Nguyên tác: Catch 22
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2023-06-18 15:51:45 +0700
Bác Sĩ Daneeka
H
ungry Joe bị điên, không ai biết điều ấy rõ bằng Yossarian, và y đã làm mọi cách để giúp đỡ gã. Có điều Hungry Joe không chịu nghe Yossarian. Hungry Joe không chịu vì gã nghĩ rằng Yossarian mới bị điên.
“Tại sao anh ta phải nghe lời anh?” bác sĩ Daneeka chất vấn Yossarian mà không thèm ngẩng mặt lên.
“Bởi vì anh ta đang gặp rắc rối.”
Bác sĩ Daneeka khịt mũi đầy vẻ khinh miệt. “Anh ta nghĩ anh ta gặp rắc rối ư? Còn tôi thì sao?” Bác sĩ Daneeka tiếp tục nói rất chậm, cười khẩy buồn bã. “Ôi, tôi không than phiền gì cả. Tôi biết là đang có chiến tranh. Tôi biết là sẽ có rất nhiều người phải chịu khổ để chúng ta chiến thắng. Nhưng sao tôi lại phải là một người trong số đó? Sao không gọi tòng quân luôn mấy lão bác sĩ già cứ ông ổng trước công chúng về sự hy sinh to lớn mà những người làm y tế luôn sẵn sàng chấp nhận? Tôi đâu có muốn hy sinh gì. Tôi muốn kiếm tiền.”
Bác sĩ Daneeka là một người rất gọn gàng, sạch sẽ, với quan điểm rằng hờn dỗi chính là thú tiêu khiển. Ông có làn da sậm cùng khuôn mặt nhỏ, thông thái, ủ dột với hai bọng u sầu bên dưới mắt. Ông suốt ngày lo lắng về sức khỏe của mình và gần như ngày nào cũng đến lều y tế bắt một trong hai người lính ở đó đo thân nhiệt cho. Hai gã này giúp việc cho ông nhưng họ làm việc tốt tới mức gần như ông không phải động chân động tay gì cả ngoài việc ngồi phơi nắng trong tình trạng nghẹt mũi và suy nghĩ xem điều gì khiến cho mọi người quá lo lắng đến vậy. Tên của hai gã này là Gus và Wes, và họ đã thành công trong việc đưa y tế lên thành một ngành khoa học chính xác. Tất cả những ai báo ốm với thân nhiệt trên 39 độ đều được nhanh chóng đưa tới bệnh viện. Tất cả những ai, trừ Yossarian, báo ốm với thân nhiệt dưới 39 độ đều được bôi dung dịch thuốc tím gentian vào lợi và ngón chân, và được phát cho một viên thuốc nhuận tràng để vứt vào bụi rậm. Tất cả những ai báo ốm với thân nhiệt đúng 39 độ sẽ được đề nghị quay lại đó sau một tiếng để đo lại thân nhiệt. Yossarian, với thân nhiệt hơn 38 độ, thì có thể nhập viện bất cứ khi nào y muốn bởi vì y không sợ bọn họ.
Tất cả mọi người đều hài lòng với hệ thống này, đặc biệt là bác sĩ Daneeka, bởi nhờ vậy ông có đủ thời giờ tùy thích để quan sát thiếu tá …de Coverley quăng những chiếc móng ngựa trong sân ném móng ngựa của riêng mình, mắt đeo miếng bịt trong suốt được bác sĩ Daneeka thiết kế cho từ một dải phim celluloid lấy trộm từ cửa sổ căn phòng ngăn nắp của thiếu tá Major nhiều tháng trước khi thiếu tá …de Coverley trở về từ Rome với giác mạc bị thương sau khi thuê hai căn hộ ở đó cho sĩ quan và lính sử dụng trong kỳ nghỉ phép. Hằng ngày, thời điểm duy nhất bác sĩ Daneeka bước vào lều y tế là khi ông bắt đầu cảm thấy mình ngày một ốm yếu và ghé qua đó để Gus và Wes kiểm tra. Họ chẳng thể phát hiện được vấn đề gì. Nhiệt độ cơ thể của ông luôn là 36 độ, một mức nhiệt độ hoàn toàn bình thường đối với họ, miễn là ông không phản đối. Nhưng bác sĩ Daneeka phản đối. Ông bắt đầu không còn tin ở Gus và Wes nữa, và ông đã nghĩ đến việc chuyển cả hai người bọn họ về bên quản lý xe cộ và thay họ bằng ai đó có khả năng phát hiện ra vấn đề.
