If you only read the books that everyone else is reading, you can only think what everyone else is thinking.

Haruki Murakami, Norwegian Wood

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 52
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Bên Này Là Triều Đình, Bên Kia Là Nông Thôn
ôi sớm có dịp để tự mình xem xét xem ở thủ đô và ở nông thôn, chế độ Diệm đã vận hành thế nào. Ed Lansdale, người bạn tin cậy của Diệm trong những năm tháng khó khăn 1954 - 1955 và sở C.I.A ở Sài gòn đã trở thành một đường dây liên lạc song hành giữa chính phủ Mỹ và nhà lãnh đạo Nam Việt Nam. Tuy nhiên với tư cách là người vừa đứng đầu quốc gia vừa đứng đầu chính phủ, con đường liên hệ trực tiếp giữa Diệm và Mỹ vẫn là qua đại sứ Durbrow. Còn về phía mình thì C.I.A. giữ những mối quan hệ được ưu đãi với Ngô Đình Nhu, em của Diệm đồng thời là “cố vấn tổng thống”. Không lâu sau khi tới Sài Gòn, người phụ trách C.I.A ở đây (người được tôi thay thế để đi nhận nhiệm vụ khác) được nghỉ phép hàng năm. Trước khi đi, vì không muốn làm gián đoạn việc liên lạc với Nhu, ông dẫn tôi vào một gian phòng nhỏ nằm ở mé cánh bắc, nơi Nhu làm việc ở đấy. Vậy là giữa tôi và Nhu bắt đầu một loạt những cuộc gặp gỡ hàng tuần trong ba năm tới.
Bàn làm việc của Nhu bề bộn những giấy tờ, hồ sơ. Kê gần đấy là một chiếc bàn nhỏ trên đặt bộ ấm trà với mấy chiếc gạt tàn và ba chiếc phô tơi ngồi thoải mái. Chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ Nhu có thể diễn đạt thành thạo cái lôgíc theo kiểu Đê các1 và những lý thuyết của ông.
Giữa chúng tôi sự trái ngược thật rõ rệt. Chúng tôi những người Mỹ mỗi khi bước vào thảo luận, thường chuẩn bị một danh sách gồm các vấn đề cần bàn bạc và giải quyết thứ tự từng vấn đề một. Cũng bằng cách ấy, tôi thông tin cho Nhu về những hoạt động mà Mỹ đã tham gia làm với các cơ quan Việt Nam, hoặc cố ngăn Nhu trong một số hành động của ông đối với Campuchia, hay nhấn mạnh về một vấn đề mà đại sứ Durbrow, về phía ông ta, đang giải quyết một cách chính thức với tổng thống Diệm. Nhu im lặng. nghe. Mỗi khi muốn tránh một vấn đề gì đó, ông chỉ buông ra một lời nhận xét vô thưởng vô phạt. Rồi bất thình lình, bằng một câu nói vô hại, ông bắt đầu tung ra bản thuyết trình dài dòng và rối rắm về những mưu mô thủ đoạn của người Pháp, những ngày đầu trong cuộc đấu tranh ông đã cùng người anh vượt qua những âm mưu này khác hay sự cần thiết phải khắc sâu vào đầu óc những viên chức Việt Nam về một lý tưởng phục vụ chung và sự tận tâm trong công việc thay vì cho những thói hư hỏng biến chất dưới thời thuộc Pháp. Hết giờ này sang giờ khác, câu chuyện của Nhu vẫn tiếp tục như thế, những vòng khói thuốc thay nhau bay lượn trên đầu và thỉnh thoảng mấy người hầu lại lặng lẽ tiến đến pha thêm trà và đổ tàn thuốc.
Từ những cuộc gặp sau tôi đã học được cách kiên nhẫn lắng nghe những màn độc thoại của Nhu trong khi cố tìm hiểu xem cái bộ máy đầu óc của ông vận hành như thế nào. Cuối cùng tôi đã phải viện đến phương pháp của Xôcrát2 mỗi khi tôi cần đề cập đến một vấn đề tôi phải quan tâm, hoặc khi cần hướng đầu óc Nhu vào một việc mà theo ý tôi việc đó đòi hỏi phải có những nghiên cứu bổ sung, hoặc nữa là phải làm cho ông đi tới quyết định về một hành động mới nào đó. Những bình luận và ý nghĩ của Nhu luôn luôn tỏ ra thông minh và tiên tiến, nhưng nặng những mớ lý thuyết. Đồng thời ông là một con người hiển nhiên là bị quyến rũ bởi những âm mưu, hoặc của phía chống đối với chế độ Diệm, hoặc là những cái ông sẽ có thể làm để tăng cường cho chế độ và chống lại kẻ thù.
Nhu bị ấn tượng bởi phương pháp điều khiển các phong trào chính trị của những người cộng sản thông qua một tổ chức trung tâm có kỷ luật. Ý tưởng của ông là đằng sau một bộ mặt dân chủ, có thể mô phỏng và vận dụng phương pháp ấy để chỉ đạo mọi hành động và sự ủng hộ chính trị cho một chế độ kiên quyết đưa Việt Nam lên con đường hiện đại hoá và độc lập. Chính với tinh thần ấy mà ông đã thành lập đảng “Cần Lao” để có được cơ sở hạ tầng cần thiết để chỉ đạo và điều khiển bộ máy chính quyền chính thức. Động cơ thực sự của nỗ lực ấy là sự thù ghét sâu sắc của Nhu đối với giới “Tinh hoa” Việt Nam, những người do Pháp đào tạo và chịu ảnh hưởng Pháp và là lực lượng chi phối bộ mặt kinh tế và xã hội ở thành thị và hiện nay đang chuyển thành phe chống đối. Người của lực lượng này đặc biệt đông trong giới viên chức chính phủ. Nhu thường xuyên trở lại vấn đề cần thiết phải thay những người này bằng một cuộc cách mạng Việt Nam, được dựa trên những giá trị dân tộc truyền thống.
Năm 1959, Nhu quay về với thuyết “nhân vị” do một nhà triết học công giáo người Pháp Emmanuel Mounier phát biểu. Thuyết “nhân vị” nhấn mạnh vào giá trị của mỗi cá nhân trong lòng xã hội trong khi cũng nhấn mạnh vào sự toàn vẹn của cá nhân và nghĩa vụ của nó đối với việc tham gia vào đời sống cộng đồng. Trong triết học đó, Nhu nhìn thấy cách kết hợp tầm quan trọng của cá nhân trong Thiên Chúa Giáo (một quan niệm mới đối với phương Đông) với tầm quan trọng của truyền thống Nho giáo, một truyền thống tôn trọng kỷ cương và hệ thống tôn ti trật tự. Đã có lúc Nhu phê phán một cách nghiêm khắc sự hâm mộ theo ông là quá đáng của Diệm đối với những yếu tố vật chất của việc hiện đại hoá (như trong những chương trình mở mang đường sá nông thôn, di dân đến những vùng đất mới và phát triển kinh tế do Diệm đưa ra) trong khi dưới con mắt ông nó lại thiếu một điều rất cần thiết là nội dung chính trị và cách mạng.
__________________________________
1. Descartes (1596 - 1650), nhà triết học, toán học, vật lý học nổi tiếng của Pháp (N.D).
2. Xôcrats (470 - 399 TCN), triết gia Hy Lạp. Khi muốn giảng dạy một điều gì cho ai đó, ông thường đặt câu hỏi để người ấy trả lời, và qua đó giúp cho người đối thoại hiểu được vấn đề mà anh ta ngỡ rằng mình không biết và cứ thế khám phá ra chân lý (N.D).
Tôi cho rằng nhiệm vụ của tôi là phải hiểu những tư tưởng của Nhu hơn là bàn bạc hay đấu tranh với nó. Tuy nhiên tôi có thể và đó là điều tôi đã làm, qua những câu chuyện giữa chúng tôi, giúp cho Nhu hiểu một điều quan trọng là cần phải biết xem trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, người ta đã hiểu chính sách của chính phủ Nam Việt Nam theo cách thế nào. Hơn một lần, tôi phải lưu ý Nhu rằng những phản ứng ấy là rất quan trọng đối với sự ủng hộ chính quyền Diệm của người Mỹ, ngay cả khi không nhất thiết những phản ứng ấy đã phản ánh một sự hiểu biết về những nhu cầu thực tế của Nam Việt Nam. Tuy nhiên nói chung tôi có thiện cảm với những ám ảnh của Nhu. Ông muốn tìm ra và phát triển cho Việt Nam một “căn cước” mới, một bản sắc chính trị mới có khả năng tập họp và tranh thủ được dân chúng để đối phó với những đối thủ cộng sản trong triển vọng mà đối thủ của ông có sự thay đổi và đưa ra nội dung dân tộc của họ. Đương nhiên tấm căn cước mới ấy, bản sắc chính trị mới ấy cần phải bắt rễ trong đời sống và truyền thống Việt Nam, nhưng nó cũng phải hứa hẹn được một tương lai vật chất và xã hội tốt hơn.
Vậy là chính quyền Diệm cần phải chứng tỏ được sự độc lập của mình chẳng những đối với Pháp mà ngay cả đối với Mỹ, tuy rằng sự giúp đỡ của Mỹ vẫn là điều sống còn cho sự phát triển kinh tế và xã hội những tiềm năng của Nam Việt Nam. Công cuộc hiện đại hoá nền kinh tế Việt Nam do Diệm đề ra và những cơ cấu xã hội do khuôn mẫu thuộc địa áp đặt nên là cần thiết cho lợi ích của Nam Việt Nam. Để thành công ở Nam Việt Nam, cần phải có một nhà lãnh đạo mạnh. Sự tận tâm có tính cứu nhân độ thế của Chúa mà Diệm nói theo có lẽ lại thích hợp với vai trò ấy hơn là một sự lẫn lộn và do dự có thể nảy sinh trong việc áp dụng từng câu từng chữ cái học thuyết Mỹ về sự phân chia quyền lực.
Quá khứ của tôi chắc chắn đã ảnh hưởng nhiều tới mối thiện cảm và sự thấu hiểu của tôi đối với những dự án của Nhu. Giữa những năm từ 1929 đến 1932, khi tôi còn là một cậu bé, trong những điều kiện được ưu đãi của một cuộc sống trong một tô giới nước ngoài ở Thiên Tân, tôi đã hiểu thế nào là chế độ thuộc địa cũ.
Tôi đã có dịp đánh giá những truyền thống cổ truyền của dân tộc Trung Hoa cũng như sức sống và nghị lực của những người dân Trung hoa, nhưng tôi cũng được chứng kiến cảnh họ bị áp bức bởi một triều đại những bạo chúa quân phiệt đang tàn tạ và những thế lực nước ngoài. Nhân có dịp học tập, rồi những ngày tôi ở nước Pháp trong mùa hè 1939, tôi đã được hiểu niềm tự hào của những người Pháp và tấn bi kịch do thất bại và sự sụp đổ của họ trước lực lượng quân sự bạo tàn và năng động của Đức quốc xã. Làm việc với những người kháng chiến Pháp và Nauy từ 1944 đến 1945, tôi đã nhận thấy những gì mà một nhúm những con người dũng cảm có thể thực hiện được trước một kẻ thù hùng mạnh nếu như họ dám chấp nhận hiểm nguy để chiến đấu cho một sự nghiệp mà họ tin tưởng. Công việc của tôi ở Ý và Thuỵ Điển đã cho tôi được biết rất nhiều về những nguy hiểm mà những người cộng sản có thể gây ra cho những dân tộc tự do. Tôi cũng hiểu rằng cộng sản có thể bị đánh bại trên phương diện chính trị và lật đổ, mảnh đất dụng võ sở trường của họ, trong khi họ bị uy hiếp về mặt quân sự. Tôi hoàn toàn đồng tình với Nhu khi ông nhấn mạnh về sự cần thiết phải có ở Việt Nam một sự nghiệp để thu hút mọi người tập họp lại, ngay cả khi việc thể hiện nó ra cũng là một điều khó khăn trong một đất nước bị đè nặng bởi một quá khứ thuộc địa.
Chắc Nhu đã kể lại với Diệm về những cuộc trò chuyện của chúng tôi, và vì thế Diệm đã ngỏ ý đến một lúc nào đó, nghĩa là sau một thời gian gặp gỡ thích hợp, ông sẽ gặp người đối tác mới của êkíp Hoa Kỳ. Được sự cho phép của đại sứ Durbrow - chắc ông yên tâm vì thấy tôi đã làm việc tốt dưới sự bảo trợ của ông và trong đầu óc tôi, tôi đã không hề có ý nghĩ là muốn trở thành một đại sứ cùng song song với ông - tôi đã đến dinh để gặp tổng thống. Vào đến cổng, tôi vòng sang cánh bắc như thể tôi muốn gặp Nhu. Nhưng rồi tôi lại rẽ sang cánh nam, nơi có phòng làm việc của tổng thống.
Người ta dẫn tôi vào một gian phòng so với phòng Nhu thì lớn hơn, xếp đặt trật tự hơn, nói tóm lại là nom bề thế, đàng hoàng và có tính “chuyên nghiệp” hơn. Trong ba năm tiếp theo, tôi đã có những cuộc gặp gỡ khác với Diệm, những cuộc gặp gỡ kéo dài hơn - bốn giờ rưỡi - so với những cuộc gặp gỡ với Nhu. Diệm cũng hút nhiều thuốc bằng người em (nói đúng ra là ông chỉ hút độ một phần ba điếu rồi lại dập đi). Nhưng tính cách của hai anh em lại hoàn toàn khác nhau.
Thay vì điểm lại, bằng tiếng Pháp, những cơ sở của xã hội Việt Nam trong những vụ nổi loạn có thực hay phỏng đoán đối phương mưu toan, ông lại nói với tôi, bằng một thứ tiếng Anh trúc trắc, những nét chính của những kế hoạch phát triển khác của ông. Ông thường quay lại bản đồ để minh hoạ và chứng minh cho tôi về lợi ích của việc mở những con đường mới đến những vùng rừng núi xa xôi và thành lập ở đấy những trại dân di cư đáng tin cậy người Bắc Việt Nam, để ngăn không cho những vùng ấy trở thành những “thánh địa” hay những nơi mà cộng sản Bắc Việt có thể mở đường xâm nhập.
Diệm say sưa mô tả cho tôi về việc xây dựng những trại dinh điền, một dự án mới của ông, ở vùng đồng bằng Cửu Long, nơi ông có thể tập họp đủ dân rồi để mở ở đấy những trung tâm y tế, những trường tiểu học, trung học chợ búa thuận tiện cho dân đến mua bán, trao đổi thóc lúa hoa quả ở ruộng vườn của họ lấy những mặt hàng tiêu thụ cần thiết. Ông nhấn mạnh về sự trái ngược giữa viễn cảnh tươi đẹp đó với cảnh cuộc sống của dân hiện nay: những xóm nhỏ cô lập về mặt xã hội nằm rải rác dọc theo những con kênh rạch chạy dài bất tận giữa một thiên nhiên giàu có nhưng lại được tổ chức kém. Cũng với sự nồng nhiệt không kém, ông nói về những dự án sẽ tạo ra những vụ thu hoạch mới, hay xây dựng những cơ sở công nghiệp nhẹ, ví dụ như công nghiệp dệt, ở các vùng đô thị, hay nữa như thành lập Viện hành chính quốc gia để đào tạo một thế hệ công chức mới theo kiểu Mỹ.
Sự nhiệt tình của một giáo sĩ đi truyền đạo cho con người ông hoá thân một cách rõ ràng trong mối quan tâm của ông là làm thế nào cải thiện được thực tế đời sống của dân. Chỉ có một lần vào vài năm sau, ông mới loáng thoáng nói đến đức tin công giáo, là điều đã cổ vũ cho sự tận tuỵ của ông. Nói với tôi như nói với một tu sĩ trong Đạo giáo, ông nhận xét rằng, ở những nước phương Đông, “nơi mà lễ ban thánh thể thiêng liêng mới chỉ được đưa vào”, việc đem lại cho họ những tiến bộ mới đặc biệt khó khăn làm sao.
Tôi cũng đã có dịp gặp bà Nhu, thành viên thứ ba của “hoàng gia” họ Ngô và làm việc cùng bà. Biết tôi là một luật sư qua chồng bà, bà đã đề nghị tôi giúp bà dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh bộ “Luật Gia đình” vừa được Quốc hội thông qua. Chính bà là người khởi xướng ra đạo luật ấy, tích cực đóng góp để luật ấy được thông qua, bởi chính bà cũng là một “nghị sĩ” quốc hội. Tự hào về việc mình đã làm được, bà còn muốn bộ luật của mình được lưu hành đến tận tay các phụ nữ trên toàn thế giới. Chính vì vậy mà trong nhiều buổi chiều, tôi được dẫn vào trong những gian phòng trang trí lộng lẫy của dinh và ngồi cạnh bà Nhu, quanh một chiếc bàn tròn viền vàng, trước mặt là Bộ luật Việt Nam. Trong những buổi làm việc, bà giải thích cho tôi về địa vị của người phụ nữ trong gia đình xã hội Việt Nam và với vẻ quyền uy và thô bạo quen thuộc, bà nói với tôi cách mà bà muốn thay đổi tất cả những cái đó.
Một trong những đả phá đầu tiên của bà là nhằm vào cái cổ cao và hẹp của chiếc áo dài Việt Nam. Bà khẳng định rằng chiếc cổ ấy không phải là chính cống Việt Nam, mà nó được nhập cùng chiếc áo “sườn xám” Trung Hoa đưa vào Việt Nam từ thế kỷ trước. Vậy là bà xúp chiếc cổ cao ở cái áo dài của bà, thay nó bằng một chiếc kẹp đương nhiên là tiện lợi và dễ chịu hơn, và theo quan điểm của bà thì nó dân tộc hơn. Nhiều phu nhân trong “triều đình” đã noi theo gương bà, nhưng một số khác vẫn giữ chiếc cổ áo cũ, tuy có bớt cao hơn trước, để tỏ ra mình vẫn tôn trọng truyền thống cũ và thể hiện sự độc lập của mình với bà Nhu.
Luật hôn nhân do bà Nhu đưa ra không thiếu những chỗ nhập nhằng, nước đôi. Nhiều người giải thích sở dĩ bà ta hăng hái bảo vệ nó như thế là do những chuyện rắc rối của một cô em ruột. Chuyện vợ chồng bà này đang trục trặc vì bà ta có “quan hệ” nào đó với một tay người Pháp. Nhưng do Bộ luật cấm việc ly dị nên mặc nhiên bà ta được bảo vệ. Một số người lại thấy trong Bộ luật Gia đình này, bà Nhu đã thay thế những quan hệ vợ chồng theo tập tục Việt Nam bằng một chế độ nghiêm ngặt Thiên Chúa giáo mà gia đình họ Ngô áp đặt cho một dân tộc đa số phật giáo và thờ cúng vật linh. Song bà Nhu khẳng định rằng đó là một cố gắng để bảo đảm cho phụ nữ Việt Nam những quyền lợi sơ đẳng. Dần dần trong khi dịch, tôi có thể nói rằng một số chi tiết trong Bộ luật này đã thuyết phục được tôi là bà Nhu không phải không hoàn toàn có lý.
Bộ luật quy định khi lấy chồng, người phụ nữ vẫn có quyền đối với tài sản của riêng mình và gia đình, trong khi trước đây những tài sản đó bị chuyển giao toàn bộ sang người chồng, bất chấp kết quả cuộc hôn nhân thế nào. Luật cũng quy định con cái có từ cuộc hôn nhân ấy sẽ được hưởng tài sản của bố mẹ. Luật chấm dứt quyền của người bố trước đây là có thể đơn phương hợp thức hoá một người con sinh ngoài giá thú, điều mà đến lúc đó đã cho phép người con ấy cũng được quyền thừa hưởng tài sản giống như những đứa con chính thức. Trong khi cấm việc ly dị, luật cũng bãi bỏ một tục lệ cũ là người chồng - duy nhất chỉ người chồng thôi - có quyền đơn giản tuyên bố ly hôn và tống người phụ nữ về với gia đình.
Việc dịch Bộ luật này là một trong những tiếp xúc đầu tiên của tôi với những sự việc và quan điểm xung đột nhau mà nó sẽ thấm sâu vào cuộc thử nghiệm của chúng tôi ở Việt Nam.
Trong trường hợp Bộ luật này, sự xung đột đó thể hiện ở sự chống đối nhau giữa những lập luận thuận hay không thuận về các giá trị được hưởng, về những cái lợi của việc hiện đại hoá với những bất bình gây ra thay đổi, và về bộ mặt của một hệ thống dân chủ mà thực tế của chế độ gia đình trị họ Ngô lại bác bỏ nó.
Thái độ và nhân cách của bà Nhu càng làm đậm thêm sự trái ngược đó. Với bộ tóc nhuộm cắt tỉa rất kỹ, những móng tay lá vuốt nhọn sơn son và ngón đeo đầy nhẫn lấp lánh kim cương, và với giọng nói gắt gao chát chúa, bà là hiện thân của những nữ hoàng có thực hay huyền thoại của phương Đông - giống như mẫu của “phu nhân Rồng” trong những băng hoạt hình của Milton Caniff. Sự trái ngược của con người bà, như sau này tôi được hiểu rõ bà hơn và có dịp xác nhận nó, thể hiện ngay cả ở niềm tự hào và tình yêu chân thực của bà đối với những đứa con. Tôi nhận thấy giọng nói gay gắt của bà một phần là do bà làm chủ rất tồi tiếng Anh và một phần là do bà quá quan tâm để tỏ ra mình thẳng thắn, dù bất cứ hậu quả sẽ thế nào. Người ta có thể thấy ở mẹ bà những nét nổi bật nhất của thái độ quyền uy đó, nhưng ở người bố - một người tính cách yếu ớt mà Diệm vì tôn trọng vị trí ông là một trong những điền chủ lớn nhất Việt Nam mà cử ông làm đại sứ ở Washington - thì người ta lại không hề thấy một nét nào của tính cách ấy.
Diệm và Nhu có sáu anh em, trong đó người anh cả đã bị Việt Minh trừng trị năm 1945. Trong ba người còn lại, người con thứ Ngô Đình Thục đã theo nghiệp thầy tu công giáo. Ông là người Việt Nam đầu tiên được phong giám mục coi sóc một nhà thờ ở Vĩnh Long giờ hãy còn thuộc người Pháp. Giám mục Vĩnh Long 1938, ông trở thành Tổng giám mục ở Huế năm 1961, nơi vừa là thành phố quê hương ông, vừa là cố đô của vương triều Nguyễn. Tiếp theo Thục là Diệm và Nhu rồi Cẩn. Cẩn hoàn toàn sống tách một mình tại dinh cũ của gia đình ở Huế và săn sóc mẹ già rất cao tuổi. Nhưng thực tế ông ta là tai mắt và đại diện cho Diệm ở Trung phần Việt Nam mà ở đấy, người ta rất ngại uy quyền và sợ những cơn nóng giận của ông. Cẩn là nhột con người tương đối đơn giản và không có những tham vọng lớn. Là người tán thành cuồng nhiệt chính quyền quan lại, trong di sản dân tộc Việt Nam, Cẩn tin tưởng đức tính của truyền thống nông dân cổ truyền hơn là những tham vọng, những ý định tinh thần của giới trí thức do Pháp đào tạo. Còn người em út là Luyện thì thoạt nhìn, việc làm đáng kể của ông ta là sinh được sáu người con. Diệm đã cử ông ta sang làm đại sứ ở Luân Đôn, nhưng hình như trong những gì xảy ra ở Việt Nam cũng như ở chỗ khác, ông ta không đóng một vai trò nào.
Gia đình gần như vương giả này đương nhiên là có một triều đình quanh mình. Phần lớn triều thần là tinh hoa của giới quan chức và những điền chủ giàu sụ, những người đã giữ một vị trí hàng đầu dưới thời thuộc Pháp và vẫn giữ một phần lớn những tập quán và những giá trị có được từ thời kỳ ấy. Hồ Chí Minh đã quét sạch tầng lớp ấy ra khỏi miền Bắc nhưng Diệm vẫn tiếp tục sử dụng họ, bởi khi đó ông chẳng có cách nào khác. Một số người trong họ, có ý thức về trách nhiệm, đã thực sự có những đóng góp vật chất và hành chính trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hiện đại và độc lập. Số người khác thì chỉ biết chăm lo thu vén cho những đặc quyền đặc lợi và quyền hành cá nhân. Họ coi đấu tranh chính trị chủ yếu là một cuộc chiến đấu chống lại những người cộng sản để giành những vị trí có chức quyền và kiểm soát được dân chúng. Nhưng cái đó không quan hệ gì đến sự trung thành của họ đối với Diệm. Họ đợi Diệm ra những quyết định và sẽ chuyên tâm vào việc thực hiện những ý định và chương trình ấy.
Những lý thuyết cao siêu về chính trị của Nhu khiến họ bối rối. Tuy nhiên, họ cũng cúi mình tuân theo những đòi hỏi bề mặt của một số chương trình Nhu tung ra nhằm tạo cơ sở mới cho xã hội Việt Nam, để qua việc đó chứng tỏ sự tuân phục của họ đối với chế độ cũng như trước đây họ đã từng chứng tỏ nó đối với chính quyền Pháp, ngay cả khi lịch sử nước Pháp mà người ta đã dạy cho họ cũng không thiếu những sự khoa trương về lý thuyết cách mạng. Noi gương thói tục của bất kỳ triều đình trung cổ nào, họ sống và hành động theo những lời xầm xì đồn đại và những truyền thuyết kèm theo những cử chỉ của đám cận thần tới mức mà truyền thuyết thường trở thành sự thật và từ đó nảy sinh ra những cách ứng xử chủ yếu và những quyết định cần thiết.
Trong số những cận thần gần gũi nhất với Diệm có Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng phủ tổng thống, trên thực tế là Tổng tham mưu trưởng của Diệm. Cực kỳ thông minh và có bề ngoài rất hấp dẫn, Thuần nắm giữ những mặt quan trọng trong quan hệ giữa chính phủ với người Mỹ và cả với những người nước ngoài. Thuần nói tiếng Anh rất thạo, giọng dịu dàng, nghe nhiều hơn nói, điều mà người Mỹ rất biết ơn Thuần vì họ đã quá ngán khi phải nghe Diệm nói nhiều. Thuần là một chuyên gia trong quan hệ với giới chính thức Mỹ. Đi lại một cách dễ dàng thoải mái trong những cuộc đón tiếp ngoại giao, ông nhẹ nhàng đưa vào tay mỗi một quan chức cao cấp có mặt một tờ thông tin, và ông làm việc này rất tốt đến nỗi mà sáng mai khi bước vào cuộc họp của “Nhóm đầu ngành”1 ai cũng có một tài liệu riêng để sử dụng. Đối với giới chính thức Mỹ, đó là con người cần phải gặp để bàn bạc, giải quyết công việc, thậm chí tất nhiên biết rằng Thuần, một người tuyệt đối trung thành với Diệm, chắc thế nào cũng thêm bớt liều lượng vào những ý kiến của ông ta để tranh thủ sự giúp đỡ của người Mỹ đối với những chương trình của Diệm. Khi Mỹ tăng thêm quân và dính líu nhiều hơn vào công việc quân sự ở Nam Việt Nam thì Thuần được cử là bộ trưởng Quốc phòng để tiếp tục mối liên hệ có hiệu quả giữa Mỹ và Việt Nam trong một lĩnh vực ngày càng trở nên được ưu tiên.
Một nhân vật quan trọng khác - nhìn với con mắt một sĩ quan C.I.A. như tôi - là Trần Kim Tuyến, trưởng phòng “Nghiên cứu chính trị và xã hội” S.E.P.E.S, tức phòng tình báo và an ninh của dinh tổng thống. Nếu ai bước vào cổng sau dinh hỏi xin gặp “bác sỹ Tuyến”, người ta sẽ dẫn người đó đến khu của nhũng gia nhân làm việc cho viên toàn quyền Pháp trước đây. Trái với mọi chờ đợi, Tuyến là một con người nhỏ thó, cao chưa đến một mét năm mươi và nặng chắc dưới năm mươi kilô. Ông giữ một thái độ ung dung và rụt rè của nhà nho xưa, móng tay út để rất dài một cách trau chuốt chứng tỏ ông thuộc hàng ngũ trí thức (theo phong tục của người Trung Hoa, người ta để móng tay dài để dễ lần theo hàng chữ viết theo chiều dọc và chứng tỏ mình không phải thuộc tầng lớp lao động chân tay).
Quan hệ với Tuyến không có tính chất gò bó như với hai anh em Diệm mà có tính chất công việc hơn. Ông chăm chú nghe những ý kiến và những lời đề nghị, yêu cầu của chúng tôi đương nhiên là ông sẽ trả lời sau khi biết được phản ứng của Nhu. Sau đó, ông sẽ cung cấp cho chúng tôi những thông tin mà ông thấy chúng tôi cần biết (mặc dù đôi khi chúng tôi lại nghe được những ý kiến ngược lại theo nguồn riêng của chúng tôi).
______________________________________
1. “Country Team”: êkíp tập họp những người đứng đầu các cơ quan Mỹ có mặt ở một nước nào đó. Xin tạm dịch là “Nhóm đầu ngành”.
Ẩn mình trong bóng tối, quyền hành Tuyến nắm giữ đã gây nên nhiều lời đồn đại, xoi mói, chủ yếu là về những chuyện mưu mô xảo quyệt, trong khi thực tế ông ta chỉ là một trong số đông những người “Tuyếc trẻ”1 tham gia vào những vụ việc quốc tế, hoặc ở trong những đoàn công tác Việt Nam ở nước ngoài, hoặc ở trong chính quyền Sài Gòn. Ông ta thuộc một trong số các quan chức, trong khi vẫn vâng lệnh anh em họ Ngô, lại tìm cách mở tiến trình chính trị rộng hơn là chính quyền thuộc địa truyền thống dự tính. Do đó ông bị họ Ngô thất sủng và đưa đi lưu vong trong cuộc khủng hoảng năm 1963. Tuy nhiên trong thời kỳ đầu tôi ở Nam Việt Nam, ông đã giúp tôi nhận ra được những trái ngược của đất nước này giữa những mặt bề nổi, những gì người ta cho phép được nói với những gì là phức tạp, rối rắm của thực tế bề sâu.
Trên thực tế, về những gì liên quan đến các cuộc xung đột, thì so với quá khứ, lịch sử Việt Nam ở giữa thế kỷ XX cũng chẳng có gì mới mẻ hơn. Việc đánh đổ chế độ thực dân Pháp giống như việc đánh đổ nền thống trị Trung Hoa mười thế kỷ trước. Những chuyên luận cách mạng của Hồ Chí Minh là bắt rễ từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1772; và ý chí tạo ra một Nam Việt Nam độc lập với sự giúp đỡ của người Mỹ thì giống một cách rõ rệt với chiến thắng của Nguyễn Ánh sau trở thành hoàng đế Gia Long với sự giúp đỡ của người Pháp trước sự đối địch của Tây Sơn ở ngoài Bắc.
Bà Nhu phát hiện ra một tiền lệ lịch sử trong sự tích anh hùng của Hai Bà Trưng - những người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách đô hộ nhà Hán vào năm 40. Thế là trong cuộc vận động đấu tranh cho quyền lợi nữ giới, bà đã cho dựng tượng Hai Bà mà dân Sài Gòn chẳng ai lấy làm lạ khi thấy tượng mang những nét phảng phất như bà. Đối với một người Mỹ quen xem xét lịch sử theo cái cách lịch sử có những “thời bình” thỉnh thoảng xen kẽ vào đấy những “thời chiến” thì điều khiến họ ngạc nhiên nhất là thấy ở Việt Nam, trong suốt nhiều thế kỷ, liên miên diễn ra cuộc chiến tranh nào nội chiến, nào chiến tranh ở địa phương, nào chiến tranh về ý thức hệ và cả quốc tế. Những vị anh hùng, những sự tích anh hùng đối với người Việt Nam cũng quen thuộc như George Washington và Abraham Lincoln đối với người Mỹ.
Đọc áng sử thi tuyệt tác Kim Vân Kiều, hay nói gọn là Kiều, của dân tộc Việt Nam, người ta hiểu được rất nhiều điều về con người và đất nước này. Cái vốn lõm bõm tiếng Việt của tôi (tranh thủ học vào giờ ăn với một giáo sư Việt Nam, người sau này mười năm đã thú nhận với tôi ông là một điệp viên Bắc Việt, nhưng đó lại là một câu chuyện khác) quả là không đủ để giúp tôi thưởng thức được áng văn thơ này trong văn bản nguyên gốc. Nhưng qua bản dịch tiếng Anh, những đoạn trường bi thảm và thơ mộng của nàng Kiều đã gợi lên những đau khổ của dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ rên xiết dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa và thực dân phương Tây. Người ta có thể hiểu được tại sao người Việt Nam lại yêu mến tác phẩm (mới viết từ đầu thế kỷ XIX) này đến thế: bởi nó đã phản ánh được thực tế là trong khi phải gánh chịu một số phận khắt khe tàn bạo đang vùi dập họ thì người Việt Nam vẫn giữ được sự nguyên vẹn và thủy chung trong những giấc mơ của mình. Di sản văn hoá Trung Hoa, sự bạo tàn của những lãnh chúa chiến tranh, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của phụ nữ trước nghịch cảnh cuộc đấu tranh giữa cách mạng và trật tự xã hội cũng như sự trái ngược giữa đức tính hy sinh và sự sa đọa biến chất, tất cả những gì viết trong truyện này, người ta đều thấy trong đời sống thường ngày ở xã hội Việt Nam. Cuốn truyện mang lại cho người đọc Việt Nam niềm hy vọng rằng đất nước và nhân dân họ cuối cùng rồi sẽ có một ngày được thấy giấc mơ chung của họ thành hiện thực, ngay cả khi các cá nhân vẫn tiếp tục đấu tranh.
Chiều kích thứ hai cần thiết cho việc hiểu biết Việt Nam của tôi thuộc về địa lý. Một trong những giải pháp là làm cuộc picnic đơn giản ngày chủ nhật đến một đồn điền cao su. Chúng tôi ngồi dưới những tán cây cao su chạy ngút ngát tầm mắt, cây nào cũng có một vạch chéo và một bát nhỏ đựng mủ, tầng dưới rừng không một cây nhỏ chứng tỏ nó được giữ gìn sạch sẽ, công phu. Hoặc giả tiến hành một chuyến lên thăm Đà Lạt để được hít thở không khí trong lành và mặc một chiếc đay trên một vùng núi ở độ cao một nghìn mét. Đôi lúc chúng tôi dừng lại nghỉ dưới một rặng cây thưa dần giữa rừng già, ở đấy mọc lên một lô cốt nhỏ, để nghe tiếng chim kêu vượn hót. Hai chúng tôi đi đến những bãi biển lấp lánh cát trắng ở Bắc Sài Gòn, để trèo lên một chiếc tàu Nhật bị đánh chìm trong Đại chiến thế giới thứ hai và tìm kiếm cẩn thận những gì còn lại của những biệt thự ven biển, bị phá hoại trong cuộc chiến tranh chống Pháp.
