"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1594 / 32
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ến bây giờ tôi mới thấy vai trò quan trọng của người mẹ trong gia đình. Lúc trước mọi chuyện trong nhà đều do Thúy quán xuyến xếp đặt hết, tôi không phải bận tâm bất cứ điều gì. Ở sở trở về, hoặc từ mặt trận được nghỉ phép, tới nhà khi nào cũng thấy mọi việc ngăn nắp, thứ tự, đâu vào đó cả, lũ con bao giờ cũng sạch sẽ, ngoan ngoãn. Nhà cửa xếp đặt tươm tất, mỹ thuật. Ly tách không chút bợn trà, bàn nước không một hạt bụi. Hôm qua mới về sống liên tiếp trong một trạng thái lơ lửng bần thần, tôi không ý thức được thực tế. Mọi sự lãng đãng, mọi sự mờ ảo chập chờn như ảo ảnh. Phải chờ đến trưa nay cảnh sống mới hiện ra dần dần trong trạng thái bất ổn, rối rắm của nó.
Buổi sáng cả gia đình đi thăm mộ Thúy. Ly quên đưa tiền cho con ở gởi hàng xóm đi chợ, nên bữa cơm trưa chỉ có cơm trắng với xì dầu. Ty và Nô chê đồ ăn không có gì, không chịu ăn. Ly phải dọa thằng Nô nếu không chịu ăn ba chén cơm như thường lệ ba sẽ không mua chiếc xe rồng. Còn con Ty đòi bồi thường một hộp viết chì màu. Tôi gật đầu tất, nhưng nước xì dầu không đủ trơn để lũ trẻ nuốt trôi mấy bát cơm trắng. Ăn xong, như thường lệ, con Gái phải lo tắm cho lũ trẻ, trước khi bắt chúng ngủ trưa. Dầu lửa lại hết. Gái lấy tiền đi mua, bận đi bận về tổng cộng lại nửa giờ đồng hồ. Ấm nước nấu xong, tìm thằng Nô không thấy đâu. Con Ty khiếu nại tại sao thằng Nô được quyền đi chơi rong ngoài đường, chị Ly lại bắt buộc nó phải đi tắm rồi nằm co trên giường mà ngủ. Ly không biết giải quyết thế nào, chạy đi tìm thằng em hoang đàng. Con bé phải lên tận ngã ba mới tìm ra Nô. Trở về, Ly mặt mày xanh mét vừa nói vừa thở:
- Ba biết thằng Nô đi chơi đâu không? Tận trên nhà số 12. Và ba biết nó chơi trò gì không? Giữa trưa nắng nó chia phe u mọi với lũ trẻ mất dạy. Chỉ còn một tí xíu nữa, là chiếc Jeep của ông cảnh sát cán nó dẹp lép rồi.
Tôi giận quá, định tát cho thằng con ngỗ nghịch một bạt tai. Nhưng ánh mắt Thúy trên bàn thờ ngăn tôi lại. Tôi cố dằn tức giận, hỏi Nô:
- Sao con dại vậy? Không thương má hay sao mà đi chơi hoang?
Nô biết lỗi len lén xuống buồng tắm. Mọi sự tưởng yên, nhưng không! Lại đến cái màn tranh nhau tắm trước. Ty và Nô không đứa nào chịu nhường đứa nào cả. Ly phải nêu cái tội chơi hoang ra. thằng Nô mới phụng phịu đứng chờ.
Mãi đến một giờ trưa, mọi việc tạm yên. Tôi lơ mơ chìm trong trạng thái mệt mỏi ê ẩm nên không biết mình đang thức hay ngủ. Hai đứa nhỏ chỉ giả vờ nhắm mắt trên giường sắt, tay chân chèo kéo tranh giành chiếc gối ôm, nhưng không dám to tiếng khiếu nại vì sợ tôi nổi giận. Tôi nằm yên, nhắm mắt lại xoa tay lên trán để cố dỗ giấc ngủ. Tôi thiếp đi chừng mười lăm phút và giật mình thức dậy khi nghe giọng con Mi khóc lảnh lót. Tôi chạy ra phòng sau. Con Gái đang ôm con Mi, nét mặt sợ hãi. Tôi hỏi:
- Sao thế? Bộ nó té phải không?
Gái lấy dầu khuynh diệp xoa lên trán Mi, giọng phân trần:
- Con thấy nó ngủ say, mới xuống bếp tắt cái lò.
Tôi gắt:
- Sao không lấy gối chèn ra ngoài?
- Con có để cái gối ôm nhưng nó lật qua cái gối.
Tôi tức đến tràn hông, muốn đánh mạnh vào một cái gì đó để giải tỏa nỗi bực bội. Mọi sự quanh đây sao tù túng, rắc rối quá mức. Thứ gì cũng vướng vít. Tôi giận dữ hỏi:
- Chớ con Ly đâu, sao không nhờ nó trông hộ?
Con Gái bảo:
- Chị ấy mới đi đâu, con không rõ.
Tôi quày quả trở lên nhà trước tìm con Ly, tuy trong lòng hoang mang không biết mình tìm nó để làm gì. Qua khỏi cánh cửa ngăn, tôi khựng lại không dám tiến tới. Ly ngồi xệp trước bàn thờ Thúy, mắt nhắm nghiền như pho tượng một ni cô nhập thiền. Nét mặt Ly bất động, trông giống như nỗi thống khổ tích lũy cô đọng thành đá. Tôi không dám lớn tiếng, sợ phạm đến giờ phút huyền nhiệm của con bé. Gần như tôi thì thào:
- Con làm gì đấy Ly?
Con bé từ từ mở mắt. Tôi hỏi lần nữa:
- Con làm gì đấy Ly?
Ly chậm chạp đứng dậy, nói khẽ:
- Con lên thắp hương cho má rồi tự nhiên con nghe hình như má bảo con quì xuống. Giọng má nghiêm khắc quá. Con sợ đến chết điếng, rồi con làm gì không hay biết nữa.
Tôi nhìn nét mặt Ly chăm chú, lo ngại con bé không được bình thường. Tôi không bao giờ ngờ rằng cái chết của Thúy ảnh hưởng sâu xa đến như vậy đối với Ly, tuy biết tâm hồn Ly vốn mong manh. Tôi cầm tay Ly, thấy bàn tay mềm nhũn buông thả, nhưng con bé không bị sốt. Có lẽ phải cho Ly đi đâu xa một thời gian, như gởi lên nhà dì Vi chẳng hạn, để con bé bớt bị cái chết của mẹ ám ảnh, nhưng cho Ly đi thì nhà cửa, bếp núc, lũ trẻ ai trông coi. Ruột tôi rối còn hơn mớ bòng bong. Tôi ngập ngừng bất quyết, không biết nên khuyên Ly điều gì, nói với Ly thế nào. Đang ngập ngừng không lối thoát, thì tôi nghe có tiếng xe Jeep phanh gấp trước cửa. Chắc Tín đem cái xe cũ của tôi lại cho mượn như lời hứa ban sáng. Ly nhanh chân ra phía bếp, còn tôi nét mặt bình thản chờ đợi Tín. Tiếng giầy da nặng nề từ ngoài tiến vào. Có nhiều người đến, không phải một mình Tín. Tôi vội mở cửa. Bên ngoài, ba người quân cảnh đứng sẵn ở đó, người nào người nấy mặt mày lạ hoắc trang nghiêm.
o O o
Tôi không biết nói gì với những người lạ này, yên lặng đứng chờ. Cả ba cũng bối rối không biết nên vào hẳn trong nhà hãy nói hay nói ngay trước cửa. Tôi thấy mình bất lịch sự quá, tỏ vẻ vồn vã hơn:
- Mời các ông vào nhà.
Một người quân cảnh nói:
- Xin lỗi ông đây có phải là nhà thiếu tá Lộc.
Tôi gật đầu:
- Vâng, tôi là thiếu tá Lộc đây. Các anh cần gì?
Anh trung sĩ cấp bậc lớn nhất trong toán nhanh nhẩu:
- Xin lỗi, thiếu tá. Chúng tôi nghe tiếng thiếu tá đã lâu, nay mới biết mặt. Chúng tôi xin thành thật chia buồn...
- Nhưng mời các anh vào nhà đã.
Cả ba người lính bước qua cửa, đứng dựa vào tường trước bàn thờ Thúy không dám ngồi. Tôi chỉ ba cái ghế phía bàn nước:
- Các anh ngồi xuống đi.
