Nếu bạn không thể phạm sai lầm, bạn sẽ không thể làm được điều gì.

Marva Collins

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2020-10-09 19:50:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Thợ Bạc Ở Phố Cũ - Ma Văn Kháng
Ở phố cũ thuộc trấn Pa Kha vùng cao ấy, từ mấy năm nay, các tay thợ kỳ tài thuộc các bộ tộc Mông – Dao trong huyện đã tụ họp lại với nhau lập ra một hợp tác xã thủ công nghiệp có tên gọi: Rèn – đúc. Nghề gì thì cần quảng cáo, chứ cái nghề này thì chẳng cần. Biển tên giới thiệu bằng sao được ngọn lửa vàng đỏ bốc lên phần phật tới gần cái mái lợp tôn lênh khênh như cái minh tinh? Tiếng ai quảng cáo to bằng lời búa tạ đập choang choang vang động?
Suốt ngày cái góc phố ấy thình thịch, ầm ầm, tấp nập người ngựa vào ra. Người Mông đến mua lưỡi cày nương, mua đinh móng ngựa. Người Hà Nhì tới đổi dao, đánh cuốc. Ánh lửa nhấp nhoáng như cháy trên những múi thịt đỏ hồng của những bác thợ rèn người Dao vốn có nghề rèn dao súng cổ truyền. Những người thợ đúc thuộc bộ tộc Mông có vóc dáng chắc nịch, đẹp như những khuôn hình tượng đài dũng sĩ, nổi bật bên những lò nấu gang cháy đỏ màu da cam rực rỡ.
Nhưng, cái giai điệu sôi động, hùng tráng, cuồn cuộn lôi kéo con người vào một cuộc sống mạnh mẽ này vẫn chưa phải là toàn bộ âm điệu nơi đây. Cuộc sống còn một hình thái khác, chẳng cháy bỏng xô bồ như dòng gang đúc mà êm đềm, tĩnh tại, thậm chí âm thầm, đơn lẻ. Hợp tác xã này còn một nghề nữa là nghề thợ bạc. Nghề này bé nhỏ quá, và chỉ có mỗi một ông già, thành ra nó bị nghề rèn đúc nuốt chửng, ngay từ cái tên nó cũng không tồn tại trong danh hiệu đăng ký ở phòng thủ công nghiệp huyện. Ông thợ bạc đã già, lại bé nhỏ. Cạnh những thân hình lực lưỡng bên ánh lửa đẹp như thiên thần, ông già thợ bạc bé nhỏ, còm cõi như một chú quạ già vào mùa đông giá.
Ông già ngồi ở một góc khuất nẻo, trong cái phân xưởng rộng lợp tôn, được che chắn bằng mấy tấm liếp mỏng lưng lửng vai người. Cái góc chỉ rộng mỗi chiều độ ba bước chân. Nhưng cái góc tí hon này cũng chứa đủ một giang san. Ông cũng có đồ nghề dụng cụ và bễ lò. Khác chăng là lò của ông mỗi lần cháy chỉ cần có vài hòn than hoa thôi. Trong khi cạnh ông, người ta dùng ki-lô, tạ, tấn để đo lường thì ông dùng cái cân tiểu ly để tính từng ly từng lai. Bên kia là búa tạ, là thanh sắt to như đường ray tàu hỏa thì bên này cái gì cũng tí xíu chỉ nằm gọn trong bàn tay. Cái âu nấu bạc là cái chén sứ. Bàn vuốt bạc nhỏ bằng cái lược. Hòm đồ nghề của ông lớn xác cũng chỉ là cái tráp. Trong đó, một cái hộp nhỏ chỉ bằng bao thuốc lá đựng có tới mấy chục cái những là đục, giũa, đột, dùi, khoan. Riêng đục thì đã có: đục tròn, đục bằng, đục mang cá, đục lòng máng, đục bán nguyệt. Cái đại bố thì cũng chỉ bằng đầu chiếc đũa, rồi sắp hàng theo chiều nhỏ dần, phải hơn chục cái nữa mới tới cái nhỏ nhất chỉ bằng mũi kim. Cái nào cái ấy cũng chỉ bằng ngón tay, mũi sáng bóng, chuôi cán lên nước nhanh nhánh và tòe tòe ở đầu chóp, vì đã trải qua một đời làm việc không ngưng nghỉ.
Trong cái tráp ấy còn có một cuốn hóa đơn. Và một cái khay đựng đồ bạc cũ của khách hàng. Chà, cái khay bạc, cả một sưu tập đồ trang sức, vật hộ thân của bao thế hệ con người! Vòng cổ, vòng tay, khuyên, hộp trầu cau, hoa tai, khuy... Tất cả đều đã sứt sát, xin xỉn và đủ hình đủ kiểu. Hoa tai thì kiểu: phù dung, cánh bèo, cúc chỉ xe, tai chuột, lục lăng. Nhẫn thì nhẫn kiểu nơ, kiểu giác trũng, kiểu chạm nổi. Khuyên thì khuyên trơn, khuyên mặt trăng, khuyên quả bầu. Đặc sắc nhất có lẽ là những chiếc khóa bảo mệnh, những lắc, những dây xích, cái hình bầu dục, cái hình chữ nhật, cái hình vuông chạm khắc chữ Phúc kiểu triện. Ôi! Hạnh phúc, cái ước ao muôn thuở của loài người!
Từ cái đống cũ kỹ, han gỉ ấy, ông già phải nấu, phải chuốt phải đánh lại những nhẫn, vòng, kiềng... mới. Công việc khiến ông chẳng lúc nào nghỉ ngơi, nhất là vào những tháng mùa thu này. Mùa thu trên vùng cao, trời xanh thắm thiết và bắp ngô phô hàng hạt vàng ửng trên nương. Thực ra thì cũng chẳng phải, chỉ là mùa thu khơi gợi cảm hứng về cái đẹp. Mùa thu tĩnh lặng thật tình là phản chiếu cái đời sống con người xem ra đã yên hàn, no ấm phần nào. Còn đói khổ, còn loạn lạc nhiễu nhương, ai còn tâm sức đâu mà lo sắm sửa vàng bạc, điểm tô chau chuốt con người? Gần sáu chục năm hành nghề này, ông lão chư người Xạ Phang thợ bạc đã nhận ra một điều chí thú: Nghề ông, nghề của thời bình, của sự yên hàn, phong đăng hòa cốc, tình yêu đời và khát vọng sung sướng của con người. Còn như trái lại thì nghề của ông hết đất. Hoặc không hết đất thì cũng co hẹp lại - bởi vì tất nhiên là còn con người thì dẫu có cay cực muôn phần thì con người cũng vẫn còn hy vọng, còn có lúc muốn làm đẹp mình và gắng gỏi để đạt được hạnh phúc. Ông lão chư làm thợ bạc ở phố này từ thời hỗn loạn nhất của lịch sử hiện đại: Năm bốn mươi nhăm. Trong vòng chưa đầy năm, phố xá thay liền mấy sắc cờ: Pháp, Nhật, Tàu Tưởng... Rồi chí Thắng, rồi Quốc dân đảng. Sắc cờ nào thì cũng được ít ngày. Cũng như lúc đầu thì tưởng là nén bạc thật. Sau rốt lại hoá ra bạc giả, sắc cờ nào thì ông cũng lo nơm nớp: các đồ hàng quý giá khách đặt giữ trong nhà bao lần khóa cho vừa?
Vào tháng này thì hình như ông lão yên dạ với công việc của mình. Chiến tranh biên giới đã qua, giờ chỉ ngấm ngầm, việc làm ăn trở lại nếp xưa. Hoa tai, nhẫn, vòng, lúc loạn ly phải tháo, cất, nay lại được đeo rồi. Làm sao có thể nghĩ được rằng một thiếu nữ lại không có chí ít là một cái nhẫn bạc, nhẫn vàng? Làm sao một đứa trẻ trên cái mũ hoa của nó lại không có mấy quả lục lạc? Hạt bạc đính trên mũ của bà người Phù Lá. Vòng gió trên tay người con gái Tày. Còn trên cổ trắng nõn của phụ nữ Mông là cả một xấp kiềng bạc, chuốt kỹ sáng choang. Bạc là giàu sang, phú quý, bạc biểu hiện giá trị của người. Bạc còn là thần hộ mệnh con người nữa kia. Chẳng phải nó là thứ thuốc trường sinh bất lão các đạo sỹ Tàu luyện ra để dâng hiến các vị vua chúa ngày xưa đâu. Nó là cái khoá, cái xích đeo ở cổ con người để giữ hồn, trừ ma. Nó như cái vuốt hổ trấn yên ma quái, nó đuổi gió độc, nó xua rủi ro. Nó là niềm vui, niềm tin, niềm ao ước của con người.
