Số lần đọc/download: 2281 / 18
Cập nhật: 2015-09-19 10:30:35 +0700
Chương 3
W
illow - Cross, Carolina Bắc, Tháng tám năm 1963
Đã một trăm năm, không khí vùng Willow Cross bị thâm nhập bởi một mùi hương đặc biệt, lờ lợ, ngòn ngọt, múi thuốc lá. Từ những nhà bán đấu giá, ở đó, những người trồng thuốc độc lập đem sản phẩm của họ đến bán cho những ai trả giá cao hơn hết, từ những nhà ủ thuốc, ở đó các lá thuốc được phơi khô kỹ lưỡng, từ những nhà máy chế biến thuốc… từ một nửa số nhà ở thị trấn, mùi hương ấy bốc lên từ trong không khí, không cách gì không ngửi thấy trong một vùng có bán kính năm mươi dặm.
Có những lúc, điều đó có thể làm cho người ta bực mình và phản đối - và có những người trong thị trấn đã than phiền… nếu thuốc lá không phải là yếu tố chính yếu đã đem lại sự an ninh và thịnh vượng ngày càng gia tăng cho vùng Willow Cross, đã lâu lắm, không ai còn nhớ từ bao giờ.
Cách đây một thế kỷ, vị trí địa dư của thị trấn trên bờ sông ấy, lúc đó còn nhỏ và khí hậu của vùng xung quanh thuận lợi cho việc trồng cây thuốc lá, đã biến Willow Cross thành một địa điểm hấp dẫn đối với nhiều công ty nhỏ, sản xuất ra những món được người dùng thuốc lá ưa chuộng hồi đó, gồm những bánh thuốc lá phơi khô tẩm mật ong và hương liệu và những điếu thuốc vấn cũng bằng lá thuốc tẩm như vậy. Cố nhiên, vào thời đó, thuốc lá được chế biến để cho người ta nhai. Chỉ trong giới quý tộc có một ít người hút xì gà hay nhồi thuốc vào cái tẩu, cách này do người da đỏ thực hành đầu tiên. Chính là vì gặp người da đỏ, nên những người Âu châu thám hiểm và định cư ở Châu Mỹ đã biết hút thuốc.
Vì sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa những nhà sản xuất thuốc lá ở Willow Cross, các ông ty nhỏ bị bắt buộc phải tập hợp lại với nhau. Cá lớn nuốt cá bé và cuối cùng một công ty trở thành bá chủ.
Willow Cross bắt đầu trở thành một thị trấn của một công ty là như thế đó và Công ty thuốc lá Hyland đã trở nên khổng lồ và là một trong những nhà sản xuất thuốc điếu và các phó sản của thuốc lá lớn nhất thế giới.
Những ngày nóng nực, mùi thuốc lá trong không khí ở vùng Willow Cross có thể làm người ta khó thở, như ngày hôm nay gần cuối tháng tám, trong các nhà gỗ rộng rãi của Gabrielle Sandeman và đứa con gái lên sáu, tên là Nicolette. Tuy chiếc quạt máy to tướng thổi mạnh và cho ảo tưởng một làn gió mát, Elle đã sống nhiều mùa hè ở Willow Cross, nên biết rằng không khí chỉ dễ chịu hơn khi bắt đầu có những trận mưa bão của mùa thu. Cô cũng biết không có cách gì tránh được cái mùi thoang thoảng nhưng thâm nhập khắp nơi trong không khí. Cô ghét cái mùi ấy còn hơn cái nóng nung người. Hình như nó chính là biểu tượng của sự rủ rê cô đến đây và những thất vọng cô đã chịu đựng.
- Chờ một chút, con cưng, hãy đứng yên - Elle bực bội gắt lên trong khi chải nốt mái tóc vàng như tơ của đứa con gái và tết lại thành bím.
Đang bị kích thích, nên Niki khó đứng yên một cách thụ động trước tấm gương cao trong phòng ngủ của nó sơn màu trắng và hồng, tuy nó biết mẹ nó không muốn gì hơn là nó xinh đẹp. Ngày hôm nay, mẹ nó đưa nó đi ghi danh vào trường học. Đối với Niki, hai tiếng đó gợi lên hình ảnh những đứa trẻ cười đùa với nhau trong những cuốn sách truyện. Một hình ảnh khác xa hình ảnh cuộc sống yên tĩnh và cách ly mọi người ở nhà mẹ. Niki nhich qua nhích lại trên hai chân vì nôn nóng trông chờ.
