minh nhịp tay:
-Tôi lại thích những người tự chủ, không vì một lời nói khích mà đánh mất tính cách của mình.
Bảo Nhi nín thinh. Suốt thời gian qua cô mong gặp lại Minh biết bao. Nhưng sao khi gặp, cô cứ đốp chát như thế này? Người ta luôn thích con gái dịu dàng, khép nép chớ không... nỏ mồm như cô. Ngang ngạnh, tự cao, không dễ khuất phục là khuyết điểm hay tính cách của Nhi? Cô không biết nữa. Nhưng chưa có... thằng con trai nào phá vỡ nổi tính cách của Nhi. Chắc Minh cũng không ngoại lệ. Đang chìm trong suy nghĩ. Nhi bỗng giật mình khi nghe có tiếng gọi mình bằng giọng gắt gỏng. Quay lại, cô thấy Tuệ và Thưởng. Cả hai đều nhìn cô với ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa hậm hực. Bảo Nhi tái cả mặt. Đây không phải là lần đầu anh Tuệ gặp cô ngồi quán với con trai. Nhưng không hiểu sao Nhi lại sợ khi người đối diện là Minh.
Giọng Tuệ gay gắt:
-Em không đi học à?
Nhi ấp úng:
-Em... được nghỉ...
-Hừ! Nghỉ thì về nhà chớ đâu phải đi ngồi quán.
Minh chủ động đứng dậy:
-Mời hai anh...
Tuệ khoát tay:
-Cám ơn! Chúng tôi không có thời gian.
Thưởng nhìn Minh soi mói:
-Trông anh quen quen. Chắc chúng ta đã từng gặp nhau.
Minh vẫn giữ nụ cười trên môi:
-Tiếc thật! Tôi lại không có cái cảm giác ấy.
Tuệ nhìn Bảo Nhi:
-Về sớm đó!
Cô gật đầu thật ngoan:
-Vâng!
Minh chợt tủm tỉm làm Nhi cáu:
-Anh cười gì vậy?
Minh nhìn theo Tuệ và Thưởng:
-Ông anh của em trông cũng... hắc quá chứ! Nhưng tia nhìn của... Ổng vô tư hơn ông bạn đeo kính. Dường như mặt em đổi sắc vì tia nhìn... xuyên thủy tinh ấy?
Bảo Nhi lơ lững:
-Anh muốn ám chỉ điều gì?
-Chuyện thường tình thôi, tôi xin lỗi nếu đã gây rắc rối cho em.
-Tôi không bị ràng buộc với ai hết.
Minh thở hắt ra:
-Vậy thì tôi an tâm.
Đặt ly cà phê xuống bàn, Minh nói:
-Tôi không nghĩ sẽ gặp em ở đây vì tôi biết em thích vào quán chè hơn.
Nhi nhìn Minh trân trối, anh thản nhiên nói tiếp:
-Chị bán chè kể với tôi ngày nào em và cô bạn cũng tới ủng hộ chỉ vài ba chén.
Bảo Nhi chớp mi:
-Tại nhỏ Bình rất thích chè đậu trắng...
Minh lại tủm tỉm cười. Nụ cười riễu cợt của anh làm Bảo Nhi nóng mặt. Cô vội bưng ly sữa tươi lên. Minh lại nhìn đồng hồ. BảoNhi dò dẫm:
-Anh đợi ai à?
Minh gật đầu:
-Đúng vậy. Nhưng em đừng nghĩ tôi đang giết thời gian bằng cách trò chuyện với em.
Anh hạ giọng:
-Nếu biết gặp lại em, tôi đã không hẹn với ai khác.
Bảo Nhi xoay tròn cái ly:
-Anh khéo tán quá! Thú thật tôi khá dị ứng với những người lấy quán làm nhà.
Minh gật gù:
-Tôi hiểu em muốn nói gì. Quán xá với tôi là nơi giao dịch chớ không phải là nơi uống, giải trí. Với tôi, thời gian còn quý hơn vàng bạc. Nhiều khi cả tuần tôi giam mình trong phòng, mắt mỏi nhừ vì màn hình máy vi tính. Rồi có lúc đi liên tục, ngồi quán liên tục.
Bảo Nhi thắc mắc:
-Công việc của anh là gì mà lạ thế?
Minh nheo mắt nhìn cô:
-Tôi chuyên đi... săn người.
Nhi xịu mặt:
-Anh lại đùa!
-Tôi nói thật đấy!
Bảo Nhi chưa kịp hỏi thêm thì cửa quán xịch mở, hai người đàn ông và một cô gái ăn vận khá sang bước vào với vẻ tìm kiếm. Minh giơ tay ra hiệu. Anh vừa mỉm cười vừa nói với Nhi:
-Tôi phải đến với bạn. Rất tiếc không thể tiếp tục với em được.
Quay lại nhìn Nhi, Minh nhẹ nhàng:
-Hy vọng chúng ta sẽ còn gặp lại.
Bảo Nhi buâng khuâng trông theo dáng phớt đời của Minh. Cô chưa muốn anh đi chút nào vì còn rất nhiều điều cô không biết về anh. Cô nói thầm:
-Hy vọng chúng ta sẽ gặp lại...
Nhưng bao giờ? Ở đâu? Bảo Nhi không đoán được. Lời của Minh là thật tình hay chót lưỡi đầu môi nhỉ? Nếu Minh dùng Nhi để lấp thời gian trống thì đúng là không còn gì... đau hơn. Đứng dậy đi ngang bàn Minh ngồi, cô cố tình nhìn anh vào gật đầu chào, nhưng Nhi chỉ bắt gặp một gương mặt dửng dưng, lầm lỳ. Anh đang lạnh lùng nói gì đó mà dường như những người chung bàn đều im lặng. Bỗng dưng Nhi thấy giận mình. Thẳng người lên, Nhi bước thật nhanh ra khỏi quán. Cô hứa với lòng không đời nào nghĩ đến gã đàn ông đó nữa. Về đến nhà, cô gặp Tuệ và Thưởng ngoài phòng khách. Mỉm cười chào Thưởng xong, Nhi định về phòng, nhưng Tuệ đã gọi giật lại:
-Anh hỏi tí coi.
Bảo Nhi tránh ánh mắt của Thưởng:
-Em mệt rồi mà
-Mệt cũng phải ra đây.
Nhi ngồi phịch xuống salon:
-Anh muốn hỏi gì?
Tuệ hất hàm:
-Sao em quen cái thằng săn đầu người ấy?
Bảo Nhi sửng sốt:
-Ai cơ?
Tuệ có vẽ bực khi nghĩ Nhi giả vờ:
-Chậc! Cái thằng ngồi với em trong quá Ướt Mi chớ ai.
Nhi lấp lững:
-Quen thì thiếu gì cách. Anh cần biết cặn kẽ làm chi? Có khi nào em hỏi anh câu tương tự đâu!
Tuệ xìu mặt, nhưng vẫn hỏi tiếp:
-Nó tên gì?
Nhi buông thõng:
-Minh!
Thưởng vỗ đùi:
-Lê Hoàng Minh. Đúng là nó rồi!
Nhi kêu lên:
-Anh biết ảnh à?
Thưởng có vẻ cay cú:
-Biết, nhưng không nhiều lắm. Minh là tay săn đầu người giỏi nhất thành phố này.
Nhi ngớ mặt ra:
-Săn đầu người là gì? Em không hiểu?
Tuệ gặn liền:
-Em không hiểu sao lại ngồi chung với nó?
Bảo Nhi ấp úng:
-Em mới quen mà!
-Hừm! Quan hệ rộng rãi, thoải mái thật. Mới quen mà đã vào quán. Anh phải nói để ba quản lý em sát sát sườn hơn mới được.
Thưởng vội xen vào:
-Bảo Nhi lớn rồi mà Tuệ...
Hầm hầm nhìn em gái, Tuệ bảo:
-Lớn mới phải nói. Mày dễ với nó là không được đâu.
Bảo Nhi gân cổ lên:
-Ảnh là cái gì mà có quyền dễ hay khó với em. Xin lỗi! Em về phòng đây!
Mặc kệ Thưởng gọi tên mình, Bảo Nhi giận dỗi đi một nước, cô hầm ông Tuệ kinh khủng. Chưa gì Tuệ đã muốn Thưởng đeo vào cổ Nhi một cái gông. Nhưng đừng có hòng anh Hai ơi! Chấp anh và ba một phe. Em đã có mẹ hậu thuẫn, em và Thưởng chẳng duyên cũng không nợ thì làm sao có chuyện vợ chồng. Tạm an tâm với điều vừa nghĩ, Bảo Nhi ngã người lên giường. Cô còn ấm ức lúc nãy chưa... moi được gì ở Thưởng về cái gã Lê Hoàng Minh. Nhưng hãy để đó! Vội vàng là chi khi cô đã tự hứa không thèm nghĩ đến hắn nữa.
Tượng Gỗ Hoá Trầm Tượng Gỗ Hoá Trầm - Trần Thị Bảo Châu