Mắt đeo cái kính mắt tròn gọng đồng hồ, râu ria tóc bạc phênh phếch như mạ một lớp bạc bị mưa gió ăn mòn, ông lão chư đã hơn nửa thế kỷ ngày qua ngày cúi gò lưng tôm, làm cái công việc tô điểm cho con người, đem lại niềm vui sống cho con người. Ông là tác giả của tất cả những đồ trang sức trong vùng.
Đôi bàn tay ông giờ đã nhăn nheo và đóng thành chai vẩy rồi, nhưng những sản phẩm từ đôi tay ông làm ra thì vẫn xinh xắn bóng bẩy và xem ra còn tinh xảo, óng chuốt hơn xưa nhiều.
* * *
Chiều thu ấy mưa sụt sùi. Bên cái lò rèn, lò đúc huỳnh huỵch, ồn ào rừng rực hơi lửa, ông lão chư ngồi lạch tạch gõ cái búa nhỏ, chạm những nét hoa văn trên mấy mảnh bạc. Ông gò lưng, ép ngực liền một hơi dài và tưởng là sẽ còn mải mê thì bỗng dưng như chợt phát hiện ra điều vô lý gì đó, liền thẳng người, thần mặt. Lát sau, ông ấn cái gọng kính vào sát mắt, mở tráp lôi cuốn hóa đơn, loạt soạt giở, chăm chú nhìn, lẩm nhẩm đọc, rồi thở một hơi dài kín đáo. Buồn bã, ông lăng cái mảnh bạc đang chạm dở vào đống đồ cũ của khách hàng. Tên người đặt hàng ông nhớ rõ ràng là Giàng Thao Ly, thế mà ông lại chạm thành Giàng Tráng Ly. Thế là lại phải mất công nấu, dát, cắt và chạm lại rồi! Ông cúi tìm mảnh bạc khác, làm cái khác vậy chứ biết làm thế nào bây giờ. Cái chạm nhỏ tí bị cái búa nhỉnh hơn tí chút thúc đuôi, lại tạch tạch đều đều. Ông lại mải miết, nhưng quái, vào lúc ông như kẻ quên mình, ông bỗng ngừng phắt công việc và ngẩn người. Người thợ kỳ tài bằng linh cảm tinh tế lại đã nhận ra một sơ suất li ti của mình. Cái khóa khách đặt yêu cầu ông chỉ khắc một nét viền, thế mà ông lại đi hai đường viền. Công cốc. Nhưng không phải chỉ là thế. Đáng ngại hơn là, chẳng lẽ ông đã trở nên lú lẫn rồi, không có khả năng đeo đuổi cái nghề tài hoa và phúc đức này nữa rồi hay sao?
Ngẫm nghĩ một lúc ông mới nhận ra là không phải vậy. May quá chỉ là ông không chế ngự được cảm xúc của ông mà thôi. Quái lạ, thì ra ở tuổi già, con người cũng có thể phấn hứng* mãnh liệt chẳng kém gì ở tuổi trẻ cả. Có khi lại còn hơn nữa. Nhất là trước những sự tri ân và kính trọng. Càng già người ta càng ưa thích người khác trọng nể và bày tỏ lòng biết ơn mình? có phải thế không mà khi người đàn bà Mông ấy rưng rưng cảm tạ ông, ông lại thấy tâm trí sung sướng đến mê mẩn như vậy nhỉ?
* Phấn hứng: (Ít dùng) Phấn khởi và hứng thú.
Khách nhớ nhà hàng, chứ nhà hàng nào nhớ nổi mặt khách. Người đàn bà Mông ấy ở xã Thải Giàng Phố đặt ông làm bộ khóa bảo mệnh cho con trai bà từ bao giờ, ông chẳng còn nhớ. Việc tuy tỉ mỉ, kỳ khu, nhưng trăm lần giống nhau thì cũng trở nên bình thường. Vậy mà bà ấy lại đến, đặt xuống cạnh cái bếp lò nhỏ xíu của ông một bu gà hai con sống thiến, và giọng vừa cất lên đã nghẹn ứ:
- Ông cụ ơi! Ông cụ ban phúc lành cho con, cho cháu. Con không bao giờ dám quên ơn trời biển của ông cụ!
