Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6036 / 13
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ang loạng choạng bước ra khỏi nhà hàng, người nặc nồng mùi rượu. Anh đã uống nhiều lắm rồi, nhiều đến mức đã chết chìm trong rượu, nhiều đến mức không còn biết mình muốn gì, làm gì nữa.
Ngất ngư ngất ngưỡng, Cang đi dưới lòng đường, mặc kệ những tài xế taxi gọi mời, những tay xe ôm kề kề níu kéo, anh vung tay xua họ ra hết.
Đêm nay cũng như những đêm đã qua, Cang muốn lang thang ngoài đường, hay say đến chết đi ở xó xỉnh nào đó chớ không muốn về nhà. Ngôi nhà ấy với anh hiện giờ là địa ngục, mà có ai thích sa chân xuống địa ngục đâu. Bởi vậy Cang thà cà lơ phất phơ như một kẻ cù bơ cù bất, không nơi nương tựa còn hơn.
Chống tay vào gốc me ven đường, Cang gập mình nôn nhưng chả được gì, anh lại ngả nghiêng bước. Mắt nhắm mắt mở thế nào, Cang lại bước hụt chân từ trên lề xuống lòng đường, mất thăng bằng anh ngã ngang ngay đầu một chiếc xe đạp khiến chiếc xe và cả anh cùng người điều khiển té lăn kềnh ra đất.
Cô gái chạy xe đạp gượng đứng dậy được, nhưng anh thì không. Nằm lăn ra đường trông Cang tồi tệ chưa từng thấy.
Cô gái ngần ngừ một thoáng rồi tới bên anh. Nhìn gương mặt ẩn sau bộ râu rậm rì cả tuần không cạo của Cang, cô gái gọi:
- Chú ơi! Chú có sao không?
Cang nhướng mắt lờ đờ nhìn cô gái rồi nhắm lại y như Chí Phèo đang ăn vạ.
Cô gái giậm chân khi ngửi thấy mùi rượu nồng nặc từ người anh.
- Trời ơi! Sao mày xui vậy Nhã Ca?
Đúng là hôm nay Nhã Ca xui thật. Bán được một sim card thì lại thối lộn tiền, phải lấy tiền túi đấp vào, giờ tới lúc về nhà còn đụng phải một gã bợm rượu.
Dựng xe lên, Nhã Ca định đi tiếp nhưng cô lại ngần ngừ khi thấy gã Chí Phèo thời đại vẫn nằm ngay đơ dưới lòng đường.
Ca nghe nói những người say rượu nằm phơi sương, phơi gió dễ bị chết bất đắc kỳ tử lắm - Cô mà bỏ đi lỡ thằng cha này chết thì sao?
Bất giác Nhã Ca rùng mình lo sợ.
Dựng chống xe, Nhã Ca tới bên Cang. Cố nín thở để không hít phải mùi rượu, Ca lay mạnh vai anh:
- Chú ơi! Dậy đi chú... Nằm đây coi chừng... coi chừng trúng gió đó.
Cang mở mắt. Trước mặt anh là một gương mặt lạ, trẻ trung với mái tóc dài dịu dàng trông thật hiền lành, thanh khiết khác xa với các cô nàng trong các quán bia. Con bé ở đâu ra vậy nhỉ?
Cố gắng Cang gượng dậy theo tay đỡ của Nhã Ca. Đứng lên được rồi, nhưng anh vấp loạng choạng nghiêng sấp, nghiêng ngửa và gần như đổ ập cả tấm thân to lớn như gấu của mình vào dáng dấp mảnh mai của cô gái, khiến Nhã Ca phải khó khăn lắm mới giữ cho cả hai không té.
Dù rất gớm mùi rượu và gớm cả gã say đáng tởm này. Nhã Ca vẫn cố sức kéo Cang vào lề đường. Để anh dựa vào hàng rào một ngôi biệt thự, Nhã Ca thở phào nhẹ nhõm. Cô chưa kịp quay lưng biến cho lẹ thì Cang đã gập người ói. Tai ác thay, anh ói... nhanh đến mức Nhã Ca không tránh đi đâu được.
