Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasunari Kawabata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 川端 康成
Dịch giả: Thái Văn Hiếu
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6699 / 189
Cập nhật: 2015-08-21 07:45:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Loài Thông Liễu Trên Bắc Sơn
âu lắm rồi, ngay từ thời Heian, ở Kyoto đã thành lệ thế này: khi người ta nói "núi" thì trước hết điều đó có nghĩa là núi Hiay, còn nếu người ta nói "lễ" thì cũng hiểu ngầm ngay là những ngày lễ của chùa Kamo.
Lễ Cẩm Quỳ 1,vào ngày mười lăm tháng năm hàng năm, đã qua rồi.
Từ năm 1956, trong Lễ Cẩm Quỳ, ngoài lễ rước do vị sứ giả của thiên hoàng đứng đầu còn có thêm đám rước dẫn đầu là một vị hoàng cô nhỏ tuổi, - đấy là để tưởng niệm cái nghi thức xưa, công chúa phải tẩy bụi trần ở sông Kamogaoa trước khi hiến đời mình phục vụ trong các chùa Kamo. Mặc bộ trang phục gồm mười hai chiếc kimono, hoàng cô trang trọng ngự trên cỗ xe thắng bò đực.
Rồi tiếp đến dãy kiệu các ngự tiền phu nhân, và cả các thị tì, thiếu nữ mới lớn và nhạc công. Đám rước này sẽ tạo cho hội lễ một vẻ tráng lệ đặc biệt nhờ trang phục phong phú và nét trẻ trung của hoàng cô do một thiếu nữ chọn trong các nữ sinh viên trường cao đẳng sắm vai. Thỉnh thoảng, sự lựa chọn rơi vào đám bạn gái của Chieko. Trong những trường hợp đó nàng cùng các bạn khác ra con đê ven sông Kamogaoa để xem trước.
Ở Kyoto là nơi có bao nhiêu chùa cổ Phật giáo và Thần đạo như thế, hầu như không ngày nào là không có hội chùa lớn nhỏ. Cứ trông lịch tháng năm là đủ thấy - chả có ngày nào không có ngày lễ.
Trong các đình quán cũng như ngay giữa trời người ta mở nghi thức trà đạo, khắp nơi các chảo thức ăn nóng bốc khói...
Song năm nay ngay cả Lễ Cẩm Quỳ Chieko cũng không dự. Tháng năm nhiều mưa khác thường, vả lại đã biết bao lần từ thuở bé người ta đưa nàng đến dự lễ này.
Chieko đặc biệt yêu hoa, nhưng nàng còn thích cả những chiếc lá non, cả màu xanh tươi mát của cây cối. Nàng ngắm lá phong non ở Takao, đầy thích thú thăm viếng khắp vùng lân cận Oakaodgi.
- Mẹ ạ, năm nay đến cả hái chè ta cũng chả xem, - Chieko nói lúc nàng đang pha trà đầu vụ của vùng Udgi.
- Vụ thu hái đã xong đâu, - Xighe đáp lại.
- Thật hả mẹ?
Cô bạn Masako của nàng gọi điện thoại đến:
- Chieko, ta đến Takao xem phong đi. Bây giờ ở đấy vắng người - không như vào thu...
- Muộn rồi chăng?
- Rất đúng lúc - chính ở đây còn mát hơn trong thành phố.
- Được thôi, - Chieko thỏa thuận, sau đó, hình như chợt nhớ ra điều gì nàng nói: - Sau lần bọn mình viếng thăm Heian Dgingu, đáng ra phải tới chỗ những cây anh đào trên núi Xiudzan, thế mà bọn mình quên biến đi mất. Cậu còn nhớ cái cây anh đào già ấy không?... Tiếc rằng giờ thì muộn mất rồi. Nhưng lại hợp lúc ngắm đám thông liễu trên Bắc Sơn. Từ Takao đến đấy một tí chứ mấy. Cậu biết không, mỗi lần nhìn những cây thông liễu Bắc Sơn thanh tú đâm thẳng lên trời mình lại thấy trong lòng ngây ngất. Để sau này tới đấy, hẳn sẽ đột nhiên thèm ngắm loài cây phi thường ấy - còn hơn cả xem phong ở Takao cơ.
° ° °
Tới Kakao, Chieko và Masako mới quyết định sẽ ngắm phong không chỉ quanh quẩn chùa Dgingodgi, mà cả ở gần các chùa Xaimiodgi tại Makino và Kodzandgi ở Togano nữa.
Đường lên Dgingodgi và Kodzandgi khá dốc, chỉ mặc có chiếc váy mỏng mùa hè và đi giày gót thấp nên Masako lo ngại nhìn Chieko trong bộ kimono thắt lưng rộng khổ. Nhưng vẻ mặt Chieko không hề có dấu hiệu nào mệt mỏi.
- Làm gì mà cậu nhìn mình ghê thế? - Chieko hỏi.
- Đẹp quá đi mất? - Masako thầm thì.
- Đúng, rất đẹp! - Chieko vừa thốt lên vừa đưa mắt nhìn con sông Kiyotaki hiện ra ở xa xa phía bên dưới. - Ở đây mát mẻ hơn mình nghĩ.
- Nhưng mà mình... - Masako cười sặc sụa nói, - mình muốn nói cậu chứ có phải con sông đâu.
- Lấy đâu ra những giai nhân thế này cơ chứ?
- Thôi, mình xin cậu.
- Cái kimono giản dị giữa màu xanh mơn mởn cây lá chỉ càng tôn nhan sắc cậu lên thôi. Mà thật ra một cái áo đẹp cũng vẫn hợp với cậu.
Hôm ấy, Chieko mặc chiếc kimono tím hoa cà màu dịu và cái thắt lưng rộng bằng vải hoa mà cha đã hào phóng tặng nàng.
