Số lần đọc/download: 10659 / 54
Cập nhật: 2015-11-17 05:36:40 +0700
Chương 3 -
K
ha giật mình tỉnh giấc khi một luồng gió lạnh buốt hất tung cánh cửa sổ lùa vào phòng. Anh nhổm dậy bước tới ban công.
Một ngày mới bắt đầu, nhưng bầu trời xám xịt chẳng báo hiệu gì tốt đẹp. Thế là anh đã qua một đêm ở nơi xa xôi heo hút này.
Đêm qua, Kha trằn trọc lâu lắm. Anh hệ thống lại toàn bộ sự việc và thấy có nhiều chuyện thật khó hiểu.
Đầu tiên là chuyện về quê vội vã với lý do mập mờ không rõ đầu đuôi của ba. Hôm ông đi, Kha vắng nhà, khi về, Kha chỉ nghe bà Sáu giúp việc nhắn lại rằng ông về quê dăm ba ngày để nghiên cứu một hội chứng bệnh gì đó.
Nếu bà Chinh không điện thoại tới hỏi thăm, Kha cũng chẳng biết ba mình đi cùng ông Thực, để bây giờ một người nằm vùi, mê man, một người chẳng biết đi đằng nào mà lần.
Rõ ràng nghiên cứu bệnh chỉ là cái cớ, còn lý do ba anh và ông Thực đều giấu kín vợ con. Nhưng vấn đề chính là chuyện gì? Tại sao ba anh theo ông Thực lên đây chứ? Suốt đoạn đường từ ga về, Kha đã cố ý dò hỏi, song ông già Bền ngớ ngẩn trả lời lệch sang đăng khác. Chả hiểu ông lão ngớ ngẩn thật hay giả vờ vì muốn tránh né điều không thể nói.
Đứng tần ngần trước phòng Bích Chiêu độ một phút, Kha định gọi cô dậy, nhưng rồi lại thôi. Tốt hơn hết, nên để Chiêu ngủ thêm một chút. Sau cuộc hành trình dài, cô bé chắc chắn rất mệt.
Bước xuống khoảng săn, Kha cảm thấy dễ chịu hơn. Mãi giờ đây, anh mới nhìn rõ tòa nhà. Nó lớn hơn anh tưởng nhiều và gồm hai tầng. Nếu nó được xây dựng cách đây hơn trăm năm thì quả là một công trình kiến trúc lớn vào thời ấy.
Vậy mà Kha chưa lần nào nghe ba nhắc đến ngôi nhà này, dầu nó được xây trên quê hương ông.
Dầu tòa nhà to lớn nhưng trông nó ảm đạm và lạnh lẽo làm sao. Nó chìm trong khu rừng ẩm ướt với những cây cao lấn gần đến cổng, vươn những chóp xanh thẳm lên cao hơn mái nhà.
Kha bước không tiếng động trên thảm lá còn ướt mưa. Sương mù trắng xóa không làm chùn chân anh. Kha đứng sựng lại và ớn lạnh khi nhận ra một nghĩa trang đang mập mờ trong sương.
Nghĩa trang của dòng họ Vũ à? Kha chợt nhớ những lời của bà Nhì nói hồi tối và ớn óc. Nhưng sự sợ hãi vẫn không lấn át được sự tò mò thôi thúc trong lòng. Kha bóp chặt nắm tay bước từng bước về phía khu nghĩa địa. Anh muốn khám phá những bí mật mà ba mình giấu. Biết đâu chừng, nên bắt đầu từ những người đã chết này.
Đi dọc theo hàng mộ gần nhất, Kha đọc tên ngày sanh, ngày tử khắc trên bia đá và nhận ra những người này chết trẻ, phải nói là chết non mới đúng. Họ độ chừng hai mươi tuổi, thặm chí có những ngôi mộ chỉ ghi ngày chết chớ không có năm sanh. Đây là những mô đất thấp, bia mộ là những miếng gỗ được khắc cẩu thả tên bằng những chữ nguệch ngoạc, xấu xí.
Nhìn những nấm mộ bé tí ấy, lòng Kha chợt dâng lên niềm xót thương vô hạn. Đi sâu vào trong, Kha thấy có ba ngôi mộ lớn. Lớn nhất là ngôi mộ ở giữa. Chắc mộ của cụ tổ họ Vũ từng giữ chức quan lớn ngày xưa. Còn hai bên hẳn là mộ của hai bà vợ. Ngôi mộ naò cũng có mái che, có rào sát vuốt nhọn bao quanh trông thật uy nghiêm. Nhưng theo thời gian rêu phong bao phủ nên có uy nghiêm cách mấy cũng hoang phế, điêu tàn.
