Số lần đọc/download: 1827 / 46
Cập nhật: 2016-06-17 12:52:39 +0700
Chương 3: Trổ Võ Bụng Và Hát À Gâu Gâu Hưng Mập Chạy Có Cờ
T
ôi đưa Tư đờn đi xa túp lều của nó, xa chân cầu Tân An như tôi đã được đi xa khỏi vùng trời Phú Nhuận. Chúng tôi trở thành đôi bạn giang hồ. Năm ngoái, đọc truyện Phiêu lưu trên sông 1, tôi thấy hai ông nhãi Tom Sawyer và Huckleberry Finn có vẻ khoái nhau lắm. Nhưng hai đứa không biết chơi những trò lừng lẫy như Bồn lừa, Chương còm, Dzũng Đakao... Vậy mà thế giới ca ngợi con nhà Tom Sawyer hết lời.Thế giới đâu hiểu rằng ở cư xá Chu Mạnh Trinh, chúng tôi coi Mỹ nhô John, Jack, Jimmy, Bill như mỡ tép, Câu cóc, bọn thằng Jack, Bill, John, Jimmy, chả biết câu thế nào. Bắt ruồi cho cóc ăn, nhô Mỹ còn phải học Chương còm nữa là....Bị Chương còm doạ con cóc là "ăng cưn" của ông trời, các con ông cụ sợ hãi mới buồn cườì chứ.Ngay cả thằng Tom Sawyer sang Việt Nam, Dzũng Đakao cũng qua mặt nó. Tom Sawyer không thể hơn tôi. Vì tôi có cái bụng bọc sắt. Và thằng Jack đã đấm thử, đã sưng vù tay. Tom Sawyer nếu đấm thử, sẽ bắt dì nó xoa bóp bàn tay giùm nó bằng dầu chỗi Hoa Kỳ! Huckleberry Finn thì thua Tư đờn chắc quá rồi. Nó không thể tay đàn miệng ca vọng cổ. Và không thể sống một mình trong túp lều giữa đồng không mông quạnh. Nó sẽ chết vì sợ ma hay chết đói. Tôi nhất định chẳng phục nhô con Mỹ, Tây, Tàu... Nhô con nước tôi vô địch thế giới. Đấy, hãy tìm lịch sử nước Mỹ xem có nhô con nào anh hùng bằng một phần tư nhô con Trần Quốc Toản? Tôi rất hãnh diện làm người Việt Nam.
Thầy tôi dạy Việt sử, đến bài "Phá cường địch, báo hoàng ân" thuật chuyện nhô con Trần Quốc Toản bị người lớn đuổi ra chỗ khác chơi, không cho nghe bàn việc chống giặc xâm lăng, cáu sường, nghiến răng ken két. Mẹ cho trái cam cầm trong tay chưa kịp ăn, giận mình là.... nhô con bóp nát trái cam. Rồi về kiếm vải may cờ, thêu 6 chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân", mộ quân đi đuổi giặc. Đạo quân nhô con do chủ tướng Trần Quốc Toản đã chiến thắng giặc Nguyên. Tôi nhớ mãi bài quốc sử. Hễ nhớ là tôi mường tượng lá cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân" bay theo gió cùng những tiếng reo hò. Lá cờ ấy vẫn phất phới bay trong hồn tôi. Và những tiếng reo hò văng vẳng đâu đây. Tôi hãnh diện làm người Việt Nam. Bởi nước Việt Nam tôi có Phù Đổng Thiên Vương, có Đinh Bộ Lĩnh, có Trần Quốc Toản... Nước Mỹ làm gì có nhô con biết chơi lịch sử? Nước Mỹ chỉ có nhô con chơi trò cao bồi bắt nạt mọi da đỏ, mọi da đen.
Tư đờn, tôi yêu nó quá đi thôi! Vai đeo cái đàn ghi-ta năm dây phím trũng, đầu đội chiếc mũ lính Tân Tây Lan, chân mang đôi dép Nhật, nó bước những bước dài. Tôi đi cạnh nó. Dũng sĩ Tô Tô khi thì phóng nhanh phía trước, lúc lại thụt lùi phía sau. Chúng tôi qua cầu Tân An, vào thị xã. Thị xã Tân Anh nhỏ bé... Sự náo nhiệt của phố xá cộng lại, vẫn thua con đường Võ Di Nguy-Phú Nhuận. Tôi bàn với Tư Đờn là đến các cổng trường tiểu học đàn ca. Như thế vừa được phiêu lưu, vừa được biết nhiều nơi, vừa có hy vọng gặp một ông bầu cải lương. Tư đờn khoái trở thành kép hát. Nó bằng lòng liền tù tì.
Chúng tôi ăn lót dạ mỗi đứa khúc bánh mì dài. Tư đờn gạ tôi ăn hủ tíu. Nó bảo hủ tíu trộn thêm đĩa xíu mại, ngon tuyệt vời. Tôi lắc đầu. Rồi kể chuyện ngụ ngôn "Ve sầu và kiến" cho nó nghe. Tư đờn học hành "lai rai" như nó khoe tôi nên nó ham biết những gì tôi đã học ở trường thuật lại. Tự nhiên tôi thương những không được đi học. Không được đến trường học hành thì thiệt thòi đủ thứ. Lớn lên, chả có chút xíu kỷ niệm về ngôi trường, gian lớp, bạn bè, thầy cô. Và khó mà hãnh diện nước mình có Trần Quốc Toản. Tư đờn chỉ dám mơ ước nổi tiếng như kép hát Hùng Cường. Nó thiếu mơ ước cơ hồ nỗi ước mơ của Bồn lừa, Chương còm... Tội nghiệp nó!
- Nè, phì lũ!
- Đã nhắc hoài, cóc nghe gì cả. Tao là Hưng mập.
- Ừa, phì lũ.
- Hưng mập
- Phì lũ.
- Thì phì lũ, cái gì?
- Thiệt tình con ve sầu ca hát tối ngày, không lo làm ăn à?
- Ừ.
- Thiệt tình con kiến ngạo nó, không cho vay gạo à?
- Ừ.
- Tao thù loài kiến quá xá. Nó kẹo ghê hé, phì lũ.? Tao mà là con kiến, tao mời con ve sầu ăn cơm....Ông bao ăn hoài hủy.
- Đừng nói mạnh, mày. Ăn bánh mì xong, uống ly nước mía là căng bụng. Chúng mình cần dành dụm, nhỡ hết tiền ăn xin xấu hổ chết. Biết dè sẻn cũng là tính tốt.
- Sách dạy hả?
- Ừ
- Vậy tao nghe mày. Mà ông cứ ghét con kiến
Tư đờn đúng là ông nhãi rộng lượng. Ăn uống xong, hai chúng tôi lần mò tới cổng ngôi trường tiểu học, chờ học trò ra chơi. Tư đờn trổ nghề. Học trò kéo nhau ra coi. Tư đờn hứng chí. Lần đầu tiên nó biểu diễn trước đám khán giả đông đảo. Tư đờn dạo khúc thủ phong nguyệt, ngâm vài câu thơ mà nó gọi là ngâm... "Tao đàn" rồi bắt sang vọng cổ. Những câu thơ và bài vọng cổ nó thuộc lòng chứ, cả nó lẫn tôi, đều không hiểu ý nghĩa ra sao. Tôi loáng thoáng nghe được mấy tiếng "Kinh Kha sang Tần"..... Ca nửa chừng, Tư đờn ngừng lại, lật mũ xin tiền. Nó quên rằng cổng trường khác với đầu cầu Tân An. Bọn học trò cười ồ. Một ông nhãi chế diễu:
- Nó ca mùi... cá mối!
Ông nhãi khác hỏi:
- Biết ca tân nhạc không?
Tôi bèn đứng dậy, cởi phăng cái áo:
- Còn ca cả nhạc ngoại quốc nữa.
Ông nhãi chê Tư đờn ca mùi..cá mối nheo mắt:
- À gâu gâu chứ?
Tôi gật đầu:
- Gâu gâu xong rồi meo meo!
Bọn nhóc cười vui vẻ. Tư đờn níu chân tôi:
- Phì lũ, tao không biết ca tân nhạc.
Tôi tỉnh bơ:
- Các bạn muốn nghe bài gì?
- À gâu gâu đi!
Tôi gật đầu:
- Sẽ ca à gâu gâu. Các bạn nghe đây: Tôi là Hưng mập, bạn tôi là Tư đờn. Tôi từ Phú Nhuận tới đây. Đàn ca không ăn nhằm gì. Tôi có cái bụng rắn hơn tường đồng. Nếu các bạn thích, hãy đấm thử.
Bọn nhãi khoái lắm. Đứa nào cũng đòi đấm thử trước. Tôi giao hẹn:
- Mỗi trái đấm năm đồng. Hễ đấm mà tôi không nhăn mặt thì mất năm đồng.
- Nhăn mặt thì sao?
- Thì khỏi mất tiền mà còn được nghe à gâu gâu nữa.
- Ca hay không?
- Hay chứ!
- Như ai?
- Như Tony Bệu. Các bạn biết Tony Bệu chưa?
- Biết. Coi đài truyền hình hoài.
- Vậy hả? Tôi là em Tony Bệu đây. Tôi là Hưng mập mờ lỵ. Tôi ghét tên Tây, tên Mỹ không thèm xưng mình là Tony Mập.
Một ông nhãi móc đồng năm đồng nhiều cạnh, thẩy thẩy trên tay. Tôi húyt sáo. Dũng sĩ Tô Tô đang ngồi há mõm chờ ngáp trúng một chú ruồi, vội chạy ra lăng xăng dưới chân tôi. Tô Tô được Chương còm phong làm dũng sĩ nhớ nó lập chiến công sủa... đuổi giặc Thiện Mông Cổ. Chương còm đã tặng Tô Tô miếng thịt bò tươi. Tô Tô khôn kinh khủng. Chẳng thua gì con chó của Tintin trên màn bạc. Tôi lột cái mũ ném xuống đất. Tô Tô ngoạm lên. Nó biết lật cái mũ lưỡi trai, ngoạm chặt cái lưỡi trai. Và cái mũ lật ngữa có thể đựng được nhiều bạc cắc. Tôi chỉ Tô Tô chỗ ông nhãi đang thẩy tiền. Tô Tô ngoan ngoản bước tới. Tôi nói:
- Bạn hãy thẩy tiền vào mũ đi, rồi thử bụng tôi.
Ông nhãi thẩy năm đồng vào mũ. Tô Tô vẫy đuôi cám ơn. Ông nhãi xông vào, trái đấm thủ sẵn. Tôi giả đò xuống tấn, gồng bắp thịt và hét lớn. Ông nhãi giật mình. Tôi cười:
- Bạn đợi tôi đọc câu thần chú đã nhé!
Tôi chắp tay trước ngực, lẩm bẩm:
- Bốn phương trời, mười phương Phật, tri Phật mười phương. Xiêm La, Miến Điện, Lèo, Á Rập... Hấp! Nào, đấm đi!
Ông nhãi phóng tay đấm thật mạnh. Tôi né tránh. Bọn nhãi la ó:
- Ăn gian hả?
Tôi xoa tay:
- Quên chưa dặn.
Ông nhãi tức tối:
- Dặn chi?
Tôi nhún vai:
- Dặn bạn nếu ê tay, chớ có ăn vạ. Rán về mua dầu nóng Ấn Độ mà xoa bóp.
Tư đờn, từ nãy, ngồi há hốc miệng. Chắc nó lo ngại cái màn hát à gâu gâu. Bọn nhãi cười ầm. Tôi phưỡn bụng, giục khán giả:
- Đấm lẹ cho bạn khác còn đấm chứ!
Ông nhãi lấy hết sức bình sinh đấm. Tôi đã học cách chịu đòn. Nghĩa là hít đầy hơi vào phổi. Thế là các bắp thịt rắn như gỗ. Ông nhãi bấm bịch một cái. Tôi cười ré. Bọn nhãi vỗ tay hoan hô tôi. Ông nhãi giơ nắm đấm sát miệng, thổi phù phù:
- Bụng nó lót sắt!
Một ông nhãi vênh mặt:
- Cho rờ thử xem đằng í có lót sắt không, được chứ?
Tôi lắc đầu:
- Rờ thử cũng mất năm đồng. Tụi tớ kiếm ăn nhờ cái bụng. Đằng í đòi rờ thử, bụng đói thì sao?
Ông nhãi vất năm đồng cho Tô Tô:
- Giang hồ mãi võ... bụng, hả?
Tôi nheo mắt:
- Đúng vậy!
Ông nhãi rờ thử kỹ lưỡng. Nó xoa bụng tôi, thọc cả tay qua quần. Rồi nó cù tôi một cái trúng rốn, nhột chịu hết nổi. Tôi cười rống. Ông nhãi quảng cáo:
- Bụng nó như bụng mình ấy!
Thế là cái bụng của tôi biến thành cái bị cát. Các võ sĩ Tân An thay phiên nhau đấm. Cái mũ lưỡi trai ở miệng Tô Tô đã trĩu xuống. Và khi cái bụng tôi đỏ ửng, màn đấm bụng hết hấp dẫn. Một ông nhãi nhắc lời tôi trót hứa:
- Hát à gâu gâu.
Tôi huýt sáo trỏ Tô Tô về chỗ Tư đờn. Dũng sĩ Tô Tô nhả cái mũ ra. Tôi bảo Tư đờn lượm tiền bỏ túi. Và bắt chước danh tài Ngọc Phu, giới thiệu:
- Thưa quý vị, sau đây tôi xin trân trọng giới thiệu danh ca chuyên hát nhạc à gâu gâu, hát hay nhất nước. Và đây danh ca à gâu gâu Tony Tô Tô!
Tôi vỗ tay, xuỵt xuỵt như thợ săn xuỵt chó nhào vô bụi rậm. Dũng sĩ Tô Tô sủa gâu gâu, gâu gâu ầm ĩ. Tôi quát:
- A te!
Dũng sĩ Tô Tô lăn lộn dưới đất. Rồi giơ bốn cẳng lên trời, hát à gâu gâu. Bọn nhãi xăn tay áo, sửa sọan uýnh chúng tôi về tội xí gạt chúng... Chúng đâu ngờ ca sĩ hát à gâu gâu là... Tô Tô. May ghê, giữa lúc tôi bối rối thì tiếng trống trường điểm vào học. Hú vía! Tôi giục Tư đờn:
- Cuốn gói, mày!
Chúng tôi rời thị xã Tân An. Bước đường phiêu lưu của tôi đã gập ghềnh rồi đó.
--------------------------------
1 The adventures of Huckleberry Finn của Mark Twain, bản dịch Việt ngữ của ông Hoàng Lan nhan đề Phiêu lưu trên sông.