There is a temperate zone in the mind, between luxurious indolence and exacting work; and it is to this region, just between laziness and labor, that summer reading belongs.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Thu Trinh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1542 / 9
Cập nhật: 2016-05-20 01:47:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ột ngày giữa tháng Mười Một, tan học tôi và Minh Châu đi bộ từ trường về nhà. Hai đứa tôi đi bộ một cách nhẩn nha không vội vã dưới hai hàng cây hoa muồng vàng rợp bóng mát. Con đường này là con đường đẹp nhất của thị trấn. Nó bắt đầu từ ngay trước mặt trường học của chúng tôi, kéo dài ngang qua tòa nhà khí tượng, kéo dài đến gần dẫy nhà chúng tôi ở mới chấm dứt. Hai bên đường được trồng những cây hoa muồng vàng cao to rợp bóng mát. Hoa muồng rất nhỏ, nhưng hoa mọc rất nhiều phủ kín cả cây. Đến mùa hoa muồng nở nguyên cả con đường biến thành một màu vàng như màu hoa cúc. Khi gần hết mùa, hoa bắt đầu rụng, vì cánh hoa muồng rất mỏng, nhỏ và nhẹ nên khi rụng những cánh hoa sẽ bay một cách rất đãng đãng và bay thật lâu trong không gian trước khi chạm xuống đất. Mặt đường lúc đó sẽ được phủ đầy những cánh hoa muồng. Từ xa nhìn lại, con đường trông giống như một tấm thảm vàng trải dài từ đầu đường đến cuối đường. Học trò con gái chúng tôi rất thích đi bộ thật chậm dưới hai hàng cây vào mùa hoa rụng, những cánh hoa vàng khi rụng rơi sẽ bay và đậu lấm tấm trên tóc chúng tôi thật đẹp. Nhà văn Duyên Anh có một tác phẩm tiểu thuyết mang tên Về Yêu Hoa Cúc, chúng tôi nói sau này chúng tôi nên có một tác phẩm có tựa đề Về Yêu Hoa Muồng. Minh Châu đã vì con đường hoa vàng này mà làm nên một câu thơ:
"Thị trấn buồn, hoa muồng vàng nở
Rụng rơi bay giữa ráng chiều mơ
Tháng mười một đẹp trời thương nhớ
Đường thênh thang gió đợi nắng chờ"
Tôi chọc hỏi Minh Châu đang chờ đợi ai. Minh Châu cười nói đùa nó đang đợi một tình yêu, một "hoàng tử của lòng em". Tôi nói:
- "Không biết đến khi nào thì hoàng tử của lòng mày mới xuất hiện. Hoàng tử nào thì tao không thấy, bây giờ tao chỉ thấy có anh Dũng. Câu thơ này không hợp với mày, có vẻ thích hợp với tâm sự chị Phượng hơn, để tao đem tặng chị Phượng.
Tôi chép châu thơ đưa cho chị Phượng. Chị khen hay và đem gửi tặng cho anh Tuấn.
Hôm đó, khi về tới gần nhà cách chừng mấy chục thước, chúng tôi thấy một chiếc xe hơi đậu bên đường. Chiếc xe trông có vẻ quen thuộc nhưng tôi không dám đoán người chủ của nó đã tới đây. Khi hai chúng tôi đi ngang qua xe, tôi nghe tiếng gọi tên mình, tôi quay lại và nhận ra đó là cha.
Tôi cảm thấy hơi bất ngờ và ngỡ ngàng nên chỉ biết đứng im một chỗ không biết làm gì. Tôi không ngờ cha tôi đã biết chúng tôi ở đây và đến tìm. Cha tôi lúc đó đang ngồi trong xe, ông mở cửa bước ra ngoài và đi lại phía tôi. Minh Châu nhận ra dáng điệu ngập ngừng bối rối của tôi, nó thì thầm hỏi tôi:
- "Ai vậy? Sao đi xe hơi sang trọng quá vậy, lại quen với mày?"
Tôi ngập ngừng một chút sau đó thì thầm trả lời lại:
- "Ông già tao."
Tôi có thể nhận ra vẻ ngạc nhiên trên khuôn mặt Minh Châu. Con bé tròn mắt hết nhìn tôi đến nhìn cha tôi. Tôi đã có từng kể cho Minh Châu nghe hoàn cảnh gia đình tôi. Cũng như tôi, con bé có lẽ đang ngạc nhiên sao cha tôi lại tìm ra tôi ở đây và lại đến trong bất ngờ như thế này. Trong khi hai đứa tụi tôi vẫn chưa qua khỏi giây phút ngạc nhiên cha tôi đã đi tới nơi.
- "Sao con gái? Ngạc nhiên cha đến thăm lắm phải không?" Quay sang Minh Châu cha hỏi tiếp, "đây là bạn học của con hả?"
Tôi lí nhí trả lời và giới thiệu bạn mình tới cha. Minh Châu nhanh nhẹn lên tiếng chào cha tôi. Ông đưa tay vuốt đầu con bé khen giỏi và nói với tôi.
- "Anh con đâu?"
- "Anh Hùng nếu chưa về tới nhà thì chắc cũng sắp về tới."
- "Con vào xin dượng đi. Cha muốn chở hai con đi ăn trưa. Cha ngồi ở ngoài xe chờ con."
Tôi nhìn cha ngạc nhiên:
- "Sao cha không vào nhà chơi?"
Cha tôi lộ vẻ ngập ngừng:
- "Thôi để cha ở đây chờ hai anh em con tiện hơn. Hồi nãy cha đã có gặp dượng con rồi."
Tôi không gạn hỏi thêm, nói cha tôi ở ngoài đợi để tôi vào nhà cất cặp và xin phép dượng. Khi bước đến hàng hiên nhà, Minh Châu và tôi chia tay.
- "Có chuyện kể cho tao nghe tối nay rồi." Minh Châu thấp giọng nói với tôi, nháy mắt, sau đó bước khuất dạng vào trong nhà của nó.
Khi tôi bước vào trong nhà thì dượng Hai và các anh chị đang chuẩn bị vào bàn ăn. Dượng tôi, như thường lệ, về nhà để ăn cơm và ngủ trưa. Trong nhà lúc đó thiếu bóng anh Quang Hùng. Tôi chưa kịp nói gì thì đã nghe dượng tôi lên tiếng:
- "Sao cháu? Đã gặp ông già cháu chưa? Nghe ổng nói ổng ở ngoài xe đợi hai anh em cháu về. Hồi nãy ổng có vào đây tìm hai anh em tụi bay nhưng có lẽ thấy thái độ lạnh lùng không hoan nghênh lắm của dượng cho nên ổng ngượng. Ổng nói để ổng ra ngoài xe ngồi đợi. Dượng thật là ghét cay ghét đắng phải nhìn mặt con người hai lòng đó."
Tôi nhìn dượng tôi, sắc mặt của dượng đỏ lên chứng tỏ cơn giận vẫn chưa nguôi. Các anh chị trong nhà không ai dám nói gì, mọi người lẳng lặng sắp chén đũa và đồ ăn lên bàn. Tôi cố lấy can đảm nói với dượng, chỉ sợ sẽ làm khơi cơn giận của dượng lên:
- "Cha cháu muốn dẫn hai anh em cháu ra ngoài ăn trưa và nói chuyện. Cháu xin phép dượng cho đi."
Dượng Hai tỏ vẻ không bằng lòng, không muốn cho đi. Dượng to tiếng.
- "Thăm với nom! Bao năm nay có làm bổn phận người cha không mà bây giờ vác mặt tới đây thăm?"
Tôi sợ hãi đứng yên không nói gì. Sau một hồi suy nghĩ trong im lặng, dượng nhỏ giọng xuống:
- "Nhưng thôi hai anh em con đi đi. Dượng cũng chẳng cản mấy cha con tụi bay gặp nhau. Dù gì cũng là tình nghĩa cha con." Ngừng một lát dượng nói tiếp. "Con cất cặp vào rồi ra với cha con đi. Thằng Hùng chưa về. Khi nào nó về đây dượng nói nó ra xe sau."
Tôi nhỏ nhẹ cám ơn dượng và lên phòng cất cặp, sau đó chào mọi người và đi ra ngoài. Khi đi ngang qua anh Quốc Dũng, anh nheo mắt nhìn tôi ra dấu sau đó bước theo tôi ra cửa giả bộ như để đóng cửa. Anh nói với tôi:
- "Đừng có chờ nó. Hồi nãy lúc anh và nó đi học về, nó đã thấy xe của cha em rồi. Nó ‘chẩu’ rồi. Nó nói nó không muốn gặp mặt ổng. Như vậy em tùy cơ ứng biến mà nói cho xong."
Tôi lắc đầu thở dài, cám ơn anh Quốc Dũng và ra khỏi nhà. Anh Quang Hùng lúc nào cũng như vậy, bao nhiêu năm qua anh không hề nguôi oán hận cha tôi. Lúc ở Sài Gòn, cha tôi xuống thăm anh em tôi một năm chừng hai lần. Lần nào cũng vậy, anh Quang Hùng lúc nào cũng giận dữ không muốn gặp mặt cha. Mẹ tôi phải la anh dữ lắm và bắt anh đi gặp cha anh mới chịu đi. Mẹ nói cha có lỗi với mẹ nhưng không có lỗi với anh em chúng tôi và đàng nào cha vẫn là cha, chúng tôi không được vô lễ hay bất hiếu. Anh Quanh Hùng thường cãi:
- "Không có lỗi với tụi con? Bao nhiêu năm nay ông ấy chỉ nuôi con của người đàn bà kia, có nuôi nấng gì tụi con, như vậy sao không có lỗi? Ông ấy đâu đáng làm cha con."
Mẹ tôi lúc nào cũng dịu dàng giải thích cho anh hiểu:
- "Thật ra cha con có muốn đưa hai con về nuôi nhưng mẹ không chịu. Ổng có nói với mẹ nhiều lần rồi. Không thuyết phục được mẹ giao các con ra, ổng cũng đưa tiền chu cấp cho các con nhưng mẹ nhất định không chịu lấy. Mẹ không muốn xài tiền hay mang ơn huệ người này."
Những lần như vậy, bị mẹ ép lắm anh Hùng mới gượng ép đi gặp cha. Nhưng khi gặp thì anh hầu như không nói chuyện gì và chỉ ậm ừ cho qua giờ. Lần gặp nào, cha cũng cho hai anh em tiền và lần nào thì anh Hùng cũng nhất định không chịu lấy. Thật ra tôi cũng không muốn lấy nhưng thấy cha có vẻ buồn và thất vọng nên tôi đành cầm lấy cho ông vui. Cả anh Quang Hùng và mẹ đều không thích tôi lấy tiền của cha. Đứng giữa tôi không biết xử sao, nên sau mỗi lần lấy tiền như vậy tôi đều không xài, đem hết về bỏ heo.
Ra đến xe gặp cha, tôi nói dối anh Hùng hôm nay không về nhà, anh có chuyện phải ở lại trường. Cha tôi tin, không hỏi thêm và dục tôi lên xe. Ở quán cơm, vừa ăn cha vừa hỏi han anh em chúng tôi. Hỏi từ chuyện cuộc sống hàng ngày đến chuyện học hành. Sau đó tôi được biết cha có chuyện đi ngang qua thị trấn nên ghé vào thăm. Tôi hỏi sao cha biết anh em tôi dọn lên ở đây, cha trả lời cha về Sài Gòn thì nghe mẹ nói. Cha tôi nói thêm:
- "Mẹ con đưa hai anh em lên đây cha cũng vui lòng. Điều kiện sống ở đây đỡ hơn căn gác hai anh em ở lúc trước, khí hậu ở đây lại mát mẻ. Từ Đà Lạt về đây cũng gần, cha sẽ được dịp thăm hai con thường xuyên hơn." Ngừng một lát cha nói tiếp, "Mẹ con thật cứng đầu, từ đây về chỗ cha chỉ cách có hơn trăm cây số, mẹ cho các con về đây ở với dì Hai mà không cho về với cha."
Tôi nói đỡ giúp mẹ:
- "Tụi con chỉ ở đây tạm thôi, ít nữa mẹ lại đón về ở với mẹ. Tụi con ở với dì Hai mẹ còn lên thăm tụi con được, ở với cha, mẹ không dám ghé thăm."
Cha tôi nhìn tôi dịu dàng, mắt ông trở nên mơ màng:
- "Con mặt thì giống mẹ, nhưng tính tình thì lại khác xa. Mẹ con cứng cỏi bao nhiêu thì con lại mềm mỏng bấy nhiêu. Trong ba mẹ con, chỉ có con là tỏ ra thông cảm cho cha."
Tôi nhìn cha không nói gì, cảm thấy thương hại cho ông. Cha tôi đã có vợ khác và có hai đứa con khác, thật ra ông không cần đuổi theo anh em chúng tôi để xin xỏ chút tình cảm cha con. Thế nhưng, ông vẫn đi kiếm chúng tôi thăm hỏi, nhẫn nhục tìm cách làm chúng tôi thương ông. Tình cảm của cha thật hay giả tôi cảm nhận được, tôi biết ông thương anh em tôi vô cùng. Những lần thăm trước, có mặt Quang Hùng cha không tâm sự gì nhiều. Tính anh Hùng nóng nảy, đã vậy trong lòng anh vẫn mang nặng niềm hiềm khích với cha, anh không thích nghe cha kể lể hay giải thích cho nên cha tránh không nói gì nhiều. Hôm nay không có sự hiện diện của anh Hùng, cha tôi cảm thấy thoải mái hơn và nói nhiều hơn.
- "Khi nào con lớn lên con sẽ hiểu người làm cha mẹ, con nào cũng thương như nhau. Cha không hề có ý nghĩ trong đầu nuôi con này bỏ con kia. Thật ra nếu cha có sự chọn lựa, cha sẽ không bỏ con nào cả. Thế nhưng cha đã không có sự chọn lựa đó. Mẹ con đã làm một sự chọn lựa cho cha. Đối với cha, sự chọn lựa nào cũng là một đau khổ."
- "Như vậy sao cha đã tạo điều kiện khiến cho mình phải có sự chọn lựa?"
- "Con nên biết trong đời người ai cũng có lần làm lỗi." Cha tôi thở dài, tiếng thở dài nghe não lòng. "Có những lỗi lầm mình có thể sửa đổi được, có thể đền bù được hay có thể tha thứ được. Nhưng cũng có những lỗi lầm một khi đã phạm thì coi như đã vào con đường một chiều không lối thoát, không cách nào quay lại. Cha đã phạm vào một lỗi lầm mà cả sửa đổi, đến đền bù hay đến tha thứ cha đều không được cơ hội làm. Anh em con sau này lớn lên, trước khi làm bất chuyện gì cũng phải đặt cho mình câu hỏi ‘chuyện làm này có gây hậu quả gì không và hậu quả đó có cách gì đền bù sửa đổi được không’."
Nói tới đó cha tôi ngừng lời lại, có lẽ để ngăn sự xúc động của mình. Tôi đặt tay mình lên tay cha biểu lộ sự thông cảm. Cha tôi ngước mắt nhìn tôi, sau đó ông nắm tay tôi:
- "Con sau này lớn lên ra đời sẽ được mọi người thương mến. Tính con mềm mỏng, biết lắng nghe, biết quan tâm cho người khác, thân thiện và tế nhị, mọi người chung quanh sẽ quý mến con. Một người, để thành công trên đời, ngoài tài năng và trí tuệ cũng cần phải biết cách giao tiếp với những người chung quanh. Gây và giữ được thiện cảm với mọi người là một trong những yếu tố quan trọng giúp mình thành công trên đường đời."
- "Con lại nghĩ con là người nhu nhược"
- "Cha không nghĩ như vậy. Con cương quyết nhưng kiên nhẫn, con ít nói nhưng quan sát nhiều. Mềm mỏng không có nghĩa là nhu nhược và ôn hòa không có nghĩa là khuất phục. Những việc con muốn làm, con sẽ nhất định làm cho tới nơi tới chốn. Cha xưa nay không có dịp dạy dỗ các con, mẹ con đã thay cha làm việc này một cách xuất sắc. Mà thật ra một con người đã làm lỗi lầm như cha thì không có tư cách dạy dỗ các con.."
Hôm đó cha tôi tâm sự với tôi thật lâu và dạy bảo rất nhiều chuyện. Đây là lần đầu tiên trong đời cha con tôi có dịp ngồi nói chuyện với nhau lâu và thông cảm với nhau như vậy. Vấn đề giữa cha và mẹ, hay giữa cha và anh Hùng, là họ không bao giờ có dịp ngồi xuống nói chuyện với nhau lâu. Không ai chịu thổ lộ tình cảm của mình, không ai chịu nói thật những gì họ nghĩ và vì vậy đã khiến cho họ không bao giờ hiểu nhau hay cảm thông cho nhau. Tôi tự hỏi nếu mẹ tôi đã hiểu được tâm tư của cha tôi và sự dằn vặt trong lòng ông về bổn phận làm cha đối với đứa con của người đàn bà kia thì có thể mẹ tôi đã có một quyết định khác. Tôi biết cha tôi vẫn còn thương mẹ tôi. Ông không phải đã quên đi mối tình đầu thơ đẹp ngày nào và ông cũng không thể quên, vì yêu ông, mẹ tôi đã dở dang con đường học vấn của bà.
Sau khi ăn xong, cha tôi chở tôi về lại nhà. Ông không vào nhà và muốn về lại Đà Lạt trước khi trời tối. Cha nhắn tôi gửi lời thăm anh Hùng và nói ông sẽ xuống thăm anh em tôi thường xuyên hơn. Sau đó cha con tôi chia tay, trước khi đi, như lệ thường cha dúi tiền vào tay tôi và nói "Cất đi, đem về chia cho anh con. Hai anh em để dành may quần áo và mua sắm."
Hôm đó anh Hùng gặp tôi thì lờ đi làm như không biết chuyện cha đến thăm. Tôi cũng lờ luôn không nhắc tới. Buổi tối khi cả nhà ăn cơm dì dượng Hai hỏi thăm cha tôi thế nào và tôi đã kể lại cho mọi người nghe về buổi trưa ăn cơm của hai cha con. Dì dượng Hai lại lên tiếng phê bình về con người và sự tệ bạc thay lòng của cha. Anh Hùng chỉ ngồi im lặng ăn cơm không nói gì.
Buổi tối, ở ban công anh cuối cùng cũng lên tiếng hỏi:
- "Ổng khỏe không?"
- "Khỏe, cha hỏi thăm anh." Đợi một lúc không thấy anh trả lời, tôi nói tiếp, " Cha nói bây giờ ở gần, cha sẽ xuống thăm mình thường xuyên. Cha nhắc anh ráng học."
Anh Hùng không hỏi gì thêm, anh ngồi yên lặng một lát rồi đem đàn ra đánh, dáng điệu trông ra không vui. Tôi thật không hiểu được anh không vui là vì lý do gì, vì cha đến thăm, hay vì anh vừa muốn gặp cha mình, vừa hận ghét ông cay đắng muốn tránh mặt.
Cánh Phượng Tình Thơ Cánh Phượng Tình Thơ - Thu Trinh Cánh Phượng Tình Thơ