A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Tác giả: Tru Sa
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ngọc Viễn
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: /
Cập nhật: 2024-09-01 17:36:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ảm Xuyên Hương
Tôi làm việc ở một siêu thị nhỏ, chi nhánh của Intimex. Làm nửa ngày và có thể đổi ca nếu thỏa thuận được với đồng nghiệp. Siêu thị thu hẹp trong một gian phòng ba mươi mét vuông. Gọi là cửa hàng tạp hóa chắc sẽ chính xác hơn. Siêu thị gồm tôi và một người tên Bưu. Gã kém tôi hai tuổi, làm lâu hơn tôi một năm nhưng tôi vẫn gọi gã là anh. Tôi trực ở quầy thu ngân, còn gã chịu trách nhiệm nhập, kiểm tra và ghi phiếu hàng hóa. Người chủ siêu thị vẫn đến vào mỗi chiều để hỏi han, kiểm tra và bàn giao công việc.
Trong ổ máy tính, tôi đã lén cài một trò chơi để tiêu khiển lúc vắng khách. Chủ cửa hàng vẫn thường kiểm tra máy. Có lần bà ấy kích vào thư mục lưu trữ trò chơi. Chẳng một lời nhiếc móc, tôi còn đoán rằng bà ấy cũng lén chơi trò này mỗi lúc ngồi vào máy, bằng chứng là điểm số trò chơi tăng rõ rệt. Gã làm cùng với tôi là một con nghiện games, nhưng không phải trò này. Đứa nhóc ca sau thì luôn tận dụng mọi lúc rảnh để truy cập mạng xã hội.
“Ở đây có Cảm Xuyên Hương không?”
Sau khi dạo vài vòng quanh các sạp hàng, người khách hỏi tôi. Tôi lắc. Người khách hỏi tiếp, vẫn về Cảm Xuyên Hương. Tôi vẫn lắc. “Không có đâu.” Chỉ một câu.
“Chán chết.” Rồi người khách đẩy cửa kính, đi khỏi siêu thị.
Siêu thị nằm ngay mặt đường, liền kề cụm dân cư số sáu của phường Ba Đình. Bàn làm việc của tôi nằm gần của ra vào, chỉ hơi lấp ló vào bên trong. Trời lạnh, tôi ngồi lùi sát tường để tránh gió. Nếu thấy căng thẳng quá, hoặc nhức đầu, mỏi mắt vì nhìn quá lâu vào màn máy tính, tôi sẽ đẩy ghế để nhìn ra đường. Sau lớp kính, là đường lớn, chia hai chiều. Con phố bên kia đường dài ngoằng. Ngoài mấy nhà nằm ẩn trong ngõ thì chỉ thấy các cửa hàng ăn, đồ điện tử hoặc nhà nghỉ. Tôi ngấy việc nhòm sang bên kia lắm. Dãy phố bên này cũng vậy, ngoài các nhà nằm trong ngõ thì chỉ thấy cửa hàng đồ ăn nhanh và nhà nghỉ. Bên này thì ít nhà cửa hướng ra hè đường vì cách siêu thị hai mươi bước chân là một cụm dân cư số 6. Cũng nằm trong ngõ và con ngõ đấy rộng, sâu hoắm và rẽ nhánh. Nhà cao tầng, thấp lè tè, nhà một tầng tróc sơn, nhà hai, ba tầng bỏ không, một loạt dãy nhà cao bằng nhau, thấp dần, hoặc cao lên, các cửa hàng nằm sát kề, đối xứng như hội chợ, lớp học thêm buổi tối, nhà cho thuê trọ, tiệm net, quán trà, café, ngã rẽ từng có người chết…Đường cái của cụm dân cư là ngoài này. Các đường nhỏ khác thì tôi chẳng rành. Tôi từng vào đấy, rồi đi lạc vào một trục đường vắng vẻ. Lúc tôi men đến một cửa hiệu cầm đồ, lúc thì chạm phải ngã ba của con phố đằng trên, phải đi ngược lại vì lạ đường.
Không thấy ai mua hàng, tôi mở game trên máy hòng giết thời gian. Tên Bưu không thấy đâu. Nửa tiếng trước, tôi còn thấy gã nói chuyện điện thoại. Cái siêu thị chỉ chia ra ba gian. Chỉ cần đứng dậy, ngó đầu là thấy hết một gian. Nếu lười, tôi có thể quan sát qua màn hình camera. Chẳng thấy gã đâu. Tôi bỏ trò chơi lại. Gõ gõ đầu bút bi xuống mặt bàn. Sau đấy tôi nhìn các gian hàng. Dãy bánh kẹo, đồ dùng cá nhân, mỳ gói nằm liền nhau. Sát tường là tủ mỹ phẩm. Mấy tháng nay, chẳng bán được lọ mỹ phẩm nào. Tủ đã có bụi. Bụi đóng dày quanh các chai, lọ, thậm chí là nắm cửa tủ.
Cửa kính mở chậm. Một người khách.
“Có cái gì để uống không?”
“Có nhiều, cô ạ.”
“Nhiều là cái gì?”
“Những thứ uống được, đóng gói hoặc không.”
“Đâu?”
“Cô cứ dạo quanh các quầy, ưng gì thì lấy, rồi ra quầy cháu thanh toán.”
“Có cái gì uống được không?”
“Có nhiều, cô ạ.”
“Chậc. Chả có gì uống được.”
Cửa kính lại mở, cũng thật từ từ. Tôi ngáp vặt. Tắt béng trò chơi đi. Tôi mở điện thoại, rồi nghĩ ngợi.
*
Tôi từng làm ca tối. Do đồng nghiệp ca sau nhờ, hoặc chủ cửa hàng phân công. Những buổi tối thứ hai, thứ tư, thứ bẩy không có nhiều khách. Tôi làm ở đây đã hơn hai năm, chưa khi nào siêu thị đông tới mức phải chen chúc trước quầy thanh toán. Không lạ, vì đây chỉ là một chi nhánh nhỏ, ba mươi mét vuông, bao gồm cả kệ, thùng, tủ, chổi và xẻng dọn nhà. Tên Bưu làm lâu hơn tôi, gã là người nhà của chủ cửa hàng nên gã có thể biếng việc hơn tôi. Theo lời gã thì siêu thị trước giờ vẫn thất thường. “Một người, hai, ba, bốn người, có khi chục người nhưng chỉ hỏi thôi.” Gã kể thế. “Mà tao chả nhớ nữa.” – Gã kết thúc lời kể, và từ đấy, nếu có hỏi thì gã cũng chỉ nhại mỗi câu đấy. Nếu chủ cửa hàng điện đến hỏi gã thì gã đáp rằng “Nhiều, hoặc ít.” Thực ra cũng chẳng cần phải hỏi, dù là tên Bưu, tôi, hay mấy đứa ca sau vì số liệu đều có trong máy. Một cái bấm chuột là biết hết.
“Chết…” – Tên Bưu gọi.
“Sao vậy?”
“Chẳng có gì.”
“Anh vừa bảo chết.”
“Có chết gì đâu.”
Tên Bưu ngáp vặt. Một lúc, gã ngúc ngắc cổ, rồi bóp trán. Gã đi vào trong quầy bánh kẹo. Tôi nhắc gã về việc kiểm tra xem mặt hàng nào hết, quá hạn hoặc bị thiếu. Chẳng đáp nhưng chắc gã đã nghe thấy. Những ngày cuối hè, tiết trời dịu hơn. Hôm qua còn có gió lạnh, sáng nay, nắng hửng còn bây giờ còn bây giờ, ba rưỡi chiều thì oi quá. Nắng không sôi sục, không chói tới lóa mắt, chỉ phảng phất, như một lớp giấy dán màu vàng nhạt. “Oi thế nhỉ.” Tôi vã mồ hôi. Cái quạt giấy chỉ hong khô mồ hôi trên người tôi.
“Điều hòa dùng được chưa anh Bưu.” Tôi mở thêm một cúc áo. Bỏ luôn áo ra ngoài quần.
“Anh Bưu bật thử điều hòa đi.”
Điều hòa nằm trong góc tường. Cánh điều hòa vẫn im lìm. Bụi bám trên đấy bắt đầu dày. Hệ máy đã cũ, trầy tróc toàn rỉ sét nên tôi không biết của hãng nào. Vỏ nhựa điều hòa bong nhiều mảng. Màu vỏ vốn trắng bóc giờ ngăm xám lại, có chỗ đã rỉ sét. Tôi đứng dậy, rồi nhìn từng gian một. Không thấy tên Bưu đâu. Mở cửa kính, tôi ra ngoài hóng mát.
