Số lần đọc/download: 10659 / 54
Cập nhật: 2015-11-17 05:36:40 +0700
Chương 4 -
Đ
ốt nén nhang trầm cắm vào những ngôi mộ lâu ngày không người phát quang, chăm sóc, ông Kiên ngậm ngùi:
- Những người nằm dưới ba tấc đất này, đây đều mang họ Hoàng. Giòng họ mình ở vùng này hiện nay so với xưa chỉ còn phân nửa, nhưng ai cũng có đất đai canh tác làm ăn, thế là tốt rồi.
Ba Thìn nói:
- Đó là nhờ ông cố trước kia nhìn xa trông rộng, đã phân chia đất đai cho tất cả con cháu, nên bây giờ ai cũng có một cơ ngơi dù nhỏ để sống qua ngày bằng thu nhập lương thiện. Họ Hoàng của mình không bao giờ vì lợi làm việc bất lương. Ấy vậy mà vẫn lộn vào một con sâu làm rầu nồi canh. Cháu không biết chú đã nói gì với chú Thể về ngôi từ đường họ Hoàng.
Ông Kiên thở dài:
- Chú nói nhiều lắm, nhưng cầm bằng nước đổ lá khoai. Nhưng chú sẽ nói nữa.
Ba Thìn long mắt lên:
- Với chú Thể, chỉ có pháp luật trừng trị. Đồng tiền đã che mờ mắt ông ta. Vì tiền, chú Thể không từ việc độc ác, bẩn thỉu nào đâu. Cháu nghe đồn ông Vũ Đỉnh, cha của Nguyệt Cầm chết là do ….. Ông Kiên gạt ngang:
- Đừng đề cập tới chuyện này ở đây. Dầu gì Hai Thể cũng mang họ Vũ. Chú ấy được mang họ Vũ là tốt. Dầu sao trước khi chết bất đắc kỳ tử ông bố của ông Thực cũng còn lương tâm nên mới nhận cháu ruột mình. Được mang họ Vũ, Hai Thể bây giờ mới tha hồ tung hoành.
Ba Thìn bực bội:
- Khi chú và ông Thực về Sài Gòn, chú Thể sẽ thừa cơ bành trướng hơn nữa bãi gỗ lậu. Hừ! Người ta đồn đại rằng, bố điên sẽ sinh ra con khùng, đằng này chú Thể lại quá khôn ngoan, quỷ quyệt. Chỉ tội cho vong linh bà cô đã bị chú ấy lợi dụng kiểu buôn thần bán thánh để làm tăng uy tín của mình với những người mê muội.
Ông Kiên bức xức:
- Hai Thể đâu chỉ lợi dụng vong linh của mẹ mình, cậu ấy cũng thêm mắm dặm muối vào chuyện bị mắc lời nguyền của họ Vũ để đưa mình lên vị trí độc tôn sau khi ông Vũ Đỉnh chết. Hắn lợi dụng những người bị nhiễm chất độc màu da cam, sanh con dị dạng để tô đậm sắc màu mê tín cho cái gọi là bị ứng bởi lời nguyền cả trăm năm nay của họ Vũ. Hắn quả là tay bịp bợm. Dù là anh em cô cậu với Hai Thể, nhưng chú không thể bênh vực Hai Thể được. Suốt một tuần qua, chú đã đi hầu như khắp vùng này. Trẻ con ở đây sứt môi, hở hằm ếch rất nhiều. Thậm chí có đứa bị dị tật, dị dạng, chậm phát triển trông rất thương tâm. Họ là nạn nhân của chiến tranh, của chất độc màu da cam. Lẽ ra Hai Thể và ông Đỉnh phải giúp đỡ họ, đằng này cả hai lại đồng lòng đòi lại đất đai xưa kia được mướn, khiến họ lâm vào cảnh túng quản phải theo bọn phá rừng kiếm sống.
Ngừng lại một chút như để ngăn xúc động, ông Kiên nói tiếp:
- Tới chòi của những gia đình này, chú thật phẫn nộ khi thấy tận mắt cuộc sống thê thảm của họ.
Ba Thìn rùng mình:
- Chú không phải kể cháu cũng đã hình dung ra.
- Hai Thể văn vẻ gọi những người dị dạng này là “Hội chứng bệnh của người họ Vũ”.
Ba Thìn ngắt lời ông Kiên:
- Thì đúng như vậy mà chú. Lời nguyền phán rằng:
“Họ Vũ sẽ có những đứa yểu tướng, chết non, quái thai, dị dạng”. Cháu nghe kể, trước đây một cô gái nhà giàu họ Vũ có chồng giàu có, nhưng đẻ toàn quái thai. Dân gian gọi chúng là con ranh, con lộn. Người ta thích khắc dấu vào đứa quái thai ấy trước khi chôn, lần sau mẹ nó sanh ra đứa quái thai khác có cái dấu y như đứa đã bị làm dấu lần trước.
Ông Kiên trầm giọng:
- Đó chỉ là lời truyền miệng đầy mê tín, chuyện đó nếu giải thích theo khoa học sẽ khác đi và không có gì kỳ bí hết.
Ba Thìn ra chiều hiểu biết:
- À, hông hợp máu, khác gien gì chớ gì. Cháu từng nghe giải thích, nhưng khó hiểu quá. Cứ hiểu theo dân gian, đó là luật nhân quả, tổ tiên gieo cái ác, con cháu phải hưởng.
- Nhưng những người bị nhiễm chất độc màu da cam ấy đâu phải toàn họ Vũ.
- Chú không biết đó thôi, đa số đều có họ hàng cả.
- Trong cùng một xớm, một làng đương nhiên phải có quan hệ dây mơ rễ má. Chú được biết vùng đất cả dòng họ Vũ ơ? trước đây cây cối chết hết vì chất độc hóa học, đa số họ sanh con dị dạng là đương nhiên. Chúng ta không đào sâu vấn đề lời nguyền gì đó nữa. Họ là nạn nhân của chiến tranh, chúng ta phải giúp đỡ họ.
Ba Thìn hoang mang:
- Giúp bằng cách nào?
Ông Kiên lấp lửng:
- Thì cũng phải có cách chứ. Đó là trách nhiệm của một bác sĩ như chú.
Nhìn đồng hồ, ông Kiên nói tiếp:
- Chú, ông Thực và Hai Thể sắp có một cuộc nói chuyện quan trọng. Chú phải về thôi.
Ba Thìn chỡ ông Kiên khỏi khu nghĩa trang của họ Hoàng. Về đến nhà của Nguyệt Cầm, hai người đã thấy một chiếc xe jeep dân dụng đậu nghêng ngang trong sân.
Thìn chép miệng:
- Không biết chú sẽ nói gì với chú Hai Thể, nhưng cháu đoán mội việc không đơn giản đâu. Cháu thấy lo.
Ông Kiên vỗ vai Ba Thìn:
- Không gì phải lo cả. Yên tâm đi.
Kha đứng đón ông ngay cửa:
- Mọi người đang chờ ba.
Ông Kiên ung dung bước vào. Gian đại sảnh hôm nay được mở rộng hết tất cả các cửa. Gian phòng kê một chiếc bàn dài. Ông Thực đang ngồi đối diện với một người mặt mày giảo hoạt. Vừa thấy ông Kiên, Hai Thể đã oang oang mồm mép:
- Chờ ông anh ngót nửa tiếng rồi đấy. Với em đây, thời giờ quý hơn cả vàng bạc nữa đấy các ông anh ạ.
Ông Kiên kéo ghế:
- Tôi biết vì thời gian của chú được đo đếm bằng máu, nước mắt của người khác mà.
Mặt vẫn tỉnh như không, ông Thể đốp chát:
- Anh Kiên nói chí phải. Có máu, nươc' mắt người ta mới biết quý đồng tiền. Nào, hai ông anh gọi thằng con ra đây có chuyện gì? Xin cứ bắt đầu đi.
Ông Thực cao giọng:
- Gọi Nguyệt Cầm, Bích Chiêu vào đã.
Ông Thể ra vẻ ngạc nhiên:
- Ô hay. Chuyện của đàn ông sao lại gọi lũ con gái vào làm gì cho rách việc?
Ông Thực từ tốn:
- Thời buổi này nam nữ bình đẳng. Hơn nữa, bọn trẻ cần phải biết những chuyện của giòng họ. Ba Nguyệt Cầm đã mất, con bé đâu thể nào vắng mặt được.
Ông Thể cười gằn:
- Thì ra là thế. Tôi có cảm giác mình sắp bị đưa ra phán xét vì là con cháu họ Hoàng lẫn họ Vũ rồi đây.
Bích Chiêu, Nguyệt Cầm lần lượt vào. Kha nhanh nhẩu đẩy chiếc xe lăn của Cầm vaò sát bàn rồi ân cần ngồi cạnh như để làm một điểm tựa vững chắc cho cô. Nhìn vẻ yếu đuối rụt rè của Cầm, Bích Chiêu còn phải động lòng trắc ẩn, huống chi một gã đa tình như Kha. Rất kín đáo, cô lặng lẽ ngồi một góc và quan sát từng người. Dĩ nhiên người cô chú ý đầu tiên phải là ông Thể. Theo vai vế và quan hệ họ hàng, ông ta vai chú của Chiêu lẫn Kha.
Đó là một người đàn ông có gương mặt xương xương, một gương mặt tàn nhẫn lạnh tanh khiến khi nhìn vào, người ta thấy sợ. Những ne/t vừa thông minh, vừa điên dại, vừa phản phúc, thâm hiểm cùng một lúc bộc lộ trên gượng mặt ngạo mạn ấy. Ngồi đối diện với ông Thể là bác sĩ Kiên với vẻ mặt định đạc, thông thái của một trí thức có tâm huyết với nghề. Ở ông toát lên vẻ bao dung, nhân hậu mà người ta sẽ yên tâm đặt niềm tin vào ông dù mới gặp lần đầu.
Ông Kiên ngắt ngang suy nghĩ của Bích Chiêu bằng giọng trầm buồn:
- Lúc nãy tôi về trễ vì đã nấn ná hơi lâu trong nghĩa trang của gia tộc tôi. Hồi tôi còn bé, nghĩa trang ấy chỉ là một vùng đồi hoang lơ thơ dăm ba ngôi mộ, bây giờ sao mà nhiều thế. Tôi đốt nhang cho từng người nằm dưới lòng đất và tự hỏi:
“Họ nghĩ gì về chúng ta? Họ có bằng lòng khi thấy ngôi từ đường, nơi thờ cúng họ trở thành một nơi cho dân tứ chiếng giang hồ tụ tập về để làm ăn phi pháp không?” Ông Thể ngắt ngang lời ông Kiên bằng một tràng cười, và nói:
- Ông anh của tôi ơi. Các cụ bằng lòng quá đi chớ. Trước đây, anh không về mà xem vùng đất này nó tiêu điều, hiu quạnh ra sao. Nghèo đói, xác xơ ra sao. May nhờ tôi và ba cháu Nguyệt Cầm mạnh dạn đứng ra cho thuê bãi mướn người đốn cây xẻ gỗ, tổ chức mua bán, tạo công ăn việc làm cho bà con ở đây, nên bây giờ người người, nhà nhà đều có tí tiền lận lưng ấy chớ.
Ông Kiên nghiêm mặt:
- Từ đường, đình miếu là nơi thiêng liêng chú không thể vì đồng tiền mà khuấy động nơi yên tỉnh ấy.
Ông Thể giẫy nẩy lên:
- Tôi mà khuấy động nhà từ đường à? Anh đã tới nơi xem tận mắt cơ mà. Từ đường nhà mình suốt ngày nhang khói nghi ngút chớ đâu như xưa vắng hơn chùa bà Đanh. Cả cái miếu thờ mẹ tôi cũng vậy. Dân ở đây và cả từ xa tới đều thờ kính bà. Lẽ ra phải lấy đó làm điều hãnh diện, anh lại bài bác, đúng là ……..là ………Hừ! Chính anh mới không coi tổ tiên, ông bà ra gì cả.
Ông Kiên bình tỉnh:
- Tôi không có ý tranh cãi với chú, nhưng tôi dứt khoát phản đối chú sử dụng đất hương hỏa với mục đích riêng, hơn nữa việc chú đang làm là bất hợp pháp.
Mắt hất lên trời, ông Thể cười nhạt:
- Anh là người duy nhất dám nói việc tôi làm là bất hợp pháp. Anh em với nhau, anh cân chi nặng lời dữ vậy?
Đứng dậy rút trong ví ra một tờ giấy gấp tư được ép plastic cẩn thận, ông Thể cao giọng:
- Trình hai ông anh và cả các cháu giấy phép được khai thác gỗ tạp của tôi. Hai Thể này làm ăn đàng hoàng, rất có uy tín, chớ không làm lậu đâu.
Ông Thực liếc vội vào tờ giấy phép. Là người kinh đoanh, ông lạ gì những loại giấy phép này, vì những người có giấy phép luôn sử dụng nó ở phạm vi rộng hơn để hưởng lợi.
Ông nhìn Hai Thể:
- Tôi thừa hiểu quyền hạn của tờ giấy phép này, nên tôi không bàn tới nó. Điều tôi muốn nói là việc thừa kế đất đai của các cụ. Ông nội có hai người con là ba tôi và chú Lưc, từ mới lọt lòng chú Lực đã bị chứng chậm phát triển, lúc nào cũng ngờ nghệch như trẻ con, do đó việc thừa kế chính thức đất đai thuộc về người con cả là ba tôi. Khi ba tôi và hai người anh đột ngột qua đời, mẹ tôi đã mang tôi vào Sài Gòn sinh sống. Đất đai, nhà cửa giao lại cho bà mẹ kế tức là bà nội Nguyệt Cầm chăm sóc.
Ông Hai Thể cướp lời ông Thực:
- Nhưng bác gái cũng đâu dám ở đây, mà đưa anh Đỉnh về quê. Suốt thời gian dài ông bố khùng của tôi cùng đất đai nhà cửa giao cho gia đình lão Tư Bền quản lý, mãi đến sau chiến tranh, anh Đỉnh làm ăn thất bại mới trở về bám vào đất này. Anh ấy vỗ ngực xưng mình là người thừa kế hợp pháp duy nhất của họ Vũ và gạt phắt đi hết tên tuổi của những người khác như anh hay tôi chẳng hạn.
Thấy tất cả im lặng nghe mình, ông Thể nói tiếp:
- Tôi cũng chả đòi hỏi gì cho mình đâu. Giành giật chỗ đất đai, nhà cửa bị ám ấy làm gì cho mang thêm tội chớ. Tôi đã có phần đất được chia bên họ mẹ đủ rộng để làm ăn rồi cơ mà. Nhưng thấy anh Đỉnh xuống dốc quá, tôi mới chỉ lối cho anh ấy đi tìm đường sống. Để nới rộng mặt bằng, anh Đỉnh đã đồng ý cho tôi thuê toàn bộ đất của họ Vũ. Anh em cùng nhau khai thác rừng, buôn bán gỗ. Nào ngờ chưa bao lâu anh ấy lại đột tử. Hợp đồng thuê đất vẫn còn rành rành đây. Tháng nào tôi cũng trả đủ, thậm chỉ trả dư tiền thuê cho Nguyệt Cầm nữa kìa.
Ông Thực nói:
- Chú và chú Đỉnh lấy lại toàn bộ đất trước kia ba đời đã cho dân quanh vùng mướn để canh tác, khiến họ lâm vào cảnh khốn cùng đành phải làm thuê cho chú. Như vậy coi không được.
Ông Thể nghêng ngang:
- Sao lại không được? Làm cho tôi, thu nhập ngon cơm hơn cấy sâu cuốc bẩm ở vùng đồi trọc này nhiều.
- Nhưng đó là việc phạm pháp.
Dằn tờ giấy phép ố vàng xuống bàn, ông Thể ngạo nghễ:
- Vậy thì anh đi báo chính quyền, nếu các anh không tin tờ giấy phép này. Quy luật trong rừng là phải tỉa bớt cây, bớt cành. Tôi làm đúng vậy và bán cây cành tỉa đó cho dân làm củi. Vậy là phạm pháp à?
Ông Thực nhỏ nhẹ:
- Tôi không thưa gởi, khai báo vì chú là em tôi. Nhưng tôi không đồng ý chuyện cho chú thuê đất để làm bãi đáp gỗ nữa. Tôi muốn cho dân ở đây thuê đất như trước kia ba tôi đã làm.
Ông Thể phẩy tay:
- Sẽ chẳng ai thèm thuê đất đâu.
Ông Kiên nói:
- Tôi tin chắc là có và tôi sẽ giúp họ làm được điều này.
Ông Thể không nao núng:
- Việc của anh là trị bệnh. Xía vô chuyện đất đai làm chi?
Ông Kiên cười nhạt:
- Tôi đang làm trách nhiệm của người thầy thuốc đó chứ. Chú thừa biết dân ở đây bị nhiễm chất độc màu da cam rất nặng nhưng chú đã không giúp đỡ mà con lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của họ để bắt chẹt, để tô đậm màu sắc hoang đường của lời nguyền giòng họ Vũ.
Ông Thể lạnh lùng:
- Ai muốn nói gì, nghĩ gì về tôi cũng mặc, nhưng tôi sẽ đi tiếp con đường đang đi. Tôi sẵn sàng đập bỏ bất kể chướng ngại vật nào trên con đường đó.
Lừ mắt về phía Nguyệt Cầm, khiến cô phải run lên bấu lấy tay Kha, ông Thể gằn từng tiếng:
- Cháu phải biết mình sống ở đâu, nương tựa vào ai để giữ vững lập trường, chớ không thể bị lung lạc bởi những người cả đời mới về quê một lần mà đã dám lên mặt.
Dứt lời, ông Thể đẩy cái ghế đánh rầm và ngạo mạn bước đi trước những bộ mặt xanh xám vì giận của ông Kiên và ông Thực.
Không dằn được tự ái, Kha chạy bổ theo kéo tay Hai Thể lại:
- Vấn đề vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, chú không được về.
Đẩy mạnh Kha khiến anh va cả vào vách tường, Hai Thể quát:
- Mày thuộc hàng con cháu, đừng dại dột vây vào tao nhé.
Ông Kiên trầm giọng:
- Kha! Để chú Thể về.
Được nước, Hai Thể làm tới:
- Rừng nào cọp nấy, các anh không làm gì được tôi đâu. Mau rời khỏi đây là tốt nhất.
Ông Thực tức tối nhìn theo ông Thể:
- Đúng là nghiệp chướng.
Ông Kiên trầm tỉnh hơn:
- Tôi đoán kết quả sẽ thế này. Hai Thể đâu thể nào chịu dẹp cuộc làm ăn béo bở đó. Trừ phi khu vực này …..hết rừng. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải giúp những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam. Nếu chúng ta thành lập được ở đây một trung tâm nhân đạo thì hay biết mấy.
Ông Thực gật gù:
- Tôi tán đồng ý kiến này. Còn Nguyệt Cầm thì sao?
Cầm rụt rè:
- Cháu cũng rất muốn, nhưng không biết phải làm sao.
Ông Thực khoát tay:
- Dễ thôi. Quan trọng là ở tấm lòng, biết mọi người. Tôi muốn dân ở đây sẽ có cái nhìn khác về dòng họ Vũ.
Ông Kiên lên tiếng:
- Tôi quen biết nhiều tổ chức nhân đạo trong nước và ngoài nước, tôi sẽ lập đề án, rồi tuyên truyền, vận động để họ giúp đỡ.
Nguyệt Cầm lo lắng:
- Nhưng chỗ này hẻo lánh, xa xôi quá.
Kha ngắt lời cô:
- Tôi nghe nói con đường Xuyên Việt sẽ chạy ngang đây, sang năm, điện cũng về tận từng nhà. Có đường, có điện xa cũng hóa gần.
Nguyệt Cầm nói yếu ớt:
- Nếu được thì còn gì bằng, chỉ sợ khi rời khỏi đây, mọi người lại quên những ý tưởng tốt đẹp đó.
Bích Chiêu vội vã:
- Chúng tôi sẽ không quên đâu.
Ông Thực nhỏ nhẹ:
- Bác muốn đưa cháu về thành phố để chữa chân. Y học bây giờ tiến bộ lắm. Rồi cháu sẽ trở lại bình thường.
Ông Kiên tán đồng:
- Phải đấy. Tôi sẽ giới thiệu bác sĩ giỏi nhất cho cháu.
Kha dịu dàng hơn bao giờ hết.
- Tôi hy vọng Cầm sẽ đồng ý để tôi có dịp đưa Cầm đi dạo khắp Sài Gòn.
- Chỉ sợ làm phiền mọi người.
Bích Chiêu chân tình:
- Sao Nguyệt Cầm lại nói vậy? Chúng ta là chị em mà. Tôi rất vui nếu chị về ở chung nhà.