Kha đang ngậm ngùi trước cảnh vật thì bỗng giật mình khi thấy như có người phía sau ngôi mộ lớn nhất. Hốt hoảng, anh hơi lùi ra phía sau, chân vấp phải rễ cây suýt té ngửa.
Lấy lại thăng bằng, Kha thu hết can đảm quát lớn:
- Ai đó?
Và nghe giọng mình dội lại chớ không ai trả lời, một con quạ đang lượn lờ trên cao bỗng đáp xuống nóc mộ. Màu đen hắc ám của nó làm Kha khó chịu. Ngay lúc đó anh thấy một bóng người từ sau ngôi mộ phóng đi. Dáng hắn chập chờn sau làn sương.
Đó là người chớ chẳng phải là quỷ gì. An tâm với nhận định của mình, Kha bổ nhào theo. Chẳng mấy khó khăn, anh đã túm được vai hắn và giật nẩy người khi nghe hắn rú lên, tiếng rú anh đã nghe tối đêm qua. Nếu vậy, hắn là Sáu Bảnh rồi. Anh vội buông gã ra. Đứng lui lại, Kha tò mò nhìn gương mặt ngây ngây ngô ngô của một kẻ chậm phát triểe, gã cũng nhìn lại anh. Vừa nhìn, gã vừa rú lên chát cả tai.
Kha nạt:
- Im ngay, Sáu Bảnh.
Nghe gọi đúng tên mình, Sáu Bảnh nín khe, hắn giương mắt nhìn Kha với cái nhìn đờ đẫn, miệng toe toét cười vô hồn. Đúng là một người tâm thần.
Kha chú ý thấy Sáu Bảnh cứ chấp tay sau lưng, hắn giấu vật gì thì phải.
Anh dịu giọng hơn:
- Cái gì sau lưng vậy Sáu Bảnh? Đưa ra xem.
Anh phải nói hai ba lần, Sáu Bảnh mới giơ lên cho Kha xem. Đó là một con gà đã chết, cổ gà bị đứ, máu ướt cả lông, nhìn thật gớm ghiếc.
Lúc Kha còn bất ngờ vì hình ảnh máu me đó thì Sáu Bảnh vụt chạy nhanh như sợ bị anh cướp con gà chết. Lần này, Kha không đuổi theo nữa, anh quay lại ngôi nhà.
Trên hành lang, Nguyệt Cầm đang ngồi trong xe lăn và mỉm cười chào anh.
- Không ngờ người thành phố lại dậy sớm thế.
Kha chăm chú nhìn cô gái. Tới bây giờ, dưới an'h sáng sớm mai, anh mới nhìn rõ Nguyệt Cầm. Cô có làn da trắng xanh của người ít tiếp xúc với ánh nắng. Đôi mắt đen, to lẽ ra phải long lanh yêu đời, lại trông đờ đẫn, khó hiểu nằm dưới làn mi dài cụp xuống như trốn tránh điều gì đó. Còn cái miệng nhỏ với đôi môi đỏ, mỏng dính mím lại khắc khổ, khiến cô trong như già hơn tuổi.
Nhìn chung, Nguyệt Cầm là cô gái đẹp, các đường nét gương mặt khá gợi cảm cân xứng đến mức có thể làm mẫu cho họa sĩ. Tiếc thay, Cầm lại là một phế nhân. Kha không biết đôi chân cô ra sao, vì nó được che giấu dưới một tấm khăn thổ cầm tuyệt đẹp.
Đến gần Cầm, đứng tựa vào cột gỗ lim tròn đen bóng, Kha nói:
- Tôi vừa đi dạo một vòng. Khu này rộng quá sức tưởng tượng của tôi.
Đưa những ngón tay dài kéo lại chiếc khăn choàng cổ, Nguyệt Cầm hỏi:
- Anh đi tới đâu?
- Tới nghĩa trang ở phía trái.
- Trời ơi! Anh đến đó làm gì? Nghĩa trang là nơi đáng sợ nhất ở đây. Nơi người chết nhiều gấp mấy lần người đang sống.
Kha thắc mắc:
- Thế có bao nhiêu người ở trong ngôi nhà này?
Nguyệt Cầm trả lời:
- Tôi, vú Nhì và Tranh.
- Còn Sáu Bảnh và chú Bền?
- Họ ở quanh đây trong những căn nhà của mình. Chỉ những người thuộc giòng trưởng của họ Vũ mới được ở trong nhà này. Đó là lệ truyền từ nhiều đời lắm rồi.
Kha tò mò:
- Nhà họ Vũ có nhiều giòng lắm sao?
