Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Tiểu Di
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3940 / 129
Cập nhật: 2015-09-04 15:42:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hiều nay là chiều thứ bảy.
Tôi khởi hành khi ông Chính vắng nhà. Hành lý gồm ba bộ quần áo mặc ngoài, ba bộ lót mình, tài liệu giáo khoa, một vài cuốn tiểu thuyết và thơ ưa thích trong một va ly nhỏ xách tay.
Ra bến xe, tôi qua những phố Tiên Tsin, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Lúc qua ngã tư Hàng Đường, tôi nhìn thấy đám đông ở dưới chợ Đồng Xuân và trên đầu Hàng Đào. Tôi có thể nán lại cho đến chiều chủ nhật nhưng tôi không muốn.
Chuyến xe nhỏ đưa tôi sang Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó. Hành khách chỉ có bốn người – hai người lái buôn ăn mặc nửa tỉnh nửa quê, và một người chừng có chức nghiệp ở tỉnh nhỏ và tôi. Không có đàn bà. Tôi và người chừng có chức nghiệp chia nhau trả tiền những chỗ trống để xe chạy sớm. Tôi ngồi cạnh người tài xế.
Qua Gia Lâm chuyến xe từ biệt những người bạn đường số 5 của nó, giờ này đã thưa, để chạy vào con đường riêng lẻ loi. Khỏi Cầu Đuống, tôi hoàn toàn ngồi trong sự bỡ ngỡ. Sở dĩ tôi biết được Cầu Đuống không phải vì tôi nhận ra nó mà chỉ vì tôi biết tôi phải qua Cầu Đuống. Cây cầu cũng tẻ nhạt như cảnh xung quanh: đồng ruộng, nhà cửa, chợ búa, rào gai, điếm canh, dòng sông và những người lính gác, những người khám xe, những người bán hàng bên đường. Cây cầu kêu dưới bánh xe với tiếng nước xoáy lạnh dưới chân trong buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã. Người tài xế đã giụi tắt mẩu thuốc lá để rớt những đường khói nhạt trên mặt kính và tàn lên tay lái. Không ai nói với nhau lời nào.
Tôi không nhận ra đâu là Yên Viên, đâu là Phủ Từ. Cảnh quen mắt và không thay đổi: những dãy chợ lá lèo tèo vắng ngắt, những người nhà quê ngồi xổm co ro mặt tái ngoét hai tay thu vào bụng. Thỉnh thoảng một chiếc xe hàng quay mũi vào lớp chợ thấp chờ đợi với sự trống trải yếu ớt. Không hiểu làm cách nào những chiếc xe ấy có thể về kịp thành phố trước khi người ta cấm cầu? Không ai nói một lời nào. Mọi người đều lạ nhau.
Tôi châm lửa đốt thuốc lá.
Chuyến xe đã đến gặp núi. Núi tím lớn làm nhỏ cả thế giới hiện có của chúng tôi. Những khu đồn chiến tranh với nứa nhọn, dây thép gai đứng đấy cho chiếc xe đi vào giữa. Đá xanh nhỏ bắn rào sang hai bên đường. Trên chòi canh, hai con mắt người lính gác tối đen nhìn sang núi.
Chuyến xe dừng lại trạm kiểm soát trước khi vào tình lỵ. Trong trạm người ta đã thắp đèn. Chúng tôi lần lượt trình thẻ căn cước. Ở trong trạm người ta nói chuyện với nhau không to lắm. Xe không chạy thẳng vào phố mà đi vòng quanh những khoảng đường còn bỏ hoang. Bến xe thưa. Hàng quán vắng người, có những gian quán trống. Không còn chuyến xe nào trở về Hà Nội. Chỉ còn vài chiếc đậu đấy bỏ không.
Tôi đứng xuống và xốc lại cổ áo, trước mô đất cao chạy dài như con đê. Trước kia đường xe lửa chạy trên ấy và đây là ga xe lửa. Con đường dốc Cầu Gỗ nhập vào bến xe, tôi không bước lên để nhìn xuống phía bên kia dốc.
Tôi đi bộ về trường. Các cửa hàng bắt đầu đóng. Hè đường là những nhóm binh sĩ tụ tập rong chơi. Điện thì mỏng như cánh chỉ một vài tiệm nước treo đèn măng sông ra trước cửa.
“Thầy là thầy Tâm."
Đó là câu hỏi đầu tiên riêng cho tôi ở buổi chiều nay của ông già gác trường, ngồi trên bực đá dưới mái hiên sâu thẳng cổng vào. Ông mặc một cái áo vét tông đã hỏng vai.
Tôi trả lời:
"Phải."
Ông già đưa tôi vào phòng khách nói:
"Thầy đợi đây, tôi đi mời cha Tân."
Ông bỏ tôi một mình và quên bật đèn.
Cha Tân vào, ông già đứng sau lưng. Cha bật đèn lên và hỏi:
"Chào thầy, thầy đi đường có mệt không?"
Chúng tôi bắt tay nhau và tôi trả lời:
"Cám ơn cha, giời lạnh nên không mệt lắm."
Trong khi đưa tôi về phòng riêng, chúng tôi đi qua dãy hành lang sâu tối om và vang vang trước những lớp học nghỉ ngơi, cha Tân nói:
"Tôi tưởng thầy không sang hôm nay."
Tôi hỏi:
"Tại sao cha lại đoán thế?"
Ông già sách va ly của tôi đi sau.
"Hôm nay chiều thứ bẩy mà", cha Tân cười thành tiếng. "Các thầy ở bên này về chơi Hà Nội cả rồi. Thầy vắng bạn."
"Ồ, thứ hai các thầy ấy phải trở về chứ, thưa cha?’’
"Tất nhiên’’, cha vừa nói vừa làm tiếng chậc chậc trong miệng.
Chúng tôi cùng cười. Gian buồng của tôi ở trên gác. Tôi lại phải đi qua một cái hành lang sâu như ở dưới nữa vì buồng gần cuối dãy. Khi chúng tôi hết nói chuyện, tôi nghe tiếng sột soạt của bộ áo nhà tu bên cạnh và tiếng chân không đều của ông già gác. Những căn phòng đóng chặt cửa.
Đứng lại trước cửa buồng của tôi, cha Tân dùng chìa khoá mở cửa và bảo:
"Đây là buồng của thầy. Thầy cần điều gì cứ hỏi.’’ Cha quay sang ông già gác vẫn xách cái va ly trên tay: "Ông đưa thầy đi rửa mặt nghỉ ngơi để dùng bữa.’’
"Cảm ơn cha.’’
Người tu sĩ bước trở lại vào bóng tối sâu hút với tiếng sột soạt của bộ áo xa dần. Còn hai người, ông già đặt va ly lên một cái ghế và bật đèn. Đó là một căn buồng vuông vắn. Ở một góc kê một cái giường sắt cho một người, một bàn đêm đầu giường, một bàn lớn làm việc giữa buồng với hai cái ghế. Buồng có một cửa sổ đối với cửa ra vào. Trên tường treo một chữ thập lớn bằng gỗ, tượng bạc chạm nổi. Tôi thay quần áo và ông già thu dọn lại giường chiếu. Tôi yêu cầu ông phụ tôi kê lại cái bàn làm việc vào một góc khuất. Ông già không nói gì nữa.
Ông đưa tôi đến phòng rửa mặt ở đầu dãy.
Tôi xuống phòng ăn, một phòng rộng và dài, ở phía trong và cuối sân, nền đất. Gian phòng rất rộng chỉ kê một bàn ăn dài còn trống trải vô cùng. Điện yếu, người ta thắp nến ở một góc bàn. Cha Tân đứng lên tiếp tôi và giới thiệu với mọi người.
"Giới thiệu với các thầy, thầy Tâm giáo sư Việt văn mới của nhà trường.’’
