A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1827 / 46
Cập nhật: 2016-06-17 12:52:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Nhờ Kẹt Xe Hưng Mập Kết Bạn Giang Hồ Học Ca Vọng Cổ
e đò đến cầu Tân An thì dừng lại. Máy xe chạy xình xịch độ nửa tiếng. Rồi tắt ngóm. Người tài xế mở cửa, bước xuống, chửi thề tùm lum.
- Kẹt còn lâu.
- Sửa cầu. hả?
- Cầu ngon vậy sao hư?
- Bị nổ chi đó.
Anh lơ xe đứng dưới đường, chui đầu vô cửa xe:
- Cô bác xuống ăn quà, đi tiểu, dạo quanh quẩn một lát cho đỡ ê cẳng.
Hành khách trên xe xuống hết, trừ người nào bồng con nhỏ. Tôi vuốt ve Tô Tô:
- Tao muốn về quá, mày ơi!
Tô Tô vẫy đuôi lia lịa. Nó mon men ra cửa, nhảy xuống. Ý nó muốn rủ tôi. Và tôi đành theo nó. Buổi chiều, nắng cháy da thịt.Sắp sửa tối khi nắng dịu bớt. Hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau. Thỉnh thoảng có những phát súng chỉ thiên lẹt đẹt. Xe bên kia cầu chưa qua. Chắc bên ấy xe cũng nối đuôi nhau. Tôi và Tô Tô thả dài sang bên kia đường. Những người bán dứa, bán mận, bán bánh mì, bán nước đá tíu tít mời khách. Văng vẳng tiếng đàn vọng cổ và giọng hát con nít ca. Rồi bặt tiếng đàn. Và tôi nghe tiếng chửi lộn. Xoay lưng tôi gặp một thằng nhóc đang đánh một thằng nhóc lớn hơn nó. Thằng nhóc lớn cứ lùi. Miệng nó cười toe toét. Thằng nhóc bé tha hồ đấm gió, chửi láo. Đấm mãi không trúng, thằng nhóc bé lượm vỏ dứa ném thằng nhóc lớn.Ném trúng nó mới chịu thôi. Thấy lạ, tôi níu thằng nhóc lớn, hỏi:
- Em mày đấy à?
- Không!
- Không phải em mày sao nó đánh, nó chửi mày, mày chịu thua?
- À, nó nhỏ hơn tao.
- Mày sợ nó thì có!
- Rỡn mày. Tao đá một cái nó té nhào. Mà đá xong, nó đau, nó khóc, tao thấy thương nó. Lớn bắt nạt bé đâu có ngon!
- Mày thua?
- Ừa, thua hoài. Thằng nào nhỏ hơn tao là tao thua.
- Còn thằng lớn?
- Như mày chửi tao, tao đánh lại liền.
- Mày hay quá hé!
Thằng nhóc nhìn tôi trừng trừng. Nó chú ý cái bụng của tôi. Nó liếm mép:
- Phì lũ, mày ở đâu tới đây?
Tôi cười:
- Tao đi Cái Dầu, tới đây xe bị kẹt. Mày là thằng bé đại lượng. Tao khoái chơi với mày. Giá mày ở gần nhà tao, chúng mình là bạn. Tên tao là Hưng mập. Mày gọi là phì lũ, tao cũng không giận.
Thằng nhóc nháy mắt:
- Mày đi với ai?
Tôi chỉ dũng sĩ Tô Tô:
- Với bạn tao đây.
Thằng nhóc cười thích thú:
- Bạn mày là chó à?
Tôi gật đầu. Thằng nhóc nói:
- Xe dám kẹt cả đêm lắm à... Tao đờn dạo kiếm ăn, mày lại coi tao đờn không?
Tôi hỏi:
- Tên mày kêu chi?
Thằng nhóc trả lời:
- Tư. Tao đờn nên tụi nó kêu tao là Tư đờn. Tên xấu ỉn.
Tôi đưa tay lên vai Tư đờn:
- Tên mày nghe mùi như Út Trà Ôn ca cải lương ấy!
Tư đờn tưởng đã thân tôi, nhéo tôi một cái. Tôi xách cặp áo quần, theo Tư đờn đến chỗ của nó. Tư đờn bảo tôi ngồi. Nó ôm cây đàn vọng cổ tức cây ghi-ta năm dây phím trũng. Tư đờn cầm miếng móng, khẩy một khúc vui đáo để. Nó nói:
- Thủ phong nguyệt đó, mày!
Tôi gạ:
- Mày có thể dạy tao đờn được không?
Nó hãnh diện:
- Dư sức.
Đoạn đường phiêu lưu của tôi tính ra thì từ Phú Nhuận đến Cái Dầu. Đoạn đường sẽ êm ả nếu xe không kẹt ở cầu Tân An. Xe đổ tôi xuống Cái Dầu, tôi sẽ chạy nhanh vô tiệm của bố tôi, sụt sùi khóc. Bố tôi sẽ ôm tôi,vuốt ve, an ủi, hứa về Sàigòn mắng chị dâu tôi. Thế là hết. Và cuộc phiêu lưu tẻ nhạt như ăn bánh cuốn không chấm nước mắm. Có gặp trắc trở mình mới tìm được điều hay. Nhờ kẹt xe tôi mới gặp Tư đờn, mới biết nó là thằng bé đại lượng. Tôi học Tư đờn một điều: Với những đứa nhỏ bé hơn ta, ta nên nhường nhịn, coi như em ta. Tư đờn có tâm hồn cao thượng đấy. Những kẻ có tâm hồn cao thượng, dù giàu sang hay nghèo nàn, cũng đáng để ta học hỏi và kính phúc...
- Nè, phì lũ...
- Gì?
- Nếu kẹt xe cả đêm, mày về nhà tao ngủ nghe.
- Ba má mày rầy thì sao?
- Tao không còn ba má. Tao mồ côi mà, mày. Đờn ca kiếm cơm ăn. Nhà tao là túp lều. Hai thằng mình ngủ vừa. Ông bạn chó của mày nằm dưới chân. Tối nay tụi mình ăn bánh tét. Đêm đói, tao dậy nấu cháo trắng. Cháo trắng ăn với hột vịt muối, số dzách.
- Chắc kẹt xe cả đêm không?
- Ông cầu kẹt luôn.
- Vậy là mày khoái tao ở lại với mày, hả?
- Cơm đâu nuôi tao?
- Đờn ca lại rai.
- Tao ăn nhiều lắm.
- Tao nhịn cho mày ăn.
Tôi vỗ vai Tư đờn:
- Mày thương tao hả?
Tư đờn chớp mắt:
- Phì lũ, mày dễ thương quá trời!
Nó nắm chặt cổ tay tôi:
- Về nhà tao nhé!
Tôi gật đầu không suy nghĩ. Tư đờn đứng dậy, máng sợi dây buộc cây đàn lên vai. Nó đi trước, vẫy tay bảo tôi theo nó. Dzũng sĩ Tô Tô đi sau rốt. Chúng tôi men theo bờ ruộng một thôi dài thì đến căn nhà của Tư đờn. Nó nói đúng. Đây là túp lều kín đáo. Tư đờn đẩy cái phên kết bằng lá làm cửa, chui vào. Bấy giờ nắng đã tắt. Gió đồng thổi mạnh khiến tôi lành lạnh. Trời xám dần tựa hô màu tro. Tôi đâm ra nhớ nhà kinh khủng. Tư đờn đã thò đầu khỏi tổ ấm của nó. Nó hỏi tôi:
- Phì lũ, chắc nhà mày giàu lắm hén?
Tôi kéo cổ áo trùm kín gáy cho bớt lạnh:
- Nhà tao nhỏ xíu à....Mày đã về Sàigòn lần nào chưa?
Tư đờn bước hẳn ra ngoài:
- Chưa.
Nó kéo tôi vào trong túp lều. Tư đờn quẹt diêm châm cây đèn Hoa Kỳ. Nhờ ánh sáng, tôi có thẻ quan sát tường tận căn nhà của một thằng bé mồ côi. Bốn bức phên lá thay tường ván, Tư đờn dùng những thanh tre mỏng, dài nẹp đầy hình kép hát cải lương. Toàn hình Hùng Cường, Thanh Tú, Hữu Phước, Út Hiền...
- Mày mê kép hát ghê đi ta ơi!
- Hề hề... Sẽ có ngày tao hát ở Sàigòn. Mày biết chuyện Út Trà Ôn không?
- Không.
- Hồi nhỏ bằng tao, Út Trà Ôn ca thua tao. Một hôm có ông bầu cải lương ghé quán uống nước, Út Trà Ôn mon men tới ca chơi. Ông bầu cải lương khen hay. Ổng đưa Út Trà Ôn theo gánh hát, rồi Út Trà Ôn nổi danh.
- Mày mong gặp một ông bầu hả?
- Ừa,. Gặp ông bầu giúp đỡ tao sẽ thành kép hát. Đêm nào tao cũng vái trời.
Tư đờn rút một nén hương, châm trên ngọn đèn. Nó cắm đại gần chân phên tường, vái lia lịa. Tôi không dám cười. Tư đờn nói:
- Tao ước hoài hủy mà mãi chẳng được cái gì.
Tôi an ủi nó:
- Ước nữa đi.
Tư đờn ngó tôi, buồn buồn:
- Mai mày xuống Cái Dầu, hết đứa nói chuyện với tao. Tụi nó ngạo tao không à...
Tôi không hỏi ba má Tư đờn chết bệnh hay nó từ viện mồ côi trốn ra. Tư đờn nói năng tử tế, không chửi thề. Chắc chắn nó thiếu bạn. Phải chi Tư đờn gần gũi Bồn lừa. Thằng này luôn luôn mơ ước lớn lên đá bóng giỏi, hạ tất cả các đội bóng tròn thế giới. Tư đờn mơ ước trở thành kép hát nổi tiếng để thoát cảnh sống hèn mọn của nó.
- Này, Tư đờn...
- Chi vậy?
- Tao có hỏi tầm bậy, mày đừng có buồn nhé!
- Hơi đâu buồn, phì lũ!
- Ba má mày chết bệnh hả?
- Hai bên bắn nhau, ba má tao bị đạn lạc. Nhà tao ở tít tắp trong kia. Giờ cháy rụi rồi, tao mò ra đây.
- Mày có nhớ ba má mày không?
- Tao khóc hoài.
Tôi chợt nhớ Tư giải phóng, Năm xà lỏn, Ba AK và những giọt nước mắt của mấy ông nhãi này trong xóm nhà Bồn lừa đạn nổ dạo nào...
- Tư đờn!
- Chi?
- Mày sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường.
Đôi mắt Tư đờn sáng rực. Nó ôm chặt lấy tôi:
- Phì lũ, tao muốn mày ở đây với tao.
Một lát nó buông tôi ra:
- Tao chiên lạp xưởng, ăn bánh tét nhé!
Tôi xua tay:
- Tao không đói.
Tư đờn trỏ dũng sĩ Tô Tô:
- Bạn mày chắc đói.
Nó lấy miếng lạp xưởng đưa tận miệng Tô Tô. Và nằm ngữa, duỗi chân dài trên manh chiếu trải trên lớp lá dầy.
- Phì lũ....
- Gì?
- Trước tao ăn xin hành khách xe đò mày ạ! Ăn xin mắc cở quá, tao xoay qua nghề bán nước đá xi-rô giùm mụ Bảy. Bán ế, mụ la tao, uýnh tao. Tao cuốn gói xuống Bến Lức theo ông già mù đờn dạo. Tao dắt ổng đến sát xe đò hát. Ổng dạy tao vài bài ca, vài bản đờn. Rồi ổng chết, tao xài cây đờn của ổng, về đây đờn dạo. Nè, phì lũ...
- Gì?
- Chả ai nói tao sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường. Tụi nhỏ biểu tao ca như chó sủa. Có mỗi mày nói tao sẽ ca hay. Mày nói thiệt hay xạo?
- Thiệt.
- Ước gì mày ở với tao nhỉ!
Tư đờn đã ngồi dậy. Nghĩ sao nó chui khỏi lều. Rồi vô:
- Xe còn kẹt dữ. Mày ngủ đi, phì lũ. Lúc nào hết kẹt tao đánh thức.
Tôi cũng bước ra ngoài. Trời đã tối hẳn. Đèn trên cầu Tân An bật sáng. Và xe đò, xe du lịch, xe nhà binh, xe vận tải vẫn tắt máy nối đuôi nhau. Tư đờn vỗ vai tôi:
- Vô ngủ chứ, phì lũ!
Tôi nghe lời nó. Hai chúng tôi nằm bên nhau. Tôi nghĩ nhiều về Tư đờn. Nó bằng tuổi tôi và dám sống đời sống tự lập. Tư đờn biết chê bỏ nghề ăn xin. Làm gì có nghề ăn xin nhỉ? Như vậy Tư đờn chả bao giờ thèm ăn cắp. Nó là đứa lương thiện. Tôi thấy thua xa Tư đòn. Tôi mà mồ côi giống nó, chắc chỉ còn nước đi ở đợ.
- Phì lũ!
- Tên tao là Hưng mập.
- Biết rồi, phì lũ!
- Gì?
- Tại sao mày đi một mình?
Tôi lấy le với Tư đờn:
- Tao phiêu lưu mà, mày!
Tư đờn gác chân lên đùi tôi:
- Tự ý mày đi phiêu lưu à?
Tôi dốc bầu tâm sự:
- Bãi trường buồn quá, tao trốn nhà di đây, đi đó. Tính xuống Cái Dầu gặp bố tao. Nếu mày khoái, tao ở lại học vài câu... vọng cổ.
Tư đờn ngồi nhổm dậy. Nó níu tay tôi:
- Thật hả?
Tôi nói:
- Để tao ngủ. Hết kẹt xe mày đừng gọi tao. Tao muốn phiêu lưu với mày. Ông thích tay đờn miệng ca bài Thủ Phong Nguyệt.
Đêm ấy, đêm đầu tiên xa nhà, tôi ngủ một giấc ngon lành trong túp lều của Tư đờn. Gần sáng, thức giấc tôi ngạc nhiên tôi thấy tấm mền mỏng đắp kin mình tôi.Và Tư đờn đang lui cui nấu cháo. Tôi cựa quậy. Tư đờn ngoảnh lại:
- Mày lạnh không?
- Ấm quá.
- Lát ăn cháo với hột vịt muối. Ngủ nữa đi, phì lũ.
Ngoài ngưỡng cửa nhà mình, không phải đầy dẫy gian truân. Con Dế mèn đã phịa. Quê hương tôi chan chứa tình người. Ai dám tin Tư đờn đã thương yêu một nhóc con xa lạ là tôi. Khi về Sàigòn, tôi kể chuyện Tư đờn, chắc bọn thằng Dzũng Đakao, Chương còm, Bồn lừa sẽ cảm động lắm đây.
- Ê, Tư đờn..Bữa nay mày dạy tao đánh đàn nhé!
Tư đờn toét miệng cười, tay cầm cái muỗng, ngoày nồi cháo lia lịa.
Hưng Mập Phiêu Lưu Hưng Mập Phiêu Lưu - Duyên Anh Hưng Mập Phiêu Lưu