Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Mary Norton
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: The Borrowers (The Borrowers #1)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2675 / 62
Cập nhật: 2018-03-18 01:33:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ng Pod từ từ bước vào, túi vắt qua vai; ông dựng cây kim mũ với dải ruy băng lủng lẳng dựa vào tường, và, ở giữa bàn ăn, ông đặt một chiếc tách trà của búp bê; nó to bằng cỡ cái bát trộn.
“Sao cơ, ông Pod...” bà Homily lên tiếng.
“Tôi lấy được cả cái đĩa nữa,” ông nói. Ông quẳng cái túi xuống và mở miệng túi. “Đây này,” ông vừa nói vừa rút cái đĩa ra. “Hợp bộ đấy.”
Ông có khuôn mặt tròn như bánh bao nhân nho; tối nay nó trông chảy nhẽo.
“Ôi, ông Pod,” bà Homily nói, “trông ông lạ quá. Ông có bị làm sao không?”
Ông Pod ngồi xuống. “Tôi bình thường,” ông nói.
“Ông đã trèo lên rèm cửa,” bà Homily nói. “Ôi, ông Pod, lẽ ra ông không nên làm thế. Việc đó làm ông bị choáng...”
Mặt ông Pod toát lên vẻ khác thường, mắt ông đảo về phía Arrietty. Bà Homily nhìn ông chằm chằm, miệng há, rồi bà quay sang. “Đi nào, Arrietty,” bà nói dứt khoát, “con leo lên giường, ngay, như một cô bé ngoan, rồi mẹ sẽ đem bữa tối cho con.”
“Ôi,” Arrietty nói, “con không thể xem các đồ mượn khác được sao?”
“Bây giờ thì bố con không có gì. Chỉ có đồ ăn. Con leo lên giường đi. Con đã xem cái tách và cái đĩa rồi.”
Arrietty đi vào phòng khách để cất cuốn nhật ký, và dành chút thời gian để chỉnh cây nến trên cái giá vốn là một cây đinh ghim được quay ngược lên.
“Con đang làm trò gì vậy?” bà Homily càu nhàu. “Đưa nó đây. Đây, làm thế này. Giờ thì đi ngủ và nhớ gấp quần áo của con đấy.”
“Chúc bố ngủ ngon,” Arrietty nói rồi hôn lên cái má trắng phẳng lì của ông.
“Cẩn thận với cây nến đấy,” ông nói một cách máy móc, và nhìn theo cô bé bằng đôi mắt tròn xoe cho đến khi cô bé đã đóng cửa.
“Nào ông Pod,” bà Homily nói, khi chỉ còn riêng họ, “kể cho tôi nào. Có chuyện gì không?”
Ông Pod thẫn thờ nhìn bà. “Tôi đã bị ‘nhìn thấy,’” ông nói.
Bà Homily đưa một cánh tay túm lấy cạnh bàn; bà há hốc miệng kinh ngạc và từ từ ngồi xuống ghế đẩu. “Ôi, ông Pod,” bà nói.
Im lặng bao trùm giữa hai người. Ông Pod nhìn bà Homily chằm chằm và bà Homily nhìn cái bàn chằm chằm. Sau giây lát bà ngẩng khuôn mặt tái nhợt lên. “Rất tệ?” bà hỏi.
Ông Pod ngọ nguậy với vẻ bồn chồn. “Tôi không biết tệ đến mức nào. Tôi đã bị ‘nhìn thấy.’ Thế không đủ tồi tệ sao?”
“Tuyệt chẳng một ai,” bà Homily chậm rãi nói, “đã từng bị ‘nhìn thấy’ kể từ sau bác Hendreary và người ta bảo bác ấy là người đầu tiên trong vòng bốn mươi lăm năm nay.” Một ý nghĩ chợt lóe lên trong bà và bà túm chặt lấy bàn. “Không được đâu, ông Pod, tôi không di cư đi đâu!”
“Có ai yêu cầu bà làm thế đâu,” ông Pod nói.
“Đi sống như Hendreary và Lupy trong hố của con lửng! Ở tận bên kia thế giới, chỗ đó là như thế đấy - ở giữa đám giun đất.”
“Chỉ cách đây hai cánh đồng, trên lùm cây,” ông Pod nói.
“Quả hạt, đó là thứ họ ăn. Và quả mọng. Tôi cũng không thắc mắc nếu họ phải ăn chuột...”
“Chính bà cũng đã ăn chuột còn gì,” ông Pod nhắc lại.
“Chỉ có gió lùa và không khí trong lành và bọn trẻ con lớn lên hoang dã. Hãy nghĩ đến Arrietty!” bà Homily nói. “Nghĩ đến cách nó đã được dạy dỗ. Là con một. Nó sẽ chết mất. Với Hendreary thì khác.”
“Tại sao?” ông Pod hỏi. “Bác ấy có năm đứa.”
“Đó mới là vấn đề,” bà Homily giải thích. “Khi ông có năm đứa, chúng phải được nuôi dưỡng một cách khắc nghiệt. Nhưng thôi giờ không bận tâm đến chuyện đó nữa... Ai đã nhìn thấy ông?”
“Một cậu bé,” ông Pod nói.
“Một cái gì?” bà Homily thốt lên, nhìn chằm chằm.
“Một cậu bé.” Ông Pod đưa hai tay phác ra một hình hài thô sơ trong không khí. “Bà biết đấy, một cậu bé.”
“Nhưng không có - ý tôi là, cậu bé kiểu gì?”
“Tôi không hiểu ý bà nói ‘cậu bé kiểu gì’ là sao. Một cậu bé mặc quần áo ngủ. Một cậu bé. Bà biết một cậu bé là gì đúng không?”
“Phải,” bà Homily nói, “tôi biết một cậu bé là gì. Những đã không còn cậu bé nào, không còn ở ngôi nhà này, từ hai mươi năm nay.”
“Ừ,” ông Pod nói, “bây giờ thì có một đứa ở đây.”
Bà Homily im lặng nhìn ông chằm chằm, và ông Pod bắt gặp ánh mắt bà. “Nó đã nhìn thấy ông ở đâu?” cuối cùng bà Homily hỏi.
“Trong phòng học.”
“Ôi,” bà Homily nói, “khi ông đang lấy cái tách?”
“Phải,” ông Pod nói.
“Ông không có mắt à?” bà Homily hỏi. “Ông không thể nhìn trước ngó sau được à?”
“Vốn dĩ chẳng bao giờ có ai trong phòng học cả. Hơn nữa,” ông nói tiếp, “hôm nay cũng không.”
“Thế thì nó ở đâu?”
“Trên giường. Trong phòng trẻ hoặc gọi bằng tên gì cũng được. Đó là chỗ của nó. Đang ngồi trên giường. Với cửa phòng mở.”
“Ừ, ông lẽ ra phải nhìn vào phòng trẻ.”
“Làm sao được - tôi đang ở lưng chừng cái rèm cửa.”
“Đó là chỗ ông đứng?”
“Ừ.”
“Với cái cốc?”
“Ừ. Tôi chẳng thể lên xuống gì được.”
“Ôi, ông Pod,” bà Homily thét lên, “lẽ ra tôi không bao giờ nên cho ông đi. Không phải ở tuổi của ông!”
“Nào, nghe này,” ông Pod nói, “đừng hiểu lầm tôi. Tôi trèo lên được. Lên như một con chim, như người ta thường nói, dù có cục bông rèm cửa hay không. Nhưng” - ông cúi người về phía bà - “sau đó - với cái tách trên tay, nếu bà hiểu ý tôi nói...” Ông nhấc nó lên khỏi bàn. “Bà hiểu không, nó khá nặng. Ta có thể cầm quai nó, như thế này... nhưng nó sẽ rơi hay trĩu xuống, có thể nói như vậy. Ta phải cầm một cái tách như thế này bằng cả hai tay. Một miếng pho mát trên giá, hay một quả táo - ừ thì, tôi sẽ thả xuống... đẩy nó một cái và nó sẽ rơi còn tôi sẽ trèo xuống trong khoảng thời gian khả năng cho phép và lấy nó. Nhưng với một cái tách - bà hiểu không? Và trong khi leo xuống ta lại phải để ý chân mình. Và, như tôi nói, vài cục bông bị mất. Ta không biết sẽ níu vào đâu, không an toàn...”
“Ôi, ông Pod,” bà Homily nói, giàn giụa nước mắt, “thế ông đã làm gì?”
“Ừ thì,” ông Pod nói, ngồi ngả lưng lại, “nó cầm lấy cái tách.”
“Ý ông là gì?” bà Homily thốt lên, sợ hãi.
Ông Pod tránh ánh mắt bà. “Ừ thì, nó đã ngồi dậy ở trên giường nhìn tôi. Tôi đã trèo lên cái rèm cửa hơn mười phút, vì cái đồng hồ ngoài hành lang vừa điểm mười lăm phút...”
“Nhưng ý ông là thế nào - ‘nó cầm lấy cái tách’?”
“Ừ thì, nó ra khỏi giường, rồi nó đứng đó, nhìn lên. ‘Cháu cầm cái tách cho,’ nó nói.”
“Ôi!” bà Homily há hốc miệng, mắt bà nhìn chằm chằm, “và ông đưa cái tách cho nó?”
“Nó lấy cái tách,” ông Pod nói, “một cách rất nhẹ nhàng. Và rồi khi tôi đã xuống, nó đưa lại cho tôi.” Bà Homily úp mặt vào tay. “Thôi đừng như thế mà,” ông Pod bứt rứt nói.
“Nó đã có thể bắt ông,” bà Homily rùng mình nói với giọng kìm nén.
“Đúng,” ông Pod nói, “nhưng nó đã đưa tôi cái tách. ‘Của ông đây,’ nó nói vậy.”
Bà Homily ngẩng mặt lên. “Chúng ta sẽ phải làm gì đây?” bà hỏi.
Ông Pod thở dài. “Ừ thì, ta tuyệt chẳng thể làm gì cả. Ngoài...”
“Ôi, không,” bà Homily kêu lên, “cái đó thì không. Không di cư. Cái đó thì không, ông Pod, bây giờ tôi đã làm được cái nhà rất đẹp và một cái đồng hồ và tất cả.”
“Chúng ta có thể đem theo cái đồng hồ,” ông Pod nói.
“Còn Arrietty? Nó thì sao? Nó không giống các anh em họ kia. Nó biết đọc, ông Pod, và khâu một món quà đẹp...”
“Thằng bé không biết chúng ta sống ở đâu,” ông Pod nói.
“Nhưng họ sẽ đi tìm,” bà Homily kêu lên. “Nhớ Hendreary không? Họ có con mèo và...”
“Này, này,” ông Pod nói, “đừng nhắc đến quá khứ nữa.”
“Nhưng ông phải suy nghĩ về chuyện đó! Họ có con mèo và...”
“Đúng,” ông Pod nói, “nhưng Eggletina thì khác.”
“Khác thế nào? Lúc đó nó bằng tuổi Arrietty bây giờ.”
“Ừ thì, họ chưa kể cho nó, bà hiểu không. Đó là sai lầm của họ. Họ cố làm cho con bé tin là tuyệt chẳng có gì khác trên đời ngoài những thứ dưới sàn nhà. Họ chẳng bao giờ kể cho nó về bà Driver hay Crampfurl. Nhất là về con mèo.”
“Lúc đó không có mèo,” bà Homily lưu ý, “cho đến khi Hendreary bị ‘nhìn thấy’.”
“Ừ thì, từ lúc đó thì đã có đấy thôi,” ông Pod nói. “Mình phải kể cho chúng, đó là điều tôi muốn nói, hoặc không thì chúng sẽ tìm cách khám phá.”
“Ông Pod,” bà Homily nghiêm nghị nói, “mình chưa kể cho Arrietty.”
“Ồ, nó biết đấy,” ông Pod nói; ông cử động vẻ không thoải mái. “Nó có cái lưới sắt của nó.”
“Nó không biết về Eggletina. Nó không biết về việc bị ‘nhìn thấy’.”
“Ừ thì,” ông Pod nói, “mình sẽ kể cho nó biết. Mình vẫn luôn nói là mình sẽ làm điều đó. Không cần vội.”
Bà Homily đứng lên. “Ông Pod,” bà nói, “mình sẽ kể cho nó biết ngay bây giờ.”
Những Người Vay Mượn Tí Hon Những Người Vay Mượn Tí Hon - Mary Norton Những Người Vay Mượn Tí Hon