Khi Elle tròng vào đầu nó cái áo dài mới ủi, Niki bắt đầu vùng vằng. Vải hồ cứng và chỗ thêu tinh xảo ở áo cọ vào làn da non nhỏ của nó và nó không chịu được, nên nói:
- Tại sao con phải mặc áo này? Tại sao con không mặc được cái áo dài xanh của con? Hay cái áo đỏ của con?
Nó chỉ vào các áo đã mặc nhiều lần và thoải mái hơn trong tủ. Elle gắt:
- Vì mẹ muốn con không giống một đứa bé mọi rợ. Con phải tỏ ra là có phẩm giá. Đã bao nhiêu lần mẹ nói với con, Niki, rằng con không phải như các đứa bé khác ở thị trấn này? Một ngày nào đó con sẽ có một đời sống rất đặc biệt. Cho nên con phải ăn mặc và có thái độ thích hợp.
Niki cau mày nhịn thua mẹ, tuy gần như không để lọt vào tai lời giải thích của mẹ. Từ lâu lắm nó không cón nhớ, những câu đó đã được mẹ nó lặp đi lặp lại thường và trước hết, chúng không có ý nghĩa gì với nó. Chẳng hạn, "phẩm giá" là cái gì?
Elle thấy phản ứng của Niki nên thở dài. Cô biết Niki còn phải thấu hiểu tình trạng của nó. Nó không cón bé bỏng và sau khi bắt đầu đến trường, sau khi thấy cách sống của các đứa bé khác. Nó sẽ có nhiều câu hỏi. Elle biết sẽ có những câu hỏi khó trả lời.
Elle biết Niki sẽ phải gặp sự nhục nhã và tổn thương tự ái, cũng như chính cô đã gặp phải trong đời sống đã làm cho cô đôi khi ước chi đã không nghe lời H.D. Khi biết mính có thai, cô đã hỏi ý kiến ông về việc phá thai. Ông đã tuyên bố một cách dữ dằn:
- Tôi cấm em làm điều đó! Làm vậy là trái luật của Chúa…
- Nhưng trước khi chúng ta có thể thành hôn…
- Tôi không muốn giết một hài nhi, dù đã sinh ra hay chưa sinh ra. Tôi sẽ không cho em làm vậy. Ở đây không cho phép làm như vậy.
Dĩ nhiên, sau lần đó cô không bao giờ nêu vấn đề ấy lên nữa. Cô chỉ suy đoán rằng, điều đó có nghĩa là H.D sẽ thực hành tất cả các nghĩa vụ của ông và cái đó càng tốt cho cô. Cũng như cho Niki… sau này. Nhưng hiện thời tình trạng của họ không rõ ràng và Elle nghĩ rằng, phải chi chờ đến khi cô và H.D đã làm lễ thành hôn mới có con thì dễ xử hơn.
Tuy Elle không mong muốn sống như lớp dân nghèo ở Willow Cross, là những công nhân viên của hãng thuốc lá Hyland, cô khó bằng lòng với cuôc sống của cô, ngày lại ngày sống trong buồn chán và lưu vong, chỉ được một điều là đầy đủ tiện nghi và hứa hẹn sẽ khá hơn trong tương lai, nhưng ngày qua tháng lại vẫn không thấy thực hiện. Ngôi nhà gỗ chín phòng của H.D tậu cho cô ở cách xa hàng xóm, cách trung tâm thị trấn mười dặm và xung quanh, ở đấy đã có một thời trồng cây thuốc lá. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng tài chánh nào đó trong quá khứ, sở đất ấy đã bị một trong các nhà băng ở thị trấn tịch biên và sau đó đã lọt vào tay Công ty Hyland. Sau khi Elle dọn đến ở, có người lại trồng cây cảnh, cây hoa và các bụi lá quanh nhà. Một cánh đồng ở phía sau nhà đã được phát quang, nhưng toàn bộ sở đất không còn trồng trọt. Elle không khai thác đất đai, thậm chí không đi xem các ranh giới đến đâu. Cô chỉ ở trong nhà, H.D đến thăm. Cô không bao giờ tiếp khách ở nhà, ngoài H.D và không giao thiệp với người nào ở trong thị trấn ngoài Louise, người đàn bà da đen đến quét dọn, giặt giũ và ủi áo quần, cậu bé của tiệm chạp phô đem các món cô đặt mua bằng điện thoại đến nhà, người may áo dài và vài ba người chủ của tiệm bán hàng. Khi Niki ngày càng lớn lên, Elle thấy cuộc sống của đứa bé cô độc và trống trải, dù đầy đủ tiện nghi đến mấy do có tiền. Elle cũng mừng khi nghĩ tới ngày Niki đến trường và hòa nhập vào cộng đồng các đứa trẻ khác.