Hứng trọn món "Chè của chó", Nhã Ca vừa la vừa nôn thốc nôn tháo vì gớm. Cô bật khóc ngon lành vì tức và tủi. Tiếng khóc tức tưởi của Ca dường như làm Cang tỉnh táo đôi chút. Anh ngơ ngác nhìn Ca đang lấy khăn trong giỏ xách ra chùi những thứ dơ bẩn dây trên quần áo, thậm chí trên cả tóc của cô.
Nhã Ca gầm lên trong nước mắt:
- Đúng là khủng khiếp. Phải chi vừa rồi tôi để mặc xác chú nằm dưới đất.
Dứt lời cô lại oẹ. Lấy chai dầu gió kim ra, Ca bôi vào mũi, vào cổ mình với hy vọng mùi dầu sẽ át bớt mùi ghê rợn trên. Nhưng dầu nóng rát cả mũi, cay khiến cô không mở nổi mắt, song cái mùi đáng kinh tởm kia vẫn không hết.
Cang nhìn cô, giọng nhừa nhựa:
- Xin... lỗi nghe... Thiệt là ngại.. Hay em về nhà anh tắm rửa thay đồ. Đã cố tình va vào anh rồi. Anh hỏng để em thiệt thòi đâu. Nào! Đi với anh.. cưng.
Những lời của Cang như đổ dầu vào lửa, nó khiến Nhã Ca càng bùng lên sự phẫn nộ. Cô đẩy mạnh Cang ra khi anh suồng sã choàng vai cô.
Hừ! Đúng là làm ơn mắc oán, hắn ta tưởng cô là gái giang hồ nên mới có giọng điệu khiến cô bị tổn thương đến thế.
Đã vậy thì mặc xác hắn. Nhã Ca cố nén sự kinh tởm xuống, cô đi như chạy về chỗ dựng xe và cong lưng đạp xe trong nước mắt.
Về tới nhà trọ, Nhã Ca lại òa lên khóc hu hu khiến lũ bạn hết hồn hết vía.
Thanh Du há hốc mồm nhìn bộ dạng, quần áo của Ca. Nó lắp ba lắp bắp:
- Mày... mày bị... bị trấn lột hay... hay bị... bị... quấy rối vậy?
Vẫn không thôi khóc, Nhã Ca kể chuyện xui xẻo của mình trước những đôi mắt tròn xoe của tụi bạn.
Ngọc Thùy thảng thốt:
- Nếu là tao, chắc tao xỉu tại chỗ rồi chứ không về được tới nhà như mày đâu. Đúng là khủng khiếp!
Ánh Dương thực tế hơn:
- Đó là một kinh nghiệm. Sau này lỡ xui, lủi vào thằng cha say thì cũng chạy luôn, mặc kệ họ sống hay chết.
Thanh Du giục:
- Đi tắm đi, không thôi mùi hèm thấm vào chân tơ kẽ tóc của mày đó. Hú hồn hú vía! Dầu sao cũng còn may là nguyên vẹn về tới nhà.
Nhã Ca liếc Thanh Du vì miệng mồm độc địa của nó, nhưng cô chả còn hơi sức đâu để mắng con bé.
Vào nhà tắm, Nhã Ca gội đầu, tắm rửa thật kỹ mà vẫn nghe cái mùi quái quỷ hôi hám ấy!
Ca hắt hơi liên tục mấy cái vì lạnh, nhưng dù lạnh cỡ nào, cô cũng phải giặt cho sạch bộ quần áo vừa cởi ra.
Trở về phòng trong bộ dạng co ro lập cập. Nhã Ca cảm động khi thấy Thanh Du đã pha sẵn cho cô một ly sữa cacao nóng hổi.
Con bé nói:
- Uống đi cho ấm. Thật là khổ, mười một giờ đêm mà phải gội đầu.
Nhã Ca vừa chúm môi vừa thổi sữa bảo:
- Mười hai giờ đêm hay một giờ sáng cũng phải gội, nếu không thà chết sướng hơn.
Ánh Dương ngần ngừ:
- Hay là nghỉ làm đi. Mày cứ về khuya không gặp ma cũng gặp quỷ.
Nhã Ca còn im lặng thì Thanh Du đã rú lên:
- Tụi tao đâu có nhiều tiền như mày với nhỏ Thùy, nghỉ làm là đói đó. Quê tao đang lụt lội, mất mùa, bộ mày không biết sao?