_________________________________
1. “Tuyếc trẻ” (Jennes - Tures): Nhóm trí thức và sĩ quan Ôtôman (Thổ Nhĩ Kỳ), có xu hướng tự do và cải cách, mở đầu phân tán thành nhiều hội kín. Họ ép buộc quốc vương Apđuhamít II phải khôi phục lại Hiến pháp (1908) rồi thoái vị (1909) và trở thành người nắm quyền chính trị đến năm 1918.
Chúng tôi cũng đến thăm thánh thất, một thứ “Vaticăng”, của Cao Đài ở Tây Ninh (sau khi đi qua những tháp canh nằm dọc đường, nơi mà Alden Pyle, “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene đã lẩn trốn để thoát khỏi một cuộc tấn công của Việt Minh). Những cột tròn nhiều màu sắc của thánh thất Tây Ninh như minh hoạ cho ý muốn của Cao Đài là tổng hợp được vẻ thần bí của phật giáo Trung Hoa với cơ cấu tôn ti trật tự của Nhà thờ Thiêu Chúa giáo. Tuy bao trùm ở đấy một sự tĩnh lặng, nó như xác nhận sự suy tàn của Cao Đài từ một quyền lực nửa tự trị tạm thời - được người Pháp dung nạp trong chừng mực nó còn chống lại những người cách mạng cộng sản - sang một sự thiếu vắng quyền lực chứng tỏ sự thiết lập của chủ quyền quốc gia của tổng thống Diệm.
Được theo tôi trong những chuyến đi ấy, các con trai tôi như được hưởng hương vị của những cuộc phiêu lưu. Như trong chuyến đi Phú Quốc, bay ngang qua vịnh Thái Lan, để được xem dân ở đảo muối cá làm nước mắm. Được một thuyền đánh cá cho ra khơi, chúng tôi có dịp trông thấy một con cá mập lớn dài hơn chiếc thuyền. Chúng tôi cũng đi dọc đất nước suốt chiều dài, ra Huế bằng xe lửa rồi đáp ô tô ra tới tận sông Bến Hải, nơi có khu phi quân sự và được trông thấy lá cờ của Bắc Việt phấp phới ở bên kia giới tuyến. Tiếp đó lại theo đường 9 tới quá Khe Sanh, được nhìn thấy một đồn biên phòng và một nhà lao cũ của người Pháp chon von bên sườn núi.
Những chuyến đi nhằm đánh giá tại chỗ những việc làm được của chế độ Diệm ở nông thôn để đối chiếu với những gì trong chương trình mà Diệm, Nhu nói với tôi ở trong dinh, đã mang đến cho tôi một số hiểu biết về địa lý. Giữa năm 1959, trên những con đường của tỉnh cực nam đồng bằng Cửu Long, người ta thấy chạy nhộn nhịp những chiếc xe ca màu sắc sặc sỡ mà mỗi khi chạy thì xe long lên sòng sọc, đi băng qua những xóm làng, phục vụ cho việc đi lại chợ búa của người dân mang sản phẩm của họ đi đổi những thứ hàng hào nhoáng. Một đêm, chúng tôi dừng lại nghỉ ở Bạc Liêu. Chúng tôi ngạc nhiên khi trông thấy một người Âu mặc quần sóc ngồi trên một chiếc giường xếp đặt cạnh một máy phát điện chạy điêzen cung cấp cho một số những ngọn đèn hiếm hoi ở trung tâm thị xã. Được hỏi chuyện, ông mở miệng ra trả lời, hàm răng vàng loé sáng tuôn ra một tràng tiếng Đức giọng cổ. Té ra ông ta là một “di tích” của quân đội lê dương Pháp cũ. Hôm sau ở một làng bên cạnh, chúng tôi được dự lễ khánh thành một trường tiểu học, cả trường sở lẫn giáo viên đều do Sài Gòn cung cấp. Đó chỉ là một khía cạnh của việc tái định cư của một làng phải tản cư trong cuộc chiến Việt Minh chống Pháp. Và nó không phải là một trường hợp cá biệt: khoảng ba chục trường học tương tự đang sắp được mở ra trong vùng nông thôn của tỉnh An Xuyên.
Một chuyến đi trên vùng rừng phía bắc Sài Gòn đã cho phép tôi được chứng kiến những trung tâm phát triển nông nghiệp mới mà người ta đang dọn dẹp để đón dân miền Bắc di cư. Mỗi khi dọn quang xong, người ta dựng lên ở đấy một khu vực trung tâm của làng và một nhà thờ. Dưới sự chăn giắt cha con của vị linh mục đã dẫn họ vào Nam, người dân bắt tay vào dựng những căn nhà lợp tôn và bắt đầu làm những mảnh vườn trồng rau và làm đất trồng đay để sau này bán đi sản phẩm của họ. Việc khánh thành một nhà máy dệt, xây dựng một chiếc cầu trên con đường lớn mới mở ở bắc Sài Gòn đã cụ thể hoá những thống kê kinh tế, nói lên một sự phát triển của nền công nghiệp nhẹ và hoạt động buôn bán.
Trong mỗi một vùng, mỗi một làng của những xóm làng ấy, đâu đâu cũng náo nức không khí sôi động của một nghị lực vươn lên cuộc sống giàu có.
Nhưng những gì có thực trong đời sống kinh tế lại không phải là có thực trong đời sống chính trị.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