Đứng một lúc, tôi lại đi vào. Lần này tôi không ngồi ở quầy thu ngân mà đi lại các gian hàng. Nhiều món hàng để lộn xộn. Mỳ gói ở gian bánh, kẹo ở gian sữa bột, bánh nằm cùng ngăn trà, café, sữa, bột giặt lại lấp ló trong gian bán băng vệ sinh. Tôi chợt nghĩ đến Cảm Xuyên Hương.
Ngày hôm nay không có ai đến giao hàng, hôm qua cũng thế. Hôm kia bận việc nên tôi bỏ một buổi. Vì không gọi được cho chủ, nên tôi đã nói với tên Bưu. Gã nhận giúp tôi. Đại loại là liên lạc để sắp xếp ai đó ở ca sau. Tôi không chắc siêu thị đã nhập thêm hàng. Nhiều mặt hàng hết lâu chưa thấy nhập thêm. Có ngăn thì trống đến mức có thể bố trí một gian sách. Lúc này, tên Bưu lại ra ngoài. Gọi mấy cú điện chẳng thấy tên Bưu bật máy. Ra khỏi siêu thị, đi vào cụm dân cư, tầm mười lăm mét, tôi sẽ tìm thấy tên Bưu trước một ván sát phạt ảo vọng.
*
Dạo này tôi ít đọc báo. Thời sự tôi cũng chẳng xem do thường xuyên về nhà sau tám giờ. Mấy chồng báo cũ xếp ở đầu giường tôi đã bán đồng nát. Báo mạng tôi hiếm khi đọc. Những tin cũ mèm. Án mạng, tai nạn rồi tự tử rải rác khắp mặt báo. Đài báo mỗi ngày vẫn đưa tin nơi này có giết người, nơi kia có thanh toán. Cháu giết ông, con chém bố, vợ đầu độc chồng, bạn cùng lớp đâm nhau, xác chết trần truồng trong bụi cây, hầm cầu, bầy chuột cống được nuôi lớn bởi hàng lố nylon bọc xác thai bị nạo hút, một lưới cá kéo lên cái sọ người…Bên kia bán cầu, những chuyện thế này cũng nhan nhản. Chẳng cần phải lên máy bay, chỉ cần gõ một trang báo nước ngoài, rồi ấn phím, sẽ thấy cả. Có tường lửa cũng vậy, mà không tường lửa cũng vậy. Sắp xếp các tin tức lại sẽ thấy ngay một bãi chiến trường, hoặc không thì cũng là một đại tiệc thịt người.
“Chết trong này hay hơn.” – Tên Bưu chỉ vào cái hình người vừa trúng đạn trong trò Game. Một vài giây. Màn chơi bắt đầu. Nhân vật tên Bưu điều khiển sống dậy, vô sự như vừa được phù phép. “Thấy chưa.” – Tên Bưu nói, ấn bàn tay vào gã con người trong màn máy tính. – “Chết thế chó nào được.”
“Chết cha!” – Tên Bưu không nói. Một người chơi gần đấy hô to thế. Quan Net này chẳng hiếm những lời thốt ra kiểu chửi thề. Mỗi khi bị thua, mấy người trong quán lại chửi thề. Nhiều khi tôi thấy họ rủa kẻ chơi cùng mình chết hoặc khi giết được một nhân vật trong trò chơi họ cười thỏa thê. Trong quán đều là học sinh, sinh viên. Cả mấy thằng nhóc loắt choắt, khoác áo tiểu học. Bọn nhóc giỏi hơn tôi. Mười tám tuổi, tôi mới sờ đến máy tính. Bây giờ, gần ba mươi, tôi vẫn chỉ thạo đánh văn bản, vẽ đồ họa, truy cập mạng. Mấy tên nhóc vào máy, gõ phím bồm bộp. Theo lời tên Bưu thì trong quán có một tên nhóc lớp 8 là thủ lĩnh về dòng games bắn súng. “Ai cũng muốn cùng đội với nó.” – Tên Bưu bảo. “Gặp thằng đấy, phòi óc lúc nào không biết.” – Một người trong quán chêm lời. Tên Bưu có lần gạ tôi chơi cùng. Tôi chối ngay. Tôi nói với gã “Bắn nhau toàn toác đầu, lủng ruột, ghê bỏ bố.”
“Mày cứ coi như tập đánh trận giả. Nhỡ đâu vào chiến trường cũng có kinh nghiệm.”
“Trận giả kiểu này chỉ tổ đau đầu, có khỏe lên tí nào đâu.”
“Chết chửa! Mày tưởng chơi dễ lắm à. Phải vắt óc đấy. Tay phải nhanh, mắt tinh. Biết lúc nào dùng súng, lúc nào dùng búa, rồi cả việc núp ở đâu, bắn một phát phải chết luôn. Mới tập chơi, cứ chết nhiều đã, cứng tay đi giết lại, hồi miền Bắc đi giải phóng cũng chỉ thế này thôi.”
Tên Bưu vẫn nối dài chuyện kể của mình dù tôi đã lọc hết chữ gã khỏi đầu mình. Tôi nhắc gã về việc kiểm tra hàng hóa. Gã lờ đi, rồi kể về lần đại thắng trong trò bắn súng. Có lần, gã còn kể sang một trò chơi khác, toàn ma quỷ với yêu tinh. Nghe đâu, người yêu gã cũng chơi trò đấy. Mỗi lần tên Bưu thắng sát ván là lại được ngủ với nàng.
Chiều muộn, sắp hết ca. Tôi sắp xếp bàn làm việc rồi tranh thủ soát xem hôm nay bán được những gì. Lúc này, cửa kính mở. Người bên ngoài xách theo ba lô, một đống túi cồng kềnh nên tên Bưu phải ra kéo cửa.
“Bác cứ để túi ở cửa, cháu trông.” – Tôi nói.
Tên Bưu ngáp vặt. Camera vẫn hoạt động. Nhìn lên màn hình là thấy rõ tứ phía. Dù là tên Bưu, người khách, hay chính tôi. Đi một vòng quanh các sạp hàng. Rồi đi một vòng nữa. Người khách bước ra quầy thu ngân không mang theo thứ gì.
“Này cháu, ở đây không có Cảm Xuyên Hương à.”
“Chỗ cháu không bán thuốc.” – Tôi bảo.
“Thế có mua không.”
Tôi nhìn tên Bưu. Còn Tên Bưu nhìn người khách lạ, rồi nhìn lại tôi, bĩu môi.
“Mua không?” – Người khách hỏi thêm.
Tôi lắc. Người khách kia nhặt đống đồ đạc của mình rồi kéo cửa kính ra. Cánh cửa kính có vẻ vẫn còn nặng. Tên Bưu đứng gần cửa, gõ gõ mấy ngón tay vào mặt kính cửa. Người khách vẫn loay hoay. Cả vai, hai tay cầm túi, chỉ hai ngón tay cái là còn rảnh rang để móc vào nắm cửa. Cửa chỉ kéo hé, rồi gập vào. Tên Bưu nhìn ra đường, con mắt lờ đờ của kẻ thiếu ngủ. Tôi dành một vài phút kiểm lại danh sách các mặt hàng trên máy. Lúc sau, tôi nhìn ra thì không thấy người khách kia đâu.
*
Một lần nữa, thêm một lần, hoặc lại một lần nữa, nhưng chắc chắn không phải là lần đầu tiên có người hỏi về Cảm Xuyên Hương. Họ, không cùng một người. Đều là khách vãng lai. Đến mua, rồi tay trắng ra về. Đến bán, cũng tay trắng ra về. Siêu thị này vẫn còn ngăn trống nhưng không có chỗ bày Cảm Xuyên Hương. Thứ thuốc này cớ gì lại hấp dẫn.
Sáng nay, chủ cửa hàng có đến đây. Thực ra sáng sớm nào bà ấy chẳng đến, để kiểm tra hàng hóa, tiền nong và giao việc cho người làm. 52 tuổi, nhan sắc trung bình, hai đời chồng, bụng chửa bốn tháng, đấy là những gì tôi biết về người chủ của mình. Tên Bưu biết rõ hơn tôi. Tôi chẳng hỏi, Gã cũng không kể. Người chủ thì rất kiệm lời.
“Buôn bán sao rồi?” Chủ hỏi.
“Lúc thì có, lúc lại không, cô ạ.” – Tên Bưu đáp
“Cô có đặt thêm hàng không?” – Tôi nói.
Cái bụng bầu chưa quá cồng kềnh đến mức khiến người chủ siêu thị phải thận trọng khi bước đi. Bà ấy trước giờ đi vẫn chậm, chân thấp chân cao, có lúc lại lảo đảo như say xe. Soát vài gian hàng, rồi lại đi ra.
“Có gì nữa không?” – Bà ấy hỏi. Tên Bưu không đáp. Tôi nói “Cảm Xuyên Hương.”
“Cảm Xuyên Hương thì sao?” – Thêm một câu hỏi, và tôi đáp chả cần nghĩ ngợi “Siêu thị thì không bán Cảm Xuyên Hương, cô nhỉ.”
Bàn giao xong, người chủ đi hẳn. Tên Bưu nói muốn vào trong ngõ, chơi mấy ván cho đỡ ngứa tay. Tôi bảo, đây là giờ làm việc. Gã bác “Kệ” rồi đi thẳng. Mười phút sau gã đi về, vẻ mặt tức tối. Gã nghiên răng, chửi rủa
“Chó chết! Hết mẹ nó máy.”
“Anh quét sàn đi, giày cô đi dính đất đấy.”
“Cầu cho bọn nó chết bớt để có máy.”
Sàn nhà chưa quét. Mấy vết giầy đen vẫn dính trên các miếng sàn. Nhìn đồng hồ, nửa tiếng là tôi hết ca. Bên ngoài có người đi qua, rất nhiều. Chả ai ghé vào siêu thị. Tôi ngồi ôm đầu. Tên Bưu cũng ôm đầu.
“Anh không quét sàn à?”
“Có khách quái đâu mà phải sạch sẽ.”
Mặt trời đã kiệt nắng, lơ lửng ít lâu như quả bóng bay, rồi sẽ chìm chậm xuống rặng đồi đằng Tây. Một ngày sắp qua, nhanh chóng như châm một mồi nến rồi đột ngột trời nổi gió.
*
Con ngõ lớn chứa cụm dân cư số 6 lòng vòng nhiều ngã rẽ, hẻm nhỏ và chẳng thiếu nhà bỏ hoang. Nhà nào cũng kín cổng cao tường. Trừ mấy quán kinh doanh thì cửa luôn mở để đón khách. Tôi chẳng đi lại nhiều vào trong. Cụm dân cư này không quen thuộc với tôi, dù tôi đã ra vào hàng chục lần. Chẳng bao giờ mò mẫm hết các lối, ghi nhớ kiểu dáng, số nhà hay thám thính xem cấu trúc toàn thể của cụm dân cư hòng vẽ ra một biểu đồ mê cung. Một lý do là tìm tên Bưu, lý do kia tôi chưa nghĩ ra. Nhưng chắc việc tôi năng vào đó, lúc hết ca là để dò cái gì đấy. Tên Bưu luôn trú ẩn trong quán Net. Hơn chục cái tiệm Net. Tiệm nhỏ, tiệm to, tiệm nửa tầng, tiệm hai tầng, tiệm có cửa kính, điều hòa, phòng nghỉ, rồi thì tiệm phân chi nhánh…Tên Bưu luôn ngồi tầng dưới, máy ngoài cùng.
Đặt chân vào quán tôi đã nghe thấy những câu như “Chết rồi”, “Chết con mẹ mày đi”, “Cho nó chết”, rồi cũng với cái chữ chết làm nền tảng nhưng không có câu nối trước hoặc sau. Chỉ là một chữ chết được hét đi hét lại. Bọn trẻ con hết giờ học là lại kéo nhau vào các tiệm net. Mở máy, chia ra và ru mình vào những cuộc chiến ảo tưởng được cấu thành từ các vi mạch điện tử. Tôi từng có thời gian bỏ một vài ngày làm để vào từng quán một. Chẳng chơi gì, cũng hiếm khi tham gia mạng xã hội. Tôi giữ vị trí của một mật vụ, một thám tử tư nhàn rỗi nhưng ngứa nghề.
Khách đến chơi phần nhiều là từ tuổi tôi đổ xuống, nam nữ đủ cả. Những cái máy không hẳn chỉ sáng lên bởi các trò đấu súng, chém giết. Nhiều khi là các trang mạng xã hội. Một lần, buổi sáng tôi đến gặp một tên áo trắng. Tối, ghé lại lần nữa vẫn thấy tên đó ngồi đấy. Đúng cái áo trắng, vẫn chỗ ngồi đấy. Hỏi ra, thì tên đấy ngồi từ sáng, và sẽ còn ngồi lâu nữa, miễn là còn sức lực. Mỗi quán đều có dịch vụ ăn uống. Tại một tiệm khác. Mấy đứa trẻ gằm nhau vì trò chơi. Chúng đá bóng trong máy, thay vì tìm sân chơi để cơ thể lấm bùn, trầy xước. Mấy trò trốn tìm, bắn bi, cầu lông hay chạy bộ không cần thiết vì trong ổ Games đều có cả, thậm chí sân chơi trong máy còn đa dạng, hấp dẫn hơn. Bọn trẻ con chưa cởi bỏ đồng phục, đã vội tìm vào một quán Net. Nếu quán đấy là nhà chúng thì bộ đồng phục, khăn quàng đỏ sẽ được cởi sớm vì cha mẹ chúng sẽ nhắc. Bữa cơm, bọn nhỏ không ngồi cùng người nhà mình. Mỗi đứa mang theo một cái tô lớn, với đủ rau dưa, thịt cá rồi vừa chơi vừa ăn. Có đứa, vì mải mê với trận đánh nên quên bẵng bát cơm. Cũng có đứa, vì ăn vội quá để nhanh vào trận Games nên bị nghẹn. Đứa em trêu trọc anh mình. Một cú đấm thật kêu, thằng em lăn xuống, òa khóc. Được hỏi, thằng anh bảo “Cho nó chết.” Lần nữa, tôi thấy một bà già than thở rằng thằng cháu không chịu ngủ trưa, không chịu ăn chè do bà nấu. Bởi nhiều tiếng hò hét, rặt là chửi bới lẫn nhau nên tôi chẳng ngồi quá lâu. Tên Bưu có thể ngồi thâu đêm. Giờ nghỉ trưa, gã tranh thủ vào chơi. Hết giờ làm, gã cũng vào.
“Sao chơi mãi thế!” – Tôi hỏi tên Bưu.
“Chả biết, cứ chơi thôi.” – Gã đáp.
“Có ngày nào, anh không dành để chơi mấy trò này không.”
“Ngày tao chết.”
“Đừng nghiêm trọng chứ.”
“Đéo nghiêm trọng, nghiêm túc đấy!” – Chợt, gã đập bàn, rồi quay ra nhìn tôi “Tại mày đấy. Tướng của tao chết mẹ nó rồi!”
Lúc ra khỏi quán, thì một bà già bán bỏng ngô rong đi vào. Bà ấy đi từng bàn, gạ mua hàng. Tôi muốn vào lại quán, hỏi gì đấy nhưng lại thôi.
*
Quét hết bụi bẩn, siêu thị trông tươm hơn thường ngày. Tủ kệ vẫn còn bụi. Nhiều gian còn trống. Số bánh kẹo nhìn đã cũ. Tủ kính để mỹ phẩm không mở được nữa vì ổ khóa đã rỉ. Hôm nay vẫn chưa có ai đến giao hàng. Tôi gọi tới mấy đại lý, họ đòi thanh toán hóa đơn cũ thì mới chuyển hàng. Tôi gọi cho chủ cửa hàng thì nhận được câu đáp rằng “Đâu sẽ vào đấy.” Nhìn sang tên Bưu thấy gã đang thẫn thờ nhòm ra đường. Mắt gã mơ màng, tóc tai gã rối bù, gã ngáp liền mấy cái. Một đêm thức trắng trong một tiệm Net nào đấy, và giờ gã vẫn lờ đờ, tôi ngờ rằng gã đang tưởng nhớ lại trận đánh.
Mấy ngày nay siêu thị chẳng bán được gì. Chẳng có hàng nhập mới. Hàng quá đát còn đấy. Hệ thống làm lạnh của tủ lạnh, thùng kem đã hỏng. Chẳng còn kem, sữa chua, hay đồ ướp lạnh. Ngồi một lúc, tôi nhớ rõ hơn về cái mùi lạ một tháng trước. Thời điểm tủ lạnh, thùng lạnh hoàn toàn bỏ xó.
“Anh nhớ hôm vứt mấy cái thùng lạnh không?”
“Có.”
“Nhớ thế nào?”
“Mày kể đi.”
“Em không nhớ rõ.”
“Thì cứ kể. Đầu tao đau quá, chết tiệt.”
“Mùi lạ, chua lòm, mở tủ, sữa đã thiu cả, kem chảy hết, gián, kiến bò lổm ngổm…”
“Rồi vứt hết đi, lỗ một đống tiền. Phần này tao nhớ.”
Tên Bưu chợt hắt hơi. Một cái. Cái nữa. Thêm một cái nữa. Mũi hắn đỏ ửng, nước mũi rỉ xuống. Gã vỗ vỗ đầu. Đứng một lúc, gã hắt hơi vài cái nữa. Mắt hắn đờ ra, mơ màng như buồn ngủ.
“Cảm cúm cũng nên.” – Tôi bảo.
“Chắc thế.” – Gã đáp.
“Cần uống thuốc không, em đi mua.”
“Thôi khỏi, không chết được đâu. Thuốc đắng bỏ mẹ.”
“Thuốc đắng giã tật...” – Tôi nói với cái máy tính quầy thu ngân.
“Ờ!” – Gã nói với ngăn tủ lèo tèo hàng hóa rồi đứng dậy, ra ngoài. Tôi hỏi gã đi đâu thì gã bảo “Tao thèm đánh game, mất lòng mày nhưng ngọt lòng tao.”
Tôi ngồi thêm một lúc, rồi đứng dậy, đi các gian hàng, thò tay lục từng món. Trở lại bàn thu ngân, mở từng ngăn kéo. Không có thuốc.
*
Mùi gì đấy. Thoạt đầu thoang thoảng như bị gió cuốn đến. Lúc đi vào mũi tôi trong một cái hít thở, tôi liền tỉnh giấc. Ngủ chưa lâu, nên tôi còn mệt và sẵn sàng gục xuống để bước ngược vào giấc mơ chưa thành hình. Cái mùi này, dù vương nhẹ chốc lát trong ống mũi vẫn đủ làm tôi phải tỉnh táo. Đấy là một mùi đặc, nồng của một viên thuốc vị đắng. Tôi đã nghĩ rằng có ai đấy nấu thuốc Bắc. Nhưng không. Một nồi thuốc Bắc, dù sắc đặc vẫn có mùi thơm. Tôi có thể vừa ngồi đun thuốc Bắc, vừa hít hà mùi thuốc nấu chín. Thứ mùi này xộc thẳng vào óc tôi. Tôi hít một hơi sâu, mùi ẩm mốc, bụi bặm, gió lạnh chảy vào mũi tôi khiến tôi tức ngực. Thứ mùi lạ kia rất có thể tôi từng nếm thử. Đắng rất đắng. Rất khó uống. Nếu là thuốc viên, chắc tôi sẽ phải uống kèm một cốc nước đầy, còn nếu dạng thuốc sắc, sẽ là một cuộc vật lộn để có thể ngốn hết vào bụng. Phải bịt mũi, nuốt ực, che miệng thật chặt để không mửa ra. Lúc mùi đắng tan hết, tôi thấy những trận ốm thập tử của mình. Mẹ tôi đã chăm tôi cả đêm. Mẹ mua nhiều loại thuốc rồi ép tôi uống từng viên. Thuốc dạng viên và dạng con nhộng. Từng có lần tôi thử uống mà không cần nước. Vị đắng của thuốc ngấm vào lưỡi. Một viên khác thì kẹt giữa họng. Chẳng nuốt được vào. Viên thuốc cứ nằm ở họng, tan chảy từ từ. Vị đắng dồn lại, ngấm từ miệng tôi, dính từng chiếc răng. Ăn gì, tôi cũng chỉ thấy đắng. Lúc đấy, tôi thấy mình như bị ngâm trong một lu thuốc. Việc hít thở cũng khó khăn, tôi chỉ hít thấy mùi đắng của thuốc. Tôi nằm đấy, phó mặc cho giấc ngủ. Cũng là phó mặc để mình tan đi như số thuốc đắng đã vào trong người tôi. Một ngày sau, thì tôi đi lại được. Vị đắng trôi tuột đi. Tôi ăn một lúc cả đường, chanh, muối, ớt quả.
Đánh lưỡi mấy cái. Chỉ thấy nước bọt ứa ra. Cái mùi đắng kia vốn chẳng đi vào miệng tôi. Ợ một cái, vẫn chẳng thấy mùi gì. Mọi món ăn đã được tiêu hóa. Hay mấy tiếng trước tôi chẳng ăn uống gì. Còn cái mùi đăng đắng được đưa đẩy vào đầu bởi một làn gió thì vẫn còn đấy. Hít một hơi sâu, tôi thấy ngạt thở. Những mùi ẩm mốc của gian hàng cũ. Dường như có mùi mạng nhện. Rồi mùi mỹ phẩm quá đát, mùi lên men từ vỉ sữa chua hỏng.
Tôi vẫn còn ở siêu thị. Chỉ một mình tôi. Có lẽ, tôi đã ngủ quên. Giờ thì tôi thức dậy.
Sáng hôm sau, tên Bưu đến và bảo tôi thu dọn tiền nong và khóa cửa. Siêu thị tạm đóng cửa, sáng mai, sẽ có người đến thanh toán tiền lương cho nhân viên. Chắc đám ca sau sẽ tá hỏa. Tôi chưa gấp lắm về công việc hay tiền lương. Theo lời tên Bưu, cô chủ siêu thị đã nhập viện vì uống nhầm thuốc cảm.
*
Tên Bưu vào một quán Net, như mọi lần, vẫn là thế. Trước lúc đi, tôi thấy rõ mặt gã hơn. Một khuôn mặt gầy, hai bên má hóp lại, da mặt tái nhợt như thiếu máu, cặp mắt gã lờ đờ, tia nhìn dài dại như của người đeo kính lâu năm. Mũi gã tịt ngóm, nên phải thở bằng miệng. Gã bị vẩu nên chỉ hơi há miệng là sẽ thấy nửa hàm răng. Răng gã xỉn vàng, nhìn như đang lung lay.
“Mệt không?” – Tôi hỏi gã.
“Cũng mệt…” – Gã đáp.
“Đi khám không.” – Tôi lại hỏi.
“Ngại lắm!” – Gã đáp. Tôi nghe thấy tiếng hắt hơi, rồi tiếng gã nôn ọe. “Chết...” – Tiếng cuối cùng của gã. Gã vào sâu con ngõ. Một quán Net gần đấy hoặc quán xa hơn nếu không có máy hoặc xa hơn nếu vẫn chưa có máy. Túp lều của gã cùng những người như gã. Nơi đánh đắm tuổi trẻ.
Tôi không đi khám bệnh. Tôi về nhà. Mẹ tôi đi vắng. Cha tôi đi công tác. Không. Tôi nhớ sai rồi. Họ đã ly hôn. Tôi sống một mình. Trên mặt bàn, một tờ giấy cũ mèm từ thuở nào được chặn bởi cái gạc tàn trống trơn tàn thuốc. Trên tờ giấy còn đọc được dòng chữ
“Xuyên Hương bạch chỉ.
Người lớn uống ngày ba lần, mỗi lần 3-4 viên
Trẻ em uống ngày ba lần, mỗi lần 2-3 viên”
Không có lọ thuốc nào trên bàn. Trong ngoài nhà lộn xộn vì quá lâu chưa dọn dẹp. Tôi lục lọi một lần nữa. Tủ, kệ, các ngăn kéo, hộp thuốc, hòm nhỏ, rương, rồi mâm chạn, cả cặp xách, giỏ làn đều bị bới tung ra. Không thấy Cảm Xuyên Hương. Thuốc vị đắng. Cảm Xuyên Hương vị đắng, thuốc Nam.
Tôi liếm môi, ợ hơi, hít ngửi rồi mút từng ngón tay. Chẳng một vị gì. “Đắng phải không?” Tôi lại lục đồ.
“Ở đâu bán Cảm Xuyên Hương?” – Tôi nói. Và tôi gần như gục xuống…
2014
Khóa Sắt Khóa Sắt - Tru Sa