Anh trung sĩ nói:
- Thưa cám ơn thiếu tá. Chúng tôi ớ đằng quân cảnh tư pháp. Việc đáng tiếc xảy ra cho bà thiếu tá làm cho mọi người bàng hoàng, xót xa. Tất cả các báo đều có tường thuật tỉ mỉ vụ này. Người ta chú ý nhất việc thiếu tá đang lo hành quân trên cao nguyên, vào lúc chiến trường sôi động nhất thì ở nhà bà bị thảm sát. Vì vậy, ông tướng ra lệnh phái hoàn thành gấp thủ tục đưa kẻ sát nhân ra tòa quân sự, để chứng tỏ cho chiến sĩ ở mặt trận thấy rằng trong khí chiến đấu, gia đình của họ được chánh phủ lo lắng bảo vệ, chăm sóc chu đáo.
Tôi nóng nảy hỏi:
- Tôi biết. Tôi cám ơn nhiều. Nhưng ngay bây giờ, các anh cần hỏi tôi điều gì?
- Chúng tôi mới được tin thiếu tá về vào sáng nay, trung úy cho chúng tôi đến mời thiếu tá lại quân cảnh tư pháp để chúng tôi xin thiếu tá soi sáng cho một vài điều liên quan đến vụ thảm sát.
- Được. Tôi sẽ đi ngay. Các anh chờ tôi vào thay đồ một chút.
Tôi dặn Ly ở nhà và ngăn đừng cho Nô ra đường rồi theo ba người quân cảnh.
Viên trung úy tiếp tôi trong một căn phòng chật nhưng bày biện gọn ghẽ. Tôi được mời ngồi trên cái ghế bằng sắt xám, trước bàn làm việc của viên trung úy chỉ huy trưởng. Phía tay trái, một người lính khác ngồi chờ bên máy đánh chữ, xấp giấy pelure cài sẵn nơi trục. Viên trung úy tự giới thiệu, sau khi chào tôi:
- Tôi là trung úy Thục, trưởng phòng quân cảnh tư pháp. Mời thiếu tá.
Tôi nghe thấy trung úy nói tiếng Bắc, giọng trầm và chậm. Hình như viên sĩ quan này xuất thân từ trường luật, hoặc cũng có liên hệ đến giới luật sư, vì lối nói dõng dạc, chậm rãi nhấn mạnh ở các chữ quan trọng, trong lời giới thiệu, hết sức nhà nghề. Tôi vừa ngồi xuống vừa nói:
- Tôi là thiếu tá Lộc, xin cảm ơn trung úy.
Rồi không chần chờ, tôi hỏi ngay:
- Trung úy cần tôi điều gì?
Viên trung úy có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi đi thẳng vào vấn đề, hai tay mân mê cây viết nguyên tử. Anh ta hơi mất bình tĩnh, liếc nhìn về phía người lính ngồi bên cạnh như cầu viện. Mãi một lúc lâu, trung úy Thục mới nói:
- Có một vài thủ tục về giấy tờ chúng tôi xin được thiếu tá cho biết trước đã. Khi nào làm một hồ sơ gì, nhất là hồ sơ một vụ quan trọng như thế này, chúng tôi cần ghi chú rõ lý lịch của nhân chứng. Chẳng hạn về số quân, đơn vị, nguyên quán, trú quán, gia đình...
Tôi đọc chậm cho trung úy Thục nghe lý lịch của tôi, đủ chậm và rõ để người lính ngồi bên đánh máy lên tờ khai. Tôi làm còn quá hơn sự mong ước của phòng tư pháp nên lúc khai xong, trung úy Thục gật đầu cảm ơn:
- Thiếu tá giúp đỡ cho chúng tôi như vậy thì quí hóa lắm. Ở đây công việc bề bộn, ngập tới cổ luôn. Nhưng vì có lệnh của quân đoàn, chúng tôi phải lập thủ tục gấp vụ án này. Mọi chuyện khác phải gác lại hết. Lệnh trên thật cấp bách. Trong vòng mười ngày phải xử cho xong. Cho nên có lẽ chúng tôi phải xin thiếu tá cả buổi chiều nay đó.
Tôi gật đầu đồng ý, im lặng chờ. Trung úy Thục hỏi:
- Thiếu tá biết hạ sĩ Ninh, hạ sĩ Trần văn Ninh?
- Dĩ nhiên là biết. Anh ta thuộc Tiểu đoàn của tôi.