Sau khi nhét một cái khăn tay vải phin mới vào túi của Niki, Elle bảo nó xuống nhà dưới chờ, rồi trở vào phòng ngủ của cô để sửa soạn. Cô bôi nhiều nước hoa hiệu Joy là loại đắt tiền nhất, không đâu bán ở Willow Cross, phải gởi từ Charleston đến, rồi đứng lại soi gương. Không còn hình ảnh của một thiếu nữ có đôi mắt mơ huyền; hình ảnh do gương phản chiếu là của một người đàn bà còn xinh đẹp, như một đóa hoa đang nở hoàn toàn. Tuy nhiên, đôi mắt màu nâu có một vẻ buồn và khóe miệng có một nét căng thẳng, nói lên những sự trông đợi và những giấc mơ đã bị thất vọng.
Sự kích thích vì cô được đem sang Mỹ, được lo cho có giấy tờ và một chỗ để sống ở đấy, đã phai nhạt từ lâu. Willow Cross không phải là nước Mỹ trong mộng tưởng của cô. Thật ra, chỗ này không quyến rũ gì hơn Bizerque, nhất là đối với người phụ nữ không có chồng chính thức mà có con, còn trẻ, sống ở ngoài rìa của xã hội "đàng hoàng" của chỗ này. Willow Cross chắc vui thú hơn đối với Joanne Hyland, Elle chua xót nghĩ thầm. Joanne là bà vua của thị trấn, của sản nghiệp Hyland, những nhà nghỉ mát mùa hè của gia đình Hyland, những du thuyền và xe hơi và mọi thứ khác kèm theo địa vị là vợ của H.D Hyland, một địa vị mà Elle đã trông đợi đến lúc này thuộc về cô.
Cô chưa đến nỗi phải từ bỏ mọi hy vọng, nhưng sự khiên nhẫn của cô đã nao núng phần lớn. H.D đã chọc thèm cô quá lâu với lời hứa hẹn rằng, việc ly dị của ông chỉ còn "là một vấn đề thời gian", một vấn đề chọn đúng lúc trong cuộc đời phức tạp của ông, vấn đề lo liệu cho xong những sự sắp xếp tài chính rắc rối. Luôn luôn đã có những sự kiện bất ngờ xảy đến, làm cho việc kết thúc cuộc hôn nhân thứ nhì của ông trở nên "chưa đúng lúc".
Elle vuốt lại một sợi tóc nâu rời ra khỏi cái búi tóc mà hồi này cô thường làm kiểu ấy và vuốt thẳng cái váy ở chiếc áo dài bằng vải phin màu trắng sữa. Dầu địa vị của cô thấp kém trong xã hội và dù trời nóng bức đến mấy, cô cũng không chịu ăn mặc xuề xòa theo thói quen của thị trấn này, hay để cho đứa con của cô ra ngoài lôi thôi lếch thếch.
Trong khi quay lại để ra khỏi phòng, cô đi ngang qua bức ảnh lồng trong khung bạc để ở bàn trang điểm, ảnh của mẹ cô, bức ảnh vẫn thu hút như bao giờ, nên cô dừng lại để ngó sững, như thể là bà có mặt lúc đó và thấy được dáng điệu đẹp đẽ của bà đang lơ lửng trên không… Nhưng bức ảnh không còn khích lệ cô, không còn là nguồn tự hào của cô. Nó đã trở thành một sự trách móc, nhắc Elle nhớ lại không những kết cuộc bi thảm của cuộc đời Monique, mà còn cả những sự thất bại chua cay của bản thân cô. Đã bao nhiêu lần cô nguyền rủa định mệnh đã bắt cô trở thành một đứa con hoang? Vậy mà bất chấp tất cả các nỗ lực của cô, cô cũng đã đem lại số phận đó cho đứa con gái của cô. Niki cũng không có họ cha. Sandeman? Một hư cấu, một cái tên bây giờ hình như không có thật.
