Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
Ông cụ thận trọng đứng đằng sau đám giá xếp nơi ông bày “hiệu sách” rong của mình: những cuốn truyện trinh thám tiếng Anh cũ kỹ đã phai màu, vài tập phô tô được đóng lại thành sách, vài tấm bản đồ rách nát, vài tập báo cũ nát.
Ông cụ chừng bảy mươi tuổi, có thể hơn thế. Biển hiệu ghi “Khỉ xanh,” hẻm Éden. Tôi lật giở vài cuốn sách một cách không chủ định, rồi khép lại mà không hề đọc, thận trọng để không khiến những trang giấy mủn ra thành bụi trong tay mình.
“Còn bản đồ Sài Gòn, tôi muốn nói là bản đồ năm 1945-1946 ấy, ông không có cái nào à?”
Vẻ mặt ông cụ không chút biểu cảm, mớ tóc hoa râm mỏng bết chặt lên vầng trán đầy nếp nhăn. Làn da của ông khô ráp và nhợt nhạt, còn đôi mắt toét nhoèn, rầu rĩ. Rốt cuộc ông cúi xuống một ngăn kéo, lôi từ đó ra một tập phô tô cũ kỹ. Bản đồ hàng hải, bản đồ khí hậu, bản đồ địa lý. Sau đó ông đưa cho tôi một tấm.
“Bản năm 1952, ông nói. Có một số điểm khác nhau, nhưng...” Tôi trả tiền tấm bản đồ, cuốn Người Mỹ trầm lặng, và Truyện Kiều, cuốn sách huyền thoại diễn tả nỗi đau tâm hồn của người Việt.
“Tôi sẽ quay trở lại.
- Chắc chắn rồi.”
Ông tạm biệt mà không bắt tay tôi, lặng lẽ đi khuất vào trong hẻm.
Từ khi tới Sài Gòn, tôi hăng hái rảo bộ, cố nhớ lại những điều tôi chưa từng biết nhưng không hẳn là không biết, được vun đắp bởi một cảm giác quen thuộc lạ lùng cứ vương vấn trong tôi cho đến tận đêm khuya, khi tôi bị khí hậu nóng ẩm tỏa ngập thành phố làm thức tỉnh. Ban ngày, tôi có thể ngồi đến mười lăm phút đồng hồ quan sát dòng người trên một con phố nào đó trước khi tìm thấy chỗ cho mình để rồi hòa vào dòng người đó. Có thể cũng chính điều này đã giữ họ lại, cảm giác ngây ngất được tan biến đi, niềm cám dỗ của sự phá hủy. Tôi vừa mới đến: tôi có một lý thuyết chung cho mọi điều.
Những đêm đầu, tôi quyết định ở khách sạn Continental, điều hòa thì ồn ã, quầy bar dưới tầng một thì sáng rực đèn neon, sảnh vào bị choán chỗ bởi một cây thông Noel cồng kềnh cùng một đống quà giả bọc giấy trang kim vẫn nằm đó từ Giáng sinh này qua Giáng sinh khác. Trong vườn ngự trị một cây hoa sứ, loại cây nhiều tán với những bông hoa màu hồng tỏa mùi hương khêu gợi, làm thỏa lòng những kẻ phiêu lưu, những ông chủ nhà băng, những người lính đặc công trở về sau nhiệm vụ và những nhà báo trở lại từ khắp phương trời. Dưới gốc cây treo một tấm biển đề “trồng năm 1885”. Ở đây, tất cả những gì không bị tàn phá đều biến thành bảo tàng mà từ nơi ấy sự sống đã rời xa. Không cần phải tìm dấu vết thương tích trên những tòa nhà và cây cối mà chỉ cần tìm trong một ánh mắt nhìn trộm, một hình bóng nhạt nhòa.
Tôi tản bộ trên những con đường thẳng tắp trong khu phố nơi các tòa nhà thuộc chính quyền thực dân đã được chuyển giao nguyên trạng cho chế độ cộng sản, chỉ loại bỏ một vài biểu tượng quá lộ liễu. Đây đó, những trán tường màu trắng hay màu đất son thể hiện những nét cổ kính của nước Pháp giờ đây đã thất bại, những cán cân của một nền công lý mà người ta không còn tin tưởng nữa, những bầu ngực vốn chẳng nuôi nấng một đứa con nào. Câu lạc bộ thể thao cũ từng là một công viên nơi mà các jogger hiếm hoi chạy vòng vèo quanh đám cau vua, trong khi đó, ở một góc khuất, từ bể bơi vọng đến những tiếng hò hét của bọn trẻ. Chính nơi đây, năm 1945, lòng đoàn kết của những người da trắng đã được tái lập. Ngay khi vừa mới mở cửa trở lại câu lạc bộ cũ mặc định cấm người Việt thì những “người Pháp mới” đã áp dụng luật lệ phân biệt chủng tộc này, với những quy định hiển nhiên đến mức thậm chí họ chẳng cần nói ra.
Trong lúc đọc những cuốn sách, tôi cố tìm hiểu vị thế của bố tôi, một người lính chưa từng thực sự tham chiến, một nhà báo quân đội trở thành người chiếu phim, lang thang không mục đích khắp đất nước, xách chiếc va li kim loại nặng trịch chứa đầy những cuộn phim chiến tranh của Mỹ hay Pháp cùng một máy chiếu De Bries 16 mi li mét và những bóng đèn hình dự trữ.
Thời niên thiếu, khi tôi gặng hỏi thêm chi tiết, mẹ đã miễn cưỡng đưa cho tôi một bản tiểu sử sơ lược: tham gia Kháng chiến năm ông mười bảy tuổi, chuyến khởi hành đến Đông Dương, cuộc gặp gỡ của bố mẹ ở Hà Nội và ngày chào đời của tôi ở Sài Gòn - rồi cuộc trở về Pháp đột ngột của gia đình tôi, vào cuối năm 1954, khi tôi vừa được hơn một tuổi. Những kỷ niệm sau đó lẫn lộn với nhau: những tấm bưu thiếp với độc một từ ngắn ngủi, những lần chờ đợi bên điện thọai khi ông đã hứa gọi mà không gọi, hoặc hứa đến mà không đến. Bố tôi thích những lời hứa, cùng cái không khí trang trọng và sụt sùi bao quanh chúng, nhưng đối với ông, giữ lời là điều không thể.
Ngay cả những “điều muốn nói” mà ông đã nhắc đến trước khi chết, ông cũng chẳng ấp úng buông ra lời đầu tiên.
***
Lúc trời trở tối, tôi đi ngang qua bệnh viện Grall(1), phố Lagrandière(2) xưa, nơi tôi sinh ra, nếu tin vào tấm bản đồ gấp tư đang ở trong túi tôi. Một phụ nữ đi dạo với chiếc xe nôi. Hai cậu bé chạy đuổi nhau đứng sững lại khi nhìn thấy tôi sau hàng rào. Xa hơn trên phố, mắt tôi bị hút vào mặt tiền một cửa hiệu bán tranh. Toàn là những chủ đề truyền thống về cuộc sống thôn quê Việt Nam, với những phong cảnh từ muôn đời và những linh hồn phiêu dạt, nhưng người họa sĩ đã chất lên mỗi sinh vật sống một gánh nặng khổ đau, tạo ra một loạt cách nhìn bình thản nhưng bi thảm xuyên qua các thời đại lịch sử.
Cô gái bán hàng mặc bộ áo dài màu xanh pha trắng hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh khá chuẩn xem tôi thích những bức tranh nào. Tôi cười mà không trả lời và cô ấy nói: “Vâng, để em xem nào.” Cô lấy ra một cuộn tranh to rồi mời tôi ngồi xuống bên cạnh, cô trải quanh tôi những bức tranh đồng lúa, những triền đê, trâu bò, một cánh quạ bay, những thôn nữ, cả một vùng địa lý tưởng tượng mà ở giữa nơi ấy chúng tôi thấy mình đơn độc đến vậy.
“Anh có thích những bức tranh này không?”
Tôi gật đầu mà không nhìn cô, đoán là cô vẫn ngồi yên, rất thoải mái và duyên dáng. Cô kể cho tôi những câu chuyện mà tôi không hiểu, nói với tôi những giá tiền mà tôi không thể trả, sẵn lòng ban tặng cho tôi gương mặt nhìn nghiêng thanh tú, cái cổ mảnh dẻ, bất cứ lúc nào mà tôi muốn. Tôi làm động tác đứng dậy nhưng cái chân mắc chứng cứng khớp đã phản bội tôi và tôi suýt ngã. Cô kêu lên rồi bằng một động tác nhanh nhẹn cô đỡ lấy tôi, để tôi khỏi ngã.
“Anh ổn chứ? Em xin lỗi. Anh có chắc là ổn không?”
Sự ân cần của cô thật là huyền bí đối với tôi. Chúng tôi bước vào trong phòng tranh, cánh tay cô đỡ lấy cánh tay tôi như một sự che chở thân tình, để chắc chắn là tôi sẽ không ngã khuỵu xuống. Tôi nói với cô rằng tôi không phải khách du lịch đi tìm dịch vụ “mát xa đặc biệt,” mà tôi chỉ muốn nói chuyện với cô, rằng cô không phải trả lời, không phải bây giờ, nhưng nếu muốn thì cô đến gặp tôi vào lúc bảy giờ ở khách sạn Continental. Tôi bước đi trong tâm trạng bối rối, không chờ cô trả lời. Trong tai tôi vang lên những câu nói của cô “em xin lỗi” hoặc thậm chí “em rất xin lỗi” nhưng tôi không thực sự chắc chắn, có thể tôi chỉ nghe thấy có tiếng nói. Sau đó, tôi thấy sự táo bạo của mình thật là nực cười nhưng dễ khiến động lòng. Tôi nghĩ có thể cô sẽ đến, có thể là không, chắc chắn là không, sao lại không chứ? để tạo một mối liên hệ bí mật giữa sự cần thiết của việc cô đến và sự có mặt của tôi ở thành phố này.
Buổi tối, đến thời khắc mà tôi chờ đợi, một cơn dông khủng khiếp làm ngập cả thành phố và tôi chỉ có một mình trên sân hiên. Tôi không thất vọng, chỉ bị ướt, và sự vắng mặt của cô không tước mất ở tôi cái cảm giác hiện diện đó.
“Ngày mai, tôi tự nhủ, ngày mai cô ấy sẽ tới.”
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước