Số lần đọc/download: 2959 / 181
Cập nhật: 2015-09-11 19:41:20 +0700
Chương 2 Một Ngày Kỳ Lạ
Đ
úng vào hôm đám cưới bạn tôi, trời mưa tầm tã từ sáng.
Vì phải chuẩn bị đi dự nên cực chẳng đã, tôi phải dậy từ tám giờ, giữa một buổi sáng u ám trong tiếng mưa rơi, uể oải bước dọc hành lang trong bộ đồ ngủ rồi lần xuống bếp. Giờ này thì làm gì đã có ai dậy, sáng Chủ nhật mà..., tôi tự nhủ, với tay mở cửa bếp, và ngạc nhiên thấy Mikiko đã ở đó. Nó là đứa em họ, đang ở nhờ nhà tôi để học đại học. Có lẽ gần sáng nó mới về. Mái tóc mới gội còn ướt, nó ngồi xoay lưng về phía tấm kính mờ hơi nước, hai khuỷu tay chống xuống mặt bàn, đỡ lấy khuôn mặt buồn ngủ rũ.
- Chị dậy sớm thế? Mikiko hỏi.
- Em về lúc mấy giờ thế? Tôi hỏi lại.
- Bảy giờ. Em đang định đi ngủ đây. Nó trả lời.
Phải nói là tôi rất thích khuôn mặt nó. Mắt, mũi, miệng, tất cả đều xinh xắn và cân đối. Mikiko là con gái của dì tôi. Nó có tất cả những nét mà tôi thích ở khuôn mặt những người bên họ nhà mẹ. Chỉ nhìn mặt mà nhận ngay ra họ hàng quả cũng là một điều gì đó thật kỳ lạ. Tôi bật tivi lên. Đúng vào mục dự báo thời tiết và người dẫn chương trình đang thao thao nói về cơn mưa lúc này. Nghe tiếng mưa rào rào từ bên ngoài vọng vào, bất chợt tôi có cảm giác mình đang bị nhốt dưới một đáy hang sâu nào đó và đang xem một chương trình bí mật, như thể cơn mưa này sẽ không bao giờ dứt và tôi sẽ cứ phải ở đây mãi như thế này, trong rã rời và chán nản.
- Sao hôm nay lại dậy sớm thế, chị Saku? Mikiko hỏi.
- À, hôm nay cưới Yoko mà! Tôi đáp.
- Ô, thế à? Với anh Hasegawa phải không? Mikiko hỏi tiếp.
- Ừ, họ đợi suốt cả mùa xuân dài rồi...
- À, mà hình như Yoko cũng đang đi làm nhỉ?
- Có đấy! May mặc gì đó. Thế nên nghe đâu cô ấy tự may váy cưới cho mình đấy.
- Ôi, thế cơ à?
- Đêm nào cũng thức khâu váy cưới nên hôm trước điện thoại, nghe giọng cô ấy có vẻ mệt mỏi lắm. Chắc cũng vì cảm thấy không thoải mái lắm nên cô ấy bảo trước ngày cưới sẽ còn đi nghe buổi biểu diễn của ban Moon Riders (một ban nhạc rock của Nhật, thành lập năm 1976 - ND) nữa kia. Có lẽ tại yêu nhau lâu quá cũng nên!
- Kỳ lạ thật. Cô ấy lúc nào cũng khó hiểu thế nhỉ! Mikiko nói.