Nguyệt Cầm nhếch môi:
- Trước kia thì thế, nhưng giờ tàn rụi cả rồi. Chỉ còn chi Vũ Mạnh của ba tôi và bác Thực. Riêng chi Vũ Trọng thì hầu như đã chết hết.
Kha nhíu mày:
- Vì lý do gì mà cả một chi họ lại chết hết?
Cầm rùn vai:
- Nhiều lý do lắm. Chiến tranh, bệnh tật, tuyệt tự. Khi trời đã gọi thì uống nước cũng sặc mà chết. Họ đã bị nguyền rủa.
Kha đá nhành cây mục dưới chân mình:
- Dường như các bà, các cô ở đây tin vào một lời nguyền khủng khiếp nào đó, nên đã rùng rợn hóa về sự chết bình thường của những người trong giòng họ?
Nguyệt Cầm nghiêm mặt:
- Anh muốn nghĩ sao cũng được. Nhưng sự thật đúng là vậy. Những người giòng họ Vũ thường nhận những cái chết khác thường, hoặc có được sống thì cuộc sống cũng bi thương, khốn khổ vì điên khùng, tật nguyền, dị dạng. Nhiều bà mẹ sinh con ranh con lộn, mang nặng đẻ đau để được những quái thai gớm ghiếc.
Kha nhíu mày. Đây có phải là một hội chứng bệnh mà ba anh đang tìm hiểu không? Sự diệt vong của một giòng họ bị ám ảnh bởi một lời nguyền gì đây là thế nào?
Anh liếm môi:
- Thật ra đó là lời nguyền gì?
Nguyệt Cầm co ro trong chiếc xe lăn. Cô bắt đầu bằng hai tiếng "ngày xưa" như một câu chuyện cổ tích.
Kha chăm chú nghe và tự hỏi với riêng mình:
"Lời nguyền của người đàn bà tử tội ấy lẽ nào có sức mạnh xuyên thời gian? Nó có chăng chỉ là truyền thuyết hoang đường thôi, còn cái chết của những người họ Vũ lần lượt suốt cả trăm năm nay thì sao? Nguyệt Cầm chỉ lấp lửng chớ không chịu nói rõ.
Giọng cô đượm mùi đồng bóng:
- Cũng như ông cụ tổ, ông nội tôi có hai vợ. Bác Thực là con của bà nội cả, ba tôi là con bà nội Hai. Cũng vì sợ tuyệt tự nên đàn ông trong họ thường có nhiều vợ để được nhiều con. Ấy vậy mà ….. Kha không đủ kiên nhẫn nữa. Anh ngắt ngang lời Cầm:
- Nhưng họ bệnh gì mà chết?
Nguyệt Cầm tròn mắt nhìn anh với vẻ ngạc nhiên vì anh không hiểu …..vấn đề.
- Bệnh à? Nếu bệnh mà chết thì nói làm gì? Đằng này đang sởn sơ khỏe mạnh lại lăn đùng ra đột tử mới ghê chớ.
Nhìn quanh quất với đôi mắt cụp xuống, Nguyệt Cầm thì thào:
- Đã bảo mắc lời nguyền mà.
Kha lắc đầu:
- Tôi không tin.
Nguyệt Cầm nhỏ nhẹ:
- Tôi đâu bắt anh tin. Vì tin hay không chuyện cũng đã xảy ra rồi. Trong vòng một tháng, ba người chết. Anh cứ tưởng tượng đi, ngày mở cửa mả của người này thì người kia lăn đùng ra chết. Đầu tiên là ông nội tôi, ông đang nằm ngủ nửa đêm bỗng hét to một tiếng rồi chết. Kế đó là bác Hai Chiến. Ngày mở cửa mả Ông nội, bác Hai vừa thả con gà trống xuống thì ôm đầu khóc rống lên kêu đau rồi ngả lăn ra tại chỗ.
Kha xoa cằm:
- Tiếp đó là ai?
Nguyệt Cầm nói ngay:
- Tới bác Ba. Ba ngày sau bác Ba cũng ôm đầu kêu đau rồi chết. Lúc đó, bác Tư Thực mới được năm tuổi, bạ nội Cả sợ quá phải đưa bác vào Sài Gòn ngay tức khắc. Bà nội Hai cũng vội vã đưa ba tôi về quê của bà. Sau này người ta cho rằng bác Hai, bác Ba tôi chết vì bị viêm màng não. Nhưng người họ Vũ vẫn tin rằng họ chết vì lời nguyền.
Kha nhướng mày:
- Nhờ bỏ ngôi nhà này đi, nên ba em và bác Thực vẫn sống tới bây giờ?
Không cho là Kha mỉa mai, Nguyệt Cầm gật đầu:
- Đúng vậy. Suốt mấy chục năm, ngôi nhà giao cho một người quản gia trung thành giữ, vì cả họ chẳng còn ai.
- Phải ông Bền không?
- Phải nói là gia đình ông Bền. Trước kia là ba ông ấy. Bây gio(` tới ông ta. Đến sau chiến tranh, ba tôi mới trở về ngôi nhà này.
Kha hỏi:
- Vì sao bác trai lại dám trở về?
Môi nhếch lên, Nguyệt Cầm nói:
- Vì ngôi nhà của chúng tôi đã bị sập hoàn toàn sau một cơn lũ quét. Gia đình lúc ấy quá túng thiếu, không đất đai canh tác trong khi ngôi nhà này lại quá tốt, đất đai bạt ngàn hơn chục mẫu, đang bị những người ngoài họ sử dụng vô tội vạ.
Kha nhướng mày:
- Lời nguyền ngày xưa đã không còn linh ứng nữa rồi. Đúng không?
Nguyệt Cầm rùng mình:
- Điều đó thì không đúng. Sau khi về đây được một năm thì mẹ và chị gái tôi bị chết vì sốt rét. Rồi cách đây vài tháng, ba tôi ….
Ôm mặt mất cả phút, Cầm mới nói tiếp:
- Ông chết khi đang ngồi trong phòng lật lại gia phả, cũng như di chúc của ông nội tôi. Bác sĩ ở huyện bảo ông bị nhồi máu cơ tim, nhưng mội người ở xứ này ai cũng cho rằng ông chết vì lời nguyền xưa. Tôi cũng tin như thế.
Kha hỏi:
- Vậy tại sao Cầm còn dám ở đây?
- Vì tôi là người què quặt, số phận đã không mỉm cười với tôi, cho nên tôi sẽ được sống trong ngôi nhà của giòng họ mình.
Kha kêu lên:
- Một kiểu của luật bù trừ, và em tin như thế.
Nguyệt Cầm gật đầu, giọng chắc nịch:
- Vâng.
Rồi cô nói tiếp:
- Đó là số phận của những người họ Vũ chúng tôi. Thế còn dòng họ Hoàng Đăng của anh?
Kha nhíu mày:
- Dòng họ Hoàng Đăng của tôi có gì không ổn sao?
Nguyệt Cầm cười nữa miệng:
- Lẽ nào anh không biết mà hỏi lại tôi? Chỉ có một điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao bác sĩ Kiên lại trở về chung với bác Thực?
- Hai người cùng quê, có dịp cùng “Quy cố hương” là lẽ thường tình.
Nguyệt Cầm nhấn mạnh:
- Tôi lại thấy bất thường. Càng bất thường hơn khi theo chân hai ông bố là hai cậu ấm, cô Chiêu. Lâu lắm rồi, ngôi nhà này mới đông người ghé như thế. Tôi cho rằng đây là cơ hội “Đánh thức các hồn ma đấy”.
Kha bật cười:
- Cầm khéo tưởng tượng quá.
- Tôi nói thật đó chứ. Họ Vũ và họ Hoàng trước đây từng có mối thù lớn. Tới bây giờ thù ấy vẫn chưa nguôi.
Kha ngắt ngang lời Cầm:
- Hận thù à? Chà! Tôi lại sắp được nghe một câu chuyện hoang đường khác có liên quan tới giòng họ mình sao?
Nguyệt Cầm kêu lên:
- Anh không biết gì hết ư? Tôi nói thật đó. Trước kia, họ Hoàng nhà anh …… Từ trong nhà, Tranh chạy ra, giọng hốt hoảng nhiều hơn là vui mừng.
- Ông …..ông Thực tỉnh dậy rồi.
Kha mừng rỡ:
- May quá! Phải cho Bích Chiêu hay mới được.
Tranh nói ngay:
- Cô Chiêu đã biết, hiện giờ cô ấy đang ở cạnh ông Thực. Hai người xì xầm gì đó nghe bí mật lắm.
Kha bắt gặp ánh mắt tối sầm khó hiểu của Nguyệt Cầm. Ánh mắt ấy đã khiến Tranh im miệng. Cô ta lăn xe trở vào, giọng vừa lạnh vừa như quyết đoán:
- Như vậy việc đưa bác Thực về Sài Gòn sẽ dễ dàng hơn. Tôi nghĩ, ngày mai anh và chị Bích Chiêu nen lên đường.
Kha ung dung:
- Đâu việc gì phải gấp thế. Tôi vẫn còn muốn ở đây để ngóng tin tức ba mình.
Dứt lời, anh sải bước thật dài để vào phòng ông Thực. Đúng là ông đã tỉnh dậy. Mặt tỉnh táo như một người vừa thức sau một giấc ngủ đầy, ông đang nói gì đó với Bích Chiêu. Thấy anh vào, ông liền chuyển câu chuyện sang anh:
- Ba cháu không sao đâu. Anh ấy đang thực hiện một du khảo nhỏ về cánh rừng bên phải núi. Trể lắm ngày mai sẽ trở lại đây.
Kha thắc mắc:
- Chuyện gì đã xảy ra với ba cháu và bác vậy?
Ông Thực lắc đầu:
- Có chuyện gì đâu. Chả là bác bị cảm nên ngủ mê li bì mấy ngày liền.
Kha không chấp nhận sự giải thích khó tin của ông Thực, nhưng anh không hỏi gì thêm, những lời Nguyệt Cầm nói lại làm anh hoang mang. Ngay lúc đó, Nguyệt Cầm lăn xe vào tới, nhìn ông Thực và Bích Chiêu bằng cái nhìn của chủ đối với khách, cô cao giọng:
- Ngôi nhà này luôn rộng mở tiếp đón khách phương xa. Cháu rất mừng vì bác vẫn khỏe.
Ông Thực mỉm cười:
- Bác không phải là khách, mà cũng như cháu, bác đang ở trong nhà của mình.
Nguyệt Cầm đưa tay lên môi ra chiều sợ hãi:
- Kìa bác. Bác đã quên lời ba nội đã dặn dò rồi sao à? Sao lại nhận là người nhà?
- Bác vẫn nhớ đấy chứ. Nếu lời nguyền ấy linh ứng, thì dù bác có vờ mình là người dưng khác họ Vũ, “họ” cũng không tha bác đâu. Thôi, số phận đã xếp đặt như thế, bác đành chấp nhận xem “con tạo xoay vần” ra sao.' Nguyệt Cầm đưa tay đặt lên miếng tang trắng trên ngực áo mình:
- Ba cháu mất chưa được trăm ngày, cháu sợ lắm.
Ông Thực hạ thấp giọng:
- Bác cũng rất sợ. Bởi vậy, bác sẽ về Sài Gòn ngay khi bác sỉ Kiên đi rừng trở về.
Cầm thốt lên:
- Biết chừng nào bác sĩ Kiên mới trở về? Cháu nghĩ, bác nên rời khỏi đây vào ngày mai.
Ông Thực lắc đầu:
- Bác vẫn còn mệt lắm, chưa đi nổi đâu.
Nguyệt Cầm bồn chồn:
- Sinh mạng vẫn quan trọng hơn bác ơi.
Ông Thực khoát tay:
- Cám ơn cháu đã lo lắng. Nhưng bác tin tổ tiên sẽ phù hộ cho bác yên ổn đến ba hôm nữa trong ngôi nhà của mình.
Nãy giờ ngồi khoanh tay im lặng, Bích Chiêu bỗng lên tiếng:
- Con sẽ đích thân xuống bếp lo bữa ăn cho ba.
Ông Thực gật gù vẻ hài lòng:
- Giỏi lắm.
Chiêu mỉm cười với Nguyệt Cầm:
- Cầm đi với tôi nhé.
Ngần ngừ vài giây, Cầm mới gật đầu. Đợi hai người ra khỏi phòng, ông Thực mới lên tiếng:
- Nếu hết ngày nay mà ba cháu không về, chúng ta phải đi tìm.
- Bác cho là ba cháu gặp nguy hiểm à?
Ông Thực ậm ừ:
- Núi rừng hiểm trở, làm sao biết được nguy hiểm có chờ người ta hay không.
Kha nóng nảy:
- Cháu đâu phải trẻ cháu, xin bác cứ nói thẳng, chuyện rắc rối gì đã xảy ra cho bác và ba cháu vậy?
- Chả có chuyện gì đâu.
- Nhưng những điều bác nói với Nguyệt Cầm thật mơ hồ, hoang tưởng.
Ông Thực lơ lửng:
- Người ở đây tin như vậy, mình cứ nói theo họ, đã sao đâu.
Kha làm thinh. Một lúc sau, anh hỏi:
- Thế bác có tin vào lời nguyền không?
- Hồi “năm tuổi” bác đã chịu một lúc tang của ba người thân. Đó là nỗi ám ảnh triền miên suốt đời bác. Lần này bác đưa ba cháu cùng về là để tìm hiểu sao hiện tại ở đây vẫn có nhiều người chết yểu hoặc dị dạng thế.
- Bác tin ba cháu sẽ hết lòng với bác khi giữa hai họ xưa kia từng có thâm thù sao?
Mặt ông Thực thản nhiên:
- Chính vì mối thù đó mà bác và ba cháu mới về đây. Chuyện rất dài và phức tạp, rất nhiều điều chưa thể nói ra được. Nhưng cháu hãy tin rằng trong lòng bác chả có mối thù nào với họ Hoàng Đăng hết.
Kha không ngăn được tò mò:
- Nhưng tại sao trước kia hai họ lại thù hận nhau?
Ông Thực bước xuống giường, dang tay làm vài động tác thể dục, Kha biết ông không muốn trả lời, nên thôi.
Anh nói:
- Bác cứ nghĩ ngơi, cháu đi vòng vòng cho khuây khỏa.
- Nhưng không nên đi xa, nhất là vào rừng. Trong đó phức tạp lắm.
- Cháu muốn tới nhà thờ của họ Hoàng.
Ông Thực vội vàng bảo:
- Không đi được đâu. Đường tới đó bị cây che kín cả rồi.
Kha nhỏ nhẹ:
- Vậy cháu sẽ ra thị trấn gọi điện về nhà. Bác có nhắn gì cho bác gái không?
- Không. Cám ơn cháu.
Kha nhún vai. Vừa bước ra hành lang anh vừa suy nghĩ mông lung. Thật là khó tin một người nằm li bì mấy ngày liền vì bệnh, hôm nay lại tỉnh táo như thế. Tối qua khi bắt mạch cho ông Thực, Kha thấy mạch ông rất yếu. Vậy mà ….thật khó hiểu. Dầu không phải bác sĩ như ba mình, Kha cũng biết đôi chúc về ngành y, lẽ nào anh bắt mạch sai?
Không lý nào, rõ ràng ông Thực đã bị một tác động nào đó, nên mới rơi vào tình trạng như vậy. Nhưng tác động nào cơ chứ?
Kha chợt nhớ tới vẻ mặt hốt hoảng của Tranh khi cô ta báo với Nguyệt Cầm ông Thực đã tỉnh. Rồi ánh mắt tối sầm của Nguyệt Cầm nữa. Dường như hai cô trò không muốn ông Thực tỉnh lại thì phải.
Chuyện của ông Thực chưa có lời giải đáp, Kha đã chuyển sang chuyện của gia tộc mình.
Đây là lần đầu tiên Kha được biết dòng họ Hoàng Đăng của anh có tư thù với dòng họ khác.
Nếu đã nói là hận thù, chắc phải xảy ra hiềm khích hết sức sâu sắc chí ít phải có đổ máu, còn nặng hơn phải có người chết.
Chà! Sao cứ như chuyện Romeo và Juliette vậy. Hai dòng họ xảy ra thù hận. Nghe thật tiểu thuyết. Nhất định Kha phải hỏi cho ra lẽ mới được.
Mặt trời đã lé lói trên ngọn cây, nhưng sương vẫn chưa tan hết. Kha ra khỏi cổng, đi thẳng về phía những mái tranh ẩn trong sương.
Vài ba người dân khắc khổ, cùng đám trẻ con nhếch nhác tò mò nhìn anh.
Ngoắt một thằng nhóc đầu trọc lóc, hàm răng trên trống hoác, anh hỏi:
- Nhà ông Tư Bền ở đâu? Chỉ cho chú với.
Thằng nhóc nhanh nhẩu:
- Chú theo cháu.
Vừa nói nó vừa chạy đi trước. Tới một túp lều tranh thấp gần sát đất nó chỉ vào rồi biến đi ngay.
Kha ngần ngừ một chút gọi to, nhưng chẳng ai trả lời. Chả lẽ gio(` này ông ta còn ngủ? Nêu không thì đã có chuyện gì xảy ra với ông già.
Khom người xuống, Kha định chui vào cái cửa thấp lè tè thì nghe có người nói:
- Ông Tư đi vắng rồi.
Kha quay lại và bắt gặp nụ cười của một người đàn ông trạc ngoài ba mươi. Tự dưng anh thấy an tâm trước nụ cười chân chất ấy.
Anh ta nói tiếp:
- Trời chưa sáng, ông Tư đã quất ngựa ra thị trấn rồi.
Kha nói cho có:
- Tiếc thật! Tôi định tìm ông già trò chuyện cho đỡ buồn. À, anh ở gần đây hở?
Người đàn ông gật đầu:
- Không có già Tư thì cậu ghé tôi chơi. Cậu là con trai chú Kiên chớ gì? Tôi với cậu cùng họ Hoàng Đăng đó. Theo vai vế, tôi là anh cậu.
Kha nhíu mày:
- Chắc anh là con bác Hai Khang. Anh từng viết thư mời ba tôi về quê chơi một chuyến phải không?
- Đúng vậy. Cứ gọi tôi là Ba Thìn. Còn cậu là Kha chớ gì?
Kha gật đầu. Anh theo Ba Thìn đi dọc con đường trải đá lồi lõm ổ gà để tới nhà anh ta. Đó là một ngôi nhà gạch, ngói đỏ khang trang nhất trong nhưng ngôi nhà quanh đây.
Vừa kéo ghế cho Kha, Ba Thìn vừa nói:
- Hôm kia tôi có đưa chú Kiên vào khu từ đường của họ Hoàng.
Kha kêu lên:
- Ủa! Vậy mà Nguyệt Cầm bảo anh đưa ba tôi vào khu rừng Cấm gí đó.
Ba Thìn giải thích:
- “Rẻo” đất ấy họ Vũ và họ Hoàng từng tranh chấp. Họ Vũ trước đây cho người rào lại, không cho ai ra vào, dân quen gọi là Rừng Cấm. Từ đường họ nhà mình ở ngay khu rừng Cấm ấy. Đúng là tôi có viết thư mời chú Kiên về quê một chuyến cho biết sự tình, chớ không muốn chú Kiên bận tâm tới những chuyện xảy ra ở rừng Cấm và ngôi từ đường họ Hoàng.
Kha tò mò:
- Nhưng đó là chuyện gì?
Ba Thìn nhìn anh:
- Cậu không biết à?
Kha lắc đầu, rồi buột miệng:
- Chuyện lời nguyền của người đàn bà tử tội à?
Ba Thìn xua tay:
- Ồ không. Chuyện đó không liên quan tới họ Hoàng Đăng của mình.
Kha suy nghĩ trước ánh mắt thách đố của Ba Thìn. Anh ngập ngừng:
- Dường như giữa chúng ta và họ có mâu thuẫn từ đời xưa?
Xoa hàm râu lởm chởm, Ba Thìn bảo:
- Mâu thuẫn e là hơi nhẹ. Phải nói là thâm thù thì đúng hơn. Vì đã có người chết.
Kha kêu lên:
- Nghiêm trọng thế sao? Nhưng là chuyện gì?
Ba Thìn trầm ngâm:
- Người xưa bảo:
“Hôn nhân, điền thổ vạn cổ chi thù”. Nghĩa là chuyện vợ chồng và chuyện đất đai thường khiến người ta hận thù nhau gần như truyền kiếp. Khổ sao mối thù giữa họ Vũ và họ Hoàng lại bao gồm cả hôn nhân lẫn điền thổ.
Kha nhíu mày:
- Tôi vẫn chưa hiểu ý anh.
Nhân nha rít một hơi thuốc lào, Ba Thìn lim dim cả phút mới bắt đầu kể lể:
- Họ Vũ và họ Hoàng là hai họ lớn, giàu nhất vùng đất này. Ông nội của chúng ta trước đây đã từng làm thông gia với họ Vũ.
Kha như nhớ lại:
- À! Ông nội đã gả em gái cho một người bị tâm thần, sau khi sanh con, cô ấy đã chết phải không?
- Cậu có biết tại sao bà cô Ý chết không?
- Dạ không.
Ba Thìn thở dài:
- Cuộc hôn nhân ấy là một cuộc mua bán thì đúng hơn. Hồi đó, ông nội chúng ta là một địa chủ lớn, nhưng thế lực không bằng họ Vũ. Vốn là một tay tính toán, ông lúc nào cũng muốn bành trướng cơ ngơi của mình. Thấy họ Vũ đất mênh mông, nhưng thiếu người quản lý, ông đã đem bà cô Ý là cô em út gả sang bên đó. Với điều kiện được làm chủ một eo đất dọc triền núi phía bên phải cánh rừng của nhà mình.
- Chắc eo đất ấy phải có một vị trí chiến lược đặc biệt?
- Đúng vậy. Nó như một con đường mòn nối nhiều cánh rừng với nhau, nhưng họ Vũ không nhận ra tiềm năng của nó. Lúc đó họ chỉ cầu mong sao có cô gái nào chịu làm vợ cậu công tử ngơ ngơ ngác ngác nhà họ, đổi lại điều kiện gì có lẽ họ cũng chịu, chớ đâu chỉ là một rẻo đất làm đường cho bò đi ăn cỏ trên núi, hay chuyên chở cây khô củi mục trong rừng.
