Love is the only way to grasp another human being in the innermost core of his personality.

Viktor E. Frankl

 
 
 
 
 
Tác giả: Ly Châu
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1100 / 6
Cập nhật: 2015-12-15 20:54:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
heo me tôi về Đàlạt, tôi sống lại cảm giác của những ngày tuổi nhỏ. Không khí lạnh buốt, tiếng thông reo vi vu và những con đường dốc dựng đứng làm mỏi chân. Những ngày thơ ấu đã trôi qua và không bao giờ trở lại, cũng như tuổi thiếu nữ của tôi vậy. Tuổi con gái tôi chưa hưởng trọn vẹn thì đã bị ngắt ngang bởi một biến cố lớn. Tôi biết là mình đã già đi trước tuổi rất nhiều. Bằng cớ là những ý niệm của tôi về cuộc sống, sự phân tích chín chắn của tôi về những diễn tiến chung quanh. Tất cả cho phép tôi tự kết án mình là bà cụ non trong khi chưa đi qua thời kỳ thiếu nữ. Thỉnh thoảng, tôi nhớ lại ngày tháng vô tư khi tôi còn tung tăng đi đến trường với bạn hữu. Sự già nua kéo đến quá nhanh làm tôi choáng váng.
Đàlạt mấy hôm nay trở lạnh, tôi cuộn mình trong chăn nằm trên giường. Tôi nghe tâm hồn mình dậy lên một niềm luyến nhớ sâu xa. Tôi nhớ anh Liêm, nhớ những câu an ủi dịu dàng êm đềm của anh, nhớ những buổi tôi sờ soạng tìm lối đi, bàn tay anh ôm vai dìu tôi. Tôi nhớ giọng thở dài, bước chân anh rón rén sau lưng. Tôi nhớ anh đến nỗi tôi thấy Đàlạt là địa ngục và gia đình tôi là những ác quỉ. Thụy Hiền đến bên cạnh lúc nào tôi không hay. Nó vòng tay ôm bờ vai tôi:
- Chị Như…
- Chi vậy em?
- Sàigòn vui há chị -- Mấy hôm chị không có ở đây, Đàlạt lạnh hơn mọi năm.
Tôi trả lời cho qua chuyện:
- Thế à…
Con bé có vẻ muốn nói nhiều hơn:
- Vâng, và sương mù rất đậm… tụi em…
Tôi ngắt lời nó:
- Trong thời gian chị ở lại Sàigòn, em có nghe ba me nói gì về chị không?
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày tôi bị tai nạn, tôi chịu nói chuyện riêng với Thụy Hiền và hỏi han nó một cách dịu dàng và thành thật. Thụy Hiền trả lời bằng một giọng cảm động:
- Không đâu chị -- Ba me chỉ bảo là có lẽ khí hậu dưới đó thích hợp với chị. Hơn nữa, Đalạt mấy dạo đó cũng không tốt đẹp gì. Lạnh quá nên chính ba me cũng không mong chị về đây mấy.
Tôi sờ soạng nắm bàn tay nó:
- Thế ở trường, có gì lạ không em?
Thụy Hiền reo lên như chợt nhớ ra:
- Có, vậy mà lâu nay em quên.
Rồi nó nói như phân trần:
- Với lại tại chị không nói chuyện với em nên em cũng không dám tự ý nói nhiều.
Tôi cảm động:
- Thôi em nói đi.
Giọng Thụy Hiền kể lể:
- Chị nhớ anh Thân học terminal ở trường trên đồi không? Ảnh cứ hỏi thăm chị hoài hà. Em đi học về, ảnh chận đường em lại hỏi chị có được khoẻ không? Có hôm em đi lối khác, mấy ngày sau trở lại lối cũ cũng thấy anh!
Tôi hỏi:
- Rồi em nói sao?
- Thì em nói chị về Sàigòn ở rồi.
Tôi mỉm cười cố hình dung lại vẻ mặt của Thân. Tôi và Thân không quen nhau, nhưng thỉnh thoảng những buổi tan trường, Thân đến đứng đón. Đón chỉ để nhìn tôi chớ không phải là để nói chuyện vì có quen gì nhau đâu. Không ngờ Thân vẫn còn nhớ. Tôi thắc mắc:
- Thân có biết chị bị thế này không?
Tiếng Thụy Hiền vang lên:
- Biết chớ chị. Anh ấy nói muốn thăm chị mà không biết làm sao – Em tức mình vì anh ấy cứ hỏi thăm chị hoài tụi bạn nói quê quá, nên em bảo đại là về Sàigòn mà thăm.
- Thế hắn đâu dám về?
- Bởi vậy, từ đó mới thôi hỏi thăm.
Rồi nó cười lớn, ngây thơ và hồn nhiên. Chợt tôi nghe thèm được một khoảnh khắc sống hồn nhiên như Thụy Hiền, thèm nắm giữ lại một thời gian không ưu tư mặc cảm. Nhưng điều đó có lẽ không được. Tôi thấy trong lòng nhen nhúm một chút gì ghen tức. Thụy Hiền sao nó không phải khổ sở như tôi. Sao nó lại có thể sống bình thản trong khi tôi đau đớn dằn vặt. Sao nó lại được nhiều đặc ân trong khi tôi cúi đầu hứng chịu bất hạnh… Thụy Hiền vẫn kể lể:
- Bên trường em năm rồi cũng vui vui… Lúc mà…
Không kềm giữ nổi, tôi hét lên:
- Thôi cô im đi, im đi! Cô làm ơn cho tôi xin một chút im lặng của cô đi. Phải rồi, mấy người sung sướng quá, mấy người hạnh phúc quá!!...
Tôi xua tay trong khoảng không.
- Mấy người đi đi… và im hết, im dùm tôi nhờ.
Ngạc nhiên trước thái độ thay đổi quá bất ngờ của tôi, Thụy Hiền ấp úng:
- Nhưng mà… Chị Như, em…
Tôi hét lên:
- Đi, tôi bảo cô đi ra khỏi phòng này!
Tiếng chân lúp xúp rời khỏi phòng, cánh cửa đóng sập sau lưng. Tôi ôm mặt gục xuống. Tại sao tôi lại làm thế. Thụy Hiền nó có tội tình gì đâu? Tôi hành hạ nó để thoả mãn cái gì trong tôi. Sao tôi chỉ muốn đem phiền muộn đến cho những người chỉ mưu toan làm cho tôi sung sướng. Nhưng chính buổi chiều đó tôi hiểu là mình không thể tiếp tục sống ở Đàlạt. Tôi hiểu tại sao tôi lại bẳn gắt vô cớ. Dầu tôi có chối đi nữa, thì sự thật vẫn ẩn khuất đâu đây: Tôi nhớ anh Liêm. Tôi nhớ anh đến điên cuồng và mong được trở lại bên cạnh anh, nghe được giọng nói anh dịu dàng, bàn tay anh ve vuốt trên vai. Anh không thể thiếu trong cuộc sống tôi được.
Tối hôm đó, sau bữa cơm nặng nề, tôi dò dẫm ngồi bên lò sưởi. Một lát sau, me tôi đến bên cạnh:
- Hôm nay sao con buồn thế, Như?
Tôi chối ngay:
- Thưa đâu có me.
- Chẳng lẽ me lầm!
Tôi cúi đầu. Khoảng đen tối trước mặt dậy lên hình ảnh anh Liêm. Một hình ảnh quá mơ hồ được hình thành bằng trí tưởng tượng và lòng yêu thương nồng nhiệt của tôi. Chân dung của anh trong trí tôi có thể là khác xa con người thật của anh, bởi tôi không thể nhìn thấy anh. Nhưng tôi vẫn cố tạo ra một nét mặt nào đó để mà mong nhớ. Giọng nói anh như vang vang đâu đây. Me tôi tiếp:
- Mấy hôm nay me thấy con không bằng lòng việc gì. Có chuyện gì không vừa ý thì cứ nói với me.
