Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 3
T
hế là mi đã đến thị trấn Ô Y. Trong cái phố hẹp dài lát đá hằn sâu các vết bánh xe cút kít, thình lình mi trở lại thời thơ ấu, với cái sơn thôn nho nhỏ mà mi đã qua hết tuổi thanh xuân ở đó. Nhưng mi không còn thấy xe cút kít đẩy bằng tay nữa. Tiếng chuông xe đạp lanh lảnh thay cho tiếng cót két của các trục bánh làm bằng gỗ táo bôi trơn bằng dầu đậu nành. Ở đây muốn lái một chiếc xe đạp phải có tài của diễn viên xiếc đi thăng bằng, một túi xắc to tướng móc vào yên, len lỏi qua người đi đường, các gồng gánh, xe người kéo, các quầy hàng. Khó tránh các câu chửi rủa, nhưng trong mớ huyên náo này của tiếng cười, tiếng gọi của những người buôn bán khoe sản phẩm và các khách hàng mặc cả, những tiếng chuông có vẻ đầy sức sống. Mi hít thở các mùi pha trộn của ra dưa muối, của lòng lợn, của da mới thuộc, của dầu khuynh diệp, của rơm rạ, của vôi. Mắt mi đảo sang mỗi bên phố, đến các tiệm hoa quả khổ, đậu nành, dầu ăn, gạo, đến hiệu thuốc bán các dược phẩm Trung Quốc và phương Tây, đến nhà hàng vài vóc tơ lụa, đến quầy giầy dép, người bán trà, quầy thịt lợn, nhà may, bếp lò đun nước, các đồ gốm và dây thừng, các cửa hàng tạp hóa bán hương và tiền giấy tang lễ. Quán quán kề sát bên nhau, chẳng mấy thay đổi to tát chắc là từ đời Tiền Thanh. Quán ăn lâu đờiChân Thịch, thịnh vượng thật, nơi những cái nồi phẳng đáy đầy những thịt băm tẩm bột rán không ngừng va nhau, đã tìm lại được tấm biển hiệu từng bị đập vỡ của nó, lá cờ cho hay đây là hàng ăn "hạng nhất" bay phấp phới trong gió. Cửa hàng bách hóa quốc doanh dĩ nhiên là cửa hàng bề thế nhất. Tòa nhà xi măng hai tầng đã được làm mới lại, một cửa kính đã thay cho cái quầy hàng cũ nhưng bụi ngập bên trong trông có vẻ như chưa bao giờ được dọn cả. Các quầy hàng ảnh cũng rất bắt mắt. Chúng đầy những ảnh thiếu nữ làm duyên hay ăn vận sang trọng, đánh phấn bôi son như diễn tuồng. Đó là những sắc đẹp có tên có tuổi ở địa phương mà với công chúng thì có vẻ đỡ xa cách hơn các ngôi sao ở các áp phích điện ảnh. Và quả là địa phương này đã thấy ra đời những nhan sắc đẹp hơn cả ngọc, má xức thơm lừng, lông mày kẻ theo sự bày đặt tỉ mỉ của người thợ ảnh, với các màu đỏ quá đỏ, màu xanh quá xanh. Người ta cũng mời phóng đạ ảnh màu. Một thông báo chỉ dẫn rằng có thê lấy ảnh phóng đại trong hai mươi ngày nhưng người ta giấu đi việc người ta phải lên tận huyện lị để phóng in. Nếu phải cơ duyên mệnh số, có lẽ mi đã sinh ra ở thị trấn này, mi đã đã lớn lên ở đây, đã lập gia định nhờ cưới một trong các nhan sắc lẽ ra đã cho mi từ lâu những đứa con cả trai lẫn gái kia. Mi cười cho cái ý nghĩ này và vội lảng xa để tránh cho người ta ngỡ mi chú ý đến một đứa nào trong đám con gái, tránh cho người ta tự huyễn vu vơ bằng những ảo tưởng. Mi để cho đầu óc la đà trong khi nhìn các gian áp mái trên các quầy hàng. Những tấm rèm treo ở cửa sổ,. những hoa và cây thế đặt trên gờ cửa. Mi không thể không thầm hỏi những người ngụ ở đấy sống ra sao. Có một cái tháp cao cửa khóa. Các cột nghiêng, các đầu rui và dãy lan can gỗ chạm trổ đã mục nát hết của căn tháp nói rõ lên quyền lực mà những người cư ngụ ở đây trước kia từng hưởng: số phận của người chủ ngôi nhà này cùng con cháu người ấy làm cho bâng khuâng. Trong cửa hàng bên cạnh, trái lại, người ta bán quần jean và áo sơ mi kiểu Hồng Kông cũng như bít tất ni lông dài. Các bức quảng cáo với những phụ nữ nước ngoài phô bày đùi vế. Trên cửa ra vào đề một biển hiệu với những chữ vàng rực: Công ty mới khai thác khoa kỹ mà người ta chẳng biết đó là cái khoa kỹ gì. Xa hơn một chút, một quầy hàng đầy phè vôi đã tôi. Một khoảng trống cắm những cây sào, dây thép chăng giữa chúng có miến vắt ở trên. Mi quay đầu và vào một phố nhỏ mở ra cạnh hàng trà. Mi lại chìm đắm trong hồi ức.
