Số lần đọc/download: 8500 / 14
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4 -
B
ạch Đàn tò mò nhìn người đàn bà ăn mặc sang trọng vừa đẩy chiếc Dream vào sân nhà mình.
Tìm ai thế nhỉ? Đang nhíu mày cố đoán, Đàn vội gật đầu chào khi bà ta mỉm cười với cô.
- Cho dì hỏi thăm, Giang còn trọ Ở đây không cháu?
- Dạ, còn ạ! Phòng ảnh tuốt phía sau cháu sẽ dẫn dì vào.
Dứt lời, Đàn liền bước đi. Cô chợt nghe bà ta gọi giật lại:
- Này cháu! Cháu cũng ở trọ à?
- Dạ không! Đây là nhà cháu, dì cháu cho thuê phòng trọ.
Nhìn cô bằng cặp mắt dò xét, bà ta hỏi tiếp:
- Cháu tên gì?
Hơi khó chịu trước thái độ của người đàn bà lạ, Đàn trả lời nhát gừng:
- Dạ... Bạch Đàn! Nếu dì không vào, để cháu gọi ảnh ra.
Bà khách xua tay:
- Không cần đâu, dì muốn nhờ cháu việc này.
Lấy trong sắc tay ra phong bì dầy cộm, bà nói:
- Dì là mẹ Giang, dì nhờ... Bạch Đàn đưa cho nó...
Bạch Đàn ngạc nhiên:
- Anh Giang có ở trong đó, sao dì không vào mà lại nhờ cháu?
Mẹ Giang ngập ngừng:
- Dì bận lắm, phải đi ngay. Trong này là năm trăm ngàn, một giấu chủ quyền xe. Cháu dắt chiếc Dream này vào đưa cho nó giùm dì luôn. Dì rất cám ơn!
Đàn trợn mắt nhìn bà, cô chẳng hiểu mẹ Giang bận chuyện gì tới mức đã đến tận nơi con trai ở rồi mà lại nhờ người khác mang tiền và xe vào cho con. Những thứ này đâu phải tầm thường, không có giá trị. Trái lại chiếc Dream là cả một gia tài mà nhiều người thầm mơ ước đấy chứ. Cô dịu giọng:
- Tới đây rồi thì dì cũng nên vào thăm anh Giang một chút. Gặp dì chắc ảnh mừng lắm đó.
Mẹ Giang lắc đầu:
- Cháu không hiểu đâu. Nó đang giận dì nên mới bỏ đi tới nhà trọ nơi đây, chớ đâu phải nó không có cửa không nhà. Dì trực tiếp đưa những thứ này, Giang sẽ từ chối. Cháu giúp giùm dì đi.
Bạch Đàn ngần ngừ:
- Dì tin cháu sao?
Bà khách cười cười:
- Tin chớ! Nhìn sơ qua là dì biết người tốt hay xấu ngay. Giúp giùm dì nhé?
Rồi chẳng cần biết Đàn có đồng ý hay không, bà dúi vội phong bì vào tay cô và hấp tấp bỏ đi.
- Dì ơi...
Bạch Đàn ngẩn người săm soi phong bì rồi chạy theo ra cổng. Cô thấy mẹ Giang đang ngồi đằng sau một chiếc Dream khác, bà nhìn về phía cô và vẫy tay chào.
Thở dài rầu rĩ, Bạch Đàn than thầm trong bụng:
- Tự nhiên lại lãnh nợ vào người. Khổ thật!
Ì ạch đẩy chiếc Dream đến trước cửa phòng Giang, Bạch Đàn tằng hắng lên tiếng.
Cô thấy anh ló đầu qua cửa sổ với vẻ tự nhiên:
- Tìm tôi à?
- V... â... n... g.
Giang bước ra, miệng cười toe toét:
- Mời em vào đây! Kỳ lạ thật, tôi vừa nghĩ tới em.
Nhìn chiếc xe dựng trước phòng, anh chợt đổi nét mặt:
- Của ai vậy?
Đưa phong bì cho Giang, Bạch Đàn nghiêm nghị:
- Của anh. Mẹ anh bảo tôi đưa cho anh những thứ này: năm trăm ngàn thẻ chủ quyền và chiếc Dream mới cáu. Anh nhận và kiểm tra lại giùm.
Đưa tay Đàn ra, Giang khó chịu hỏi:
- Bà ấy đâu rồi?
Bạch Đàn nhăn nhó:
- Về nãy giờ cũng hơi lâu. Này, cầm lấy đi! Tôi còn vào bếp và đi dạy nữa. Anh rảnh rỗi, chớ tôi thì không đâu.
Giang lạnh lùng:
- Em... tài lanh thì ráng chịu, tôi chẳng cần biết tới ba thứ này. Bà đó chắc gì là mẹ tôi. Sao em dễ tin người quá vậy?
Bạch Đàn kêu lên:
- Anh đừng có nói ngang! Không phải mẹ anh, vậy là ai lại làm thế? Tôi chỉ làm ơn thôi, anh đừng trả lại bằng oán chứ?
Giang khoanh tay dửng dưng nhìn trời. Bạch Đàn tức muốn chết, cô hầm hầm bước vào phòng anh dằn mạnh phong bì xuống bàn, rồi vội vã bước ra.
Đúng là đồi dị hợm, đồ con bất hiếu. Anh ta được mẹ cưng chiều thế kia mà còn làm eo làm sách. Nếu biết thái độ của Giang, Đàn đã không ngu như vừa rồi.
Thì ra, anh ta cũng là công tử con nhà khá giả chớ đâu phải tàng tàng như cô nghĩ. Tệ thật! Rốt cuộc cô vẫn chưa có kinh nghiệm xét đoán về người. Cô tưởng Đại đàng hoàng tử tế, rốt cuộc anh ta từng ngồi tù sáu, bảy năm với tội cố sát. Cô ngỡ Giang khó khăn trong cuộc sống với lương kỹ sư hoá ở một công ty thực phẩm, bây giờ mới biết anh ta là con nhà giàu, vì giận mẹ nên bỏ nhà đi để làm eo làm sách...
Còn bao nhiêu chuyện trên đời Bạch Đàn chưa đoán biết được nữa?
Đàn ngao ngán. Cô cảm thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng.
Ngồi xuống bàn, xới chén cơm và uể oải nhai, Bạch Đàn không thấy ngon lành gì khi nghĩ tới đêm nay. Lời Giang nói tuần rồi vẫn ám ảnh cô mãi, cô cảm thấy lo sợ vu vơ và giận dỗi vô cớ. Cô trách Giang kể làm chi chuyện của Đại, rồi tự trách mình sao tham lam, không chịu trả tiền lương lại cho bà Loan và xin nghỉ dạy cho xong.
Vừa buông đũa xuống mâm, cô đã thấy Giang lừ đừ bước tới. Anh tự nhiên kéo ghế ngồi trước mặt Đàn, giọng ôn hòa.
- Tối nay em vẫn đi dạy sao?
Bạch Đàn gật đầu thay cho câu trả lời. Giang chắt lưỡi khổ sở:
- Tôi xin em mà Bạch Đàn, nghỉ đi!.
- Chưa nghỉ ngay được. Anh đừng làm tôi rối trí.
Giang dò dẫm:
- Nhưng em tin những điều tôi đã nói về Đại chứ?
Bỗng dưng Bạch Đàn chăm chú nhìn Giang, cô thấy có cái gì đó bất thường trong cách hỏi đầy lo lắng của anh. Tại sao Giang sợ cô không tin anh chứ? Anh quan tâm tới Đàn thật hay vì lý do khác nữa?
Khẽ nghiêng đầu thật duyên dáng, Bạch Đàn nói nhỏ:
- Tôi vốn dễ tin người vì người đó là anh.
- Vậy em nghỉ dạy đi. Nếu cần tiền để mua tài liệu học, tôi sẵn sàng cho em mượn hết năm trăm ngàn... bà ấy đã đưa.
Bạch Đàn cong môi:
- Tôi không thích lợi dụng lòng tốt của người khác. Anh tốt bất ngờ quá làm tôi phải suy nghĩ đấy.
Bạch Đàn mỉm cười với Giang trước khi bỏ đi. Chưa khi nào cô so sánh những gã con trai với nhau, sao bây giờ trong đầu cô lại nổi lên hình ảnh của Giang và Đại? Cô không muốn "so sánh" họ, nhưng rõ ràng Đàn đã nhận xét để tìm ra mặt hơn, mặt thua của từng người.
Công bằng mà nói nếu một lúc cùng gặp cả hai, các cô gái sẽ chú ý tới Giang vì bề ngoài anh có nét thu hút đặc biệt. Nét thu hút đó được Bích Đông gọi là "model lầm lì, lạnh lùng, bí hiểm" và cả bọn con gái ở đây cũng không giấu sự hãnh diện, thích thú khi được Giang để mắt trò chuyện tới. Điều này đã khiến Bạch Đàn có ác cảm với anh. Đối với Giang, cô cũng "lầm lì, lạnh lùng, bí hiểm". Kết quả, anh lại chú ý đến Đàn hơn những con bé khác mới buồn cười.
Như vậy sự thể hiện tính cách bên ngoài của Giang là một lớp vỏ bọc do anh tự tạo nên. Thật ra, Giang không phải là tảng băng sơn cao ngạo, khó phá vỡ như tụi Huệ nhí vẫn kháo với nhau. Nhưng để hiểu cho chính xác con người anh, Bạch Đàn vẫn làm được.
Còn Đại thì sao nhỉ? Thoạt đầu, Bạch Đàn nghĩ rằng anh là một người vui nhộn, hay trêu ghẹo người khác và thích lấy sự "đau khổ" của họ làm sự thích thú của mình. Cô... căm anh ngay từ buổi dạy đầu tiên, cô ghét anh vì những câu hỏi móc ngoéo trong buổi học, cô thù anh vì nét mặt khinh khỉnh khi người.
Cũng như Giang, Đại cũng tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc. Mục đích của anh, cô đã hiểu. Đại muốn giấu kín dĩ vãng của mình và làm lại cuộc đời từ chuyện học để thi tốt nghiệp cấp ba. Anh muốn đạt mục đích ngày xưa. Vậy tại sao cô lại sợ lại muốn nghỉ và không giúp anh, một người đang hướng thiện? Việc gì phải nghe lời Giang chứ? Chắc gì bản thân anh ta tốt hơn người từng lầm lỗi? Nội chuyện giận mẹ, bỏ nhà đi và gọi người sinh ra mình là "bà ta" đủ thấy trái tai gai mắt rồi.
Cô sẽ tiếp tục dạy Đại để xem thái độ Giang ra sao.
Thích thú với quyết định của mình, Đàn với tay lấy chiếc túi xách bằng vải Jean màu xanh khoác lên vai. Nhánh nguyệt quế khô queo với những cành hoa ngả vàng rụng gần hết nằm ló ở mép túi làm Đàn bâng khuâng. Khác với tâm trạng lo sợ vu vơ lúc ngồi ăn cơm, Đàn chợt nôn nóng mau gặp lại Đại. Cô muốn lập một bản so sánh giữa anh với Giang vô cùng. Nhưng làm vậy với mục đích gì, Đàn vẫn chưa biết.
Khác với thường ngày, cánh cổng sắt sơn màu xám nặng nề của nhà Đại hé mở. Bạch Đàn đạp vội xe vào. Nhìn chiếc Dream dựng trong sân, cô biết ngay nhà đang có khách. Nếu là khách của Đại thì sao nhỉ?
Tò mò ghé mắt vô của kính, Bạch Đàn suýt kêu lên thành tiếng khi thấy bà Loan đang ngồi đối diện với mẹ của Giang.
Đúng 100% là mẹ Giang rồi, bà ngồi quay mặt ra cửa, vẫn bộ quần áo màu kem nhạt đúng mode, sang trọng mà lúc chiều bà đã mặc.
Vậy nghĩa là Giang biết Đại ở một cương vị khác, chớ không phải anh vì căm tức đứa học trò mất dạy, cho mình nghỉ việc mà tò mò tìm hiểu vài ba nét về lý lịch trích ngang của nó. Trái lại, Giang biết rõ về gia đình Đại, biết rất kỹ chuyện vì sao Đại phạm tội nhưng cố tình không nói cho cô nghe. Thay vì đi vòng lối cầu thang để lên lầu, Bạch Đàn lại ngồi lên cái đôn hình con voi để gần cửa sổ, cô muốn biết họ nói chuyện gì.
Đàn nghe rất rõ giọng của mẹ Giang:
- Tôi năn nỉ mà cô Loan, cô làm ơn cho tôi địa chỉ của ảnh. Nếu không, cô ghi giùm số điện thoại cũng được.
Giọng bà Loan dứt khoát:
- Anh tôi dặn không được cho chị biết địa chỉ cũng như số điện thoại. Giữa chị và ảnh có còn gì nữa đâu mà liên lạc. Chị dâu tôi ghen dữ lắm đó. Tôi sợ chị ấy trách mình ăn không ngồi rồi còn nối giáo cho giặc thì phiền lắm.
Mẹ Giang cười nhạt:
- Cô đúng là có mới nới cũ. Dẫu sao tôi cũng từng là chị dâu của cô, từng được ba mẹ cô đi cưới hỏi đàng hoàng mà.
Bà Loan nói ngay:
- Ngày xưa vì thương con nên ba mẹ con phải bấm bụng cưới chị về cho ảnh. Gia đình tôi từ lớn tới bé đều đối xử với chị rất tốt, nhưng tại chị, tất cả là tại chị, bây giờ có trách cũng chẳng làm được gì đâu chị Nhung à. Nếu thấy được, chị cứ xem tôi như bạn bè hay chỗ quen biết, ngoài ra mọi liên hệ ruột rà khác đều đã chấm dứt, chị khơi lại chuyện cũ chỉ tốn công mà thôi.
Giọng bà Nhung, mẹ của Giang như than:
- Cô đối với tôi ra sao cũng mặc. Nhưng còn thằng Giang, nó cũng là cháu cô mà.
Bạch Đàn thót ruột vì lời nói vừa rồi. Cô hồi hộp nghe bà Loan ngọt nhạt:
- Thú thật với chị, tôi có nhiều cháu trai lắm. Thằng nào cũng rặt phường quỷ sứ, cho nên tình cảm của tôi với lũ cháu trời đánh ấy chai lì hết rồi. Chúng xéo bớt đứa nào tôi mừng đứa ấy. Chị đừng kể thêm thằng Giang vào nữa, tôi không muốn nghe đâu. Nội chịu đựng mình thằng Đại là tôi đã muốn chết rồi đấy.
Chưa kịp nghe tiếp, Bạch Đàn đã phải giật bắn người vì bị vỗ vào vai.
- Sao cô lại ngồi đây?
Đứng phắt dậy, Đàn ấp úng:
- Tôi thấy có khách nên không dám vào.
Đại bật cười:
- Trời ơi! Cô hiền vậy sao?
Bạch Đàn đỏ mặt nói dối:
- Với lại, tự nhiên tôi hơi mệt nên muốn ngồi nghỉ đỡ...
Trán Đại cau lại, anh có vẻ quan tâm:
- Cô bệnh à? Bệnh sao không ở nhà? Đạp xe đi như vầy lỡ có chuyện gì thì khổ...
Trót nói dối, Bạch Đàn phải dối luôn, cô vờ ôm đầu:
- Không sao đâu. Tôi vẫn hay chóng mặt như vầy. Ngồi nghỉ một lát, đứng lên là hết.
- Ngồi đây muỗi lắm, để tôi đưa cô lên lầu.
Chưa nói dứt câu, Đại đã nhanh nhẹn kéo cô dậy. Một tay anh giữ chặt eo cô, một tay choàng qua vai, anh dìu Đàn đi.
Hành động quá nhanh của anh làm Đàn không kịp phản ứng. Cô run bắn người, hoảng cả hồn vía vì sự va chạm đầu đời với... con trai. Chân tay như nhũn ra, Bạch Đàn cứ để mặc Đại dìu mình leo từng nấc thang.
Cái giá phải trả cho sự dối trá là đây. Cô vừa rủa thầm mình, vừa bâng khuâng trong vòng tay của Đại.
Anh chàng lo lắng nhận xét:
- Yếu như cọng bún thiu thế này mà bảo là không sao.
- Tôi... kh... ông... s.. ao th... ật mà!
Đại ôm cô chặt hơn:
- Cô lạnh lắm phải không?
Chả biết trả lời thế nào, Bạch Đàn thiểu não gật đầu. Hôm nay cô quên mặc áo ấm, cô run vì... sợ anh, nhưng Đại trông cô run vì lạnh.
Để cô ngồi dựa vào phô tơi, Đại quày quả quay đi. Lúc này Bạch Đàn mới định thần lại và thở hắt ra. Mùi rất lạ của đàn ông như vướng ở tóc Đàn khiến cô nóng bừng đôi gò má. Cô nhắm mắt lại và có cảm giác trời đất quay cuồng, như bị chóng mặt thật.
Sao tự dưng lại xúc động dữ vậy? Đàn ngồi co lại như tự vệ như thủ thế. Mãi đến lúc có người đụng nhẹ vào người, cô mới choàng dậy, mắt mở to ra...
Đại đã ngồi sát cô, mắt anh nheo nheo tinh nghịch:
- Bớt nghiêng ngả quay cuồng chưa cô giáo? Trông mặt cô đỏ thế này chắc chóng mặt vì lên máu quá.
Như một phản xạ, Bạch Đàn đưa hai tay lên áp vào má. Người cô nóng rần vì mặc cỡ.
"Đúng là học trò trời đánh!" Cô thua thật rồi. Đàn ngồi thừ người ra nước mắt rân rấn vì tức. Đáng đời! Ai bảo nói dối mà không coi ngày.
Thấy Đàn sắp đổ lệ, Đại quýnh lên:
- Chóng mặt dữ lắm à?
Bạch Đàn gắt:
- Tôi không sao. Anh đem vở tới đây, tôi cho bài tập.
- Cô đang khó chịu mà! Cứ ngồi nghỉ cho khỏe đã... với lại đừng nên làm... học trò cụt hứng.
Ngồi xích ra xa Đại một chút, Bạch Đàn cảnh giác hơn:
- Anh nói vậy là sao?
- Học trò nào cũng... khoái thầy cô bệnh để được nghỉ học. Tôi vừa tìm lại được cảm giác này thì cô đã bắt làm bài tập rồi. Vì sức khỏe của cô giáo kính yêu, nghỉ học tối nay là đúng nhất. Nghỉ đi mà cô...
Bạch Đàn cương quyết:
- Không được! Hôm thì nghỉ sớm để ăn chè sen, hôm thì sợ cụt hứng... Chiều anh như vậy làm sao tôi dạy tốt được. Tôi không vô trách nhiệm để nghe lời anh đâu. Đem vở lại đây!
Đại nhún vai đứng dậy, anh cười cười:
- Trông cô lúc này chẳng khác gì bà giáo già ế... độ rút những bực dọc không lối thoát của mình xuống vô số... mái đầu xanh thơ dại là mấy. Nhưng không sao. Đầu tôi sỏi sạn rất nhiều nên sẽ chịu được cơn chóng mặt bất ngờ của cô.
Bạch Đàn ngồi gục đầu, cô không làm sao để tập trung tư tưởng được vì những gì vừa nghe giữa chừng.
Bộ Đại tệ lắm hay sao mà bà Loan lại nói thế? Lẽ nào Giang và Đại là anh em cùng cha khác mẹ? Nếu đúng như vậy thì có gì là xấu đâu mà Giang lại không muốn cô dạy Đại? Anh sợ cô biết... tông tích à?
Đang ngẫm nghĩ vẩn vơ, cô chợt nghe tiếng Đại.
- Vở của... em đây, thưa cô?
- Anh làm hết các phần bài tập ở trang 31, 32 giùm...
- Hôm nay chỉ làm bài tập thôi sao?
Bạch Đàn gật đầu:
- Anh không học thì phải... hành chứ.
Đại thở dài ảo não:
- Có nói chắc cô cũng không tin, chớ thật tôi cũng đang chóng mặt đây. Tôi bắt đầu chóng mặt khi biết dưới nhà có khách quý...
Cố nén hồi hộp, Đàn hỏi:
- Bà ấy là ai vậy?
- Vợ trước của bác tôi. Hai người ly dị lâu lắm rồi. Ông đã có vợ khác và đang ở nước ngoài. Hàng tháng bà ấy ghé, lấy tiền bác tôi chu cấp cho con.
- Đâu liên quan gì tới anh mà phải chóng mặt?
Đại ngửa đầu nhìn trần nhà, lâu lắm Đàn mới nghe anh lên tiếng:
- Vì bà ta, tôi đã đánh mất tuổi trẻ tương lai sự nghiệp. Tôi đã ngồi tù oan uổng mất sáu năm. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi. Cái tuổi hoa mộng đẹp nhất của một đời người.
Bạch Đàn rùng mình vì ánh nhìn lạnh lẽo của Đại. Cô không ngờ anh lại thổ lộ với cô chuyện này. Thì ra việc Đại ở tù có liên quan đến bà Nhung, vì vậy Giang mới giục cô mau thôi dạy ở đây? Nhưng tại sao mới được chứ?
Thật dịu dàng, Bạch Đàn nhìn Đại, cô nghe giọng mình trầm xuống:
- Tôi biết anh là người có nhiều nỗi khổ, anh luôn bị dằn vặt vì quá khứ, vậy tôi mà lỡ hỏi về ngày xưa, anh thay đổi thái độ ngay.
Ngập ngừng chút xíu, Đàn tiếp:
- Tôi cũng nghe nhiều về anh. những lời đồn mất đầu, thiếu đuôi ấy cộng với cách cư xử bất thường của anh đôi lúc làm tôi nản đến mức không muốn dạy nữa. Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi vẫn cứ tin anh là người tốt...
Đại ngắt lời cô:
- Tại sao cô tin như vậy?
- Không biết nữa. Nhưng rõ ràng tôi đã tin đúng. Anh nói cho tôi biết bí mật của mình, vậy không tốt gì?
Thở ra khoan khoái, Đàn cười:
- Tôi nhẹ người vì khoảng cách vô hình ngăn tôi và anh đã biến mất. Tôi không phải e dè, dò dẫm xem anh... dối tôi tới bao giờ, cũng như tôi không phải chuẩn bị đề phòng để đối phó với anh nữa.
Mắt Đại chớp liên tục. Anh có vẻ cảm động nhiều hơn bối rối trước những lời thẳng thắng của Bạch Đàn.
Cô gái trẻ con nhưng luôn nghiêm mặt làm người lớn này thường cho anh cảm giác thanh thản tâm hồn vì những nét hồn nhiên đặc biệt.
Khi bà Loan biết Đại quyết định mời cho được Bạch Đàn trở lại dạy mình chớ không chịu để một thầy giáo già... kèm cặp, bà đã cực lực phản đối. Nhưng kết cuộc bà đã thua anh. Thằng cháu... trời đánh thánh vật luôn luôn chống đối bà tới cùng.
Thoạt đầu, bà cô anh nghĩ rằng Đại muốn để Bạch Đàn, một con bé lóc nhóc làm... gia sư là nhằm mục đích chọc tức bà. Ai ngờ Đại lại học rất chăm. Bà Loan đâu hề biết Bạch Đàn đã gây cho anh một ấn tượng sâu sắc ngay từ cái nhìn ban đầu.
Hôm đó, trái tim trống vắng thiếu thốn mọi tình cảm của anh bỗng dưng rộn ràng. Rồi cũng chính anh vội vàng chối bỏ cảm xúc ấy. Anh bỏ vô phòng, đóng kín cửa, xem vidéo và nghĩ rằng Bạch Đàn đã rút lui, nào ngờ cô lên tận phòng anh ở...
Lúc Bạch Đàn giận dỗi về, Đại ngồi lại với cõi lòng trống rỗng. Anh cay đắng ngẫm nghĩ về quá khứ và thấy mình không có gì để mơ tới một tương lai tốt đẹp. Cuối cùng, Đại phải nhờ người năn nỉ Bạch Đàn trở lại dạy.
Anh chăm học vì mình hay vì cô giáo, Đại cũng không biết. Có điều anh biết chắc là Bạch Đàn chẳng ưa anh, cô lạnh lùng, nghiêm trang và thẳng tay... mỗi khi anh phát âm sai, viết trật ba cái từ tiếng Anh mắc dịch.
Bạch Đàn trách anh cư xử với cô bất thường cũng đúng, vì mặc cảm khiến anh giả dối với cả chính mình. Anh gắt gỏng, khó chịu với Đàn để lúc cô về rồi anh lại khổ sở.
Nếu hôm nay bà Nhung không tới ngồi cà kê, nằn nì suốt buổi chiều, nếu Bạch Đàn không chóng mặt để anh có dịp ôm cô trong vòng tay và cảm nhận được sự bối rối sợ hãi của cô chắc Đại cũng không dám... tự thú mình từng ngồi tù.
Thật bất ngờ cho anh, Bạch Đàn đã biết chuyện này và từng chờ đợi anh bày tỏ lòng mình. Còn đang im lặng với những suy nghĩ, Đại nghe Bạch Đàn nhỏ nhẹ.
- Chúng ta mới biết nhau hai tháng, thời gian quá ngắn để có thể hiểu nhau như bè bạn, nên dù biết anh có nỗi niềm riêng, tôi cũng chẳng dám động vào. Hôm nay, nếu anh không thích học thì tùy ý. Nhưng tôi rất muốn biết về anh. Đừng cho rằng tôi tò mò nghe!
Dứt lời, Bạch Đàn bặm môi chờ Đại... nổi cơn lôi đình vì cô đã đặt thẳng vấn đề và vì Bạch Đàn đang muốn biết mẹ con Giang là người thế nào, giữ vai trò gì trong việc Đại từng ngồi tù.
Hình như sự tò mò tọc mạch đã làm Đàn bạo miệng hơn thường ngày, cô nhìn vẻ tư lự của Đại, rồi cong môi nhõng nhẽo:
- Anh nói đi! Nói đi mà!
Đưa tay xoa má, Đàn chợt nhận ra đây là lần đầu tiên trong đời cô nũng nịu thế này. Nhõng nhẽo với đàn ông là điều cô chúa ghét. Mỗi lần nghe bọn Huệ hay Mai Ly đong đưa, õng ẹo, đả đớt với lũ con trai, Bạch Đàn đều bĩu môi quay đi chỗ khác. Sao hôm nay giọng cô cũng kéo dài, nhão nhòe nhão nhoẹt chả khác gì tụi nó thế kia? Cô cũng diễn tuồng làm màu để lấy lòng người khác như bọn chúng à?
Bỗng dưng Bạch Đàn gục đầu xuống. Thái độ của cô làm Đại hiểu lầm, anh lo lắng:
- Cô khó chịu lắm hả?
- Không! Xin lỗi, tôi tò mò quá. Lẽ ra không nên nói những lời vừa rồi...
Đại thở phào:
- Chỉ vậy thôi sao? Tôi nào trách gì cô đâu. Trái lại, tôi thấy được an ủi vì đã có người quan tâm đến mình.
Giọng Đại đầy nỗi xót xa:
- Tôi khao khát, mong ước được nói về mình với một người thân, nhưng nào có ai. Bè bạn cũng không, người thương yêu cũng không. Tôi đâm ra xa lạ với chính tôi và mặc cảm với cuộc đời.
Chợt anh chua chát nhìn Bạch Đàn:
- Có khi nào biết rõ về tôi, cô sẽ không đến nữa không?
Bạch Đàn lắc đầu:
- Nếu không muốn đến, tôi đã ở nhà ngay khi biết anh từng ngồi tù sáu năm.
- Ai nói về tôi với cô vậy?
Bạch Đàn ngập ngừng:
- Một người quen ở gần đây. Nhưng họ không ác ý với anh đâu.
- Ác ý thì sao? Tôi đã người xấu thật chớ đâu phải người ta bịa chuyện.
Đại đứng dậy đi tới đi lui trong phòng và vụt nói:
- Tôi muốn hút điếu thuốc.
Anh bước ra ban công, bật quẹt. Ánh lửa lóe lên rồi tắt, chỉ còn một đốm đỏ nhỏ bé đậu lại trên môi anh. Trời tối lắm rồi, Bạch Đàn vòng hai tay trước ngực, khe khẽ bước tới kế bên Đại.
- Sao lại ra đây? Thường ngày cô rất ghét khói thuốc kia mà!
Tựa người lên lan can, Bạch Đàn chống cằm nhìn xuống con phố vắng hoe.
- Muốn chia sẻ với anh lẽ nào tôi lại ngại hít vài hơi khói. Ở ngoài này nhìn trời nói chuyện không thú vị hơn trong phòng học hay sao?
Đại cười rồi nói:
- Để tôi vào lấy ghế.
Vừa quay đi, anh đã quay lại dặn:
- Đang chóng mặt không nên nhìn xuống đất. Té đấy!
Bạch Đàn chớp mắt, cô thấy ấm lòng khi được Đại quan tâm từng chút.
Mẹ thường bảo: "Phải tránh xa những thằng con trai ngọt ngào, khéo chiều chuộng, săn đón, vì đó là bọn dối trá". Từ trước tới giờ cô vẫn nhớ lời mẹ dặn. Mà bà thì dặn nhiều thứ lắm, nhiều đến nỗi với Đàn, gã đàn ông nào cũng xấu xa hết.
Nhưng tại sao lại nhớ lời mẹ dặn vào lúc này nhỉ? Đại từng là tội phạm, dầu mẹ chưa từng dạy cô: "Khôn nhờ, dại chịu" lần nào hết, Bạch Đàn cũng đâu dễ dãi... nghĩ tới anh ta người đang là học trò cô chứ!
Ngồi xuống chiếc ghế mây êm ái, Đàn nói vu vơ:
- Thơm mùi nguyệt quế quá. Ngừng xe ở cổng đã nghe thơm rồi. Thích thật!
Đại búng tàn thuốc qua lan can:
- Hai cây nguyệt quế này già lắm rồi. Nó nhiều tuổi hơn cả tôi nữa đó.
- Chắc bà anh đã trồng nó?
- Lại đoán sai rồi. Bác Hai tôi trồng lúc ổng vừa cưới vợ. Ngôi nhà này của ông nội tôi. Ông bà nội tôi theo người cô thứ ba sang Úc trước giải phóng và đã có một cơ ngơi sản xuất các linh kiện điện tử khá bề thế ở bên đó. Ông bà liền bảo lãnh hết số con cháu còn ở lại, ngoại trừ cô Loan và người con trai của bác Hai tôi với bà Nhung.
Trầm ngâm một lát, Đại tiếp:
- Hồ sơ làm cũng mất mấy năm và tốn kém không phải ít, vì toàn bộ đại gia đình tôi khá đông người. Nhà bác Hai bốn người, bác Tư năm người, gia đình tôi bốn người, và hầu như ông nội tôi chỉ có toàn cháu trai.
- Tại sao ông anh không bảo lãnh cô Loan và người con của bác Hai?
Đại thở dài:
- Ông nội tôi không tin anh ta là con của bác Hai nên không muốn bảo lãnh, với lại lúc đó bác tôi và bà Nhung đã ly dị, nếu bổ sung thêm vào hồ sơ con của bác thì sẽ rắc rối vô cùng, mọi người trong nhà chẳng ai đồng ý khi nghĩ thời gian đi sẽ bị kéo dài thêm nữa.
Đốt thêm điếu thuốc nữa, Đại chua chát:
- Chính vì sự vô tâm, ích kỷ của ba mẹ và các bác tôi mà tôi phải lãnh hậu quả.
Bạch Đàn kêu lên:
- Bà Nhung đã làm gì anh?
Đại thản nhiên:
- Đúng ra thì bác ấy không làm gì tôi hết.
Tim Đàn chợt thắt lại:
- Vậy... vậy chắc con trai của bà ta đã hại anh hả?
Đại cười khẩy:
- Lúc đó, tôi không biết ai đã hại mình. Tôi cho đó là chuyện rủi ro xui xẻo và tôi phải hứng chịu cho tất cả thôi.
- Nhưng chuyện gì đã xảy ra với anh?
Rít liên tục một lúc hai, ba hơi thuốc, Đại đều giọng:
- Tôi có ông anh trai hư hỏng, chỉ thích vòi tiền ba mẹ đua đòi ăn chơi, chớ không thích học hành, nhưng ảnh là người may mắn vì được ba mẹ tôi cưng chiều như trứng mỏng, ảnh muốn gì được nấy. Trong đám cháu trai, ảnh lớn tuổi nhất, nên làm "đầu tàu" cho những đứa trẻ nhỏ hơn. Cả bọn con trai nhà tôi từng nổi tiếng quậy ở khu phố này. Ba thằng anh của bác Tư tôi rất khoái theo ảnh đi phá làng phá xóm. Tôi chỉ thích hai đứa con của bác Hai với bà vợ sau là thằng Tâm bằng tuổi tôi, và thằng Tiến nhỏ hơn hai tuổi. Anh em tụi tôi "mày tao mi tớ" loạn xạ. Nhớ lại hồi ấy thật là vui.
Bạch Đàn ngơ ngác nhìn Đại ngồi cười một mình. Cô không hiểu sao anh lại kể một dọc anh em bà con của anh ra làm gì.
Đại tiếp tục:
- Tôi còn nhớ, cách ngày đi Úc độ một tuần, anh Hai vòi được món tiền kha khá nên hào phóng chiêu đãi mấy anh em chú bác ruột rà một buổi. Tôi và Tâm không muốn đi chút nào nhưng ảnh làm dữ quá đành phải nể mặt. Cả bọn vào quán rượu gần nhà uống bia. Uống đã ngà ngà thì có một bọn khác kéo đến. Trong bọn đó có đứa từng choảng nhau với anh Hải, nên vừa vào quán là bọn chúng liền kiếm chuyện ngay.
Tựa lưng vào ghế, Đại bỗng đổi giọng lạnh tanh:
- Trong bảy anh em tôi, thằng Tâm, thằng Tiến nhỏ con và nhút nhát nhất. Bọn kia vì cố tình gây sự nên chĩa mũi dùi vào tụi nó. Thằng to con mặt mày dữ dằn nhất đám đi ngang chỗ thằng Tâm ngồi liền giả vờ vấp té. Nó té đè vào thằng nhỏ rồi thuận tay dí điếu xì gà cháy đỏ vào mặt Tâm. Con bé tiếp viên ngồi kế bên anh Hải la lên và nhào vô ôm thằng Tâm khóc như vợ khóc chồng.
Mặt nhăn lại đang nhớ tới cảnh tượng từng xảy ra, Đại nói:
- Tụi tôi chưa kịp phản ứng gì thì thằng quỷ dữ ấy đã đấm liên tục vào mặt Tâm ba, bốn cái. Vừa đấm, nó vừa la rằng Tâm câu "ghệ" của nó. Và con... "ghệ" ấy chẳng ai khác hơn con bé tiếp viên đang la khóc lu loa. Anh Hải lao vào trận bằng con dao bấm Trung Quốc lúc nào ảnh cũng mang theo bên người. Lúc ấy trong quán hỗn loạn vô cùng, tụi kia vừa đông vừa dữ và đánh đòn nào đòn nấy như đòn thù. Anh em tôi làm sao chịu nổi. Điều lạ là bọn đó chỉ tập trung vào anh em thằng Tâm mới kỳ.
Đại ngập ngừng:
- Không quen uống bia, rượu nhưng hôm đó tôi bị ép uống cũng nhiều, nên tâm trí hoảng loạn, tôi vớ ghế đập lung tung, la hét như điên khi thấy thằng con to đánh anh Hải sặc máu mũi. Con dao bấm của ảnh vuột ra rơi ngay chân. Tôi nhặt lên cầm lăm lăm trong tay.
Bạch Đàn ái ngại:
- Anh đã đâm thằng quỷ dữ ấy phải không?
Đại rầu rĩ gật đầu, giọng anh nghèn nghẹn:
- Tôi đâm hụt, nó vụt chạy vào trong. Không hiểu do ma men hay bản năng xúi giục mà tôi đuổi theo. Nó xách ghế phang tôi rồi lủi vào vách, máu trên trán nhỏ xuống làm tôi điên lên. Mắt nhắm mắt mở tôi cầm dao sấn tới, thằng quỷ ấy đã độc ác đẩy con nhỏ tiếp viên đang run như cầy sấy núp ở gốc cột vào lưỡi dao.
Đại ôm đầu khổ sở.
- Cô ta khuỵu xuống và tôi cũng khuỵu xuống theo. Thật là kinh khủng! Cho tới bây giờ tôi vẫn còn cảm nhận được cảm giác điếng hồn lúc đó. Khi bình tĩnh trở lại, tôi thấy chỉ còn tôi, Tâm và cô tiếp viên nằm trên đất, còn tất cả những "thằng" anh khác đều chạy mất hết. Vì không muốn để việc này ảnh hưởng đến chuyến đi đã kề bên, nên tôi đã nhận tội một mình mà không khai thêm ai. Kết cuộc, tôi lãnh hai năm...
- Ủa! Sao lúc nãy anh nói tới sáu năm?
Đại cười gượng:
- Bốn năm sau là của vụ khác. Thế nào, cô chán tôi rồi chứ?
Đàn buột miệng:
- Đâu có! Tôi chỉ hơi ngạc nhiên.
Rồi cô bĩu môi bất mãn:
- Cả dòng họ nỡ để anh ở lại trong hoàn cảnh tù tội như vậy sao? Thật tôi không biết phải nói thế nào đây nữa.
- Mình làm thì mình chịu, đâu trách được ai. Lúc đó tôi nghĩ mình thật... vĩ đại, đã vì mọi người mà hy sinh ở lại.
Đại cười khan:
- Đúng là khi còn trẻ, người ta nhìn đời thậm chí hành động theo lý tưởng của người khác mà cứ tưởng đó là của mình. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật ngu ngốc. Hai năm ở trại cải huấn, tôi không được thân nhân thăm nuôi, không được một lá thư nào cả. Tôi đau khổ, thất vọng thu mình lại với hàng ngàn câu hỏi tại sao, tại sao? Môi trường phức tạp đó biến tôi thành người khác từ bao giờ tôi chẳng biết.
Bạch Đàn tò mò thật trẻ con:
- Anh có bị bọn "đại bàng" ăn hiếp không?
- Cô cũng biết từ "đại bàng" nữa à?
- Có chứ! "Đại bàng, đầu gấu" báo chí vẫn nói đến hoài mà. Có điều tôi chưa thể hình dung cụ thể, trọn vẹn một "đại bàng" như thế nào mà lại độc ác quá.
Đại lững lờ:
- Cứ nhìn tôi, cô sẽ hình dung ra thôi, chớ có khó gì đâu.
Bạch Đàn trêu:
- Anh giống chú sẻ nâu lông xù hơn.
- Trước khi làm "đại bàng" phải biết làm chú sẻ nâu xù lông. Hai năm đầu ở tù, tôi là chú sẻ nâu ngờ nghệch, luôn bị ăn hiếp. Tôi chấp nhận tất cả để được về sớm. Và tôi đã về sớm thật. Trong túi không còn một xu, tôi phải bán cái đồng hồ, vật giá trị nhất tôi có được để trả tiền xe. Về đến đây, cô Loan cho tôi một trăm ngàn và thẳng thừng yêu cầu tôi đi ở nơi khác, vì ngôi nhà này bây giờ là của cổ. Nếu phải chứa một kẻ có tiền án như tôi, cô Loan sẽ gặp khó khăn trong công việc làm ăn.
- Anh vẫn chưa nói tại sao cô Loan không được ông nội anh bảo lãnh đấy.
Đại đứng dậy:
- Ngồi chờ một chút nhé cô giáo! Rồi tôi sẽ nói cho biết thôi.
Bạch Đàn nhìn đồng hồ rồi nhìn trời. Gió thổi mạnh, những ngọn cây rung rinh, cô chợt nhớ tới khu vườn nhà mình, và thắc mắc... không biết giờ này Giang đang làm gì với năm trăm ngàn và chiếc xe mới cáu ấy nhỉ?
Nãy giờ Đại đã kể nguyên nhân khiến anh phải bỏ lỡ dịp đi Úc, nhưng Đàn vẫn chưa hiểu trong chuyện này có vấn đề gì dính dấp tới mẹ con Giang như anh đã bảo: vì bà Nhung, anh đã mất tương lai, sự nghiệp và ở tù năm, sáu năm.
Đại bưng khay nước ra để trên lan can. Anh nheo mắt tinh nghịch:
- Sữa ngọt cho cô giáo, cà phê đắng cho học trò. Uống vào, cô sẽ thấy ấm người và hết chóng mặt.
Nhìn ly sữa trên tay anh, Bạch Đàn vòi vĩnh:
- Cảm ơn anh! Nhưng nếu cho vào sữa ngọt chút cà phê đắng thì.. tuyệt.
- Cô thích uống như vậy sao?
Đàn gật đầu. Cô chống tay nhìn Đại sớt cà phê vào ly sữa của mình. Cảm giác êm ả khi được chiều chuộng lại đến với cô. Đàn chớp mắt khi anh đưa ly cho cô.
- Bao nhiêu đó đủ đắng rồi. Đêm nay cô sẽ khó ngủ vì cà phê này đậm lắm. Trong dòng họ tôi, bà... cô Loan là dân ghiền cà phê thứ thiệt, bả chuyên uống cà phê đen không đường. Ngoài ghiền cà phê ra, cô Loan còn ghiền nhiều thứ độc đáo khác, nên ông nội tôi đâu dám bảo lãnh. Cổ ở lại và hưởng ngôi nhà biệt thự này.
- Còn anh, anh không được gì sao?
Đại xoay xoay tách cà phê:
- Tôi chỉ được những thứ không ai cần. Nhưng thôi, cứ nói về mình mãi chán lắm. Tôi muốn nghe cô giáo tâm tình. Chắc cô không chóng mặt chứ?
- Anh chưa kể hết chuyện mà. Tôi vẫn còn thắc mắc...
Đại khoát tay:
- Đoạn sau này còn tệ hơn đoạn trước nhiều. tôi không đủ can đảm kể tiếp đâu. Bây giờ tới phiên cô. Nhớ hồi còn đi học, bọn tôi rất mê nghe thầy cô kể chuyện đời mình. Đó là cách câu giờ tốt nhất...
- Đêm nay anh không câu giờ đấy chứ?
Đại nhìn cô ranh mãnh:
- Tôi đang câu một thứ quý hơn cả thời gian và hy vọng sẽ câu được.
Bạch Đàn phản ứng ngay:
- Thật sao! Nếu quả như vậy, tôi sẽ là người bẻ gãy cần câu của anh đó.
Đại cười:
- Cô đúng là bà giáo già khó tính.
- Anh đã nói câu này một lần rồi. Và tôi thấy khó như thế vẫn chưa... đủ với anh.
Thấy Bạch Đàn khoanh tay ngồi im, Đại nhăn nhó:
- Tôi đùa mà! Cô nỡ giận người tội lỗi... đầy mình như tôi sao?
- Không! Tôi đang suy nghĩ nên kể về bản thân như thế nào cho vừa với phần đời anh đã kể cho tôi nghe.
- Nhìn bề ngoài cô đâu giống mấy người hay tính toán chi li.
Bạch Đàn thản nhiên:
- Vậy là anh lầm to rồi. Tôi tính toán kinh khủng lắm. Tính toán cũng là một cách để tồn tại. Họ hàng tôi ít người, mẹ con tôi lại nghèo, phải sống nhờ vào nhà bà dì ruột nên từ hồi bé xíu tôi đã tính toán, suy nghĩ trước khi làm bất cứ việc gì. Với những người có điều kiện, khi sai họ có thể làm lại, còn tôi thì không. Do đó cuộc sống với tôi lúc nào cũng là một chuỗi bài toán, vừa giải xong đáp số bài này thì đã có một bài toán mới nan giải. Tôi phải tự kiếm việc làm để lấy tiền ăn học, lúc nào cũng bận rộn với trăm ngàn thứ linh tinh. Anh bảo tôi giống bà giáo già ế độ cũng đúng thôi. Tôi chả có điểm nào nổi bật lọt vào mắt người khác phái.
Đại tỏ vẻ ân hận:
- Xin lỗi, tôi chỉ đùa thôi chớ không có ẩn ý gì cả. Thật ra, cô không giống bà giáo già chút nào hết. Tôi nghĩ chắc cũng có khối anh chàng trồng cây si cô.
- Anh không cần phải an ủi. Với tôi, những điều anh vừa nói đâu có quan trọng bằng chuyện học hành. Mơ ước lớn nhất của tôi là học thành tài, tìm được một việc làm tương đối để nuôi mẹ, bà đã quá cực khổ vì tôi rồi.
Đại nhìn Bạch Đàn chậm rãi uống từng ngụm sữa mà thấy... thương. Cô nói về mình một cách lạnh lùng, thản nhiên như nói tới ai khác. Cách nói ấy chỉ có ở những người quen chịu cực khổ và luôn phải vượt qua khó khăn.
Bạch Đàn lại lên tiếng:
- Chắc anh đang thắc mắc sao không nghe tôi nhắc tới cha chớ gì? Tôi không có ba và lâu lắm rồi tôi đã hết hỏi mẹ "Ba là ai? Ở đâu? Làm gì?", vì lần nào hỏi như thế mẹ tôi cũng khóc thay cho câu trả lời. Trong ngôi nhà thường xuyên có ba người phụ nữ, tôi đảm nhận vai trò của thằng con trai. Mãi rồi tôi không thấy mình dịu dàng, mềm mỏng, biết nhõng nhẽo hay làm điệu làm dáng như những đứa bạn gái. Qua mắt tôi cái gì cũng sần sùi đầy góc cạnh. Sự bất hạnh của mẹ tôi khiến tôi mất niềm tin vào cuộc sống. Với tôi, tuổi mười ba, mười bảy hay mười tám đều không là tuổi hoa mộng đẹp nhất đời như nhiều người vẫn tưởng tượng.
Khẽ bóp bàn tay, Bạch Đàn tiếp:
- Mười hai, mười ba tuổi, tôi đã còng lưng ngồi cắt vải vụn cắt đến chai hết tay vẫn chưa hết vải. Lúc ngồi ráp những mảnh tam giác lại thành bông trên mặt áo gối, tôi đã tự hứa với lòng sau này tôi phải trở nên giàu chớ không thể như thế mãi được. Bây giờ mẹ con tôi đỡ hơn xưa, nhưng chưa có nghĩa đã vượt qua hết khó khăn. Tôi cũng hết... tham vọng làm giàu rồi, vì làm giàu đâu phải dễ. Có điều trong tâm hồn tôi vẫn luôn còn một khoảng trống tăm tối đầy mặc cảm khốn khổ mà tôi không sao xóa được.
Ngượng nghịu cười, Bạch Đàn nhìn Đại.
- Lần đầu tôi nói về mình nhiều như vậy. Anh thấy đấy, chẳng có gì đáng nghe vì toàn những lời thở than đến phát chán. Tôi lại không có khiếu ăn nói, nên chỉ có thể kể bằng giọng rù rì như dế kêu. Nếu không nhờ tách cà phê cực đậm này chắc anh đã ngủ mất rồi.
Đại trìu mến lắc đầu:
- Trái lại, câu chuyện của cô đã cho tôi một bài học về số phận. Dù cô nói rất ít, nhưng tôi hiểu những gì cô đã vượt qua không phải là đơn giản.
- Anh nói thế chớ thiếu gì người phải vừa làm vừa học như tôi. Chỉ cần chịu cực một chút là được.
Đại bỗng nghe xốn xang trong lòng. Anh nhớ lại những lần trêu chọc Bạch Đàn mà ngượng. Đành rằng không ác ý, nhưng sao Đại lại có thể vô tâm đến thế nhỉ? Anh có còn trẻ trung gì đâu?
Bạch Đàn nói nhỏ:
- Đến giờ tôi về rồi.
Đại chợt bối rối:
- Tôi đưa cô nhé? Chóng mặt đạp xe dễ té lắm.
Anh nghe tiếng Đàn cười khẽ:
- Sao quan trọng vấn đề dữ vậy? Tôi đã quen không được chiều chuộng, đưa đón hằng hai chục năm nay rồi, anh đừng làm tôi khó xử chứ?
- Nhưng để cô về một mình tôi không an tâm.
Bạch Đàn cao giọng:
- Anh làm tôi nhớ mẹ quá. Bà luôn nhắc tôi phải cảnh giác trước những anh chàng quan tâm đặc biệt tới mình.
Đại thoáng chốc trở nên lạnh nhạt:
- Xin lỗi! Tôi không nghĩ sâu xa như cô.
Rồi anh gọi to:
- Dì Tám ơi! Mở cổng giùm tôi!
Bạch Đàn lững thững dắt xe đi trong sân. Đêm vẫn ngọt mùi hoa, lòng cô chợt chùng xuống chút buồn vu vơ. Mà sao lại buồn khi cô đã cố ý nói thế với Đại?
Cô muốn cảnh cáo anh hay tự cảm tỉnh mình vậy? Thôi đừng nghĩ vớ vẩn nữa. Mẹ đã từng nói: "Đàn ông con trai một trăm người hết chín mươi chín người xấu". Đại không thể nào là người tốt duy nhất trong nhóm một trăm ấy được. Đừng ngu dại lọt vào vòng khổ sở mà suốt đời mẹ đã không thoát ra được.