Letting go means to come to the realization that some people are a part of your history, but not a part of your destiny.

Steve Maraboli

 
 
 
 
 
Tác giả: R.l.stine
Thể loại: Kinh Dị
Nguyên tác: Don't Ever Get Sick At Granny's
Dịch giả: Phan Hồng Vân
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1107 / 25
Cập nhật: 2018-06-15 18:08:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ắt… xì!
Tôi hắt hơi mạnh đến nỗi cả người tôi dằn mạnh ra phía lưng ghế. Bà tiến thêm một bước lại gần tôi.
— Hắt hơi là một dấu hiệu, – bà nói, – của những cái tệ hơn sẽ xảy ra.
— Cháu ổn rồi mà bà, thật đấy ạ. – Tôi kêu lên, cố vùng vẫy chân mình. – Cháu bị dị ứng! Cháu rất dị ứng với những con mèo nhà bà.
Bà Marsha lại quét cặp mắt xám lạnh lùng về phía tôi.
— Bà không nuôi mèo. Cháu biết rõ điều đó.
— Tất nhiên cháu biết ạ, – tôi nói dối. – Thế thì có thể tại bụi.
— Bụi không hề có mặt trong nhà bà. – Bà bác ngay. Bà giơ tay lên. Từ từ. Rất từ từ. – Bụi không có lợi cho các bệnh nhân của bà.
Bệnh nhân! Bệnh nhân nào đây?
Bà tiến sát lại, sát nữa. Tay bà giơ lên, giơ cao. Tôi mở to mắt khiếp hãi. Thình lình, tay bà tạt xuống đầu tôi. Bà sắp đánh tôi!
— Không! – Tôi đưa nhanh tay lên che mắt né cú tát.
— Corey! Cháu cứ như bà sắp đánh cháu không bằng. – Bà cằn nhằn. – Liệu bà có thể làm thế được chăng? – Bà vỗ vỗ trán mình. – Bà chỉ muốn sờ trán cháu thôi mà.
— À. Vâng. – Tôi cười sợ sệt rồi bỏ tay xuống. – Bà cứ làm tiếp việc đi ạ. Cháu ổn rồi.
Bà đặt tay lên trán tôi lần nữa.
— Bà cũng không rõ nữa, hình như hơi ấm, – bà chặc chặc lưỡi. – Nếu không muốn nói là nóng.
Tôi gằn từng tiếng:
— Cháu-khoẻ-Cháu-cực-kỳ-khoẻ. Cháu bị hơi ấm đầu vì ngồi trong xe ngột ngạt quá lâu. Bà biết rồi đấy, – tôi lý giải. – Tại điều hoà xe bị hỏng.
Bà khoanh tay trước ngực.
— Để phòng xa, từ giờ bà vẫn cứ để mắt đến cháu.
Bà đã không đùa.
Tôi coi phim suốt cả buổi chiều còn bà thì suốt cả buổi chiều ngồi ngó tôi. Bà cũng chẳng rời chiếc ghế của mình lấy một lần.
Mỗi lần tôi nhấp một ngụm nước hay vốc một nắm bỏng lên ăn là lại thấy bà để ý, chăm chăm nhìn tôi.
— Cháu đã ốm chưa? – Bà hỏi tôi mà lại cười đầy hy vọng. Cứ như thể bà muốn tôi ốm. Bà thực sự làm tôi rùng mình. Bất giác không cần quay đầu lại tôi cũng biết bà đang nhìn mình. Tôi cảm giác tia nhìn của bà như muốn xuyên thủng gáy tôi.
Sẽ tệ lắm đây nếu cảm giác nhồn nhột này từ mũi tôi lại lan xuống cổ họng. Rồi mắt tôi lại giàn giụa ra và ngưa ngứa.
Tôi chăm chú nhìn màn hình mà đầu óc chẳng thể tập trung. Lời nhắc nhỏ của bố lại vang lên bên tai tôi.
“Đừng bao giờ ốm ở nhà bà.” Tại sao không được ốm nhỉ? Bố định ám chỉ gì vậy?
Mình không ốm, tôi tự nhủ. Tôi đang lo sợ. Một bà già kỳ lạ đi đôi giày cao gót đỏ lại khiến tôi lâm vào tình cảnh tâm thần bất ổn.
Tôi len lén nhìn bà qua khoé mắt. Bà khom lưng xuống, cằm nhô ra, mắt trừng trừng nhìn tôi. Một con diều hâu. Đó chính là con vật mà lúc này trông bà rất giống, tôi thầm nghĩ. Một con diều hâu thường thấy trong phim hoạt hình.
— Bà không phải làm gì bây giờ ạ? – Tôi hỏi.
— Công việc có thể chờ bà. – Bà đáp, mí mắt híp lại trông chỉ còn như một đường chỉ trên khuôn mặt. – Bà có thể chờ. Bà chờ đợi rất cừ.
Tôi rùng mình.
Hai giờ sau bà gọi tôi từ phòng khách.
— Bữa tối đấy! Đến giờ con bệnh cảm phải ăn rồi. – Bà nói rồi dẫn tôi vào bếp.
— Nhưng cháu không bị cảm. – Tôi phản đối nhưng vẫn ngồi vào bàn.
— Để rồi xem. – Bà đáp ngay tức khắc.
Chúng tôi ăn món gà quay và bánh nhân thịt. Có khi là chỉ mình tôi ăn. Bà hầu như không động đũa. Bà còn bận quan sát tôi.
— Cháu nghĩ đây là món gà ngon nhất cháu từng được ăn. – Tôi hăng hái nói một tràng để chứng tỏ cho bà tôi rất khoẻ. – Cháu có thể một mình ngốn hết cả con gà.
Bà mím môi lại, có vẻ không tin cho lắm.
— Hừmmm… – Đó là tất cả những gì bà nói.
Hừmmm… nghĩa là gì nhỉ?
Bà lại tiếp tục ngó tôi lom lom.
Cử chỉ này khiến tôi sợ tới mức tay chân tôi phát run. Tôi lập cập đưa cái dĩa ăn lên miệng.
— Cháu biết không, trông cháu rất xanh xao. – Bà vươn người qua bàn ăn sờ lên trán tôi. – Rất xanh.
— Cháu vẫn luôn xanh xao thế mà. – Tôi nói và cố thoát khỏi tầm với của bà.
Bà Marsha nhướn lông mày lên dò xét.
— Cháu được bầu là người xanh xao nhất lớp đấy. – Tôi giơ một tay lên. – Thật đấy ạ.
Bà lại định sờ trán tôi nhưng tôi đã ấn ngay đĩa thức ăn vào tay bà.
— Gà! Chính món gà làm cháu xanh xao. Mà ôi trời, món gà lại quá tuyệt. Cháu dám cá là cháu đã ngốn ít nhất ba suất rồi.
Bà đang cho hết đống bát đĩa vào bồn rửa. Lợi dụng lúc bà xếp chúng vào máy rửa bát, tôi vội chuồn vào nhà tắm.
— Không thể trông xanh xao được. – Tôi lẩm bẩm, đóng cửa lại, chạy vội đến trước gương. Xanh xao nghĩa là ốm. Chẳng hiểu sao lại thế nhỉ, nhưng tôi không thể ốm ở đây được.
Tôi vỗ rồi véo cho hai má mình đỏ lên, kiễng chân nhìn mình trong gương treo phía trên bồn rửa.
— Ô, tuyệt. – Tôi trông không còn xanh xao nữa. Giờ thì mặt tôi đỏ bừng, thậm chí còn lốm đốm. Trông cũng chẳng khá hơn, cứ như tôi đang mắc bệnh ban đỏ.
Tôi ra sức vã nước lên mặt nhưng cũng chẳng ăn thua.
— Cháu ở trong ấy có ổn không? – Giọng bà vang lên phía sau cánh cửa.
— Ui, vâng, thưa bà. – Tôi đáp, cố rặn một nụ cười trước khi mở cửa.
— Bà thích thấy cháu trong phòng mình hơn. – Bà nói. – Chúng ta cần phải ngủ thật nhiều nếu muốn chống lại căn bệnh cảm lạnh.
— Ngủ ạ. Đúng là điều cháu cần, – tôi gật đầu đồng tình. – Hôm nay cháu phải dậy từ năm giờ sáng.
Bà dẫn tôi lên gác vào căn phòng thứ hai. Trông nó giống như nơi ẩn náu của một tên trộm.
Hãy để cháu lại một mình trong phòng, tôi nhủ thầm.
Giữa phòng là một chiếc giường có in hình con thuyền buồm. Một chiếc bàn nhỏ không khác gì hòm đồ nghề đi biển của viên thuyền trưởng. Trên tường có treo tấm lưới đánh cá cùng một con cá đao nhồi rơm khổng lồ.
— Một căn phòng lạnh lẽo. – Tôi nhận xét.
— Bà dám chắc là cháu sẽ cực kỳ thích chỗ này. – Bà nói, tay kéo tấm vải phủ giường xuống. – Nên nhớ nếu cháu ốm, – bà chậm rãi quay sang nhìn tôi, – thì bà biết phải chăm sóc cháu như thế nào.
Cặp môi bà bĩu ra, cong lên khiến tôi liên tưởng ngay đến một kẻ kỳ dị đang nở nụ cười.
Tại sao bà lại cứ nhắc đi nhắc lại câu đó? Bà sẽ chăm sóc mình thế nào đây? Tôi lại rùng mình. Thực sự bà đã làm tôi sợ hãi.
Cuối cùng thì bà cũng ra khỏi phòng. Tôi thay bộ quần áo ngủ rồi nằm phịch ra giường. Suốt mấy tiếng đồng hồ bị một người kỳ quái theo dõi đã làm tôi quá căng thẳng.
Tôi tự nhủ mình sẽ ngủ hai ngày liền cho tới khi bố mẹ đến đón.
Nhưng hoá ra tôi lại không ngủ được bởi lúc này lời nhắc nhở của bố vẫn cứ ong ong trong đầu tôi. – Đừng có ốm ở nhà bà. Cho dù có làm sao đi nữa thì cũng ĐỪNG CÓ ỐM.
— Mình sẽ không ốm. – Tôi thầm lẩm nhẩm. Kéo chiếc chăn lên tận cằm, tôi nhìn đăm đăm vào một vết tróc trên tường. – Mình sẽ không ốm.
Tôi cứ lẩm nhẩm mãi câu nói đó. Rút cuộc, tôi cũng chìm vào một giấc ngủ chập chờn.
Một tia nắng chiếu thẳng vào mặt tôi, tôi ngồi bật dậy.
— Sáng rồi kia à? – Tôi kêu lên. – Không thể nào.
Tôi cố nuốt nước bọt nhưng cổ họng đau rát. Mũi tôi sụt sịt. Mũi tôi đang chảy nước. Người tôi ớn lạnh.
— Ôi, không. – Tôi rên lên. – Mình ốm mất rồi.
Một bóng người lướt qua góc phòng.
Tôi rùng mình.
Phút chốc bóng đen đó lờ mờ hiện ra. Nó từ từ di chuyển về phía tôi, rõ dần.
— Bà! –Tôi giật nảy người kinh hãi.
Bà đã ở trong phòng. Đang nhìn tôi dò xét.
Không biết bà có nghe thấy mình nói gì không đây?
— Sụt sịt rồi hả? Ôi, Corey! Bà chắc chắn đã nghe cháu sụt sịt.
Xin Đừng Ốm Xin Đừng Ốm - R.l.stine Xin Đừng Ốm