Elle lẩm bẩm với bức ảnh:
- Xin lỗi má. Con đã cố gắng làm tốt hơn. Nhưng làm cách nào? Con cũng không còn biết nữa…
Cô ghì bức ảnh trong hai bàn tay, như thể nó có câu trả lời, có thể cho cô rút ra được một bài học. Nhưng không có gì cả, chỉ có tiếng hối thúc của đứa con gái lôi kéo cô trở về thực tại:
- Má ơi, lẹ lên, trễ giờ rồi…
Ở nhà dưới, Niki đang đu ở cửa lưới. Elle kêu lên:
- Đừng đu nữa, con làm dơ áo bây giờ!
Cô cầm khăn tay lau tay cho Niki rồi lùi lại ngắm nó một lần nữa. Đứa con gái của cô hứa hẹn sẽ xinh đẹp khác thường, vẻ đẹp của nó chắc chắn sẽ hơn hẳn Pepper, con gái của Joanne, Elle nghĩ bụng và hài lòng. Nó cũng sẽ thông minh hơn, Elle càng thỏa mãn khi nghĩ đến, căn cứ trên chuyện người ta mách lẻo về hạnh kiểm của cô con gái gia đình Hyland ở trường học. Mới mười chín tuổi, Pepper đã từng nổi danh bị đình chỉ hoặc bị đuổi khỏi mấy trường học thuộc hạng tốt.
Elle cầm tay Niki dắt nó đi xuống con đường ngoằn ngoèo lát sỏi, đến chiếc xe hơi nhà hiệu Buick màu đen do H.D tặng cô làm quà sinh nhật. Cô đang mở cửa xe thì người đưa thư đến gần, lễ phép giở mũ nói: "Chào bà Sandeman". Elle được người ở đây gọi bằng cái tên đỡ rắc rối ấy, gợi ý cô đã, hay đã từng có chồng. Tuy nhiên, đến nay, có ít người ở Willow Cross không biết các sự kiện thật.
Người đưa thư vừa lục túi xách vừa nói:
- Có vẻ như hôm nay cũng nóng cháy da. Nếu mưa được thì mát biết mấy!
Elle đáp lại bằng cách gật đầu và mỉm cười, như cô đã thấy H.D đối với những người dưới. Cô đã tự luyện cho mình có vẻ ngoài và thái độ như một bà nhà giàu có giáo dục đàng hoàng và đạt được điều đó. Đó là lý do cô đã chọn chiếc xe nhà hiệu Buick thay vì một chiếc xe mui trần màu đỏ mà H.D đã đề nghị lúc đầu. Những người dân ở thị trấn, với đầu óc hẹp hòi, có thể xì xáo bàn tán về cô, y như ở Bizerque, nhưng ở Willow Cross, khác một điểm. Ở đây H.D là vua và dù các "thần dân" của ông có nghĩ gì về Gabrielle Sandeman, không ai dám nói thẳng ra với cô bao giờ.
- Hôm nay không có nhiều của bà, - người bưu tá nói và trao cho cô một cái gói mỏng.
- Ông cứ bỏ vào thùng thư, cảm ơn ông. Tôi sẽ xem sau.
Elle không tò mò với thư từ đến từ buổi sáng. Luôn luôn như cũ. Nào là thư luân lưu của các cửa hàng ở Charleston và Atlanta, là những nơi cô đến mua sắm vài tháng một lần, hay thường hơn, khi H.D rộng rãi hơn; nào là những hóa đơn của những cửa tiệm địa phương mà theo lời dặn của H.D, cô gởi thành một gói hai tuần một lần đến một người kế toán ở trong thị trấn. Và cứ mỗi ngày thường đầu tiên trong mỗi tháng, đều đặn như máy đồng hồ, cô nhận được một chi phiếu tiền bồi dưỡng của cô là 850 đô la, xuất từ tài khoản của ban chuyển vận của Công ty thuốc lá Hyland. H.D đã ghi tên cô vào sổ lương của công ty như là "thư ký kiểm kho vật liệu", tuy rằng ông dĩ nhiên đã dặn dò rất rõ ràng cô không bao giờ được đến làm việc.
Elle lái xe trên con đường gồ ghề ở đồng quê, ngang qua những cánh đồng trồng cây thuốc lá đang chín vàng nối liền nhau hàng dặm đường. Tuy cô đâm ra ghét cảnh ấy và mùi ấy, cũng như mọi điểm khác của Willow Cross, rõ ràng là cô bé Nicolette nghĩ khác. Cặp mắt xanh của nó sáng lên khi nhìn quanh cảnh hai bên đường, cái mũi của nó hếch lên để ngửi mùi hương từ các cánh đồng xông lên. Chốc chốc nó lại bình phẩm: "Sắp hái lá rồi", hay "Má, coi kìa, màu đẹp ghê".
Tuy cay đắng trong lòng, Elle có đủ khôn ngoan và cao thượng để không gán các thành kiến của mình cho đứa con gái. Cô muốn cho những ảo tưởng ấm lòng của Niki kéo dài càng lâu càng tốt.
Khi xe chạy vào thị trấn, giờ làm việc đã bắt đầu. Trong các tháng hè, ai cũng mở cửa sớm và đóng cửa sớm, để còn được ít giờ trốn cái nóng trong ngày. Qua khỏi toà thị chính, vừa là cơ quan cứu hỏa và ty cảnh sát, đến trường học. Elle đậu xe trước tòa nhà và ngắm nhìn tòa nhà bằng bê tông màu xám đơn giản và không thích lộ ra mặt. Các đứa con khác của H.D không đứa nào học ở trường này. Chúng đều học với thầy kèm riêng và ở những trường tốt nhất. Thế nhưng khi cô nêu lên vấn đề học của Niki, H.D đã tỏ ra thụ động, gần như không chú ý. "Nếu em muốn gửi con vào trường nội trú, cứ cho tôi biết, tôi sẽ bảo kế toán viên của tôi lo liệu". Cô cãi lại, không thể gởi Niki đi xa vì nó còn quá nhỏ, thì H.D chỉ nhún vai nóng nảy nói: "Vậy thì, em muốn thế nào?"
Ngán sợ trước giọng nói không bằng lòng của ông, Elle thụt lùi liền. Trong những năm làm tình nhân của H.D, cô đã học được sự khác biệt giữa khuyến dụ và hối thúc. H.D Hyland là một người làm y như ông muốn và khi ông muốn. Elle biết rằng, một cô nhân tình không biết thực tế ấy sẽ sớm trở thành một cô nhân tình cũ. Kết quả của cuộc bàn luận là những bài học dương cầm và khiêu vũ cho Niki, một thắng lợi nhỏ, mẹ nó nghĩ bụng, so với những đặc quyền lợi mà các đứa khác được hưởng.
Giống như nhiều công thự ở Willow Cross, trường tiểu học James Buchannan Hyland được đặt tên của một người trong dòng họ Hyland, trong trường hợp này là chú của H.D bị sét đánh chết khi mới lên mười bốn tuổi trong khi cưỡi ngựa dưới một cơn giông. Tuy trường được đài thọ bằng công quỹ, nhưng nhà chức trách của thị trấn luôn luôn không quên sự kiện thị trấn này đã không có, nếu không có Công ty thuốc lá Hyland, nên họ đã sẵn sàng đồng ý đặt tên cậu bé Hyland cho ngôi trường khi gia đình ấy đề nghị.
Khi Elle dắt tay đứa con gái đi vào văn phòng của người thư ký nhà trường, cô cảm thấy ngay sự nhận biết cô trong ánh mắt của người đàn bà khoảng ba mươi, thân hình mập mạp ngồi sau bàn giấy. Vậy có nghĩa là cô phải đối phó với việc được người ta biết, với việc con gái của cô được người ta biết là con riêng của H.D. Bây giờ chẳng có cách gì khác. Vấn đề quan trọng chỉ là làm sao để Niki được chấp nhận bởi bản thân nó, không bị ai biết và làm cho nó phải đau khổ. Elle ghi nhớ tên của cô thư ký ở một bảng tên trên mép bàn giấy, Belinda Jennings. Đôi khi muốn lấy lòng ai, chỉ cần gọi họ bằng tên của họ để cho họ hài lòng. Elle bắt đầu nói, với giọng nói y như một bà chủ lâu đài, vì người ta đã biết mình.
- Chào cô Jennings. Tôi muốn xin ghi danh con gái của tôi vào niên học mới.
Một phút yên lặng, trong khi người thư ký liếc nhìn Elle từ đầu đến chân.
Elle không còn ý định lấy lòng người thư ký nữa và bắt đầu nghĩ đến việc cự lại cô ta. Bộ cô không hình dung ra tôi đang ở bên ông ấy sao… hay chỉ là cộng nhẩm giá tiền các món áo quần của tôi? Cô có thể tưởng tượng ra được sự ganh tị của một người phụ nữ như cô này khi thấy bề ngoài của cô. Ngoài sự dư cân, cô thư ký còn có làn da mặt xấu và mặc một cái áo ngắn đến lưng, màu xanh, rẻ tiền và đã bạc màu sau nhiều lần giặt. Vì nhớ lại quá khứ của chính mình, Elle gần như thông cảm được sự đau khổ khi người ta không đẹp và ăn mặc xấu xí. Vì vậy, cô ngậm thinh.
Cuối cùng, người thư ký rút một mẫu in nơi một chồng ở góc bàn giấy. Cô ta nói giọng lạnh như đá:
- Hãy điền vào đây.
Elle tự động nheo mắt lại vì tức giận và nhìn người đàn bà, nhưng rồi cầm lấy mẫu đơn và lặng lẽ đi lui. Đây không phải là chỗ và không phải lúc để tranh chấp. Cô đi đến dãy ghế sát vách, kéo Niki ngồi xuống ghế kế bên và bắt đầu điền mẫu đơn, trước hết là tên đầy đủ của nó: Nicolette Monique Sandeman, địa chỉ và số điện thoại của gia đình cô với nó.
Tức thì cô gặp vấn đề, một chỗ chi chữ "cha" và tiếp theo là chỗ dành cho "nơi làm việc của cha". Cô chần chừ không biết có phải điền gì vào không, bất cứ gì, thay vì để trống kỳ quá. Trong lúc ngẫm nghĩ, cô ngẩng lên và bắt gặp đôi mắt của người thư ký công khai dán vào cô. Elle ý thức rằng cô ta hoàn toàn thuộc lòng cái mẫu đơn đã biết trước có vấn đề ấy và hình như đang khoái chí vì thấy cô lúng túng.
Bây giờ gần như bất chấp, cô bỏ trống một ô xem đến đọan kế tiếp có tựa đề "tiểu sử về y tế". Trong đoạn này cô ghi lại tất cả các ngày tháng năm lần tiêm chủng của Niki và tên bác sĩ Charles Boynton nơi địa phương cô ở, đã săn sóc cô và đứa bé. Khi đến mục hỏi về các lần "nằm bệnh viện", Elle rùng mình vì nhớ lại cái ngày khủng khiếp Niki bị té từ trên cây xuống, trúng một mỏm đó bén nhọn làm rách một đường sâu bên hông nó. Máu chảy đầm đìa, ướt đẫm cả áo dài của nó. Elle kinh hoàng, sợ nó chết. May quá có bác sĩ Boynton, ông lo liệu hết. Ông đã khâu vết thương và truyền máu cho Niki, đã cứu sống nó. May là không có biến chứng gì. Từ đó, Niki luôn luôn mạnh khỏe.
Sau khi ký tên ở dưới, Elle đứng dậy và đến bên bàn giấy của người thư ký. Người đàn bà cầm tờ giấy, không thèm nhìn và nói:
- Mẫu này điền chưa đủ. Bà phải cung cấp đầy đủ các thông tin như được yêu cầu.
Elle đờ người ra vì nhục nhã và bối rối. Sau khi Niki sinh ra, H.D đã ra một điều luật là không bao giờ được khai tên ông ta là cha đứa bé. Ông sẽ nhận lãnh trách nhiệm, ông bảo, ông sẽ mãi mãi đài thọ cho cả mẹ lẫn con, nhưng ông không bao giờ để có giấy tờ gì về việc đó. Ông đã nói thêm, ít nhất cho đến khi ông ly dị bà Joanne.
Trong sự im lặng, Niki sốt ruột kêu:
- Má, đừng đợi gì nữa. Con muốn đi học.
Người thư ký không thèm để ý đến đứa bé và nói thẳng với cô:
- Bà còn phải nộp bằng cớ về tuổi của đứa bé, tức là một tờ giấy khai sinh, hoặc bản chính, hoặc bản sao có công chứng.