Thế là thế nào nhỉ? Ông lão chư thoạt đầu ngơ ngác, nhưng nhìn hai cái đầu gà trống mào sun lại thò ra mắt lồng, hiểu chuyện ở mức thông thường, liền cười:
- Ơn huệ gì, bà người Mông? Tôi làm. Bà trả công. Tiền công, bà không còn nợ. Vậy là xong! Nói xong, người thợ bạc lại cúi xuống với công việc hàng ngày của mình.
Nhưng, người đàn bà Mông đã sụp xuống, nức lên rất lạ. Thì ra bà đến đây để tỏ lòng tri ân ông. Ông đã gia ân cứu mệnh cho đứa con trai duy nhất của bà, nó đeo cái khóa bạc bảo mệnh do ông làm. Tháng trước nó ốm, ốm nặng lắm. Đã tưởng là phải bỏ. Vậy mà nó lại khỏi, lại khỏe mạnh như thường, nay lại đi học rồi. Y tá xã, y sỹ huyện tiêm thuốc thì cũng có. Nhưng dứt khoát là tà ma đã phải buông đứa nhỏ vì nó đã được cái khóa bảo vệ tính mệnh. Cái khóa thần vạn năng. Cái khóa gìn giữ linh hồn. Không có nó, ma ác hại như ma trâu, ma lợn sề, ma rừng, ma suối đã bắt đứa trẻ đi rồi. “Không phải do cái khóa đâu”. Thoạt đầu, người thợ bạc giải thích như vậy. Nhưng cả một buổi chiều người đàn bà Mông phấn khích quá, khăng khăng điều bà đã nói. Đến nỗi cuối cùng người thợ bạc già cảm động quá, nghẹn ngào: “cả đời tôi, tôi chỉ ao ước đem lại cái hạnh phúc cho người khác. Nếu đúng là như vậy thì tôi sung sướng quá, bà người Mông ạ”.
Chao ôi! Ấy là nỗi sung sướng cao cả thuần khiết, không mảy may vụ lợi. Nỗi sung sướng thần diệu ấy đã biến đổi tâm tính con người, đến mức ông lão thợ bạc từ hôm ấy bỗng trở nên một kẻ xa lạ với chính bản thân mình. Ông hay lạc ý, lạc thần. Lai láng trong ông, đến mức không kìm chế được, một cảm xúc thiêng liêng về giá trị con người mình. Lâng lâng vui sướng, từ trong thâm tâm, ông đón đợi những khách hàng mới của mình.
* * *
Sáng nay, khách hàng mới của ông lão chư thợ bạc đã tới. Đó là một cô gái Tày vừa bước vào tuổi thanh nữ với tất cả niềm vui, nỗi bồn chồn, vẻ e thẹn, cùng những tiên cảm hư huyền, trong sáng nhất. Vóc thon nhỏ trong bộ áo lam dài, mắt tròn mảnh dẻ như một bông hoa bướm mong manh, cô càng nổi bật với vẻ tươi mới, rụt rè khi chào ông thợ già. Lát sau, cũng từ ngoài mưa bước vào hai khuôn hình phụ nữ tương tự, nhưng hơi đẫy và không còn vẻ e lệ, ngỡ ngàng. Hai người này là chị cô gái nọ.
- Cháu chào bác ạ! – cô gái hơi cúi xuống, khe khẽ.
- Ướt hết cả ba chị em rồi! – Ông lão nói.
- Cũng còn may, chúng cháu còn sợ bị mưa ở giữa đường cơ. Chúng cháu ở xa lắm!
Ông lão đoán các cô gái Tày này ở miền hạ huyện. Nhưng chưa kịp hỏi, cô gái nọ đã tách ra khỏi hai người chị, kéo cái túi hoa hai bên sườn ra phía trước, thò tay vào đó, kéo ra một bọc vải nhỏ nằng nặng.
- Bác ạ, ở đây bác có nhận làm vòng không ạ? Rõ ràng là một cô gái mới lớn, lần đầu tiên đi đến cửa hàng bạc. Ông thợ bạc cười:
- Có chứ! Thiên hạ thích cái gì, lão làm cái đó! - cháu muốn đánh một chiếc vòng tay, một cái vòng cổ, một bộ xà tích kiểu người Tày!
- Biết... biết... Biết làm cả kiểu người Tày! Ông thợ già gật gật. Cô gái mở cái bọc nhỏ trên bàn tay trắng muốt, mảnh như chiếc lá trầu. Hai mắt cô ánh lên nỗi hân hoan rất thơ trẻ, cái nỗi hân hoan thấm đượm vẻ kiêu kỳ. Lần đầu tiên cô kiêu hãnh khoe với người khác sự giàu có của cô. Cô có những năm đồng bạc hoa xòe. Và khi ông lão hỏi nửa thật nửa đùa rằng vẫn còn những đồng cổ quý như thế kia ư, thì cô càng lộ rõ vẻ tự hào:
- Mẹ cháu mới mua cho cháu đấy, bác ạ! Người thợ già nhón năm đồng bạc trắng xóc xóc trên đôi tay. Quen thuộc rồi! Loại đồng hào năm mười xu xưa vẫn quen gọi là đồng xanh – căng trên có hình người đầm và bông lúa uốn cong vẻ cách điệu, phía dưới có con số 1922.
- Một lạng hai đồng cân!
Ông lão xướng. Cô gái reo khâm phục:
- Trời! Sao bác biết rõ thế ạ?
- Tay bác nó có tình rồi!
Cả ba chị em đều cười. Cô em út hồi hộp:
- Bác ơi, thế từng ấy đánh được những thứ gì? - Như cháu nói khi nãy, thêm một đôi khuyên! - A lúi! cô gái kêu to. Hai con mắt mở to hết cỡ như hai cái hồ nước, sóng sánh vì điều may mắn bất ngờ. Lập bập, cô níu bàn tay có tinh của ông già, run rẩy vì cảm động:
- Bác ơi, bác lấy cháu bao nhiêu tiền, hả bác?
Ông thợ bạc già lắc mái đầu bạc:
- Bác không lấy tiền. Bác chỉ muốn được cháu mời đến dự đám cưới!
Lần này thì cả ba chị em cô gái Tày miền hạ huyện cùng thốt kêu thật to cái tiếng cảm thán quen thuộc của dân tộc họ: A lúi và cùng quỳ cả xuống dưới chân ông già thợ bạc. Người phụ nữ lớn tuổi nhất nói:
- Thưa bác, bác là Tiên là Phật, bác biết trước mọi sự. Đây là ba chị em cháu. Mẹ cháu chỉ sinh hạ được ba chị em cháu. Cháu và cô em thứ hai đây đã có gia đình riêng. Bố cháu mất đã mười ba năm, từ hồi còn ở chiến trường đánh giặc. Mẹ cháu hiện thời ốm yếu, chắc không qua khỏi năm nay. Nguyện vọng cuối cùng của mẹ cháu là em út cháu được thành gia thất. Nếu không, bà nhắm mắt không yên. Bây giờ, cái gì chưa thành cũng lo không thành, bác ạ! - Người phụ nữ ngừng nói, nuốt hơi, có lẽ xúc động vì chính câu nói của mình và sợ người thợ bạc hiểu sang ý khác, vội nói tiếp trong hơi thở có lúc cồn lên lấp cả tiếng nói:
- Thành ra, cháu và em thứ hai phải thân chinh dẫn em út đi. Dọc đường, thế mà có lúc nó cứ sợ. Sợ rơi. Sợ kẻ cắp lấy. Sợ cửa hàng không nhận. Thật là cầm vàng còn sợ vàng rơi. Bây giờ được gặp bác, được nghe bác nói, mười phần mới chắc cả mười!
Không để chị nói tiếp, cô em út bồng bột nắm cổ tay ông thợ bạc lắc lắc:
- Bác ơi, cháu sẽ đem ngựa lên đón bác. Nhất định bác sẽ dự đám cưới của cháu nhé. Tuần sau... Vâng, tuần sau cháu tổ chức, bác ạ!
* * *
Thế là người thợ bạc hiểu rồi. Nhất định là sẽ có cái đám cưới của cô gái út người Tày miền hạ huyện ấy. Ôi, những đám cưới còn giữ nguyên phong tục cổ truyền. Có bánh chưng, bánh dày. Có bài hát thách đố. Cô dâu đi hài thêu chỉ ngũ sắc, mặc áo vóc hồng, thắt lưng hoa lý, óng ánh vòng bạc cổ tay, khuyên bạc đuôi tai, xà tích bên sườn... Đời đã có nhiều chuyển đổi rồi, nhưng trong cái ngày lớn ấy, chàng rể thế nào cũng biếu bà ngoại một đôi hoa tai, một vòng tay bạc. Bạc, cái ánh trắng lấp lánh ấy là cái phần ông lão góp thêm vào cuộc vui lớn của con người.
Ngay chiều hôm ấy, tiếp nối cái cảm hứng ân nhân từ hôm gặp người đàn bà Mông, cảm động vì tình nhân hậu chị em ruột thịt của ba người phụ nữ Tày, nhất là thông cảm với cái háo hức của cô gái sắp làm cô dâu, ông lão chư bắt tay ngay vào việc làm đồ trang sức cô dâu cho cô gái nọ.
Hết buổi, ông ôm tráp đồ nghề về nhà. Cơm nước xong, ông đốt lò đặt cái âu sứ lên và thả vào đó mấy đồng bạc hoa xòe. Đoạn, ông quay ra hút thuốc lào. Khói thuốc vần vụ đưa ông vào những cảm xúc phiêu lãng, thú vị và tất cả những tiết đoạn trong câu chuyện hàng ngày diễu vòng trong óc ông cho tới lúc ước chừng đã đến thời điểm bạc nóng chảy, ông mới quay lại bếp lò.
Trở về với bếp lò, ông hơi sững người. Hay là ông lại đãng trí như khi chạm hỏng hai lần hai mảnh bạc? Lạ nhỉ? Ông cúi sát xuống cửa lò. Không, than trong lò vẫn hồng, thổi hơi vào, than còn lép bép nổ. Vậy mà, tại làm sao nhỉ, năm đồng bạc trắng vẫn không tan chảy, vẫn còn nguyên hình và chỉ xỉn đi? chẳng lẽ là chưa đủ sức nóng? Ông lão thêm than, cúi xuống phù phù thổi. Than rực đỏ.
Nhưng lần này thì ông lão hốt hoảng thật sự. Nhấc cái âu sứ ra, để cạnh mình, chờ cho cái âu sứ nguội đi, ông đổ mấy đồng bạc trắng ra lòng bàn tay, rồi ngồi lặng. Hỏng rồi! Xanh - căng này không phải là bạc. Nó là đồng mạ bạc. Nó giả làm bạc. Chao ôi! Vậy mà cái hạnh phúc tưởng đã cầm chắc trong tay lại hóa ra tuột mất. Cô bé cầm mấy đồng bạc sợ rơi, sợ mất cắp, sợ người thợ bạc không nhận. Cô có biết đâu cái cơ sự này? Hóa ra bây giờ cái gì cũng mong manh cả. Và nếu đúng như cô chị cả nói: Bây giờ cái gì chưa thành cũng lo không thành cả thì đời đáng sợ quá! Hóa ra những điều kiện an toàn đã trở nên bấp bênh và con người phải sống trong lo âu, phòng ngừa, thấp thỏm liên miên ư? con người không được cả tin, không được thơ ngây nữa, vì như vậy là sẽ bị lừa dối. Sẽ bị phản trắc như cô gái đã bị lừa, mẹ cô và hai chị cô đã bị lừa. Cả ông lão đã nửa thế kỷ hành nghề hóa ra cũng chỉ là đứa con nít ngây dại. Ôi cái thói đời điên đảo, lọc lừa. Vậy là nó vẫn còn lẩn quất quanh ta, nó chỉ náu mình trốn tránh đôi khi thôi, mà ta lại ngỡ là nó đã bị diệt trừ tận gốc.
Ngồi lặng lẽ trong đêm, ông lão chư buồn thấu gan ruột. Nhưng lát sau, như rũ ra khỏi nỗi buồn, ông lại cúi xuống đốt lò, đặt âu. Lấy mấy đồng bạc trắng dự trữ của mình ra, ông đặt vào âu, rồi vừa làm công việc của người thợ bạc, ông vừa lẩm bẩm: “Lỗi tại ta! Lỗi tại ta. Ta nhìn lá vối ra chè! Ta lầm lỗi, ta phải đền bù”.
Ông lão chư quyết đóng trọn vai vị ân nhân của cô gái Tày vùng hạ huyện. Ông lão nhất quyết làm kẻ sửa chữa cái khiếm khuyết của cuộc sống chưa hoàn hảo để đoạn đời tới của cô gái được suôn sẻ mọi bề. Nghĩa là vẫn sẽ có cái đám cưới tưng bừng của cô gái, cũng vẫn sẽ lóng lánh vòng bạc cổ tay, xà tích bên sườn, khuyên sáng đuôi tai... như mọi cô dâu Tày vùng hạ huyện.
Bộ đồ trang sức cô dâu Tày thật đã hoàn chỉnh trước cả thời hạn ba ngày. Trong ba ngày đó, những lúc rỗi ông lão ngồi mơ màng thú vị vì cái cử chỉ nghĩa hiệp của mình. Ông tưởng tượng ra cảnh cô gái Tày tới, háo hức và sung sướng đến nức nở khi nhìn thấy những đồ nữ trang nọ. “Bác ơi, tay bác thật là có tinh! Sao bác làm đẹp thế, bác ơi”. Cô gái sẽ reo mừng và ông sẽ đưa từng thứ một để cô đeo thử. Đôi khuyên quả bầu. Cái vòng tay hình lòng máng úp chạm những đường sóng lượn cùng những con chim lạc. Cái kiềng óng ánh rỗng nhẹ uốn mềm một cung tròn... Tất cả đều hòa hợp. Tất cả đều hiển hiện chân thật, chứ không phải là ảo ảnh chập chờn. Không phải là ảo ảnh chập chờn, nhưng cả ông lão và cô gái Tày đều sẽ như trong ảo mộng ngất ngây. Cả tiếng con ngựa hồng hí ngoài sân kia cũng nghe như vẳng từ xa lại, biến dạng đi, như một lời âu yếm mời chào.
Ba ngày chờ đợi qua. Ngày hẹn tới. Ông lão chư đến cửa hàng từ sớm. Cạnh ông, bếp lò rèn thoi thóp thở. Cái lò đúc khừ khừ như tiếng rên người ốm. Đã là cuối thu, mưa bay lất phất rắc bụi đầy trời.
- Chào bác ạ! Nghe thấy hai tiếng chào phụ nữ, ông lão khấp khởi, nhưng quay lại thì biết ngay là mình nhầm. Hai cô gái Tày này cũng ăn mặc kiểu người Tày hạ huyện, nhưng là những thiếu nữ ông chưa từng gặp. Và rõ ràng họ cũng là những cô gái lần đầu tiên đến cửa hàng ông.
- Sắp mở cưới hả?
- Úi! Sao bác biết ạ? - Mắt bác có tinh đấy.
- Bác ơi, chúng cháu có bạc trắng mới mua được, chúng cháu muốn đánh hai bộ đồ trang sức cô dâu!
“Được... Được...”.
Ông lão thợ bạc gật gật và chìa bàn tay khô như chiếc lá héo đón những đồng bạc hoa xòe từ hai cái túi hoa của hai cô gái nọ dốc ra với vẻ phấn chấn khác thường. Đầy ụ bàn tay ông lão những đồng hào. Và tay ông bỗng run run như thấm nhiễm hơi giá lạnh của đồng tiền. Hơi lạnh từ tay ông toả ra khắp người ông, rồi như cái thuốn xuyên dọc sống lưng ông, chói lộng óc ông: Bạc giả! đúng là những đồng bạc giả! Lần này thì ông không thể nhận nhầm được. Lần này thì ông không khinh suất, không ngu ngơ để bị lừa nữa. Lần này thì ông không để bị mê hoặc trong những cảm xúc đẹp đẽ về hạnh phúc, lần này ông tỉnh táo. Nhưng lần này, sau cơn giận dữ vì thói đời, ông ngồi đờ đẫn, nhìn hai cô gái thất vọng, nước mắt lưng tròng, cúi mặt, quay lui và lủi thủi ra về. Biết bao nhiêu bẽ bàng, tủi hổ mà con người ta đã phải nhận vì bọn bất lương, giờ đây ông lão chư buồn xỉu. Chiều đó ông không làm được việc gì. Động làm là hỏng, là nhầm. Bối rối trong xúc cảm buồn bực, ông lão càng bối rối trong chờ mong. Ông chờ mong cô gái út người Tày vùng hạ huyện đến lấy bộ đồ trang sức cô dâu. Nhưng, cả chiều đó, tối đó ông lão đã mỏi mắt chờ.
Ngày hôm sau, ông lão chư lại chờ. Ngày hôm sau nữa, ông lão ngóng, ông lão mong. Nhưng một tuần qua cô gái vẫn chưa thấy tới. Cùng với sự chưng hửng là nỗi ái ngại. Đã lại xảy ra điều bất trắc gì với cô gái? Người thợ bạc già bồn chồn. Ông muốn được thấy cô gái vui vẻ trong sự gia ân kín đáo của ông. Ông muốn được hưởng cái hạnh phúc của sự cho đi, sự ban tặng. Ông sốt ruột hơn khi một tuần nữa đi qua. Ơn huệ của cá nhân ông vậy là trở nên vô nghĩa ư? Nếu như một đời sống được tổ chức chu đáo đến mức lòng tốt cá nhân trở nên thừa thãi thì lại đi một nhẽ. Đằng này... Ông thực sự kinh hoàng vì chiều đó ông lại lặp lại cuộc gặp gỡ với hai cô khách hàng lần trước đem bạc giả đến cửa hàng. Hai cô dẫn theo hai cô khác, và họ nói họ ở vùng hạ huyện lên. Họ mang theo những đồng xanh – căng cổ mới mua của một tốp phụ nữ lạ mặt hiện đang ở vùng đó. Ông lão chư cầm những đồng hào nọ, những đồng hào giả bạc nặng trịch, giá buốt lòng tay ông. Hạnh phúc là thứ luôn bị đánh tráo thế này ư? Khủng khiếp quá! Rồi như sực nhớ, ông bảo các cô gái ngồi chờ, ông cầm những đồng hào giả bạc đi. Lát sau ông quay về, bảo các thiếu nữ khách hàng:
- Công an họ sẽ cho người xuống vùng hạ huyện ngay. Khốn nạn thế! cái đứa vô lương nó làm khổ bao người! – Buông câu nói cuối cùng, ông lão ngồi thẫn thờ.
Cả mùa thu ấy ông lão chư chờ cô gái Tày em út nọ trở lại lấy đồ trang sức cô dâu. Rồi mùa thu qua. Mùa đông giá tới. Và mùa xuân lại đến như thiếu nữ xinh tươi. Cô gái Tày, cái tâm hồn tươi sáng trong ngần và thực thà nọ hẳn là đã đau buồn và do lòng tự trọng nên đã không tới, thậm chí muốn lánh mặt ông vì sợ ông nghĩ rằng cô đã lừa dối ông chăng? Hẳn là như thế! Và thế là cái đám cưới có ngựa hồng đón ông xuống dự cũng đã không có.
Khắc khoải, ông lão chư có cảm giác mình mang nợ. Ông nợ những con người lương thiện món nợ hạnh phúc. Đầu mùa thu sau, để khỏi phải thấp thỏm ngóng đợi cô gái tới, ông lão liền nghĩ cách viết thư báo cho cô, nhưng vì quá lâu, ông đã để lẫn tờ hóa đơn biên nhận ghi tên, địa chỉ của cô gái đâu mất, tìm mãi không thấy. Ông đành phải nhờ đài phát thanh huyện thông báo mấy lời sau: “Có một nữ khách hàng người hạ huyện đặt hàng cưới ở tôi từ năm ngoái chưa đến lấy. Nay tôi sắp nghỉ hưu vì ốm yếu, vậy quý khách hãy đến ngay cho kịp để tôi được an lòng.
Chư - Thợ bạc ở Phố Cũ”.
Tuyển Tập Truyện Ngắn Tuyển Tập Truyện Ngắn - Nhiều Tác Giả Tuyển Tập Truyện Ngắn