- Hạ sĩ Ninh giữ chức vụ gì trong Tiểu đoàn?
- Anh ta ở trong toán tiếp trợ, liên lạc với Trung đoàn ở hậu cứ. Trung úy đã biết rồi, binh chủng của chúng tôi lưu động theo nhu cầu chiến trường, nhưng đặt bản doanh ở đây.
- Sự phân công đó do vô tình may rủi, hay do lý do nào khác?
Tôi suy nghĩ một chút để tìm một lối giải thích hợp lý, hợp tình:
- Điều này hơi khó xác định. Chúng tôi, những người sĩ quan chỉ huy, thường có một trực giác về khả năng của mỗi người lính. Khi nhận một tân binh, mới nhìn qua cách trình diện cùng điệu bộ anh ta, tôi đã biết ngay nên phân cho anh ta vào công việc nào. Trong phần lớn trường hợp, trực giác ấy đúng.
Trung úy Thục ngắt lời tôi:
- Trừ trường hợp của hạ sĩ Ninh, phải không thiếu tá?
Tôi hơi giận nhấn giọng trả lời:
- Không. Tôi không lầm. Hạ sĩ Ninh có điều kiện để phân công vào việc đó. Trước hết là lý do nhân đạo: Anh ta bị thương ở ruột năm ngoái, tuy chưa quá trầm trọng để giải ngũ nhưng cũng nguy hiểm nếu phải chạy nhảy nhiều. Anh ta lại là con một của gia đình chỉ toàn chị em gái. Thêm vào đó, học thức anh ta khá. Trình độ vào bậc tú tài, nên trong việc giao thiệp trực tiếp hay liên lạc giấy tờ với các cơ quan tiếp vận, anh ta rất thành thạo, nhanh nhẹn.
- Nghĩa là ngoài những chỉ dẫn của trực giác, sự lựa chọn của thiếu tá còn tùy thuộc vào tình cảm riêng. Thiếu tá thấy anh ta thông minh, hiền lành, gia cảnh đáng thương, nên cho làm ở một nơi ít gặp nguy hiểm.
Tôi làm thinh không muốn xác định bằng lời nói một điều có thực. Trung úy Thục mỉm cười, ánh mắt láu lỉnh một cách đáng ghét. Khi tôi quay lại nhìn thẳng vào Thục, trung úy không cười nữa. Anh ta xoay xoay cây viết nguyên tử, tìm lời một lúc mới hỏi tiếp:
- Thiếu tá cho hạ sĩ Ninh ở lại hậu cứ, vì thấy anh ta nhanh nhẹn đảm nhận được các việc phiền phức về tiếp liệu. Anh ta cũng biết đó là một ưu đãi của cấp chỉ huy, nên chắc phải xem thiếu tá là một ân nhân lớn. Có lẽ vì vậy mà anh ta thường lui tới nhà của thiếu tá, giúp đỡ vài công việc nhỏ lặt vặt như dạy cho các em học đánh vần, lái xe đi mua giùm một can dầu, đưa em bé đau đi nhà thương...
Tôi biết viên trung úy muốn dẫn câu chuyện đến đâu, nên cắt lời:
- Điều đó không có gì khác thường. Chúng tôi lo chiến đấu ở mặt trận, không có thể gần gũi gia đình được để săn sóc con cái. Vì vậy, những người ở hậu cứ thường có phận sự lo liệu giùm việc đó cho cả đơn vị, nếu có gia đình nào gặp việc khẩn cấp như đau yếu, tai nạn.
- Nhưng chúng tôi được biết hạ sĩ Ninh thường ở ngoài nhà của thiếu tá hơn là ở trong trại.
Tôi giận quá hỏi lại:
- Nghĩa là trung úy bảo tôi biệt phái một ông hạ sĩ về làm việc ở nhà, chứ không phải lo việc tiếp liệu, phải thế không?
Đến lúc đó, tôi mới thấy tất cả cái khôn ngoan nhà nghề của trung úy Thục. Anh ta vẫn bình tĩnh, không chút mảy may giao động trước sự phẫn nộ của tôi. Vẫn bằng một giọng trầm và chậm, anh ta phân trần:
- Thiếu tá hiểu lầm rồi. Nhiệm vụ của hạ sĩ Ninh là gì, ai cũng biết rõ. Anh ta chu toàn công tác của Tiểu đoàn giao phó, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng việc hạ sĩ Ninh thường ở trong nhà thiếu tá rất quan trọng trong vụ án này. Nếu anh ta không quen thân với gia đình thiếu tá, thì làm sao có thể về căn nhà đó bất cứ lúc nào, dù là khuya khoắt gần giờ giới nghiêm. Nếu thiếu tá không cho phép anh ta tá túc trong nhà, thì làm sao xảy ra được tội ác? Nếu...