Tôi lắc đầu, không đáp. Tôi sợ phải nói thật cảm nghĩ và ước muốn của mình. Lại tiếng me tôi:
- Thôi, hay là để mai me đưa con đi chơi nhé!
Tôi vội từ chối:
- Thôi me, con không đi chơi đâu!
- Thế con muốn gì?
Một chút im lặng. Rồi tiếng tôi vang lên lạnh lẽo:
- Về Sàigòn.
- Về Sàigòn?
- Dạ!
Lại im lặng. Tôi chợt hối hận. Tôi đã làm khổ em tôi, làm khổ me tôi, khổ gia đình. Mọi người chung quanh tôi đã chịu đựng tôi nhiều rồi. Mà họ đã làm gì nên tội? Nếu bắt mọi người trong nhà này phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ của tôi thì đó là một điều phi lý, bởi vì có ai có lỗi đâu. Tôi đã gieo vào lòng me tôi nỗi đau đớn không thể nào cứu vãn. Nỗi đau đớn của người mẹ đứng trước đứa con không còn muốn sống trong mái gia đình chịu sự săn sóc và thăm nom của mình. Me tôi khổ sở:
- Tại sao con không muốn ở lại? Các em đã làm gì cho con buồn phải không?
Tôi lắc đầu:
- Không đâu me ạ! Các em rất ngoan.
- Thế thì tại sao?
Tôi cắn môi – Tôi không thể bảo là “Vì con nhớ một người”. Tôi không nói thật như thế được, chỉ còn cách là bịa ra một nguyên do nào đó.
- Tại vì… vì khí hậu ở đây không thích hợp cho con nữa. Con đã nghe quen thuộc với không khí Sàigòn nhiều lắm me ạ!
Me tôi siết nhẹ bàn tay tôi:
- Con đừng dối me. Nếu vì khí hậu thì me là người hiểu trước hơn ai hết, hiểu trước khi con hiểu nữa kìa. Bởi vì me sinh ra con và nuôi dưỡng con mà!...
Tôi ấp úng:
- Con… chính con cũng không hiểu nữa.
Tôi gục vào ngực me tôi khóc nức nở. Sáng hôm sau me tôi đưa tôi về Sàigòn.
Ngồi trên phi cơ, tôi tưởng tượng đến lúc được trở lại căn nhà của bác tôi, được gần gũi bên cạnh anh Liêm. Lần này về Sàigòn, me tôi không báo trước nên chúng tôi di chuyển bằng taxi về nhà bác tôi. Căn nhà vắng, anh Liêm đi đâu, chỉ mình bác tôi ra đón hai mẹ con tôi. Khoảng bốn giờ chiều, bác tôi rủ me tôi đi ra phố. Còn lại một mình ở nhà trên, tôi sung sướng nghĩ đến lúc anh Liêm bất ngờ thấy tôi ngồi đó. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ muốn trêu anh. Tôi mò mẫm đi vào phòng bên cạnh. Căn nhà này tôi đã thuộc đường đi nước bước như là nhà của chính tôi vậy. Ngồi ở phòng bên cạnh tức là phòng ngủ của tôi trước kia sát bên phòng khách. Ngồi trên mép giường, tôi có thể nghe tiếng anh Liêm về bên ngoài nhà. Im lặng rất lâu. Tôi không đoán được là khoảng mấy giờ. Đột nhiên tôi nghe có tiếng chuông cổng, rồi tiếng máy xe scooter chạy vào sân nhà. Tim tôi đập mạnh, hai tay tôi đặt trên đùi hơi run. Anh Liêm về. Tôi cuống quýt chạy đến bên cửa phòng áp tai vào nghe tiếng động bên ngoài. Tôi cũng không hiểu sao lúc đó tôi lại không chạy ra mừng anh. Có một mãnh lực vô hình nào giữ tôi đứng lại. Và trong trạng thái mong chờ ngây ngất đó, tôi nghe tiếng bước chân lao xao, không phải một mình anh Liêm về, còn một người nữa. Bước đi nhẹ của giầy cao gót như nghiến vào tim tôi: “Một người con gái”. Có tiếng kéo ghế rồi anh Liêm:
- Em ngồi chơi.
Tiếng người con gái:
- Cám ơn anh -- Để Liên tự nhiên!
Anh Liêm hỏi:
- Liên dùng gì?
- Anh cho Liên xin ly nước lạnh.
Bước chân anh Liêm xuống phòng ăn. Một phút trôi qua, anh Liêm trở lên. Họ nói chuyện học đường bâng quơ, rồi Liên nói:
- Anh Liêm! Em không thể nào đợi lâu hơn được. Chính anh hiểu rõ hơn ai hết. Sự chờ đợi giết chết người con gái. Anh không chịu trả lời dứt khoát với em?
Liêm khổ sở:
- Thì anh đã trả lời với em rồi!
Liên gắt:
- Trả lời, trả lời cái điệu của anh thì làm sao em chịu đựng được! Anh yêu em phải không, phải thế không? Tại sao anh không chịu nói? Em là con gái, chẳng lẽ em cứ theo hỏi anh hoài câu đó. Bây giờ em hỏi thật anh lần chót, anh có còn yêu em không?
- Em thông cảm cho anh!...
- Anh cứ nói thẳng ra đi, từ mấy tháng nay em thấy anh thay đổi nhiều lắm. Sao vậy anh?
- Anh vẫn thương em. Nhưng anh không thể đến thường xuyên với em được là vì anh còn bổn phận.
- Bổn phận gì?
- Anh… em không biết, anh có cô em gái…
Tôi nghe tim mình đau nhói. Liêm nhắc đến tôi đó, mà giọng anh ngập ngừng. Anh hoàn toàn chưa hay tôi đã trở về đây mà đang ngừng cả sự tuần hoàn trong cơ thể, chờ nghe lời phán đoán của anh. Liên hỏi dồn dập:
- Cô em… sao, anh?
- Cô em gái mà anh rất thương và cô ấy cũng thương anh. Anh không thể để Như một mình được.
Giọng Liên bực tức:
- Em gái, em gái sao lại không để một mình được?
- Tại vì Như không bình thường như những người khác.
- Anh muốn nói gì, em không hiểu.
Giọng anh Liêm buồn buồn:
- Như bị mù Liên ạ!
- Thật sao anh?
Giọng Liên thảng thốt. Ngừng một chút Liêm tiếp:
- Như cần anh hơn gia đình Như, nên anh không thể bỏ Như để đến với em. Như là một người con gái yếu đuối và lại đang mang một niềm mặc cảm lớn. Anh có bổn phận phải săn sóc Như.
Liên ngắt ngang:
- Nhưng anh cũng nên giới hạn sự chăm sóc của anh lại. Anh đừng để cho Như hiểu lầm…
Liên bỏ lửng câu nói. Tôi nghe cổ họng mình nghẹn cứng. Một niềm bực tức dâng lên làm tôi run rẩy tay chân. Nếu tôi có đủ can đảm, chắc tôi đã nhảy ra siết cổ Liên cho đến chết, hay là dùng đôi tay mà cào cấu trên khuôn mặt mà tôi đoán là đẹp. Tại sao Liên ác như vậy. Chung quanh Liên có bao nhiêu người con trai, tôi tin như vậy. Tại sao Liên không tìm đến những người đó, mà lại đến đây. Còn tôi, tôi chỉ có anh Liêm, bởi vì tôi là đứa con gái nhiều thua thiệt. Tôi chỉ có anh và xin được dự phần vào tình cảm của anh, mà Liên cũng còn muốn phá đám ư? Tôi nghe oán ghét Liên thậm tệ. Câu chuyện bên ngoài vẫn tiếp tục, nhưng tôi thấy hai tai tôi ù lên, tôi lảo đảo quờ quạng đi về phía giường ngủ. Vô ý thế nào mà bàn tay quơ ngang, chạm phải và kéo theo cả cái khay đựng ly trên bàn. Tiếng thuỷ tinh vỡ ròn rã vang lên trong sự im lặng về chiều của căn nhà một cách rõ rệt. Tôi hốt hoảng thu mình trên giường. Tiếng chân anh Liêm dừng lại trên ngưỡng cửa. Rồi giọng anh đầy kinh ngạc:
- Thụy Như!
Có lẽ tiếng kêu và âm thanh tên của tôi đã làm Liên chú ý, nên nàng tiến về phía chúng tôi. Tôi ngồi bất động trên giường, khoảng đen tối trước mắt chợt nhiên như sáng lên vì âm thanh giọng nói âu yếm của anh Liêm:
- Như về đây bao giờ -- Sao không cho anh biết trước. Em có được khoẻ không?
Tôi cảm động:
- Cám ơn anh lo cho Như, Như vẫn thường thôi!
- Em về đây với ai?
- Me em.
Anh Liêm thêm ngạc nhiên:
- Thế thím đâu mà anh không thấy?
- Me em đi phố với bác gái rồi. Chỉ có em với vú năm ở nhà thôi.
Anh Liêm lo lắng:
- Nãy giờ em ngồi đâu?
- Dạ, ngồi đây.
- Nếu vậy, em đã… đã nghe hết câu chuyện rồi phải không?
Liên xen vào, vẻ khó chịu:
- Thì đã sao – Anh cứ làm như là…
Tôi cúi đầu, anh Liêm đặt bàn tay lên vai tôi. Thấy Liêm im lặng, Liên đanh đá:
- Còn gì nữa, nói luôn đi. Thật không ngờ!
Nhưng Liên chưa dứt câu thì anh Liêm đã gắt:
- Liên im đi. Tôi không muốn Như nghe thấy những lời này.
Liên được thể xỉa xói:
- Phải rồi. Thương nhau thì mới vậy. Anh hãy nghĩ kỹ mà xem. Anh có thể yêu một đứa con gái mù mà lại là em họ của anh không?
Tôi nghe giá buốt. Lời nói của Liên vạch trần một sự thật đau lòng mà cả tôi và anh Liêm vẫn hằng cố gắng không nghĩ tới. Tôi chỉ là một đứa con gái mù loà. Hơn thế nữa, chúng tôi là bà con… Nhưng con tim có những lý lẽ riêng của nó mà. Những lời của Liên thức tỉnh trong tôi một niềm đau đớn nào thật mãnh liệt. Thấy tôi và anh Liêm yên lặng, Liên nói tới:
- Sao Liêm, trả lời tôi chứ?
- Tôi lạy cô, tôi van cô. Cô đi khỏi nơi đây dùm tôi.
Liên nói lớn tiếng:
- Không, tôi không đi!
- Cô phải đi!
- Không!
Tôi muốn chạy đi, nhưng sao hai chân tôi vẫn bất động. Tôi thật không ngờ trong đời mình lại xảy ra một sự ghen tương kỳ lạ đến như vậy. Tôi mở muốn nứt hai khoé mắt, nhưng màn tối vẫn bao trùm. Thị giác tôi bất lực trong việc nhận chịu người con gái giận dữ đang đứng trước mặt tôi. Tôi không muốn tham dự và phá rối ai cả, nhưng cho tôi xin một điều là đừng bắt tôi xa anh Liêm. Đang lúc hai người giằng co nhau như vậy, thì bác và me tôi về. Anh Liêm hốt hoảng đưa Liên ra ngoài.
Tối hôm đó, bầu không khí ngượng ngùng bao trùm tôi và anh Liêm. Tự nhiên tôi cảm thấy như sắp xa anh, mất anh. Điều đó biểu lộ qua cử chỉ tôi hơi nhiều nên tối hôm đó, anh Liêm vào phòng giữa lúc tôi đang đọc kinh. Chờ tôi đọc kinh xong, anh đến bên cạnh:
- Như, em đang buồn anh phải không?