Yoko là bạn học cấp ba của tôi. Có một dạo, hai đứa cùng thích một cậu bạn trai nên cũng hơi ngại mặt nhau đôi chút (dù rằng cuối cùng, tôi là người chiến thắng), rồi sau đó tôi có đến ngủ lại ở nhà cô ấy và nói chuyện thâu đêm. Cô ấy có nuôi trong nhà một con chó to, có cái tên rất lạ và tối đó tôi vuốt ve nó khá nhiều. Sau đó, cậu em trai còn lấy xe đưa tôi về tận nhà. Tôi vẫn còn nhớ hương vị tuyệt vời của món Spaghetti sốt trứng cá tuyết mẹ cô ấy nấu. Lần nào đến chơi, tôi cũng thấy Yoko ngồi ở phía bàn đối diện, và lần nào cũng luôn tay đan một thứ gì đó. Phải nói rằng cô ấy rất khéo tay, rất rất khéo tay, đến mức mà cho dù có chán nản hay phiền não chuyện gì đi chăng nữa, đôi bàn tay ấy cũng không lúc nào ngừng chuyển động một cách nhịp nhàng, thanh thoát, theo một trật tự nhất định cứ như một phép màu. Một vẻ thanh thoát chỉ có ở đôi tay tượng Đức Mẹ Maria màu trắng mà ta thường thấy trong các nhà thờ. Vậy mà khuôn mặt cô ấy khi có chuyện khó chịu lại luôn tỏ vẻ hằn học không che đậy. Thêm vào đó, những lúc ở nhà, cô ấy không dùng kính áp tròng mà đeo kính gọng bạc khiến khuôn mặt thêm vẻ bướng bỉnh ngang ngạnh, song chính điều đó lại tạo nên một vẻ dễ thương kỳ lạ. Tôi cảm thấy đằng sau dáng vẻ ấy một sự dẻo dai hiếm có. Mỗi lần lơ đãng quan sát cô ấy, tôi lại thấy hạnh phúc, dù chẳng bao giờ tôi nói với cô ấy điều đó.
- Chị Yoko ấy kể cũng buồn cười. Chị còn nhớ chuyện ấy không? Mikiko hỏi.
- Hồi nào?
- Thì đó, cái dạo chị ấy yêu một anh chàng hay ghen đó... Hai người uống trà với nhau mà mặt thì như đưa đám đấy thôi.
- À, nhớ rồi. Chuyện "đười ươi" chứ gì? Tôi cười.
Mikiko cũng đã nhớ ra, cười ngặt nghẽo nói:
- Em vẫn nhớ chị ấy nói: "Anh ấy lúc nào cũng chỉ muốn giữ tớ như con đười ươi trong cũi thôi", với vẻ mặt rất nghiêm trọng.
- Chắc chắn là một phép ẩn dụ nhầm!
- Dám cá là chị ấy định nói "con chim ở trong lồng" cơ!
Hai chúng tôi còn cười thêm một lúc nữa mới thôi. Chuyện tuy đã xa nhưng là một ký ức ngọt ngào. Uể oải vì cơn mưa và cơn ngái ngủ nhưng chính nhờ thế mà lâu lắm rồi, tôi mới lại cảm thấy được là chính mình. Mikiko bắc ấm lên bếp, vẫn chưa dứt cười. Giây lát, cả căn phòng tràn ngập mùi hương trà nhài đậm đặc.
Vậy là tôi đang ở đây với chính tôi, trong một buổi sáng ướt mưa, với thực tại và cả dĩ vãng, cảm nhận cái hương vị dễ chịu của cảm giác thư thả hơi trống rỗng như đang ngấm vào mình.
- Bên ngoài tối quá nhỉ! Tôi nói.
- Có ai bảo mới ba giờ sáng chắc em cũng tin!
- Không biết còn gì ăn không nhỉ?
- Còn bánh bích-quy, xúp tương và sườn lợn chua ngọt từ tối qua.
- Được rồi! Chị sẽ ăn B và C trước, còn A làm món tráng miệng.
- Đằng nào chị chẳng ăn tiệc cơ mà!
- Nhưng còn buổi lễ trước đó nữa.
- Thế thì đói chết mất. Đúng là chị nên ăn lót dạ một chút đi. Em cũng ăn một ít vậy.
- Ừ, vậy thì ăn nào. Tôi hồ hởi.
Mikiko lấy ra mấy hộp đồ ăn bọc ni-lông và cho vào lò vi sóng. Cứ thấy một phụ nữ đứng trong bếp là tôi lại cảm thấy mình sắp nhớ ra một điều gì đó, một điều gì đó thật buồn, như bóp chặt lấy lồng ngực, và nhất định liên quan đến cái chết, đến cả việc tôi được sinh ra trên cõi đời này nữa.
- Chị nghe về vụ giết người chưa? Mikiko bất ngờ hỏi, vẫn quay lưng lại.
- Sao? Gì cơ? Quá ngạc nhiên, tôi hỏi lại.
- Cả ngày hôm qua mọi người chỉ nói mỗi chuyện đó thôi mà. Mikiko đáp.
Cái kiểu trả lời thản nhiên trong khi vẫn đều tay bắc nồi xúp tương lên bếp khiến tôi cảm giác như mình đang nghe tiếng vọng kỳ quái trong một cơn ác mộng.
- Chị đi làm về thì mọi người đã ngủ rồi còn đâu! Làm sao mà biết được?
- Chị Miyamoto nhà ở đầu phố giết một người đàn ông đấy! Mikiko nói.
- Sao cơ?
Tôi biết cô ấy. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau ở gần nhà. Ăn mặc rất giải dị nhưng cô ấy là một phụ nữ đẹp và mỗi khi tôi chào, bao giờ cô cũng cười đáp lại "Chào chị!". Cô thường mặc một chiếc áo len màu xanh đậm, có hai đường viền trắng ở ống tay, khiến mỗi lần trông thấy, tôi lại nghĩ thầm "Sao trông giống hình xăm của phạm nhân thời Edo thế!".
- Chuyện thế nào? Tôi hỏi.
Mikiko kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi, hơi rướn người ra trước và nói:
- Nghe đâu chị ấy cảm thấy đầu óc không được bình thường thì phải. Thành ra khi bị bạn trai chia tay, chị ấy không kiềm chế được nên đã đâm người ta. Bố chị ấy mất cũng lâu rồi. Hình như hồi trước bác ấy làm tổ trưởng tổ dân phố gì đó. Chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Chính chị ấy cũng cắt cổ tay tự tử nhưng may mà mẹ chị ấy về kịp.
- Sao em biết rõ như xem phim truyền hình thế? Tôi bất giác phì cười.
- Thì bác gái kể cho em chứ sao? Mikiko đáp.
- Thảo nào!
Mẹ tôi vốn thích nghe những chuyện như thế mà.
Lò vi sóng kêu "tinh" một tiếng. Tôi đứng dậy, bóc lớp ni-lông nóng bọc món sườn lợn chua ngọt và hỏi:
- Người đàn ông đó bao nhiêu tuổi?
Sao tôi lại hỏi câu đó nhỉ? Nhưng câu trả lời đã làm rõ thêm ý đò của câu hỏi.
- Úi chà! Chỉ mới hai mốt thôi! Mà chị Miyamoto thì gần bốn mươi rồi còn gì! Mikiko nói.
- Đúng là chuyện dây cà dây muống.
Bữa ăn đã chuẩn bị xong. Hai chúng tôi yên lặng ngồi ăn cùng nhau một lúc. Trong ít phút, tôi như hóa thân thành Miyamoto và nghĩ về cuộc đời chị ấy. Dù cùng nhìn một góc phố nhưng có lẽ cảm nhận của chị ấy khác với một kẻ vốn bình thản như tôi.
- Gần đây cũng ít thấy chị ấy nhỉ!
- Chắc em không biết chứ hồi trước, chị ấy đẹp nức tiếng khu này đấy.
- Chả biết sao lại ra nông nỗi ấy cơ chứ!
- Đời người đúng là chẳng biết trước được!
Nghĩ lại thì thấy đúng là hình ảnh Miyamoto đối với tôi hồi bé không khác gì "chị hàng xóm của Sazae" (Tên một nhân vật Manga nổi tiếng của Nhật), "ở nhà bên, hơn vài tuổi và rất xinh". Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hồi nhỏ thường thấy chị ấy khoác tay bố đi qua nhà. Tất cả như chợt ùa về. Giờ thì bố tôi đã mất rồi, nhưng hồi ấy, đầu óc con trẻ của tôi thường tự hỏi, khi đã lớn thế rồi liệu mình có còn cùng bố đi đâu không nhỉ. Tôi nhớ lại cả việc mình vừa nghĩ thế vừa ngước nhìn cằm bố. Tôi đâu biết tất cả những chuyện đó rồi sẽ biến mất khỏi cuộc đời này trước cả tôi, đâu biết chị Miyamoto rồi sẽ có ngày này. Kể cũng lạ.
- Những ngày mưa lại nhớ hồi còn bé nhỉ! Mikiko bỗng nói sang chuyện khác.
- Ờ, chị biết cảm giác đó.
Tôi khẽ gật đầu. Quả giống hệt những gì tôi đang nghĩ. Ngày xưa có lẽ đã có thời tôi không ghét mưa đến vậy. Cái thời mà mưa mang đến sự tươi mới, và tôi nhìn vạn vật khác ngày thường trong niềm vui sướng.
- Tự dưng thấy nhớ ngày xưa quá. Mikiko nói.
Trong từ "nhớ ngày xưa" ấy, có một âm điệu như một tia sáng chói khiến người ta phải nheo mắt lại.
° ° °
- Ồ, Sakumi! Trông cậu khác quá!
- Sao? Thật thế á?
- Không nhìn kỹ khéo không nhận ra mất!
- Còn tớ cứ tưởng người nhà chú rể!
Giữa phòng tiệc lớn trang hoàng lấp lánh, nghe các cô gái trẻ ăn mặc diêm dúa, với bộ mặt trang điểm trắng xóa nói vậy, tôi bỗng có một trâm trạng rất lạ, như thể vừa miễn cưỡng, vừa hàm ơn khi bị nhắc nhở những điều răn nơi thượng giới.
- Thế cơ à!
Nghe tôi nói vậy, tất cả đều gật đầu.
- Không phải xinh hơn sao, các cậu? Tôi nửa đùa nửa thật hỏi lại.
- Không, không phải thế! Tất cả lại nhao nhao lên khiến tôi im bặt.
- Chỉ là trông khác đi thôi.
- Vậy à? Tôi đáp và im lạng.
Tôi nhìn khuôn mặt của đám bạn cũ đang ngồi quây quanh những chiếc bàn tròn, ngời sáng và tràn đầy hy vọng. Chỉ riêng vẻ đẹp đẽ và tươi trẻ trên đó đã đủ nói lên hai từ tương lai nơi họ, những con người như hoàn toàn xa lạ trong những bộ cách chỉnh tề, nhưng nhìn gương mặt họ, những gương mặt vẫn mộc mạc như thuở nào, tôi vẫn thấy thân thuộc hơn bất cứ ai.
° ° °
Cô dâu đã ngồi vào chỗ của mình, với một nét mặt vô cùng nghiêm trang. Chú rể thì cứ nhìn mãi vào hai bàn tay mình, nghiêm trang không kém. Tôi vốn biết quá rõ khuôn mặt họ những lúc bình thường nên cảm thấy rất buồn cười. Trông họ như đang thò mỗi khuôn mặt vào ô chụp hình khi đang chụp ảnh lưu niệm tại một điểm tham quan nào đó. Nhưng, tôi nghĩ thầm, quần áo đúng là đồ tự may thật. Có lẽ cô ấy đã khâu nó sau cái bàn nhỏ đằng kia, với khuôn mặt béo tròn lị xị. Nghĩ thế, lần đầu tiên trong ngày, tôi thấy xúc động.
Phòng tiệc lúc đó im phăng phắc vì một bài diễn văn dài trước khi nâng cốc. Đúng lúc tôi lơ đễnh với cái bụng sôi òng ọc, bó cứng người trong bộ cánh và cảm thấy chán ngấy mọi thứ thì bỗng nhiên tôi cảm thấy mình sắp nhớ ra một điều gì đó. Gì vậy nhỉ, tôi cố nghĩ, dù lúc ấy thấy buồn chán chết đi được, nhưng sau nghĩ lại lại cảm thấy yêu nó đến phát cuồng. Và ngay lúc đó, tôi nhớ ra. Đó là những cơn ngủ gật trong giờ học hồi còn ngồi chung lớp với tất cả các thành viên đang có mặt ở ngay đây.