Tôi không giữ được bình tĩnh cắt ngay lời trung úy Thục:
- Nếu không có tội ác, thì cũng không có đơn vị quân cảnh tư pháp này, và trung úy không có dịp cật vấn tôi như một kẻ sát nhân như vậy. Trong chúng ta không một ai có bàn tay đủ sạch để đặt chữ NẾU.
Viên trung úy lo lắng, vội vàng xin lỗi:
- Thiếu tá hiểu lầm rồi. Xin thiếu tá thông cảm cho. Có lẽ trong khi muốn tìm sự thực và bị cấp trên thôi thúc quá, tôi có vụng về trong lối đặt câu hỏi chăng. Chúng tôi chỉ muốn thiếu tá xác nhận cho điều này: hạ sĩ Ninh thường ở trong gia đình của thiếu tá, và gần như một người thân thích trong gia đình.
Tôi cố nén giận trả lời cộc lốc:
- Tôi xác nhận.
Trung úy Thục muốn đánh tan không khí lạnh nhạt, nghi kỵ bàng bạc trong phòng, vừa cười vừa nói:
- Vì hành vi bạo sát này có vẻ bất thường, nên chúng tôi phải mời thiếu tá đến để đi trở lại từ đầu. Vì cứ theo ý kiến chung của anh em ở đây, biết cảm tình sâu đậm thiếu tá dành cho Ninh, thì không ai hiểu vì sao anh ta giết bà nhà. Không thể tin được, ai cũng cho là phi lý. Nghe tin dữ ai cũng ngẩn ngơ đến nỗi không dám xem những điều biết được là căn bản lập luận chắc chắn nữa. Thành thử nếu chúng lôi có dài dòng về những điểm rõ như ban ngày xin thiếu tá kiên nhẫn trả lời cho. Chúng tôi biết thiếu tá đau khổ về cái tang đột ngột, và làm phiền thiếu tá thế này thật không phải. Nhưng...
Trung úy không nói tiếp, chỉ cười nhẹ rồi im lặng. Chợt nhớ ra điều gì, anh ta rối rít gọi:
- Lãng ơi?
Một lính quân cảnh ở phòng sau chạy vào. Trung úy Thục bảo:
- Đem nước và cái gạt tàn thuốc.
Rồi trung úy quay về phía tôi cầu hòa:
- Xin lỗi thiếu tá. Tôi quên không mời thiếu tá tách nước trà. Thiếu tá hút thuốc đen được không ạ?
Tôi gật đầu, rút một điếu Bastos xanh Thục mời, tự đánh diêm châm hút. Trung úy lóng ngóng nhìn vào trong chờ nước, mãi một lúc lâu vẫn chưa thấy anh lính mang ra. Thục đứng dậy nói với tôi, giọng nhỏ nhẹ phân trần:
- Tụi này bết quà. Chắc bây giờ mới lo đi nấu. Thiếu tá để tôi đi lấy nước ngọt uống cho mát. Trời nóng thật là nóng.
Tôi vẫn còn hận anh ta, chỉ lặng lẽ hút thuốc, không thèm từ chối lấy lệ làm gì mất công.
o O o
Chúng tôi ngồi đối diện nhau, lặng lẽ uống coca lạnh và hút thuốc lá, không ai nói với ai lời nào. Để tránh nhìn nhau, mỗi người lơ mơ theo dõi khói thuốc bay lên, tan loãng vào hư không. Tiếng máy chữ từ các phòng bên nghe rõ mồn một. Trong phòng sự yên lặng càng ngày càng giả tạo. Có lẽ vì thấy vậy, nên nghỉ chừng mười phút, trung úy Thục đã nói:
- Chắc thiếu tá khỏe rồi. Chúng ta lại bắt đầu.
Tôi đáp cộc lốc:
- Tùy trung úy.
Thục nói:
- Điều mà mọi người đều thắc mắc là vì sao Ninh giết bà nhà. Ninh giết người, điều đó đã rõ như ban ngày. Nhưng muốn định tội, phải tìm cho đúng nguyên nhân. Chúng tôi đặt ra nhiều giả thuyết, và phải nhờ đến thiếu tá để kiểm chứng lại các giả thuyết ấy, xem cái nào có thể giữ lại cái nào nên loại bỏ đi. Thật là rắc rối. Ngay như thiếu tá, thiếu tá có hiểu vì sao Ninh trở thành kẻ sát nhân không?
Tôi thành thực lắc đầu:
- Tôi chịu không hiểu nổi vì sao.
Viên trung úy giơ cả hai tay lên, giọng đắc thắng:
- Đó, thiếu tá còn vậy, huống hồ chúng tôi. Cho nên xin thiếu tá thông cảm, cho biết Ninh bắt đầu lui tới nhà thiếu tá từ lúc nào.
Tôi cố nhíu mày để nhớ, nhưng chịu. Tôi phỏng đoán:
- Lâu lắm. Hai ba năm nay rồi.
- Hai năm hay ba năm? Xin thiếu tá cố nhớ cho.
- Chắc hai năm. Lúc tôi chưa lên thiếu tá thực thụ.
- Vì sao Ninh có thể lui tới nhà thiếu tá được?
- Lúc ấy, Ninh còn làm tài xế cho tôi.
Trung úy Thục vui mừng, reo lên:
- À, thảo nào. Chuyện ấy rất thường. Các tài xế lái xe cho đơn vị trưởng dễ làm thân với gia đình sĩ quan chỉ huy. Có lẽ ban đầu, những lúc thiếu tá không ngủ trong trại bảo Ninh lái xe về nhà, thiếu tá cũng cho Ninh ở nhà luôn.
- Đúng vậy.
- Thiếu tá bắt Ninh ngủ ngoài xe?
Tôi bực bội:
- Tôi thương yêu lính của tôi như thương yêu em út ở trong nhà. Không bao giờ tôi bắt tài xế ngồi ngủ gục trên tay lái trong khi yến ẩm tiệc tùng ở cao lâu đâu.
Một lần nữa, trung úy Thục phân trần:
- Chúng tôi hỏi vậy, để biết cách đối xử của gia đình thiếu tá đối với Ninh thế nào. Đôi khi một lời nói, hay một cứ chỉ vô tình của cấp chỉ huy bị cấp dưới hiểu theo một nghĩa khác. Họ cho đó là một lời khinh miệt, hay hách dịch phách lối. Chúng tôi đã từng gặp nhiều vụ cấp dưới hành hung hay bất tuân cấp trên, chỉ vì hiểu lầm nhau. Có thể vụ này cũng tương tự như vậy không chừng.
Tôi hiểu ý viên trung úy. Thục muốn bảo gia đình tôi ỷ thế hà hiếp Ninh, nỗi hận lâu ngày tích lũy, phát thành thảm sát. Tôi dài dòng giải thích:
- Để tôi thuật lại cho trung úy biết cách chúng tôi đổi xử với Ninh từ đầu. Ninh lái xe cho tôi, không phải do ý tôi chọn. Tôi lên thay thế cho một thiếu tá bị đổi đi vì lý do kỷ luật. Ninh đã lái xe cho vị tiền nhiệm của tôi từ lâu. Như thế, không phải chính tôi chọn người tài xế cho mình. Ban đầu tôi không lưu ý nhiều đến Ninh. Anh ta không có gì đặc biệt. Tầm vóc vừa phải, trẻ, hiền, vâng lời, như hầu hết mọi người. Ninh không có làm điều gì phiền đến tôi cả, nhưng cũng không hơn gì các tài xế tôi đã gặp trước đây. Có Ninh cũng được, mà không có Ninh cũng được. Nhưng tôi bắt đầu chú ý đến anh ta từ lúc gặp anh ta đọc cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện. Thấy tôi đã đọc được nhan sách, Ninh bối rối đến thộn mặt ra. Sự bối rối của Ninh cho tôi biết anh ta không thuộc loại làm dáng trí thức, loại ruột rỗng theo đòi thời thượng. Khi Ninh lái xe đưa tôi về trại, tôi giả bộ lơ đãng lật qua lật lại vài trang trong sách rồi hỏi tự nhiên: "Chú thích phần nào trong cuốn này?" Ninh liếc nhìn tôi không dám trả lời, có lẽ sợ tôi trêu chọc. Nét mặt thành khẩn của tôi khiến Ninh yên lòng. Ninh trả lời: "Em thích phần Phạm Công Thiện viết về thiền." Tôi giật mình không ngờ anh tài xế vô danh này có trình độ hiểu biết cao, và nhất là cũng nghĩ như mình về bài phóng bút của Phạm Công Thiện. Tôi có cảm tình với Ninh từ đó, và ngoài những lúc phải giữ quân cách, tôi xem Ninh như một người bạn. Thúy có một người em trai mất năm mười lăm tuổi, nên cũng rất mến Ninh. Nhờ thiện cảm sẵn có đó, mà từ khi tiểu đoàn dời ra mặt trận, lưu động nay đây mai đó từ chỏm núi này đến thung lũng khác, tôi dành cho Ninh một chỗ an toàn. Điều đó có phải là căn nguyên của thù hận không?
Tôi đưa mắt nhìn trung úy, muốn tìm trên gương mặt đáng ghét ấy sự băn khoăn của kẻ thất thủ. Nhưng không. Thục vẫn bình tĩnh. Anh ta hỏi:
- Lúc nãy thiếu tá có bảo Ninh là con trai độc nhất của một gia đình nhiều con gái?
- Vâng. Rồi sao nữa?
- Gia đình anh hạ sĩ ở đâu, thiếu tá?
- Ở Đà nẵng.
- Chắc gia cảnh nghèo khó, lam lũ lắm.
Tôi vội nói:
- Trung úy lầm. Gia đình Ninh giàu có. Ông già buôn gỗ, lại có thêm một xưởng đóng bàn ghế ở ngay phố chính. Mấy chị em gái trừ đứa sau cũng bằng tuổi con Ly nhà tôi, còn thì đều lấy chồng cả. Hôm trước Tết, có một anh rể của Ninh, là đại úy thiết giáp đóng ở bên kia sông, dẫn vợ qua đây thăm Ninh. Người chị bảo với tôi là không hiểu thằng em muốn gì. Đang học đệ nhị, tự nhiên bảo chán nản, rồi lén nhà đầu quân đi lính trơn. Có thể là do một xúc động nào đó về tâm lý, như thứ xúc động dậy thì muốn "đâm thủng mặt trời và hiếp dâm mặt trăng" chẳng hạn. Tuy ông già giận lắm, nhưng bà mẹ và mấy chị lén gửi tiền cho luôn. Tháng nào ít nhất cũng năm ngàn. Một phần tiền Ninh dùng mua sách. Một phần nữa dùng để tiêu pha với bạn bè.
Thục như vớ được một dịp may, vội hỏi:
- Ninh có thường say sưa nhiều không?
- Ít lắm. Nó cũng không có ai là bạn thân. Nó cũng rất yếu rượu. Một ly bia con cũng đủ đỏ mặt lên rồi. Mấy lúc sau này, nhà tôi viết thư bảo lũ nhỏ khoái chú Ninh, vì được chú lái xe chở đi chơi mát, và đãi kem.
Thục cố nài:
- Xin thiếu tá cố nhớ lại giùm cho. Trong số bạn bè thường đi với Ninh, thiếu tá có thấy ai tương đắc với anh hạ sĩ, hoặc khi nói chuyện, hoặc khi ăn uống. Điều này quan trọng lắm, thưa thiếu tá.
Tôi bóp trán cố làm vừa lòng viên trung úy. Nhưng không tìm được ai. Thục hỏi:
- Chẳng hạn thiếu tá có thấy Ninh đi với Luật bao giờ không?
- Luật nào?
- Trung sĩ Luật bên ban hai.
Tôi lắc đầu quả quyết:
- Không. Tôi chưa gặp anh đó.
- Hoặc thượng sĩ Tiên bên quân xa?
- Tiên hả? Nó với Ninh như chó với mèo. Hai đứa không ưa nhau.
Giọng trung úy vẫn hết sức khẩn thiết:
- Thế thì trong nhà thiếu tá, Ninh có lân la nói chuyện với con Gái không?
Tôi lắc đầu lần nữa.
- Thế thì Ninh hay tâm sự với ai? Chúng tôi muốn biết lắm. Vì khi nãy thiếu tá có nhắc đến giấc mộng "đâm thủng mặt trời và hiếp dâm mặt trăng" của tuổi trẻ hiện đại.
Tôi e dè nói:
- Có lẽ về sách vở, Ninh thường nói chuyện với con Ly.
- Ly con lớn của thiếu tá?
- Không. Nó là con riêng của nhà tôi, có với người chồng đã khuất. Ly ít tuổi hơn Ninh nhiều, năm nay mới mười bốn tuổi. Nhưng tâm tính cũng giống chú Ninh vậy. Nhiều buổi hai đứa nói chuyện với nhau cả buổi trước sân, ra chiều tương đắc lắm. Không biết nói chuyện gì.
Thục cười:
- Chắc anh hạ sĩ có tài kể chuyện Tấm Cám và Cô bé quàng khăn đỏ.
Rồi nghiêm mặt Thục đưa ra nhận xét:
- Ninh không bị hà hiếp, không nghèo khó, túng thiếu. Như vậy tại sao hắn sát nhân? Tại sao?
Tôi không muốn, mà cũng không biết trả lời với Thục thế nào. Tôi ngồi yên, lấy tay thấm nước viết một chữ T trên bàn. Tôi vẽ vô tình, khi chợt tỉnh mới biết mình đã gạch thêm một nét thẳng, chuẩn bị vẽ thêm chữ H. Tiềm thức giục tôi viết tên Thúy. Thục nhìn trên trần nghĩ ngợi, rồi nhìn sang phía tôi để cầu cứu. Thấy tôi chấm nước đọng quanh ly tô đậm nét cho phần chữ H, Trung úy đăm đăm nhìn theo dõi. Rồi không biết nghĩ gì, Thục đột hỏi:
- Tôi vừa có ý này hơi đi xa đề. Xin hỏi Thiếu tá câu chót. Thiếu tá có nhớ thời đi học trung học, khoảng 1958, 1959 đó, có một cuốn phim thật hay được giới học sính ái mộ ác liệt lắm. Tôi nhớ nhan đề cuốn phim là "Tình, Tiền và Án mạng". Tài tử chánh là Gary Cooper.
Tôi gật đầu:
- Tôi nhớ. Phim thật hay. Hình như có cả Burt Lancaster nữa.
Thục nhìn thẳng vào tôi, nhưng giọng nói lơ lửng, do dự:
- Hiện giờ chúng ta đối phó với một vụ án mạng bi thảm. Và chúng ta rán tìm cho ra nguyên nhân. Thiếu tá đã đoan quyết không có vấn đề tiền trong vụ này. Như đem so với nhan đề của phim, chỉ còn một giả thuyết.
Tôi lờ mờ hiểu ý Thục, nhưng không dám tin ở trí phán đoán của mình. Tôi hỏi cộc lốc:
- Nghĩa là sao?
Thục khựng lại, không dám nhắc lại câu cũ:
- Nghĩa là... nghĩa là, có thể Ninh giết bà nhà vì...
Tự nhiên cơn giận bốc lên. Tôi muốn ngộp thở. Tôi đứng bật dậy, đập tay lên bàn hỏi:
- Vì cái gì?
Ly Coca chòng chành, nhưng không đổ. Người lính đánh máy ngơ ngác không hiểu đột nhiên vì sao tôi nổi giận. Viên trung úy cũng bối rối không kém. Thấy tình thế găng quá, anh ta dịu giọng:
- Thôi. Chúng tôi làm phiền thiếu tá nhiều rồi. Trung sĩ này sẽ đọc các điều ghi chú từ đầu đến giờ cho thiếu tá nghe để xin thiếu tá ký cho ở phần cuối.
Người lính đọc các câu ghi chép. Nhưng tôi không nghe thấy gì. Tai chỉ nghe những tiếng lùng bùng vô nghĩa. Tự nhiên tôi thấy rã rời, chân tay bải hoải. Người lính đọc xong, tôi bảo:
- Được. Ký chỗ nào?
Tôi ra khỏi phòng tiểu đội quân cảnh điều tra tư pháp, thân thể bớt căng tức, nhưng tâm thần cứ bập bồng. Nếu chiếc xe quân cảnh không ghé lại mời tôi lên để đưa về, chắc tôi cứ thất thểu như vậy cho đến xế chiều.
Đường Một Chiều Đường Một Chiều - Nguyễn Mộng Giác