Sau một hồi vào che đậy nửa vời, một mảnh sân nhỏ ẩm ướt. Một khoảng vườn nho nhỏ bỏ hoang, vắng lặng. Trong góc, là một đống vôi vữa vụn. Mi nhớ đến mảnh sân ở gần nhà mi mà tường bao quanh đã đổ. Cái sân làm mi sợ vừa cuốn hút mi. Mi nghĩ rằng các con hồ ly cái người ta nói đến trong truyện là ra từ đây. Tan học, mi không thể ngăn nổi mi đi đến đó một mình, sợ thắt cả họng lại. Mi chưa bao giờ thấy hồ ly cái ở đấy nhưng cái cảm giác thần bí này cứ luôn đi kèm hồi ức tuổi thơ mi. Ở chỗ ấy có một chiêc ghế dài bằng đá đã vỡ và một cái giếng chắc đã cạn. Vào độ chính thu, gió thổi trên mái, ở đấy cỏ vàng rộm mọc đầy cùng mặt trời tỏa sáng rực rỡ. Những nhà ở mà cửa cứ đóng im ỉm kia có lịch sử với chúng. Nó giống với một câu chuyện cổ ở mọi điểm. Mùa đông, gió rít trong các ngõ. Đi giầy bông mới, mi cùng với những đứa trẻ nện gót ở góc bức tường đó và chắc chắn mi còn nhớ bài hát:
Trăng sáng vằng vặc, cưỡi ngựa ta thắp hương, ta đốt chết chị La, ta trêu tiểu thư Đậu tam nương phát cáu, Đậu tam nương hái đậu, nhưng trong vỏ lại rỗng, chị đã lấy lão Tế, lão Tế quá bé, chị lại cưới cua, con cua bòa qua cái hố, con sên đã xéo lên, con sên lại mạch lẻo về con cua, kiện nhau ra tận nhà sư, con cua đã đọc kinh, đã cầu xin bà Quan Âm, bà Quan Âm đã đái, bà đái ra đứa quỉ con, nó làm cho bà đau ở bao tử, ta đã đã gọi thần Tài, thần nhập đồng không thành, thế là ta mất toi hai trăm đồng.
Trên mái nhà, cỏ khô hay tươi, trắng hay xanh nhè nhẹ đung đưa trong gió. Thế là đã bao nhiêu năm rồi mi không nhìn thấy cỏ kia ở trên mái nhỉ? Chân trần, mi đập chân trên các viên đá lát hằn sâu vết bánh xe cút kít và mi vụt nổi lên từ tuổi thơ mi, mi vụt nổi vào hiện tại. Gan bàn chân trần và bẩn của mi đập đen đét trước mặt mi. Mi có đập chân lên đất thật không, cái đó không quan trọng nhất. Cái mi cần là cái hình ảnh trong lòng kia.
Cuối cùng mi ra khỏi các ngõ quanh co rắc rối và đến đường cái; tại đây, xe khách từ huyện lỵ đến là quay mũi và lăn bánh ngay. Bến xe đường dài bên đường. Trong bến, một quầy bán vé và những chiếc ghế dài. Chính mi đã xuống xe lúc nãy ở đây. Gần như đối diện, một ngôi nhà thấp, một khách sạn tường quét vôi với một dòng chữ đề: có nhiều phòng đẹp. Mi đi xem và thấy có vẻ sạch. Dẫu gì mi cũng phải tìm một nơi ở. Mi bước vào. Một bà phục vụ luống tuổi đang quét hành lang. Mi hỏi có phòng trống không. Bà ta chỉ đáp "có". Mi hỏi đây đến Linh Sơn còn xa không. Bà nhìn nghiêng sang mi, cái nhìn đó đủ nói rằng mi đang ở trong khách sạn quốc doanh. Bà ta lĩnh lương tháng, bà ta chẳng có gì nói thêm với khách.
- Phòng hai. Bà chỉ cho mi một cửa mở bằng cái cán chổi.
Mi vào, xắc trong tay. Bên trong, có hai chiếc giường. Trên một chiếc, một người đang nằm, hai chân quặp lại, một quyển sách giữa hai bàn tay. Nhan đề, Tiểu sử không chính chức của hồ ly cái, viết trên thứ giấy gói hàng dùng bọc che bìa sách. Rõ ràng là một quyển sách đi thuê. Mi ra hiệu chào. Người kia bèn đặt sách xuống và đến lượt hắn gật đầu về phía mi.
- Chào.
- Anh mới đến?
- Ừ.
- Hút thuốc? Hắn vẩy cho mi một điếu thuốc.
- Cảm ơn. Mi ngồi xuống cái giường đối diện giường hắn. Hắn đang cần một người để chuyện gẫu.
- Anh đến đây bao lâu rồi?
- Hơn một chục ngày. Hắn ngồi lên châm thuốc.
- Anh đến mua hàng? Mi hỏi cầu âu.
- Tôi coi gỗ.
- Ở đây việc đó có khó không?
- Anh biết các chỉ tiêu à? Hắn đáp lại, rất quan tâm.
- Các chỉ tiêu nào?
- Các chỉ tiêu của kế hoạch quốc gia.
- Không.
- Vậy thì là khó. Hắn lại nằm dài ra.
- Gỗ ở vùng rừng này cũng thiếu ư?
- Gỗ ấy à, có đấy, nhưng đến giả cả thì lại khác. Nhận ra mi không phải dân thành thạo, hắn trả lời uể oải.
- Anh chờ giá hạ phải không?
- Hừm. Hắn tán thành lơ mơ rồi lại cầm lấy sách.
Mi phải khen hắn một hai câu để có thể tìm hiểu qua hắn:
- Anh biết nhiều về chỗ này, anh chạy khắp để mua vật liệu mà!
- Không hề chút nào, hắn khiêm tốn đáp.
- Đi Linh Sơn như thế nào nhỉ?
Không câu trả lời. Mi chỉ có thể giải thích rằng mi đến ngắm phong cảnh rồi hỏi hắn những nơi đẹp thì tìm ở đâu.
- Ở bờ sông ấy, có một thủy tạ. Khi ngồi ở đấy ngắm núi đằng trước mặt cũng không xoàng.
- Tôi để anh nghỉ thôi, mi nói với giọng lấy lòng.
Mi đặt túi du lịch xuống và đi đăng ký ở chỗ bà phục vụ trước khi ra ngoài. Bến tàu ở đầu cùng đường cái. Những bậc đá dựng đứng tụt xuống đến hơn mười mét. Ở đấy đậu các thuyền phủ chiếu đen, với những bời chèo dài bằng tre. Dòng nước mảnh dẻ của con sông chảy trong một lòng sông rất rộng. Rõ ràng đang không trong mùa lũ. Trên bờ đối diện là một cái phà, người ta xô đẩy nhau trên đó. Những người ngồi trên bậc đá phía mi cũng đang chờ phà.
Bên trên bờ ke, quả nhiên có một nhà thủy tạ mái cong. Bốn bề chung quanh chỉ toàn những sọt bằng tre đan. Nông dân ở bờ bên kia bán xong hàng đã vào ngồi ở trong sọt. Qua chuyện gẫu của họ, mi có cảm tưởng nhận ra được ngôn ngữ của các chuyện kể thời Tống. Nhà thủy tạ vừa mới được quét sơn lại. Dưới lớp mái chìa, các hoa văn rồng phượng mầu sắc chói lói, và trên hai cây cột ở mặt nước, hai vế câu đói trông vào nhau:
Ngồi, mi phải biết cái sai của người nhưng chớ nói ra
Lên đường, tận hương nước trong lành của các Long Khê
Mi đi qua đằng sau các cây cột này. Có hai câu đối khác viết ở đó:
Khi đi ra, mi chớ quên những lời chúc người ta nói vào tai
Hay quai lại mà ngắm thắng cảnh phượng hoàng trong Linh Sơn.
Lập tức phấn khích làm mi rậm rựt. Phà chắc đã tới: những người hóng mát đã đi, quang gánh lên vai. Trừ một ông cụ già ở lại.
- Cụ già ơi, xin cụ, hai câu này...
- Cậu muốn nói đến đôi câu đối kia? Ông già lập tức uốn nắn.
- Vâng, cụ ơi, thưa xin hỏi, ai viết hai câu này? Mi càng hỏi kính cẩn hơn.
- Đại sư phụ cử nhân Trần Tiên Ninh đấy! Ông già đáp với vẻ chăm chú, giọng trách móc ra mặt. Ông ta mở miệng ra cho thấy vài cái răng hiếm hoi đen đen.
- Cháu chưa nghe nói đến ông ây bao giờ. Mi chỉ còn biết thú nhận sự ngu dốt của mi. Bậc đại sư phụ ấy dạy ở trường đại học nào đấy ạ?
- Cậu không hiểu là thường tình thôi, ông ấy sống cách đây hơn nghìn năm rồi, ông già đáp, khinh miệt sâu thẳm ở trong giọng.
- Cụ chớ giễu cháu, cụ ơi, mi nói để cố tự bào chữa.
- Câu không có kính hay sao? Ông già nói, chỉ vào đầu xà nhô ra.
Mi ngẩng lên nhìn một xà ngang không được sơn lại. Quả nhiên, người ta có thể đọc được ở đấy một dòng chữ viết bằng son: Xây cất chính nguyệt năm Canh Thân mạnh xuân, năm thứ mười triều đại Thiệu Hưng nhà Tống, trùng tu ngày hai mươi chính tháng ba năm Giáp Tuất, năm thứ mười chín triều đại Càn Long nhà Thanh.