Số lần đọc/download: 1175 / 33
Cập nhật: 2018-04-21 22:51:40 +0700
Chú Lừa Nhận Huy Chương
N
gày xửa ngày xưa ở một đất nước nọ có một ông vua trị vì. Cả nước phát triển rực rỡ như một khu vườn mùa xuân được ánh năng dân chủ ấm áp chiếu rọi giúp cho hàng ngàn hàng vạn loại cây tự do sinh sôi phát triển trên mặt đất. Người dân không biết đói khổ là gì.
Nhưng bỗng một tai hoạ khủng khiếp xảy ra ở đất nước này. Cả nước bị nạn đói hoành hành dữ dội đến mức không bút nào tả xiết, không lời nào nói đủ. Kể cả những nhà trước kia giàu có nhất cũng không còn gì mà ăn.
Trước cảnh đói khổ của dân chúng, nhà vua động lòng suy nghĩ. Ông suy nghĩ, suy nghĩ mãi cuối cùng tìm ra được cách giải quyết. Nhà vua cho mõ đi rao khắp các hang cùng ngõ hẻm, để tất cả người dân biết chiếu chỉ của nhà vua: bất kỳ ai dù ít dù nhiều, có công lao đóng góp cho quốc gia, làm được việc gì đó có ích cho tổ quốc đều được tặng thưởng huy chương.
Dân chúng nghe tin này liền quên hết đói rét, khổ đau, buồn thảm, nợ nần, chi phí, chỉ nóng lòng mong chóng nhận được huy chương. Tuỳ vào công lao của từng người mà nhà vua phát cho các loại huy chương khác nhau.
Huy chương hạng nhất là huy chương vàng. Loại hai là huy chương mạ vàng. Loại ba là huy chương bạc. Loại bốn là huy chương sắt. Loại năm là huy chương thiếc. Loại sáu là huy chương kẽm. Loại bảy là huy chương sắt tây... Tóm lại ai đã đến cung điện nhà vua đều được phát huy chương cả. Chẳng bao lâu sau trong nước không còn lấy một mẩu kim loại nào. Trong khi đó thì trên ngực áo ai cũng lủng lẳng những huy chương là huy chương, trông giống như những vòng chuông, vòng cườm đeo trên cổ loài la.
Một con bò cái thấy mọi người ai cũng đeo huy chương và nghe nói rằng hễ ai đến xin, nhà vua đều ban phát cho huy chương cả, nó liền tự bảo: "Thế thì ta kém gì mà không đến đầu tiên để nhận huy chương".
Thế là chị bò người chỉ còn da bọc xương, hai hàng vú nhăn nhúm thõng thẽo, bụng thót lên tận sống lưng, bước thấp bước cao, dò dẫm lên triều đình.
Đến nơi bò ta nói với người gác cổng:
- Nhờ ông tâu với nhà vua có bò tôi xin được yết kiến.
Lính canh thấy sự lạ, liền tìm cách đuổi chị bò đi. Nhưng chị ta không phải tay vừa, be ầm lên:
- Nếu không được gặp nhà vua, tôi sẽ không rời nửa bước khỏi cánh cổng này.
Lính canh đành phải vào tâu vua:
- Tâu bệ hạ, có một ả bò xin được yết kiến.
- Cho ả ta vào, - nhà vua nói.
- Nào, nhà ngươi hãy be lên ta nghe xem có chuyện gì? – Nhà vua bảo.
- Tâu bệ hạ - Chị bò cái nói, - thần được biết là bệ hạ ban phát huy chương, thần cũng muốn được nhận một chiếc.
- Nhà ngươi có quyền chi, có đóng góp gì cho đất nước mà đòi nhận huy chương? – Nhà vua giận dữ quát to.
- Thưa Đức đại chí tôn! - Ả bò cái mở đầu. – Loài bò chúng tôi không được ban phát huy chương thì nhà vua ban phát cho ai? Thịt của chúng tôi ai ăn, sữa của chúng tôi ai uống, da của chúng tôi ai đi trên chân. Thậm chí cả những thứ chúng tôi thải ra cũng được dùng vào việc. Phải chăng như thế chưa đủ để nhà vua ban cho chúng tôi tấm huy chương, dù đó là huy chương sắt tây?
Nghe chị bò cái phân trần, nhà vua thấy có lý. Ông bèn ra lệnh ban cho chị tấm huy chương loại ba. Chị bò mặt tươi như hoa, với tấm huy chương đeo lủng lẳng trước cổ tấp tểnh trở về nhà. Trên đường chị gặp chú la.
- Xin chào chị bò!
- Xin chào chú la!
- Chị đi đâu về mà tươi tỉnh, vui vẻ thế?
Chị bò cái liền kể lại mọi chuyện. Khi chị kể đến đoạn mình được tặng huy chương thì chú ta chưa kịp nghe hết chuyện đã vội ba chân bốn cẳng chạy thẳng đến cung vua.
- Tôi muốn được yết kiến nhà vua! – Chú la trịnh trọng tuyên bố.
- Không được, - lính canh trả lời chú la.
- Tuy nhiên chú la vốn được thừa hưởng tính ngang bướng của cụ kỵ tổ tiên mình nên đâu có dễ thoái lui. Chú cứ đứng đấy hết van vỉ lại lấy chân cào cấu vào cánh cổng cung điện mà xin vào. Thấy thế lính canh đành phải vào tâu vua.
- Thôi được, hãy cho chú la – kẻ nô lệ trung thành của ta vào yết kiến! – Nhà vua ban lệnh.
Chú la quỳ sụp xuống, vái lạy nhà vua, kính cẩn hôn tấm long bào trên người vua, rồi mới từ tốn xin được ban huy chương.
- Vì lý do gì mà nhà ngươi xin nhận huy chương.
- Ôi muôn tâu bệ hạ, phải chăng loài la chúng con ít đóng góp cho tổ quốc? Trong thời gian chiến tranh không phải chúng con đã từng cõng trên lưng súng ống đạn dược ra mặt trận cho quân đội thì ai làm việc này? Trong thời bình không phải chúng con thì ai mang trên lưng mình các bà hoàng hậu, các hoàng tử, các công chúa của nhà vua đi thăm thú mọi nơi? Không có loài la chúng con có hỏng hết mọi việc!
Nhà vua cho rằng nguyện vọng của chú la là chính đáng và ban lệnh:
- Hãy cấp cho chú la tấm huy chương hạng nhất!
Chú la sướng phát điên lên được, đang chạy vội về nhà để khoe với mọi người thì gặp bác lừa trên đường.
- Chào cháu la! – Bác lừa chào trước.
- Cháu chào bác lừa! – Chú la đáp.
- Cháu đi đâu về đấy?
Nghe xong câu chuyện chú la kể lại, bác lừa liền nói:
- Thế thì ta cũng phải đi gặp nhà vua để xin cấp huy chương!
Nói đoạn, bác lừa liền đến cung điện nhà vua. Lúc đầu lính canh một mực không cho bác vào, nhưng sau nhớ ra rằng, loài lừa vốn không dễ bảo, chịu đựng rất giỏi, nên đành phải tâu với nhà vua.
- Có một chú lừa tự xưng là công bộc trung thành của nhà vua xin được yết kiến.
- Nhà ngươi muốn gì? Hỡi chú lừa công bộc của ta kia? – Nhà vua hỏi bác lừa.
Bác lừa trình bày nguyện vọng của mình với nhà vua. Chưa nghe hết, nhà vua giận dữ quát to:
- Loài bò cung cấp thịt, sữa, da và phân cho cả nước. Loài la trong thời chiến cũng như thời bình, lúc nào cũng mang vác hàng hoá, chở người trên lưng nặng nhọc vất vả, vì thế họ xứng đáng được tặng thưởng, tôn vinh. Còn giống lừa nhà anh, thử hỏi đã làm được việc gì mà dám đòi cấp huy chương. Nhà anh liệu có gì đáng ca ngợi?
Đợi cho nhà vua nói xong, bác lừa cười một cách ác độc rồi nói:
- Tâu bệ hạ, giống lừa là những công bộc trung thành nhất của bệ hạ, có phần đóng góp lớn lao nhất trong mọi việc của quốc gia. Nếu như không có hàng ngàn, hàng vạn những công bộc xuất thân từ giống lừa ưa nặng như con đây thì ngai vàng của bệ hạ liệu có còn giữ nổi không? Và bệ hạ có còn trị vì được nữa không? Ơn trời, bệ hạ còn có giống lừa chúng con nên mới giữ yên được sơn hà xã tắc đó.
Nhà vua hiểu rằng con lừa này cũng như toàn bộ số lừa còn lại không xứng đáng được huy chương sắt tây.
- Ôi, chú lừa công bộc trung thành của ta, - nhà vua nói, - ta không có loại huy chương phù hợp tặng thưởng cho chú vì sự đóng góp cao cả của chú. Thay vào đó, từ nay cho đến khi chú qua đời, mỗi ngày chú được hưởng một bao cỏ từ chuồng ngựa của quốc gia. Hàng ngày chú hãy ăn số cỏ đó và đừng quên luôn luôn ca ngợi sự trị vì của ta.