Tôi cúi chào tất cả. Độ gần hai mươi người hầu hết là nhà thầy mặc áo dài đen. Hai người thanh niên còn nhiều vẻ nhà quê đứng hầu bàn. Tôi ngồi bên cạnh cha Tân. Người ta đọc một đoạn kinh trước khi cầm đũa. Gió vi vút thổi từ những phía tối vào. Sau đó tôi mời mọi người. Rất ít tiếng chuyện trò nếu có chỉ đủ vừa hai người nghe với nhau. Cha Tân bảo tôi:
"Có hai thầy ở ngoài như thầy lại về Hà Nội chơi cả.’’
Tôi mỉm cười và không đáp lại.
Sau bữa cơm trời lạnh thêm nhiều. Về phòng tôi đi cùng với một nhà thầy. Cha Tân từ biệt tôi để đi dự khoá lễ buổi tối. Chúng tôi không vào mà đứng tựa lan can ngoài hành lang nhìn xuống sân trường. Ngoài trời tối và gió. Tiếng chuông nhà thờ chụp xuống.
"Anh vẫn còn học chứ?’’ Người bạn mới hỏi.
"Vâng.’’
"Anh có bị gọi động viên không?’’
"Chưa anh ạ.’’
Đứng lâu, ngoài những dãy lớp học đối diện thấp và căn nhà làm phòng ăn, tôi nhận thêm được cây cột cờ ở giữa sân. Từ xa vọng lại những tiếng nổ lớn. Tôi mời người bạn hút thuốc nhưng anh từ chối. Tôi châm lửa, ánh sáng bốc lên một khoảng nhỏ đủ cho tôi nhìn khuôn mặt người đứng gần.
"Ở bên này không được yên phải không anh?’’
"Vâng, anh sẽ gặp những buổi họp lớp vắng tanh vì học sinh phần đông ở các làng chung quanh, những dịp hành quân, họ không thể lên tỉnh được.’’
"Nhưng tâm hồn thì bình yên.’’ Tôi nói.
Có lẽ người bạn hơi ngạc nhiên vì câu nói. Anh ta ngước trông về phía nhà thờ. Những tiếng nổ gần thêm và rung động mạnh.
"Anh đi tìm sự bình yên của tâm hồn. Anh mất lòng tin rồi hay sao?’’
Người bạn nhầm tôi là người Công giáo. Tôi không trả lời.
Chúng tôi chia tay vào phòng trong khi tiếng nổ liên tiếp dữ dội hơn. Người bạn đứng lại ở cửa buồng nói:
"Đã có lần trường bị moóc-chê đấy!’’
Tôi mỉm cười, đốt tiếp điếu thuốc nữa. Tôi đọc sách đến khuya, súng vẫn không ngớt.
Nửa tháng đi qua. Tôi làm việc ba giờ mỗi ngày về buổi sáng. Buổi chiều là giờ soạn bài hoặc chấm bài hoặc đọc sách. Buổi tối là cái hành lang sâu hút và nền trời đen thẫm. Ngoài cha Tân, người bạn độc nhất của tôi là Nhiên - nhà thầy tôi quen hôm mới đến. Trường không nhận nữ sinh, tôi không liên lạc với ngoài đường và rất ít xuống dưới ngoài hai bữa ăn, ngại phải đi qua những phòng học trống. Mỗi buổi trưa ông già gác gõ cửa trao cho tôi tờ báo hằng ngày.
Trưa nay tôi tỉnh giấc, nghe tiếng chân lạ đi ở ngoài và tiếng nói vang chạy. Tiếng gõ cửa của ông già gác và ông mang lại cho tôi Đại. Chúng tôi bắt tay nhau và Đại ngồi xuống ghế. Tôi hỏi ông già:
“Hôm nay chưa có báo hả ông?”
Ông già:
“Không thấy xe thường ngày đi qua, chắc xảy ra chuyện gì. Thầy đợi tôi ra phố mua vậy.”
Ông già ra khuất, tôi hỏi Đại:
“Hà Nội không có gì lạ chứ?”
Đại lấy trong túi áo ra đưa cho tôi một xấp thư nói:
“Đây là thư của cậu. Tôi đã bị đuổi nhà và xuống ở nhà cậu được mấy hôm nay. Không thấy cậu về ông Chính bảo tôi sang chơi thăm.”
Tôi cầm xấp thư, cả thảy năm cái: hai cái của Francoise, một của Bình, một của Hoà, và một cái thư lạ. Tôi để cả vào túi áo hỏi:
“Ông Chính vẫn mạnh?”
Đại gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
“Còn chuyện của cậu ra sao?”
“Dạo này bố ráp nhiều. Nhưng sang đây không bị khám xét gắt gao lắm. Cũng dễ chịu đấy nhỉ?”
Đại đi dạo quanh quan sát căn buồng.
Tôi thay quần áo rồi bảo:
“Chúng ta xuống phố.”
Phố chỉ là một con đường chạy qua cửa trường nhà thờ nối trạm kiểm soát đầu tỉnh và chợ. Chúng tôi sang bến xe vào một cái quán giữa sự nhộn nhịp. Chúng tôi ngồi xuống ghế dài trước một cái bàn gỗ thấp có ống đũa, ngọn đèn dầu, bình điếu thuốc lào. Hai người phu xe, một trẻ một già, bàn cãi về vụ nổ mìn buổi sáng. Tôi nhìn ra ngoài bến. Từ một chiếc xe hàng sắp chạy một người thanh niên nhảy xuống đi hấp tấp về phía chúng tôi ngồi gọi:
“Anh Tâm, anh Tâm.”
Hắn có khuôn mặt vuông và miệng rộng, áo len đỏ cũ và áo Blouson ka ki. Hắn nắm lấy cánh tay tôi hỏi:
“Anh Tâm, anh còn nhớ tôi không? Long đây. Long lớp nhất trường núi.”
Tôi ngồi dịch một khoảng ghế nói:
“Có tôi nhớ rồi. Anh ngồi xuống đây.” Tôi chỉ Đại, “anh Đại bạn tôi.”
Long ngượng nghịu vì người thứ ba. Nhưng Long lại quên đi và nói:
“Xe gần chạy thoáng thấy anh tôi nhớ ngay. Chúng tôi đã về Đáp Cầu rồi. Tôi về với gia đình cô Mùi tôi. Hôm nào anh lên chơi. Anh làm gì bên này?”
Tôi đáp:
“Tôi dạy học ở trường gần đây.”
“Hôm nào anh lên chơi. Nhà chúng tôi vẫn ở chỗ cũ.”
Tôi hỏi:
“Không bị phá huỷ hay sao?”
Long cười:
“Có chứ. Nhưng chúng tôi dựng tạm nhà trên nền cũ. Tan hoang hết cả. Anh lên sẽ biết. Nhiều sự thay đổi lắm."
Long nháy mắt coi như sự thân mật đã tìm thấy giữa chúng tôi. Tôi hỏi:
"Bây giờ anh đi đâu?"
"Tôi sang Hà Nội. Anh ở đâu hôm nào tôi đón anh đi cho anh đỡ lạ."
Tôi cho Long biết chỗ ở của tôi và Long bắt tay từ biệt. Khi Long Khuất, tôi nói với Đại:
“Bạn thân lắm thuở nhỏ. Ngày đi khỏi Đáp Cầu hắn gói kỷ niệm cho mình ba mươi đồng xu chì và đồng.’’
Đại không nói chỉ mỉm cười. Hắn quàng cái khăn do Thanh mua. Tôi bỗng nói:
“Tôi cần nhờ cậu một việc.’’
Tôi lấy giấy bút viết cho Thanh một cái thư ngắn trong ấy tôi khuyên Thanh nên nhận lời lấy Chu. Tôi trao mảnh giấy cho Đại và bảo:
“Cậu đưa hộ tôi mảnh giấy này cho cô Thanh, địa chỉ tôi biên ở trong ấy. Có thể cậu cho nó vào phong bì kín hộ.”
Đại cầm cất vào ví, xong rồi nói:
“Tôi định bàn với cậu là tôi ra ngoài.”
Tôi trả tiền người bán hàng và bảo Đại:
“Chúng ta ra ngoài kia.”
Trời không một ngọn cây. Những chiếc xe hàng thô lỗ quay đi quay lại ngang lối đi. Được một quãng ngắn tôi hỏi:
“Bao giờ thì khởi hành?”
“Tôi đã bắt được liên lạc. Chỗ đến là Phú Thọ.”
"Nhưng cậu hẳn biết tôi không đồng ý kiến với cậu. Nhưng tôi không thể phản đối cũng như khuyên cậu điều gì cả. Ở lại đây ư? Để làm gì mới được? Bằng chứng là tôi cũng không giải quyết nổi cho tôi. Còn đi? Nhưng cũng để làm gì mới được?’’
“Hẳn phải có việc để mà làm. Tất cả những người ở bên kia, người ta không biết người ta đang làm gì hay sao?’’
Chúng tôi đi qua một miếng đất hoang.
“Tôi biết như thế: cậu sẽ đi. Cái chua xót là tất cả chúng ta đều thành thật, thành thật đến cái độ có thể chết. Tôi cũng mong cậu làm được điều gì ở đấy như tôi mong tôi sẽ làm được điều gì ở đây.”
Chúng tôi quay trở lại bến xe và đi qua miếng đất hoang. Đại nói:
“Tôi không thể tưởng được cậu có thể tìm thấy lòng tin ở một chỗ vô lý đến như thế. Tin rằng mình làm được cái gì ở đây, tôi nhất định không thể được, đừng vì cá nhân mình.”
“Cậu vẫn còn nghĩ rằng chỉ vì cá nhân thôi ư? Có lẽ tôi hiểu cậu hơn cậu hiểu tôi.”
Chúng tôi về đến bến xe. Một người đón mời chúng tôi. Đại bắt tay tôi nói:
“Tôi về Hà Nội.”
Đại lên xe và tôi về trường, lên buồng riêng đọc thư. Francoise cho tôi hay gia đình nàng đã lên Ba Lê. Nàng trách tôi lười viết, khen tôi có nhiều nhận xét thú vị về chiến tranh. Nàng đã đi học và gặp nhiều bạn sinh viên Việt Nam. Nàng đang ở trong thời gian dự bị vào Đảng Cộng sản. Nàng kể những buổi sinh hoạt tiểu tổ, những buổi đi bán báo Humanité ở trước cửa nhà thờ Thánh Tâm sáng chủ nhật – và nàng nói hôn tôi mỗi cuối thư.
Bình và Hoà đều ở Nam Việt. Bình ở Sài Gòn. Anh cho tôi biết về tình hình chính trị ở thủ đô miền Nam. Anh bảo tôi có thể vào Sài Gòn với một chỗ làm trong hãng anh chủ trương. Nếu cần tôi chỉ việc đánh điện tín, anh sẽ gửi tiền vận chuyển ra cho tôi. Hoà ở Thủ Dầu Một. Anh dạy học tại nhà một chủ đồn điền cao su người Pháp. Anh tả cảnh thành phố này, đời sống ở đồn điền và đời sống của anh. Anh đang dự định viết một cuốn tiểu thuyết và anh gửi cho tôi một bài thơ “nhớ Hà Nội”.
Còn một bức thư là của một học sinh cũ.
Bức thư gửi qua trường ở Hà Nội. Hắn hỏi thăm sức khoẻ tôi, tình hình sinh hoạt của tôi và cuối cùng nhờ tôi giải quyết vấn đề sinh kế cho hắn có thể tiếp tục sự học.
Bếp Lửa Bếp Lửa - Thanh Tâm Tuyền Bếp Lửa