Ông Thực đi tới quyết định:
- Không bàn luận nữa, cháu sẽ cùng đi với chúng tôi ít ngày tới. Ngôi nhà này sẽ giao lại cho Tư Bền và bà Nhì quản lý. Để cháu ở đây, bác không yên tâm khi nhớ tới chú Hai Thể. Chắc chắn chú ấy sẽ gây áp lực với cháu.
Hướng về phía Kha với tất cả tin tưởng, Nguyệt Cầm khe khẻ gật đầu. Nhưng khi nhìn vào mắt Cầm, Bích Chiêu chợt bắp gặp những tia rất lạ, nơi chỉ có ở người nhiều tham vọng và thủ đoạn. Ánh mắt của Nguyệt Cầm khiến Chiêu liên tưởng đến ông Hai Thể. Đúng là trông họ giống nhau nhưng nếu như tất cả các đường nét của Cầm đều xinh xắn, dễ thương thì ông Thể trông thô cục, xấu xí.
Dầu sao, hai người cũng là chú cháu, nên có những nét giống là đúng. Vái trời sao Bích Chiêu đừng có nét nào giống ông chú Thể vì thật tình Chiêu chẳng ưa ông ta chút xíu nào.
Nguyệt Cầm đồng ý về Sài Gòn để chỉnh hình bàn chân dị tật, cô ta sẽ sống chung với cô dưới một mái nhà.
Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ở nhà cô, ở đây và ở những tháng ngày dằng dặc trước mắt.
Bích Chiêu cố lách người qua đám đông đang tụ tập trước một siêu thị lớn để vào trong. Hôm nay là ngày khai trương nên khách đông quá sức. Người ta còn bày đặt ……dụ khách bằng chiêu:
“Ai mặc áo đỏ sẽ được giảm giá”. Dĩ nhiên Chiêu cũng mặc áo đỏ để được giảm giá, mặc dù cô chưa biết sẽ mua món gì ở đây.
Cô chen chúc giữa bao nhiêu là người áo đỏ. Dừng lại ở gian bán đồ lưu niệm rồi đứng như chôn chân tại đây vì những mặt hàng vô cùng phong phú, đa dạng của nó. Bích Chiêu rất thích nghệ thuật tạo hình nên cô không thể bỏ qua những món đồ chơi trẻ con đắt tiền đủ chủng loại, những bức tranh thêu tay đặc sắc, những hợp âm nhạc ngộ nghĩnh, các bình hoa khô đẹp tuyệt và những tấm thiệp thủ công xinh xắn.
Theo chiều xô đẩy của dòng người, Bích Chiêu dạt sang quầy quần áo. Cô chọn cho mình một áo thun màu đen rồi ra quầy trả tiền.
Dĩ nhiên mặc áo đỏ sẽ được giảm giá, không bao nhiêu nhưng đủ làm Chiêu khoái chí, vì nghĩ mình đã mua rẻ một món hàng.
Đang đứng xép hàng chờ tới phiên tính tiền, Chiêu bỗng giật mình khi thấy một cô gái, cô ta đứng tuốt trong quầy bán đồ gỗ cao cấp gần đó. Lẫn trong nhiều người mặc áo đỏ, cô ta nổi bật với cái đầm trắng sang trọng, hợp thời trang. Điều làm Chiêu phải sững sờ là cô gái ấy trông giống Nguyệt Cầm như tạc.
Bích Chiêu chớp mắt mấy cái liên tục, cô kiểng chân lên để nhìn cho rõ hơn. Cô ta giống Nguyệt Cầm đến mức đáng kinh ngạc. Dù Chiêu biết chắc không phải Nguyệt Cầm, cô cũng vẫn dõi mắt nhìn theo khi cô gái uyển chuyển trên đôi giày cao gót, bước vào cầu thang cuốn để lên tầng trên của siêu thị. Cô ta không một mình mà đi cùng một người đàn ông đứng tuổi trông giống một tay anh chị. Cô gái chắc chắn không thể là Nguyệt Cầm, cô ta còn giỏi hơn Chiêu ở khoảng không đứng một chỗ, mà đi trên thang cuốn. Rõ ràng đây là dân thành phố, hạng trung lưu, nên mới thạo sử dụng loại thang chỉ có ở những nơi sang trọng này. Từ khi về Sài Gòn tới nay, Bích Chiêu không nghe tin tức gì của Nguyệt Cầm. Lần đó tới phút chót, Nguyệt Cầm đã từ chối theo ba cô về thành phố để phẩu thuật chỉnh hình chân, mặc kệ mọi người cố hết sức thuyết phục.
Người thất vọng và có lẽ buồn nhất là Kha. Anh chàng ủ dột suốt chuyến về, khiến Bích Chiêu cũng thấy buồn lây. Giờ này chắc Nguyệt Cầm đang ngồi trên xe lăn mắt dõi về phía những dải núi thấp xa xa, hoặc chôn chân trong căn phòng âm u, ẩm móc của ngôi nhà củ kỹ, thênh thang đó, chớ làm sao ở đây được, trừ phi thế giới này còn tồn tại những bà tiên, ông bụt.
Bích Chiêu có viết cho Nguyệt Cầm hai lá thư, nhưng không được hồi âm nên cô không viết nữa. Câu chuyện ….quê hương như chìm vào quên lảng. Cô không hiểu ba mình và bác sĩ Kiên đã làm được gì để giúp đỡ những người ở nơi chôn nhau cắt rốn như từng hứa với Nguyệt Cầm, mà mỗi lần cô hỏi ông chỉ lừ mắt bảo:
- Con nít hỏi làm chi?
Hừ! Cô mà con nít. Nghĩ ức thật, nhưng Chiêu vẫn làm thinh. Mẹ nói ba không muốn người nhà dính líu tới chuyện ngoài quê. Lần đó, nếu không có điện thoại bảo ông bệnh, Chiêu phải ra rước ông về gấp, chắc chắn trong nhà này không được một ai đi về xứ để biết nào là quê hương.
Mãi tới bây giờ, Bích Chiêu vẫn còn ấm ức nhiều chuyện mà cô biết có hỏi ba cô cũng sẽ không giải thích. Chẳng hạn như chuyện ông bị ngủ li bì khi bệnh ở ngoài ấy. Cảm ngủ là như thế sao? Chiêu thật không hiểu nổi, ngay cả Kha cũng ú ớ khi cô thắc mắc. Thôi thì cứ tạm chấp nhận lời giải thích phản khoa học của bà Nhì là:
Mấy ngày nằm như chết của ba cô là do ông xuất hết hai hồn năm vía theo ông bà tổ tiên, may sao cô từ Sài Gòn ra kịp réo hồn vía ông lại, nên ba cô mới tỉnh dậy.
Tư tưởng của người ngoài xứ Chiêu là như thế, bảo sao Nguyệt Cầm không cho rằng:
Nếu chỉnh hình chân xong thế nào cô ta cũng bị bắt đắc kỳ tử như những người đã từng ở trong ngôi nhà của tổ tiên đó.
Nghĩ vừa giận mà lại vừa thương. Có lẽ tối nay về, Bích Chiêu sẽ viết cho Cầm lá thư thứ ba, dầu sao Cầm với Chiêu là chị em, cũng cùng mang họ Vũ cơ mà.
Nghĩ là nghĩ thế, nhưng Bích Chiêu vẫn gọi:
- Nguyệt Cầm! Nguyệt Cầm! Cô gái quay lại, mắt nhìn Chiêu với cái nhìn dửng dưng xa lạ rồi thản nhiên quay đi. Bích Chiêu đứng như trời trồng. Cô ta trang điểm hơi đậm, nhưng rõ ràng là Cầm. Những tia mắt rất đặc trưng của cô ta, Bích Chiêu không thể nhầm lẫn với ai. Tại sao Cầm lại làm mặt lạ với Chiêu nhỉ?
Cô bước theo cô gái:
- Đúng là Cầm rồi mà.
Giọng gã đàn ông vừa khô khan, vừa khó chịu:
- Xin lỗi. Chị lầm rồi.
Mắt hắt lên, côgái dằn gót giày thật mạnh như cố chứng tỏ cho Chiêu thấy chân cô ta lành lặn bình thường. Điều đó khiến Chiêu càng tin chắc mình không lầm, nhưng nếu đúng là Nguyệt Cầm thì lý do gì khiến cô ta phủ nhận mình chứ? Còn người đàn ông có vẻ sành đời, láu cá kia là ai?
Quay lại quầy chờ tính tiền, Bích Chiêu vẫn không thể thôi nghĩ tới Nguyệt Cầm. Nếu kể lại chuyện này với ba, chắc ông sẽ không tin đâu.
Mà nghĩ cũng vô lý. Làm sao thể là Nguyệt Cầm nhỉ? Chẳng qua người giống người đó thôi. Nhưng lẽ nào giống cả tia nhìn chỉ có Chiêu mới cảm nhận được là của riêng Nguyệt Cầm.
Về đến nhà rồi, nhưng đầu óc Chiêu vẫn còn bị Cầm chi phối. Cô xuống bếp mở tủ lạnh uống nước và nghe giọng dì Lài thì thào:
- Ba mẹ con đang có chiến tranh đó.
Chiêu tò mò:
- Vì chuyện gì hả dì?
- Ông đòi về ngoài ấy nữa, nhưng bà không chịu.
- Về để làm chi, ba con có nói không?
Bà Lài bĩu môi:
- Để đưa con nhỏ Nguyệt Cầm vào đây chữa chân. Ôi dào! Nó đã không muốn, hơi đâu phải nhọc công cho lục đục trong nhà hổng biết nữa.
Bích Chiêu cãi:
- Nhưng ý ba là ý tốt. Con ủng hộ.
Bà Lài lắc đầu:
- Đúng là trẻ người non dạ, chả biết nhìn xa trông rộng.
- Vì nhìn xa trông rộng, ba con mới lo cho Nguyệt Cầm. Dì thử nghĩ coi, con gái mà tật nguyền thì khổ cỡ nào.
Bà Lài vẫn khăng khăng giữ ý của mình:
- Đành là vậy. Nhưng sẽ rắc rối vô cùng khi Nguyệt Cầm về đây ở. Nói dại, lỡ như chữa chân không được, con bé lại lăn đùng ra chết, phải tự mình buộc thòng lọng vào cổ không?
Bích Chiêu thảng thốt:
- Trời ơi! Dì nói gì ghê vậy?
Bà Lài thản nhiên:
- Dĩ nhiên đó là tình huống xấu nhất, nhưng tại sao không đăt ra khi ba Nguyệt Cầm bị chết bắt đắc kỳ tử chưa được một năm. Biết đâu chừng, hiện tượng chết trùng sẽ được lập lại.
Giọng hạ xuống thật thấp, bà Lài xì xào:
- Thà chuyện ấy cứ xảy ra ngoài quê, chớ lỡ xảy ra ở đây, không khéo cả nhà mình bị kéo theo đấy.
Bích Chiêu nói như rên:
- Dì làm ơn giùm con đi. Nói những điều tưởng tượng cứ y như thật nghe ớn bỏ xừ.
Bà Lài lầu bầu:
- Con cũng biết ớn nữa sao? Hừ! Để con cứ ….mắng dì mê tín dị đoan. Nói có trời có đất, nếu mê tín sao bà nội con phải bỏ tất cả để chạy vào tận Sài Gòn này? Cả gia đình mình trốn tránh an toàn đã bao nhiêu năm, bây giờ lại tự nhiên rước họ vào theo để họ đòi mạng. Mẹ con không đồng ý đưa Nguyệt Cầm về là đúng.
Bích Chiêu chắt lưỡi:
- Nghĩ như vậy ích kỷ lắm. Con không thích chút nào.
- Vấn đề không phải ở chỗ thích hay không mà là tính mạng. Sự an toàn của cả nhà. Dì thấy từ ngày ba con về ngoài đó rồi trở vào tới nay, không khí gia đình cứ nặng nề sao ấy. Đúng là vây vào họ toàn gặp xui xẻo. Nào là con bị mất giỏ xách, mẹ con bị gãy chân, ba con bệnh ….Chẳng biết còn chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Chiêu nhăn nhó:
- Đó chỉ là những sự ngẫu nhiên thôi. Tại dì lóc nó ra, xâu thành một chuỗi, tô đậm nó lên rồi sợ hãi.
Bà Lài có vẻ giận:
- Nói chuyện với đứa ngang tàng như mày, tức chết được.
Chuông điện thoại reo vang hồi, Bích Chiêu nhắc máy và nghe giọng vú Mười hốt hoảng:
- Thằng Toản …..nó …..nó vào bệnh viện rồi.
Bích Chiêu thảng thốt:
- Tại sao vậy?
- Vú không biết. Người ta điện thoại về bảo như vậy. Nguy hiểm tới tánh mạng đó. Hu, hu.
- Nhưng ….nhưng nhà thương nào?
Bích Chiêu cố gắng lắm mới nghe được tên bệnh viện. Cô biết bà Mười thương anh Toản còn hơn con ruột nên bà không thể bình tỉnh khi nghe anh ấy phải nhập viện với lý do không rõ ràng.
Bà Lài thốt lên tiếng “Trời ơi” khi cô kể lại nội dung cuộc điện.
Bích Chiêu nói:
- Dì báo cho ba mẹ con nha.
Bà Lài luýnh quýnh đi tới đi lui trong bếp:
- Giờ mày tin lời tao chưa? Trời ơi! Lỡ thằng Toản có gì thì sao đây trời? Tao phải nói sao cho hai ông bà đừng sóc đây?
Bích Chiêu liếm môi:
- Dì cứ bình tỉnh, đừng bị những điều nhảm nhí đó chi phối.
Bà Lài lườm cô:
- Nói hay lắm. Mày lên báo cho ổng bả đi. Tao lẩm cẩm rồi, không giữ bình tỉnh được đâu.
Bích Chiêu nhún vai, cô gõ cửa phòng làm việc của ba và thấy ông đang chúi mũi vào một đống giấy tờ.
Dầu cố kiềm chế, nhưng Chiêu vẫn nghe giọng mình run lên:
- Ba à! Vú Mười bảo ……..anh Toản bệnh phải nhập viện rồi.
Ông Thực ngớ người ra mất mấy giây:
- Cái gì? Bệnh viện nào?
Bích Chiêu máy móc nhắc lại tên bệnh viện. Ông Thực trầm tỉnh:
- Bác Kiên làm ở đấy. Ba phải gọi cho bác ấy đã.
Chiêu vội sang phòng mẹ. Bà đang ngồi trên giường với cái chân còn bó bột. Nhìn vẻ hốc hác mệt mỏi của bà, Chiêu không nỡ mở miệng báo tin dữ.
Cô ngồi xuống cạnh mẹ. Bà Chinh bỗng hỏi:
- Nguyệt Cầm là người thế nào?
Bích Chiêu căn' môi:
- Nhìn bên ngoài, Cầm trong dịu dàng, thùy mị. Nếu không muốn nói là quá nhút nhát, rụt rè, nhưng thật sự cô ta như thế nào, con không biết.
- Nói như con, khác nào Nguyệt Cầm là người có lớp vỏ bọc khá tốt?
Bích Chiêu làm thinh, cô nhớ tới cô gái gặp trong siêu thị lúc nãy và ngập ngừng:
- Con có cảm giác là như vậy, nhưng chắc gì đã đúng vì ba, bác sĩ Kiên và Kha đều rất quý Nguyệt Cầm. Trong mắt ba và bố con bác sĩ Kiên, Nguyệt Cầm là một cố gai mong manh như một cành lan mà mọi người có trách nhiệm phải chăm sóc cô ấy. Nhưng sao mẹ lại hỏi về Nguyệt Cầm?
Bà Chinh nói:
- Ba con muốn đưa Nguyệt Cầm vào ở nhà mình luôn.
- Ý mẹ thế nào?
- Mẹ không chịu.
Bích Chiêu nhỏ nhẹ:
- Nhưng đó là cháu của ba. Hoàn cảnh của Nguyệt Cầm rất đáng thương.
Bà Chinh gạt ngang:
- Mẹ biết. Nhưng tốt nhất là không nên có quan hệ gì với ngoài đó. Đụng vào họ toàn gặp xui xẻo thôi. Ba con khăng khăng giữ ý của mình. Đúng là có máu có xót, muốn giúp Nguyệt Cầm còn thiếu chi cách, đâu phải đưa nó về nhà là thượng sách.
Bà Chinh định nói tiếp thì ông Thực bước vào:
- Tôi đến bệnh viện, bác sĩ Kiên đang trên đường vào đó. Bà cứ yên tâm ở nhà, tôi sẽ điện về ngay.
Không đợi bà Chinh kịp thắc mắc, ông Thực đi ngay. Nhin` Chiêu, bà hỏi:
- Ba con vào bệnh viện làm chi?
Bích Chiêu liếm mối, giọng cố bình thản:
- À, vừa rồi, vú Mười bảo rằng anh Toản bệnh đã đưa vào bệnh viện, nhưng không rõ bệnh gì.
Mặt bà Chinh xám xịt, giọng lạc hẳn đi:
- Đại họa tới nữa rồi. Mẹ đã bảo đừng dính dắp đến ngoài ấy mà ba con đâu có chịu nghe. Giờ thằng Toản xảy ra chuyện, biết làm sao đây? Mẹ phải vào bệnh viện mơi được.
Thấy mẹ nhắc cái chân bó bột xuống đất, Bích Chieu ngăn lại:
- Ba bảo mẹ ở nhà kia mà.
- Ở nhà, khác nào ngồi trên đống lửa. Mẹ chịu không nổi.
- Mẹ vào trong đó thêm phiền cho mọi người, chớ có làm được gì.
Bà Chinh giận dỗi:
- Phải. Tôi bây giờ què quặt, chả ích lợi cho ai, nhưng thằng Toản là con tôi, tôi không lo cho nó sao được.
Bích Chiêu dỗ dành:
- Nhưng ba nói sẽ điện thoại về ngay mà. Mẹ ráng chờ một chút.
Bà Lài hớt hải đẩy của. Tay ôm ngực bà vừa thở vừa nói:
- Thằng Toản được đưa vào phòng mổ rồi. Nó bị viêm ruột thừa cấp tính.
Bích Chiêu thở phào nhẹ nhõm:
- Vậy thì không sao.
Bà Chinh nghiêm mặt:
- Động dao, động kéo mà không sao.
Bích Chiêu nhấn mạnh:
- Ý con muốn nói anh Toản vào viện vì viêm ruột chứ không vì những điều dị đoan nhảm nhí như mẹ và dì Lài nghĩ.
Bà Lài mắng át:
- Ranh con! Trứng mà đòi khôn hơn vịt. Chuyện xui xẻo cứ tới dồn dập như vậy, muốn không nghĩ cũng không được.
Giọng bà Chinh dứt khoát:
- Tôi không bao giờ đồng ý cho Nguyệt Cầm ở đây.
Bích Chiêu vọt miệng:
- Mẹ có đồng ý, con nghĩ chưa chắc Nguyệt Cầm ở nhà mình.
Dứt lời cô về phòng nằm vật ra giường với một mớ hỗn độn trong đầu. Nghĩ cho cùng, những điều dị đoan, nhảm nhí của dì Lài đều có cơ sở. Đúng là từ khi ba cô “vây vào” họ hàng ở quê, nhà cô đã gặp nhiều xui rủi. Yếu bóng vía như dì Lài, tha hồ bàn ra, bàn vào rồi sợ hãi. Khi hết mẹ, giờ tới anh Toản phải vào bệnh viện.
Công việc kinh doanh của ba mẹ lúc này lại không thuận buôm xuôi gió cho lắm. Cửa hàng vật liệu xây dựng bỏ mặc cho người làm thuê. Dì Lài cứ ca cẩm:
“Không khéo ba maỳ cụt vốn mất”.
Lẽ ra ba phải chấn chỉnh lại việc làm ăn đằng này suốt ngày ông bận rộn vì quyển gia phả dầy cộm mà ông định sẽ viết lại cho hoàn chỉnh.
Chiêu thở dài. Mẹ cáu kỉnh cũng đúng. Ba đã bỏ mặc công ăn việc làm khi mẹ phải ngồi một chỗ, ông muốn rước Nguyệt Cầm vào lúc trong nhà không yên, bây giờ lại thêm chuyện anh Toản phải mổ nữa. Chắc chắn ý tốt của ba sẽ không thành.
Chiêu chợt ray rứt, cô cũng thương Nguyệt Cầm, muốn Nguyệt Cầm ở cạnh để ….có chị có em. Song nhớ tới ánh mắt dửng dưng, lạnh lùng của cô gái trong siêu thị, ước muốn của cô xìu xuống như bông bống xì hơi mà cô không hiểu vì sao.
Ngồi dậy, Chiêu lấy giấy bút ra. Cô sẽ viết cho Cầm lá thư thứ ba với hy vọng sẽ được hồi âm.