Bản thân bác sĩ Daneeka đã rất quen với một cơ số các vấn đề khủng khiếp. Ngoài sức khỏe của chính mình, ông còn lo lắng về Thái Bình Dương và giờ bay. Sức khỏe là thứ mà không ai có thể tự tin được sau một khoảng thời gian đủ dài. Thái Bình Dương là một vũng nước được bao bọc tứ phía bởi chứng phù voi và nhiều thứ bệnh đáng kinh sợ khác và nếu như ông làm mất lòng đại tá Cathcart bằng việc cho phép Yossarian nghỉ bay thì ông rất có thể sẽ thấy mình bỗng nhiên được chuyển tới đó. Còn thời gian bay là khoảng thời gian mà ông phải ở trên máy bay mỗi tháng để có được tiền trợ cấp bay. Bác sĩ Daneeka căm ghét các chuyến bay. Ông cảm thấy như bị ngồi tù khi ở trong một chiếc máy bay. Trong máy bay, quả thực không có chỗ quái nào để đi, ngoài tới một phần khác của chính chiếc máy bay đó. Người ta đã nói với bác sĩ Daneeka rằng những người thích leo lên máy bay thực ra là có khát vọng trong tiềm thức được trở lại tử cung. Yossarian đã nói với ông điều này, và y cũng giúp Dan Daneeka lấy được tiền trợ cấp bay hằng tháng mà không phải quay lại tử cung. Yossarian thuyết phục McWatt ghi tên bác sĩ Daneeka vào sổ nhật ký bay tập hoặc bay đi nghỉ ở Rome.
“Anh biết đó,” bác sĩ Daneeka nịnh bợ, nháy mắt ranh mãnh đầy ẩn ý. “Tại sao phải mạo hiểm khi tôi không bị ép buộc?”
“Đồng ý,” Yossarian gật đầu.
“Việc tôi có mặt trên máy bay hay không cũng chẳng tạo ra sự khác biệt đối với bất cứ ai cả, có phải không?”
“Không có khác biệt gì cả.”
“Chắc chắn rồi, ý của tôi là thế này,” bác sĩ Daneeka nói. “Thế giới này muốn vận hành được cũng cần phải có một ít chất bôi trơn chứ. Đôi bên cùng có lợi mà. Anh hiểu ý tôi chứ? Nếu anh gãi lưng cho tôi thì tôi cũng gãi lưng cho anh.”
Yossarian bèn hiểu luôn ý này.
“Ý của tôi không phải là vậy,” bác sĩ Daneeka nói, khi Yossarian bắt đầu gãi lưng cho ông. “Tôi đang nói về sự hợp tác. Về giúp đỡ. Nếu anh giúp đỡ tôi thì tôi cũng sẽ giúp đỡ anh. Hiểu chưa?”
“Hãy giúp đỡ tôi đi,” Yossarian yêu cầu.
“Không đời nào,” bác sĩ Daneeka đáp.
Có vẻ gì đó vừa đáng sợ vừa mong manh ở bác sĩ Daneeka khi ông chán nản ngồi bên ngoài lều của mình để tắm nắng thường xuyên hết mức có thể, mặc chiếc quần kaki mùa hè và áo sơ mi cộc tay mùa hè đã bị tẩy nhiều tới mức gần như biến thành màu xám tẻ nhạt sau quá trình giặt giũ mà ngày nào ông cũng bắt nó phải hứng chịu. Ông giống một người từng bị đông cứng lại vì sợ hãi và từ đó không bao giờ hoàn toàn tan ra được nữa. Ông ngồi đó rúc vào chính mình, đầu gục xuống gần như khuất sau đôi vai gầy, đôi bàn tay rám nắng với những móng tay lấp lánh ánh bạc đang xoa xoa trên mặt ngoài hai cánh tay trần đang khoanh lại như thể ông đang bị lạnh. Thực sự thì, ông là một người ấm áp và giàu lòng trắc ẩn tới mức không bao giờ ngừng thương thân.
“Tại sao lại là tôi?” đó là câu mà ông thường xuyên than vãn, và đó cũng là một câu hỏi hay.
Yossarian biết đó là một câu hỏi hay bởi vì Yossarian là người sưu tầm các câu hỏi hay và sử dụng chúng để ngắt quãng các buổi học mà một thời Clevinger từng tiến hành hai tối mỗi tuần trong lều quân báo của đại úy Black với một viên hạ sĩ đeo kính mà ai nấy đều biết là một kẻ phản động. Đại úy Black biết gã là một kẻ phản động bởi vì gã đeo kính và sử dụng những từ như thuốc chữa bách bệnh, xã hội không tưởng, và bởi vì gã phản đối Adolf Hitler, kẻ đã hoàn thành xuất sắc việc chống lại những hoạt động không có người Mỹ tham gia ở nước Đức. Yossarian tham gia các buổi học này bởi vì y muốn biết được tại sao có nhiều người đến thế đang nỗ lực đến thế để giết y. Cũng có khá nhiều người quan tâm, và có nhiều câu hỏi hay khi Clevinger và viên hạ sĩ phản động kết thúc buổi học và mắc phải sai lầm khi hỏi xem mọi người có câu hỏi nào không.
“Tây Ban Nha là ai?”
“Tại sao lại Hitler?”
“Khi nào thì hợp lý?”
“Cái lão còng mặt nhợt mà tôi từng gọi là bố ấy ở đâu khi cái đu quay bị hỏng?”
“Biện pháp cuối cùng ở Munich là thế nào?”
“Hô hô beriberi(9).”
và
“Cái con kẹc!”
tất cả vang lên liên tiếp, và sau đó đến lượt Yossarian với câu hỏi không có câu trả lời:
“Những Snowden của muôn năm cũ giờ đâu?”
Câu hỏi đó khiến mọi người phiền lòng, bởi vì Snowden đã chết trên bầu trời Avignon khi Dobbs phát điên ngay trên không và giật lấy cần điều khiển từ tay Huple.
Viên hạ sĩ giả ngơ. “Cái gì cơ?” gã hỏi.
“Những Snowden của muôn năm cũ giờ đâu?”
“Tôi e là tôi không hiểu ý anh.”
“Où sont les Neigedens d’antan?”(10) Yossarian nói lại để gã dễ hiểu hơn.
“Parlez en anglais(11), lạy Chúa,” viên hạ sĩ nói. “Je ne parle pas francais(12).”
“Tôi cũng không biết,” Yossarian trả lời, y đã sẵn sàng sử dụng tất cả từ ngữ trên thế giới này để truy hỏi gã nếu có thể, nhưng Clevinger xen vào, trông tái nhợt và gầy nhom, thở không ra hơi, một màn nước mắt ướt át đã lấp lánh phủ lấy đôi mắt thiếu ăn của gã.
Trụ sở liên đoàn đã được báo động, bởi vì không thể biết được mọi người sẽ phát hiện ra những gì một khi họ được phép tự do đặt câu hỏi. Đại tá Cathcart điều trung tá Korn tới chấm dứt vụ này, và trung tá Korn đã thành công với một quy định về việc đặt câu hỏi. Quy định của trung tá Korn thật là một kiệt tác, trung tá Korn đã giải thích như vậy khi báo cáo tình hình cho đại tá Cathcart. Theo quy định của trung tá Korn, chỉ những người chưa bao giờ đặt câu hỏi thì mới được phép hỏi. Chẳng mấy chốc, chỉ có những người chưa từng đặt câu hỏi mới tham dự buổi học, và những buổi học này đã bị ngừng hết lại, bởi vì Clevinger, viên hạ sĩ và trung tá Korn nhất trí rằng không thể và không cần phải giáo dục những người không bao giờ đặt câu hỏi.
Đại tá Cathcart và trung tá Korn sống và làm việc ở tòa nhà trụ sở của liên đoàn, cùng với tất cả những người khác cùng biên chế, trừ cha tuyên úy. Tòa nhà trụ sở liên đoàn là một khối kiến trúc khổng lồ, lộng gió và cổ xưa xây từ đá bột đỏ và những ống nước kêu ầm ĩ. Đằng sau tòa nhà là một trường bắn đĩa bay rất hiện đại được đại tá Cathcart xây dựng làm chỗ giải trí dành riêng cho các sĩ quan trong đơn vị, nhưng giờ thì, nhờ ơn tướng Dreedle, tất cả các sĩ quan và lính chiến, đều phải tới chơi ở đó ít nhất tám tiếng một tháng.
Yossarian cũng bắn đĩa, nhưng chưa lần nào trúng. Appleby bắn đĩa, và chưa bắn trượt phát nào. Yossarian bắn đĩa cũng kém như đánh bạc. Y chưa từng thắng bạc bao giờ. Kể cả có gian lận thì y cũng không thắng nổi, vì những người chơi cùng y còn giỏi gian lận hơn y. Có hai điều đáng thất vọng mà y chấp nhận về bản thân: y sẽ không bao giờ trở thành một xạ thủ bắn đĩa, và y sẽ không bao giờ kiếm được tiền.
“Phải có đầu óc thì mới không kiếm được tiền,” đại tá Cargill viết như vậy ở một trong các thông báo nội bộ sặc mùi thuyết pháp ký tên Peckem mà gã vẫn thường chuẩn bị để phân phát cho mọi người. “Ngày nay, bất cứ kẻ ngốc nào cũng có thể kiếm được tiền và hầu hết bọn họ đều kiếm được tiền. Thế những người xuất sắc và có đầu óc thì sao? Thử chỉ ra, chẳng hạn như, một nhà thơ có thể kiếm tiền xem nào.”
“T.S. Eliot,” cựu binh nhất Wintergreen lên tiếng từ phòng phân loại thư ở trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy, rồi dập điện thoại ngay mà không nói tên mình.
Đại tá Cargill ở Rome kinh ngạc.
“Ai đấy?” tướng Peckem hỏi.
“Tôi không biết,” đại tá Cargill trả lời.
“Anh ta muốn gì?”
“Tôi không biết.”
“Chậc, thế anh ta đã nói gì?”
“ ‘T.S. Eliot,’ ” đại tá Cargill báo cáo.
“Là gì vậy?”
“ ‘T.S. Eliot,’ ” đại tá Cargill lặp lại.
“Chỉ ‘T.S. gì gì đó’ thôi sao?”
“Vâng thưa sếp. Đó là tất cả những gì mà anh ta nói. Chỉ là ‘T.S. Eliot.’ ”
“Tôi tự hỏi như vậy có nghĩa gì,” tướng Peckem suy tư.
Đại tá Cargill cũng tự hỏi như vậy.
“T.S. Eliot,” tướng Peckem trầm ngâm.
“T.S. Eliot,” đại tá Cargill cũng lặp lại với vẻ băn khoăn rầu rĩ.
Một lúc sau, tướng Peckem đứng dậy với một nụ cười ngọt ngào và nhân từ. Gương mặt của ông toát lên vẻ sắc sảo và thạo đời. Cặp mắt ông long lên độc ác. “Bảo ai đó nối máy với tướng Dreedle cho tôi đi,” ông ra lệnh cho đại tá Cargill. “Đừng để cho ông ta biết ai gọi.”
Đại tá Cargill đưa điện thoại cho ông.
“T.S. Eliot,” tướng Peckem nói, đoạn dập máy luôn.
“Ai đó?” đại tá Moodus hỏi.
Tướng Dreedle, ở Corsica, không đáp lời. Đại tá Moodus là con rể của tướng Dreedle, và tướng Dreedle, theo sự nài nỉ của vợ và đi ngược lại với óc đánh giá khôn ngoan hơn của mình, đã đưa chàng rể vào quân đội. Tướng Dreedle nhìn đại tá Moodus chằm chằm đầy căm ghét. Chỉ cần nhìn thấy thằng con rể thôi ông đã ghét cay ghét đắng, nhưng tay này lại là trợ lý của ông và do vậy luôn có mặt bên cạnh ông. Ông đã phản đối con gái mình cưới đại tá Moodus bởi vì ông ghét dự đám cưới. Khoác lên một vẻ mặt cau có suy tư đầy vẻ hăm dọa, tướng Dreedle đi tới chiếc gương dài đặt trong phòng làm việc và nhìn chằm chằm vào hình ảnh phản chiếu chắc nịch của mình trong đó. Ông có mái tóc hoa râm, vầng trán rộng cùng chùm lông màu xám thép bên trên cặp mắt và quai hàm lỗ mãng thù địch. Ông chậm chạp nghiền ngẫm về thông điệp bí ẩn mà ông mới nhận được. Dần dần mặt ông dãn ra vì có một ý tưởng mới, ông liếm môi với vẻ thích thú đầy xấu xa.
“Nối máy với Peckem đi,” ông nói với đại tá Moodus. “Đừng để cho tên khốn đó biết ai gọi.”
“Ai đó?” đại tá Cargill hỏi từ Rome.
“Vẫn người đó,” tướng Peckem đáp lời với vẻ hoảng hốt rõ rệt. “Giờ thì anh ta đang bám theo tôi rồi.”
“Anh ta muốn gì?”
“Tôi không biết.”
“Anh ta nói gì?”
“Vẫn thế.”
“Vẫn ‘T.S. Eliot’?”
“Đúng rồi, ‘T.S. Eliot’. Đó là tất cả những gì anh ta nói.” Tướng Peckem nhen lên một ý nghĩ đầy hy vọng. “Có lẽ đó là mật mã mới hoặc cái gì đó, chẳng hạn như kiểu cờ hiệu mỗi ngày. Sao anh không cử người tới phòng thông tin liên lạc xem liệu đó có phải là mật mã mới hay cái gì đó không, hay là mã cờ hiệu cho mỗi ngày?”
Phòng thông tin liên lạc trả lời rằng T.S. Eliot không phải là mật mã mới hay mã cờ hiệu mới.
Đại tá Cargill lại có một ý mới. “Có khi tôi phải gọi điện lên trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy để hỏi xem họ có biết gì không. Ở đó có một nhân viên là Wintergreen mà tôi khá thân. Anh ta là người đã mật báo cho tôi rằng cách hành văn của chúng ta quá dài dòng.”
Cựu binh nhất Wintergreen nói với Cargill rằng ở trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy không có hồ sơ nào nhắc đến T.S. Eliot.
“Anh thấy dạo này cách hành văn của chúng tôi thế nào rồi?” đại tá Cargill quyết định hỏi luôn vụ này nhân lúc đang nói chuyện với cựu binh nhất Wintergreen qua điện thoại. “Tốt hơn rất nhiều rồi, phải không?”
“Vẫn khá dài dòng,” cựu binh nhất Wintergreen đáp lời.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như tướng Dreedle là người đứng đằng sau vụ này,” tướng Peckem cuối cùng cũng thừa nhận. “Anh có nhớ ông ta đã làm gì với trường bắn đĩa bay không?”
Tướng Dreedle đã mở cửa trường bắn đĩa bay của đại tá Cathcart cho mọi sĩ quan và lính chiến. Tướng Dreedle muốn người của mình dành thời gian ở trường bắn đĩa bay nhiều hết mức mà cơ sở vật chất và lịch bay cho phép. Bắn đĩa bay tám tiếng một tháng có tác dụng huấn luyện rất tốt. Huấn luyện mọi người bắn đĩa bay.
Dunbar rất thích bắn đĩa bay bởi vì gã căm ghét từng phút làm việc đó và bởi vì thời gian trôi rất chậm. Gã đã tính được rằng một giờ ở trường bắn đĩa bay với những người như Havermeyer và Appleby có thể dài như mười một lần mười bảy năm.
“Tôi nghĩ anh điên rồi,” đó là cách mà Clevinger phản ứng trước phát hiện của Dunbar.
“Ai muốn biết chứ?” Dunbar trả lời.
“Tôi nói thật đó,” Clevinger tiếp tục nói.
“Ai thèm quan tâm chứ?” Dunbar trả lời.
“Tôi quan tâm lắm đấy. Tôi thậm chí còn nghĩ xa tới mức thừa nhận rằng đời có vẻ như dài hơn n…”
“… thực sự dài hơn n…”
“… thực sự dài hơn… Thực sự sao? Thôi được rồi, thực sự dài hơn nếu như nó có những khoảng thời gian chán nản và bực dọc, b…”
“Biết nhanh tới mức nào không?” Dunbar đột nhiên nói.
“Hả?”
“Chúng nó đi nhanh đến mức nào ấy,” Dunbar giải thích.
“Ai cơ?”
“Năm tháng.”
“Năm tháng.”
“Năm tháng,” Dunbar nói. “Năm tháng, năm tháng, năm tháng.”
“Clevinger, sao anh không để Dunbar yên đi?” Yossarian cắt ngang. “Anh không thấy việc này gây ra thiệt hại như thế nào à?”
“Không sao đâu,” Dunbar cao thượng nói. “Tôi có cả vài thập kỷ để dành cho chuyện này cơ. Anh có biết một năm là bao lâu khi nó trôi đi không?”
“Cả anh cũng câm miệng lại đi,” Yossarian bảo Orr, gã đã bắt đầu cười rinh rích.
“Tôi vừa nghĩ về cô gái đó,” Orr nói. “Cô gái ở Sicily. Cô gái ở Sicily với cái đầu hói.”
“Anh nên câm miệng lại được rồi đấy,” Yossarian cảnh cáo.
“Đó là lỗi của anh,” Dunbar nói với Yossarian. “Tại sao anh lại không cho Orr cười rinh rích nếu như anh ta muốn làm điều đó? Như vậy còn tốt hơn việc phải nghe anh ta nói.”
“Được rồi. Cứ việc làm tới đi, cứ rinh rích mà cười đi nếu anh muốn.”
“Anh có biết một năm là bao lâu khi nó trôi đi không?” Dunbar lặp lại câu hỏi với Clevinger. “Lâu chừng này này.” Gã búng ngón tay. “Một giây trước anh còn đang bước vào đại học, phổi căng tràn dưỡng khí. Hôm nay thì anh đã là một lão già.”
“Già?” Clevinger ngạc nhiên hỏi. “Anh nói gì vậy?”
“Già.”
“Tôi không già.”
“Anh cách cái chết chỉ vài phân mỗi lần anh bay ra trận. Ở tuổi này anh còn có thể già hơn thế chút nào nữa không? Cách đây nửa phút anh mới vừa bước vào trung học, và chuyện cởi được một chiếc xu chiêng cũng ngang với lên được Thiên Đường. Chỉ một phần năm giây trước anh còn là một đứa trẻ với kỳ nghỉ hè mười tuần dài như cả trăm nghìn năm mà khi kết thúc anh vẫn thấy là quá sớm. Vèo cái! Chúng đều trôi đi quá nhanh. Vậy thì vì lý do chết tiệt nào mà anh lại muốn thời gian trôi chậm lại?” Dunbar gần như nổi khùng lên khi kết thúc bài diễn văn.
“Chậc, có thể đúng là vậy,” Clevinger hạ giọng miễn cưỡng chấp nhận. “Có lẽ đời mà muốn có vẻ dài thì thật sự cần phải bị lấp đầy bởi những hoàn cảnh khó chịu. Nhưng nếu mà như vậy thì liệu có ai muốn?”
“Tôi muốn,” Dunbar nói.
“Tại sao?” Clevinger hỏi.
“Ngoài ra thì còn gì nữa đâu?”
9. Beriberi là bệnh tê phù do thiếu vitamin B1.
10. Yossarian tự dịch câu hỏi của mình sang tiếng Pháp, dịch luôn cả tên Snowden thành Neigeden, vì snow (tuyết) là neige trong tiếng Pháp.
11. Tiếng Pháp: Nói tiếng Anh đi.
12. Tiếng Pháp: Tôi không biết tiếng Pháp đâu.