I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 85
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
uổi sáng bà Bỗng dậy thật sớm để chuẩn bị đi thăm nuôi Ngô. Mọi người trong nhà còn đang ngủ say. Diễm nằm quay mặt vào vách, và vì tấm chăn hai mẹ con đắp chung đã bị đẩy chệch xuống tận cuối giường, nên chiếc áo cánh Diễm mặc không che hết được phần hông của nàng. Bà Bỗng ngắm phần da thịt trắng trẻo của con gái, ngắm tấm thân nẩy nở trọn vẹn và dáng ngủ êm đềm của con, lòng tự nhiên nao nao xúc động. Bà cảm thấy hãnh diện về con gái mình. Giấc mơ của bà là làm sao cho những đứa con của bà phải có một tương lai vẻ vang hơn cha mẹ. Bà không có điều gì trách móc hay thất vọng về ông Bỗng cả. Bà tự xem mình là một người dốt nát, tầm thường, cho nên nếu bị chồng đối xử không được như ý, điều đó tất nhiên. Bà không có gì phải oán trách, phải than van.
Nhưng trong thâm tâm, bà vẫn mong ước những đứa con của bà gặp nhiều may mắn hơn. Ngô không thành công trong việc học vấn, nhưng đám bạn bè “nghệ sĩ” thường lui tới với Ngô, nếu khiến cho ông Bỗng cau có khó chịu, lại trở thành bằng chứng cho thấy con trai bà đã ngoi lên khỏi cái tầm thường. Ðã ra khỏi vòng đời chật hẹp… Để về đâu? Bà không hiểu! Như bà Bỗng đã không cách nào hiểu nổi những bức tranh Ngô đã vẽ, những bản nhạc hoặc bài thơ các bạn Ngô đã viết. Không hiểu nổi vì sao đám bạn bè “nghệ sĩ” ấy có thể ngồi thức suốt đêm, hút thuốc lá mù trời để bàn những chuyện trên trời dưới đất, mà không có chuyện nào dính dấp đến cuộc đời cụ thể trước mắt như nghề nghiệp, cơm áo, gia đình, tiền bạc… Họ như thuộc về một thế giới khác, và điều khiến bà ngầm hãnh diện, là những kẻ “khác thường” ấy là con bà, bạn bè của con bà, bà hiểu rõ tính tốt lẫn nết xấu của từng người. Con trai bà đã từng thì thào xin bà một ít tiền lẻ để mua thuốc lá cho họ, đã len lén về nhà xúc cơm nguội chan nước mắm mang sang cho họ… Bà vừa chiêm ngưỡng họ, vừa bao dung họ. Họ vượt lên trên bà, mà vẫn ở trong vòng tay của bà. Cho nên, mặc dù Ngô làm phiền bà, làm khổ bà nhiều hơn những đứa con khác, đối với Ngô, bà Bỗng vẫn có tình thương yêu đặc biệt hơn. Bà hãnh diện về Ngọc theo một cách hoàn toàn khác.
Ngay từ hồi nhỏ, Ngọc đã là một người con gương mẫu, ngăn nắp. Ngọc dọn dẹp trật tự cho ông anh bừa bãi cẩu thả. Ngọc chậm rãi trầm tĩnh giữa lúc Ngô nóng nảy bốc đồng. Ngọc là khuôn thước mẫu mực ông Bỗng thường đem ra để răn dạy ông anh và cô em út. Có thể vì vậy mà bà Bỗng nhận thấy bà không cần phải giúp đỡ gì thêm cho Ngọc. Ngọc không cần ai giúp, không cần ai thúc giục nhắc nhở vẫn đứng đầu lớp từ tiểu học lên trung học, không cần cha mẹ chạy chọt nhờ vả vẫn đậu vào y khoa dễ dàng. Bà Bỗng cảm thấy mình thừa thãi, cho nên niềm hãnh diện có chút gì gượng gạo xa cách, giống như một ông phò-mã gốc gác bần hàn đứng cạnh một công chúa cành vàng lá ngọc.
Từ ngày Ngô bị tù, bà Bỗng dồn hết tình thương cho Diễm. Tuy vẫn còn bị quyến rũ bởi những gì bay bổng, phiêu lưu, mơ hồ, vẫn còn hãnh diện về đống tranh khó hiểu của Ngô (mà ông Bỗng đã suýt tí nữa đem vứt hết xuống sông An cựu nếu bà không mếu máo khóc, xin giữ lại cho con), nhưng số phận của Ngô đã khiến bà giật mình, lo âu cho Diễm. Bà hiểu rõ Diễm giống tính Ngô hơn Ngọc, và sợ con gái mình lại dại dột chạy theo một điều phù du nào đó. Bà hồi hộp dõi theo mọi bước chân của Diễm, lo sợ con vấp ngã. Diễm ngồi hàng giờ bần thần, bà lặng lẽ thao thức. Diễm đậu được tú tài toàn phần, bà nôn nao vui mừng. Diễm thi vào Sư phạm, bị hỏng, phải ghi danh vào Văn khoa một năm, bà thấp thỏm không yên vì chưa quên được bao nhiêu cảnh xuống đường náo loạn ở khu Morin. Diễm đậu vào trường Nữ hộ sinh, bà lại mừng rỡ.
Cử chỉ của Diễm, nét mặt của Diễm, dưới mắt bà Bỗng, cứ thay đổi thất thường, đầy cả bất trắc, đến nỗi không lúc nào bà được yên tâm. Bà không thể căn cứ vào đám bạn bè thường lui tới với Diễm để “định” được Diễm, như đã “định” được hai người con trai đầu. Có lúc Diễm quấn quít thân thiết với Quỳnh Như. Rồi một dạo Quỳnh Như lên chơi, Diễm chỉ tiếp chuyện gượng gạo lấy có. Có lúc ngày nào Diễm cũng mong ngóng Quế. Rồi có lúc Quế đến, Diễm nhờ mẹ nói dối là Diễm đi học chưa về.
Bà Bỗng bồn chồn thường xuyên, bất an thường xuyên vì con gái. Bà không mong gì hơn là đứa con gái duy nhất của bà ra trường, có nghề nghiệp chắc chắn, lập gia đình với một người đàn ông có chút địa vị và biết thương yêu vợ. Chỉ đơn giản thế thôi!
Giờ được thăm nuôi Ngô là 11 giờ sáng, nên cả gia đình có đủ thời gian kiểm lại những món quà Tết cần thiết cho Ngô trong mấy ngày xuân. Diễm rủ Quỳnh Như:
- Mày đi với tao cho vui! Sáng nay có bận gì không?
Quỳnh Như ngần ngại không trả lời ngay. Bà Bỗng hớn hở bảo:
- Phải đấy. Cháu đi với bác cho biết lao Thừa phủ. Gần đây thôi!
Quỳnh Như le lưỡi làm bộ sợ hãi:
- Con sợ lắm! Nghe đến lao tù, con không dám đến gần đâu! Tính con ham vui, ưa tự do. Ở tù đã sợ, mà đi thăm tù cũng sợ. Rồi sợ bà Bỗng nghĩ lầm mình vô tình, Quỳnh Như nghiêm mặt nói:
- Nhưng họ có cho phép người ngoài gia đình vào thăm không, hở bác?
Bà Bỗng nghĩ Quỳnh Như đã bằng lòng, vui mừng đáp:
- Được chứ! Cháu đi với bác nhé! Không sao đâu! Cần gì phải là thân nhân. Anh Mân anh ấy nói một tiếng, bao nhiêu người vào thăm cũng được!
Diễm chau mày nhìn mẹ, giọng hỏi hơi gắt:
- Mạ nhờ ông Mận chở đi à?
Bà Bỗng ngơ ngác nhìn con, rồi nhìn Quỳnh Như. Giọng bà bực bội:
- Không nhờ anh ấy thì làm sao mang xách chừng này thứ!
Diễm cãi lại:
- Bộ con chở bằng xe đạp không được sao?
Bà Bỗng đuối lý, ậm ừ một lúc, rồi nói:
- Nhưng tao có nhờ đâu! Chính anh ấy hứa đem xe tới đấy chứ!
- Mạ không nói, làm sao ông ấy biết ngày nào thăm nuôi mà hứa?
Bà Bỗng nổi giận, bắt đầu to tiếng:
- Mày có muốn đi thăm anh mày không thì bảo? Mày không đi, tao đi một mình cũng được!
Diễm đáp cộc lốc:
- Con không đi!
khiến bà Bỗng trố mắt ngạc nhiên. Bà giận quá, một lúc lâu không thốt được tiếng nào. Cuối cùng, bà bật khóc. Diễm cũng khóc, bỏ chạy vào trong buồng. Quỳnh Như bất ngờ ở vào hoàn cảnh khó xử, chưa biết phải làm gì: phải chạy vào buồng trong để khuyên lơn bạn, hay phải ở lại an ủi bà Bỗng. Cuối cùng, Quỳnh Như ngồi xuống cạnh bà Bỗng nói nhỏ:
- Tính Diễm độ này hơi thất thường, bác đừng buồn. Để con vào bảo nó. Bác có nghe con nói không?
Bà Bỗng được dịp tâm sự, vừa đưa ống tay áo chùi nước mắt vừa thút thít nói:
- Cháu coi, bác khổ chưa! Mới hôm qua nó nằng nặc “đòi theo mạ đi thăm anh Ngô”, bây giờ lại tìm cớ không đi nữa. Mới hôm qua còn lo không biết làm sao xách nổi chừng ấy đồ, bác cười, giấu chuyện có người đem xe tới chở cho nó ngạc nhiên, bây giờ lại trở chứng thế! Có người mẹ nào chịu nổi được không?
Quỳnh Như ngần ngữ một chút, rồi e dè hỏi:
- Hay Diễm nó không thích đi xe ông Mân?
Bà Bỗng ngồi thẳng người lên, giọng tức giận:
- Không thích sao tuần trước anh ấy mời đi ăn, nó lại đi!
Quỳnh Như không biết giải đáp thế nào, đành nói:
- Để con vào khuyên nó nghe lời bác!
Lời khuyên gượng gạo của Quỳnh Như không có hiệu quả gì!
Ông Mân đến đúng hẹn, lúc 10 giờ. Bà Bỗng đon đả tiếp chuyện, cố giấu những gì vừa xảy ra. Lấy cớ đi pha trà mời khách quí, bà vào buồng thấy Diễm vẫn ủ rũ cau có, ăn mặc xốc xếch, không hề có dấu hiệu nhượng bộ nào. Bà tiếp chuyện với khách một lúc nữa, lại vào buồng thăm dò. Diễm và Quỳnh Như vẫn tỉ tê thầm thì điều gì đó. Tình thế không thay đổi được nữa rồi! Bà Bỗng phải nói dối là vào phút chót, Diễm phải lên trường để dự tiệc liên hoan Tết tiễn đưa các nữ hộ sinh ở xa về quê, nên chỉ có bà đi thăm nuôi Ngô mà thôi. Từ buồng trong, Quỳnh Như nghe ông Mân cười nói tự nhiên không tỏ lộ chút kinh ngạc nào. Rồi tiếng xe rồ máy trước đường Phan Chu Trinh… Tiếng nổ nhỏ dần, mất hút…
Diễm không muốn Quỳnh Như nhìn mình soi mói hoặc hỏi han quanh co, nên đề nghị trước:
- Tao với mày đi chợ Tết đi!
Thấy nét mặt bạn còn đầy thắc mắc, Diễm cười lớn, bảo:
- Mày thấy tao đóng kịch với mạ có tài không? Sáng nay tao chỉ muốn đi chơi với mày. Chưa biết lấy cớ gì, thì tìm ngay cái cớ cần thiết!
Quỳnh Như không nói gì, càng làm cho Diễm bối rối. Nàng hỏi:
- Mày cần ăn sáng không? Hay tụi mình lên ga ăn bún bò?
Quỳnh Như đáp:
- Ừ, sau đó đi xem cảnh người ta sắm Tết cũng vui. Năm nay lần đầu ăn cái Tết xa nhà, tao đâm thèm cảnh chợ búa mua sắm. Năm nay, tao có cảm tưởng thiên hạ nô nức đón Tết, mày có thấy thế không?
- Ừ, tao cũng có cảm tưởng như vậy.
- Ở khu nội trú Jeanne d ‘Arc, các soeur tíu tít dọn dẹp như con nít sắp được đi ăn giỗ. Tụi nó về nhà gần hết, chỉ còn mười mấy đứa kẹt lại như tao. Vậy mà mẹ nhất cũng sắm đủ cả. Nào là khuân về cả một nhánh mai cao chừng này này! Nào là bánh mứt, nem chua củ kiệu. Mày biết không, sáng hôm qua tao nghe nói mẹ nhất còn cho mua cả pháo nữa! Trời hỡi! Tu viện mà đốt pháo mừng Tết thì lạ lắm, phải không?
Diễm vui lây cái vui của bạn, đáp:
- Nhà tao năm nay cũng có vẻ rộn rịp hơn, nhưng tại vì có anh Ngọc về. Không biết các nhà khác có như vậy không!
Quỳnh Như hào hứng nói:
- Nhà nào cũng vậy cả! Tao nghĩ có lẽ sau bao năm xáo trộn, năm nay Huế mình bắt đầu được hưởng thanh bình. Mày nhớ không, Tết năm ngoái nhà nào cũng có một nỗi lo riêng. Nhà nào cũng có một đứa con đi xa, một vết thương chưa lành. Người ta cười mừng vì qua cơn sóng gió, nhưng nụ cười còn gượng. Năm nay khác. Tao không về Sài gòn được mà vẫn còn thấy vui, huống chi những gia đình đoàn tụ.
Diễm cảm động nhìn bạn, đưa nhận xét:
- Mày có vẻ “thâm thúy” dữ! Học được ở đâu vậy?
Quỳnh Như cười đáp:
- Học được ở đời! Gia đình tao khác trước, tao cũng phải khác trước. Có gì lạ đâu!
Diễm không muốn nhắc đến cảnh sa sút của gia đình ông bà Thanh Tuyến, cố ý pha trò:
- Tao chẳng thấy mày khác gì hết! Năm Mậu Thân sắp đến, năm con Khỉ chắc mày càng có nhiều “trò khỉ” để làm náo khu nội trú. Tao còn lạ gì mày nữa!
Hai người bạn đạp xe qua cầu Trường tiền, rồi rẽ trái để đi ngược lên phía chợ hoa và cây kiểng họp ở sát bờ sông. Cơn mưa rớt cuối đông của khuya hôm trước rửa sạch bụi bặm, khiến cho cây lá hai bên đường xanh tươi nõn nà hơn. Mặt lá kiên nhẫn chờ đợi cho những đám mây mầu chì buổi sáng bay đi bay đi, và khi mặt trời ló dạng trên đỉnh đầu, thì dường như thảo mộc cùng nhau hướng những mặt gương lên đón nhận ánh nắng. Mây càng ngày càng tan loãng đi, để lộ một bầu trời trong.
Gió mang theo cả độ ấm của ánh nắng, hơi mát của mây buổi sớm, vị nồng chua của những chiếc lá xanh, hương đậm của đất cát. Diễm và Quỳnh Như khóa xe đi dạo giữa chợ hoa, cảm thấy lòng rộn rã khác thường, bao nhiêu mối bận tâm tan biến từ lúc nào không hay. Diễm mặc chiếc áo dài mầu tím than cổ thấp và quần lụa đen y như hôm đưa Ngữ lên Phú bài. Nàng chọn bộ quần áo ấy trong trạng thái hoang mang, hoàn toàn vô tình. Nói đúng hơn là không hề lựa chọn. Nhưng tự nhiên màu sắc áo dài và quần Diễm mặc sáng hôm nay khiến nàng nổi bật trong đám những người đi mua hoa Tết. Trên nền những cành mai vàng hé nụ, những khóm cúc hay vạn thọ hàm tiếu chờ đợi nở đúng ngày xuân, mầu áo tím của Diễm hiện lên như một nét trúc sắc sảo trên nền sơn thủy mờ ảo. Tà áo dài tím xẻ lên quá hông, cho nên mỗi lần bước đi hay mỗi khi gió nhẹ thổi, hai vạt áo khẽ bay để lộ một khoảng da thịt trắng hồng bên hông Diễm.
Quỳnh Như thấy bạn đẹp hơn thường ngày, phải khen:
- Mày xinh đáo để, biết không Diễm?
Diễm đỏ mặt vì sung sướng, nhìn Quỳnh Như thật lâu, để cho lời khen của mình có vẻ khách quan:
- Mày coi cũng đẹp gái lắm. Có điều mặt mày không được tươi cười như trước. Cái áo Soie này mày may hồi nào tao chưa hề thấy?
Quỳnh Như cúi xuống cầm vạt áo dài mầu vàng nhạt đưa lên ngắm, rồi đáp chậm:
- Hồi Tết năm ngoái. Tao về rủ chị Quỳnh Trang đi sắm Tết. Chị ấy không mua gì cho mình cả, lại mua cho tao xấp vải soie này, vì tao thích màu này quá. Chính chị Quỳnh Trang cắt và may tay cho tao đấy.
Diễm thật thà nhận xét:
- Hèn gì! Khi mày vô nội trú thay áo đi ra, tao thấy chiếc áo đẹp thật, nhưng có cái gì không ổn. Sau đó mới khám phá là tà áo sau cắt không được đúng nên chéo phía trái không úp vào. Mày có chú ý thấy không?
Quỳnh Như xịu mặt, Diễm mới biết mình lỡ lời. Nàng nói chữa:
- Nhưng phải nhận chị mày khéo tay thật. Với lại thân hình của mày dễ mặc cái gì cũng đẹp cả. Ðáng lý chị Trang nên mở hiệu may y phục phụ nữ, còn mày thì đứng trong tủ kính làm người mẫu cho chị.
Quỳnh Như hơi vui lên một chút, bảo bạn:
- Mày học ăn nói đã khéo rồi đấy! Nhà mày đã mua hoa gì chưa?
- Chắc ba tao đã mua rồi, nhưng chưa mang về.
Quỳnh Như đề nghị:
- Tao mua biếu một chậu cúc nhé?
Diễm dẫy nẩy:
- Thôi thôi! Mua làm gì, rồi làm sao mang về. Hơn nữa, người ta mua đủ đôi, chứ ai mua một chậu.
- Hay tao mua tặng bác trai một cành mai?
Diễm suy nghĩ một lúc, mỉm cười gật gù:
- Nghe được hơn! Nhưng chắc ba tao đã có sẵn mai rồi. Hôm qua ba tao khuân về một bình sứ cổ cao chừng này, chắc là đã đặt đâu đó một cành mai lớn. Mày mua chỉ phí tiền.
Quỳnh Như còn ấm ức vì vụ tà áo dài, càng muốn chứng tỏ mình không hề sa sút nước bạn. Nàng nằn nì:
- Hay tao mua để tặng mày. Ðược không?
- Sao mày lắm chuyện vậy! Ðược rồi. Nhưng phải để cho tao chọn. Mày không được xía vô khen chê gì cả.
Diễm có ý định chọn cành mai nào ít tiền nhất, nhưng một lần nữa, Quỳnh Như có cảm tưởng người bạn gái lên giọng kẻ cả hợm hĩnh. Cho nên tuy gật đầu, Quỳnh Như vẫn không hào hứng như lúc đầu.
Diễm đi trước, dẫn bạn đến chỗ một cụ già đang ngồi bó gối rầu rĩ sau những bó mai khẳng khiu ế khách vì ít hoa mà phần lớn hoa lại nở quá sớm. Diễm cúi xuống chọn một cành nhỏ nhất, hỏi giá. Ông cụ mừng rỡ vì chờ mãi từ sáng mới có người hỏi mua, nói lắp bắp vì líu lưỡi:
- Cô cho xin 100 đồng..
Quỳnh Như can:
- Mua làm gì cành đó hở Diễm! Hoa nở cả rồi, mày thấy không?
Ông cụ vội bảo:
- Chỉ có mấy cánh trên đọt thôi. Còn hoa búp nhiều thế kia. Hoa nụ như vậy nở đúng giao thừa.
Lúc đó, có hai ba thanh niên đi qua. Một người nói giọng Bắc hơi cao và xẳng:
- Sao mai ở đây xấu thế! Không bằng…
Quỳnh Như quay ngoắt lại nhìn, thấy ba người thanh niên đều hơi gầy, cặp mắt hơi dại như mắt người bị bệnh sốt rét. Một người tóc cắt ngắn, còn hai người kia tóc dài phủ ót.
Diễm cũng quay nhìn ba người, định trừng mắt giận dữ vì tưởng gặp phải dân cao bồi ghẹo gái, nhưng không phải. Diễm nghĩ họ là những thanh niên vùng quê về Huế sắm Tết, nên ánh nhìn của nàng dịu lại. Một người nói giọng Huế bảo Diễm:
- Chị mua loại mai này về phải biết cách hãm lại, không thì mồng một chỉ còn có cành.
Ông lão bán hoa tức, lớn giọng nạt:
- Các anh biết gì mà nói càn.
Thanh niên mặc áo sơ mi ngắn tay mầu xanh, chiếc áo còn nguyên nếp gấp và cổ cồn cứng như vừa lấy từ hộp giấy kính ra, tương phản với màu da nâu ngã vàng bủng, lại hỏi ông cụ:
- Sao ở đây không có bán hoa đào nhỉ?
Ông lão bán hoa sợ mất mối, bảo Diễm:
- Cô muốn, tôi bớt cho 20 đồng. Cành mai thế này mà chỉ 80 đồng, cô không tìm đâu rẻ như thế đâu.
rồi mới đáp câu hỏi của người thanh niên:
- Hoa đào chở từ Ðà lạt về thì đắt như vàng! Cậu có tiền không mà đòi mua đào?
Thanh niên nói giọng Huế vội bảo ông cụ:
- Tụi cháu chỉ hỏi cho vui thôi. Chào cụ nhé!
Ba người thanh niên đi về phía bờ sông. Ông cụ nhìn theo, giọng nói còn hằn học:
- Dân nghèo mạt rệp mà học làm sang, giả vờ hỏi mua hoa đào. Các cô có thấy chúng nó mua được cái áo mới vội tròng vào đi khoe hay không? Chưa kịp gỡ cây kim kết trên cổ áo, các cô có chú ý thấy không?
Quỳnh Như và Diễm nhìn nhau cười mỉm, thích thú trước vẻ giận dữ thật “bộc trực” của ông lão. Quỳnh Như nói:
- Để con mua mở hàng cho cụ cành mai đó. Có phải mở hàng không? Từ sáng đến giờ cụ bán được cành nào chưa?
Ông lão mừng quá, đâm thành thực:
- Chưa bán được gì cả. Cô mua giùm đi. Cây mai nhà tôi không biết sao năm nay nở sớm quá. Năm ngoái đâu có như thế này.
Quỳnh Như rút bóp đưa cho ông cụ 100 đồng. Diễm thấy bạn tỏ ra hào phóng, lại hào phóng thêm bằng cách chọn cành mai nhỏ và xấu hơn hết. Ông lão trố mắt kinh ngạc, nhìn hai cô gái cầm cành mai của mình đi về phía đường Trần Hưng Đạo như nhìn những kẻ dị thường.
Họ trở về chỗ gốc cây để lấy xe đạp. Quỳnh Như rủ Diễm xuống khu chợ Ðông Ba xem thiên hạ mua sắm, sẵn dịp mua một ít thứ cần thiết để chuẩn bị Tết cho riêng mình. Từ bên này công viên Phú Văn Lâu nhìn qua bên kia, trước cửa rạp xi nê Hưng Ðạo, cả hai thấy cảnh xe cộ và người đi lại tấp nập, nên ngại cảnh phải dắt xe đạp nhích từng bước giữa rừng người.
Diễm đề nghị:
- Hay mình cứ để xe ở đây, đi bộ có lẽ thoải mái hơn.
Quỳnh Như sợ mất chiếc xe đạp Sterling mượn của người bạn cùng phòng, nhìn quanh tìm bãi gửi xe. Diễm hiểu ý, nói:
- Ừ, gửi xe cho chắc ăn. Hình như chỗ kia có nhận gửi xe thì phải. Ðúng rồi. Chỗ thằng bé đang bán bong bóng.
Hai người bạn gửi xe xong, phải lách giữa những lối hẹp giữa hai dãy hàng hóa để ra đường Trần Hưng Đạo. Diễm cầm cành mai Quỳnh Như mua tặng một cách hờ hững cẩu thả, chúc ngọn xuống mặt đất hoặc lâu lâu phe phẩy đong đưa như một món đồ chơi rẻ tiền, nên những cánh hoa nở sớm rơi rụng hết, chỉ còn trơ cuống nhụy xanh.Quỳnh Như bất mãn nhưng để bụng không nói gì. Diễm thấy bạn buồn buồn, quay lại hỏi:
- Mày có thích trở lại thăm nhà cũ không?
Câu hỏi khiến Quỳnh Như giật mình xót xa. Nàng đột nhiên khám phá ra rằng lúc nãy, khi vừa qua khỏi cầu Trường Tiền, khi Diễm đạp xe phía sau ơi ới hỏi nên đi về phía nào, có một sức hút huyền bí nào đó như nam châm hút chiếc xe đạp Quỳnh Như về phía phố xá bên tay phải, và cũng trong vô thức, Quỳnh Như cưỡng chống lại bằng cách bẻ ghi-động chiếc xe về phía hướng Phú Văn Lâu. Bây giờ, Quỳnh Như mới hiểu sức hút ấy là căn nhà xưa, cửa hiệu radio Thanh Tuyến nơi nàng trải qua tuổi ô mai vô tư: hai cánh cửa sắt khô dầu mỗi lần muốn đóng cô bé đã phải dùng hết sức nặng thân hình ngả sang một phía để giúp cho đôi tay non kéo nổi tấm cửa nặng nề, hai hàng tủ kính, quầy thu tiền, chiếc ghế gỗ chân cao đặt phía sau quầy hồi học đệ thất đệ lục Quỳnh Như ưa leo lên ngồi để nhìn vào hộc chiêm ngưỡng những xấp bạc lẻ hấp dẫn dễ vòi, cầu thang gỗ biết reo vui hay âm thầm theo lòng người, căn phòng khách ấm cúng, những tâm sự vụn giữa hai chị em… Quỳnh Như cảm thấy nóng ở đầu mũi, mắt cay cay. Một cậu thanh niên ăn mặc chải chuốt nói đùa với Diễm:
- Cô mua đâu được cành mai quí, chỉ chỗ tôi mua với!
Diễm cười khanh khách, nhưng không đáp, quay về phía Quỳnh Như định nói đùa câu gì đó mới thấy mắt bạn đỏ hoe. Quỳnh Như sợ lòng thương hại và những câu khuyên lơn ân cần của Diễm, nên tránh đi:
- Mày có đem theo khăn tay không? Gớm, nắng lên một chút là bụi bặm mù trời.
Diễm tế nhị giả vỡ tin lời bạn, lục xách đưa cho Quỳnh Như cái khăn mỏng gấp nhỏ bằng hai ngón tay. Quỳnh Như cảm ơn bạn, chặm khô nước mắt, ngửng lên nhìn thẳng vào mắt Diễm nháy nháy nhiều lần cố làm ra vẻ bị bụi bay vào mắt thực sự, rồi vừa hít mũi vừa cố cười bảo bạn:
- May quá, được rồi.
Sợ bạn chưa tin, Quỳnh Như mạnh bạo tiếp:
- Ừ, tao với mày trở lại nhìn qua căn phố cũ xem bữa nay họ buôn bán thế nào. Kể ra chủ mới họ cũng gan thật. Mở tiệm bán mỹ phẩm ở đây, sau bao nhiêu năm lộn xộn, thật là liều!
Diễm cãi:
- Mày lầm. Tao thấy thiên hạ lại bắt đầu chưng diện như hồi trước 63. Cả cửa hiệu lớn bán nông cơ bên cạnh nhà mày nữa, hình như họ làm ăn khá. Máy bơm máy nổ bán được, tức là ở thôn quê tương đối yên. Mày thấy thế không?
- Tao hy vọng vậy!
- Hy vọng gì nữa! Mày không thấy cảnh người ta chen chúc nhau đi sắm Tết à?
Họ đi ngang qua rạp Hưng Rạo. Rạp đang chiếu cuốn phim đen trắng do Pháp Ðức phối hợp sản xuất, phim Les dimanches de ville d’ Avray. Tấm bảng quảng cáo lớn che lấp cả mặt tiền trên vòm rạp vẽ hình người trung úy phi công điên khùng đang dạo chơi với cô bé Cibelle bên bờ hồ. Bên cạnh rạp, gần chỗ quầy vé bày la liệt một số biển quảng cáo nhỏ hơn cho các phim sắp chiếu ba ngày Tết. Mồng một: Ba vua hề về làng do Phi Thoàn, Khả Năng và Thanh Việt đóng. Mồng hai là một phim cao bồi Mỹ, tài tử chính Charles Bronson. Mồng ba chiếu lại phim cũ Tall Story của Jane Fonda và Anthony Perkins có lẽ vì tiền thuê phim rẻ và chuyện tình dễ thương phù hợp ba ngày Tết. Mồng bốn trở lại một phim cao bồi Ý với Franco de Niro. Quỳnh Như hỏi Diễm:
- Nghe tụi bạn trong nội trú khen phim Les Dimanches… lắm. Mày đi coi chưa?
Diễm lơ là nhìn qua tấm biển quảng cáo, bộ dạng không mấy thích thú. Diễm chê:
- Phim đen trắng à? Tài tử không ai nổi tiếng cả.
Quỳnh Như chỉ hỏi cho có, nên hai người tiếp tục đi quá về dưới phố. Lề đường Trần Hưng Đạo hẹp không đầy ba thước, thiên hạ lại đổ dồn ra đường để gặp nhau, ngắm nhau, nên đi vài chục bước cả hai lại phải dừng để chào hỏi những người quen. Trên tấm bảng dán tin tức trước Ty Thông tin nằm ngay đầu cầu, hình liên danh Thiệu Kỳ trong kỳ tranh cử tổng thống – phó tổng thống hồi tháng 9 vẫn còn, tuy mưa nắng làm cho mầu giấy úa vàng và một mép giấy bị bung keo rũ xuống che mất gần quá nửa khuôn mặt ông Thiệu.
Càng đi gần đến căn nhà cũ của mình, Quỳnh Như càng chùn bước. Nếu không có Diễm, Quỳnh Như đã quay trở lại lối cũ, ghé hiệu sách Ưng Hạ xem hết cuốn này cho đến cuốn khác cho đến lúc mệt nhoài thì ra về. Nhưng nàng không thể tìm lối nào khác. Đám khán giả chen chúc nhau chờ vào xem xuất đầu buổi chiều ở rạp Tân Tân chỉ ngăn bước Quỳnh Như tới gần hiệu radio Thanh Tuyến có vài phút. Rồi “đường về” lại thong thả. Diễm thấy nét mặt bạn khác thường, tò mò hỏi:
- Sao mặt mày xanh mét thế?
Quỳnh Như dừng lại, thú thực với bạn:
- Tao không muốn nhìn lại căn nhà cũ. Hơn một năm nay, từ ngày thầy me tao về Sài gòn, tao chỉ đi qua đó có hai lần.
Diễm hối hận vì đến bây giờ mới lưu tâm đến tâm trạng của Quỳnh Như. Diễm nắm lấy tay bạn, an ủi:
- Thôi đừng xuống dưới đó nữa. Tụi mình về đi.
Lúc đi ngang qua Ưng Hạ, vô tình nhìn vào hiệu sách, Diễm thấy có ai đang chăm chú tìm kiếm gì đó trên kệ gỗ bày sách, lưng quay ra phía cửa. Diễm thấy dáng đứng ấy, tấm lưng ấy thật giống dáng đứng tấm lưng của Ngữ, lòng hồi hộp hoang mang. Nàng dừng lại, cố nhìn chếch xem có phải Ngữ không, nhưng ánh nắng chiều lóa sáng trên mặt kính trước cửa hiệu khiến mọi vật bên trong nhòe đi. Quỳnh Như thấy bạn đột ngột rút tay khỏi tay mình, hỏi Diễm:
- Cái gì thế?
Diễm vội nói:
- Không. Mày còn giữ hai tấm thẻ giữ xe đấy chứ?
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động