Elle cố nghĩ ra một cách để đối phó với tình hình này. Cô biết rằng các tờ giấy khai sinh đăng ký ở sổ bộ của thị trấn có ghi "không có cha". Nhìn bộ mặt tự đắc của Jennings, Elle nghĩ rằng người thư ký cũng đã biết điều đó, có lẽ qua một người bạn hay thân thuộc làm ở văn phòng thị trấn. Tất cả các gia đình sống ở đây qua nhiều thế hệ đều làm việc cho gia đình Hyland, chẳng phải đều có liên hệ qua lại đấy hay sao? Nếu có một người nào có căm thù với gia đình Hyland vì bị mất việc, hay vì ghen tị sự giàu có của gia đình này mà chờ có dịp để trả đũa là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Elle năn nỉ:
- Xin cô làm ơn ghi danh giùm con tôi. Ngày mai tôi sẽ nộp các giấy tờ.
Có lẽ đến đó cô có thể báo được H.D dùng áp lực ở hậu trường, hay thậm chí cung cấp giấy tờ hợp lệ. Bây giờ phải dục hoãn cầu mưu đã.
- Rất tiếc, - Belinda Jennings nói - Nhưng chúng tôi không thể nhận học sinh vào nếu chúng tôi không có giấy tờ hợp lệ. Dẫu sao, chúng tôi không thể cho phép một người nào đến đây, tự xưng thế này thế nọ mà không có gì chứng minh, phải không nào?
Niki lại kéo vạt áo mẹ và năn nỉ nữa:
- Con muốn đi học. Con không muốn chơi một mình nữa.
Người thư ký bây giờ mới thèm nhìn kỹ đứa bé. Elle thấy vẻ mặt chanh chua của cô ta bắt đầu thay đổi và cô bị cám dỗ muốn xuống nước cầu khẩn cô ta, họa may làm cô ta đổi ý. Cô định nói "Được rồi, cô biết sự thật, nhưng việc đó không phải là tội của đứa bé. Cho dù có oán ghét tôi hay oán ghét họ, xin cô đừng làm cho đứa bé phải khổ…"
Nhưng vì kiêu hãnh là bản tính, Elle không thể hạ mình. Cô nói với ngụ ý cảnh cáo rằng H.D có thể dùng thế lực của ông để can thiệp.
- Tôi nghĩ rằng luật lệ có thể linh động một chút chứ.
Người thư ký hằn học đáp liền:
- Tôi có thể thấy bà nghĩ rằng luật lệ không quan trọng, nhưng trường hợp này không phải điều hành theo lối đó.
Elle cố gắng giữ bình tĩnh và tìm một câu nào đó để phản đối mạnh mẽ hơn, hay hăm dọa. Nhưng cô sợ người thư ký có thể buông lời nhục mạ cô trước mặt Niki.
Ý chí của cô bị nao núng. Nắm tay Niki, cô kéo nó đi ra xa. Niki sững sờ hỏi:
- Má ơi, tại sao mình ra về? Tại sao bà ấy không cho con vào học?
- Suỵt, đừng nói nữa, con yêu dấu. Con sẽ đến trường, má hứa với con.
- Nhưng bao giờ? Tại sao má không nói cho bà ấy biết về ông Hyland?
- Sẽ có người nói cho cô ta biết - Elle đáp, cô càng tức giận vì nghe Niki nhắc đến cha nó như đến một người bình thường khác.
Elle đã cãi rất hăng và rất lâu với H.D khi ông lần đầu đặt ra điều luật theo đó Niki không được bao giờ gọi hay nhắc đến ông bằng "Ba" hay "Cha". Nhưng rốt cuộc, ông đã làm cô nín thinh bằng cách đưa ra một tối hậu thư: "Hoặc là Niki phải học cách tuân theo điều luật ấy - và em phải bắt nó tuân theo - hoặc là mối quan hệ giữa chúng ta chấm dứt ngay tại đây. Tôi không muốn thấy Niki kêu "Ba" mỗi khi bất ngờ gặp tôi trên đường phố. Cho nên tốt hơn hết là đừng để cho nó tập cái đó thành thói quen. Có lẽ về sau… khi mọi việc đã khác…
Elle đã dạy dỗ Niki thật kỹ lưỡng phải tuân theo điều luật đó, cũng như cô đã kiên nhẫn bảo Niki rằng "Ông Hyland" bận việc đến chừng nào để giải thích cho nó lý do tại sao ông không ở luôn với hai mẹ con mà chỉ thỉnh thoảng đến thăm, tuy ông trả tiền nhà, thức ăn và áo quần cho họ.
Nhưng biết nói gì để giải thích cho Niki, tại sao nó bị từ chối vào một trường học khiêm nhường đến độ con cái nhà nghèo nhất ở Willow Cross cũng được nhận vào? Thật ngoài sức chịu đựng!
Niki vẫn cứ yêu cầu được giải thích:
- Má cứ cho con hay đến bao giờ con mới được đi học với các đứa khác?
Elle đóng cửa xe đánh sầm, cắt đứt các câu hỏi. Khi cô đi quanh xe để ngồi sau tay lái, Niki lặng thinh vì ý thức mẹ nó đang giận. Elle gài số và nhấn ga. Chiếc xe Buick lao đi trên đường phố và quẹo ở một góc phố thật nhanh khiến các bánh xe kê rít lên, vì chiếc xe bị lạng đi một chút.
Elle rà thắng và chỉ lúc đó cô mới ý thức cô đang cho xe chạy về đâu. Tim cô bắt đầu đập mạnh khi cô nghĩ đến nơi cô định đến, nhưng cô vẫn ôm chặt bánh lái và lấy lại tốc độ như trước.
Không để ý đến các chỗ quẹo trên đường, hay bao nhiêu dặm đã qua, cô lái xe trên con đường cái dẫn ra ngoại ô và xe chạy dọc theo một bức tường gạch cao, dài hơn một dặm, chấm dứt ở cửa vào sở đất có tên gọi là Highlands. Một cái cổng vòm vĩ đại hiện ra ở cách một phần tư dặm. Elle vẫn phóng xe chạy nhanh về phía trước, giống như một người chạy trốn, quyết tâm vượt qua một hàng rào cản trên đường. Niki đã lớn đủ cao để thấy qua bên trên bảng điều khiển, nó thấy cái cổng ở phía trước nên hỏi, giọng có vẻ hoảng sợ.
- Chúng ta đi đâu vậy nè, má?
- Về nhà, - Elle đáp.
Niki quay qua nhìn mẹ, mặt nó ngơ ngác, nhưng không nói gì cả.
Elle nhấn thêm ga. Cô không thể chịu đựng lâu hơn, không thể nhẫn nhục chờ đợi, bám víu vào ảo tưởng sẽ có ngày khá hơn, nếu điều đó có ý nghĩa là Niki sẽ được nuôi như một kẻ bị gạt ra ngoài xã hội, giống như chính cô. Cô phải bắt H.D công nhận cả hai mẹ con.
Phía trước, một người gác cổng bước ra đứng dưới cái vòm. Có cánh cửa, nhưng luôn luôn để mở, vì không ai ở Willow Cross dám cả gan đi vào khu đất của gia đình Hyland nếu không được mời hay đồng ý. Vì vậy, người gác cổng lộ vẻ sửng sốt khi thấy chiếc xe hơi lao tới.
Elle tự hỏi, ông ta có tránh qua một bên không? Hay cô phải cán qua ông ta?
Vừa thoáng nghĩ đến khả năng ấy, cô đạp ngay bàn thắng và chiếc xe thắng rít dừng lại cách cổng một trăm thước.
Cô gục xuống bánh lái và bắt đầu khóc.
Niki lết qua gần mẹ nó và lo lắng hỏi:
- Má ơi, có chuyện gì vậy?
Elle ôm con, kéo sát vào:
- Cái cô ấy… trường học… má muốn con được đi học.
- Nhưng má đã bảo con sẽ được đi học, má đã hứa. Vậy tại sao má khóc?
Elle chớp mắt để khỏi khóc và nhìn đứa bé. Cố nhiên, cô sẽ đòi hỏi H.D can thiệp để nhà trường nhận Niki vào. Nhưng cô không thể làm được điều đó bằng cách đến đây, phá bỏ tất cả luật lệ của ông đã đặt ra. Làm vậy là chấm dứt tất cả mọi chuyện.
Cô phải tranh thủ được ân huệ này ở H.D bằng cách giống như cô đã làm để được tất cả các thứ khác - bằng cách trao đổi ân huệ giữa cô và ông.