Số lần đọc/download: 890 / 5
Cập nhật: 2017-05-09 22:23:31 +0700
Yêu Nhau Trên Vũng Máu
D
êm tối quá, âm u và cô tịch. Gió thì thào trong cành lá như điệu nhạc huyền bí bất tuyệt.
Ngôi chùa Hoa-An-Tự ngồi trang nghiêm dưới gốc chòm cây cổ thọ lắng mơ một cái gì cao vút thanh bình ở cõi Niết Bàn xa tít. Tiếng mỏ của Sư Bà Huệ Thông vọng ra, rơi vào không gian đều đều như tiếng suối rót mơ hồ ở tận đâu đâu...
Và cũng xa xa, giữa cảnh cô liêu tịch mịch ấy, hốt nhiên vang lên vài tiếng nổ, rồi từng loạt, từng loạt nối nhau kêu ròn như pháo tết.
Sư Bà vẫn trầm tịnh thả hồn nhập vào câu kinh tiếng mỏ. Tiếng bà trong và cao, vang ra khắp gian chùa vắng lặng, khi trầm khi bổng, êm như tiếng đàn lướt trên nhung lụa.
Mấy pho tượng Phật, từ bi ngồi trên bệ phảng phất qua ánh bạch lạp lung linh nhìn đời bằng những cặp mắt hiền từ đầy trắc ẩn.
Bên ngoài súng nổ càng ngày càng dữ. Thêm vào không khí rùng rợn ấy, gió mùa cũng nổi lên, để hòa tấu cho đầy đủ một bản nhạc quay cuồng có điệp khúc khủng khiếp.
Có tiếng gõ cửa gấp gáp. Tiếng then gỗ chạy ngang cánh cửa, vài tiếng kẹt kẹt, và một ngọn gió lùa hắt vào gian chùa.
Sư Bà vừa đọc nốt hàng chót của pho kinh, ngoảnh lại phía sau. Trong bóng tối chập chờn le lói ánh nến yếu ớt, có tiếng êm êm của ni cô:
- Bạch Sư Bà, có một chàng trẻ tuổi xin vào tá túc...
Sư Bà cúi xuống ngần ngại. Dường như người ôn lại câu thành ngữ: «Nam nữ thọ thọ bất thân» và nghĩ đến cấm giới nghiêm khắc của nhà chùa.
Một tiếng rên khư khư vọng lên trong xó tối.
- Thưa bà, người ấy bị thương...
- Bị thương à? Thôi được, con đưa người vào trai phòng, rồi ta xuống.
Lòng trắc ẩn, đến phút này đã thắng một thành kiến và cấm điều.
*
* *
Ni cô vừa gài xong mối băng cuối cùng trên chân trái người khách, thì hình như trong gió mưa lại có tiếng tốc tốc gõ vào cánh cửa.
Nàng ngừng tay, nhìn Sư Bà.
- Để đây cho ta. Con hay ra mở cửa. Lại một chiến binh bị thương nữa chứ gì.
Bà thở dài, cái thở dài đượm màu chua xót trước thế sự. Bàn tay khô khẳng của Bà vuốt trên vết máu và bùn còn dính ở khuôn mặt xanh xao nhưng phảng phất nét cương nghị của người thương binh:
- Khách đã thấy bớt chưa?
Chàng trẻ tuổi mệt nhọc, từ từ hé mắt ra, yếu ớt nói:
- Cảm ơn người. Tôi dể chịu rồi.
Có tiếng chân người nặng nề chầm chậm đi đến trai phòng. Rồi ni cô lại hiện ra, dắt theo một người nữa.
Người ấy tựa vào cánh tay ni cô, tập tễnh lê từng bước, miệng anh lầm thầm nói những tiếng khó nghe.
Sư Bà vói tay vặn cho ngọn đèn cao lên một chút ánh sáng rõ hơn, cảnh vật hiện ra đầy đủ.
- Lại một chiến sĩ bị thương?
- Dạ, nhưng là một người ngoại quốc.
- Một người ngoại quốc à! Mô Phật, người ngoại quốc hay đồng bào, cánh cửa từ bi cũng vẫn mở rộng. Khi máu chảy ra, lòng nào không đau xót.
Ngoài trời, tiếng súng chỉ còn thưa thớt nổ, yếu ớt như những tràng cười gượng sau một đêm vui gần tàn. Nhưng gió mưa thì vẫn còn tiếc rẻ vài giờ cuồng loạn liệt oanh. Cây cối cựa mình răng rắc, kẽo kẹt và reo lên ào ào. Trên mái nhà, mưa gieo nặng hột từng chập.
Ni cô băng bó cho người ngoại quốc ấy vừa xong, Sư Bà từ thiện đắp lên mình chàng một tấm mền dầy.
Người khách cựa mình, thở dài, ngơ ngác nhìn gian phòng lạ, chập chờn sáng.
- Ông là người Pháp? Ni cô hỏi.
Khách mở cặp mắt kinh ngạc ngắm ni cô mộc mạc trong bộ áo nâu sồng, rút đời vào chốn chuông mỏ này, mà cũng biết nói một thứ tiếng với mình:
- Thua cô, phải! Tôi là một chiến sĩ Pháp.
- Ông có mệt lắm không?
- Không, một vết thương xoàng ở đùi thôi. Tôi có thể hầu chuyện cô được.
- Ông từ chỗ súng nổ lại đây?
- Vâng. Tôi đi lạc, vì trời tối quá, không một ánh sao.
- Chàng khẽ thở dài, hỏi thêm.
- Súng còn nổ, thưa cô?
- Chỉ là những hơi ngắn chót của một hồi chuông đấy thôi, ông ạ. Mưa gió thì hình như lớn hơn! Ông có lạnh chăng?
- Cảm ơn sự lo lắng của cô. Nằm trong tấm mền dầy, giữa gian phòng ấp áp này, tôi có cảm tưởng như nằm bên lò sưởi, nghe gió reo và tuyết bay ngoài trời tối, trong một đêm mùa đông nào ở xứ Bretagne yêu dấu của tôi...
- Ông ở Bretagne à, cái xứ mưa một năm 10 tháng ấy à! Có phải vậy không ông, anh tôi thường viết thư về bảo thể!
- Cô có người anh ở xứ tôi, ồ hân hạnh biết mấy!
- Vâng, anh tôi qua đây đã 12 năm nay và biệt vô âm tín từ khi quân Đức gieo loạn ly ở nước Pháp... Hình như anh đã bị quân Đức giết...
Ni cô ngậm ngùi nhìn ngọn đèn đã lu lu:
- Chị dâu tôi, chị Yvonne, cũng là người Pháp miền biển ấy đấy.
Gió trổi mạnh hơn. Hơi lạnh thầm qua vách tường vào nhà. Ni cô rùng mình.
Bên giường kia, chàng chiến sĩ Việt Nam cựa mình, ú ớ trong một cơn mê...
- Chúc ông ngủ khỏe!
- Cảm ơn cô. Xin chúc cô như vậy.
Ni cô bước ra, một chút tình gia đình lưu luyến chớm lên, giữa gió mùa...
*
* *
Sáng bữa sau, trời đẹp.
Ánh lê mình tưng bừng trải trên cảnh vật. Trận phong ba hồi đêm chỉ để sự nghiệp lại một ít lạch nước trắng đụt uể oải chảy xuống hồ. Vài giọt nước trong veo óng ánh sáng còn đeo trên nhánh lá hay cành hoa.
Màu quang đảng nổi bật lên trong ánh nắng đào. Chim chóc ríu rít kêu, như hỏi thăm nhau vài câu bình yên.
Ni cô khẽ đẩy cửa phòng bước vào. Người chiến sĩ Việt đã thức rồi. Chàng cựa mình muốn ngồi nhỏm dậy.
- Ông đừng cử động mạnh. Thế nào, đã bớt chưa?
- Tôi khỏe nhiều rồi, ni cô ạ. Đêm qua tôi thiếp đi lúc nào không hay, đánh một giấc đến giờ.
- Cầu trời Phật hộ trì ông mau mạnh.
- Hình như bên giường kia cũng có người đau, thưa ni cô?
- Phải đấy ông ạ! Một chiến sĩ cũng bị thương như ông. Lát nữa ông ta thức, tôi sẽ giới thiệu và chắc ông sẽ có người bạn để chia vui sẻ buồn ở đây.
Vừa lúc ấy, người khách ngoại quốc cũng cựa mình thức dậy. Ni cô nhanh nhẹn bước qua ân cần như người nhà, nói với người khách Việt:
- Xin lỗi ông nhé!
Nàng đến bên giường người Pháp, điềm đạm hỏi:
- Đêm qua ông ngon giấc?
- Cảm ơn cô. Tôi ngủ được nên thấy khỏe khoắn.
Người khách Việt trố mắt nhìn. Một chiến sĩ Pháp! Một chiến sĩ Pháp! Thật một sự gặp gỡ kỳ quặc. Mới hôm qua đôi bên nằm trên đôi trận tuyến địch thù!
- Trời bữa nay chắc đẹp lắm, thưa cô. Tôi nghe chim hót lanh lảnh...
- Ông nói đúng đấy. Người ta cũng vẫn bảo: «sau giông tố trời quang đãng» phải không Ông?
- Cô thông minh quá, tôi thành thật khen ngợi.
- Này ông khách à, ông đừng kinh ngạc, tôi sẽ giới thiệu cho ông một người bạn mới.
- Hân hạnh.
- Ông tên chi nào?
- Antoine Gérald.
Nàng quay sang người khách Việt:
- Còn ông?
- Nguyễn-văn-Lĩnh!
Nàng nhìn đôi bên, điềm đạm nói:
Tôi xin mạn phép giới thiệu. Đây là ông Antoine, một chiến binh Pháp, và đây là ông Lĩnh, chiến binh Việt Nam. Mong rằng hai ông sẽ là đội bạn thân mật.
Antoine kinh hoàng. Lĩnh thêm bở ngở.
Trước sự xúc động đột ngột của hai tâm hồn, ni cô tự nghĩ phải đem họ lại gần nhau hơn:
- Phải, mới hôm qua, hai ông còn là người của hai chiến tuyến, còn thèm máu nhau. Bây giờ gặp nhau trong một mái chùa, đột ngột gọi nhau bằng cái tiếng thân ái bạn. Hai ông ạ, ông Antoine và ông Lĩnh ạ, cánh cửa từ bi có cái mầu nhiệm ấy đấy. Bao nhiêu cuồng vọng, ác nghiệt, thù hận đều tan rã trước cửa từ bi. Dưới chân Đức Đại bồ tát, tất cả sanh linh đều là con một nhà. Không có sự thù nghịch, không có sự dị chủng, không có sự đâm chém nữa. Chỉ có tình bác ái mênh mông không biên giới và không vĩ tuyến nào. Chỉ có lòng từ bi vô cùng vô tận. Cánh cửa từ bi đã không từ chối mở ra với một người dị chủng, thì nó có cái vai trò nối liền mối giây thân ái giữa hai kẻ khác nước, giữa nhiều sắc tộc, màu da.
Hai ông ạ, vả lại hai dân tộc Pháp Việt sanh ra có phải để bắn giết lẫn nhau đâu? Tình thân hữu và tình nhân loại còn đẹp như ánh sáng ngoài kia...
Hai khách nhìn nhau. Họ cúi xuống lòng mình rồi lại ngẫng nhìn nhau. Trái tim họ xúc động mãnh liệt. Ngại ngùng như nhau, họ ném qua nhau những cái nhìn thèn thẹn, nhưng đượm tình thân ái. Không ai bảo ai, họ đồng nhỏm dậy, bước xuống đất, tập tễnh đi tới, giang cánh tay ôm chầm lấy nhau như hai trẻ ngây thơ...
- Anh có đau không, Antoine?
- Anh có đau không, Lĩnh?
Mắt nhìn mắt, tay nắm tay, mà họ sát vào nhau. Họ không nói gì thêm, những cử chỉ cảm động ấy đã nói rất nhiều. Hai con tim áp vào ngực nhau làm nổi lên trong lòng họ một nhịp sống mới: họ yêu nhau rồi!
Trên chùa, hồi chuông sớm nổi lên, ngân dài trên vạn vật muôn loài được thấm nhuần cái tiếng từ bi bác ái của Đức Cao-Cả...