Love is the hardest habit to break, and the most difficult to satisfy.

Drew Marrymore

 
 
 
 
 
Tác giả: Yoko Ogawa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3506 / 125
Cập nhật: 2017-11-22 20:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
uối cùng thì tôi cũng thuyết phục được giáo sư ra ngoài. Từ ngày tôi tới làm ở đây, ông chưa một lần bước chân ra vườn, chứ đừng nói đến chuyện đi đâu đó. Vì thế tôi nghĩ ông nên tiếp xúc với khí trời thì sẽ tốt cho sức khỏe.
- Thời tiết dễ chịu lắm giáo sư ạ.
Tôi không hề nói dối.
- Dễ chịu đến mức giáo sư sẽ lập tức muốn hướng về phía mặt trời và hít một hơi sâu.
Nhưng giáo sư vẫn không rời cuốn sách đang đọc trên chiếc ghế bành và chỉ ừ hữ cho qua chuyện.
- Giáo sư thấy sao nếu đi dạo một vòng quanh công viên rồi tạt qua tiệm cắt tóc?
- Để làm gì?
Giương mục kỉnh lên nhìn tôi theo cái kiểu cô này vẽ sự, giáo sư hỏi.
- Đâu cần phải có mục đích gì ạ. Ngoài công viên bây giờ vẫn còn hoa anh đào, sơn thù du cũng sắp sửa đơm bông. Sau đó mà đi cắt tóc thì sảng khoái biết chừng nào.
- Tôi thấy như thế này đã đủ sảng khoái rồi.
- Bắt đôi chân vận động sẽ làm máu lưu thông tốt hơn, và biết đâu giáo sư sẽ nảy ra nhiều ý hay về toán học.
- Tuần hoàn máu chân thì liên quan gì tới tuần hoàn máu não.
- Sửa sang lại đầu tóc, giáo sư chắc chắn sẽ điển trai hơn đấy.
- Dào, vớ vẩn.
Giáo sư liên tục đưa ra những lý lẽ bướng bỉnh, nhưng cuối cùng đành phải miễn cưỡng gấp sách lại vì sự dai dẳng của tôi. Trong tủ giày chỉ có duy nhất một đôi giày da đã lên mốc.
- Cô đì cùng tôi chứ?
Cứ chốc chốc giáo sư lại quay sang tôi, khi ấy đang đánh giày, hỏi lại.
- Phải hứa là ở lại cùng tôi đấy. Trong lúc tôi đang cắt tóc mà cô về mất là phiền lắm.
- Vâng, xin giáo sư yên tâm. Tôi sẽ luôn ở bên giáo sư.
Đôi giày đánh thế nào cũng không chịu bóng.
Nhưng vấn đề là đám giấy nhớ dính đầy trên người giáo sư. Nếu cứ đánh bộ như thế mà đi ra ngoài, hẳn chúng tôi không tránh khỏi ánh mắt tò mò của thiên hạ. Tôi phân vân không biết có nên bảo ông gỡ chúng ra hay không, song hình như chính ông cũng chẳng mấy quan tâm nên tôi quyết định cứ mặc kệ.
Giáo sư chẳng thèm ngước lên nhìn bầu trời trong veo, cũng chẳng thèm để mắt tới những con chó hay cửa hàng mà chúng tôi đi ngang qua, chỉ nhìn xuống chân mình và lật đật bước đi. Động tác cứng nhắc khiến ông chẳng những không có vẻ thong dong mà còn hơi căng thẳng.
- Giáo sư thấy không. Hoa anh đào đang nở rộ đằng kia kìa.
Mặc cho tôi bắt chuyện, giáo sư chỉ ậm ừ. Ở ngoài trời, nom ông già hơn đến chục tuổi.
Chúng tôi quyết định sẽ đi cắt tóc trước. Chủ tiệm cắt tóc là một người đàn ông tinh ý và tốt bụng, ban đầu anh ta phát hoảng khi nhìn thấy bộ com lê kỳ quặc, nhưng dường như đoán ra sự tình nên đã cư xử rất dễ mến. Có lẽ anh ta ngỡ chúng tôi là hai cha con.
- Được con gái đưa đi, sướng quá bác nhỉ.
Cả tôi lẫn giáo sư đều không phản đối. Tôi ngồi lẫn giữa những khách nam khác chờ ông.
Hẳn là giáo sư từng có một vài kỷ niệm không vui ở tiệm cắt tóc nên khi bị choàng chiếc áo phủ ngoài lên người, trôn gông càng căng thẳng. Hàm răng nghiến chặt, các ngón tay bấu mạnh vào cánh tay, lông mày nhíu lại. Anh chủ tiệm cố gắng giúp giáo sư bớt căng thẳng bằng những câu chuyện tránh động chạm song không có kết quả. Tệ hơn, giáo sư còn bất ngờ tuôn ra những câu hỏi quen thuộc khiến cho tình huống càng thêm khó xử.
- Anh đi giày số mấy?
- Số điện thoại nhà anh là bao nhiêu?
Giáo sư có thể nhìn thấy tôi trong gương nhưng dường như ông vẫn không tin nên chốc chốc lai ngoảnh mặt về phía tôi để kiểm tra xem lời hứa có bị vi phạm hay không. Mỗi bận như thế, anh chủ tiệm lại buộc phải dừng tay kéo, song không hề phàn nàn về sự đỏng đảnh của giáo sư. Còn tôi thì khẽ mỉm cười và giơ tay lên, ra hiệu với ông rằng tôi vẫn còn đó.
Những đám tóc bạc rơi xuống vương vãi trên sàn nhà. Chủ tiệm cắt tóc đâu biết rằng cái hộp sọ được bao phủ bởi mái tóc bạc ấy lại có thể đếm vanh vách các số nguyên tố tồn tại tính từ một đến một trăm triệu. Và liệu có ai trong số những vị khách đang ngồi đợi trên ghế sofa, chỉ mong sao cho cái ông già kỳ quặc trước mắt họ về sớm, biết tới sự liên kết bí mật giữa ngày sinh của tôi và con số khắc sau chiếc đồng hồ của giáo sư? Nghĩ đến đó, không hiểu sao tôi bỗng thấy tự hào. Tôi nhìn vào trong gương ra hiệu cho ông bằng một nụ cười tươi rói. Rời tiệm cắt tóc, chúng tôi ngồi uống cà phê lon trên ghế đá công viên. Trong công viên có bãi cát, đài phun nước và sân quần vợt. Mỗi cơn gió thổi tới lại cuốn đi những cánh anh đào và khiến cho từng chùm nắng xuyên qua cành cây soi sáng mặt giáo sư rung rinh. Còn đám giấy nhớ thì lay động không ngừng. Ông chằm chằm ngó vào miệng lon như sắp uống một thứ nước đáng ngờ.
- Đúng như tôi tưởng tượng, giáo sư trông đàn ông và đẹp trai ra nhiều.
- Cô thôi đùa đi nào.
Khi giáo sư nói, từ ông tỏa ra một mùi kem cạo râu, khác hẳn múi giấy mọi ngày.
- Ở trường đại học, giáo sư nghiên cứu bộ môn nào của toán học ạ?
Giáo sư có nói tôi cũng chẳng hiểu, nhưng để đáp lại việc ông đồng ý cùng đi ra ngoài, tôi quyết định sẽ trò chuyện với ông về toán học.
- Bộ môn được mệnh danh là nữ hoàng toán học.
Giáo sư uống ực một ngụm cà phê rồi trả lời.
- Kiều diễm và kiêu sa như nữ hoàng, nhưng cũng hà khắc như quỷ dữ. Nói một cách đơn giản, tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa các số nguyên mà ai cũng biết là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7…
Nữ hoàng - không ngờ ông lại dùng một từ chỉ có trong các truyện cổ tích. Tiếng bóng tennis vẳng lại từ xa. Bất kỳ ai, từ bà mẹ đẩy xe em bé, người chạy bộ đến người đi xe đạp, khi ngang qua chúng tôi cũng đều bối rối lảng tránh, không dám nhìn giáo sư.
- Công việc của giáo sư là phát hiện ra những mối quan hệ ấy, phải không ạ?
- Đúng, là phát hiện chứ không phải phát minh. Tôi khai quật những định lý đã tồn tại ở đó từ trước khi tôi ra đời rất rất lâu mà không ai biết đến. Giống như việc chép lại từng dòng những chân lý chỉ có trong cuốn sổ của Thượng đế. Không ai biết cuốn sổ ấy ở đâu và khi nào thì nó mở ra.
Nói đến đoạn "những định lý đã tồn tại ở đó", giáo sư liền chỉ tay vào cái điểm trên không trung mà những lúc "suy nghĩ" ông thường nhìn đăm đăm vào đó.
- Ví dụ, hồi du học ở Cambridge, tôi nghiên cứu phỏng đoán Artin về các tam thức hệ số nguyên. Thế rồi, dựa trên ý tưởng phương pháp vòng tròn, tôi thử vận dụng hình học giải tích, lý thuyết đại số, xấp xỉ diophantine… nhằm tìm ra tam thức chưa có trong phỏng đoán Artin… và rốt cuộc thì tôi đã chứng minh được một dạng nhờ áp dụng điều kiện đặc biệt…
Giáo sư nhặt một cành cây nhỏ rơi dưới ghế đá rồi vẽ cái gì đó trên mặt đất. Ngoài cách gọi "cái gì đó", tôi chẳng biết diễn đạt thế nào khác. Ở đó có các con số, chữ cái và các ký hiệu bí ẩn, chúng nối đuôi nhau thành một dãy liên tục. Tôi không hiểu ý nghĩa của bất cứ một tiếng nào đang phát ra từ miệng ông, song tôi hiểu ở đó có một con đường và ông đang băng băng tiến về phía trước. Đầy vẻ đĩnh đạc và uy nghiêm. Sự căng thẳng trong tiệm cắt tóc đã biến đâu mất. Cành cây khô không ngừng khắc lên mặt đất ý chí của ông. Tự lúc nào, một tấm đăng ten được dệt nên bởi những công thức toán đã trải rộng dưới chân chúng tôi.
Khi cành cây thôi chuyển động và sự im lặng trở lại, tôi buột miệng nói ra một câu mà chính mình cũng không ngờ tới.
- Sẽ không phiền nếu tôi nói với giáo sư một phát hiện của mình chứ ạ?
Có thể vẻ đẹp của tấm đăng ten đã hút hồn tôi, khiến tôi muốn góp phần mình vào đó. Và vì tôi có một sự xác tín rằng, nhất định giáo sư sẽ không coi rẻ cái phát hiện quá đỗi tầm thường ấy của tôi.
- Tổng các ước số của 28 bằng 28.
- Ồ…
Giáo sư thốt lên rồi viết tiếp vào sau chuỗi lập luận về phỏng đoán Artin:
28 = 1 + 2 + 4 + 7 + 14
- Số hoàn hảo.
- Số- hoàn- hảo.
Tôi lẩm nhẩm, như đang tận hưởng dư vị của những âm tiết chắc nịch ấy.
- Số hoàn hảo nhỏ nhất là 6. 6 = 1 + 2 + 3.
- Ồ, đúng thật. Vậy là chúng không quá hiếm.
- Chớ có lấm tưởng. Chúng là những con số vô cùng quý giá, thể hiện chân thực ý nghĩa của sự hoàn hảo. Số hoàn hảo ngay sau 28 là 496. 496 = 1+ 2 +4 + 8 + 16 + 31 + 62 + 124 + 248. Rồi 8128. Rồi 33550336. Tiếp nữa là 8589869056. Càng về sau càng hiếm.
Tôi không khỏi sửng sốt khi thấy giáo sư trích dẫn con số hàng tỷ chẳng mấy khó khăn.
- Và tất nhiên, ngoài số hoàn hảo ra, còn lại là những số có tổng các ước số lớn hơn hoặc nhỏ hơn chính nó. Số có tổng các ước số lớn hơn chính nó là số dôi và ngược lại là số thiếu. Cách đặt tên này thực ra rất dễ hiểu phải không nào? Chẳng hạn như 18, 1+ 2 + 3 + 6 + 9 =21 nên gọi là số dôi. Còn 14, 1 + 2 + 7 =10 nên gọi là số thiếu.
Tôi hình dung ra 18 và 14. Chúng không còn là những con số vô tri sau những gì giáo sư vừa giải thích. Ở một chốn không ai biết đến, 18 đang ra công gánh những kiện hàng quá sức, còn 14 đang trầm mặc đứng trước một khoảng trống hẫng hụt.
- Có vô vàn các số thiếu mà tổng các ước số chỉ nhỏ hơn nó một đơn vị, song không tồn tại bất cứ số dôi nào mà tổng các ước số chỉ lớn hơn nó một đơn vị. À không, có lẽ chưa ai tìm ra chúng thì đúng hơn.
- Tại sao lại không tìm ra được nhỉ?
- Lý do chỉ có trong cuốn sổ của Thượng đế.
Trong mắt chúng tôi, ánh nắng chan hòa chiếu xuống mọi vật. Ngay cả xác chết của một con côn trùng nổi trên mặt nước cũng lấp lánh. Nhận thấy mẩu giấy nhớ tối quan trọng cài trên ngực giáo sư "Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút" sắp bong ra, tôi với tay sửa lại chiếc kẹp hộ ông.
- Để tôi chỉ cho cô thêm một tính chất nữa của số hoàn hảo.
Giáo sư cầm lại cành cây, đút hai chân xuống gầm ghế nhằm tạo một khoảng trống trên mặt đất.
- Số hoàn hảo có thể biểu diễn dưới dạng tổng của các số tự nhiên liên tiếp.
6 = 1 + 2 + 3
28 = 1 + 2 + 3 +4 + 5 + 6 + 7
496 = 1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 + 7 + 8 + 9 + 10 + 11 + 12 + 13 + 14 + 15 + 16 + 17 + 18 + 19 + 20 + 21 + 22 + 23 + 24 + 25 + 26 + 27 + 28 + 29 + 30 + 31
Giáo sư vươn tay ra hết cỡ để viết những phép tính cộng thật dài. Những hàng thẳng dài ra, đơn giản và trật tự. Không thừa thãi, tinh tế và ngập tràn một cảm giá hồi hộp đến tê người.
Những công thức rối rắm của phỏng đoán Artin, và phép cộng tạo nên bởi những ước số của 28 hòa vào làm một, vây lấy chúng tôi. Mỗi con số là một nốt móc của tấm đăng ten, chúng kết hợp thành những hoa văn tinh xảo. Tôi không dám cử động vì sợ sẽ xóa mất dù chỉ một con số nếu sơ ý đưa chân.
Lúc này, tựa như mọi bí mật của vũ trụ đang hiện lên sau lớp màn trong suốt và cuốn sổ của Thượng đế đang mở ra dưới chân chúng tôi. Chỉ dưới chân chúng tôi mà thôi.
- Nào, - giáo sư cất tiếng, - ta về chứ.
- Căn…?
- Đó là đứa con trai mười tuổi của tôi. Vì đỉnh đầu cháu bị bẹt nên gọi là Căn.
- Ồ, vậy là cô có con trai. Thế thì mau lên. Người mẹ nào cũng phải đón con đi học về. Không gì hạnh phúc bằng được nghe tiếng chúng cất lên "Con đã về đây!" từ ngoài ngưỡng cửa.
Nói rồi giáo sư đứng dậy.
Bỗng có tiếng khóc từ phía bãi cát. Một bé gái chừng hai tuổi đang mếu máo, có lẽ tại cát bay vào mắt, tay vẫn cầm cây xẻng đồ chơi. Giáo sư tiến đến với tốc độ nhanh chưa từng thấy. cất tiếng rồi cúi xuống phủi tấm váy dính đầy cát của cô bé bằng một cử chỉ dịu dàng, khiến tôi nghĩ rằng con người này yêu mọi đứa trẻ chứ không riêng gì Căn.
- Không việc gì đến ông.
Người mẹ từ đâu chạy đến gạt tay giáo sư ra, ôm lấy đứa bé và loáng cái đã đi mất.
Bị bỏ lại một mình trên bãi cát, giáo sư đứng như chôn chân. Chẳng thể giúp gì, tôi chỉ biết đứng nhìn ông từ phía sau. Một vài cánh anh đào rụng xuống, tô điểm thêm những họa tiết mới cho bí mật của vũ trụ.
- Cháu làm xong bài tập giáo sư ra rồi ạ. Đến lượt giáo sư phải sửa máy thu thanh như đã hứa đấy nhé.
Căn chạy áo qua ngưỡng cửa, không kịp chào.
- Đây, giáo sư xem đi.
Nói rồi, nó tức tốc giơ ra cuốn vở toán.
1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 + 7 + 8 + 9 + 10 = 55
Giáo sư dán mắt vào phép tính của Căn hệt như đang nhâm nhi một dòng chứng minh điêu luyện. Ông đang cố công tìm kiếm câu trả lời trong đó, bởi ký ức không thể giúp ông nhớ lại vì sao mình đưa ra đề toán ấy và chuyện sửa máy thu thanh là như thế nào.
Giáo sư luôn giữ ý không hỏi tôi và Căn về những sự việc đã xảy ra vào khoảng thời gian trước tám mươi phút. Ông chỉ cần hỏi tôi một câu rằng, đề toán và việc sửa máy thu thanh là thế nào, tôi sẽ ngay lập tức giải thích cho ông, vậy mà ông cứ tự mình loay hoay đi tìm manh mối bằng những thứ đang có trong tay. Là chủ nhân của một bộ óc siêu việt, hẳn ông ý thức rất sâu sắc về căn bệnh của mình. Chẳng phải ông muốn giữ sĩ diện, mà hình như ông ngại làm phiền những người sống trong cái thế giới mà trí nhớ tồn tại như một thứ đương nhiên. Vì vậy, tôi quyết định sẽ không cắt ngang câu chuyện của hai người.
- Chà, phép cộng của các số tự nhiên từ 1 đến 10 đây mà.
- Kết quả đúng chưa ạ? Cháu tính đi tính lại mấy lần rồi, không thể sai được đâu.
- Đáp án chính xác.
- Tuyệt thật. Bây giờ thì giáo sư sẽ mang máy thu thanh ra hàng điện tử sửa hộ cháu phải không ạ?
- Chờ bác một chút nào Căn.
Giáo sư húng hắng ho như để trì hoãn.
- Kể cho bác nghe cháu tìm ra đáp án bằng cách nào được không?
- Đương nhiên chỉ có một cách là lần lượt cộng từng số lại với nhau thôi ạ.
- Một phương pháp ngay thẳng. Một phương pháp chắc chắn mà không kẻ nào có thể chơi xấu từ sau lưng.
Căn gật đầu.
- Nhưng cháu thử nghĩ xem. Giả sử có một thầy xấu bắt cháu cộng các số từ 1 đến 100 thì sao nào?
- … Cháu vẫn sẽ cộng từng số một.
- Phải rồi. Vì cháu là một cậu bé trung thực. Hơn nữa, lại kiên nhẫn và can trường. Dù cho phải cộng đến 100 số, cháu cũng sẽ tìm ra đáp án đúng. Nhưng biết đâu ông thầy ấy giống như quỷ sứ, cứ đòi cháu phải cộng đến một nghìn hay một vạn thì sao? Ông ta sẽ ngắm nhìn Căn thật thà của bác đánh vật với những phép cộng dài ơi là dài và cười khoái trá. Liệu cháu có chịu được không?
Căn lắc đầu.
- Bác biết. Cháu làm sao có thể để ông thầy quỷ sứ ấy lên mặt. Phải hạ gục ông ta chứ, đúng không nào?
- … Nhưng bằng cách gì?
- Cháu hãy tìm ra một phương pháp tính đơn giản hơn cho cả những số lớn bất kỳ. Bao giờ tìm ra bác cháu ta sẽ đi sửa máy thu thanh.
- Ứ ừ, giáo sư ăn gian. Giáo sư không hứa như thế. Giáo sư ăn gian, ăn gian, ăn gian.
Căn vùng vằng.
- Hư nào. Bé lắm đấy à.
Tôi đe nẹt. Nhưng giáo sư vẫn bình thản mặc cho Căn trách móc thế nào.
- Đâu phải đưa ra đáp án đúng là đã giải quyết xong một bài toán. Để đến được kết quả 55, còn một con đường nữa. Cháu không thích thử đi qua đó sao?
- Cháu chả thích…
Nó vẫn còn phụng phịu.
- Thôi, thế này đi. Theo bác phỏng đoán, cái đài này đã cũ lắm rồi, nên có đem đi sửa hôm nay thì cũng phải vài ngày nữa nó mới kêu được. Sao ta không thi xem cái đài sẽ được sửa xong trước hay cháu sẽ tìm ra con đường mới trước?
- Ừm… Nhưng nói thật, cháu không chắc lắm. Làm gì có cách nào khác để tính tổng của các số tự nhiên từ 1 đến 10…
- Chậc chậc, xem kìa. Bác không biết là cháu lại hèn nhát thế. Chưa lâm trận đã đầu hàng sao?
- Thôi được. Cháu sẽ thử. Nhưng cháu không đảm bảo là có tìm ra trước khi cái đài được sửa xong đâu đấy. Vì cháu có khối việc phải làm, bận lắm.
- Đồng ý.
Giáo sư lại xoa đầu Căn như thường lệ.
- À, đấy. Một lời hứa quan trọng thế này thì phải ghi lại kẻo quên.
Nói đoạn, giáo sư xé một mẩu giấy nhớ, viết lại ý chính bằng bút chì và ghim vào cái khe nhỏ dưới ve áo com lê.
Cử chỉ của ông thuần thục lạ thường, khác hẳn với vẻ vụng về mọi bận. Thậm chí có thể nói là điêu luyện. Mẩu giấy mới lập tức chìm lẫn giữa những mẩu giấy khác.
- Con phải làm xong bài tập trước giờ tường thuật trận đấu. Phải tắt đài trong bữa tối. Không được quấy rầy công việc của giáo sư. Được chứ? Phải hứa với mẹ đấy.
Căn nhăn nhó ậm ừ khi tôi nhắc nhở.
- Mẹ chẳng nói thì con cũng biết. Tigers năm nay cực mạnh. Chứ không giống như năm ngoái và năm kia đứng cuối bảng xếp hạng đâu. Đội đã giành thắng lợi trước Giants trong trận mở màn đấy.
- Vậy à? Hanshin khởi đầu thuận lợi nhỉ. - Giáo sư nói. - Thế tỷ lệ ném bóng ăn bàn của Enatsu hiện tại là bao nhiêu?
Hết nhìn sang Căn rồi sang tôi, giáo sư hỏi tiếp.
- Tổng cộng đã đoạt được bao nhiêu cú ăn ba?
Suy nghĩ giây lát, Căn lên tiếng.
- Enatsu đã đầu quân cho đội khác. Và… giải nghệ trước khi cháu ra đời.
- Sao?
Giáo sư thốt lên rồi im bặt và bất động.
Lần đầu tiên tôi thấy ông sửng sốt và xao động nhường này. Thường thì ông luôn bình tĩnh đón nhận những câu chuyện không có trong trí nhớ của mình và được thốt ra một cách vô cùng đường đột, nhưng lần này thì khác, ông đang lâm vào một tình thế quá đỗi khó xử. Nhìn ông như thế, tôi không còn đủ thì giờ để nghĩ đến Căn, kẻ cũng đang bối rối vì cho rằng mình đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.
- Nhưng… ở đội Hiroshima Toyo Carp, Enatsu cũng rất thành công… và trở thành cầu thủ số một Nhật Bản đấy ạ…
Tôi nói vậy nhằm trấn an giáo sư, song kết quả thì ngược lại.
- Sao cơ? Đầu quân cho đội Hiroshima? Tại sao Enatsu lại có thể mặc bộ đồng phục không phải sọc trắng đen…
Ông chống khuỷu tay lên bàn làm việc, vò tung mái tóc vừa được cắt tỉa gọn gàng. Những sợi tóc vụn rơi lả tả trên vở toán. Lần này đến lượt Căn xoa đầu ông. Căn vuốt thẳng mái tóc rối bời của ông, như thể cố bù đắp cho lỗi lầm đã gây ra.
Tối đó, dọc đường về nhà, tôi và Căn im lặng bước đi.
- Hôm nay, Tigers có trận đấu nào không?
Căn hững hờ gật đầu đáp lại câu hỏi của tôi.
- Với đội nào?
- Taiyo.
- Liệu có thắng không nhỉ?
- Con không biết nữa…
Tiệm cắt tóc chúng tôi ghé qua lúc ban ngày đã tắt điện, công viên không một bóng người, những công thức toán giáo sư viết bằng cành cây khô cũng biến mất vào bóng tối.
- Mình ăn nói sao mà ngu ngốc - Căn cất tiếng - Ai mà biết giáo sư lại hâm mộ Enatsu thế chứ.
- Ngay cả mẹ cũng không biết mà. Con đừng lo. Rồi mai sẽ lại đâu vào đấy thôi. Ngày mai, Enatsu của giáo sư sẽ vẫn là tay ném bóng số một của Tigers. - Tôi an ủi con, bằng cách nói mà chính tôi cũng không biết có thích hợp không.
Khó ngang với vấn đề về Enatsu là bài tập giáo sư ra cho Căn.
Không ngoài dự đoán của ông, cửa hàng điện tử nơi chúng tôi mang máy thu thanh đến sửa hết sức bối rối khi nói rằng họ chưa từng thấy cái nào cũ đến vậy và không dám chắc là có sửa được không, tuy nhiên họ hứa sẽ cố thử trong vòng một tuần. Hôm nào trở về nhà sau khi xong việc, tôi cũng vất óc tìm cách giải bài toán "Tính tổng các số tự nhiên từ 1 đến 10". Nhiệm vụ này đáng lẽ là của Căn, nhưng nó là một đứa mau bỏ cuộc, nên tôi đành nhận về mình. Nói gì thì nói, chuyện liên quan đến Enatsu vẫn làm nó áy náy. Tôi không muốn giáo sư thất vọng hơn nữa, tôi muốn ông vui. Để làm được vậy, con đường duy nhất là toán học.
Trước tiên, tôi đọc thật to đầu bài, như giáo sư thường bắt Căn làm thế.
- 1 + 2 + 3 +…+ 9 + 10 bằng 55. 1 + 2 + 3 +…+ 9 + 10 bằng 55. 1 + 2 + 3 +…
Nhưng cách này chẳng đem lại kết quả. Có chăng chỉ giúp tôi nhận ra rằng phép cộng thuần túy này quá đơn giản so với sự trừu tượng mà tôi đang tìm kiếm.
Thứ đến, tôi thử đủ các phương pháp, nào là sắp xếp các số từ 1 đến 10 theo hàng ngang và hàng dọc rồi so sánh chúng, nào là phân loại thành các nhóm số chẵn và số lẻ, số nguyên tố và hợp số; nào là dùng que diêm và quân cờ để tính toán. Ngay cả trong công việc, hễ rảnh rỗi là tôi lại viết các con số lên mặt sau tờ rơi quảng cáo hòng tìm ra manh mối.
Hổi thử sức với cặp số tình bạn, có bao nhiêu phép tính phải làm, vả lại, cứ bắt tay vào là mọi sự sẽ tiến triển. Nhưng lần này thì khác. Dò dẫm theo hướng nào cũng thấy cảm giác chông chênh, mờ mịt, đến mức cuối cùng thậm chí tôi còn không hiểu nỗi mình muốn gì. Vừa loay hoay như kẻ lạc đường, vừa tụt lùi bất tận. Trên thực tế, trong phần lớn thời gian, tôi hầu như chỉ làm mỗi một việc là nhìn chăm chăm vào trang giấy.
Dẫu thế, tôi vẫn không bỏ cuộc. Kể từ khi mang thai Căn, đây là lần đầu tiên tôi suy nghĩ rốt ráo đến vậy về một vấn đề.
Bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên rằng, sao tôi có thể say sưa nhường vậy với một trò chơi con trẻ chẳng đem đến lợi lộc gì. Giáo sư luôn hiện diện trong tâm trí tôi, nhưng dần dần mọi thứ đều lùi lại đằng sau, để lại bài toán và tôi trong cuộc so tài cao thấp. Buổi sáng, thứ đầu tiên hiện lên trước mắt tôi là phép tính "1 + 2 + 3 +…+9 + 10=55". Nó cứ bám chặt lấy võng mạc cả ngày khiến tôi không cách nào xua đi hoặc phớt lờ được.