Chieko khoan thai bước lên các bậc đá. Trong khi Masako tán tụng sắc đẹp của nàng thì nàng nghĩ đến các bức chân dung Xighemori Taira và Yoritomo Minamoto 2 ở chùa Dgingodgi - chính những chân dung mà André Malraux 3 gọi là kiệt tác của thế giới. Nàng nhớ, trên trán và má Xighemori còn lưu lại những vệt thuốc màu đỏ.
Masako trước ấy chưa lần nào công khai thán phục sắc đẹp của Chieko. Ở chùa Kodzandgi, Chieko thích trông lên núi từ chỗ hành lang rộng thênh thang của phật điện Iximidzuin: Nàng thích cả bức tranh ở đây họa vị tổ sáng lập ngôi chùa - thánh Mioe đang ngồi trên cây gỗ nhập thiền. Cũng trong ngôi chùa này còn treo phiên bản tranh cuốn thư Chiodgiughiga - những bức vẽ hoạt kê cảnh đời chim thú. Các vị sư đãi trà hai cô gái.
Masako chưa đi quá chùa Kodzandgi bao giờ. Nói chung thì lộ trình du lịch kết thúc ở đây. Còn Chieko vẫn nhớ có lần cha đã dẫn nàng đi nữa, rồi họ ngắm anh đào trên núi Xiudzan và hái cả một ôm cỏ tháp bút. Cọng cỏ tháp bút dài và mọng. Sau đấy thì chính nàng, lúc đáp xe đến Takao, đã đi bộ tới tận cái làng trên Bắc Sơn, nơi những cây thông liễu mọc. Nay làng này đã được sáp nhập vào Kyoto và trở thành một quận của thành phố. Trong quận cả thảy có một trăm hai mươi đến một trăm ba mươi nông hộ, nên có lẽ cứ gọi nó là làng như trước thì phải hơn.
- Mình sẽ cố chừng nào còn đi bộ được, - Chieko nói. - Chỗ này hay quá, mà đường thì tuyệt. Những vách núi dựng đứng ở kề bên tiến sát đến sông Kiyotaki.
Hai cô gái đi quá lên trước chút nữa và đã trông thấy cánh rừng thông liễu tuyệt đẹp. Cây mọc thành hàng tăm tắp. Thoạt trông cũng đoán ra chúng được chăm nom cẩn thận. Người ta sản xuất gỗ tròn từ thứ cây giá trị này và cũng chỉ ở làng này người ta mới có thể gia công nó một cách khéo léo mà thôi.
Ý chừng đang là giờ nghỉ nên những phụ nữ đốn cành trên các cây thông liễu đã tuột từ trên cây xuống đất nghỉ ngơi.
Masako chú ý đến một cô gái và không rời được mắt khỏi cô ta, hệt như bị bỏ bùa.
- Nhìn cô ta kìa, Chieko. Cô ta giống cậu lạ lùng, - Masako thì thầm.
Cô gái mặc kimono màu chàm thẫm lấm tấm trắng hạt đỗ và quần ống rộng. Tay áo thắt nơ, tạp dề mặc ra ngoài kimono, tay đeo đôi găng chỉ phủ phần mu bàn tay. Chiếc tạp dề loại phủ quanh người, hai bên xẻ tà. Nơ và thắt lưng hẹp khổ màu đỏ. Đầu quấn khăn bông. Những người khác cũng ăn vận như vậy.
Họ từa tựa như những phụ nữ Ohara hoặc Xirakaoa đi tàu xe đến thành phố bán rong, song ăn mặc thì khác. Đàn bà Nhật quần áo như thế khi lao động ngoài đồng hay trong vùng núi.
- Quả là cô ta giống cậu hết sức! Lạ thật! Cậu nhìn kỹ xem.
- Thật ư? - Chieko liếc sang cô gái cái nhìn thoáng qua. - Cậu lắm chuyện quá đấy, Masako ạ.
- Cứ cho là thế đi, nhưng xem kìa, cô ta xinh quá?
- Ừ thì xinh, thế sao nào...
- Đến phải cho cô ta là con rơi của cậu mất.
- Này, quá quắt vừa vừa chứ! - Chieko tức giận.
Masako hiểu rằng cô diễn đạt không được đạt lắm, song cố nén tiếng khúc khích cứ bật ra, lại vẫn chêm thêm:
- Người giống nhau vẫn có đã đành, nhưng đằng này sao giống thế!...
Cô gái thản nhiên cùng các bạn gái đi qua mặt họ. Chiếc khăn bông quấn trên đầu đã bị tụt xuống trán và che mất nửa má. Vì thế khó mà nhìn được mặt cô ta cho rõ. Do đâu Masako đoán được họ giống nhau? Chieko thường đến chơi làng này, không ít bận quan sát cánh đàn ông tước vỏ cây gỗ ra sao, đám phụ nữ bắt tay vào việc, cạo sạch súc gỗ rồi cẩn thận đánh bóng bằng cát lấy cạnh thác Bodai và đã rửa bằng nước sôi hay nước lã như thế nào.
Nàng láng máng nhớ những người phụ nữ này bởi đã thấy họ làm việc bên vệ đường, vả lại ở cái làng nhỏ bé này cũng không có quá nhiều phụ nữ để đến nỗi không nhớ nổi họ, song cố nhiên, Chieko không để ý nhìn kỹ từng người riêng biệt trong số họ.
Masako dõi mắt theo cô gái đang đi khuất.
- Nhưng dù sao mặc lòng vẫn giống nhau đến lạ lùng, - cô ta lặp đi lặp lại hơi cúi xuống, rồi chăm chú nhìn Chieko - như thể tự kiểm tra mình.
- Giống ở điểm nào? - Chieko hỏi.
- Khó nói cái gì giống - mũi ư, hay mắt? Nói đúng hơn có một cái gì đấy chung ở toàn bộ nét mặt, tuy rằng, xin lỗi cậu nhé, lại có thể đem so sánh cô tiểu thư ở khu phố kinh đô Nakaghio với một cô gái người làng trong núi được sao?
- Mời cậu cứ việc!
Tốt nhất là cứ bám theo cô ta, xem xem cô ta ở đâu, Masako sực nghĩ ra.
° ° °
Với thói bộp chộp của mình Masako không hề có ý định theo chân cô gái đến tận nhà cô ta. Chẳng qua buột mồm nói lỡ - thế thôi. Mà Chieko cũng đã chậm bước, nàng gần như dừng lại, đưa mắt nhìn lúc thì rặng thông liễu trên núi, lúc những ngôi nhà có các súc gỗ tựa vào vách.
Những súc gỗ trắng bề ngang, như nhau, đã đánh bóng thật đẹp. Đúng là các tác phẩm nghệ thuật, - Chieko nói. - Mình nghe người ta lấy những súc gỗ như thế dựng các đình quán dùng cho nghi thức trà đạo, người ta còn chuyển chúng đến cả Tokyo và Kyuxiu...
Các súc gỗ xếp thành hàng ngăn nắp, chạm tới diềm mái. Chúng nằm cả trên tầng hai, chỗ phơi quần áo. Ngó nghiêng vẻ hết sức kinh ngạc, Masako nói:
- Cảm tưởng như thể các gia chủ sống giữa đám gỗ súc vậy.
- Lại lo hão, - Chieko bật cười. - Mình cam đoan với cậu rằng sau bãi gỗ kia có chỗ là tuyệt vời.
- Cậu hãy nhìn xem, trên tầng hai người ta chả phơi quần áo mới giặt...
- Cái gì cậu cũng lấy làm lạ, đã thế lại còn luôn luôn vội vã kết luận - lúc thì dân địa phương sống ra sao, lúc thì mình giống cô gái ấy lạ lùng...
- Mỗi chuyện một khác chứ, - Masako lập tức trở nên nghiêm túc. Phải chăng việc mình nhận thấy cậu giống cô ấy khiến cậu buồn phiền?
- Không một tí nào... - Chieko đáp, nhưng ngay lúc đó nàng chợt nhớ lại cặp mắt cô ta. Ở người con gái khỏe mạnh, quen lao động nặng nhọc ấy, cặp mắt ẩn giấu một nỗi buồn sâu lắng, khó hàn gắn nổi. - Phụ nữ làng này là những người lao khổ như vậy đấy, - Chieko thốt ra lời, tựa như đang cố thoát khỏi cái gì gợi ra trong nàng nỗi lo âu vô thức.
- Có gì là lạ? Khối phụ nữ lao động ngang với đàn ông. Lấy ví thử những người nông dân hay ngay như các bà bán rau bán cá thì thấy, - Masako nói, giọng bỗ bã. - Mấy cô tiểu thư như cậu, Chieko ạ, thì sự gì cũng để tâm quá đáng.
- Như mình ấy à? Nhưng mình cũng sẽ làm việc. Thế còn cậu?
- Mình thì mình không muốn, - Masako trả lời cộc lốc.
- Ôi, giá chỉ được cho cậu thấy những cô thôn nữ ấy lao động như thế nào, - Chieko nói, mắt lại hướng lên những cây thông liễu mọc trên núi. - Có lẽ, ở đằng ấy người ta đã bắt đầu tỉa rồi.
- Như vậy là thế nào, tỉa ư?
- Để thu được những súc gỗ đẹp bằng thông liễu, người ta phải đốn cành bằng cách dùng thang mà trèo, nhưng cũng có khi họ chuyền từ cây này sang cây kia, như khỉ...
- Nhưng thế thì nguy hiểm lắm?
- Một số người, leo lên cây từ sáng, thế mà đến tận bữa trưa vẫn chưa xuống...
Masako cũng nhìn lên rặng thông liễu. Thân chúng thẳng và cân đối quả là đẹp. Những chùm lá xanh trên các ngọn cây từ đây trông nhỏ xíu.
Núi chỗ này cao nhưng không chập chùng lắm. Và những thân thông liễu đều đặn nhô lên trên các ngọn núi gây một ấn tượng khác lạ. Hàng lối ngay ngắn nơi chúng có cái gì hao hao như kiến trúc các đình quán dùng cho nghi thức trà đạo tương lai.
Ở hai bên dòng Kiytotaki các rặng núi kết thúc đột ngột, dường như chúng đang nhào vào khe núi hẹp.
Sự dư thừa độ ẩm nhờ mưa xuống thường xuyên và số ngày nắng nóng không đáng kể giúp người ta thu được từ thông liễu thứ vật liệu xây dựng rất đặc biệt.
Những rặng núi cao chính là vật cản gió tự nhiên. Mà những cơn gió mạnh thì rất nguy hại cho thông liễu. Chúng làm gỗ mềm ra, tước mất chất dẻo dai, thế là thân cây cong vẹo, mất đi vẻ cân đối. Các ngôi nhà trong làng nằm dưới chân núi, rải thành một dãy dọc bờ sông.
Chieko và Masako đi tới cuối làng rồi quay trở lại.
Cạnh mấy ngôi nhà, những người phụ nữ đang đánh bóng các súc gỗ. Thân cây tẩm nước được gia công rất cẩn thận bằng cát sông. Cát mịn, giống như đất sét màu hạt dẻ nhạt, lấy từ đáy sông chỗ thác Bodai đổ xuống.
- Nếu hết cát thì các bác làm thế nào? - Masako hỏi.
- Không hết được đâu. Mưa cuốn cát ra thác, nó chảy xuống cùng với nước rồi lắng ở đáy. - Một phụ nữ đã có tuổi đáp.
- Họ vô lo đến thế là cùng, Masako nghĩ.
Trông đám phụ nữ làm đâu được đấy, Masako mới thấy Chieko đúng. Các súc gỗ bề dày độ năm, sáu xun, và có lẽ được dự tính làm cột chống.
Người ta dùng nước rửa sạch gỗ súc đã đánh bóng, phơi khô, rồi lấy giấy hoặc rơm bọc lại và chuyển cho người đặt hàng.
Đôi chỗ, thông liễu mọc ngay sát lòng sông Kiyotaki đầy đá.
Loài thông liễu trên núi và những súc gỗ xếp thành hàng dọc các nhà cửa trong làng làm Masako nhớ đến những rào gỗ phủ son Ấn Độ được chăm sóc cẩn thận nơi các ngôi nhà cổ Kyoto.
Hai cô gái lên xe buýt ở bến đỗ đầu làng, nơi có thể trông thấy cảnh thác Bodai. Họ ngồi trên xe im lặng một lúc.
- Giá người ta cũng nuôi dạy con cái con người cho được ngay thẳng như loài thông liễu kia có phải tốt không, - Masako phá vỡ bầu không khí im lặng.
- Người ta chả coi sóc chúng ta như những cái cây ấy đâu, - Chieko cả cười. - Nào nói đi Masako, cậu vẫn ra chỗ gặp như mọi khi đấy chứ?
- Mình vẫn ra... Chúng mình ngồi ở đám cỏ trên bờ sông. Kamogaoa.
-...
- Ở Kiyamachi dạo gần đây đâm đông người. Bây giờ họ mắc cả điện ở đó. Nhưng chúng mình ngồi ở mé bờ sông, quay lưng lại các quán ăn nên khách vãn cảnh không để ý thấy bọn mình.
- Tối nay cũng thế...
- Ừ chúng mình đã có hẹn vào lúc tám rưỡi.
Hình như, Chieko thèm muốn được tự do như thế.
° ° °
Chieko ăn tối với cha mẹ ở căn phòng phía xa, trông vào sân trong.
- Hôm nay bên ngài Shimamura có gửi xaxamakidzuxi 4 đằng quán "Hiomaxa" sang, thành thử tôi chỉ nấu món canh, - Xighe phân trần.
- Được rồi, - Takichiro lúng búng.
Xaxamakidzuxi với mấy miếng cá quân, đấy là món ông ưa thích.
- Cô đầu bếp chính nhà ta hôm nay về hơi muộn: cùng với Masako đi xem thông liễu ở Bắc Sơn...
- Được rồi.
Những chiếc bánh Xaxamakidzuxi xếp có ngọn trên cái đĩa Imari 5. Vừa bóc lớp lá trúc gấp hình tam giác, Takichiro vừa ăn ngon lành món bánh bột gạo có rải trên mặt những lát cá quân xắt mỏng. Canh nấu bằng váng sữa đậu sấy khô với nấm xiytake.
Cửa hiệu của Takichiro còn duy trì cái thần thái của các hiệu buôn cổ Kyoto cũng như còn giữ được ở mặt tiền ngôi nhà dãy hàng rào phủ son Ấn Độ, song giờ đây cơ sở kinh doanh của họ đã được cải biến thành công ty, còn đám người làm từ viên quản lý đến những người tùy phái được kể như các cổ đông và họ đến cửa hiệu với tư cách đi làm. Chỉ có hai, ba thợ học việc sinh quán ở Omi là ở thường xuyên tại cửa hiệu, chiếm một phòng trên tầng hai. Do vậy đến giờ ăn tối thì bầu không khí tĩnh mịch bao trùm mấy căn phòng phía xa.
- Sao, Chieko, sao con hay đến cái làng trong Bắc Sơn thế? - Xighe hỏi.
- Thông liễu ở đấy mọc đẹp lắm, cây nào cũng thẳng băng, ngay ngắn. Ôi, giá như tâm tình con người cũng được như vậy thì hay quá.
- Nhưng lẽ nào con không được như thế - Xighe ngạc nhiên.
- Than ôi, trong con nào có được sự thẳng thắn ấy...
- Xighe này, - Takichiro xen vào, - con người dù có thẳng thắn, cởi mở bao nhiêu đi nữa, cái bản thể suy nghĩ anh ta vẫn suy ngẫm đủ mọi chuyện trên đời.
- Mà thế cũng tốt. Những cô gái giống như loài thông liễu ngay thẳng và thanh nhã đã đành là tuyệt vời khôn tả, song những người như vậy đâu có trong tự nhiên, mà ví thử có đi nữa họ cũng hẳn phải chịu khốn khó trong cuộc đời. Cứ để cho cây cong, nhưng cái chính là làm sao nó mọc được và lớn được lên. Tôi nghĩ vậy...
- Xem cây phong già trong vườn nhà ta là đủ thấy. Trông nó kìa...
- Mình giảng giải điều đó cho con gái chúng ta làm gì? - Xighe nói, vẻ không hài lòng.
- Tôi hiểu, tôi hiểu! Chieko không bao giờ lại thiếu thành thật...
Chieko lặng lẽ nhìn ra vườn, rồi thầm thì giọng đầy phiền muộn:
- Trong cây phong ấy ẩn giấu nguồn sức mạnh lớn lao biết bao... Than ôi, sức mạnh ở Chieko này thì có hơn gì loài hoa tím nương náu trên thân nó. Chao ôi, kìa, những đóa hoa tím đã tàn rồi.
- Ừ nhỉ, - Xighe thốt lên. - Nhưng nếu như thế thì xuân sang năm chúng sẽ lại nở...
Chieko đưa mắt xuống phía dưới một chút, rồi cái nhìn của cô dừng lại ở cây đèn Cơ đốc. Dưới làn ánh sáng từ trong phòng hắt ra, cây đèn cũ kỹ mang hình chúa hầu như không nhìn thấy nữa, mà nàng thì bỗng dưng muốn cầu nguyện.
- Mẹ ơi, mẹ nói thật đi: con sinh ở đâu?
Xighe và Takichiro đưa mắt nhìn nhau.
- Dưới rặng anh đào nở ở Ghion, - Takichiro quả quyết đáp.
° ° °
Sinh ở Ghion dưới rặng anh đào nở... Giống như Hào quang Thất nữ Kaguyahime của "Truyện lão ông Taketori" 6 mà người đời phát hiện thấy trong gióng trúc.
Nghĩa là, cũng tựa như Kaguyahime, có lẽ nên ráng mà đợi vị thiên sứ từ cung trăng xuống, Chieko đùa cợt nghĩ thầm song lặng thinh không nói.
Người ta đã vứt bỏ hay đánh cắp nàng - đằng nào cũng vậy thôi, cả bà Xighe và ông Takichiro đều không biết nơi nàng sinh. Có lẽ cả cha mẹ đẻ nàng họ cũng không biết.
Chieko hối hận: nàng gợi ra câu chuyện rất không đúng chỗ ấy mà làm gì, nhưng nàng cảm thấy không nên xin lỗi ông Takichiro và bà Xighe về chuyện đó vào lúc này. Mà tại sao nàng lại đột nhiên hỏi về mình như thế nhỉ? Bản thân nàng cũng không rõ. Có lẽ, nàng nhớ tới cô gái ở ngôi làng trong Bắc Sơn mà như lời Masako nhận xét, nàng quá giống cô ta...
Chieko không biết để mắt vào đâu nữa và nàng đăm đắm nhìn ngọn cây phong già. Nền trời đêm tỏa sáng yếu ớt - hoặc giả trăng đã mọc, hoặc ở đâu đó có đình đám hội hè.
- Bầu trời cứ như mùa hè vậy...- Xighe nói lúc nhìn lên phía bên trên cây phong. - Con hãy nhớ rằng, con sinh ở đây, Chieko ạ. Cho dù không phải ta sinh ra con, nhưng con ra đời chính trong ngôi nhà này.
- Vâng, vâng ạ! - Chieko gật đầu chiều theo.
Ở chùa Kiyomidzu nàng đã nói đúng sự thật với Shinichi: không phải nàng bị đánh cắp trong công viên Maruyama dưới rặng anh đào nở, mà bị vứt bỏ cạnh lối vào cửa hiệu của Takichiro. Ông cũng nhặt được nàng ở đấy.
Hai chục năm đã trôi qua, kể từ lúc ấy. Takichiro dạo bấy giờ mới ngoài ba mươi, mà ông thì chẳng từ các thú chơi bời. Vì thế Xighe nào có tin ngay điều ông kể lể khi ông xuất hiện với đứa bé trên tay.
"Đừng cố tình loanh quanh nữa... Rõ như ban ngày rồi: việc này là do một trong các cô kỹ nữ quen anh mà ra đây!".
"Bậy bạ quá chừng! - Takichiro thậm chí đỏ bừng mặt vì phẫn nộ. - Coi xem có cái gì ủ ấm cho con bé thì hơn. Này, sao thế? Đến bây giờ cô vẫn khăng khăng nó là con một kỹ nữ hả?!" Ông chìa đứa bé chơ vơ.
Xighe đón lấy đứa bé gái rồi áp má vào khuôn mặt bé bỏng lạnh giá của nó.
"Ta biết làm gì với nó đây?" - Bà hỏi.
"Đi vào nhà, bình tĩnh đã rồi hẵng bàn. Cứ đứng như phỗng thế làm cái thứ gì!"
"Nó còn bé tí tẹo thế này, không khéo chỉ mới đẻ được vài ngày là cùng".
Cha và mẹ con bé không ai biết, và ghi nhận nó là con gái nuôi thì Takichiro không có quyền - muốn vậy phải được sự đồng ý của người bố người mẹ. Vậy thì ông ghi tên nó vào sổ gia phả với tư cách người thừa kế vợ chồng Xada. Họ đặt tên con bé là Chieko.
Trong dân gian người ta cho rằng: một khi trong gia đình có đứa bé được nhận làm con nuôi thì thế nào cả đứa con đẻ cũng sẽ chào đời. Song điều như vậy đã không xảy ra với Xighe, và vợ chồng Xada dành toàn tâm toàn ý nuôi dạy đứa con gái độc nhất. Nhiều năm qua rồi và họ hiểu rằng, ai là cha mẹ đẻ đã vứt bỏ con bé, ngày càng ít làm họ băn khoăn. Thậm chí họ cũng không rõ những người ấy còn sống không.
Bận ấy, việc dọn dẹp sau bữa tối không đòi hỏi nhiều thời gian, và Chieko đã nhanh chóng làm một mình: thu nhặt những lá trúc dùng để bao thứ bánh bột gạo với cá, rồi rửa bát đựng canh.
Sau đấy nàng lên gác, về phòng ngủ của mình và bắt đầu xem mấy cuốn vựng tập phiên bản tranh của Paul Klee và Chagall mà cha đã mang theo đến Xaga. Nàng thiếp đi lúc nào không biết nhưng chẳng mấy chốc đã giật mình thức giấc vì tiếng thét của chính mình.
*
- Chieko, Chieko! Con làm sao thế? - Tiếng từ phòng bên cạnh vọng sang. Chieko chưa kịp trả lời thì những tấm phuxuma đã mở ra và Xighe bước vào. - Chắc là chiêm bao thấy mộng xấu nên con mới hét lên như thế. - Xighe ngồi ghé xuống thường của Chieko và bật ngọn đèn ngủ ở đầu giường.
Chieko nhổm dậy, vẫn còn bị ảnh hưởng của cơn ác mộng ban đêm:
- Ôi chao, người con đầm đìa mồ hôi đây này. - Xighe lấy chiếc khăn vải xô ở chiếc bàn trang điểm nho nhỏ, bà lau trán, rồi lau ngực cho nàng. Cô gái không cưỡng lại. Bộ ngực trẻ trung nõn nà kia sao đẹp thế, Xighe nghĩ.
- Con lau hai nách đi, - bà nói, chìa cái khăn ra.
- Cám ơn mẹ.
- Mộng sợ lắm phải không?
- Dạ vâng. Con mơ thấy dường như con ngã từ trên cao, từ từ sa xuống qua một màn tối màu lục hung hiểm mà mãi không thấy đáy.
- Những cơn ác mộng như thế thì nhiều người bị rơi, rơi mãi xuống vực thẳm không đáy.
-...
- Khéo không con bị cảm lạnh đấy, Chieko. Hay là, con thay kimono mặc đi ngủ nhé?
Chieko gật đầu. Nàng chưa tỉnh hẳn và khó khăn lắm mới đứng được trên đôi chân khó bảo.
- Không cần, không cần, con khắc tự lấy lấy.
Chieko hơi thẹn thùng trước mặt mẹ, nhanh nhẹn thay sang chiếc áo ngủ kimono, rồi bắt đầu gập cái áo đã mặc lại.
- Để đấy, dù sao cũng phải giặt rồi. - Xighe đón lấy chiếc kimono từ tay nàng và ném lên cái mắc áo kê trong góc. Sau đó lại ngồi xuống đầu giường.
- Con có sốt không đấy? - Xighe sờ trán Chieko. Trán lạnh.
- Có lẽ chẳng qua con mệt vì đến làng ấy chơi thôi.
- Sắc mặt con không được khỏe. Khéo mẹ đem giường của mẹ lại nằm cạnh vậy.
- Cám ơn mẹ, mẹ cứ yên tâm. Con khỏe rồi, mẹ đi nghỉ đi.
- Mẹ thấy hơi ngờ ngợ thế nào ấy. - Xighe vén chăn và nằm ghé xuống mép giường. Chieko nhích ra, nhường chỗ cho bà. - Con lớn quá rồi còn gì, đến ngủ cùng giường với con cũng hóa bất tiện.
- Khéo mẹ không chợp được mắt mất.
Nhưng Xighe đã ngủ thiếp đi đầu tiên. Chieko với tay ra ngoài chăn và gượng nhẹ, để khỏi làm mẹ thức giấc, tắt đèn. Nàng không ngủ được.
Giấc mộng Chieko thấy khá dài. Nàng kể cho mẹ nghe mỗi đoạn kết thôi.
Thoạt đầu giấc mộng dễ chịu và giống như thực tại. Nàng mơ thấy mình cùng Masako tới ngôi làng trong Bắc Sơn và ngắm thông liễu. Masako nói với nàng là sao nàng giống cô gái kia thế, nhưng trong mộng sự giống nhau này khiến nàng quan tâm hơn rất nhiều so với sự thực lúc ở dưới làng. Cuối giấc mộng nàng đâm hụt chân ở đâu đó xuống cái màn tối màu lục... Do đâu mà có nó nhỉ? Có thể là, do cánh rừng thông liễu trên Bắc Sơn chăng?
° ° °
Takichiro thích các cuộc thi chặt trúc do chùa Kurama mở. Đấy thực sự là ngày hội của đàn ông.
Takichiro đã đi xem những cuộc thi ấy từ thời niên thiếu, chúng chẳng có gì lạ đối với ông, song năm nay ông quyết định dẫn Chieko đi theo. Hơn nữa, là vì một ngày hội khác. - nổi tiếng ở Kurama, - lần này không tiến hành được vì thiếu tiền.
Takichiro cứ lo trời xấu: cuộc thi của những người đốn củi thường diễn ra vào giữa mùa Tsuyu 7.
Ngày mười chín tháng sáu mưa rào thực sự - trận mưa quá to ngay cả đối với mùa mưa.
- Mưa rào thế này sẽ không lâu, mai thế nào trời cũng hửng. - Takichiro vừa nhắc đi nhắc lại vừa trông lên trời.
- Cha ạ, con có ngại mưa đâu, - Chieko nói để yên lòng ông.
- Cha hiểu, - Takichiro đáp. - Nhưng nếu không tốt trời...
Suốt ngày hai mươi mưa phùn lấm tấm không ngớt.
- Đóng hết cửa ra vào và cửa sổ lại, - Takichiro ra lệnh cho các nhân viên trong cửa hàng. - Kẻo mà hàng họ ẩm hết.
- Cha ạ, vậy ra ta không đi à? - Chieko hỏi.
- Khéo ta hoãn đến sang năm thôi. Giờ thì sương mù che kín cả núi Kurama...
Thường thì dự thi không phải các tăng lữ mà là những người thế tục bình thường. Việc chuẩn bị bắt đầu từ ngày mười tám tháng sáu: người ta lựa cứ bốn cây trúc một, cả đực lẫn cái, thân buộc chặt với nhau, đặt bên phải và bên trái lối vào Phật điện chính của chùa. Trúc đực người ta để lá lại nhưng chặt gốc, trúc cái để cả gốc.
Theo cổ lệ những người dự thi ở phía trái lối vào Phật điện - nếu đứng quay mặt về hướng đó - coi là phái Tamba, còn ở phía phải là phái Omi 8.
Mọi người dự thi đều mặc quần áo cổ truyền bằng lụa thô, đi dép rơm buộc dây, tay áo thắt nút, đeo hai thanh kiếm đầu quấn kexa 9 may nắm mảnh lại, thắt lưng giắt lá nandina, tay cầm texac 10 nhét trong bao gấm. Dẫn đầu là người mõ đi trước dọn đường, những người dự thi tiến về phía cổng chùa.
Khoảng một giờ trưa, một vị sư mặc trang phục cổ xưa rúc vỏ ốc báo hiệu khởi đầu cuộc thi. Hai chú tiểu còn nhỏ tuổi hướng về phía vị tăng trưởng trụ trì chùa, kéo dài giọng tuyên cáo:
- Xin cung chúc nhân ngày lễ Chặt Trúc!
Sau đấy họ quay lại phía những người dự thi ở bên phải và bên trái phật điện chính và nói:
- Chúc phái Omi thắng!
- Chúc phái Tamba thắng!
Tiếp theo là thủ tục san lại các thanh trúc, sau đấy hai chú tiểu thông báo với vị sư trụ trì:
- Việc san lại đã hoàn tất rồi ạ.
Các vị sư vào Phật điện tụng kinh. Xung quanh, vì thiếu sen 11 người ta rải hoa cúc đầu mùa.
Vị sư trụ trì từ bệ cao bước xuống, xòe chiếc quạt gỗ bách giả rồi nâng lên hạ xuống ba lần. Đấy là dấu hiệu bắt đầu cuộc thi.
Vừa reo "Hô!", những người dự thi từng hai người một tiến lại gần những thanh trúc và chặt chúng ra làm ba khúc.
Đó chính là cuộc thi Takichiro muốn cho Chieko xem. Đúng vào lúc ông còn đang phân vân liệu có nên đến Kurama trong tiết mưa gió thế này không thì Hideo tới. Kẹp dưới nách anh là một cuộn gì nho nhỏ, buộc trong phuroxiki.
- Thưa đây là thắt lưng cho cô nhà. Vậy là cuối cùng tôi cũng đã dệt xong.
° ° °
- Thắt lưng ư?... Takichiro ngơ ngác hỏi. - Thắt lưng cho con bé ư?
Hideo lùi lại một bước, cúi xuống tạ, hai bàn tay chạm đất.
- Với họa tiết uất kim hương à?... - Takichiro vui vẻ hỏi.
- Không, mà theo phác thảo ngài đã sáng tạo ở Xaga, - Hideo nghiêm trang đáp. - Lần ấy, vì trẻ dại tôi đã ăn nói lỗ mãng với ngài. Thành thực xin ngài thứ lỗi, thưa Xada tiên sinh.
- Ngược lại, Hideo ạ, tôi phải tạ ơn anh. Chính anh đã mở mắt cho tôi đấy. - Takichiro nói.
- Tôi mang đến chiếc thắt lưng mà ngài đã yêu cầu dệt, - Hideo nhắc lại.
- Anh bảo sao? - Takichiro ngạc nhiên nhìn chàng trai chằm chằm. - Bức phác thảo ấy tôi đã vứt xuống sông cạnh nhà anh rồi cơ mà.
- Nghĩa là...ngài đã vứt bỏ?... - Hideo giữ vẻ thản nhiên như thách thức. - Song ngài đã cho tôi dịp được xem nó, và tôi nhớ mẫu vẽ.
- Thế mới bậc thầy chứ! - Takichiro reo lên, nhưng lập tức sa sầm lại. - Này Hideo, vì lẽ gì anh dệt thắt lưng theo cái mẫu mà tôi đã vứt đi? Vì lẽ gì, tôi hỏi anh? - Một cảm xúc lạ lùng xâm chiếm Takichiro, nó không ra buồn bực mà cũng không ra cáu giận. Nén mình, ông nói thêm: - Anh chẳng đã nói, rằng trong phác thảo thiếu sự hài hòa và hơi ấm tâm hồn, rằng nó phảng phất vẻ bất ổn và bệnh hoạn đấy thôi?
-...
- Vì thế mà tôi đã vứt bỏ nó, ngay khi ra khỏi nhà anh.
- Thưa Xada tiên sinh, tôi cúi xin ngài: hãy rộng lòng thứ lỗi, - Hideo lại một lần nữa cúi tạ rất thấp, tay chạm nền nhà. - Hôm ấy tôi bận bịu từ sáng thành ra chán ngán công việc, mệt mỏi và bực tức với cả thiên hạ.
- Có điều gì không ổn cũng đã xảy ra với tôi. Ở ni viện, nơi tôi ẩn náu, sự thực là không ai quấy rầy tôi hết. Ở đấy yên tĩnh lắm - có mỗi vị ni viện trưởng già với một bà lão giúp việc họ nhưng không ở lại, Vậy mà buồn phiền, buồn phiền đến thế...Với lại mọi chuyện ở cửa hiệu hồi gần đây đều cực kỳ tồi tệ, thế rồi thình lình anh nói hết với tôi những điều đó... Mà đáng thôi! Ai khiến tôi, một anh nhà buôn, đi vẽ phác thảo, đã thế lại còn theo mốt mới.
- Cả tôi cũng đã cân nhắc nhiều chuyện. Nhất là sau lần gặp gỡ con gái ngài ở vườn bách thảo.
-...
- Xin ngài hạ cố dù là xem qua chiếc thắt lưng một chút. Nếu không vừa lòng xin cứ lấy kéo cắt vụn nó ra.
- Cứ cho xem đi, - Takichiro càu nhàu. - Này Chieko, lại đây nào.
Chieko, nãy giờ ngồi sau bàn viết cạnh viên quản lý, tức khắc đáp lại tiếng gọi.
Nhíu đôi lông mày rậm, mím môi, Hideo vẻ quả quyết đặt gói xuống chiếu, song những ngón tay anh đang mở phuroxiki hơi run run.
- Mời tiểu thư xem, đây là chiếc thắt lưng làm theo mẫu vẽ của cha tiểu thư, - anh cúi chào Chieko và lặng người đi. Chieko bẻ lại mép chiếc thắt lưng.
- Ô, chính là những bức tranh của Klee đã gợi ý cho cha phác thảo này đây. Ở đằng ấy, ở Xaga phải không ạ?
Nàng bẻ lại chút nữa rồi đặt áp vào đầu gối.
- Tuyệt vời!
Takichiro lặng thinh, làm mặt rầu rĩ, tuy nhiên trong thâm tâm ông sửng sốt trước trí nhớ của Hideo, người đã nhớ mẫu vẽ không sót một chi tiết nhỏ nào.
- Cha ơi? Cái thắt lưng quả là tuyệt diệu, - Chieko thốt lên vẻ thán phục không giấu giếm.
-...
Nàng rờ rờ chiếc thắt lưng, rồi quay về phía Hideo nói:
- Dệt chắc lắm.
- Đa tạ, - Hideo cúi gằm xuống đáp.
- Xem cả được chứ?
Hideo gật đầu.
Chieko đứng dậy, trải rộng hết khổ chiếc thắt lưng ra sân. Rồi nàng đặt tay vào vai cha và bắt đầu xem kỹ tác phẩm của Hideo.
Thế nào, cha? - Nàng hỏi.
-...
- Chả lẽ nó không đẹp sao?
- Con thích nó thật chứ?
- Vâng, con cảm ơn cha, cha ạ.
- Con cứ xem cho kỹ nữa đi.
- Họa tiết mới mẻ, khác thường... Thắt lưng tuyệt diệu rồi, chỉ cần một chiếc áo khoác kimono tương hợp nữa...Thật tuyệt tác!
- Thế ư! Được rồi, nếu con thích con hãy cảm tạ Hideo đi.
- Cảm ơn tiên sinh Hideo, - nàng cúi xuống.
- Chieko, - người cha nói với nàng. - Có cảm thấy được sự hài hòa, hơi ấm tâm hồn họa trên tiết thắt lưng không nhỉ?
Câu hỏi của Takichiro làm cô gái bị đột ngột.
- Sự hài hòa? - Nàng hỏi lại và lại nhìn chiếc thắt lưng lần nữa. - Cha nói "hài hòa" sao? Thì...cái đó còn tùy thuộc ở cái áo kimono và ở người sẽ mang thắt lưng... Sự thật là, thời gian gần đây người ta đâm ra cứ cố tình sáng chế thứ quần áo có họa tiết phi hài hòa...
- Phải. - Takichiro gật đầu. - Chả là thế này, khi cha đưa mẫu cha vẽ cho Hideo xem và hỏi ý kiến anh ấy thì anh ấy trả lời rằng trong đó thiếu sự hài hòa. Thế là cha vứt nó xuống chỗ sông gần xưởng dệt nhà anh ấy.
-...
- Nhưng tuy vậy Hideo đã dệt thắt lưng hoàn toàn đúng như mẫu của cha. Phải chăng là anh ấy đã lựa thuốc nhuộm và màu chỉ khác đi một chút.
- Xin ngài lượng thứ vì tôi đã mạo muội tự tiện, thưa Xada tiên sinh. - Hideo lại cúi mình. - Xin tiểu thư đừng quản ngại hãy ướm thử thắt lưng xem - anh nói với Chieko.
- Với kimono này ư?... Chieko rời chiếu đứng dậy, quàng thắt lưng quanh lưng. Thế là lập tức, toàn bộ vẻ duyên dáng của nàng hiện ra rực rỡ khác thường. Vẻ mặt Takichiro tươi tỉnh lên.
- Thưa tiểu thư, đây là tác phẩm của cha tiểu thư, - Hideo thốt lên. Cặp mắt anh sáng ngời vui sướng.
--------------------------------
1 Lễ Cẩm Quỳ (Aoy matsuki) được cử hành ở chùa thần đạo Kamo tại Kyoto, thờ thần sấm. Trong những ngày hội lễ, chùa thất, trang phục của tăng lữ, kiệu thánh... được trang trí bằng lá cẩm quỳ, là loài cây theo dị đoan có tác dụng phòng sấm sét.
2 Xighemori Taira (1138-1179): Vị thống soái thời Heian. Yoritomo Minamoto (1147-1199): nhà cầm quyền phong kiến đầu tiên thời Kamakura (1192-1333).
3 André Malraux (1901-1976): nhà tiểu thuyết và hoạt động văn hóa Pháp chống phát xít, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp (1959-1969).
4 Xaxamakidzuxi: loại bánh nhỏ hình tròn, bằng bột gạo trộn với những miếng cá sống, rau... cho thêm dấm và đường, bao bằng lá trúc.
5 Imari: một khu trong quận Xaga, nổi tiếng về hàng bát đĩa làm bằng thứ đất sét trắng ở địa phương.
6 Truyện của tác giả khuyết danh đầu thế kỉ X, dựa trên cốt truyện cổ về nàng nguyệt nữ, vì lỗi lầm gì đó bị đầy xuống hạ giới rồi đã đem lòng yêu một người trần thế.
7 Tsuyu: mùa mưa, trùng vào tháng sáu.
8 Tên các tỉnh thời xưa gần Kyoto.
9 Kexa: dải vải dài vắt từ vai trái xuống dưới cánh tay phải (một phần trang phục của các vị tăng lữ đạo Phật).
10 Texac: vũ khí để đâm chém, lưỡi sắc hai bên, ngắn và rộng bản, chuôi hình chữ thập.
11 Sen: là thứ hoa linh thiêng trong đạo Phật, biểu tượng của sự thanh khiết và chân lý.
Cố Đô Cố Đô - Yasunari Kawabata Cố Đô