People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ó lần, Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na bảo Mác-tư-nốp:
- Sao chẳng bao giờ anh đến nhà chúng tôi, chuyện vãn với nhau một tối chẳng hạn?
- Cám ơn chị, - Mác-tư-nốp hơi ngạc nhiên. Đã lâu anh không được vợ chồng Boóc-dốp mời đến chơi. - Tôi gần như chẳng có tối nào rảnh.
- Không, nhất định anh phải đến đấy nhé! Sao anh với nhà tôi cứ cãi cọ, quát tháo nhau luôn thế? Chúng ta sẽ ngồi chơi nói chuyện với nhau.
Mác-tư-nốp hứa sẽ đến, nhưng không vội thực hiện lời hứa: “Chị ta định hòa giải mình với anh ta bên chén trà chắc?” - anh nghĩ.
Ít lâu sau, Boóc-dốp được triệu tập lên tỉnh ủy dự kỳ hội thảo mười ngày của các bí thư thứ nhất huyện ủy và Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na lại gọi điện cho Mác-tư-nốp:
- Hôm nay thứ bảy, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích. Mai là chủ nhật, có thể nghỉ việc sớm một chút. Chiều nay anh không bận họp chứ? Không xuống nông trang chứ? Còn nhớ lời hứa không? Đến nhé, tôi đợi đấy.
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na ăn vận chải chuốt ra đón Mác-tư-nốp. Chị hơi bối rối, không biết Mác-tư-nốp có thể nghĩ gì về việc cứ khẩn khoản muốn tiếp anh ở nhà mình. Chiếc áo ngoài của chị đính huân chương Lê-nin.
- Thị trấn chúng ta thật vừa bằng cái lỗ mũi, - chị vừa nói, vừa dọn bát đĩa lách cách bên tủ buy-phê, - hắt hơi ở đầu này, nghe thấy tiếng vọng từ đầu kia dội lại. Ngày mai người ta sẽ kháo rinh lên: “Mác-tư-nốp đến uống trà với Boóc-dô-va lúc chồng chị ta không có nhà”. Nhưng tôi chẳng thèm đếm xỉa đến chuyện ấy.
Trong lúc Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na bày bàn, Mác-tư-nốp đảo quanh một lượt khắp các phòng trong nhà. Anh đã đến đây hai lần trong năm qua, sau khi về huyện. Trong phòng trẻ con, bà cụ mẹ Boóc-dốp đang đặt cháu ngủ, kể chuyện cổ tích cho cháu nghe. Vợ chồng Boóc-dốp có hai con nhỏ: một thằng bé sáu tuổi và một con bé bốn tuổi. Cô cả Ni-na đã là thiếu nữ, không có nhà, chắc là đi xem phim hay đến nhà bạn. Trong phòng khách, một con mèo kếch xù, giống mèo Xi-bi-ri, đang ngủ trên cái ghế bành đặt cạnh cỗ đàn pi-a-nô. Ở tất cả các phòng đều có những lồng sáo sậu, sẻ đá, kim oanh, sáo đen treo trên tường. Hai con chó, một con loại chó chăn cừu và một con chó săn Ai-len, đi theo Mác-tư-nốp, móng chạm vào mặt sàn cành cạch. Ở góc phòng ăn, một chú dím tí hon cuộn mình trong ổ rơm. Rõ ràng là Boóc-dốp thích chơi chim và thú vật.
- Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na, chị được thưởng huân chương Lê-nin về thành tích gì? - Mác-tư-nốp vừa hỏi vừa ngồi xuống đi văng. - Tôi thấy thỉnh thoảng chị vẫn đeo vào những ngày lễ lớn, tôi muốn hỏi từ lâu. Trước kia chị có tham gia du kích phải không?
- Không, cái này là từ trước chiến tranh kia... - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na thở dài. - Tôi được thưởng huân chương về thành tích lái máy kéo.
- Thật à? Chị đã lái máy kéo đấy à?
- Trời, người ta đã quên cả họ của tôi rồi!.
- Boóc-dô-va?
- Không, không phải Boóc-dô-va. Họ tôi thuở con gái là Grô-mô-va.
- Grô-mô-va? Thật không ngờ! Xin lỗi, tôi không biết chị là Ma-ri-a Grô-mô-va, người đã thi đua với An-ghê-li-na[4].
- Ảnh các chị in cạnh nhau trên báo “Sự thật”. Chính chị là Grô-mô-va?
- Ma-ri-a Grô-mô-va chứ... Tôi người tỉnh Rô-xtốp.
- Tôi vẫn nhớ Grô-mô-va người tỉnh Rô-xtốp.
- Người Cô-dắc sông Đôn... Hồi đó Boóc-dốp làm việc ở huyện chúng tôi, anh ấy là bí thư huyện đoàn Côm-xô-môn. Chúng tôi quen nhau năm ba mươi tám. Tôi là vợ kế, vợ trước của anh ấy mất rồi. Ni-na là con vợ trước... Nào, ngồi vào bàn đi chứ... Thế còn anh, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích, anh người vùng nào? Trước làm gì?
- Tiểu sử của tôi chẳng có gì vinh hạnh lắm. Một nhà văn không thành đạt, - Mác-tư-nốp bắt đầu kể, giọng không đượm chút chua xót, dường như còn vui vẻ là đằng khác. - Hai mươi năm trước, tôi viết một bài ký nhỏ, được đăng báo “Sự thật Côm-xô-môn”. Từ đó, tôi mắc bệnh say văn học. Tôi đã xài mất hai tạ giấy vào việc viết tiểu thuyết, rút cục vẫn công cốc. Tôi chuyển sang làm báo. Tôi đã đi nhiều, làm đặc phái viên. Năm cuối cùng, trước khi đến huyện ta, tôi làm biên tập viên của một tờ báo huyện ở tỉnh N. Ở đây, tôi tiếp tục viết văn. Thằng con tôi biết tôi vẫn đợi bưu phẩm, đợi thư trả lời của tòa soạn. Có khi nó chạy đến tìm tôi và hét tướng lên: “Ba ơi, về nhà mau, họ mang đến một phong thư dày cộp”. Trời, nó tưởng nó đã đem lại niềm vui cho tôi, tôi nghĩ. Phong bì nhỏ thì tốt hơn. Gói to tức là bản thảo gửi trả lại. Rồi một nhà phê bình rất đáng cho tôi cám ơn đã thành thật viết thư bảo thẳng cho tôi biết: “Viết tiểu thuyết rõ ràng không phải là nghề của bạn. Bạn thân mến, bạn nên chọn một mục tiêu khác trong đời”. Tôi đã chọn một việc khác. Còn mục tiêu thì chẳng phải là tất cả chúng ta đều có một mục tiêu duy nhất đó sao. Không phải tự tôi chọn đâu, các đồng chí khuyên tôi chuyển sang công tác đảng, tôi đồng ý, - Mác-tư-nốp cười. - Đã nhiều lần tôi phê phán, chỉ trích các bí thư huyện trên báo. Để xem rồi đây, tôi sẽ làm công tác bí thư huyện như thế nào!..
- Bề ngoài tôi vẫn giữ vẻ bình thường anh ạ! - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nói, sau một lúc im lặng, - Nhưng đôi khi tôi thấy tiếc, tôi tự xỉ vả mình thậm tệ: sao ta lại bỏ công việc ấy, sao lại rời bỏ nông trang. Không thì ta còn thi đua với Pa-sa An-ghê-li-na! Và bây giờ chưa biết báo chí nói đến ai nhiều hơn!.. Sau khi lấy Boóc-dốp tôi còn lái máy kéo một năm nữa mới bỏ nghề. Anh ấy ghen với anh đội trưởng của chúng tôi. Ghen xằng. Người ta cử cho đội phụ nữ chúng tôi một ông đội trưởng rất mực điềm tĩnh, lạnh lùng, giá có ăn chanh trước mặt ông ta cũng chẳng thèm ứa nước miếng. Có lần sớm tinh mơ tôi mới ở ngoài đồng về - tôi đi xe máy. Về đến nhà, tôi bị lục vấn liền: “Đêm qua em ngủ với ai? Em đổi kíp từ chiều kia mà!” - “Ngủ với cái máy kéo của em, - tôi nói. - Cô bạn đổi kíp với em ốm, em phải làm thay cho cô ta”. Buổi sáng anh ấy đến trạm máy kéo, dò xem có thật là đêm qua cô bạn đổi kíp với tôi không làm việc không?.. Rồi chúng tôi mua nhà, sắm đồ đạc. Anh ấy cần được yên tĩnh khi trở về nhà nghỉ ngơi... Kết cục là thế đấy. Ma-ri-a Grô-mô-va chỉ lừng tiếng có một thời. Sau, chính tôi phải nài anh ấy: “Tìm cho em một công việc gì đó”. Tôi được đưa đến phụ trách cái phòng chọn giống rau này. Rõ khéo tìm được người trồng rau! Tôi có hiểu gì về các loại giống rau đâu! Ngay hồi còn ở nhà với mẹ, tôi cũng chẳng trồng bắp cải bao giờ. Mới lớn lên, hãy còn là một con nhóc, tôi đã ngồi máy rồi. Tôi chỉ thạo máy móc thôi. Nhưng thôi, chuyện cũ chẳng đáng nói làm gì. Bây giờ tôi có muốn bôi dầu nhờn lên má thay má hồng thì cũng muộn rồi, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na cười và nói thêm. - Chồng tôi sẽ không yêu con bé lọ lem nữa.
Chị ngó lại bàn:
- Còn thiếu gì nữa nhỉ? Bánh mì chưa có. Chè cũng chưa pha. Đoảng quá!.. - Chị chạy xuống bếp một lát rồi quay lên. - Xin lỗi, tôi ngắt lời làm anh không kể nốt câu chuyện về anh được.
- Cũng chẳng có gì đáng kể nốt nữa. Từ tòa báo, tôi về đây. Do cấp trên điều động. Tỉnh chúng tôi là một tỉnh tiền tiến. Người ta lấy đi ở tỉnh tôi bao nhiêu người, tôi không nhớ, nhưng ở huyện tôi làm việc thì hai người: tôi và một anh nữa, cán bộ chỉ đạo của huyện ủy. Tôi chẳng hiểu tôi có công lao gì mà được về đây. Lúc từ biệt, một số đồng chí nói với tôi: “Rất tiếc phải chia tay với đồng chí, nhưng biết làm thế nào: Có lệnh chọn những cán bộ ưu tú đưa sang giúp tỉnh bên, ở đấy phong trào lẹt đẹt”. Nhưng người khác lại bảo: “Họ đẩy anh đi cho nhẹ nợ đấy, Mác-tư-nốp ạ, bởi vì trên tờ báo của anh, anh gây phong trào phê bình ráo riết quá và ra hội nghị, anh phát biểu gay gắt”... Nhưng nói chung, tôi không lấy làm tiếc rằng mình đã tới đây. Ở đâu cũng là cuộc sống và con người...
- Anh làm việc với Boóc-dốp khó khăn lắm phải không?
- Không phải là dễ...
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na ngồi vào bàn đối diện với Mác-tư-nốp, một tay chống cằm.
- Anh có biết tôi mời anh đến làm gì không? - Khuôn mặt hồn nhiên, vui vẻ, điểm những vết tàn nhang hiền hậu và những nếp răn tươi cười dưới mắt bỗng trở nên nghiêm trang. - Tôi muốn nói tiếp câu chuyện hôm nọ ở huyện ủy. Anh ăn đi! - chị đẩy đĩa phó-mát, xà-lách, bánh mì về phía anh. - Anh uống gì tôi rót? Tôi người vùng sông Đôn, đất trồng nho, chúng tôi vẫn uống rượu vang thuần chất.
- Uống gì cũng được. Tùy ý chị.
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na rót hai cốc lớn rượu vang trắng.
- Anh nói rõ cho tôi biết nhé, giữa anh với nhà tôi có chuyện gì vậy?
Mác-tư-nốp không trả lời ngay.
- Kể với chị thì dài lắm, chị ạ... Nhưng chính chị vẫn dự các phiên họp toàn thể, các cuộc họp đảng viên nòng cốt đấy thôi.
- Anh ấy bảo tôi rằng “Mác-tư-nốp hám quyền hành, tranh giành uy tín trong tổ chức, muốn đẩy anh khỏi đây”.
- Chị có tin như thế không?
- Không, tôi không tin.
- Thế thì chị lầm rồi, - Mác-tư-nốp mỉm cười, - Quả thực tôi cho rằng công tác Đảng không phải là việc của anh ấy. Và tôi sẽ cố chứng minh điều đó ngay cả ở tỉnh ủy.
- Trời, lại đến thế kia đấy...
- Còn bảo tôi tranh giành uy tín, hám quyền hành thì chỉ là nói nhảm... Thật thế, biết đâu lại chẳng có một đồng chí khác về làm bí thư thứ nhất ở đây? Thế thì vì sao tôi lại không nên làm bí thư thứ hai ở đây? Tôi rất muốn được làm việc với một con người chân chính, học hỏi người đó. Nhưng Boóc-dốp chẳng có gì đáng cho tôi học hỏi. Đừng giận tôi, Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na...
Mác-tư-nốp nhấp một ngụm rượu.
- Anh chị lấy nhau năm ba tám phải không?
- Năm ấy, chúng tôi quen nhau. Cưới nhau năm ba mươi chín... Tôi chung sống với anh ấy đã mười hai năm...
- Chị từ vùng sông Đôn đến đây năm nào?
- Anh ấy đã chiến đấu ở vùng này. Trước làm trung đoàn phó, phụ trách công tác chính trị. Sau khi tỉnh được giải phóng, anh ấy được giữ lại ở đây... Chúng tôi đến huyện này là huyện thứ ba. Quanh đi quẩn lại, huyện nào cũng chỉ nhàng nhàng. Chẳng huyện nào vươn lên được thành huyện tiền tiến.
- Có lẽ ở những huyện đó, anh ấy vẫn mắc hòn đá nặng này ở chân: những nông trang kém. Vướng tảng đá đó vào mình thì tài gì bay cao được. Này, nói rõ ra đi, thực tình chị muốn gì? Định hòa giải chúng tôi chăng? Nhưng tôi với anh ấy có cãi cọ chửi bới nhau giữa chợ đâu?
- Không, tôi thừa hiểu là không thể hòa giải các anh được... Tôi chỉ muốn biết hiện nay các anh đang tranh chấp với nhau về vấn đề gì? Hỏi cho biết thế thôi...
- Thôi được... nếu chị không phải là Ma-ri-a Grô-mô-va trước kia thì có lẽ tôi sẽ không nói với chị tất cả những điều tôi sắp nói đây. Nhưng chị không thuộc loại những bà lớn chỉ biết nông thôn qua những cô bán sữa. Bản thân chị xuất thân từ nông trang,
- Ái chà! - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na mỉm cười. - Tôi mà lại là bà lớn kia đấy! Đã bao nhiêu lần tôi giục nhà tôi: cử em vào ban kiểm tra chất lượng sửa chữa máy kéo đi. Chiếc máy kéo nào vào tay em thì phải biết, nó sẽ đưa năng suất lên một nghìn héc-ta một vụ cho anh xem!
- Cái chính không phải là chị hiểu biết máy móc và nghề nông. Tôi cho rằng tất cả những cái đó đều thân thiết, gần gũi với chị.
- Cả gia đình tôi hiện vẫn sống trong nông trang. Mẹ, bà, hai anh, ba chị... Cho đến nay, bà con nông dân ở huyện vẫn gửi thư cho tôi, chúng tôi vẫn chia vui, xẻ buồn với nhau.
- Bàn về anh ấy trong lúc anh ấy không có mặt ở đây kể cũng hơi bất tiện, - Mác-tư-nốp nói tiếp, sau một lúc ngừng khá lâu. - Nhưng có anh ấy tôi cũng sẽ nói thẳng ra. Mà kể thì đã nói rồi... Nếu chị phải thuật lại buổi hôm nay thì có thể thuật lại đúng từng lời... Chị đã chung sống với Boóc-dốp, hiểu anh ấy hơn tôi, vậy mà chưa bao giờ chị nảy ra ý nghĩ như thế về anh ấy ư? Anh ấy lo lắng, bận bịu, cố đốc thúc người ta cày ải vụ thu, chuyên chở lúa mì, thúc người ta thực hiện đủ mọi thứ kế hoạch, nhưng liệu anh ấy có coi tất cả những việc đó là thiết thân đối với mình không? Liệu anh ấy có thực bụng nghĩ rằng đất nước ta cần lúa mì và cần rất nhiều không? Anh ấy có nghĩ rằng chúng ta còn cần lúa mì cả cho năm sau, và chúng ta không chỉ sống có một ngày không? Anh ấy có nghĩ rằng nếu ở một nông trang kia, người ta không cày ải mùa thu thì đến mùa xuân, mọi người sẽ lao đao không? Anh ấy có nghĩ rằng sau tất cả những biểu thống kê và những con số của chúng ta là đời sống sướng khổ của mọi người không? Hay anh ấy chỉ nghĩ đến mình? Không thực hiện cái này cái nọ thì huyện và anh ấy, bí thư huyện, sẽ mất mặt ở tỉnh ủy. Thanh danh, lý lịch công tác của anh ấy sẽ nhuộm vết đen.
- Anh nói những điều ghê rợn quá, anh ạ! - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na trả lời, từ nãy đến giờ chị vẫn đăm chiêu suy nghĩ.
