A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Thế Lữ
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5072 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 11:23:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Dòng Máu Đứt Quãng
ăm giờ sáng hôm ấy, hai người cảnh sát hết giờ đi tuần đêm, đang từ cuối phố hàng Đẫy thong thả đi xe đạp về bóp chính Bờ Hồ, bỗng có tiếng gọi đằng sau:
- Ông đội xếp ơi! Ông đội xếp ơi!
Hai viên cảnh sát cùng quanh xe trở lại, thì thấy một người đàn ông mặc quần áo nâu từ xa chạy lại, vừa vẫy tay, vừa gọi rối rít.
Một người cảnh sát càu nhàu:
- Suốt đêm không sao, bây giờ mới lại sắp giở chuyện.
Rồi xẵng tiếng hỏi người đàn ông đang tiến lên:
- Cái gì mà ngậu mãi lên thế?
Người kia đứng dừng lại trước hai cái xe đạp, hổn hển thở ra được một câu nhát gừng:
- Thưa hai ông... ông cai Bốn bên nhà tôi... sáng hôm nay... thấy nằm chết... ở... trước cửa.
- Trước cửa nhà ai?
- Nhà ông ấy.
- Nhà người ấy ở đâu?
- Ở bên nhà tôi.
- Mà nhà tôi ở đâu chứ?
Người đàn ông thở mạnh một hơi rồi thưa:
- Bẩm ở ngoại ô, bên đường cái. Tôi toan lên bóp trình, đến đây thì gặp hai ông... May quá!
Hai người cảnh sát tức khắc đạp xe xuống phía Ô Cầu Giấy. Người đàn ông chạy theo, vừa thở vừa thuật:
- Sáng hôm nay, tôi dậy sớm, mở cửa ra thì thấy cái cửa liếp nhà ông cai Bốn đổ xuống bên đường, rồi tôi trông thấy ông ta nằm chết trên đó, tôi sợ quá vội đi trình Cẩm... Hai ông đến mà xem.
- Trên người có thương tích gì không?
- Tôi không biết.
Qua dãy đèn điện thành phố, đi chừng năm phút nữa thì đến một lớp nhà lụp sụp ở bên tay trái. Một bọn bảy tám người, vừa đàn ông vừa đàn bà, trẻ con đang xúm xít trước gian nhà lá cuối cùng. Người đàn ông áo nâu chỉ tay nói:
- Nhà ông cai Bốn ở đấy.
Bọn người thấy "đội xếp" đến thì đứng rẽ ra hai bên. Hai viên cảnh sát liền trông thấy xác một người đàn ông lực lưỡng, trạc độ ba mươi lăm, bốn mươi tuổi, mặc quần tréo go thâm, áo cánh trắng. Người ấy nằm ngửa, đầu về phía đường, đè lên cánh cửa liếp, nét mặt trông già dặn mà không đều, hai mắt mở rất to, nhìn lên mái nhà một cách dữ dội, cái cằm vuông nổi cả xương quai hàm lên, mồm hơi mở, để hé ra hai cái hàm răng cắn chặt lại. Một tay người ấy bấm xuống mặt liếp, còn một tay thì đặt ngang mình. Một chân gập lại bị đè dưới một chân duỗi thẳng.
Cảnh tượng ẩy tỏ ra người đàn ông kia chết một cách khác thường lắm.
Nhưng sao trên người không có qua một vết thương nào? Hai viên cảnh sát đương cúi nhìn, bỗng một người nói:
- Kìa, ông nhìn trên ngực người chết xem, kia kìa, ở phía dưới cái cánh tay để ngang bụng ấy. Hình như những giọt máu thì phải...
Người cảnh sát thứ hai gật đầu:
- Ừ, phải đấy, có nhẽ là những giọt máu thực.
Quả nhiên là ở phía bụng trên người chết có đến năm, sáu giọt máu đỏ thẫm, to bằng đầu đũa một, chạy thành một hàng trên chiếc áo cộc trắng. Nhưng ngoài những vết máu không biết từ đâu mà có ấy, thì không thấy thương tích nào.
Hai người cảnh sát xem xét xong, cùng đứng lên nhìn nhau, cùng có một ý nghĩ giống nhau, nên cùng nói:
- Thực lạ lùng!
Rồi một người quay lại hỏi:
- Thế vợ con người chết đâu?
Người đàn ông lúc nãy thưa:
- Không thấy vợ con gì cả. Ông ta mới đến ở đây được ba, bốn tháng.
- Làm nghề nghiệp gì?
- Bẩm, ông ta làm Cai lục lộ.
- Không ai thổi nấu cho ư?
- Bẩm có. Trước thì ông ta ăn cơm hàng trên phố, vì phải đi vắng cả ngày. Sau ông ta nhờ chúng tôi thổi nấu cho...
- Có hay cãi nhau, đánh nhau bao giờ không? Có ai thù oán không?
- Bẩm, ông ta hiền lành lắm, không mất lòng ai bao giờ... Cũng không chơi bời gì bao giờ... Làm ăn kể cũng được khá tiền, nhưng ông ta tiếng vậy mà thỉnh thoảng lại khó ở trong mình, phải uống thuốc luôn, nên ăn tiêu cũng không được rộng rãi lắm.
Người cảnh sát lại hỏi:
- Thế ra ngưài này đau yếu luôn ư?
- Bẩm vâng. Nhưng mấy hôm nay ông ta phải bận đi làm cả ngày thì lại ra dáng khỏe mạnh. Tối hôm qua, ông ta còn sang đánh cờ với tôi và ông phó Nhớn bên nhà mãi khuya mới về ngủ. Bên này tôi còn nghe thấy ông Bốn quạt và thỉnh thoảng lại kêu bức.
- Chúng tôi cũng vì trời nóng, mãi đến hơn một giờ đêm mới ngủ được, mà vẫn không thấy nhà ông Bốn có chuyện gì.
- Thôi được rồi. Khai thế là đủ.
Nói đoạn viên cảnh sát quay lại bảo người bạn đồng sự:
- Ông đứng đây coi, để tôi về sở trình. Đừng cho ai vào trong nhà kia nhá!
Viên cảnh sát vừa nhảy lên xe đạp thì mấy người đàn bà hàng xóm hình như sợ liên lụy đến mình, nên tìm những lời lễ phép kể cho viên cảnh sát đứng coi đó về cách ăn ở của ông cai Bốn. Họ hết lời tỏ lòng thương hại cho con người hiền lành tử tế như thế mà lại chết một cách thảm hại như thế. Cái tình lân lý của những kẻ già mồm hay chửi nhau kia, có lẽ chưa bao giờ đằm thắm bằng lúc này. Nhưng họ thấy người cảnh sát khoanh tay đứng đó, nét mặt vẫn thản nhiên, vẫn lạnh lùng, nên phải đành những tiếng chép miệng, thở dài với những lời xót thương cho các người qua đường nghe vậy.
Trong bọn người chen chúc nhau, có một người thiếu niên, đầu trần, đi xe đạp với tôi là chú ý đến việc này.
Tôi biết vụ án mạng từ lúc năm giờ sáng, chính là lúc tôi đi xe đạp bên cạnh hai viên cảnh sát ở phố hàng Đẫy và nghe thấy tiếng gọi "đội xếp" ở đằng sau. Tôi liền bỏ cuộc đi chơi sáng thường ngày của tôi và cùng đi tới đây với họ. Còn người thiếu niên kia, có lẽ cũng là người đi chơi sáng - thì đến sau tôi ít lâu.
Từ lúc viên cảnh sát thứ nhất đi rồi, tôi thấy chàng ta cứ cúi xuống hoài mà nhìn cái xác chết một cách rất cẩn thận, rồi lại ngẩng đầu chăm chỉ nhìn gian nhà. Trong nhà, ngoài chiếc giường cầu với một cái rương kê một bên không còn bày biện gì nữa. Nhưng hình như người thiếu niên còn muốn tìm ra một vật gì khác nữa thì phải, nên cứ hết nhìn cái xác lại nhìn vào trong nhà, mãi không thôi.
Tôi thấy vậy, đứng lại bên chàng ta sẽ hỏi:
- Ông cho việc này có lạ không?
Chàng ta đứng thẳng người lên, ngẫm nghĩ một hồi, rồi đáp:
- Lạ, thì còn nhiều cái lạ hơn... Nhưng thế nào mà chả có một... nguyên ủy?
Tôi ngạc nhiên trông thẳng vào mặt người kia. Chàng ta yên lặng nhìn tôi rồi nói tiếp:
- Phải, việc này thoạt thấy kể cũng lạ đấy... Nhưng xét kỹ thì cũng chẳng có gì là kỳ dị lắm... cũng là một việc thường.
- Một việc thường! Vậy ông bảo người này chết vì đâu? Trong mình còn có thương tích nào nữa không? Mà sao lại có những giọt máu lạ lùng ấy?
Người thiếu niên vuốt lại tóc mỉm cười:
- Ông hỏi tôi một cách thực thà quá, làm như trong giây phút tôi có thể trả lời ông được ngay bằng ấy câu. Nhưng thế cũng chưa phải là một cớ để nói rằng việc này không thể cắt nghĩa được.
Tôi nghĩ bụng: "Thực là giọng lưỡi trong tiểu thuyết trinh thám... Có lẽ người nói chuyện với mình đây là một tay Sherlock Holmes thứ hai cũng nên".
Từ đó tôi lại càng để ý đến người thiếu niên hơn trước. Chàng ta mặc áo trắng dài chân đi dép tóc hất ngược và dài, bù rối như không bao giờ chải. Vẻ mặt lạnh lùng và thỉnh thoảng lại như hơi có dáng mỉa mai. Hai mắt đen và sáng ở trên cái sống mũi cao.
Thỉnh thoảng chàng ta lại se sẽ gật đầu như đang hiểu ra được một điều gì mới tìm thấy.
Tôi toan hỏi thì một tiếng còi xe hơi hách dịch réo lên, báo hiệu cho mọi người biết rằng ông Cẩm đã đến.
Đám người rẽ tản mát ra để lấy lối. Viên cảnh sát đứng thẳng người lên chào lối nhà binh.
Từ trên xe bước xuống bốn người: một viên Cẩm, một viên mật thám Tây, một ông đốc tờ với người cảnh sát về báo lúc nãy.
Lúc đó mọi người bị hai viên cảnh sát bắt đứng ra xa. Tôi phần phải giữ xe đạp, phần bị chen và đẩy lùi lại đằng sau không thể nào tiến lên được, nên không biết các nhà chuyên trách tra vấn, khám nghiệm ra sao cả.
Một lát tôi ngoảnh lại định nói chuyện với chàng thiếu niên thì không thấy chàng ta đâu nữa, mà cái xe đạp của chàng ta thì thấy dựng ở một gốc cây bên đường. Tôi nhớ lại những cử chỉ của người thiếu niên và sinh ra nghi hoặc. Bụng bảo dạ: "Con người kỳ khôi thực, không biết sao lại chú ý đến người chết quá như thế nhỉ... Mà bây giờ lại lủi đi đâu mất? Không biết có liên lạc gì với cái ‘án mạng’ ly kỳ này không?"
Bấy giờ vào khoảng bảy giờ. Trên trời xanh ngắt không có một sợi mây nào. Ánh nắng về sáng mà đã thấy khó chịu.
Trong gian nhà lá, mấy nhà chuyên trách đã khám xét xong. Nhưng hình như chưa tìm ra được manh mối gì cả. Viên đốc-tờ cùng với viên chánh mật thám, vẻ mặt mệt nhọc và tư lự, vừa bước ra đường vừa chấm mồ hôi trán. Hai ông nhắc đi nhắc lại một câu nói:
- Thực là một chuyện tối ly kỳ.
Viên cầm Tây cũng đạo mạo gật đầu:
- Phải. Thực ly kỳ lắm!
Rồi họ cùng bước lên ô-tô. Trong lúc ấy thì người ta khiêng cái xác ông cai Bốn lên một chiếc xe tay để đem về nhà xác.
Tôi đứng đó nhìn theo và nghĩ bụng rằng những điều bí mật trong cái chết khác thường kia chưa biết bao giờ mới khám phá ra được, tất cũng lại vùi lấp đi, rồi quên đi, cũng như bao nhiêu cái chết tối tăm khác. Rồi tôi cứ bùi ngùi thương con người xấu số ấy hoài... Bỗng một tiếng nói đàng sau tôi làm tôi sửng sốt, ngoảnh trông lại: thì ra người thiếu niên.
Chàng ta mỉm cười bào tôi:
- Ông nghĩ gì vậy? Họ có bắt ai đi theo không?
- Họ là ai kia?
- Các nhà "chuyên trách" ấy mà!
- À! Không. Không bắt ai cả.
Người thiếu niên ra ý vui vẻ:
- Nếu vậy thì may! Bởi vì những người hàng xóm đây, cũng như ông với tôi, không có liên can gì đến việc này hết. Tôi chỉ sợ họ bắt oan, rồi làm khổ những người vô tội. Các nhà chuyên trách không thể hiểu việc này được, vì họ khám xét sơ sài quá. Nhưng có gì là lạ lắm đâu?
Tôi hỏi:
- Ồ, thế ra ông biết được những việc xảy ra ư?
- Không. Tôi đã bảo tôi cùng như ông: là một người ngoại cuộc. Nhưng cái bí mật ấy tôi lấy trí mà dò xét, tôi khám phá ra gần hết rồi.
- Ông khám phá ra được?
- Phải. Có gì là lạ? Ông hãy dựng xe đạp một chỗ rồi nhân lúc bọn người kia đang bàn tán hão với nhau, ta vào trong nhà này dò xét lại xem.
Vừa mới bước chân vào nhà, người thiếu niên đã chỉ cho tôi thấy một điều lạ: trên mặt đất đen và ẩm, có một tràng máu nữa, giọt máu cũng to bằng những giọt trên mình người chết, chạy từ một bên cửa đến dưới chiếc giường cầu. Chiếc giường này áp vào bức vách hậu ngay dưới một cái cửa sổ đóng lại bằng một mành phên. Cái chiếu cũ trên giường hơi lệch về một bên, trên mặt chiếu lại thấy những giọt máu chạy thẳng một chiều; như nối theo tràng máu dưới đất, và chạy từ thành ngoài cái giường gỗ cho đến cái cửa sổ ở bức vách sau. Trên mặt vách, khoảng trên cái thành giường trong và dưới cửa sổ, cũng có một giọt máu nữa, nhưng dài và nhỏ hơn.
Người thiếu niên nói:
- Ông có thấy cái gì khác ở tràng máu trên giường này không?
- Tôi chỉ thấy ở giữa giường hình như tràng máu đứt một quãng.
- Chính thế! Những giọt máu từ cửa vào đây vẫn liên tiếp và cách nhau thực đều... Cả ở chỗ hai chân người chết đè lên cũng vậy? Duy có chỗ này là đứt quãng đến hai gang tay. Thế nghĩa là lúc tràng máu chạy từ ngoài, qua giường mà ra ngoài cửa sổ kia thì người chết, người đã chết, ông nghe chưa, vẫn nằm trên giường, nằm ở chỗ tràng máu bị đứt. Mà khoảng máu ấy...
- Thì ở trên minh người chết chứ gi?
- Phải. Đấy ông xem. Dễ hiểu lắm.
- Nhưng sao ông biết người ấy chết rồi mới có những giọt máu trên mình?
- Vì theo lời ông đốc-tờ mà tôi nghe lỏm được lúc nãy, thì người này chết đã được hơn bốn giờ... nghĩa là vào khoảng trước hai giờ đêm. Hai giờ đêm đến giờ thì những giọt máu đọng kia không thể còn tươi như thế được: bây giờ máu mới hơi se và bắt đầu thâm dần. Vậy lâu lắm thì những giọt máu kia cũng mới có tự ba rưỡi, bốn giờ sáng.
- Thế sao người chết lúc chết thì nằm trên giường... để cho những giọt máu kỳ lạ kia nhỏ được lên mình, mà sao lại thấy nằm dưới đất?
- Điều quan hệ là ở trong câu hỏi đó.. Nhưng ông để cho tôi phân giải có đâu đuôi.... Tôi biết rằng người ấy chết lúc hai giờ, rồi tôi lại biết người ấy chết một cách tự nhiên, bình thường, chết vì thứ bệnh mà người lao động dẫu khỏe mạnh đến đâu cũng có khi mắc phải. Đó là bệnh đau tim.
- Bệnh đau tim?
- Phải. Bệnh này, người mắc thường không tự biết hay có biết nhiều người cũng coi thường... Rồi đột nhiên, hoặc trên giuờng hoặc đang ngồi chơi, hoặc đang đi, bỗng lăn ra, tắt hơi, quả tim ngưng đập, không thể cứu được. Cho nên tối hôm qua, hàng xóm vẫn thấy ông cai Bốn đi lại như thường, rồi lúc ông ta chết không ai biết gì cả.
- Tôi vẫn không hiểu rõ. Ông chỉ nói cho tôi biết cái tính nguy của chứng bệnh nhưng không nói tại sao ông biết người ấy đau tim?
Người thiếu niên liền đưa cho tôi xem những mảnh giấy trắng nhỏ đã bẩn, đã nát, và bảo tôi:
- Chứng cớ ở đấy. Những chữ viết trên giấy này đã mờ nhưng cũng đủ rõ cho tôi biết được đó là những giấy gói thuốc: "Bromure de sodium" mà người ấy xin ở nhà thương Bảo Hộ. Giấy này tôi thấy rất nhiều, vứt ra sau nhà, nên tôi đoán người uống thuốc mang bệnh đã nặng lắm. Ông đã nghe ra chưa?
- Tôi nghe ra rồi. Nhưng nếu chỉ chết về bệnh thì sao đến nỗi thế kia...
- Vâng, chính vậy. Nếu không có gì xảy ra hết, nếu người chết không vì một sức gì làm cho cử động được, thì chả ai cho là lạ cả, thì các nhà chuyên trách không phải bận đến khám xét, mà tôi không được cái hân hạnh nói chuyện với ông ở đây...... Bây giờ tôi nói đến cái điều mà ông nóng nghe... nói đến những giọt máu và cái cảnh tượng khác thường mà ta đã trông thấy. Chính những giọt máu đó là những vết tích chứng cho ta biết rằng: Có một vật bị thương, từ ngoài đường đi vào, nhảy qua giường người chết, khiến cho người chết vùng dậy, đứng xuống đất.
- Ông bảo sao? Người chết đứng được xuống đất?
- Phải, rồi như cái máy, loạng choạng nhảy lùi ra cửa rồi ngã ngửa lên chiếc cửa phên kia!...
Tôi hỏi dồn:
- Ồ, thế thì quái lạ thực! Một vật làm cho người chết đứng được dậy, vùng ra cửa... nếu vậy thì ra là... là...
- Là quỷ nhập tràng! Phải rồi, người chết bị quỷ nhập tràng... nhưng ông đừng nhìn tôi một cách kinh ngạc quá như thế... Việc này không phải là một điều quái gở đầu. Chắc ông cũng thường thấy nói rằng một người mới chết, nếu có một con mèo nhảy qua, thì sẽ đứng dậy, cử động được một lúc như có luồng điện sai khiến vậy.
- Tôi vẫn biết là thế... Nhưng vì đâu mà ông biết rằng người chết bị quỷ nhập tràng được?
- Có gì đâu? Đó là vì sau khi tôi xem xét người chết, thấy những vết máu trên bụng hắn, tôi lại thấy những vết máu giống như thế rơi trên mặt đất thì tôi thoáng có một ý kiến khác hẳn của các nhà chuyên trách: tôi nhất định tin rằng việc này không có tay người dính vào... Đã có cái ý nhất định ấy rồi, nhân tình cờ tôi lại gặp một điều "lạ" mà giá lúc khác thì mình coi thường không chú ý đến. Đó là một vết đo đỏ tôi thấy trên mặt đường đá, ngay bên cái bánh xe ô-tô đỗ trước cửa nhà này. Vì nghĩ đến xe ô-tô, và vì lại trông thấy cách đó mấy bước có một vết mờ mờ đo đỏ nữa, trong trí tôi liền nảy ra một tia sáng cho tôi đoán được các việc xảy ra. Tôi đoán rằng hồi gần sáng - lúc ấy ông cai Bốn đã chết nằm trên giường - có một con vật chạy qua đường thình lình bị xe ô-tô nghiến què một cẳng. Cửa liếp nhà ông Bốn không buộc cài ở trong. Con vật đau cuống lên, lẻn vào trong nhà, nhưng vẫn còn hoảng sợ. Nó trông thấy cái cửa sổ lúc ấy vẫn mở, liền nhảy lên giường, vượt qua cái xác chết mà ra ngoài. (Lúc qua cửa sổ, nó làm rơi cái thanh tre chống tấm phên nhỏ, cái thanh tre rơi xuống chân vách ngoài, tôi đi tìm thấy). Cái việc ấy xảy ra không đầy nửa phút... Người chết bị con vật nhảy qua vùng đứng phắt ngay dậy, rồi như một người máy không hồn loạng choạng đến gần một phút, rồi sau đến ngã ngửa lên chiếc cửa liếp kia.
Đấy, câu chuyện theo những điều tôi xét thì chỉ có thể... Nếu ông chưa tin, thì đây, tôi đã có chứng cớ.
Nói đoạn, người thiếu niên dẫn tôi ra đàng sau nhà, đi năm sáu bước nữa đến một bụi cây rậm. Chàng ta cẩn thận vạch một cụm lá ra, rồi chỉ cho tôi trông thấy một con mèo vàng to, và gầy, bị nát một nửa chân sau, đang nằm nép trong một xó.
Bên Đường Thiên Lôi Bên Đường Thiên Lôi - Thế Lữ Bên Đường Thiên Lôi