Tôi không trả lời, anh Liêm tiếp:
- Anh xin lỗi em. Anh thật tình không biết là em đã về lại đây.
Tôi vẫn im lặng. Chính tôi cũng không hiểu được mình lúc đó nữa. Tại sao tôi không nói gì? Anh Liêm có lỗi gì đâu? Có tội gì đâu? Có chăng là tôi, là kẻ có tội. Tội tôi đã đưa anh vào một con đường không có lối thoát. Sự im lặng của tôi làm anh Liêm khổ sở:
- Phải em đang giận anh không?
- Dạ không.
Anh Liêm khẩn khoản:
- Anh thật không biết nói làm sao về việc xảy ra hôm nay. Liên chỉ là cô bạn của anh thôi!
- Em biết.
- Nhưng…
- Có gì đâu. Thì Liên là bạn của anh. Em hiểu như thế, và em cũng hiểu là anh thương em nhiều lắm nữa.
Hai chúng tôi cùng không nói gì. Một khoảng im lặng rơi xuống ngột ngạt. Chợt Liêm nói:
- Còn một tháng nữa em đi Nhật phải không?
Lâu nay tôi cũng quên hẳn là mình sắp đi Nhật chữa mắt. Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về điều đó nữa. Sao tôi không nghe nôn nóng được trở lại cuộc sống bình thường, có ánh sáng, có niềm vui. Và điều làm tôi ngạc nhiên nhất, chính là có đôi lúc, tôi cũng không mong được thấy mặt anh Liêm nữa. Trong con người tôi đã có một sự thay đổi. Sự thay đổi nó làm cho tôi sống xa thực tại, thu mình vào trong một cái vỏ, vào trong thế giới riêng mà chỉ có tôi sống một mình với tình yêu ngang trái của tôi và anh Liêm. Bây giờ nghe anh Liêm hỏi, tôi mới chợt nhớ ra.
- Em cũng không rõ nữa. Hình như vậy.
- Một tháng nữa, em sẽ lành lặn. Em sẽ bình thường trở lại. Anh không hiểu đến lúc đó, em nghĩ về anh thế nào?
- Em vẫn thương anh. Anh có biết là chẳng gì bôi xoá được hình ảnh mơ hồ, rất trừu tượng của anh trong tâm hồn em cả.
Tôi ngỡ khi tôi thốt lên lời nói tự đáy tim, lời nói chân thành của một kẻ đang yêu như thế thì sẽ làm anh Liêm hài lòng. Nhưng không, tiếng thở dài của anh cho tôi biết là mình đã lầm. Anh im lặng không trả lời tôi. Tôi muốn hỏi anh Liêm nhiều câu, nhưng sao tâm trí tôi rối bời, tôi đâm ra ân hận đã trở về Sàigòn. Giờ phút mà tôi mong ngóng nhất là giờ phút được gặp gỡ lại anh, bây giờ đã trở thành một vết thương. Nhưng tôi cũng tự hiểu là không xa anh lại được. Tiếng anh Liêm cắt đứt dòng tư tưởng của tôi:
- Nghi hỏi thăm em hoài…
- Thế à!
- Nghi chưa biết em về đây. Nếu biết thế nào nó cũng đến thăm em.
Tôi lắc đầu:
- Đến làm gì?
Nghe giọng nói chua chát của tôi anh Liêm ngạc nhiên:
- Như, tại sao em nói lạ thế?
Tôi hiểu là anh Liêm chưa hiểu gì về Nghi và tôi. Tôi đánh trống lảng:
- Chẳng có gì. Tự nhiên em muốn nói thế.
Tôi biết là mình đã nói dối quá vụng về, nhưng Liêm đã không hỏi gì thêm, và câu chuyện được quên đi.
Cơn Lốc Cơn Lốc - Ly Châu Cơn Lốc