- Chính chị đã khơi ra cuộc nói chuyện này, vậy xin hãy nghe tiếp... Hiện nay giữa chúng tôi có chuyện gì ư? Chúng tôi đang tranh cãi về vấn đề gì? Theo tôi, đó là vấn đề cốt yếu... Tại sao huyện ta chỉ là một huyện trung bình? Có phải tất cả các nông trang trong huyện đều vào loại trung bình cả không? Nếu thế thì còn dung thứ được! Không. Trong huyện có những nông trang rất giàu, rất vững, và những nông trang yếu. Chính từ hai cực đoan ấy mà nảy sinh ra cái trung bình. Tôi cho rằng ngay ở nông thôn cũ cũng không đến nỗi hỗn tạp như thế. Đã đành làng nào cũng có bần cố nông, trung nông, cu-lắc-mức sống khác nhau - nhưng giữa các làng trong một xã thì không có và không thể có sự khác biệt như hiện nay: ở nông trang này thu nhập ba triệu, nhưng ở nông trang khác, ngay bên cạnh - ba trăm ngàn. Diện tích đất bằng nhau, chất đất như nhau, cùng một vầng mặt trời chiếu sáng, cùng một trạm máy kéo cung cấp máy - thế mà một trời một vực như vậy! Bao giờ chúng ta mới tìm ra nguyên nhân và chấm dứt tình trạng ấy? Nhưng từ khi chúng ta tổ chức nông trang đến giờ, đã bao lâu rồi. Đã từng xảy ra chiến tranh, chiếm đóng, tàn phá, nhưng chiến tranh cũng kết liễu lâu rồi.:. Vích-to Xê-mê-nô-vích không thích người ta nói: “nông trang chậm tiến”. Anh ấy chữa: “Nông trang trước kia chậm tiến”... Ý muốn nói đó không phải là thứ bệnh kinh niên, mà chỉ là hiện tượng tạm thời: hôm nay nó chậm tiến, ngày mai nó sẽ vượt lên. Nhưng có phải vì chúng ta diễn đạt chính xác hơn mà người ta sống dễ chịu hơn đâu? Ấy là nói những nông trang “đã chậm tiến” từ năm bốn mươi ba đến giờ...
Và chúng ta thúc đẩy nông trang chậm tiến vươn lên bằng cách nào? Thế này này: giật gấu vá vai. Năm vừa qua, có năm nông trang để lúa chưa đập ùn lại hàng đống cho tới mùa đông. Và các nông trang “Chính quyền của các Xô-viết”, “Người lao động”, “Thắng lợi” đã phải nộp thóc nghĩa vụ thay cho họ dưới nhiều nhãn hiệu: nào là “cho vay” nào là “tính sang năm sau”. Như vậy chẳng qua là lấp liếm cho xong chuyện. Cứ cái đà ấy ta có thể làm hỏng mọi công việc ngay cả trong các nông trang tiền tiến. Các nông trang viên ưu tú buông tay thở dài: tội thân gì chúng ta cứ phải suốt đời nai lưng ra làm cho những thằng biếng?.. Không, cứ mặc cho ở các nông trang kém người ta uống cạn ly rượu đắng đi đã. Các người làm việc kém ư? Được, thế thì lĩnh công ít thôi. Còn ở nông trang bên cạnh, nông trang “Chính quyền của các Xô-viết”, mỗi ngày công năm ki-lô-gam!.. Phải để cho họ thấm thía lỗi lầm của họ. Và chúng ta cũng phải hiểu lỗi lầm của chúng ta. Liệu đến bao giờ chúng ta mới chịu tìm những người lãnh đạo chân chính cho các nông trang như thế? Đúng là chủ tịch quyết định hết thảy! Không một cán bộ đặc phái nào có thể chấn chỉnh được tình hình trong nông trang, nếu nông trang ấy không có đầu. Bởi vì cán bộ đặc phái chỉ ghé qua một lát rồi đi. Trong số ba mươi ngàn dân của huyện, ta hãy cứ chọn lấy ba mươi ông chủ tịch cừ!.. Kể cũng cừ thật đấy, chị ạ, - Mác-tư-nốp bỗng phá lên cười, ngả người lên ghế, đưa tay xoa mớ tóc vốn đã rối bù. - Chúng ta tung người về làm cán bộ đặc phái ở tất cả các nông trang, ta có đủ người để làm việc đó. Họ sống ở đấy hàng tháng, suốt mùa hè. Nhưng vắng họ, cuộc sống ở trung tâm huyện vẫn hoạt động đều, các văn phòng vẫn viết công văn giấy tờ. Và khi ta cử một người đi làm cán bộ đặc phái thì tức là ta tin rằng người đó sẽ xoay chuyển được tình hình, ta cho rằng người đó thông minh hơn ông chủ tịch. Vậy có lẽ nên để anh ta ở hẳn nông trang chăng? Nhất là không có anh ta thì văn phòng của anh ta viết công văn giấy tờ vẫn không kém hơn trước kia mà?.. Cũng cần nói thêm rằng ở huyện ta, những phòng đó mọc lên như nấm! Một “Phòng, thu mua lanh” và ngay cạnh đó, một “Xí nghiệp sợi gai liên hợp”. Không thể làm cách nào chằng những cơ quan ấy bằng một sợi dây nhỏ, dù là gai hay lanh à?.. Tôi muốn nói thế này: ta có đủ người phái đi kinh lý về nông thôn, chứ không chọn được người xứng đáng để đưa về làm việc hẳn ở đấy. Chẳng những thế, đôi khi chúng ta còn ép nông dân bầu một tên khốn kiếp làm chủ tịch, một tên gian trá đến mức lẽ ra không được cho hắn bén mảng tới gần của công, dù là cách một tầm đại bác!..
- Có lẽ Vích-to Xê-mê-nô-vích ít hiểu cán bộ chăng?..