Ánh Dương xìu mặt:
- Tao nói vậy vì lo cho tụi bây thôi, làm gì... lên cơn dữ thế?
Thanh Du bĩu môi:
- Lo bằng cái miệng, ai lo hỏng được.
Ánh Dương nổi cáu:
- Hừ! Từ giờ trở đi hồn ai nấy giữ nghen.
Nhã Ca nhìn Thanh Du rồi nhìn Ánh Dương:
- Tao xin tụi bây mà!
Rồi cô bỏ ra ngoài đến ngồi trên cái ghế đá nhỏ, lòng buồn bực hết sức.
Gia đình Ánh Dương và Ngọc Thùy thuộc hạng khá giả nên bọn chúng vô tư ăn học, vô tư xài tiền chớ không cần tính toán chi li như cô và Thanh Du. Bốn đứa ở chung một nhà trọ nhưng lại chia ra làm hai phe rõ rệt. Thanh Du tuy hay nói, hay làm điều nhưng chân tình, tốt bụng. Nhã Ca và nó làm một phe, đó là phe nhà nghèo. Tuy một phe, song Thanh Du vẫn không biết nhiều về Ca, cô có những bí mật riêng không thể thổ lộ cùng ai.
Lẽ ra Thanh Du và Nhã Ca làm cùng một chỗ, từ mười hai giờ trưa đến tám giờ tối, nhưng cô đã đổi chổ này cho người khác vì cô ta ở xa quá. Giờ thì Nhã Ca phải gánh hậu quả của tật thương người này rồi.
Thanh Du bước ra đứng dựa vách:
- Hồi nãy anh Quân, người quen của mày có ghé quầy... Anh ấy hỏi thăm mày và tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết mày đứng quầy ở chỗ khác chứ không cùng siêu thị với tao cho đi về có chị có em. Hà! Anh Quân cũng nghĩ xa cho mày đó chớ. Giờ mày đã thấm thía "Thân gái đường khuya" chưa?
Nhã Ca làm thinh rồi hỏi:
- Anh ta hỏi gì về tao?
Du lững lờ:
- Nhiều lắm! Ai mà nhớ hết!
- Nhưng mày trả lời thế nào, chắc mày phải nhớ?
Thanh Du gật đầu:
- Nói chung anh Quân có vẻ quan tâm tới cuộc sống của mày. Ảnh cho tao số điện thoại với lời dặn dò. Nếu có chuyện gì cần giúp đỡ, cứ gọi cho ảnh.
Cười cười, Thanh Du hạ giọng:
- Chắc chắn mày cũng có số của ổng? Đã có bao giờ gọi thử chưa? Tao thấy anh Quân là mẫu đàn ông vừa ga lăng vừa lịch sự. Mày mà "cho qua" là uổng lắm đó nha.
Mặt đanh lại, Nhã Ca gằn:
- Tao cấm mày nói bậy!
Thanh Du le lưỡi:
- Thì tao không nói nữa. À, quên. Mày biết ông Quân đi với ai không?
- Tao không quan tâm.
- Nên quan tâm đi. Ông Quân đi với giám đốc siêu thị đó.
Nhã Ca buột miệng:
- Là ông hay bà?
- Ông. Nhìn ớn lắm. Mặt cứ lạnh như tiền. Nghe chị Bông chung ca với tao nói ông ta khó chịu lắm. Nhân viên lớ quớ là bị đuổi như chơi. Ông giám đốc là chỗ quen biết với anh Quân, mà anh Quân đỡ đầu tao với mày, cũng đỡ khổ chứ sao.
Nhã Ca lừ mắt:
- Ông Quân đỡ đầu tao với mày từ bao giờ, sao tao không biết vậy kìa?
- Ờ thì... có người quen quen giám đốc là tốt rồi.
Nhã Ca bỗng tò mò:
- Giám đốc già lắm hả?
- Đâu có. Mà tao không biết nữa, mặt mũi râu ria không, khó đoán tuổi lắm.
Nhã Ca rùng mình:
- Lại râu ria, thật đáng kinh tởm. Cái thằng cha say hồi nãy cũng râu ria thấy gớm. Tự nhiên tao thấy ghét những bộ râu và những bợm nhậu. Đúng là khi rượu vào thì tư cách sẽ cắp nón ra đi. Thằng cha xỉn đó sẽ như thế nào lúc tỉnh rượu nhỉ? Đêm nay chắc tao mất ngủ vì thứ rác rưởi đó quá.
Thanh Du hóm hỉnh:
- Ghét của nào trời trao của ấy! Để rồi xem, mày sẽ vơ phải... dân vừa râu ria xồm xoàm, vừa nhậu như hũ chìm.
Nhã Ca gân cổ lên:
- Còn khuya!
Dứt lời, cô hắt hơi liên tục mấy cái khiến Thanh Du phải bật cười:
- Chắc thằng cha Chí Phèo đó nhắc mày quá!
Nhã Ca sụt sịt mũi:
- Làm ơn để tao quên chuyện xui xẻo ấy đi.
Thanh Du khoát tay:
- OK. Không nhắc nữa. Đêm nay ráng ngủ ngon, sáng mai còn đi học sớm.
Nhã Ca làm thinh và biết mình sẽ không ngủ ngon được, dù có cố gắng cỡ nào.
Cang uể oải bước xuống bếp, anh nhìn ly cà phê đen nóng hổi trên bàn rồi hỏi:
- Hồi tối con về nhà lúc mấy giờ hả má Mười?
Đang chiên trứng ốp la cho Cang ăn sáng, bà Mười nhíu mày đáp:
- Gần mười hai giờ thì phải.
- Ai đưa con về?
Bà Mười nhún vai:
- Chả có ai hết mới ngộ. Hình như con cuốc bộ từ quán về... thì phải.
Cang kêu lên:
- Đi bộ à?
Bà Mười gật đầu:
- Sáng nay má nghe mấy tay xe ôm ở góc phố nói thế. Con đi bộ, ngả nghiêng ngả ngửa, họ phải đỡ con mà. Chắc là đo đường cũng nhiều nên quần áo toàn đất cát.
Cang bưng cà phê lên nhâm nhi và cố nhớ xem tối hôm qua anh đã về nhà bằng cách nào.
Trong ký ức đen như hũ nút, Cang chẳng hiểu sao mình cứ liên tưởng tới một cô gái không rõ mặt mũi nào đó. Anh thường uống rượu với bạn bè và không có đàn bà, dù đó là tiếp viên. Vậy tại sao lại nghĩ tới đàn bà nhỉ?
Hôm qua Cang uống một mình, anh đang rất buồn nên đã mượn rượu giải sầu.
Giọng bà Mười vang lên ngắt ngang suy nghĩ của Cang:
- Con tính về đây ở luôn à?
Cang gật đầu.
- Vâng. Má thấy thế nào?
- Đây là nhà con mà, nhưng nhắm Thục Trinh có để con yên không?
Cang đanh mặt lại:
- Con chấp cô ta quậy.
Bà Mười thở dài:
- Vậy thì má không có ý kiến. Hai đứa có còn mười tám đôi mươi đâu mà cứ hết hoà lại giận. Nếu có một đứa con, chắc mọi việc sẽ khác đi.
Cang nhếch môi:
- Có thể là như vậy, nhưng con không dám thử, còn Thục Trinh lại rất sợ con nít, cô ta không coi sanh đẻ là thiên chức của phụ nữ, trái lại Thục Trinh nghĩ rằng con cái là nợ nần.
Bà Mười chép miệng:
- Vậy thì số nó khổ vì vô hậu. Người ta nói " Cây độc không trái. Gái độc không con ". Ngoài ba mươi rồi mà không chịu có con, vài năm nữa khỏi đẻ... Lúc đó Thục Trinh đúng là gái độc không con.
Cang im lặng. Anh biết bà Mười rất ghét Thục Trinh, ghét ngay từ lần đầu anh đưa về ra mắt gia đình. Ngược lại Trinh cũng chẳng ưa gì bà, không những thế, cô còn lên giọng bà chủ, khinh bỉ bà. Cang rất buồn. Với anh, má Mười khác nào bà mẹ thứ hai, bà nuôi nấng chăm sóc Cang từ thuở mới lọt lòng, ấy vậy mà dưới mắt Thục Trinh, bà chẳng khác nào tôi tớ trong nhà.
Lúc đó, dù không vui Cang cũng cho qua vì anh yêu và tin với tình yêu của mình, dần dà Trinh sẽ thay đổi cái tính tiểu thơ nhà giàu khinh người, ích kỷ. Cang rất tự mãn, anh nghĩ mình sẽ uốn nắn sửa đổi được những tật của Thục Trinh, vì cô yêu anh, chắc chắn sẽ nghe lời anh.
Tiếc rằng, thời kỳ ấm êm hạnh phúc, tay trong tay, mắt trong mắt, bịn rịn không rời nhau nửa bước của hai người lại hơi ngắn, chỉ được trên dưới ba năm, thời gian còn lại là chịu đựng những trái khoáy của nhau. Đến bây giờ, không chịu đựng hơn được nữa thì mạnh ai nấy tìm cho mình phút riêng tư, riêng lẻ. Với Cang đó là những cuộc nhậu với bạn bè, với Thục Trinh là những cuộc dạo các siêu thị, các shop thời trang nổi tiếng trong thành phố, rồi những đợt trình diễn thời trang trên sân khấu của mình. Thục Trinh rất hãnh diện về nhan sắc của mình. Dù chỉ đoạt giải á hậu trong cuộc thi sắc đẹp ở khu vực Đông Nam Bộ thôi, nhưng Trinh luôn nghĩ mình là người đẹp nhất nước.
Trước kia, Cang cũng tự hào về sắc đẹp của vợ, tự hào vì là chồng của á hậu, của người mẫu, nhưng bây giờ thì hết rồi. Anh chỉ mong Trinh là một người bình thường, không tiếng tăm, dù đó là tiếng tăm có được do sự tự thổi phồng. Anh mong cô thật sự làột người vợ đảm đang, mong cô sanh cho anh một đứa con bất kể là trai hay gái, khổ nỗi Thục Trinh không muốn có con. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến Cang ngày càng bất bình vợ, nhưng không nói ra mà chỉ mượn rượu giải sầu.
Chuông điện thoại reo, Cang nói nhanh:
- Nếu là Trinh, má cứ bảo con không có về đây.
Bà Mười nhẹ nhàng:
- Nói như vậy phỏng ích lợi gì? Thục Trinh sẽ làm trận làm thượng để hỏi cho ra xem đêm qua con ở đâu. Má không nói láo được.
Cang chép miệng:
- Vậy tùy ý má, thích nói sao thì nói.
Bà Mười nhấc điện thoại rồi đưa cho anh.
- Má của con đó!
Giọng bà Yến ngọt mà sắc:
- Con lại bỏ vợ một mình nữa à? Sao khổ vậy Cang?
Anh ậm ừ:
- Tối qua, con có hơi quá chén nên ngại về nhà.
- Đã biết vợ không thích thì đừng làm. Nhậu chả tốt lành gì đâu.
Cang thở dài:
- Buồn bực quá không nhậu không được.
- Hừ! Đàn ông than buồn nghe khó lọt lỗ tai quá. Chúng bây không hạp thì bỏ nhau cho rồi. Chả lẽ mày sợ không cưới được vợ khác. Tao sẽ tìm cho mày một đứa, không phải á hậu nhưng cũng thuộc hàng đẹp.
Cang nhăn nhó:
- Thôi mẹ ơi. Thục Trinh mà nghe được thì phiền lắm.
Bà Yến cười nhẹ:
- Sợ vợ thì lo về với nó đi.
Cang lảng sang chuyện khác:
- Mẹ gọi điện chỉ để nói bao nhiêu đó thôi sao?
- Không. Mẹ định cho con biết tháng sau mẹ sẽ về Việt Nam. Mùa này bên đây bắt đầu lạnh, sắp có tuyết rơi, mẹ chịu không nổi, chứng viêm khớp sẽ hành hạ mẹ chết mất.
Cang nói:
- Mẹ về con rất hoan nghênh, nhưng xin mẹ dẹp hộ con ý tưởng "Tìm cho con một đứa"
Giọng bà Yến dài ra:
- Tôi ứ thèm động vào chuyện nhà cậu. Mê vợ, nể vợ thì ráng mà chịu khổ. Thôi, tôi ngưng đây.
Cang nhún vai, anh hớp một ngụm cà phê rồi bắt đầu ăn điểm tâm.
Bà Mười khích vào:
- Vợ con gì chồng đi suốt ngày cũng chả thèm điện thoại hỏi han. Chán!
Cang bỗng cáu lên:
- Làm ơn cho con ngon miệng. Hết mẹ giờ tới má. Chỉ khiến con muốn điên hơn thôi.
Bà Mười vẫn không chịu ngừng:
- Mới nói một chút đã nổi sùng, vậy mà đòi tính sẽ về đây ở. Chắc hỏng dám có chuyện đó đâu.
Xô ghế đứng lên, Cang cáu kỉnh:
- Các người thích thấy gia đình người ta tan vỡ lắm... Đúng là độc ác.
Bà Mười cau mày:
- Nói như vậy mà con nghe được à? Chẳng qua mọi người quan tâm đến con thôi. Không ai muốn vợ chồng con hục hặc, cũng không ai giúp được con giữ vững hạnh phúc gia đình khi nó đã có nguy cơ đổ vỡ.
Cang ấp úng:
- Con xin lỗi.
Bà Mười thở dài:
- Liệu mà về nói với nó đi. Dầu gì con cũng thua Thục Trinh rồi. Mê thì phải vậy.
Cang ngượng ngùng trước câu nói trần trụi của bà Mười không như trước đây Cang hay đùa "Vợ mình, mình thương, mình sợ chớ có sợ vợ ai đâu ". Anh im lặng bước ra đường ngoắc chiếc taxi đang chạy tới.
Giờ nên về nhà hay tới công ty nhỉ? Cang thở dài. Xét lòng mình, anh vẫn còn yêu Thục Trinh, dù tình yêu không sâu đậm như trước đây. Nếu còn yêu, dù một chút xíu cũng phải nên vì tình yêu đó chứ.
Cang yêu cầu tài xế taxi về địa chỉ nhà riêng của mình.
Vào nhà, anh hỏi ngay bà giúp việc:
- Vợ tôi đâu?
Bà Lình trả lời:
- Cô Trinh còn ngủ.
Cang ngạc nhiên:
- Giờ này vẫn còn ngủ à? Có bệnh gì không?
Bà Lình trả lời:
- Gần sáng cô Trinh mới về nhà. Cô uống rượu nhiều lắm, nên say không biết trời đất gì cũng như đâu có biết cậu vắng nhà đêm qua.
Cang bất ngờ vì những gì vừa nghe. Anh hỏi tới:
- Ai đưa Thục Trinh về?
Bà Lình ngập ngừng:
- Ông nào lạ hoắc hà, tui hỏng biết. Ổng dìu cô Trinh tới tận phòng ngủ luôn.
Cang tức bừng bừng:
- Tệ thật! Đúng là loạn cả rồi. Đã có gia đình mà còn ham chơi đến thế là cùng.
Dứt lời, anh hầm hầm đi vào phòng của hai vợ chồng. Trên giường, Thục Trinh vẫn còn ngủ say. Trong chiếc áo dạ hội hai dây màu đen trông Thục Trinh đẹp đến mức Cang phải ngẩn ra nhìn.
Cái nhan sắc này từng làm chết mệt bao tên si tình? Cang là người chiến thắng khi chiếm giữ trái tim nàng á hậu, anh luôn tự đắc, tự mãn khi có được Thục Trinh, nhưng càng ngày anh càng thấy chán chường.
Không nói tiếng nào, Cang bước ra. Anh không ân hận khi đã bỏ nhà suốt đêm qua, trái lại, anh hối hận đã về nhà vào lúc này.
Thấy bà Lình đứng xớ rớ gần đó, Cang nói:
- Tôi không ăn cơm nhà đâu nhé. Chị mở cổng cho tôi.
Chạy chiếc Future ra, Cang phóng một mạch đến công ty. Mặt lạnh như tiền, anh nhếch môi thay vì gật đầu đáp lễ những cái chào của nhân viên.
Trăng Khuyết Trăng Khuyết - Trần Thị Bảo Châu