Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
Ở rẻo đất quá độ, giữa các cao nguyên Tây Tạng và đồng bằng Tứ Xuyên, tại xứ sở dân tộc Khương, trong trung phần của núi Cùng Lai, ta đã thấy sự tôn thờ lửa và một tàn dư của nền văn hóa khởi thủy của loài người. Tổ tiên các dân tộc đều đã thờ lửa, cái mang đến cho họ văn minh ban đầu. Lửa là một vị thần.
Ngồi trước lửa, hắn uống rượu nhưng trước khi nhấp, hắn nhúng một ngón tay vào trong bát rồi vẩy lên trên đống than hồng bắt đầu kêu xèo xèo và phì ra một làn khói lam. Lúc này ta nhận ra rằng ta đang tồn tại thật sự.
- Ta dâng lễ này lên thần bếp vì nhờ ngài mà chúng ta có cái ăn cái uống.
Ánh lửa chiếu sáng hai má hõm, cái mũi dài và đôi gò má cao của hắn. Hắn bảo ta hắn thuộc về dân tộc Khương, quê quán ở làng Cảnh Đạt. Ngại hỏi ngay hắn về các vị thần và ma quái, ta chỉ bảo hắn rằng ta đến nghiên cứu dân ca của vùng núi này, ta hỏi hắn liệu ở đây người ta còn nhảy cái điệu gọi là ca trang không. Hắn tuyên bố chính hắn nhảy được, rằng ngày xưa, trai trai gái gái nhảy quanh lửa thông đêm cho tới sớm mai nhưng rồi sau này đã bị cấm.
- Tại sao chứ? Ta hoàn toàn biết câu trả lời nhưng vẫn cứ hỏi.
- Vì Cách mạng văn hóa. Họ bảo rằng lời các bài hát không lành mạnh và đã thay chúng bằng các câu dẫn của Mao.
- Rồi sau nữa? Ta vẫn cố ý đặt câu hỏi, cái này trở thành một thói quen lâu ngày mất rồi.
- Sau rồi chẳng có ai hát chúng nữa. Bây giờ, người ta lại bắt đầu nhảy múa nhưng hiếm có thanh niên biết nữa. Tôi dạy những bài đó cho chúng.
Ta xin hắn biểu diễn xem. Hắn lập tức đứng ngay lên và chẳng do dự bắt đầu vừa nhảy vừa hát. Giọng hắn trầm, khỏe, một giọng hay tự nhiên. Ta tin rằng hắn là dân tộc Khương nhưng các công an viên phụ trách hộ khẩu lại ngờ điều này. Họ nghĩ tất cả những ai tuyên bố thuộc về dân tộc Tây Tạng hay Khương chỉ cốt để thoát được sự hạn chế sinh đẻ mà thôi.
Hắn hát một bài rồi một bài nữa. Hắn nói hắn rất thích vui chơi, điều mà ta cũng tin là thế. Vừa trút bỏ cái trách nhiệm trưởng làng, hắn lại giống như một người dân miền núi, một ông già miền núi đầy yêu đời. Khốn thay, hắn đã quá tuổi của các cuộc phiêu lưu tình ái.
Hắn cũng có thể đọc thuộc vô số thần chú, thủ pháp thần bí mà những người đi săn sử dụng khi vào núi, những cái gọi là "phép núi đen" hay "phù thủy". Hắn không chối việc này. Hắn đinh ninh tin rằng các thần chú kia có thể đẩy con mồi vào hố hay kích chúng tự sa vào bẫy. Ma thuật không chỉ được dùng chống giống vật mà còn cả giữa con người với mục đích trả thù. Nếu "phép núi đen" được đem ra dùng chống lại một con người, thì người này sẽ lâm vào cảnh không thể ra khỏi núi. Điều này giống như câu chuyện ta đã nghe khi còn bé: con ma dựng lên một bức tường. Một người đi đêm trên con đường núi, hắn đi, đi và thình lình hiện lên trước mặt hắn một bức tường, một tường thành dựng đứng hay một dòng sông sâu hắn không thể vượt qua. Nếu hắn không phá được bùa mê, hắn không thể tiến thêm một bước nhỏ nào và hắn không ngừng quay lại điểm xuất phát. Thế là khi mặt trời mọc, hắn nhận thấy hắn đã chỉ quanh quẩn đi tại chỗ. Và nghiêm trọng hơn: ma thuật có thể dẫn vào một lối cụt và lúc đó là chết.
Hắn đọc hết thần chú này đến thần chú khác. Chúng không buồn, không êm dịu như các bài hắn vừa hát mà trái lại toàn lầm rầm rất gấp gáp, như thở hổn hển. Ta không hiểu được tất cả những điều hắn nói, nhưng sức mê dụ của ngôn ngữ này, hơi thở đè nén ngột ngạt của các quái vật và ma quỉ mà hắn gợi lên đang đầy tràn căn buồng đen sì vì khói. Ngọn lửa liếm cái nồi om thịt cừu, làm cho các con mắt lấp lánh: đấy là một cảnh đích thực.
Khi mi đang tìm kiếm con đường đưa tới Linh Sơn thì ta, dạo dọc con sông Trường Giang, ta tìm kiếm chân lý. Ta vừa biết một sự kiện nghiêm trọng. Các bác sĩ đã chẩn đoán lầm ta bị ung thư phổi. Cái chết đã rỡn với ta nhưng cuối cùng ta đã vượt qua được cái vật cản mà nó đem chia ra cho ta. Trong lòng, ta sung sướng. Cuộc đời đã lại cho ta một niềm tươi trẻ bao la. Từ lâu lẽ ra ta đã phải rời bỏ cái môi trường ô nhiễm của ta mà quay trở lại thiên nhiên kiếm tìm một cuộc sống đích thực.
Quanh ta, người ta dạy ta rằng cuộc sống là nguồn của văn học, văn học phải trung thành với cuộc sống, trung thành với cái chân thực của cuôc sống. Mà lỗi lầm của ta chính là đã lìa xa cuộc sống, đã vi phạm cái chân thực của cuộc sống. Chân thực của cuộc sống không giống các hiện tượng bên ngoài của nó. Chân thực của cuộc sống, hay bản chất của nó, vốn phải là thế này chứ không phải là thế kia. Nếu ta lìa xa cái chân thực này thì đấy là vì ta đã bày la liệt ra các hiện tượng của cuộc sống, và đương nhiên không thể nào phản ánh chính xác được cuộc sống, kết quả chỉ là bước vào con đường ngoắt ngoéo xuyên tạc hiện thực.
Ta không biết giờ đây liệu ta có thật sự đi trên con đường đúng hay không; dẫu xao ta muốn rời bỏ thế giới văn học đang sôi sục mà trốn vào gian buồng của ta luôn đầy khói thuốc. Những quyển sách chồng chất trong đó đè sụp lấy ta, đến mức ngăn cản ta thở. Chúng bày ra mọi thứ chân thực, từ chân thức lịch sử đến chân thực về làm người và ta chẳng biết chúng có ích lợi gì không nữa. Nhưng chúng vướng cản ta và ta vùng vẫy trong các tấm lưới của chúng, giống như một con sâu sa vào bẫy của một tấm mạng nhền. May sao, người thầy thuốc lầm trong chẩn đoán đã cứu sống ta. Đó là một người rất ngay thẳng. Ông đã cho ta so hai tấm X quang về phổi mà ông đã chụp. Trên bờ của phổi trái, một cái bóng với đường viền lờ mờ lan rộng ra đến khí quản. Cho dù người ta có bỏ hết thùy phổi trái đi nữa, cái đó cũng sẽ chẳng nên tích sự gì. Kết luận này hiện ra hiển nhiên. Bố ta đã chết vì ung thư phổi và chỉ có ba tháng trôi qua giữa việc phát hiện bệnh và cái chết của ông. Cũng ông thầy thuốc đó đã chẩn đoán cho ta. Ta tin cậy ông và ông tin cậy khoa học. Các tấm X quang ta chụp ở hai bệnh viện khác nhau đều giống nhau từ đầu đến cuối, không thể nào có chuyện sai sót kỹ thuật ở đây. Bác sĩ cũng đã cho y lệnh để tiến hành nội soi cho ta. Ta đã không vội vã bởi chắc chắn nó sẽ xác nhận cái khối u mà thôi. Trước khi bố ta chết, người ta cũng đã làm đúng như thế, ta chẳng qua chỉ là bước lên vết của ông, cái đó không có gì là đặc sắc cả. Ấy vậy mà ta đã lọt qua các ngón tay của tử thần, ta không thể chối rằng ta đã may mắn. Ta tin khoa học nhưng cũng tin số mệnh nữa.
Ta đã nhìn thấy một mẩu gỗ, dài hơn mười ba phân tây, được một nhà dân tộc học thu thập được trong những năm ba mươi ở vùng dân tộc Khương, tạc một người cúi đầu xuống úp mặt lên hai bàn tay, nét mặt bôi đen. Trên thân ngườ viết hai chữ: "Trường mệnh". Người ta gọi nó là "Ngộ Xướng 1 đầu cúi xuống", Quả thật có một cái gì báo điềm gở ở nó. Ta hỏi người trưởng làng về hưu kia xem liệu người ta còn tìm thấy được những hộ thần loại này không. Hắn bảo ta rằng tên các thần ấy gọilà "lão căn" (những rễ già). Pho tượng nhỏ này phải ở với đứa bé sơ sinh suốt cả đời nó, cho tới lúc chết. Rồi người ta mang nó đi cùng với cái xác và khi chôn cái xác rồi thì đem pho tượng đặt vào giữa núi để giúp cho linh hồn người chết quay về lại với thiên nhiên. Khi ta hỏi hắn liệu hắn có thể kiếm cho ta một bức tượng như thế để ta mang theo người thì hắn cười mà bảo ta rằng người ta đi sắn vận lùa tượng đó vào trong áo quần của họ để cầu xin số phận, nhưng chúng chẳng có một tí tích sự nào đối với những người như ta đâu.
- Có thể tìm ra một thợ săn già biết phép phù thủy không, tôi sẽ đi săn cùng với ông ta?
- Lão Thạch là cao thủ nhất, hắn đáp sau một hồi suy nghĩ.
- Tìm được lão ta chứ?
- Tìm ở cái nhà đá của lão Thạch 2.
- Ở chỗ nào?
- Nếu anh tiếp tục đi từ đây lên mười dặm thì sẽ tới Khe Mỏ Bạc. Từ chỗ ấy, anh theo suối thác chảy qua khe đến tận cùng thì sẽ thấy một cái nhà đá.
- Đấy là tên nơi ấy hay chính là nhà bằng đá của lão Thạch?
Hắn giải thích rằng đấy là tên nơi ấy nhưng cũng có một nhà bằng đá của lão Thạch thật.
- Ông đưa tôi đến được không? Ta lại hỏi.
- Ông ấy chết rồi. Ngủ mà chết, nằm trên giường. Già lắm rồi, hơn chín chục tuổi, theo một vài người thì hơn cả trăm đấy. Thật ra chẳng ai biết rõ lắm tuổi của ông ta.
Ta không thể không hỏi:
- Con cháu ông ta còn sống chứ?
- Ông ta thuộc đời ông nội tôi... Thấy người ta bảo tôi rằng ông ta sống có mỗi một mình.
- Không vợ?
- Sống một mình trong Khe Mỏ Bạc, không gia đình, không ruột thịt, một cái nhà nhỏ nhỏ cho chỉ mình ông ta. À ở nhà ông ta còn treo cây súng của ông ta.
Ta hỏi nói thế nghĩa là thế nào.
Hắn giải thích ông lão là một thợ săn giỏi, đầy pháp thuật, bây giờ thì chẳng còn ai bằng được ông lão nữa rồi. Tất cả đều biết khẩu súng của ông lão vẫn treo ở trên tường nhà ông lão, khẩu súng này không bắn trượt một phát nào bao giờ nhưng chẳng ai dám lấy nó đi.
Ta không hiểu vì sao.
- Đường tới Khe Mỏ Bạc bị cắt mất rồi.
- Không vào được đó nữa ư?
- Không. Xưa có ngươi mở một mỏ bạc ở chỗ ấy rồi một công ty ở Thành Đô đã tuyển thợ để làm ở đấy. Sau nó bị cướp, thợ đi cả. Cái cầu dây qua khe dẫn tới mỏ bạc đã bị xệ hay mục nát ở nhiều chỗ.
- Như thế từ hồi nào?
- Hồi ông tôi còn sống cơ mà, phải đến năm chục năm ấy chứ.
Không lạ rằng bây giờ hắn đã về hưu. Hắn thuộc về lịch sử, một lịch sử chân thực.
- Không có ai vào đó bao giờ nữa sao?
Ta ngày càng muốn biết tường tận sự bí ẩn.
- Không chắc thế nào, nhưng dẫu sao đến đó không dễ đâu.
- Cái nhà ấy nó cũng mục nát rồi sao?
- Một cái nhà bằng đá lại mục nát à?
- Tôi nói các kèo các cột ấy mà.
- À ừ, chắc thế rồi.
Ta nghĩ, hắn toan dọa ta vì hắn không muốn đưa ta đến đó hay giới thiệu ta với một thợ săn.
- Nhưng sao ông biết khẩu súng vẫn còn treo trên tường? Ta lại hỏi.
- Nghe nói thế, có ai đó đã trông thấy. Người ta cũng bảo rằng lão Thạch này kỳ quặc lắm. Người lão không hề rữa mà thú rừng cũng không dám mò vào. Lão nằm thẳng băng trên giường, khô đét, khẩu súng treo trên tường.
- Không thể như thế được, trong núi rất ẩm, cái xác chắc chắn phải rữa nát và khẩu súng thì biến thành một đống sắt gỉ rồi chứ.
- Tôi chả biết, từ lâu người ta đã nói như thế mà.
Hắn tiếp tục nói những cái mà hắn muốn, không quản đến ý kiến ta. Những ánh lửa sáng lên trong mắt hắn. Ta thấy mắt hắn đầy tinh quái.
Ta lại sục hỏi trở lại:
- Ông không nhìn thấy ông ta phải không?
- Một vài người nhìn thấy ông ta. Nom như ngủ, gầy, khô đét, khẩu súng treo trên tường, hắn cứ cái giọng ấy nói tiếp. Lão ta có pháp thuật. Không chỉ người không dám lấy khẩu súng của lão mà cả thú rừng cũng không dám đụng đến người lão.
Người thợ săn kia đã được thần thánh hóa. Chuyện kể và lời đồn trộn lẫn, một dã sử dân gian ra đời. Chân thực chỉ tồn tại trong Kinh Lịch và hơn nữa, chỉ trong Kinh Lịch của mỗi người; ngay cả trong trường hợp ấy nữa, một khi nó được thuật lại thì nó đã hóa thành truyện kể. Không thể chứng minh cho chân thực của sự vật và cũng chẳng nên làm việc ấy. Hay để các nhà thạo biện chứng tranh luận về chân thực của cuộc đời. Cái quan trọng là chính bản thân cuộc đời. Cái có thật là ta đang ngồi bên đống lửa này, trong gian phong đen ngòm đi vì khói dầu này, là ta nhìn những ngọn lửa này nhảy nhót trong mắt hắn, cái có thật là chính bản thân ta, là cái cảm giác thoáng qua ta vừa nhận thấy, không thể truyền lại cho người khác. Bên ngoài sương đã sa, núi non sầm tối đã nhòa đi, âm thanh con sông chảy xiết dội vang lên trong người mi và như thế đã đủ.
--------------------------------
1 Ngộ Xướng: làm điều trái, bậy bạ.
2 Nhà đá, tiếng Trung Quốc là thạch. Ở đây hai chữ Thạch.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn