Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Tác giả: Ayn Rand
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Anthem
Dịch giả: Trần Đan Hà
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1794 / 73
Cập nhật: 2016-02-26 01:31:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ự do 5-3000, 5-3000… Tự do 5-3000 năm-ba ngàn… Tự do 5-3000, 5-3000…
Chúng ta ước ao được viết ra cái tên ấy. Chúng ta ước được nói nó ra, nhưng chúng ta không dám thốt ra hơn một tiếng thì thầm. Vì phái nam bị cấm không được chú ý tới nữ giới, và nữ bị cấm không được để ý nam giới. Nhưng chúng ta vẫn không ngớt nghĩ về một người trong đám phụ nữ, tên họ là Tự do 5-3000, và chúng ta không hề nghĩ về một ai khác nữa ngoài họ.
Phụ nữ được phân công làm việc đồng áng trong Nhà Nông dân ở ngoại ô thành phố. Chỗ thành phố kết thúc có một con đường rất lớn ngoằn nghoèo chạy lên phía bắc, và bọn chúng ta những Phu Quét đường phải giữ cho đoạn đầu con đường này luôn sạch sẽ. Dọc theo con đường có một hàng cây thấp, phía sau nó là những cánh đồng. Những cánh đồng đen thẫm và vừa đươc cày xới nằm trải ra trước mắt chúng ta như một cái quạt khổng lồ xòe rộng từ trong tay ai ở tận chân trời xa kia, những đường cày tỏa rộng từ đó chạy về phía chúng ta trông như những nếp quạt màu đen óng ánh những vệt màu xanh lục. Phụ nữ làm việc trên những cánh đồng đó, những bộ đồ lao động màu trắng của họ chấp chới trong gió như những đôi cánh hải âu dập dềnh trên nền đất đen. Và đó là lúc chúng ta nhìn thấy Tự do 5-3000 đi dọc theo các luống cày. Thân hình họ thẳng cứng và mỏng như một lưỡi thép. Đôi mắt đen cương nghị long lanh, không ẩn chứa một niềm hãi sợ, hay tội lỗi nào, không một chút khoan dung. Mái tóc họ óng ánh như kim ngân dưới ánh mặt trời, chúng tung bay trong gió, lấp lánh hoang dại, như thể muốn cưỡng lại bất kỳ sự cưỡng chế nào của con người. Đôi cánh tay họ vung những nắm hạt giống như thể đang ngạo mạn tung tẩy một món quà khinh miệt, mà mặt đất cơ hồ là kẻ ăn mày đang quỳ mọp dưới chân.
Chúng ta đứng sững; lần đầu tiên trong đời chúng ta biết thế nào là sợ hãi, rồi đến đau đớn. Và chúng ta cứ đứng sững mà không thể diễn tả được liệu nỗi đau này có quý giá hơn niềm vui sướng?
Rồi chúng ta nghe có tiếng ai đó gọi tên họ: "Tự do 5-3000", rồi họ quay lưng đi ngược trở lại. Nhờ vậy mà chúng ta mới biết được tên họ, và chúng ta đứng đó nhìn họ bước đi cho tới khi màu áo trắng của họ nhạt nhòa lẫn vào màn sương xanh.
Rồi ngày hôm sau, khi đi tới con đường phía bắc, chúng ta lại dõi mắt nhìn theo Tự do 5-3000 trên đồng. Và cứ mỗi ngày sau đó chúng ta dần biết thế nào là nỗi đau đợi chờ cho tới lúc được đi lên con đường phía bắc, để rồi ở đó chúng ta sẽ lại được ngó thấy Tự do 5-3000 mỗi ngày. Chúng ta không biết liệu họ có nhìn thấy chúng ta hay không, nhưng chúng ta nghĩ là có.
Thế rồi một ngày kia họ đi tới gần hàng cây, và đột nhiên quay về phía chúng ta. Họ xoay người thật nhanh, rồi ngưng hẳn cả người lại như thể vừa bị chặn ngang, cũng thình lình như khi nó bắt đầu. Họ đứng ngay đó, thẳng như một phiến đá, và họ nhìn thẳng vào mắt chúng ta. Không một nụ cười thoáng qua trên nét mặt, không cả một lời chào. Thế nhưng vẻ mặt họ rất căng thẳng, còn đôi mắt thì đen thăm thẳm. Sau đó họ xoay người thật nhanh và bỏ đi.
Vậy mà qua ngày kế tiếp, khi chúng ta đến con đường đó, họ đã mỉm cười. Họ mỉm cười với chúng ta và cho chúng ta. Và chúng ta cũng mỉm cười đáp lại. Mái đầu họ ngả ra sau, với đôi cánh tay buông xuôi, như thể đôi tay đó và cái cần cổ trắng mảnh dẻ tự dưng duỗi thẳng ra trong cơn mệt rã rời tuyệt đỉnh. Họ không hề nhìn chúng ta, mà ngước nhìn bầu trời. Sau đó họ mới liếc nhìn chúng ta qua đôi vai, và chúng ta như cảm thấy bàn tay họ đang lướt nhẹ trên chúng ta, từ đôi bờ môi xuống tận gan bàn chân.
Từ đó trở đi cứ mỗi bình minh hai chúng ta đều chào nhau bằng mắt. Chúng ta không dám nói nên lời. Sẽ là phạm giới nếu nói chuyện với người ở ngành khác, ngoại trừ với các nhóm trong các buổi họp xã hội. Vậy chứ cũng có một lần, khi đang đứng ở bìa hàng cây, chúng ta đã đưa tay lên ngang trán rồi chầm chậm chìa về phía Tự do 5-3000, lòng bàn tay úp xuống. Nếu có ai trông thấy họ cũng không thể đoán được điều gì, vì nó trông như thể chúng ta đang che mắt cho khỏi bị chói ánh mặt trời. Vậy mà Tự do 5-3000 thấy và hiểu. Họ cũng giơ chúng tay cao ngang trán và chìa ra như chúng ta. Thế là từ đó, ngày mỗi ngày qua, chúng ta đều chào Tự do 5-3000 và họ chào đáp trả, và không ai có thể nghi ngờ vực gì.
Chúng ta không hề tự hỏi liệu đây có phải là một tội lỗi mới của chúng ta hay không. Nó là lần phạm giới thứ nhì của chúng ta, vì chúng ta đã không nghĩ về toàn thể các người đồng chí của chúng ta, mà chỉ nghĩ về có một người, và tên họ là Tự do 5-3000. Chúng ta không biết tại sao chúng ta cứ mãi nghĩ về họ. Chúng ta không biết tại sao, mỗi khi nghĩ tới họ, bỗng nhiên chúng ta cứ cảm thấy trái đất này quá tốt đẹp và cuộc sống chẳng hề là một gánh nặng cứ phải mãi mang theo.
Chúng ta không còn nghĩ về họ như là Tự do 5-3000 nữa. Chúng ta đã đặt cho họ một cái tên trong trí nghĩ của mình. Chúng ta gọi họ là Kim Nhân. Thế nhưng cũng sẽ là phạm giới luật nếu như đặt tên cho một người nào mà tên đó không giống với tên của những người khác. Kệ, chúng ta vẫn cứ gọi họ là Kim Nhân, vì họ không hề giống những người khác. Kim Nhân không giống những người khác.
Và chúng ta cũng chả màng tới luật lệ nói rằng đàn ông không được nghĩ về phụ nữ, ngoại trừ lúc đang ở trong Thời điểm Phối giống. Đó là vào mùa xuân khi tất cả những nam thanh niên trên hai mươi và nữ trên mười tám được đưa tới Lâu đài Phối giống của thành phố trong cùng một đêm. Và mỗi một người nam sẽ có một người nữ do Hội đồng Ưu sinh chỉ định cho họ. Trẻ con được cho chào đời vào mùa đông, nhưng phụ nữ không bao giờ được nhìn thấy con mình và trẻ con cũng chẳng hề biết cha mẹ chúng. Chúng ta đã có hai lần được đưa tới Lâu đài Phối giống, nhưng những gì diễn ra ở đó thật gớm ghiếc và đáng hổ thẹn mà chúng ta không hề muốn nghĩ tới bao giờ.
Chúng ta đã vi phạm biết bao nhiêu luật, và hôm nay chúng ta còn phạm thêm một luật nữa. Hôm nay chúng ta đã nói chuyện với Kim Nhân.
Những người phụ nữ khác đang ở trên cánh đồng phía xa kia khi hai đứa chúng ta dừng chân ở hàng cây dọc theo con đường. Kim Nhân đang quỳ gối bên bờ con kênh đào chạy ngang cánh đồng. Những giọt nước rơi xuống từ tay họ khi họ vốc nước lên môi, trông như những hoa lửa dưới ánh mặt trời. Rồi thì họ trông thấy chúng ta, họ quỳ gối tại chỗ, tịnh không hề cừ động, ngước mắt nhìn chúng ta, những vầng sáng phản chiếu ánh nắng từ mặt kênh chạy giỡn trên áo họ, một giọt nước lóng lánh ngay đầu ngón tay họ như đang muốn đóng giá trong không trung.
Thế rồi Kim Nhân đứng lên và đi về phía hàng cây, như thể họ đang tuân theo mệnh lệnh trong mắt chúng ta nhìn xuống. Hai Phu Quét đường khác trong nhóm của chúng ta đang ở cách đó khoảng trăm bước. Nhưng chúng ta nghĩ là Quốc tế 4-8818 sẽ không phản chúng ta, còn Liên hiêp 5-3992 thì không biết gì. Thế nên chúng ta nhìn ngay mặt Kim Nhân, chúng ta thấy bóng của đôi hàng mi trên gò má trắng trẻo của họ, và cả ánh mặt trời lóng lánh trên môi họ. Chúng ta nói:
"Ngươi đẹp lắm, Tự do 5-3000"
Khuôn mặt họ không chút động tịnh, mà đôi mắt họ cũng chẳng hề chớp. Chúng chỉ mở lớn, cho chúng ta thấy có hào quang chiến thắng trong đó, và đó không phải là sự chiến thắng đối với chúng ta, mà là đối với những điều mà chúng ta không thể đoán biết.
Thế rồi họ hỏi:
"Ngươi tên gì?"
"Bình đẳng 7-2521," chúng ta đáp.
"Ngươi không giống như những người đồng chí của chúng ta, Bình đẳng 7-2521, mà chúng ta cũng chẳng muốn ngươi như thế."
Chúng ta không thể nói ra được họ có ý gì, vì không có lời lẽ nào dành cho ý nghĩa của họ, nhưng chúng ta biết chúng mà không cần ngôn từ, và lúc đó thì chúng ta đã biết.
"Ừ," chúng ta trả lời, "mà ngươi cũng chẳng phải như mấy người chị em của ngươi."
"Nếu phải tìm chúng ta trong số bọn họ, liệu ngươi có nhận ra chúng ta không?"
"Chúng ta sẽ nhận ra ngươi, Tự do 5-3000, nếu như phải tìm trong số bọn họ."
Rồi họ hỏi:
"Những người Phu quét đường được gửi tới những nơi khác nhau trong thành phố hay là cứ sẽ làm hoài một chỗ?""
"Họ luôn làm hoài một chỗ," chúng ta đáp, "và sẽ không có ai lấy chỗ làm trên con đường này của chúng ta cả."
"Ánh mắt của ngươi," họ nói, "không giống như của mấy người kia."
Hốt nhiên không hiểu duyên cớ gì mà một ý nghĩ chợt đến khiến chúng ta thấy lạnh, thật lạnh, lạnh thấu tận trong tim.
"Ngươi bao nhiêu tuổi?" chúng ta hỏi.
Chừng như họ hiểu thấu ý nghĩ trong chúng ta, vì đôi bờ mi ấy đã vội cụp ngay xuống.
"Mười bảy," họ thì thầm.
Rồi chúng ta thở hắt ra, như thể muốn trút đi một gánh nặng, vì đương không chúng ta lại nghĩ về Lâu đài Phối giống. Và chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không để cho Kim Nhân bị đem tới đó. Làm sao để ngăn điều đó, làm sao để cản Hội đồng làm như vậy, chúng ta cũng không biết, nhưng chúng ta biết chắc chắn mình sẽ. Chỉ duy có một điều chúng ta không biết là tại sao ý nghĩ như thế lại đến với chúng ta, vì những chuyện ghê tởm đó chẳng có liên quan gì tới chúng ta và Kim Nhân. Liệu chúng có thể liên can gì chứ?
Dù sao mặc lòng, chúng ta cứ đứng đó cạnh bên hàng cây, không nguyên cớ gì nhưng chúng ta thấy mình đang cắn chặt môi trong nỗi căm ghét, một nỗi căm ghét bất chợt đối với tất thảy các đồng chí của mình. Rồi Kim Nhân trông thấy điều đó, và chỉ khẽ mỉm cười, trong nụ cười đó phảng phất một nỗi buồn đầu tiên mà chúng ta từng trông thấy. Chúng ta nghĩ đó là do sự thông tuệ của phụ nữ đã khiến Kim Nhân hiểu thấu được nhiều hơn những gì chúng ta có thể hiểu.
Rồi ba người chị em khác trên cánh đồng xuất hiện, họ đang đi về phía con đường, cho nên Kim Nhân phải bước tránh xa chúng ta. Họ lấy chiếc túi hạt giống, vừa đi vừa tung những nắm hạt giống xuống các luống cày. Thế nhưng đám hạt giống tung bay như điên dại, vì đôi tay Kim Nhân đang run rẩy không thôi.
Vậy nhưng khi trở về Nhà Phu quét đường chúng ta cảm giác như cứ muốn hát to lên mà không rõ duyên do. Thế là đêm nay, trong nhà ăn, chúng ta đã bị nhắc nhở vì không hề biết rằng mình đang hát to lên một giai điệu mà chúng ta chưa nghe bao giờ. Tuy nhiên hát không có lý do gì, trừ khi là ở các cuộc họp xã hội, là không phải phép.
"Chúng ta hát vì chúng ta thấy vui," chúng ta trả lời một trong số các Hội đồng viên của Nhà Phu Quét đường, là người đã nhắc nhở chúng ta.
"Đương nhiên là ngươi phải thấy vui rồi," họ nói, "làm sao con người chúng ta có thể không vui được khi họ đang sống vì đồng chí của họ chứ?"
Và giờ đây, ngồi trong đường hầm của mình, chúng ta phân vân về những lời này. Như vậy là vui cũng bị cấm. Bởi vì, như họ đã giải thích với chúng ta, con người thì được tự do và trái đất thì thuộc về họ; mọi thứ trên trái đất này đều thuộc về toàn thể loài người; và ý nguyện của toàn thể loài người được sống cùng nhau là tốt cho tất cả; và như vậy là con người chúng ta ai ai cũng phải vui.
Vậy mà hàng đêm khi chúng ta đứng trong sảnh lớn để thay đồ đi ngủ, chúng ta thường ngước nhìn những người đồng chí xung quanh mà lòng cứ mãi phân vân. Đầu họ cúi gục. Mắt họ âm u và không bao giờ nhìn vào mắt người khác. Những đôi vai so rụt, các múi cơ buông chùng, như thể toàn bộ châu thân họ đang co rút lại trong nỗi ước ao được thoát khỏi mắt nhìn của xung quanh. Khi nhìn họ, chúng ta chỉ thấy duy nhất một điều lướt qua trong trí, đó là sự sợ hãi.
Có một nỗi sợ treo lơ lửng trong không trung, trong mấy sảnh ngủ, trên các nẻo đường. Nỗi sợ rảo khắp thành phố, nỗi sợ không tên, không hình dong. Ai ai cũng cảm thấy nó và không ai dám nói ra.
Chúng ta cũng cảm thấy nó nữa, khi chúng ta ở trong Nhà Phu Quét đường. Nhưng ở đây, trong đường hầm của mình, chúng ta không hề cảm thấy nó. Không khí dưới lòng đất này thật trong trẻo. Không hề có mùi người. Và ba giờ đồng hồ ở đó cho chúng ta sức mạnh đương đầu với nhiều giờ trên mặt đất kia.
Cơ thể chúng ta đang phản bội chúng ta, vì Hội đồng Nhà bắt đầu nhìn chúng ta dò xét. Thật là không tốt nếu cảm nhận được quá nhiều niềm vui tươi hay hoan hỉ khiến cơ thể chúng ta hừng hực niềm vui sống. Bởi vì chúng ta không bận tâm và cũng không có gì làm bận tâm chúng ta về việc mình sống hay chết, cũng như vậy thôi đối với các đồng chí của chúng ta. Nhưng chúng ta, Bình đẳng 7-2521, đang vui sống. Nếu đó là một kiểu phạm giới, thì chúng ta ước mình là thứ vô đạo.
Nhưng các người đồng chí thì không như chúng ta. Tất cả đều không được lành mạnh. Như Huynh đệ 2-5503, một chàng trai lặng lẽ với đôi mắt thông minh tử tế, cứ thường đột nhiên khóc lên với chẳng nguyên cớ gì, bất luận là giữa đêm hay ngày, và khi đó cả người họ cứ run lên nức nở mà họ không sao giải thích được. Như Đoàn kết 9-6347, một chàng trai trẻ mặt mày sáng láng, không hề biết hãi sợ vào ban ngày; nhưng hàng đêm trong giấc ngủ họ thường hay hét lớn, "Cứu chúng ta, cứu chúng ta với!" bằng một giọng hét khiến chúng ta kinh dị tới tận xương, nhưng không bác sĩ nào chữa cho Đoàn kết 9-6347nổi.
Và, vào ban đêm, khi tất cả chúng chúng ta thay đồ dưới ánh nến mờ ảo, tất cả các đồng chí của chúng ta đều thinh lặng, vì họ không dám nói ra ý nghĩ trong đầu. Vì tất cả mọi người đã phải đồng ý với nhau về tất cả mọi điều, và họ không thể biết là ý nghĩ của họ có phải là ý nghĩ của tất cả mọi người hay không, nên họ sợ phải nói ra. Và họ thấy mừng khi nến được thổi tắt, nhường chỗ cho bóng đêm. Nhưng chúng ta, Bình đẳng 7-2521, nhìn qua ô cửa sổ, để thấy bầu trời tĩnh lặng, yên bình và thanh khiết trên cao. Và xa phía sau thành phố là thảo nguyên, xa khỏi thảo nguyên đen thẳm nối với bầu trời đen kịt là Rừng Hoang.
Chúng ta không hề muốn nhìn dõi tới Rừng Hoang. Chúng ta cũng chẳng muốn nghĩ tới nó. Nhưng mỗi lần nghĩ tới mắt chúng ta lại như muốn quay nhìn lại dải màu đen thẫm cuối chân trời ấy. Người ta không bao giờ đi vào Rừng Hoang, vì không hề có quyền năng để khám phá nó và cũng chẳng có lối đi nào dẫn đường giữa đám cổ thụ sừng sững như những tên lính canh giữ những bí mật đáng sợ. Người ta thì thầm với nhau rằng, từ hàng trăm năm trước có đôi lần có những người trong thành phố đơn phương bỏ trốn, chạy vào Rừng Hoang. Những người đó không bao giờ trở lại. Họ đã chết mất xác vì đói và vì nanh vuốt của những loài quái thú lang thang trong rừng. Nhưng Hội đồng nói, đó chỉ là một truyền thuyết. Chúng ta nghe nói là, có nhiều nhiều nữa những Rừng Hoang như thế trong thành phố. Và có những lời thì thầm cho rằng chúng đã mọc lên từ tàn tích của nhiều thành phố thuộc thời đại Bất khả Luận bàn. Cây cối nuốt chửng phế tích cùng những tro xương bên dưới, và tất cả đều bị hủy diệt.
Thế rồi mỗi khi chúng ta dõi nhìn về Rừng Hoang ở phía xa kia, chúng ta thường hay nghĩ về những bí mật của những thời đại Bất khả Luận bàn. Và chúng ta tự hỏi, tại sao thế giới lại đánh mất những bí mật đó. Chúng ta được nghe nhiều truyền thuyết về trận chiến vĩ đại, trong đó một phe thì có rất nhiều người trong khi phe kia ít người hơn nhiều. Phe ít người là Kẻ Ác, và chúng bị chinh phục. Thế rồi những ngọn đại hỏa lướt qua khắp miền. Và trong những ngọn lửa này bọn Kẻ Ác đã bị thiêu rụi. Và ngọn lửa ấy được mang tên Bình minh của thời đại Tái sinh, là ngọn lửa Bản thảo vốn đã thiêu rụi toàn bộ bản thảo của Kẻ Ác, và do đó tiêu hủy vĩnh viễn những ngôn từ của Kẻ Ác. Những ngọn lửa vĩ đại đã hừng hực nơi các quảng trường của các thành phố trong ba tháng, rồi sau đó là thời kỳ Đại Tái Sinh.
Từ ngữ của bọn Kẻ Ác… Từ ngữ của thời kỳ Bất khả Luận bàn… Chúng ta đã đánh mất những từ ngữ nào vậy?
Cầu xin Hội đồng xá tội cho chúng ta. Chúng ta không hề có ước muốn viết ra câu hỏi như thế, và chúng ta không hề biết mình đang làm gì cho tới khi viết chúng ra. Chúng ta không được hỏi câu hỏi này và không được suy nghĩ về nó. Chúng ta không được gọi tên cái chết trên đầu mình.
Ấy vậy mà… Vậy mà…
Có một từ nào đó, một từ đơn lẻ không hề có trong ngôn ngữ loài người, nhưng nó đã từng là. Đó là cái từ Bất khả Thốt, mà không một ai có thể nói hay nghe được. Nhưng có một lúc nào đó, rất họa hoằn, có một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, có một ai đó đã tìm thấy cái từ ấy. Họ đã phát hiện thấy nó trên những mẩu bản thảo cũ hoặc được khắc trên những mảnh đá cổ. Nhưng khi nói cái từ ấy ra họ đã bị đưa đi xử tử. Không có tội lỗi nào bị trừng trị đến xử tử trong thế giới này, ngoại trừ tội nói ra cái từ Bất khả Thốt đó.
Chúng ta đã từng mục kích một người như thế bị thiêu sống ở quảng trường thành phố. Và hình ảnh đó cứ mãi lưu lại trong chúng ta qua từng ấy năm, nó đeo bám, ám ảnh chúng ta, không cho chúng ta được một lúc nào ngơi. Lúc đó chúng ta chỉ là một đứa bé con mười tuổi. Và chúng ta đã đứng ở quảng trường lớn cùng với toàn bộ trẻ con và người lớn trong thành phố, được đưa tới đây để làm lễ thiêu. Họ mang kẻ Tội đồ vào quảng trường rồi dẫn lên giàn hỏa. Người ta đã kéo lưỡi Kẻ tội đồ để họ không còn nói được nữa. Kẻ Tội đồ là một thanh niên cao lớn, với mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh biếc như bầu trời ban mai. Họ bước lên giàn hỏa không chút ngần ngừ. Và với những mặt người từ khắp các nơi trong quảng trường, những khuôn mặt cau có, la hét, vung ra những lời nguyền rủa cay độc về phía họ, vẻ mặt họ vẫn ngời sáng một niềm hạnh phúc điềm tĩnh vô bờ.
Lúc những sợi xích sắt quất vụt lên khắp tầm thân đang bị trói chặt vào cột, và ngọn lửa bắt đầu bùng lên trên giàn thiêu, Kẻ Tội đồ ngó nhìn khắp cả thành phố. Một vệt máu rỉ ra từ khóe miệng, nhưng đôi môi họ vẫn mỉm cười. Bỗng dưng một ý nghĩ khủng khiếp thoáng qua, và cứ còn đọng mãi trong chúng ta. Chúng ta nghĩ về các Thánh. Chúng ta đã có Thánh Lao động, Thánh Hội đồng, và các thánh của thời Tái Sinh. Thế nhưng chúng ta chưa bao giờ trông thấy Thánh, cũng như chưa hề biết một vị Thánh là phải như thế nào. Lúc đó, đứng nơi quảng trường, chính gương mặt mà chúng ta đang nhìn thấy trước mặt mình chập chùng trong đám lửa, khuôn mặt của kẻ Tội đồ đối với Từ Bất Khả Thốt, đã khiến chúng ta nghĩ tới Thánh.
Khi ngọn lửa bùng lên, có một việc xảy ra mà không ai khác thấy trừ chúng ta, nếu không chúng ta đã không còn được sống tới hôm nay. Có lẽ nó chỉ xảy đến cho riêng chúng ta. Đối với chúng ta dường như đôi mắt của Kẻ Tội đồ đã chọn chúng ta trong đám đông hôm ấy để nhìn thẳng vào mắt chúng ta. Trong đôi mắt ấy không hề có chút đau đớn hay chút nhận thức nào về nỗi đau xác thịt. Chỉ có trong đó một niềm hân hoan, và tự hào, niềm tự hào thiêng liêng hơn cả niềm tự hào làm người. Và dường như đôi mắt ấy đang cố nói gì đó với chúng ta qua ngọn lửa, để gửi vào mắt chúng ta một từ gì đó không thanh âm. Và dường như đôi mắt ấy đang van nài chúng ta gìn giữ cái từ ấy, đừng để nó trôi vuột khỏi chúng ta và khỏi trái đất này. Nhưng ngọn lửa đã dâng cao trước khi chúng ta kịp đoán được từ ấy…
Cái từ ấy là gì - trong chúng ta cứ mãi cháy bỏng câu tự vấn, dẫu chúng ta có phải bị thiêu như vị thánh giàn hỏa kia, chúng ta cũng vẫn cứ muốn biết, cái từ Bất Khả thốt ấy là gì vậy?
Bài Ca Tư Tưởng Bài Ca Tư Tưởng - Ayn Rand Bài Ca Tư Tưởng