- Nhưng chính là phải bắt đầu từ đấy! Phải tìm người! Không thì chúng ta sẽ nhào xuống vực sâu!.. Và phải tiếp tục tìm kiếm ngay tại chỗ, trong các nông trang! Tuy đã có những chỉ thị mới, khuyên chúng ta đưa các cán bộ chuyên môn trung cao cấp lên làm chủ tịch, nhưng không ai bảo chúng ta đừng đề bạt những tài năng xuất sắc nữa.
Hồi mùa đông, khi các nông trang trong huyện ta họp hội nghị tổng kết và bầu ban quản trị mới, tôi đã kể với Boóc-dốp một trường hợp như thế này, - Mác-tư-nốp nói tiếp. - Chuyện xảy ra ở một huyện thuộc tỉnh N. Tôi đến huyện ấy hồi còn làm ở tòa báo tỉnh. Đây là một nông trang kém nhất, nông trang “Người gieo hạt”. Thực tình, người ta đã chịu thua nó, không còn biết làm gì hơn nữa. Đã có tới một chục ông chủ tịch thay chân nhau, chẳng ông nào cầm vững được tay cương. Kỷ luật kém, bà con không đi làm, mà đổ ra chợ buôn bán, năng suất thấp, ngày công mấy cô-pếch. Một dúm tên trục lợi mồm loa mép giải làm mưa làm gió ở đấy. Bất cứ người nào mới tới cũng bị chúng bao vây: hoặc chúng rủ rê vào vòng rượu chè be bét, hoặc lôi kéo vào một vụ gì ám muội, hoặc đẩy người đó đến chỗ vứt bỏ tất thảy, lẩn tránh mọi người hết ngày này sang ngày khác. Không ai tìm được ông chủ tịch ở nhà cũng như ở văn phòng, ông ta ngủ đâu, ở ngoài đồng, dưới đồng lúa, thây kệ mọi sự đời: các người cứ tự liệu lấy mà làm!..
Một cán bộ đặc phái xuống nông trang “Người gieo hạt”, tổ chức hội nghị tổng kết và bầu ban quản trị mới, như thường lệ. Bí thư huyện ủy bảo anh ta: “Thực tình tôi cũng chẳng biết giới thiệu ai nữa - chính tôi chăng, hay chủ tịch Ban chấp hành xô-viết huyện? Duy chỉ còn chúng tôi là chưa về ở hẳn đây thôi. Đến đây, đồng chí xem xét người kỹ lưỡng hơn nữa. May ra trong bọn họ cũng có được một tay nào đáng mặt chăng?”
Hội nghị đã nghe báo cáo của ban quản trị, đã bãi chức viên chủ tịch. Nông dân hỏi cán bộ đặc phái: “Sao đồng chí không đưa ai tới? Chúng tôi bỏ phiếu bầu ai đây?”. Cán bộ trả lời: “Chúng tôi sẽ không đưa chủ tịch mới đến cho các đồng chí nữa. Nông trang là của các đồng chí, các đồng chí phải lo liệu lấy, bầu ai thì nghĩ xem”. - “Nhưng chúng tôi đào đâu ra người mà bầu” - họ la lối. Bỗng nhiên, có người lên tiếng: “Sao lại không có ai? Xtê-pan Goóc-scốp đấy kìa. Lại không đáng mặt chủ tịch à?” Hội nghị xôn xao, tiếng cười đùa nổi lên: “Xtê-pan Goóc-scốp!”, “Xtê-pan, đứng dậy, ra mắt bà con đi!” Nhưng không phải ai cũng cười. Nhiều nông dân đề nghị đứng đắn: “Xtê-pan Goóc-scốp”.
Xtê-pan ngồi trên chiếc ghế dài ở hàng đầu, chân đi đôi giày tàng, một ống quần rách toạc đến đầu gối, đầu đội mũ cát-két công an. Hồi trước, ông ta đã bỏ ra thành phố, làm công an, rồi lại trở về nông trang. Ông làm thợ phụ ngồi rơ-moóc trong đội máy kéo, làm việc khá, kiếm được nhiều ngày công, nhưng ở nông trang ấy, chẳng có cái nợ gì cho ông lĩnh công. Mà gia đình ông thì vợ ốm, bảy đứa con.
- Xtê-pan Goóc-scốp, - nông trang viên lớn tiếng gọi. Nhưng trước, khi họp hội nghị, cán bộ đặc phái đã xuống ở nông trang đó hai ngày, lân la đến các nhà nông dân, hỏi han tỉ mỉ về Goóc-scốp, bắt đầu từ việc xem bảng chấm công. Anh thấy số ngày công của Goóc-scốp nhiều gấp đôi số ngày công của các nông trang viên khác. Ông ta là người thế nào? Không ai dị nghị gì về Goóc-scốp, nếu không kể đến cái vẻ ngoài khó coi và chiếc quần rách rưới thảm hại. Có lẽ ông mải lo việc của nông trang nên không có cả thì giờ đi chợ... Người ta cười, đùa cợt, nhưng rồi đến lúc phải bỏ phiếu. Goóc-scốp đứng lên xin nói: “Các bạn, lúc này vẫn chưa muộn, các bạn chưa bỏ phiếu, vậy thì hãy nghĩ kỹ đi đã. Cám ơn các bạn đã tin cậy tôi, nhưng dù sao xin cứ nghĩ thêm nữa đi, kẻo sau này lại hối tiếc. Biết đâu rồi chẳng có kẻ thấy khó sống hơn”. Ông ta ngồi xuống. Những tay bông lơn vẫn không chịu thôi: “Không khó sống hơn được đâu!”, “Khốn đốn đến thế này là hết nước rồi!”, “Thôi, bỏ phiếu đi”. Họ bỏ phiếu, Xtê-pan Goóc-scốp được bầu làm chủ tịch nông trang.
Hôm sau, Goóc-scốp đến ban quản trị gặp chủ tịch cũ để nhận việc. Áo quần vẫn như thế, chân đi đôi giày tàng, duy có ống quần đã khâu lại. Tay chủ tịch cũ tưởng bàn giao công việc cũng chóng thôi, cũng như khi hắn nhận việc: dấu đây, hộp dấu đây, ngồi đấy, làm việc đi. Nhưng Goóc-scốp nói: “Không soát lại đến nơi đến chốn thì tôi không nhận”. Người ta bảo ông: nhưng ngay trước hội nghị tổng kết, đã có kiểm tra rồi, mới cách đây ba ngày! “Thằng ăn cắp kiểm tra thằng ăn cắp”, ông mời cán bộ kiểm tra trên huyện về. Ông lục soát hai tuần lễ, cân lại tất cả thóc trong vựa, thực phẩm trong kho, tự mình xem lại từng chứng từ của phòng kế toán, lật tới cả những việc từ ba năm về trước. Nói chung, ông tiếp nhận nông trang kỹ đến nỗi năm ấy viên quản trị và ủy viên ban thanh tra cũ phải ra tòa. Sau đó ông triệu tập các đội trưởng tới và bảo: “Các anh không phải sục vào từng nhà, chọc ghẹo chó, gọi người đi làm nữa. Đủ rồi. Ai không muốn năm nay vẫn bồ bịch sạch không, thì hãy ra đồng làm việc, không cần phải đến triệu nữa!”. Lúc ấy, trong mỗi gia đình, người ta chỉ xôn xao kháo chuyện ông chủ tịch mới đã nhận việc và trị bọn ăn cắp như thế nào. Họ nghĩ: có lẽ cơ màu sắp đổi thay, sẽ có cái gì để lĩnh công đây. Không khéo ngồi nhà lại lầm to. Và họ đổ ra đi làm.
Từ đó, nông trang tiến vùn vụt. Người ta cày bừa kỹ; gieo gặt kịp vụ, và mùa màng lúa má thì khỏi phải nói! Một khi cơ thể đã bắt đầu có mỡ màng thì kinh tế lại càng lên nhanh. Trong hai năm, nông trang “Người gieo hạt” đã trở thành nông trang tiền tiến trong huyện. Người ta toan đưa Goóc-scốp sang một nông trang chậm tiến khác để chấn chỉnh tình hình ở đấy. Nhưng đời nào nông dân họ chịu nghe: “Chúng tôi không nhả đồng chí ấy ra đâu!”. Họ cử đại biểu về Mát-xcơ-va, và họ đã thắng.
- Giống hệt như ở nông trang tôi hồi tôi còn lái máy kéo ở đấy, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na nói. - Chúng tôi có một ông chủ tịch cừ, và người ta lấy ông ấy lên huyện làm trưởng phòng nông nghiệp của huyện ủy. Ở vùng chúng tôi, hễ ông chủ tịch nông trang nào hơi tỏ ra có năng lực trong công tác là người ta đã vội đề bạt ông ta lên huyện. Một năm sau, chúng tôi đã truất cổ ông chủ tịch mới - từ khi ông ta về, công việc sút kém trông thấy - và chúng tôi quyết định lại bầu ông chủ tịch cũ, I-van Rô-ma-nô-vích Sun-ga. Ông ta đang làm việc ở huyện ủy, nhưng chúng tôi cứ tự ý bầu. Chúng tôi đã thắng, họ phải trả ông ta cho chúng tôi.
- Thế đấy! Chúng ta thường cứ vội lôi các cán bộ vững ở nông trang lên huyện. Làm như các cơ quan của chúng ta chỉ tồn tại vì bản thân nó. Không, không phải vì bản thân nó. Vì các nông trang! Cho dù tất cả các phòng của huyện ủy và của ban chấp hành xô-viết huyện đều có các giáo sư, tiến sĩ kinh tế học đi nữa thì tình hình vẫn không khá lên được, nếu đây đó, trong các nông trang, vẫn còn những tên khốn kiếp, những thằng say rượu!..
Có lần tôi đã nói chuyện với Goóc-scốp về quãng đời trước kia của ông ta và về nông trang, - Mác-tư-nốp nói tiếp. - “Nhìn những tên ăn cắp, những thằng gian phá hại nông trang chúng tôi, lòng tôi đau như cắt. Hồi chúng ta tổ chức nông trang, tôi đã hoạt động trong nhóm cốt cán, đã đi trục xuất bọn cu-lắc, chúng đã bắn tôi qua cửa sổ, đốt nhà tôi, và tôi đã sống trong nông trang này cho đến lúc không còn ủng mà đi nữa. Cái lũ khốn kiếp ấy chúng nó cười tôi: “Đấy, cái thiên đường trên trái đất mà ông hứa hẹn với chúng tôi đấy. Xtê-pan ạ. Ông giống A-đam lắm rồi”. Chính chúng nó làm nông trang lụn bại, lại còn chế nhạo người ta. Hừ, tao mà có quyền trong tay thì tao sẽ làm cho chúng mày trắng mắt ra... tôi nghĩ...”
Tôi kể câu chuyện đó với Vích-to Xê-mê-nô-vích nhằm mục đích gì? Thực ra không phải không có chủ ý. Rồi đây có lẽ chúng ta phải tìm cho được những người biết “đau thắt lòng” như thế. Chứ những kẻ xuống nông trang chỉ vì bị đe dọa là nếu không xuống thì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng hay chỉ vì không được giao một chức vụ gì nữa ở huyện, thì một ông chủ tịch như thế sẽ không đáng giá một xu! Nhưng thế rồi sao? Tôi kể với anh ấy, nhưng anh ấy dửng dưng như không. Hôm sau, anh ấy đến nông trang “Đường chúng ta đi”, dự hội nghị tổng kết và bầu ban quản trị mới. Anh ấy đã ép nông dân bỏ phiếu đi bỏ phiếu lại ba lần, kỳ cho họ phải bầu tên vô lại Cam-nhép mới thôi; Cam-nhép là cái tên hiện nay phải ra tòa về tội gây dịch gia súc và ăn cắp của công ấy.
Tại cuộc họp thường vụ, khi thảo luận về Cam-nhép, chúng ta không biết hết về hắn. Chúng ta biết rằng ở xí nghiệp công nghiệp liên hợp, hắn đã không làm tròn nhiệm vụ và ở nhà máy bơ sữa, hắn bị cách chức về tội tự cung cấp. Các đồng chí ấy bảo: việc cũ rồi, vả chăng hắn đã bị trừng phạt, hắn sẽ lấy đây làm răn về sau. Nhưng tại cuộc họp của nông trang, nông dân kể tội hắn nhiều đến nỗi lẽ ra không được ép họ bầu hắn, mà còn phải xin lỗi hội nghị, nhận sai lầm và tìm người khác. Hắn là người làng bên, ở đây người ta biết hắn cả. Họ bảo: “Nói mồm thì như chim họa mi, nhưng thực ra là con quạ”. Đã có mấy lá đơn tố cáo hắn được huy chương du kích là do bịp bợm. Hắn để râu, trú tại nhà người bà con ở một huyện khác, ở đấy không ai biết hắn: sự nghiệp anh hùng của hắn vẻn vẹn có thế thôi. Và hắn đã kiếm lời bằng buôn gia súc. Nhưng Boóc-dốp khăng khăng không nghe, không kiểm tra gì hết. Đã có quyết nghị của ban thường vụ thì phải thi hành. Anh ấy quần hội nghị một mẻ chết mệt. Huyện ủy không đưa những người không xứng đáng về các nông trang. Anh ấy tưởng rằng nếu ở đôi nơi, quần chúng sửa chữa sai lầm cho chúng ta thì như thế uy tín của huyện ủy sẽ bị sứt mẻ...
- Tôi đã khám phá được một điều mới mẻ! - Mác-tư-nốp bỗng hớn hở, anh đứng dậy và bắt đầu đi lại trong phòng. - Một câu hỏi luôn luôn dằn vặt tôi: tại sao ở huyện ta, không mấy đảng viên tích cực chịu về các nông trang làm chủ tịch? Thậm chí xét về mặt thực tế thì về nông trang tốt hơn: cứ mãi mãi làm cán bộ đặc phái về nông thôn, bị xé giữa cơ quan của mình và các chuyến đi công tác thì có ra cái thá gì, chẳng thà về làm chủ tịch nông trang còn hơn! Vả chăng, những cán bộ điều từ công tác khác sang làm chủ tịch nông trang thì được hưởng lương cao hơn. So với bí thư huyện ủy, ông chủ tịch một nông trang lớn có thể được nhiều lương hơn, nếu mùa màng tốt. Vậy mà không ai hám. Tôi tự hỏi: hay huyện ta đây là một huyện đặc biệt, bị ma trêu quỷ ám gì đó chăng? Ở huyện tôi công tác trước kia, cái đó không thành vấn đề. Cuối cùng, tôi đã vỡ lẽ, họ sợ Boóc-dốp. Ngay ở huyện ta đây, có những người sẽ vui lòng đổi công tác văn phòng của mình lấy một công tác sinh động ở nông trang, nhưng họ sợ anh ấy. Họ sợ rằng họ có làm được việc gì tốt đẹp thì rồi cũng đến tan ra mây khói hết. Anh ấy sẽ chặt cánh tôi bằng cách gán cho tôi nhóm sản lượng quá cao, và sẽ khiển trách tôi một cách vô lý khi trời mưa như trút nước, máy gặt đập liên hợp không làm việc được chẳng hạn. Đối với một ông chủ tịch nông trang, điều tệ hại nhất là ông ta không tin chắc rằng ông ta sẽ chỉ bị mắng mỏ khi ông ta làm hỏng việc, nhưng ông ta sẽ được giúp đỡ thực sự, và không vững tin rằng trong công việc khó khăn của mình, công việc mà cố nhiên ông ta còn nhiều phen lầm lỡ, ông ta sẽ không trở thành miếng mồi cho một tên chuyên quyền độc đoán. Nói chung, ta có thể rút ra một kết luận: hễ ở đâu người ta than phiền rằng chỉ có giở kỷ luật đảng ra mới đưa được một người về nông trang làm chủ tịch, thì ta hãy đi tìm nguyên nhân ngay ở huyện ủy. Có thể chị sẽ hỏi tại sao tôi biết tâm lý các chủ tịch nông trang. Ấy là bởi chính tôi đã từng làm chủ tịch nông trang ba năm, tôi quên chưa kể.: Chính ở đấy tôi đã viết bài ký của tôi. Tôi cũng là loại được “đề bạt”; “Ờ, thì ra chúng ta có một nhà văn đấy chứ!” - Thế rồi tôi được cử làm chủ nhiệm nhà in của tờ báo huyện. Từ đó tôi bước vào nghề làm báo.
- Có lẽ những khám phá của anh sẽ làm cho tôi mất ngủ suốt đêm nay, - Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-va nói. - Ngoài ra, tôi còn nghĩ thế này, - chị nói thêm, miệng mỉm cười buồn bã, - vì sao anh ấy yêu tôi? Ngay thời con gái, tôi cũng không đẹp. Hồi ấy có cái mốt như thế này: người ta đua nhau đi lấy các cô gái làm việc theo kiểu Xta-kha-nốp[5] nổi tiếng. Cả đến ông chủ tịch Ban chấp hành Xô-viết huyện chúng tôi cũng lấy một cô gái bình thường làm đội trưởng sản xuất, một trong những người đầu tiên được huân chương và được báo chí nói đến...
- Tôi không biết quan hệ giữa anh chị hồi ấy như thế nào, - Mác-tư-nốp đáp. - Ở đây vị tất tôi đã giúp chị rút ra được những kết luận đúng đắn.
Anh châm thuốc hút, ngồi xuống, bảo Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na rót trà cho mình.
- Có thể giết chết bất cứ công việc sinh động nào, nếu làm việc bằng bàn tay hờ hững, với một tâm hồn giá lạnh, - anh nói tiếp. - Hiện nay cấp trên đã nhắc nhở chúng ta đưa các cán bộ chuyên môn nông nghiệp, các kỹ sư nông nghiệp, các cán bộ kỹ thuật chăn nuôi lên làm chủ tịch nông trang. Đúng lắm! Đáng phải làm như thế từ lâu rồi. Thế mà tình hình hiện nay là như thế này. Trong công nghiệp, xưởng trưởng ở các nhà máy nhất thiết phải là kỹ sư, chứ đừng nói gì đến giám đốc nhà máy. Ở đây, cán bộ được dạy dỗ, đào tạo đến nơi đến chốn. Nhưng có những nông trang, kể về khối lượng công việc, cũng là một nhà máy: ngành trồng trọt đồ sộ, hàng ngàn héc-ta, lại còn chăn nuôi, đủ các ngành phụ, lại còn việc xây dựng hệ thống dẫn nước, trồng rừng. Thế mà chúng ta vẫn chỉ trông vào những tài năng tự nhiên. Ông chủ tịch cừ nhất của chúng ta, Đê-mi-an Va-xi-li-ê-vích Ô-pi-ôn-kin, cũng mới có học vấn lớp ba trường nhà chung. Hiện nay chúng ta có dạy các chủ tịch nông trang không? Có, tỉnh mở một trường, mỗi khóa ba năm cho các chủ tịch nông trang đấy. Huyện ta được hai chỗ, chúng ta đã cử hai người đi. Chờ cho đến khi tất cả các chủ tịch nông trang đều được qua trường đó thì năm chục năm nữa. Cố nhiên phải cất nhắc nhiều kỹ sư nông nghiệp hơn nữa lên các cương vị lãnh đạo ở nông trang. Sớm hay muộn, sẽ đến lúc ngay cả các đội trưởng của ta cũng sẽ là kỹ sư nông nghiệp. Nhưng hiện may tình hình ở huyện ta ra sao?..
Trên bàn Boóc-dốp có một chỉ thị đặc biệt: cử tám kỹ sư nông nghiệp về các nông trang làm chủ tịch. Được, thì cử! Nhưng cử ai, cử thế nào thì anh ấy không băn khoăn lắm. Miễn sao hoàn thành nhiệm vụ đúng kỳ hạn, đạt yêu cầu về số lượng và báo cáo được với tỉnh ủy, thế là ổn rồi. Nhưng, muốn đảm đương nổi trách nhiệm chủ tịch nông trang, thì ngoài văn bằng ra, người kỹ sư nông nghiệp đó phải có tài tổ chức. Anh ta phải là người lãnh đạo, biết làm công tác quần chúng, biết giáo dục nhân dân, trước hết, phải sẵn sàng một lòng một dạ phục vụ Chính quyền xô-viết ở một cương vị công tác hết sức khó khăn!.. Thế mà chúng ta đã phái Ác-xê-nốp về một nông trang kém. Hai mươi năm nay ông ta ngồi ở phòng vật tư nông nghiệp, làm kế toán, một việc vốn không phải là nghề của ông ta, trích lục các giấy tờ này khác. Hẳn là ông ta quên ráo những kiến thức về kỹ thuật canh nông học được ở trường đại học rồi. Ông ta vào làm ở đấy để lẩn tránh những khó khăn trong việc xây dựng nông trang. Thế thì còn hòng mong gì ở con người mục ruỗng ấy? Nhưng để báo cáo với tỉnh ủy thì ông ta được việc: ông ta có bằng đại học nông nghiệp.
Nhưng những kẻ như thế có ích lợi gì lắm cho chúng ta không? Phỏng có ích lợi gì nếu một gã thanh niên vào trường đại học nông nghiệp chỉ vì đã không lọt qua được kỳ tuyển sinh vào trường đại học điện ảnh, và toàn bộ kinh nghiệm thực tế nông trang của hắn chỉ là những chuyện về tham gia gặt hái ở nông trang trong vụ nghỉ. Chúng ta cũng đã phái hai kỹ sư nông nghiệp như thế về các nông trang. Nhưng tôi thích những tay ấy. Họ là đoàn viên Côm-xô-môn, không nhút nhát, nhiều nhiệt tình, có cái nhìn mới mẻ đối với những sự vật mà chúng ta đã quá quen thuộc nên mất nhạy bén. Họ thành thực ngạc nhiên về việc tại sao cho tới giờ, với nền khoa học tiền tiến của chúng ta, với trình độ cơ khí hóa của chúng ta, chúng ta không thu hoạch được ít ra là hai trăm pút[6] một héc-ta. Nếu ta giúp đỡ họ, có thể họ sẽ làm nên chuyện. Nhưng nếu ngay từ ngày đầu, đã đấm bàn hét: “Các anh là cán bộ chuyên môn! Các anh hiểu biết hơn các chủ tịch nông trang khác! Tôi sẽ nghiệt ngã với các anh hơn nhiều!” - thì không biết rồi họ sẽ làm ăn ra sao...
Bài ký đến đây tạm ngừng, bởi vì nó được viết gần như theo lối miêu tả tự nhiên. Chưa biết chừng nó sẽ còn trở thành một cuốn truyện vừa, nhưng muốn vậy, cần phải có sự phát triển của các biến cố trong cuộc sống. Ở một huyện nọ, tôi vẫn gặp những con người như thế, vẫn được nghe những cuộc tranh cãi tương tự như cuộc tranh cãi giữa Boóc-dốp và Mác-tư-nốp,
Tỉnh ủy sẽ có quyết định như thế nào về huyện đó, tình hình ở đấy sẽ tiếp tục diễn biến ra sao, số phận riêng của các nhân vật đã được trình bày với bạn đọc trong chương đầu này sẽ xoay chuyển thế nào - tất cả những cái đó còn phải quan sát thêm trong thực tế. Có thể đó sẽ là nội dung của những chương sau.
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện