As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Tác giả: Mitsuyo Kakuta
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1761 / 82
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ố cho xe vào tầng hầm, rồi bỏ kính mát ra. Bước xuống xe trước, tôi liền nhảy chân sáo trên bậc tam cấp dẫn lên nhà hàng. Tôi đưa hai ngón tay ra hiệu “có hai người” cho chị phục vụ mặc tạp dề trắng đang cầm quyển thực đơn. Chị ấy nói “chị hiểu rồi, mời em đi lối này” và đi trước dẫn tôi đến bàn ăn, chân váy nhún bèo cứ đong đưa qua lại. Tôi ngồi yên vị ở bàn rồi bố mới bước đến cửa.
Nhà hàng không đông lắm. Bàn phía trước có hai chú mặc vét ngồi đối diện nhau, còn ở xa xa nơi chiếc bàn lớn, mấy người tóc nhuộm đủ màu đang bàn chuyện gì đó ra chiều nghiêm trọng lắm. Bố ngồi trước mặt tôi, lấy khăn ướt lau mặt, cổ, các ngón tay thật kỹ. Tôi thấy bố già già thế nào ấy nhưng không tiện nói ra. Lâu ngày mới gặp nên tự nhiên thấy ngại đủ thứ!
Chúng tôi mở quyển thực đơn để chọn món. Lúc nãy tôi chưa thấy đói lắm vậy mà nhìn hình ảnh thức ăn trong thực đơn, tự nhiên tôi muốn ăn đủ cả.
Tôi rất thích quyển thực đơn có bao nhiêu là hình các món ăn của nhà hàng. Nói sao nhỉ, nó khiến tôi có cảm giác mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Cảm giác những gì đáng sợ hay những gì tôi đang lo nghĩ sẽ bị hút vào bóng của những món ăn đó và biến mất. Tôi chăm chú ngắm từng món, từng món trong thực đơn.
- Phục vụ có đến thì gọi cho bố phần hamburger kiểu Nhật, với ly bia. Còn Haru, muốn ăn gì tùy thích.
Nói rồi bố đứng dậy.
- Đi đâu vậy?
- Gọi điện, cho mẹ.
- Sao vậy?
- Thì báo là bắt cóc mày rồi. Với lại, còn phải ra điều kiện nữa.
- Điều kiện?
- Thì đại loại như mẹ muốn bố trả mày về thì phải làm gì. Chuyện đương nhiên mà hả.
Bố vênh mặt nói. Xem chừng trò bắt cóc vẫn sẽ tiếp tục.
- Mẹ không có nhà đâu. Hôm nay không phải ngày đi làm nên mẹ đi mua hàng giảm giá với dì Asako rồi.
Nghe vậy bố liền hầm hầm ngồi xuống ghế. Tôi lại dán mắt vào quyển thực đơn lần nữa.
- Với lại, bố biết là mẹ đâu có ưng mấy trò đó. Chỉ tổ chọc giận mẹ thôi. Mà cho là bố giỡn chơi thì cũng phải biết là nhà mình đâu có tiền.
- Có ai nói đòi tiền chuộc đâu.
Chị phục vụ bàn lúc nãy lại đến. Sau một hồi đắn đo đã đời, tôi quyết định gọi phần tôm chiên xù và kem bavarian dâu tráng miệng. Chị ấy đem theo quyển thực đơn đi mất. Để lại đó cho người ta cũng có mất mát gì đâu. Tôi vừa được ngắm nghía mấy món ăn lại từ đầu, vừa có chỗ để đánh trống lảng nếu trong bữa ăn, câu chuyện với bố bị đứt quãng một cách mất tự nhiên.
Chị phục vụ mặc tạp dề trắng đi rồi, bàn của bố con tôi cũng yên tĩnh hẳn. Tôi kẹp hai tay xuống đùi, đong đưa hai chân, suy nghĩ xem nên nói chuyện gì đây. Nhưng nát óc mà chẳng ra đề tài nào hay ho cả. Bố cũng im lặng, nắn nắn túi tìm thuốc lá.
Rốt cuộc thì tôi cũng nghĩ ra chuyện, vừa nói “hồi sáng dì Yuko đến…” vừa nhìn ngón tay của bố đang lấy thuốc từ trong túi ra. Ngón tay bố xương, dài, hơi đen đúa.
- Dì có rủ con đi nhưng mà mấy người bọn họ, lâu lắc à, bố biết đấy. Giỏi lắm xem quần áo cho con được một chút, sau đó nói “chờ tí” rồi biến mất tiêu luôn. Đi vòng vòng trong đó cho đã rồi lại quay lại cửa hàng đầu tiên. Nhiều lúc thấy oải như chạy marathon mùa thu vậy.
- Mấy cái vụ đi theo mua sắm đó, bố cũng không ưa.
Bố nói qua làn khói thuốc. Chị phục vụ đem bia đến. Bố cầm lấy, uống ngon lành.
- À, mà hai người họ có nói sẽ mua cho con cái gì con thích nên con đã dặn trước rồi.
- Cái gì thế?
- Váy. Loại hở vai, chân váy chữ A, có in hình hoa hướng dương thật to, vàng rực nữa.
- Gì mà người lớn vậy?
- Nhưng chẳng biết có không nữa. Chỉ là con nghĩ nếu ‘được giống vậy thì hay’ thôi. Có khi bói cũng không ra ấy chứ!
À á, hết chuyện để nói mất rồi. Trong lúc tôi đang cố suy nghĩ xem tiếp theo sẽ nói gì thì bố lên tiếng:
- Cũng dài ngày đấy, có thấy thì bố mua cho. Với lại, mày có đem theo gì đâu đúng không, quần áo để thay, bít tất và đồ bơi nữa. Cần gì cứ nói.
Rồi bố dụi đầu thuốc lá, nói thêm bằng một giọng nhỏ hơn “không mua được đồ đắt tiền quá thôi chứ còn…”
Hamburger của bố được đem ra trước. Bàn chúng tôi lại chìm vào im lặng khi bố ăn. Còn tôi chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bên kia lớp cửa kính, ánh nắng chiếu rọi khắp nơi. Mấy chiếc xe hơi nối đuôi nhau chạy ngang qua, cửa xe phản chiếu ánh mặt trời trắng lóa, còn có mấy đứa cỡ tuổi tôi vừa đi bộ trên vỉa hè vừa vung vẩy túi đồ bơi. Kỳ nghỉ hè bắt đầu thì tôi lại thấy thành phố khang khác sao đó so với thường ngày, dù từ hôm qua tới giờ nó có gì thay đổi đâu. Như thể ánh nắng chói chang hơn hôm qua, hàng cây cũng như đậm màu hơn hôm qua, cả thành phố lao xao như trước ngày đi dã ngoại. Tôi nhìn bố đang húp canh xì xụp, nói:
- Vậy giờ mình đi đâu?
- Đâu cũng được.
Bố bỏ bát canh sang một bên, nhìn tôi.
- Có nghĩa là sắp tới đây phải lẩn trốn khá lâu nên đi đâu cũng được. Ưng biển thì đi biển, lên núi cũng hay, hoặc cứ đi, đi hoài đi mãi như kiểu “đi đến nơi vô định” mà không cần lên kế hoạch trước cũng được. Có điều cứ loanh quanh ở đây thì không hay lắm, ai dám nói là sẽ không gặp mẹ chứ, đúng không?
Đồ ăn của tôi cũng đã được mang ra. Bố bặm môi dõi theo hai bàn tay của chị phục vụ đang xếp dĩa. Chờ cho chị đi khuất, tôi hỏi:
- Sao phải trốn?
- Lúc nãy đã nói rồi, là bố đang bắt cóc mày. Mà bắt cóc thì phải chạy trốn khắp nơi để khỏi bị phát hiện. Không chịu nghe người khác nói chuyện gì hết, chắc ở trường cũng bị thầy cô mắng tội lơ là, không tập trung đúng không?
Tôi cáu sườn khi bị nói như vậy.
- Bố mới là dai. Con chán trò bắt cóc này rồi.
Tôi cố tình nói giọng thật lạnh lùng. Tôi còn định nói bệnh đùa dai đó là của mấy ông già nhưng thật ra không thân thiết gì đến mức có thể nói như vậy nên thôi.
- Đâu có đùa!
Bố nhìn vào mắt tôi, nói vậy. Vẻ mặt bố nghiêm túc đến mức tôi phải ngồi lui lại phía sau mấy xăng-ti-mét liền. Tôi nghĩ bụng “hết cách rồi, kệ, cứ đi với bố”. Đương nhiên, lúc đó tôi vẫn nghĩ là đang chơi trò giả bộ, mai hay mốt gì rồi cũng được về nhà. Cho nên tôi chẳng có ý định bảo bố mua cho cái váy hoa hướng dương dù có bắt gặp ở đâu đó. Vì chắc chắn đã có cái váy y như tôi hình dung hoặc có hơi khác một chút xíu nhưng rất dễ thương mà dì Asako lựa cho tôi, đang chờ ở nhà rồi.
Không biết từ lúc nào mà nhà hàng đông khách hẳn lên. Thành ra tôi và bố dù không nói gì thì vẫn có tiếng cười nói đâu đó vang lên, rơi rớt khẽ khàng xuống bàn chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi ngẩng lên nhìn bố qua ly bia còn phân nửa. Bố khom lưng, mặt cúi sát đĩa và ăn. Tư thế ăn uống đó luôn khiến mẹ bực mình. Vậy mà bố vẫn không sửa được. Bên kia lớp chất lỏng vàng óng là khuôn mặt bố đang nhai hamburger, chăm chú như một cậu bé ngồi làm bài tập về nhà vậy.
Mấy cái đĩa không đã được dọn đi, thay vào đó là phần kem bavarian dâu.
- Chắc về rồi đấy.
Bố lẩm bẩm rồi đứng dậy. Một tay cầm thìa, tôi nhìn theo dáng bố bước đi. Cái áo trắng len qua dãy bàn đầy người tới chỗ điện thoại công cộng trước quầy thu ngân. Bố cho thẻ vào máy, tay cầm ống nghe, quay lưng về phía tôi. Đột nhiên trống ngực tôi đập thình thịch khi thấy cái áo trắng không chút cử động kia, cứ như tấm lưng của một người đàn ông xa lạ. Cảm giác lo sợ, biết đâu không được về nhà thật thì sao?
- Về chưa? Mẹ ấy?
Tôi hỏi khi bố quay lại.
- Y như bố đoán, không chấp nhận điều kiện. Đành chịu, xem như mày phải theo bố thôi.
Bố nói mà không hề cười.
- Điều kiện là gì vậy?
- Cái đó không nói được.
Lúc này mới thấy bố cười, lần đầu tiên đấy. Tôi thở phào, chồm người tới:
- Mẹ có nói đã mua váy cho con rồi không?
- Váy gì, có hay không cũng thế. Đằng nào mày có được về đâu.
Bố nói vậy rồi lại rút một điếu thuốc từ cái túi nhăn nhúm.
Lúc chúng tôi lên xe, mặt trời đã đổ bóng. Nhưng bầu trời vẫn cao và trong, ánh nắng vẫn còn chói chang. Khi xe chạy khỏi bãi, tôi hỏi bố:
- Đi đâu đây?
- Đi đâu thì hay nhỉ?
Bố chỉ nói vậy rồi thôi.
Trong xe mát lạnh và im ắng. Tôi nhìn hình con gấu dán trên bảng đồng hồ xe và nghĩ ngợi lung tung. Nếu hỏi lâu nay bố đi đâu thì kỳ kỳ sao ấy. Mà hỏi bố không về nhà nữa à thì cũng cảm giác khó chịu làm sao. Những suy nghĩ hiện lên trong đầu tôi cứ như bị vướng vào một sợi chỉ mỏng nên rốt cuộc chẳng nói được gì. Bố cho băng nhạc vào máy nghe. Một bài hát vang lên, tôi không biết giai điệu đó. Nghe ồn ào, hình như nhạc tiếng Anh.
- Haru muốn đi đâu? Núi, biển, suối nước nóng hay nông trại?
Bố lớn tiếng hỏi giữa tiếng nhạc ầm ĩ.
- Bắt buộc phải là một trong mấy chỗ đó sao?
Tôi cũng hét toáng hỏi lại. Bố đưa điếu thuốc lên miệng.
- Ừ thì chỗ khác cũng được.
- Vậy con muốn đi Masupe!
- Hả?
- Masupe, là Mark & Spencer ấy.
Mark & Spencer là trung tâm mua sắm khổng lồ mới tinh, cách ga gần nhà tôi mười phút xe điện. Mọi người gọi tắt là Masupe.
Thật tình không phải tôi muốn đến đó cho lắm nhưng nghĩ đi Masupe thì có thể về nhà nội trong ngày hôm nay.
- Là gì thế?
Bố hỏi. Tôi liền giải thích Masupe là gì cho bố nghe. Sao bố không biết đến cái Masupe nổi tiếng đó nhỉ.
Cái trung tâm bách hóa to đùng, không ai là không biết, vậy mà… Thì cũng tại trước khi nó khai trương bố đã không còn ở nhà rồi. Tôi từng đến đó với mẹ và dì Asako dịp khai trương giảm giá.
- Ờ, cũng phải mua đồ mà, vậy đi thôi Haru. Nghĩ sẵn những thứ cần thiết cho mình đi!
Bố nói rồi nhả khói thuốc lá. Trong xe mờ một làn khói trắng lãng đãng với một mùi gợi nhớ xa xăm.
Lúc mặt trời bắt đầu chậm rãi chuyển sang màu cam thì xe đến bãi đậu của Masupe. Chúng tôi xuống xe và vào trong bằng thang máy chuyên dụng. Bố rảo bước nhanh đến nỗi tôi phải đi như đuổi theo phía sau. Cứ thế băng qua mấy quầy hàng mỹ phẩm, đồ trang sức rồi lên thang cuốn.
So với thời điểm khai trương thì trung tâm mua sắm bây giờ vắng hơn. Sàn nhà, tường, trần… mọi thứ đều trắng toát. Lên tầng hai rồi tầng ba, tôi cứ như đang thám hiểm một tòa nhà xa lạ trong mơ vậy.
Bố bước khỏi thang cuốn khi đến tầng đồ dùng trẻ em.
- Cần gì nào?
Bố quay lại hỏi, ngữ điệu như thể giáo viên.
- Để xem!
Tôi vừa nói vừa đi lên trước bố, trên cái sàn trắng tinh. Một thằng nhóc bé xíu đang đứng khóc trước quầy hàng em bé. Trong góc, chắc là mẹ của nó, đang bế một em bé sơ sinh như bế một cục bông gòn trắng. Ở quầy hàng váy đầm khá vắng vẻ, có một cô bé tóc dài đang cùng mẹ ngắm váy áo. Chiếc váy ren trắng có đính hạt màu hồng nhạt. Hẳn là để biểu diễn piano đấy mà. Nếu tôi chịu học tiếp piano thì cũng được mặc kiểu váy đầm như vậy rồi. Chúng tôi đi ngang qua quầy hàng xếp đầy những đôi giày nhỏ xíu, nhỏ hơn cả tai tôi nữa. Rồi khi phát hiện thấy đĩa game điện tử bày trong góc một cửa hàng, tôi liền nhanh chân bước tới. Mấy hộp đĩa game xếp san sát trong tủ, tôi gí mũi vào lớp kính để cố tìm cái đĩa trò chơi mơ ước. Là loại game mới được phát hành hồi tháng Tư. Bây giờ hỏi tôi cần gì thì thật sự, tôi chỉ nghĩ đến nó thôi. Tôi đã năn nỉ mẹ hai tuần liền mà mẹ chẳng mảy may động lòng.
- Kia rồi, đó đó, cái đó đó!
Tôi ngước lên nhìn bố và nói. Bố nhíu mày, nghiêm mặt:
- Không phải đến để lựa quà Giáng sinh đâu nhóc con. Cần gì mấy thứ đó, với lại có máy đâu mà chơi!
- Nhưng ngoài nó ra con đâu cần gì. Với lại máy game thì ở nhà có sẵn rồi!
Bố cố tình thở dài rõ to rồi kéo tay tôi đi. Tôi ngoan ngoãn để bố kéo đến quầy hàng quần áo. Mấy cô bán hàng đồng phục tạp dề đồng thanh “kính chào quý khách”. Biết vậy, lúc nãy tôi đã bắt bố mua cái áo đầm “quý-sờ-tộc” kia rồi, vừa đẹp lại khác với thường ngày. Chứ ở đây, một cửa hàng rõ chán, nhìn xem, không có lấy một cái váy đầm xòe, toàn quần jeans với áo thun.
Bố đẩy nhẹ lưng tôi như thể muốn tống tôi vào bên trong.
- Tạm thời lựa hai, ba cái mình thích đi.
Bố hạ giọng nói nhỏ. Tôi quay lại định hỏi thì bố nghiêm mặt, nói bằng một giọng còn nhỏ hơn thế:
- Mà này, đừng có vớ mấy cái đắt tiền quá đấy!
Không còn cách nào khác, tôi đành bước vào trong, thử nhìn ngó mấy kệ hàng xung quanh. Liếc lại thì thấy bố đang khoanh tay dòm chừng tôi ở cửa ra vào. Tôi lựa đồ với tâm trạng bất cần, chẳng cần biết bố đang định giở trò gì, hay trò bắt cóc này sẽ kéo dài bao lâu, tới đâu cho tới luôn. Nào áo ca-rô kiểu. Nào áo thun in chữ tiếng Anh. Nào quần jeans. Nào đầm trơn. Nào quần lửng vải mềm.
Hồi xưa, tôi đã từng đến trung tâm mua sắm với bố thế này. Lúc đó tôi bốn tuổi. Bố dẫn tôi đến quầy đồ chơi và nói tôi lựa món nào ưng ý nhất, món nào cũng được. Bố đứng một góc chờ tôi hết lượn chỗ này rồi sà vào chỗ khác, đắn đo, phân vân gần cả một giờ đồng hồ. Sau đó tôi lựa được một con gấu thật lớn, cao hơn cả tôi và ôm nó đi gọi bố. Bố lật ngửa con gấu xem bảng giá rồi nói gần như khóc: “Ôi, chết tôi. Đắt quá bố không mua nổi đâu. Xin lỗi con, Haru. Bố nghèo lắm!” Bố nhìn chăm chăm đứa là tôi lúc đó đang thất vọng ghê gớm, rồi tiếp tục nói như thể đang phanh phui một bí mật nào đó: “Nhưng không chừng ông già Nô-en lại có thể mua được đấy.” Sáng hôm sau, đúng vậy, là sáng ngày Giáng sinh, bên gối tôi nằm đã có sẵn con gấu tôi lựa. Từ đó tôi biết rằng chẳng có ông già Nô-en nào cả!
Trong lúc chọn lựa, ngắm nghía từng món đồ được treo trên giá hay nằm ngay ngắn trên kệ, tự dưng tôi thấy bực bội sao sao. Không phải vì bố không chịu ngưng cái trò bắt cóc chẳng chút hay ho này, cũng chẳng phải vì không được bố mua cho đĩa game, tóm lại là tôi chẳng biết lý do tại sao, chỉ thấy cứ bực tức, hậm hực trong lòng. Tôi kiểm tra giá từng món đồ thật kỹ. Định bụng sẽ mua mấy thứ đắt nhất trong tiệm dù không ưng kiểu dáng, màu sắc đi nữa, cho bố biết tay.
Và tôi lựa được bốn thứ. Toàn là những món đồ có kiểu dáng chẳng ăn nhập gì với cái giá ngất ngưởng của nó. Một cái áo thun rộng thùng thình, màu sắc lòe loẹt tới hoa cả mắt. Một cái quần lửng dài đến đầu gối, túi đắp khắp nơi và cũng rộng thùng thình. Cái quần jeans lại được chắp vá bằng nhiều loại vải. Và một cái áo sơ mi như một tác phẩm patchwork(2) thất bại của mẹ. Tôi chưa từng mặc kiểu thời trang này, có nghĩa chúng là những món đồ chắc chắn mẹ sẽ chẳng bao giờ mua cho tôi. Đại khái, mẹ luôn bắt tôi mặc mấy kiểu đồ con gái. Và hầu hết đều may từ loại vải trơn, màu trầm. May lắm thì có kẻ ca-rô. Mẹ nói mấy thứ màu sắc lòe loẹt, nổi bật là “rẻ tiền” nên chẳng bao giờ mua. Mẹ tin rằng mấy thứ an toàn mới “đẳng cấp”. Bất chấp cá tính của riêng từng người.
Tôi đưa đống quần áo cho bố, bố đem ra quầy tính tiền. Tưởng tượng mình trong mấy bộ quần áo “rẻ tiền” đó, bực dọc trong lòng cũng nguôi nguôi.
Sau đó, bố đến quầy bán vật dụng du lịch. Bố lựa bàn chải đánh răng, khăn, bột giặt, dao cạo râu và ném chúng vào giỏ. Rồi bố chọn một cái túi lớn cho mình, một cái ba lô nhỏ cho tôi. Luẩn quẩn theo chân bố, tôi bắt đầu chột dạ “mình tiêu rồi”. Xem ra không được về nhà thật. Dễ chừng bố sẽ dẫn tôi đi trốn ở đâu đó cũng nên. Cứ mỗi lần cô bán hàng cầm một món đồ trong giỏ ra, quét mã hàng, là trống ngực tôi lại đập thình thịch. Nhưng bố làm thế để làm gì nhỉ? Đi bắt cóc con gái mình thì có gì hay đâu. Chắc chỉ hôm nay thôi. Chắc hôm nay sẽ ngủ ở đâu đó rồi ngày mai được về nhà ấy mà. Mớ quần áo lúc nãy hẳn là quà bố tặng. Tôi cứ tự an ủi mình như vậy nhưng trong lòng mỗi lúc lại thêm hồi hộp.
Bố cho mọi thứ vào cốp sau và lái xe trên con đường đã bắt đầu chìm trong bóng chiều. Xa xa phía trước, mặt trời màu cam chậm rãi lặn giữa khoảng hở các tòa nhà san sát nhau. Những tòa nhà ấy cắt đường chân trời đang nhuộm hồng thành hình dích-dắc. Xe chúng tôi cứ chạy như thể đích đến là đường màu hồng ấy. Mark & Spencer nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến mất trong gương chiếu hậu. Hai bên đường là những trung tâm học thêm, cửa hàng cho thuê băng đĩa, quán mỳ… đại khái quang cảnh có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu nhưng lại không phải là nơi tôi biết. Còn những nơi chốn tôi biết thì đã dần xa trong gương chiếu hậu rồi. Tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi nhớ lại lần bị lạc khi đi về một mình sau buổi học piano. Cảm giác lo sợ ấy nay bỗng như trỗi dậy. Một mặt băng cát-sét đã chạy hết, tôi tranh thủ hỏi bố. Không thích cảm giác bị phát hiện mình đang lo lắng nên tôi cố gắng làm ra vẻ bình thản:
- Vậy là hôm nay không về nhà? Ngủ lại đâu đó à?
- Đại khái vậy.
Bố thản nhiên đáp lời. Tự nhiên tôi thấy quê quê sao đó.
- Vậy cũng được, nhưng mà nói bố biết rằng mấy chỗ nhỏ xíu, chật hẹp là miễn đi đấy nhé. Không “hoành-tá-tràng” thì đừng hòng con ở. Chỗ nào mà có đèn chùm treo sáng choang lộng lẫy, thảm êm nệm ấm, phòng có bồn tắm mát-xa, sáng thức dậy có quản gia đem đồ ăn đựng trong mâm bạc đến thì con sẽ ngủ cho bố!
Bố liếc nhìn mặt tôi, nói vẻ ngạc nhiên:
- Xem ra biết cũng nhiều nhỉ!
Rồi lật mặt băng nhạc.
- Nhưng khách sạn thì làm gì có quản gia hả?!
Bố nói vậy rồi im lặng.
Ánh sáng phía thành phố mờ dần, hiện lên dưới ánh đèn xe chỉ còn hai hàng cây như bao lấy con đường và những ngôi nhà đang dần chìm vào giấc ngủ. Tôi thật sự thấy lo nên cũng không nói gì nữa. Chỉ còn tiếng nhạc vang lên ầm ĩ. Không biết có phải vì chẳng có mục tiêu rõ ràng hay không mà bố cứ hết quẹo trái rồi rẽ phải, giả sử bị thả xuống đây một mình thì có lẽ vĩnh viễn tôi sẽ không bao giờ về được đến nhà. Nhưng kỳ lạ là dù lo lắng tột bậc nhưng đâu đó trong lòng, tôi lại thấy rất phấn khích. Cứ như trước buổi diễn văn nghệ ở trường vậy.
Xe từ từ giảm tốc độ và đổi hướng, đèn chiếu vào một tấm bảng hiệu cũ kỹ, tróc sơn. Chúng tôi dừng lại. Bãi đậu xe là một khu đất trống đầy sỏi đá. Ánh đèn chiếu rõ bảng hiệu của một quán trọ, xem ra đây sẽ là chốn dừng chân tối nay. Không đùa. Mờ mờ bên kia bãi đậu xe là một quán trọ cũ kỹ, bé tí và chẳng “duyên nợ” gì với những cái gọi là đèn chùm treo lộng lẫy, thảm trải mượt như nhung cả.
Tôi thử hỏi “đây là đâu” nhưng bố không trả lời, rút chìa khóa xe và bắt đầu gom đồ đạc. Vì bố đã bước xuống xe nên tôi cũng lật đật xuống theo.
- Ngủ ở đây á? Có đèn chùm treo không? Có mâm bạc lúc ăn sáng không?
Bố vẫn không trả lời trả lãi gì cả, cứ rảo bước về phía ngôi nhà tồi tàn. Đó là ngôi nhà làm bằng gỗ, hai tầng, bóng đèn bảng hiệu thì chớp tắt liên tục hẳn vì muốn đứt dây tóc. Tôi thử nhìn xung quanh nhưng trừ cái đèn sắp tắt ngóm đó ra thì mọi thứ đều chìm trong màn đêm hết cả, nên cũng chẳng biết ở đó có gì nữa. Chỉ nghe tiếng gió thổi lá cây xào xạc, tôi đoán chung quanh có nhiều cây cối. Trong bụng đánh lô tô nhưng tôi cứ phải đi theo, rồi bố mở cửa cái quán trọ cũ kỹ mờ ảo như nhà ma đó.
Bên trong sáng sủa hơn hẳn nên tôi thở phào. Ít ra thì cũng không có chuyện lũ ma hiện lên tụ tập để khiến tôi mất ngủ. Trong lúc bố nói chuyện với lễ tân, tôi xỏ đôi dép đi trong nhà vào và ngắm nhìn mọi thứ. Quầy lễ tân nằm ngay chính giữa, hai bên trải rộng, phía trái là hàng dãy những cánh cửa, còn phòng ăn ở phía phải. Trong phòng ăn chẳng có ai vậy mà ti vi vẫn để bật. Ngay cửa phòng có một hồ cá lớn, có hai con cá lững lờ bơi trong hồ nước vẩn đục.
Sau khi được dẫn lên căn phòng tầng hai, bố đi gọi điện thoại. Rỗi việc nên tôi hết kéo rèm cửa lại mở tủ lạnh, hay lục cái tủ đựng đồ dùng đã rệu rã, nghĩa là trong phòng có cái gì mở, đóng được là tôi cứ thế mở, đóng và kiểm tra bên trong. Nhưng chẳng có gì hay ho cả. Bên ngoài cửa sổ là bức tường xám xịt của một tòa nhà nhìn ghê ghê, tủ lạnh thì chẳng có đồ uống nào hấp dẫn, trong tủ quần áo chỉ có mấy bộ yukata(3), chấm hết.
Tôi đành ngồi bệt xuống chiếu, bật ti vi. Tôi đổi kênh, dò chương trình hay xem với mẹ. Khi thấy người dẫn chương trình và các nghệ sỹ quen thuộc trên màn hình, tôi nhẹ cả người.
Bố mãi chưa quay lại. Chẳng biết bố có đang thương thuyết với mẹ thật không. Chẳng biết tôi bị bố bắt cóc thật không?
Đêm đó, tôi sắp xếp chăn nệm và ngủ bên bố. Trong chăn có mùi những ngày mưa.
Tôi hỏi “sao rồi” khi bố trở về phòng nhưng bố chỉ làm mặt đau khổ và ậm ừ. Tôi hỏi “mẹ có nói gì không”, bố cũng chỉ “ừm”. Tôi nói “mẹ giận đúng không”, thì cũng chỉ nhận câu trả lời y như vậy.
- Haru thích món gì mẹ nấu nhất?
Bố hỏi bất ngờ khi tôi đã thiu thiu. Giọng bố chậm rãi lan khắp căn phòng dưới ánh sáng cái bóng điện tròn màu cam.
- Chirashi zushi(4) và thịt chiên.
Tôi đáp tắp lự. Rồi tự nhiên thấy đói bụng. Dạo này tôi không được ăn chirashi zushi lẫn thịt chiên.
- Ờ, thịt chiên đúng là ngon thật. Nhưng bố thấy korokke(5) ngon hơn. Nhưng korokke đâu phải lúc nào muốn ăn là có. Mùa hè thì là vằn thắn lạnh. Món đó cũng ngon.
- Con thích mỳ spaghetti kem hơn vằn thắn lạnh. À, với lại món kim chi nướng độc quyền nữa.
- Là của trẻ con thôi. Bố không ưa mấy món như spaghetti hay kim chi nướng gì đó, quen khẩu vị người lớn rồi. Rau sống trộn bạch tuộc, cà chua cũng ngon, à a, bố thèm cánh gà chiên giòn. Mà rắc thêm chút tiêu thì hay biết mấy.
Sau đó một lúc lâu, trong bóng tối, bố cứ lần lượt kể những món tủ của mẹ ra và phát biểu cảm tưởng. Tôi vừa nhìn ánh sáng màu cam nhỏ xíu trên đầu vừa nghe tiếng bố thầm thì.
So với lúc trước, dạo này mẹ ít nấu ăn hẳn. Tôi luôn nhớ món thịt chiên với cả cánh gà chiên giòn ngon lắm, nhưng lại chịu, không thể nhớ ra chúng có mùi vị thế nào. Cũng đành thôi, tại mẹ bận quá mà. Vả lại đồ ăn mua ở siêu thị cũng không tệ, hay những món thỉnh thoảng dì Asako nấu cho cũng trong danh sách yêu thích của tôi. Tuy nhiên, nếu xếp thứ tự ưu tiên thì vẫn là thịt chiên và chirashi zushi mẹ làm.
- Cơm trộn đậu hũ chiên và cá cơm cũng hợp với rượu lắm.
Bố tiếp tục. Không hiểu tại sao tôi không thể nói cho bố biết là lâu rồi, cả cơm trộn lẫn spaghetti tôi cũng không được ăn. Tôi lục lọi ký ức và nói:
- Bố biết bom cơm nắm chiên không? Là cơm nắm chiên mà lõi có đủ thứ nhân á. Con cũng thích lắm.
Đoạn hội thoại thình lình bị đứt ngang, từ bên bố nằm vang lên tiếng “rột, rột” như tiếng con mọt gặm gỗ. Tôi bật cười. Bố cũng cười theo.
Phải mà có quyển thực đơn đầy đủ các món của mẹ nhỉ. Một quyển thực đơn như của nhà hàng, có hình minh họa, to hoành tráng. Tự nhiên tôi nghĩ thế. Được vậy thì bây giờ, ngay tại đây, chúng tôi có thể ngồi dậy, bật đèn, trải quyển thực đơn trên cái chăn ngai ngái mùi mưa và lật ngắm từng trang cho bằng hết. Sẽ chẳng còn cảm giác lo lắng, buồn phiền, mà sẽ có cảm giác mọi việc suôn sẻ, như ý. Nghĩ vậy, tự dưng tôi muốn khóc. Và để khỏi rơi nước mắt, tôi đã phải úp mặt vào cái chăn và hít đầy lồng ngực cái mùi mưa đó.
Tôi Bị Bố Bắt Cóc Tôi Bị Bố Bắt Cóc - Mitsuyo Kakuta Tôi Bị Bố Bắt Cóc