Bài phát biểu với nội dung chắc chắn chẳng ai muốn nghe của diễn giả, cái giọng trầm trầm đều đều và tiếng vọng của nó lên trần nhà cao không khác nào một thước phim hồi tưởng những tiết học chiều. Choàng tỉnh dậy sau khi ngủ thiếp đi trong phòng học ngập ánh nắng chiều, trong giây lát, tôi không biết mình đang ở đâu. Rồi sau đó nhận ra giọng nói đều đều của thầy giáo, vẫn đang tiếp tục câu chuyện với một âm lượng giống hệt như trước khi tôi mơ màng thiếp đi. Ngoài âm thanh đó ra, tuyệt nhiên không còn một tiếng động nào khác, cứ như thể tất cả đã được sắp đặt từ trước để thưởng thức sự tĩnh lặng này. Mùi gỗ khô, ánh sáng ngập tràn, những tán lá xanh ngoài cửa sổ. Những con người đang cùng có mặt ở đây, những người bạn thân thiết bằng tuổi. Không gian vỡ òa mỗi khi đến giờ nghỉ. Ánh sáng phản chiếu từ những chiếc nắp bút nhảy nhót trên trần nhà, và tất cả nín lặng cùng chờ đợi tiếng chuông báo hết giờ sau chừng mười phút nữa. Cái điểm chung kỳ diệu đó, một khi đã ra khỏi đây, chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại với tất cả những con người đang ngồi trong này. Tất cả không gian này chứa đựng thông điệp đó, như một làn hương nhẹ. Tôi cảm thấy thế, như những luồng sáng thấm qua ký ức.
Cuối cùng thì tiệc cũng bắt đầu. Say mềm vì sâm banh, bia, vang đỏ và món mì trộn rau, tôi chỉ biết nhìn chằm chặp vào gấu váy cô dâu mỗi khi nó bị kéo lê trên sàn nhà trước mặt. Rất nhiều hạt cườm lấp lánh, những đường thêu cầu kỳ, rất đẹp. Bố của cô dâu mang khuôn mặt rất khó tả. Không phải như sắp khóc, cũng không phải rầu rĩ. Trông như một khuôn mặt đang nhìn ra xa đâu đó. Và hình ảnh chị Miyamoto lại lướt qua trong đầu. Kể cũng lạ vì đâu phải chỗ quen thân gì.
Tôi không còn bố. Không biết nếu bố còn sống thì sẽ nghĩ gì về tai nạn của tôi, về cái chết của Mayu, khuôn mặt ông những lúc ấy trông sẽ thế nào nhỉ? Nghĩ mãi chẳng ra, tôi dỏ dở ý nghĩ đó. Người chết chỉ để lại những tình cảm dịu dàng trong lòng ta. Nhưng ký ức không phải là chính con người ấy nên dù là chuyện có thật trước đây cũng trở nên rất xa vời, xa đến mức ta gần như không còn thấy rõ nữa. Vẫn vẫy tay. Vẫn mỉm cười. Nhưng không nhìn rõ nữa...
Về đến nhà tôi ngủ một chập. Lúc tỉnh dậy, mưa đã tạnh. Đêm. Căn phòng mờ tối thật buồn. Những lúc như thế này, tôi luôn có tâm trạng rất lạ. Đêm xuống tự khi nào. Tôi cảm thấy như thể mình quên nói với ai một điều gì đó trong giấc mơ. Trong một chốc, tôi nằm thượt ra như con cá bị sóng đánh dạt lên mép nước, lặng ngắm khung cửa sổ. Lát sau, tôi đứng dậy, bước ra cửa. Vừa mở cửa ra, tôi gặp ngay cậu em trai đang đứng đó.
- Tối nay có món cơm trộn thập cẩm của cô Junko đấy. Mọi người ăn hết cả rồi. Thằng bé nói.
- Vụ tiểu thuyết dạo này sao rồi? Vẫn viết đều đấy chứ?
- Bây giờ em viết nhật ký. Nó trả lời.
- Thế chủ đề hôm nay là gì? Tôi hỏi.
- Hôm nay... em nghĩ về chuyện ngày xưa. Nghĩ mãi.
- Những chuyện hồi em còn bé sao?
- Vâng. Về bố. Về những chuyện trước cả khi chị bị ngã nữa.
- Tại sao chứ? Tôi ngạc nhiên.
- Có lẽ tại trời mưa! Nó nói.
- Em còn nhỏ mà cảm nhận tinh ðấy! Tôi bật cýời. Giống hệt chủ ðề của chị hôm nay ðấy!
Thằng bé hơi ngượng nghịu nhưng tỏ ra rất vui.
- Mà này, em thích chị trước khi bị ngã hơn hay chị bây giờ hơn?
Dù biết hỏi một đứa trẻ một câu hỏi như thế cũng chẳng ích gì, nhưng tôi vẫn hỏi rất thật lòng. Tôi co cảm giác "câu trả lời" sẽ đơn giản đến bất ngờ. Không phải đến từ thằng bé, mà từ một nơi nào đó thông qua nó.
- Hồi đó em còn nhỏ quá nên không nhớ nữa.
Thằng bé trả lời lãng xẹt khiến tôi thất vọng.
- Kể cũng phải. Tôi nói.
- Nhưng em sẽ luôn ở bên chị Saku bây giờ. Nó nói.
Phải, tôi biết mà. Đúng là hai tâm hồn đồng điệu, tôi nghĩ.
Những dữ liệu như sóng điện từ đã thông qua giấc ngủ của tôi và truyền sang đầu óc nó, bằng một cách nào đó, nay lại đang sử dụng những suy nghĩ ngây thơ của thằng bé như một loại công cụ tạm thời. Hay phải chăng, không phải vì chúng tôi cùng một nhà, mà bởi cả tôi, em tôi, và kể cả những người tôi chưa từng gặp, kể cả chị Miyamoto đều có một mối kết nối nào đó với nhau? Và giữa cơn mưa này, tất thảy đều đang chuyển động lại qua trong cùng một vũ trụ ngái ngủ?
- Thôi được rồi! Vì em đã coi chị là người lớn nên làn tới để chị đưa em đi uống trà ở Charter nhé!
- Đã quá! Thằng bé mừng quýnh.
Tôi chào nó và theo cầu thang xuống dưới. Mấy bữa liền thức ngủ tùy tiện, tôi cảm thấy bải hoải. Sáng tỉnh dậy với cái đầu ngái ngủ nặng trịch, tôi có cảm giác chỉ ở trong bếp mới nhẹ nhõm được. Cũng có thể đám cưới là nơi xa hoa khiến người ta cảm thấy hơi lâng lâng.
Sáng hôm đó, trong bếp là cô Junko, giống như sáng hôm trước là Mikiko.
- Úi chà! Cháu dậy giờ này à? Cô hỏi với một vẻ dịu dàng.
- Vâng. Cháu xuống để ăn món cơm trộn thập cẩm. Tôi nói.
- Vẫn còn nhiều lắm đấy. Cô Junko hồ hởi nói.
- Mẹ cháu đâu ạ?
- Đi chơi với bạn rồi.
- Thế ạ? Tôi khẽ nghiêng đầu.
Cô Junko bắt đầu dọn cơm ra.
Chẳng nghĩ ngợi gì, tôi đưa tay với lấy cuốn an-bum trên giá sách dưới tivi. Hồi trước, khi trí nhớ bị rối loạn nặng nhất, không biết bao lần tôi đến đây, một mình, trong phòng bếp giữa đêm khuya, lần giở cuốn an-bum này. Càng xem lại càng thấy như gần mà xa, một sự nhớ tiếc cùng cảm giác hơi sốt ruột nối đuôi nhau ập đến. Có lẽ nếu về thăm quê của kiếp trước, người ta sẽ có cảm giác giống thế này chăng, tôi nghĩ thầm. Tôi có cảm giác cô gái mang khuôn mặt của tôi cười giống tôi hơn cả tôi, cô em gái đã mất như vẫn đang kéo gấu váy của tôi. Một cảm giác xót xa, như thể cái thế giới trong cuốn an-bum mà ta không thể trực tiếp nhìn thấy đó vẫn đang đều nhịp thở của nó, ở một nơi nào đó mà ta không thể với tới được từ thế giới này. Mãi tới rất gần đây, tôi vẫn xem cuốn an-bum này với cảm giác ấy. Nhưng tối nay thì khác.
Tôi lật tìm bố.
° ° °
Bố của tôi và Mayu đã chết do tai biến mạch máu não. Trong cơn hôn mê, ông đã trút hơi thở cuối cùng ngay trước mắt chúng tôi. Nói thế này nghe có vẻ lạ tai, nhưng ông đã sống và chết một cách rất... thuyết phục. Mặc dù khá bận rộn nhưng ở ông luôn tràn đầy tình thương yêu và có lẽ ông là người xa lạ nhất với từ "hối tiếc". Đối với bố, tôi chỉ có những ấn tượng tốt đẹp. Tôi nhìn bức ảnh bố và tôi đang chơi ở bãi cát trong công viên. Thậm chí tôi vẫn còn nhớ rõ mùi của làn không khí ẩm ướt hôm ấy. Tôi xem bức ảnh cả nhà, bố, mẹ, tôi và Mayu đứng dàn hàng ngang trên bãi biển ngập nắng. Đã là quá khứ thì không thể có thêm thay đổi gì, vậy mà màu sắc của không gian đó vẫn cứ hiển hiện, rõ ràng như chính nó vẫn đang sống vậy. Tôi chợt nghĩ, biết đâu cũng trong đêm nay, chị Miyamoto cũng đang lần giở từng trang an-bum với tâm trạng giống như tôi bây giờ. Tôi cũng giống như chị, cũng chìm đắm trong quá khứ với những vết tích quá rõ ràng còn đọng lại, và hiện tại thì mông lung, bất định.
Di bút của bố trên những tấm ảnh.
Nết vẽ nguệch ngoạc của Mayu.
Tất cả đều thật kỳ ảo.
Tôi, bây giờ, đang ở đây, xem tất cả những thứ này.
- Nào! Xin mời! Cô Junko nói và bày ra cơm nóng cùng với xúp.
Tôi gấp an-bum lại.
- Trông ngon quá!
Nghe tôi nói vậy, cô Junko cười.
- Món cơm trộn là sở trường của cô mà lại!
Cô Junko đã đánh mất gia đình vì chuyện ngoại tình. Cô phải lòng một người bạn của chồng mình. Mối tình đó rồi cũng kết thúc, còn cô Junko thì ly hôn. Cô có một con gái nhưng hiện đang sống cùng với chồng cô. Và tất nhiên, ước mơ duy nhất của cô lúc này là giành được quyền nuôi con gái.
- Cháu xem an-bum à? Cô Junko hỏi.
- Vâng. Không hiểu sao hôm nay cháu lại nhớ đến bố...
- Vậy à... Cô Junko khẽ gật đầu. Xem an-bum thật buồn. Trong ảnh ai cũng trẻ hơn.
- Tất nhiên là thế rồi. Tôi đáp.
- Cô với mẹ cháu có khối ảnh từ hồi học trường nữ sinh cấp ba. Nào là ảnh trốn trường đi uống rượu đêm, nào là ảnh bộ mặt ngái ngủ khi đi du lịch ngoại khóa. Giờ nhìn lại, lạ lắm. Nhiều lúc nghĩ chẳng hiểu sao khi ấy mình lại làm thế ở đó. Cũng có chuyện nói lại mới biết, mới ngạc nhiên, nào là lần đó tớ bỏ nhà đi bụi, nào là không phải là thế này mà là thế kia. Mẹ cháu ấy, hễ cứ cười thả phanh như ngày xưa là y như rằng giữa chừng lại xịu xuống. Chắc cũng cảm nhận thấy sức nặng của tháng năm.
- Cháu nghĩ mình có thể hiểu được. Tôi nói.
Như một lá cờ căng gió tung bay, trên gương mặt mẹ tôi, quá khứ và tương lai hòa quyện vào nhau, như những nếp gấp thần kỳ.
"Nào! Nhìn đây! Thấy chưa? Ta vẫn đang ở nơi này!"
Đúng là một ngày kỳ lạ. Giữa cơn ngái ngủ, toàn những chuyện quá khứ hiện về.
Hay biết đâu, đó là do trong khu phố có người mới chết và bầu không khí dị thường đó là nguyên nhân của tất cả những chuyện này. Cũng có thể không phải vậy. Đêm nay, trên khắp thế giới này có bao nhiêu người đang chết đi, bao nhiêu người đang than khóc.
Mãi đến nửa đêm mà tôi cũng không hề buồn ngủ. Cũng tại tôi đã ngủ vào lúc chiều muộn. Thế là tôi quyết định đi mua sách và ra khỏi nhà. Hai giờ đêm. Gần nhà có hiệu sách mở cửa đến ba giờ. Một cửa hàng là quầy cho thuê băng video. Tôi mua mấy quyển tạp chí và mấy cuốn sách mới xuất bản rồi ra khỏi cửa hàng.
Không gian bên ngoài đẫm hương vị mùa đông. Lần trong làn gió lạnh, cái rét ngấm ngầm đưa thông điệp của nó đến với cơ thể tôi. Những thân cây trụi lá, khẳng khiu như những bộ xương in bóng đen mờ lên nền trời. Vầng trăng khuyết vẫn rọi sáng bầu trời cao rộng. Tôi vừa nhẩm một bài hát bằng giọng mũi, vừa sải bước qua các dãy phố. Phía trước có bóng người đang bước lại. Đúng lúc đi ngang qua người đó, tôi chợt nhận ra đó chính là mẹ của chị Miyamoto. Không có gì lạ khi thấy vẻ mặt nặng nề của bác ấy, nhưng cho dù vậy, khi ánh đèn đường soi rọi khuôn mặt với cái vẻ u ám mà tôi chưa từng thấy, không hiểu sao tôi lại nghĩ thầm "Bất tiện thật". Không biết những lúc như thế này người ta làm thế nào để bày tỏ sự cảm thông nhỉ, tôi tự hỏi.
Cuối cùng, tôi cũng cất tiếng chào, như mọi khi, và chính vì vậy mà thành ra khác hẳn mọi khi:
- Chào bác!
Mẹ Miyamoto, một phụ nữ đã có tuổi, lặng lẽ cúi đầu, cái cử chỉ giống hệt với con gái bà. Một cái cười mỏng nhẹ, như một thói quen. Có một cái gì đó khiến tôi nhớ lại mẹ tôi hồi Mayu mới chết. Một vẻ gắng gượng giống nhau. Rồi mỗi người lại đi một đường mà chẳng ai nói thêm lời nào. Được một đoạn, tôi ngoái lại nhìn và chỉ thấy bóng bà, vẫn đều nhịp bước, lặng lẽ, lặng lẽ đi mãi vào trong đêm, vẻ lặng lẽ cứ như thể chưa hề gặp tôi trên đường. Tôi không thể đoán ra bà đi đâu vào cái giờ nay. Hay bà chỉ nín thở, lặng lẽ trốn chạy những ám ảnh quá khứ đang lởn vởn trong không gian ngôi nhà của chính mình.
Tôi nhìn quanh, ánh trăng, những dãy phố, bóng tối, những con mèo chạy qua đường, bóng những khu chung cư đen thẫm, và chợt ngạc nhiên nhận ra "Một ngày kỳ lạ, bắt đầu bằng Miyamoto và kết thúc cũng bằng Miyamoto". Nghe có vẻ hơi bất nhẫn nhưng quả đúng vậy. Vậy là mọi chuyện lại được lưu vào ngân hàng dữ liệu của bộ nhớ và bảo tồn vĩnh viễn trong đó. Tôi cảm thấy thế.