Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1385 / 7
Cập nhật: 2017-05-25 16:43:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Kế Hoạch Tiểu Hoa
ọ đi đến gần sáng thì đến Ma Li Pho. Căn cứ vào lời khai và những tin tức do cô Hoa kể lại và với sự phán đoán của anh, Đen vừa đi vừa suy nghĩ và quyết định một kế hoạch mà anh gọi tên là kế hoạch "Tiểu Hoa" để kỷ niệm cô gái được cứu sống ấy, theo thói quen và ý thích của tuổi trẻ của anh, như cái thời còn ở bộ đội địa phương tỉnh, ở Chùa Làng Hạ, anh cũng đã từng có những kế hoạch tương tự như thế. Sau khi tính toán và quyết định, anh phổ biến kế hoạch đó cho toàn tiểu đội trinh sát và phân công nhiệm vụ từng người, trong đó có cả Tiểu Hoa từ giây phút này coi là một thành viên trong toán trinh sát và làm nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch.
Trước hết, họ phải đột nhập vào thị trấn, vào ngay nhà Tiểu Hoa để biết địa điểm liên lạc. Sau đó, Đen phân công ba chiến sỹ lên mỏm đồi 21.00 ở phía Tây Ma Li Pho để thay nhau quan sát và thường trực liên lạc với đơn vị bạn, ký tín hiệu liên lạc là lá cờ đỏ và bắn ba phát súng "Hai liên thanh, một tắc cú". Khi nhận được liên lạc thì cử người về báo cho Đen. Còn Đen và cậu Tâm phiên dịch thì ở lại ngay trong nhà của Tiểu Hoa, lấy đó làm căn cứ, để đi trinh sát trực tiếp trong đồn địch và trong thị trấn. Còn Tiểu Hoa có trách nhiệm cất dấu ngựa của Đen và Tâm, đề phòng khi cần vẫn có thể sử dụng được, nhiệm vụ bảo vệ canh gác giữ bí mật cho toán và dẫn đường cho Đen và Tâm khi cần thiết.
Đó là phần đầu của "Kế hoạch Tiểu Hoa", phần tiếp theo chờ khi bắt được liên lạc với đơn vị bạn sẽ phổ biến tiếp.
Mọi người đều phấn khởi bắt tay vào việc, nhất là Tiểu Hoa, cô tỏ ra rất vui mừng vì được các anh bộ đội Việt Nam tin tưởng và cho cô góp phần công sức để giải phóng quê hương cô.
Khoảng năm giờ sáng thì mọi người đã vào vị trí chiến đấu của mình xong. Bộ phận lên đồi cao, đem theo ngựa và đã sẵn sàng quan sát và chờ đợi. Riêng bộ phận của Đen thì gặp một tình huống bất ngờ xảy ra. Đã hai hôm nay cô gái bị mất tích, làm cho bà mẹ và hai em lo sợ buồn rầu như nhà có đám tang, bà mẹ và các em đã đi tìm và hỏi thăm khắp nơi mà không thấy. Những người hàng xóm đều phán đoán là hoặc bị thổ phỉ bắt, hoặc đi vào rừng sâu bị chó sói ăn thịt!... Gần đây chuyện người bị bắt cóc, nhất là đàn bà con gái thường hay xảy ra, bọn Quốc dân đảng bắt đi hãm hiếp một vài hôm hoặc một thời gian rồi thả về, cũng có người bị thả vào rừng cho chó sói ăn thịt, bà mẹ nhớ thương con đau buồn quá phát ốm, nhà lại hết cái ăn, không có tiền đong ngô nấu cháo, mấy đứa trẻ cũng đói lả đi. Bỗng nhiên Tiểu Hoa gọi cửa, lúc đầu bà mẹ tưởng là hồn ma về, vì Tiểu Hoa gọi cửa rất khẽ để giữ bí mật nên bà không dám ra mở, đến lúc Tiểu Hoa phải vừa đập cửa vừa gắt lên, bà mới tin là thật, nên mới mở cửa. Thấy con về bà mừng quá khóc oà lên, mấy đứa trẻ cũng thức dậy khóc nức nở? Tiếng khóc của nhà Tiểu Hoa làm ầm ĩ và đánh thức cả những nhà xung quanh, láng giềng tưởng nhà có người chết liền vội vàng chạy sang để thăm hỏi giúp đỡ.
Cũng may là lúc đó Đen và Tâm còn đứng ở ngoài sân, nép vào một góc tường, khi thấy Tiểu Hoa đập cửa, các anh phải tránh vào trong nhà xí. Khi tiếng khóc trong nhà ầm lên, và hàng xóm mang đèn đóm kéo sang thì Đen thấy hỏng rồi, không thể ở đây được nữa, cần phải chuồn ngay ra ngoài đường.
Nhưng muộn rồi, một số người đã đứng ngoài sân, một số đang ở ngoài ngõ vào, nếu họ ra cổng có thể bị những người ngoài đường phát hiện ra. Cậu Tâm đã nhanh trí bấm tay làm hiệu cho Đen, cả hai cùng bước ra sân, giương lê lên, dậm chân huỳnh huỵch như người đang đi tuần ở ngoài đường vào, vừa chạy vừa quát to:
- Ê nhà này có chuyện gì mà làm ầm ĩ lên thế?
Đen cũng kéo sụp mũ xuống che mặt, rồi vừa dậm chân vừa lên quy lát súng như đe doạ và yêu cầu trong nhà không được làm ồn - Tâm ngó vào trong nhà nhìn Tiểu Hoa làm hiệu rồi quát:
- Chưa đến giờ báo thức, yêu cầu gia đình không được làm ồn, nào có gì đâu mà ầm ĩ cả lên, thôi giải tán - Rồi hai người tỏ vẻ tức giận bỏ ra ngoài đường, một số người ở ngoài bước vào cũng tưởng là lính đi tuần và dòm ngó để kiếm trác rồi đi ra, nên cũng chẳng để ý nữa. Hai người vội đi nhanh ra khỏi phố đến chỗ tàu ngựa gửi ở gần nghĩa trang, ngồi xuống nghỉ cho hoàn hồn rồi chờ đợi.
Đen định tạm thời kéo nhau lên đài quan sát liên lạc, nhưng còn đang tính toán chưa quyết định, thì đã thấy Tiểu Hoa vội vàng chạy đến, cô đã mặc bộ quần áo đen, kín đáo, vừa thở vừa nói:
- Yên ổn rồi, mọi người đã về hết cả, em đã nói rõ cho mẹ em biết: "Đây là những người đã cứu sống con và về đây để chuẩn bị đánh bọn Quốc dân đảng". Mẹ em bảo ra mời các anh về ngay và hứa sẽ không để lộ bí mật. Các anh cứ yên tâm!.
- Thế bà cụ đã dậy được chưa?
- Dậy rồi, mẹ em đang đưa hai em nhỏ sang gửi nhà bà ngoại ở giữa phố rồi, tý nữa mẹ em sẽ quay lại ngay.
- Khoan, cô cầm mấy cái bánh về cho các em trước đi đã.
- Em còn hai cái, đêm các anh cho, em đã để dành và cho các em rồi, sớm mai em sẽ đưa tiếp cho các em cũng được.
Thế là Đen và Tâm lại quay lại nhà Tiểu Hoa. Không còn nơi nào khác. Trước mắt cần phải ngủ để lấy sức đã, người nào người ấy mệt rũ cả ra rồi. Thôi đành liều vậy! Đen chỉ kịp dặn cô gái là, nếu có ai biết và hỏi thì gia đình cứ nói là hai người lính ở đơn vị bố cũ trước đây về chơi, báo tin cho gia đình thế thôi. Rồi anh và Tâm trèo lên gác xép không kịp cởi trang bị quần áo dầy dép, cứ thế nằm lăn ra ngủ như chết.
Tiểu Hoa khép cửa lại rồi ra ngoài cổng canh gác và chờ mẹ. Một lát sau thì mẹ cô về, mới lúc nãy bà ốm yếu là thế mà bây giờ bà khoẻ hẳn ra vì vui mừng phấn khởi, bà đi lại được bình thường và mạnh mẽ như chưa bao giờ bà ốm cả. Tiểu Hoa được mẹ canh gác, nấu cháo để các anh ấy dậy thì ăn, cô còn dặn mẹ đun cả nước tắm cho các anh ấy nữa. Rồi cô cũng vào buồng nằm lăn ra ngủ.
Mãi mười giờ trưa, Đen mới tỉnh giấc dậy. Anh vội vàng xuống dưới nhà, bỗng nhìn thấy một cô gái đang bưng nước uống lên, mặc bộ quần áo hoa, trông rất trẻ và tưới tắn: Anh liền ngạc nhiên hỏi:
- Cô là ai? Em gái cô Hoa à?
Cô gái liền vừa cười vừa lắc đầu, tỏ vẻ không biết tiếng, làm cho Đen cũng chợt nhận ra mình có lỗi và nói lộ bí mật, định quay lên gọi Tâm phiên dịch, cũng may lúc đó Tâm đã thức, nhưng vẫn nằm nghe thấy Đen hỏi và cô gái cười, liền dịch lại luôn. Đến lượt cô gái ngạc nhiên nhìn Đen, mới tối hôm qua đến giờ mà anh ấy đã không nhận ra mình tại sao vậy? Cô liền trả lời:
- Không phải, em là Tiểu Hoa đây mà!
- Trời, sao cô hôm nay trông lạ thế nhỉ.
- Sao cơ?
- Cô trẻ và đẹp ra nhiều quá, làm tôi không nhận ra nữa, tôi xin lỗi nhé.
- ồ, không quan tâm, em chẳng có gì đáng khen đâu, em là con bé nghèo hèn mà, nếu không có các anh thì em làm gì được về ở nhà như thế này. - Cô gái cúi đầu xuống vui vẻ e thẹn, má ửng hồng và nụ cười rất tươi.
Chẳng ai còn nhận ra cô gái bị trói dưới gốc cây trong rừng hôm qua nữa. Tiểu Hoa đã dậy trước và cô đã kịp tắm rửa, thay quần áo và trang điểm chút ít. Cô đang chuẩn bị nước cho các anh tắm rửa; còn bà mẹ vẫn loay hoay dưới bếp với nồi cháo và mấy chiếc bánh mì nướng.
Đen bảo Tiểu Hoa mời mẹ lên nhà để anh chào và nói chuyện với bà về nhiệm vụ của các anh và nhờ bà giúp đỡ. Bà mẹ tỏ vẻ phấn khởi vì được đón tiếp và giúp đỡ các anh, là những ân nhân của gia đình bà, suốt đời bà sẽ không bao giờ quên ơn. Bà chỉ hiểm một nỗi bà nghèo quá, nên chẳng có gì nuôi các anh được, mong các anh hiểu cho tấm lòng của bà và tha thứ cho bà...
Suốt ngày hôm đó, Đen và Tâm đi khắp các ngõ ngách của thị trấn, vào cả trong doanh trại trung đoàn số tám đóng quân ở đây, các anh còn đến cả trang trại của địa chủ ở cạnh doanh trại nơi Sở chỉ huy trung đoàn địch chiếm giữ, lúc thì làm lính tuần tra canh gác dọc đường, lúc lại làm thương binh từ mặt trận về, Đen đóng giả làm người bị thương ở đầu, ở tai và ở họng, nên không nói được, cũng không nghe được mà chỉ làm hiệu. Lúc thì làm người dân đi chợ, đi cắt cỏ cho ngựa hoặc đi đổ thùng, nên chẳng ai nghi ngờ gì cả. Tiểu Hoa luôn luôn đi trước hoặc đi sau một đoạn dẫn đường, có quy định ký tín hiệu liên lạc và đối phó khi bất trắc.
Lúc bấy giờ chiến sự tuy chưa đến đây, nhưng khoảng hơn một tuần lễ nay, chiến sự đã nổ ra ở biên giới Việt Trung phối hợp với giải phóng Trung Quốc từ phía Bắc đánh xuống, nên hầu hết tướng tá và binh lính đều đã hoang mang giao động. Chúng động viên nhau cố trụ lại để chờ chi viện của Mỹ, nhưng vẫn chưa thấy chi viện đâu cả, mà chỉ thấy các đồn mất dần, các đơn vị tan dần, nên không khí chung là hoang mang. Trước lúc bị tiêu diệt đứa nào cũng tính toán tìm cách kiếm ăn để sống và vơ vét một số làm lưng vốn, lương thảo để chuồn khi cần thiết. Vì thế tình trạng hỗn quân hỗn quan ngày càng nhiều và lộn xộn, đánh đập dành giật nhau, chém giết nhau và cướp bóc, hãm hiếp nhân dân càng ngày càng nhiều. Tuy vậy các đồn bốt, chúng vẫn giữ được việc canh phòng nghiêm mật.
Lợi dụng thời cơ bọn địch đang hoang mang dao động, Đen liền cho tung tin loan báo rằng "Đồn Cổng trời đã bị quân đội Việt Nam đánh chiếm rồi, cả Si Ma Cai cũng mất rồi, quân đội Việt Nam mạnh như vũ bão đang tiến về đánh chiếm MaLi Pho!" Tin đó không cánh mà bay chỉ một buổi chiều đã loan đi khắp các đơn vị Quốc dân đảng và cả hang cùng ngõ hẻm của nhân dân, vì thế chúng càng hoang mang, đường phố càng nhốn nháo thêm, nhiều tên lính đã đem bán cả quân trang, súng ống, đạn dược để tìm đường chạy.
Đến chiều hôm đó Đen và Tâm đã hoàn thành việc điều tra tình hình địch, anh đã vẽ được sơ đồ bố trí đội hình và các hoả điểm quan trọng của địch. Buổi tối Đen, Tâm và Tiểu Hoa đột nhập vào Sở chỉ huy trung đoàn của địch để nghiên cứu việc đưa quân vào đánh, họ cũng còn phát hiện ra một kho thuốc nổ ở gần đó và tìm được phương án phá khi cần thiết. Lúc đó họ phải giả danh là hai tên lính ở đơn vị cấp dưới đi dẫn gái lên nộp cho chỉ huy trung đoàn, còn Tiểu Hoa thì ăn mặc khá diện, và liếc mắt đưa tình rất duyên, nên mới che mắt được bọn lính gác.
Mãi chiều tối hôm đó, nhóm đài quan sát mới bắt được liên lạc với đơn vị bạn "Trung đoàn tiên phong hai". Và cho người về nhà Tiểu Hoa báo với Đen, vừa lúc đó Đen cùng Tâm và Tiểu Hoa đi trinh sát Sở chỉ huy về. Đen liền nhanh chóng ra đài quan sát để gặp và hiệp đồng với đơn vị bạn ngay.
* * *
Kế hoạch Tiểu Hoa 2
Đen nộp bản sơ đồ và báo cáo lại tình hình địch với chỉ huy trung đoàn Tiên phong hai. Chỉ huy trung đoàn rất phấn khởi vui mừng trước những tài liệu mà tiểu đội trinh sát của Đen đã cung cấp, theo ý các anh định cho quân nghỉ và chờ trung đoàn "Tiên phong một" đánh xong SiMaCai đến đấy cùng phối hợp đánh Ma Li Pho, nhưng Đen đã đề nghị các anh cho tấn công đánh chiếm Ma Li Pho ngay đêm nay, với lý do: Trung đoàn tiên phong một đang gặp khó khăn có thể đêm nay hoặc ngày mai mới đánh xong SiMaCai, nếu ta đánh Ma Li Pho thì sẽ chi viện đắc lực cho SiMaCai. Còn ở đây, tình hình địch đang hoang mang giao động, bố phòng lại đơn giản vì là hậu cứ, nên chỉ cần một trung đoàn cũng có thể đánh chiếm được.
Trong khi chỉ huy trung đoàn còn đang suy nghĩ tính toán và bàn bạc, Đen lại đề nghị:
- Riêng phần Sở chỉ huy trung đoàn tám, tiểu đội trinh sát xin chịu trách nhiệm đánh chiếm.
- Hả? Tiểu đội trinh sát nhận đánh hả? Các anh có mấy người? Năm người à? Đánh bằng cách nào? Các anh không đùa đấy chứ? Người chỉ huy trung đoàn Tiên phong 2 bỗng quắc mắt lên nhìn Đen vẻ hằm hằm - á à, thằng nhóc con này có vẻ chủ quan và liều lĩnh đấy. Đen chờ cho người chỉ huy dịu xuống một lát, rồi nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc báo cáo với chỉ huy:
- Báo cáo chúng tôi đã nghiên cứu kỹ rồi, đây anh xem - Đen dở một sơ đồ khác anh đã vẽ sẵn ra cho người chỉ huy xem - Chỉ cần ít người bí mật luồn vào trước theo đường này này, rồi phá kho thuốc nổ ở đây, kho thuốc nổ sẽ đánh sập cả khu nhà hai tầng của Sở chỉ huy, cả bọn sỹ quan đầu não đều ở trong nhà này, sau đó dùng súng và lựu đạn tiêu diệt nốt.
- Thế nếu kho thuốc nổ không nổ hoặc nhà hai tầng không sập thì làm sao?
- Dạ, chúng tôi đã có phương án hai ạ. Bí mật ém lực lượng vào các cửa buồng, chỉ cần trên gác hai người, dưới ba người dùng thủ pháo lựu đạn và tiểu liên đánh vào từng buồng, mỗi buồng chỉ cần một quả thủ pháo là xong ạ- Sau đó mới đánh nhà dưới bọn lính hầu và bọn con gái ở. Chỉ cần mười đến mười lăm phút là ổn.
- ừ, có thể được đấy, để xem xem nào!.
Người chỉ huy trung đoàn xem kỹ tấm sơ đồ và hỏi thêm một số điểm khác, nghiêm khắc như người thầy giáo kiểm tra bài thi: Đen đều trả lời đầy đủ và trôi chảy.
Ông suy nghĩ một lát sau liền vỗ đùi đánh đét một cái.
- Được, được, hay đấy, chú mày khá lắm. Ta sẽ đánh ngay trong đêm nay không cần chờ trung đoàn tiên phong 1 nữa. Đánh xong ngày mai sẽ cho nghỉ và khao quân. Được chứ, hả? - Ông quay sang hỏi các cán bộ xung quanh, rồi trịnh trọng bắt tay Đen rất chặt và tiếp:
- Sẽ lấy mũi đánh Sở chỉ huy của chú mày làm hiệu lệnh tấn công. Tôi sẽ cử thêm một đại đội nữa tiếp ứng phía sau, khi phương án 1 phá kho thuốc không thành công, nhất trí chứ?
- Dạ, thế thì hay lắm, càng chắc chắn ạ! - Đen trả lời.
- Bây giờ là mấy giờ? - Ông dơ tay xem đồng hồ - mười một giờ, vậy thì năm giờ sáng nổ súng được không? Lấy tiếng nổ của tiểu đội trinh sát đánh Sở chỉ huy địch làm hiệu lệnh tấn công! Tham mưu trưởng triển khai kế hoạch đi, các đơn vị phải rất khẩn trương mới kịp, đây là một thời cơ rất thuận lợi, phải cướp thời cơ ngay.
Thế là phương án của Đen đã được chuẩn y và thực hiện. Sau khi nhận các chỉ thị hiệp đồng với tham mưu trưởng, Đen xin phép về ngay trong phố để chuẩn bị chiến đấu. Đen đang định quay đi xuống núi thì có tiếng gọi:
- Đen ơi, có phải Đen đấy không? Mình là Thọ đây!
Đen quay lại, trong bóng đêm cũng nhìn thấy, đó là người lính gầy gò vẻ ốm đau, nhưng trông quen thuộc, qua ánh đèn pin họ nhìn nhau cứ ngờ ngợ.
- Thọ nào đấy nhỉ- Có phải anh Thọ làng Mãn đấy không?
- ừ đúng rồi, mình đây mà, mình cứ ngờ ngợ cậu từ lúc nãy mà chưa dám gọi - Thọ quay sang chỉ huy trung đoàn - Báo cáo trung đoàn trưởng, đây là cậu Đen người làng em đấy ạ.
- ồ vui vẻ quá, anh em đồng hương gặp nhau hả!
- Dạ vâng ạ, anh Thọ là lớp đàn anh đi trước tôi hơn một năm đấy ạ.
Thế là Đen và Thọ tay bắt mặt mừng, họ ôm lấy nhau cảm động không nói lên lời. Những người đồng hương gặp nhau ở chiến trường mới thắm thiết làm sao, nhất lại là ở nước bạn, nơi đất khách quê người xa xôi này. Thọ là con cụ Ba còm bán nước ngoài đầu đình, bố mẹ anh nhà nghèo nhưng lại đông con không có nhà không có đất, phải làm một túp lều bán nước sống dựa vào đất làng ở một góc đầu đình, con trai lớn lên đều phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Anh Thọ đã xung phong đi vệ quốc đoàn mấy năm rồi tưởng là chết không tin tức gì cả. Anh cũng không biết rằng thằng em trai của mình là Trường đã đi ngược lại con đường của anh. Nó đi lính nguỵ cho Pháp chống lại quê hương làng xóm, chống lại anh. Chính nó đã bắt ép cô Miền người yêu của Đen một bông hoa xinh đẹp nhất làng Mãn phải lấy nó làm vợ, nếu không thì nó giết cả nhà... Những tin tức quê hương làng xóm. Kể vội vàng cho nhau nghe.
Hiện nay anh Thọ làm chiến sỹ bảo vệ trung đoàn trưởng, hai người mừng mừng tủi gặp nhau phút giây ngắn ngủi, vì Đen phải về chuẩn bị chiến đấu ngay, họ hẹn gặp nhau vào ngày mai sau khi chiến thắng.
Nhưng mãi những năm sau này Đen không bao giờ gặp Thọ nữa, không phải vì anh bị hy sinh, mà anh vẫn sống cho đến ngày kháng chiến thành công, anh đã lấy vợ và có con; vợ anh quê ở Lục An Châu, con một gia đình cơ sở nơi anh đóng quân trong chiến dịch biên giới. Chỉ tiếc rằng khi chiến thắng người ta trở về xây dựng lại làng xóm quê hương, xây dựng gia đình hạnh phúc, còn anh, những vi-rút sốt rét, những vi trùng vàng da đã tiếp tay cho bọn giặc xâm lược, hãm hại anh cho đến chết, sau ngày hoà bình lập lại được ít lâu, bỏ lại vợ con. Trước khi chết, anh vẫn cố bò về mảnh đất quê hương, nhưng gia đình ly tán chẳng còn ai. Nấm mồ người chiến sỹ về làng này chẳng có một vòng hoa, chẳng có lời ai điếu, thậm chí cũng chẳng có tiếng khóc ơ hờ của người thân, vợ con anh bị đói khát phải tha phương cầu thực, bỏ mặc anh chết một mình. Chỉ có những nén hương của dân làng làm phúc cho những người vô danh, cháy leo lét trên nấm mồ hưu quạnh.
Trong cuộc chiến đấu đêm đó ở Ma Li Pho, dư âm của cuộc gặp gỡ người đồng hương đã an ủi anh, vỗ về anh, làm anh thêm tăng sức mạnh.
Trận chiến đấu hôm đó, diễn ra theo đúng kế hoạch của Đen mà người chỉ huy trung đoàn đã duyệt. Tiểu đội trinh sát của Đen đã bí mật luồn vào sào huyệt của địch một cách êm thấm. Tiểu Hoa làm nhiệm vụ nghi binh, giả làm con gái làng chơi đến với chỉ huy trung đoàn, nhưng lại đứng tán tỉnh với mấy cậu lính gác và tuần tra. Chuyện của Tiểu Hoa làm chúng mắt la mày lét và cười khoái chí quên cả việc canh phòng, bọn Đen đã luồn vào phía sau an toàn.
Đúng năm giờ sáng, tiếng nổ của kho thuốc nổ năm tấn thuốc đã làm rung chuyển cả thị trấn, đánh sập căn nhà hai tầng mà bọn chỉ huy trung đoàn đóng và làm bay toàn bộ số nhà một tầng gần đó đành cho bọn lính tráng, công vụ, gái điểm, nhà bếp...
Tiếp đó là tiếng kèn xung phong của trung đoàn tiên phong hai nổi lên, và chỉ ba mươi phút sau, toàn bộ quân địch trong đồn đã phải đầu hàng. Sau trận chiến đấu Đen không kịp ở lại đồn tìm gặp Thọ mà phải về phố ngay để chuẩn bị lên đường. Anh được lệnh đưa tiểu đội trinh sát kỵ binh của mình tiếp tục khẩn trương đi trước mở đường cho các trung đoàn đến Diên Sơn cách đó ba ngày đường nữa. Nơi sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn phương Nam và tàn quân Quốc dân đảng. Tiểu Hoa cứ nhất định đòi Đen cho đi cùng, cô muốn tham gia vào cuộc chiến đấu đánh bọn Quốc dân đảng để rửa hận cho cha, trả thù cho cô và gia đình cùng làng xóm quê hương, nhưng Đen từ chối.
Thực lòng cô muốn được đi cùng Đen đến cùng trời cuối đất. Người Tiểu đội trưởng trinh sát Việt Nam, đã cứu sống cô, đã tạo điều kiện cho cô được tham gia chiến đấu. Cô đã có cảm tình với anh và thương mến anh, nhưng cô cũng biết mình chỉ là một cô gái đã bị vùi dập đau khổ nên cô đoán là sẽ bị mọi người coi thường mình, khinh rẻ mình, hơn nữa lại không biết tiếng, mà thời gian lại rất gấp gáp, nên cô không thể nào nói hết nỗi lòng của mình được. Cô chẳng hy vọng gì được anh yêu thương lại, nhưng cô vẫn muốn đi cùng anh, dù vài ba ngày, một thời gian ngắn cũng được để giúp đỡ các anh, ít ra là về mặt ăn uống, nghỉ ngơi, chăn dắt ngựa, giặt giũ khâu vá quần áo, hoặc nhỡ ra khi có ai làm sao, bị ốm bị sốt hay bị thương thì cô sẽ chăm sóc cho các anh. Cô muốn được trả ơn nghĩa với Đen và anh chiến sỹ Cách mạng Việt Nam.
Mặc dầu cô nói thế nào Đen cũng không đồng ý, kể cả bà mẹ cũng đồng ý cho con đi và nói với Đen, nhưng anh cũng không bằng lòng. Vì thế Tiểu Hoa rất buồn; người cứ ra ngẩn vào ngơ, như đánh mất một cái gì quý giá nhất trên đời.
Đen cho anh em chuẩn bị vũ khí súng đạn; lương thực cho người và ngựa, chỉ mang đủ ăn trong ba ngày, còn bao nhiêu để lại cho gia đình. Sau đó anh cho mọi người đi ngủ vài tiếng để lấy sức. Chiều mới đi. Đêm qua phải thức suốt đêm và chiến đấu căng thẳng nên mọi người ngủ ngay. Vì nhà chật, nên mọi người phải lên gác xép ngủ, riêng Đen được bà mẹ bố trí vào trong buồng ngủ. Đen vừa đặt lưng lên giường là ngủ ngay, ngủ mê mệt không biết trời đất là gì cả.
Có lẽ anh ngủ được khoảng hai đến ba tiếng gì đó thì bỗng nhiên tỉnh dậy, hình như có ai đó làm anh tỉnh dậy. Một mùi thơm da thịt của con gái bao chùm lấy anh, anh chợt thức giấc, có người nằm cạnh anh, cùng đắp chăn chung với anh và cũng đang ngủ. Cánh cửa buồng vẫn khép kín trong bóng tối mờ mờ, anh lật chăn ra và nhỏm người lên, cố nhìn xem ai. - Ôi, Tiểu Hoa, Tiểu Hoa vào đây từ lúc nào mà anh không biết. Trông Tiểu Hoa ngủ lúc này sao mà hiền dịu xinh đẹp thế nhỉ? Cô gái lại chỉ mặc quần áo lót hoa mỏng, càng gợi cảm thêm nhiều. Nhưng sao Tiểu Hoa lại làm thế này, liều thật đấy, có mẹ cô ở nhà lại bao nhiêu chiến sỹ ở đây nữa. Cảm giác đầu tiên là anh thấy ngần ngại và sợ sệt. Nhỡ ra bà mẹ biết và anh em chiến sỹ biết thì ăn nói làm sao bây giờ. Giữa lúc tình hình chiến đấu còn đang khẩn trương phức tạp này. Lại còn kỷ luật dân vận nữa, nhất là kỷ luật đối với dân nước bạn họ chưa hiểu mình, cũng giống như kỷ luật đối với đồng bào thiểu số trong nước... Không thể như thế này được, vi phạm kỷ luật dân vận là rất nặng nề. Đen đang định lay người đánh thức Tiểu Hoa dậy và mời cô ra ngoài, nhưng anh lại ngần ngại động vào người cô, anh quyết định tự mình đi ra để cho cô ta ngủ. Như đoán được ý định của anh, thực ra Tiểu Hoa không ngủ, cô vẫn nằm im nghe ngóng và chờ đợi Đen thức dậy, khi Đen tung chăn định vùng lên thì Tiểu Hoa bỗng kéo tay anh lại làm anh ngã đè lên người cô, rồi cô ôm ghì lấy anh, cô đưa một ngón tay lên mồm làm hiệu "Im lặng kẻo trên gác biết". Đen đành phải tạm thời nằm im để khỏi phát ra tiếng động, mỗi tiếng kẹt giường lúc này đối với anh còn vang hơn cả tiếng bộc phá nổ hồi đêm công đồn. Cô gái cứ ôm ghì lấy anh rất chặt, hơi nóng trên thân thể cô truyền sang anh làm nóng người anh lên, hơi thở gấp gáp của cô, phả vào mặt vào mồm anh, và bộ ngực nóng hổi của cô cứ phập phồng dưới ngực anh. Làm anh rạo rực, trong dây phút mềm lòng, anh cũng muốn chiều theo ý cô, anh liền ôm hôn môi cô một cách thắm thiết làm cô gái sung sướng quá cười chảy nước mắt. Rồi anh định muốn tiến sâu hơn trên thân thể người con gái đang sẵn sàng chờ đợi. Nhưng bỗng hình ảnh cô gái bị trói dưới gốc cây mới sáng hôm qua hiện lên, trông thật tiều tuỵ và thương xót, rồi hình ảnh ba tên lính Quốc dân đảng bị bắn chết trong trận phục kích, trông thật kinh tởm, tự nhiên anh thấy rùng mình, lạnh ớn cả xương sống, anh vội vàng vùng lên, tụt xuống đất, và mở cửa ra ngoài nhà, mặc cho cô gái cứ lặng lẽ co kéo mãi. Anh chỉ xua tay làm hiệu cho cô.
- Không thể được! Không được làm như thế!
Anh bỗng bật lên tiếng nói to và cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Để xua tan những nỗi giằng xé lương tâm. Anh liền lên gác xép để đánh thức các chiến sỹ dậy chuẩn bị hành quân. Họ nhanh chóng tắm rửa, ăn uống rồi vội vã lên đường. Đen đã cho đi sớm kế hoạch trước hai giờ. Anh muốn đi nhanh rời khỏi nơi đầy cám dỗ quyến rũ này đi, anh muốn đi nhanh cho xa nỗi thương cảm của gia đình này đi. Anh có cảm giác nếu ở lại một vài giờ nữa thì anh có thể quỵ xuống không vùng lên đi được nữa.
Tiểu Hoa tiễn đưa các anh trong tiếng khóc nức nở. Năm chàng chiến sỹ trinh sát, với năm con ngựa thồ - Cứ như năm chàng kỵ sỹ với những con chiến mã thời trung cổ, đang tung vó bụi mù trên con đường gập ghềnh hoang vu.
Hình ảnh Tiểu Hoa xinh đẹp và đáng thương cứ cuốn họ mãi trong suốt cả chiều dài hành quân và đôi lúc lại dấy lên trong suốt cuộc đời.
Đào viên
Sau khi giải phóng Diên Sơn và tiêu diệt Tập đoàn quân phương Nam và tàn quân Quốc dân đảng, Trung Quốc mới hoàn toàn được giải phóng, biên giới Việt Trung được mở cửa. Cách mạng thế giới nói chung và Cách mạng Trung Quốc nói riêng đã chi viện tích cực cho cách mạng Việt nam. Cuối năm 1950 một chiến dịch vận chuyển vũ khí qua con đường mòn biên giới được tổ chức từ Hà Giang đến Vân Nam qua Thanh Thuỷ, dốc Cổng trời, Si Ma Cai, Ma Li Pho, Diên Sơn... Rồi từ Hà Giang đổ về các tỉnh đồng bằng, các chiến trường phía Nam. một con đường mòn dài hàng ngàn kilomet, gần bằng một nửa con đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ hai mươi năm sau này. Mà phương tiện chủ yếu lúc đó chỉ có đôi vai người chiến sỹ, không có xe đạp thồ, không có ngựa thồ vì đường mòn hiểm trở, ngựa cũng không đi được. Chính phủ và quân đội Trung Quốc đồng ý chuyển giao toàn bộ chiến lợi phẩm vũ khí do ta thu được của bọn Quốc dân đảng cho ta và còn chi viện thêm nhiều lương thực thực phẩm quân trang quân dụng khác. Từ đó kháng chiến của nhân dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Chính trong thời gian đó Nguyễn Trung Hiếu tức Đen đã được kết vào Đảng, mặc dù lúc này Đảng đang chủ trương đóng cửa để củng cố tổ chức nội bộ, chỉ kết nạp những người ưu tú lập được chiến công xuất sắc. Đồng thời Đen cũng được quyết định đi học sỹ quan khoá sáu. Lúc này trường đã được chuyển sang đất Trung Quốc, một địa danh lịch sử trong thời Tam Quốc, phía Nam tỉnh lỵ Vân Nam không xa.
- Có phải đây là vườn đào mà Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đã kết nghĩa anh em trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa? ở một cánh tủ chè nhà ông bác anh có một bức khảm chai "Đào Viên kết nghĩa" mà anh rất thích, được ông ngoại kể lai lịch cho từ bé trong buổi chuyện cổ tích, làm anh nhớ mãi. Khi lớn lên đi học, anh đã tìm đọc và thích thú truyện này; anh nhớ từng hồi, từng chương từng chi tiết đem kể cho bạn bè nghe.
Một sự tình cờ may mắn, đó là một buổi chiều chủ nhật gần cuối khoá học, anh và một số bạn đi chơi thăm cảnh ga Phụng Minh Thôn về rồi trèo lên rừng tìm hái quả mắc coọc ăn, trên đường bỗng lại gặp được một người làng, đó là anh Khánh con của cụ Bạch, anh cũng là lớp người đi trước cùng lớp với anh Thọ, nay từ chiến trường được cử đi học lục quân khoá bảy.
Hai anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, anh Khánh gầy còm ốm yếu, ăn ngấu nghiến mấy chiếc bánh bao lạ miệng Đen xin nhà bếp đưa cho anh. Hai người ngồi trên vười đào, mé trên đồi cao tâm sự. Qua anh Khánh kể, Đen mới biết được tình hình gia đình và làng xóm, vì trước khi sang Trung Quốc anh Khánh cũng chỉ gặp một người làng kể lại. Thế là gia đình Đen không còn ai nữa, bố mẹ anh chị em đều bị Tây giết hoặc thất lạc đi xa mỗi người một nơi, nhà cửa bị chúng chiếm đóng hoặc dỡ xây đồn bốt. Cô Tách, cô Miền và những cô bạn gái đều đã đi lấy chồng, nếu không lấy Việt gian thì cũng lấy phản động, làng xóm xơ xác tiêu điều.
Mấy ngày sau Đen còn gặp cậu Dung người làng Vạn Điểm, gần làng Mãn, bạn học với Đen khi còn ở cấp tiểu học. Dung hoạt động du kích ở địa phương bị Tây càn đánh bạt vào tận khu Bốn, rồi xung phong đi bộ đội ở đó, Dung cùng tuổi với Đen, nhưng đi sau Đen hai năm và bây giờ cũng được về học khoá bảy, một khoá học lấy rộng rãi, không đòi hỏi trình độ văn hoá cao, thể lực tốt, mà chỉ cần tiêu chuẩn chính trị, thành phần cơ bản và có thành tích ở các chiến trường, do các đơn vị giới thiệu cử đi không phải thi cử gì cả như từ khoá sáu trở về trước. Vì thế anh Khánh và cậu Dung mới được đi học sỹ quan, mặc dù trình độ văn hoá mới thoát nạn mù chữ và chưa học hết tiểu học. Chính vì thiếu trình độ văn hoá, thiếu những hiểu biết cơ bản của khoa học và xã hội, nên mặc dù các anh đã được đào tạo từ trường chính quy ra, nhưng các anh vẫn không phát triển được, nên hơn mười năm sau các anh cũng phải ra quân, phục viên hoặc về hưu, với cái lon thiếu uý khiêm tốn mà thôi.
Từ đó ba người bạn đồng hương cứ đến ngày chủ nhật lại kéo nhau lên ngọn đồi cao ở Đào Viên ngồi tâm sự với nhau, thăm hỏi động viên nhau về việc học tập rèn luyện, cùng ôn lại những kỷ niệm làng xóm và những người thân quen. Những chuyện quê hương của họ đã động viên an ủi họ trong học tập và công tác và làm giảm bớt nỗi đau buồn của họ khi nhớ đến gia đình và khuyến khích họ trên đường ra trận sau này.
Cứ nhìn thấy đồng đội Đen lại hay suy nghĩ về mình, và những điều so sánh khó có thể không xảy ra, và anh lại cảm thấy tủi phận đau buồn. Chẳng phải nói đâu xa, ngay những người làng, đồng hương của mình. Tại sao anh Khánh và cậu Dung lại được đi học một cách dễ dàng như vậy, họ vào trường là được nhận ngay, mặc dầu trình độ văn hoá của họ kém và sức khoẻ của họ ốm yếu, kể cả về mặt chiến công họ cũng chưa chắc đã hơn gì anh. Rồi những người cùng tiểu đội của anh nữa. Tại sao họ cũng chỉ từ học sinh đi thi vào trường, chỉ một lần là được ngay? Còn anh, lại phải trải qua một con đường vòng gian khổ. Lần thứ nhất anh từ một học sinh trung học thi vào khoá bốn bị loại vì sức khoẻ, sau một tháng rèn luyện. Một năm sau, từ bộ đội địa phương tỉnh, anh thi vào khoá năm, lại bị loại vì ốm yếu sau một tháng mười ngày huấn luyện, rồi một năm sau nữa anh lại từ cơ quan đi phối hợp với đơn vị chiến đấu, mới được về thi vào khoá sáu. Cũng may lần này, trường đã sang nước bạn, và người ta đã cải cách tác phong phương pháp và chương trình đào tạo của nước bạn Trung Quốc thay cho tác phong đế quốc và phát xít trước đây, và cuộc sống cũng được bạn giúp đỡ đầy đủ hơn nên anh đã theo học được đến nơi đến chốn. Như vậy là anh phải phấn đấu lên lần thứ ba, mới đạt được nguyện vọng học trường sỹ quan chính quy để phục vụ quân đội lâu dài. Quá trình phấn đấu của anh là những bài học máu xương của đời anh. Thất bại lần thứ nhất, anh không nản lòng, mặc dầu sau đó gặp nhiều trắc trở bị giặc bắt bị chôn sống, bị tình nghi phản bội nhưng sau đó anh vẫn thực hiện được việc thi vào trường sỹ quan. Thất bại lần thứ hai, bị ốm yếu phải loại về cơ quan, lại gặp trở ngại khó khăn do tên Phí Hải Đường và võ sư Ki Ki Tô huấn luyện viên gây rắc rối vì vụ cô Thu, bị tống đi chiến đấu, nhưng lại lập công và trở về trường lần thứ ba.
Bước đường đi của anh tuy nhiều gian khổ, có lúc phải toát mồ hôi sôi nước mắt, có lúc phải đổ máu, nhưng dù sao anh cũng đã đứng vững và đạt được nguyện vọng, có lúc anh lại tự động viên an ủi mình như vậy.
"Thời gian và lòng kiên trì" có phải danh tướng Cu Tu Dốp đã nói như vậy trước khi ông đánh bại Napôlêông ở Bờrôdinô không? Còn anh, anh chỉ có sự nhịn nhục và chịu đựng để vươn tới cái đích của mình, một cái đích mà anh có đủ khả năng để đi tới, phù hợp với sức lực của mình, chứ không phải là những ước mơ nguyện vọng cao xa mà sức anh không bao giờ vươn tới.
Những kẻ thù của anh, những đối thủ của anh, nham hiểm độc ác và âm mưu sảo quyệt để đè bẹp anh, tiêu diệt anh, nhưng cuối cùng anh vẫn vươn lên được, và dành chiến thắng về mình, làm cho bọn chúng phải run sợ, tức tối mà không làm gì được anh.
Nhưng tại sao? Tại sao cuộc đời anh cứ phải lắp đi lắp lại những nỗi khổ đau oan nghiệt làm vậy? Cứ phải ngụp trong gió mưa dông bão, cứ phải lặn lội trong tủi nhục và uất ức, rồi mới vươn lên được bằng người, dù đó chỉ là những người tầm thường nhất?.
Có phải chăng số phận đã đè nặng lên cuộc đời anh? Có phải chăng duyên nợ của kiếp trầm luân và bể khổ?
Thời Sôi Nổi Thời Sôi Nổi - Nguyễn Lương Hiền Thời Sôi Nổi