Ban đầu, cảm giác duy nhất là sự bế tắc, nhưng sau chuyển dần thành sự quyết đoán, cuối cùng ngạc nhiên thay, tôi thấy mình đang mang một sứ mệnh. Không mấy người biết được ý nghĩa đằng sau những công thức toán. Và đa số họ sẽ chết đi mà thậm chí không hề nhận thấy sự tồn tại của chúng. Lúc này đây, có một người giúp việc vốn không thuộc về thế giới của toán học đang cố sức chạm tay vào cánh cửa mở ra điều bí mật, bởi sự tình cờ của số phận. Thực ra, kể từ ngày đến nhà giáo sư, ánh sáng tỏa ra từ một nơi nào đó đã trao cho tôi một sứ mệnh đặc biệt, chỉ có điều tôi đã không sớm nhận ra…
- Con, mẹ làm thế này trông có giống giáo sư lúc "đang suy nghĩ" không?
Tôi lấy tay ôm trán, kẹp cây bút chì vào giữa ngón trỏ và ngón giữa để làm dáng. Tôi đã dùng đến tờ rơi cuối cùng của ngày hôm đó vậy mà chẳng có gì tiến triển.
- Hoàn toàn không. Lúc giải toán, giáo sư không lẩm bẩm một mình và nhổ tóc chẻ ngọn như mẹ. Chỉ có thể xác của giáo sư ở đó còn hồn giáo sư thì đi đến một nơi rất xa.
Căn đáp.
- Với lại, vấn đề mà giáo sư suy nghĩ khó hơn của mẹ nhiều.
- Biết rồi. Thế con tưởng mẹ đang đánh vật vì ai chứ? Đừng có suốt ngày cắm mặt vào sách về bóng chày nữa, lại đây nghĩ cùng mẹ một chút đi nào.
- Con mới sống được một phần ba quãng đời của mẹ thôi mà. Vả lại, nó vốn dĩ là một bài toán khó nát óc.
- Bài toán hôm trước, loáng chốc con đã tìm ra phân số rồi, tiến bộ thật đấy. Là nhờ giáo sư phải không nào?
- Vâng, cũng có thể là như thế.
Căn ngó vào mặt sau tờ quảng cáo, gật đầu vẻ kẻ cả.
- Mẹ đi đúng hướng đấy chứ.
- An ủi gì mà vô trách nhiệm chưa kìa.
- Còn hơn là không được an ủi mà.
Căn quay lại với cuốn sách về bóng chày.
Ngày trước, mỗi lần tôi khóc vì bị chủ nhà ức hiếp (bị vu là trộm cắp, bị hất cả mâm cơm do mình nấu vào thùng rác ngay trước mặt, bị mắng là đồ lười biếng), Căn bé bỏng thường an ủi tôi.
- Không sao đâu, vì mẹ rất đẹp.
Nó nói thế với một ngữ điệu đầy xác tín. Xét về cấp độ thì đó là lời an ủi cao nhất của Căn.
- Vậy hả? Mẹ đẹp thật chứ?
- Đúng thế. Mẹ không biết sao?
Căn giả bộ ngạc nhiên hết sức, rồi nhắc lại:
- Con đã bảo không sao mà. Vì mẹ rất đẹp.
Đôi lúc, vì muốn được Căn vỗ về nên tôi thường giả vờ khóc, dù không buồn bã đến mức ấy. Và lần nào Căn cũng làm ra vẻ như bị đánh lừa.
- Con nghĩ thế này. - Căn bất chợt lên tiếng. - trong các số từ 1 đến 10, riêng số 10 là kẻ lạc loài.
- Tại sao?
- Vì chỉ mỗi số 10 là có hai chữ số.
Quả đúng vậy. Tôi đã xoay xở với rất nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chưa bao giờ thử cách làm là đi tìm một số duy nhất có tính chất dị biệt.
Tôi nhìn lại cả mười con số. Sự khác biệt của số 10 rõ ràng đến mức khiến tôi hụt hẫng tự hỏi làm thế nào mà mình đã không nhận ra. Chỉ có số 10 là không thể viết được bằng một nét bút.
- Giá mà số 10 không ở đó thì vị trí trung tâm có phải rõ ràng rồi không.
- Vị trí trung tâm nghĩa là gì?
- Lần trước mẹ không đến tham quan giờ học của bọn con nên không biết. Mà đó lại là môn thể dục, môn con giỏi nhất mới tiếc chứ. Trong giờ thể dục, khi thầy giáo hô: "Các hàng, tập hợp vào giữa!" thế là bạn đứng ở giữa hàng sẽ giơ tay lên, cả hàng sẽ nhìn theo đó để dóng hàng. Nếu là hàng 9 người thì tốt rồi, vì bạn số 5 sẽ là trung tâm, còn hàng 10 người thì thật phiền phức, vì chẳng biết xác định trung tâm thế nào.
Tôi bỏ riêng số 10 sang bên, xếp các số từ 1 đến 9 thành một hàng và khoanh tròn số 5.
Không nghi ngờ gì nữa, số 5 là trung tâm. Nó dắt theo 4 số đằng trước và 4 số đằng sau. Nó vươn cao người, đưa hai tay lên trời đầy kiêu hãnh, như đang khẳng định rằng, tôi đây mới chính là điểm mốc.
Vào giây phút đó, một cảm giác lạ lùng chưa từng có trong đời đã đến với tôi. Trên sa mạc bị xéo nát, một trận gió bất thần nổi lên đã mở ra cho tôi một con đường hoàn toàn mới mẻ. Và một vầng sáng cuối con đường dẫn tôi đi. Vầng sáng ấy khiến tôi không sao ngăn nổi mình muốn dấn thân vào đó. Bây giờ thì tôi biết, sự lóe sáng ấy chính là lời chúc phúc dành cho tôi.
Thứ Sáu, ngày 24 tháng 4, ngày Tigers đấu với Dragons, chiếc máy thu thanh trở về nhà từ cửa hàng điện tử. Chúng tôi đặt nó ở ngay giữa bàn ăn, chăm chú lắng nghe. Phải chờ đến khi Căn vặn to máy, chúng tôi mới nghe thấy giọng bình luận viên giữa những tiếng ồn ào. Thứ âm thanh chập chờn, nhưng dù sao cũng là một trận bóng được tường thuật trực tiếp. Đó là luồng sinh khí đầu tiên của thế giới bên ngoài lọt vào căn nhà ngang kể từ độ tôi đến làm. Ba chúng tôi đua nhau thốt lên những lời trầm trồ.
- Cái đài này mà cũng nghe được bóng chày, thật không ngờ…
Giáo sư nói.
- Tất nhiên rồi. Loại đài nào mà chẳng nghe được ạ.
- Hồi xưa, khi mua nó cho tôi, anh tôi bảo là để tôi học tiếng Anh, nên tôi cứ tưởng nó chỉ nghe được tiếng Anh.
- Thế giáo sư chưa bao giờ cổ vũ Tigers qua đài à?
Căn hỏi.
- À, ờ. Cháu thấy đấy, nhà bác không có cả tivi, nên thực ra… - giáo sư ấp úng - bác chưa bao giờ được xem một trận bóng chày.
- Thật không tin nổi.
Căn kinh ngạc thốt lên, quên mất cả việc giữ ý.
- Nhưng cháu đừng hiểu lầm, bác thông thạo luật chơi lắm đó.
Giáo sư nói thêm như để thanh minh, song Căn thì vẫn chưa hết ngạc nhiên.
- Vậy thì giáo sư làm sao mà trở thành fan của Tigers được?
- Được chứ. Một fan đắc lực là đằng khác. Bác thường tới thư viện của trường đại học vào giờ nghỉ trưa để đọc bản tin thể thao trên báo. Mà không chỉ có đọc suông thôi đâu nhé. Bác còn phân tích số liệu về các cú đánh và cú ném ăn điểm của đội Hanshin nữa. Nhờ thế, bác có thể hình dung ra từng diễn biến của mỗi trận đấu với độ chính xác đến một phần nghìn. Thật hiếm có môn thể thao nào mà các con số dùng để biểu đạt lại muôn màu muôn vẻ như bóng chày.
- Có thú vị không ạ?
- Thú vị quá đi chứ. Không có máy thu thanh song bác vẫn nhớ như in thắng lợi đầu tiên hồi mới gia nhập giải nhà nghề năm 1967 của Enatsu trước Carp với mười cú ăn ba(7), và một trận thắng tuyệt đối năm 1973 với cú home- run(8) quyết định của cậu ta ở hiệp phụ đấy.
7. Trong bóng chày, cầu thủ ném bóng cố gắng để cầu thủ đối phương không đánh được bóng ba lần liên tiếp, bởi khi đó cầu thủ đối phương này sẽ bị loại.
8. Cú đánh bóng xa cho phép cầu thủ đánh bóng một vòng qua cả bốn chốt trên sân mà không phải dừng lại và khi đó mỗi thành viên của đội có mặt trên sàn sẽ được ghi một điểm (khi đó có tối đa là bốn cầu thủ).
Đúng lúc đó, từ chiếc radio, bình luận viên thông báo Kasai sẽ thực hiện lượt ném bóng đầu tiên cho đội Tigers.
- Bao giờ thì đến lượt Enatsu nhỉ?
Giáo sư hỏi. Lần này, Căn không hề bối rối hay định cầu cứu tôi mà trả lời một cách tự nhiên.
- Các cầu thủ chơi xoay vòng nên chỉ chút nữa là đến thôi ạ.
Tôi không khỏi sửng sốt trước cách xử sự thật người lớn của Căn. Chúng tôi đã giao hẹn với nhau là có thể nói dối giáo sư nhưng chỉ riêng những chuyện liên quan đến Enatsu thôi. Nói dối, dù theo kiểu nào, cũng đều khiến tôi dằn vặt. Nhất là giáo sư. Nói dối liệu có tốt cho ông không, cảm giác thiếu tự tin ấy thật tồi tệ dẫu biết rằng đó là vì căn bệnh của ông.
Nhưng dù sao, khiến ông bị sốc thêm lần nữa còn tồi tệ hơn nhiều.
- Chỉ cần tưởng tượng ra Enatsu đang ngồi trên băng ghế chờ hoặc đang khởi động ở đường biên là được thôi mà mẹ.
Căn nói.
Không sống vào cái thời mà Enatsu còn chơi bóng. Căn quyết định tới thư viện để tra cứu sách báo và thu thập thông tin về ông. Trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu của mình, Enatsu có 206 trận thắng, 158 trận thua, 193 trận giành được no- hit no- run(9), 2987 lần đoạt cú ăn ba, home- run ở lần xuất trận thứ hai sau khi tham gia giải chuyên nghiệp, ngóan tay hơi ngắn so với một cầu thủ ném bóng, giành được từ đối thủ truyền là Sadaharu nhiều cú home- run hất, tuy nhiên chưa một lần Enatsu ăn điểm bằng bóng chết từ, phá kỷ lục thế giới với 401 cú ăn ba trong mùa giải năm 1968, bị chuyển nhượng cho Nankai sau khi kết thúc mùa giải năm 1975 (năm mà trí nhớ của giáo sư dừng lại)…
9. Trận thắng bằng cách cầu thủ ném bóng không để cầu thủ đối phương đánh được bóng đúng luật và giành quyền chiếm chốt trong suốt chín hiệp liên tiếp.
Hẳn là Căn muốn hình dung rõ ràng hơn cảnh tượng Enatsu đang đứng đó trong những tiếng cổ động phát ra từ radio, bằng cách có được thật nhiều những ký ức giống của giáo sư. Giữa lúc tôi đánh vật với bài toán nọ thì Căn cũng đang giải quyết vấn đề Enatsu theo cách của mình.
Trong khi lật giở bộ sách ảnh Các danh thủ bóng chày chuyên nghiệp Căn mượn về từ thư viện, tôi bỗng giật mình vì một con số. Số áo của Enatsu là 28. Khi rời trường đại học Osaka Gakuin và đầu quân cho Tigers, Enatsu đã chọn số 28 trong các số áo 1, 13, 28 mà đội bóng đưa ra. Enatsu là càu thủ đeo trên mình con số hoàn hảo.
Ngày hôm đó, chúng tôi quyết định báo cáo kết quả sau khi bữa tối kết thúc. Tiến tới trước mặt giáo sư đang ngồi bên bàn ăn, tôi và Căn cúi đầu chào, trên tay cầm một quyển vở cùng một cây bút dạ.
- Thưa giáo sư, đề bài giáo sư đưa ra là: hãy tính tổng các số tự nhiên từ 1 đến 10…
Căn tỏ ra nghiêm túc chưa từng thấy. Nó hắng giọng một cái, rồi viết các số từ 1 đến 9 theo một hàng ngang lên quyển vở mà tôi đang giữ, tất nhiên là bỏ riêng số 10 sang một bên, đúng như những gì chúng tôi đã bàn bạc tối qua.
- Chúng ta biết đáp án là 55. Cháu tìm được kết quả này bằng tính cộng. Nhưng vì giáo sư chưa hài lòng với cách giải đó nên cháu đã đi tìm một cách giải khác.
Giáo sư khoanh tay trước ngực, chăm chú lắng nghe như quyết không để sót một từ nào.
- Đầu tiên, ta xem xét các số từ 1 đến 9. Hãy tạm thời quên số 10 đi. Đứng giữa các số từ 1 đến 9 là số 5. Như vậy, 5 là… e hèm…
- Trung bình cộng.
Tôi nhắc khẽ vào tai Căn.
- À, phải rồi. Là trung bình cộng. Vì ở trường cháu chưa được học cách tính trung bình cộng nên mẹ cháu đã dạy cháu. Tức là, ta lấy tổng của các số từ 1 đến 9 chia cho 9 thì được 5… 5 x9=45, đây là tổng của các số từ 1 đến 9. Tới đây, ta sẽ nhớ lại số 10 mà ta tạm thời quên ban này.
5x9+10=55
Sửa lại tư thế cầm bút, Căn viết thêm công thức đó lên vở.
Giáo sư bất động hồi lâu, tay vẫn khoanh trước ngực, không nói lời nào, chỉ đăm đăm nhìn phép toán.
Sự lóe sáng kia rốt cuộc chỉ là một trò cười ngớ ngẩn, tôi tự nhủ. Thật ngông cuồng khi định làm vui lòng một vị giáo sư toán học bằng cứ chất xám nghèo nàn mà tôi đã sớm biết rằng chẳng thể chắt lọc được gì siêu việt từ đó cho dù có tập trung toàn bộ trí lực…
Đúng lúc ấy, giáo sư bất ngờ đứng dậy và vỗ tay. Tiếng vỗ tay của ông mạnh mẽ và ấm áp tới mức tưởng như ngay cả kẻ chứng minh thành công định lý Fermat cũng chẳng thể nào nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt đến vậy. Âm hưởng của nó không ngừng vang vọng khắp ngôi nhà.
- Tuyệt vời! Một phép tính đẹp tuyệt vời. Giỏi lắm, Căn.
Giáo sư ôm chặt Căn vào lòng. Trong cánh tay ông, cơ thể Căn bị ép lại gần như chỉ còn một nửa.
- Quả là tuyệt vời. Không ngờ một công thức như thế này lại có thể được sinh ra từ bàn tay của cháu…
- Vâng, cháu biết rồi. Giáo sư thôi được chưa ạ, cháu ngạt thở quá.
Tiếng Căn không thể thoát ra khỏi lần vải com lê đang bịt kín miệng nó để đến được tai giáo sư.
Khen ngợi bao nhiêu, giáo sư cũng không thấy đủ. Ông phải thuyết phục được cái thằng bé loắt choắt đầu bẹt đang đứng trước mắt mình rằng, công thức mà nó vừa phát hiện ra đẹp đẽ đến nhường nào.
Đứng bên cạnh Căn, kẻ đang nhận hết những lời khen về mình, tôi hậm hực tự nhủ: thực ra người tìm được lời giải đâu phải là Căn, mà là mình chứ. Tôi bỗng nhiên quên hẳn sự quẫn trí và tự ti ban nãy, thay vào đó là niềm tự hào khôn tả. Đưa mắt lịa cuốn vở, tôi ngắm nhìn những con số Căn vừa viết.
5 x 9 + 10 = 55
Mặc dù không học toán một cách có hệ thống, song tôi biết rằng, sẽ chính quy hơn nếu dùng ký hiệu trong trường hợp này.
+ n
Tôi thấy mình thật khá.
Đâu là sự tinh túy của cái lời giải mà cuối cùng tôi cũng có thể tìm ra sau khi đã lạc lối trong mớ lộn xộn? Điểu đó như thể tôi đã đào lên được một hạt pha lê từ tận cùng hang sâu trên hoang mạc. Và không ai có thể phá hỏng hay phủ nhận sự tồn tại của thứ pha lê ấy. Tôi tự ca ngợi mình, mỉm cười kín đáo, bù lại những lời tán thưởng mà giáo sư không dành cho tôi.
Mãi lâu sau Căn mới được buông tha. Chúng tôi cúi đầu đáp lại tràng pháo tay của giáo sư với niềm tự hào và cảm tạ sâu sắc, tựa như những nhà toán học vừa kết thúc phần phát biểu của mình trước hội đồng học thuật.
Ngày hôm đó, Tigers thua Dragons với tỷ số 2- 3. Wada đưa Tigers vượt lên dẫn trước bằng cú ghi điểm ở chốt 3, nhưng Dragons sau đó đã liên tục thực hiện hai cú home- run và đánh bại Tigers.
Giáo Sư Và Công Thức Toán Giáo Sư Và Công Thức Toán - Yoko Ogawa Giáo Sư Và Công Thức Toán