Kha thở dài:
- Chỉ tội nghiệp cho bà cô Ý làm vật hy sinh cho tham vọng của anh trai mình. Đúng là một cuộc mua bán vô lương tâm.
Ba Thìn tiếp lời anh:
- Mà hậu quả của nó vẫn tồn tại đến tận bây giờ.
- Tôi không hiểu ý anh.
- Cũng đúng thôi. Chú Kiên được ông nội cho ra Sài Gòn ăn học từ nhỏ, rồi chú lập nghiệp luôn ở đó nên có hiểu biết gì về quê hương đâu.
Kha hạ giọng:
- Vậy anh kể tiếp cho tôi nghe đi.
- Từ khi làm chủ được eo đất ấy, công việc làm ăn, mua bán của ông nội phất lên thấy rõ. Lúc đó nhà họ Vũ mới nhận ra giá trị của eo đất mà họ từng bỏ đi ấy.
Cười nhếch mép, Ba Thìn nói tiếp:
- Họ tiếc đứt ruột và tìm mội cách lấy lại nó. Người đứng ra giải quyết vấn đề này chính là bố của ông Thực, anh trai của gã điên khùng lấy được vợ đẹp nhờ một rẻo đất.
Kha không dằn được tò mò:
- Ông ta lấy lại nó bằng cách nào?
- Cậu thử đoán xem.
- Chắc không phải cách bình thường. Nhưng là cách gì, tôi xin chịu.
Thìn mím môi:
- Ông ta đã dựng lên một màn kịch bẩn thỉu và vu cho em dâu mình ngoại tình với một tá điền để có cớ trả cô ta về cùng với bào thai vài ba tháng tuổi.
Im lặng một thoáng, Ba Thìn nói tiếp:
- Nói “trả về” nghe nhẹ nhàng lắm. Nhưng đâu phải vậy. Tôi nghe kể, nhà họ Vũ đã gọt đầu bôi vôi, dẫn bà cô đi rêu rao khắp làng xóm với mục đích răn đe người khác, nhưng cũng để bêu xấu họ Hoàng. Ở thời đó chuyện ấy không gì nhục nhã hơn. Bà cô trở nên cảm lặng sau những nhục hình. Sanh ra một đứa con trai, bà chết vì băng huyết.
Kha ngậm ngùi nghe Ba Thìn nói tiếp:
- Đuổi dâu về nhà bố mẹ xong, họ Vũ bèn rào đất, ngăn đường lại, ông nội mình không chịu, thế là hai họ từ chỗ thông gia đã trở thành thù địch. Mội chuyện sẽ chưa dừng lại nếu như ba ông Thực không bị đột tử giữa đêm khuya, tiếp theo đó là hai cậu con trai lăn đùng ra chết khiến bà vợ cả phải vội vàng ôm ông Thực chạy vào tận Sài Gòn. Lúc đó thiên hạ không cho rằng gia đình ông ta mắc phải lời nguyền mà lại đồn đại rằng oan hồn của bà cô Ý báo oán. Hừ! Toàn những điều nhảm nhí, hoang đường. Vậy mà dân ở đây tin ơi là tin. Thậm chí họ còn lập một cái miếu để tho(` bà cô nhà mình nữa. Tới bây giờ miếu của bà Ý vẫn ngày ngày nghi ngút khói hương. Dân lục lâm đi rừng cưa cây ở đây nói bà cô nhà mình thiêng. Nghĩ cũng phải vì bà là mẹ đẻ ông Hai Thể, chủ bãi gỗ lớn nhất vùng này mà.
Kha tò mò:
- Ông Hai Thể đó nếu tính theo vai vế cũng là chú của chúng ta, đúng không?
- Đúng vậy. Sau khi bà cô mình chết, họ Vũ mà cụ thể là ông bố ông Thực có lẽ đã hối hận vì việc mình làm nên đã mang chú Thể về nuôi để chú ấy được sống cạnh ông bố điên của mình. Sau khi bố ông Thực chết, bà vợ lớn chạy vào Sài Gòn, bà vợ kế về quê, ông Thể và ông bố điên sống nhờ gia đình ông Tư Bền, người ở lại giữ đất giữ nhà cho họ. Đâu khoảng mười mấy tuổi ông bố điên chết, ông Thể bỏ nhà đi mất. Sau chiến tranh mới trở về.
Kha hỏi:
- Vậy là chú Thể về cùng một lúc với ông Đỉnh, ba của Nguyệt Cầm?
- Có lẽ vậy. Tôi lúc đó còn nhỏ, nên đâu có nhớ. Chỉ biết khi trở về, ông Thể tự xưng là “Hai Thể”, lúc nào cũng nghênh ngang ngạo mạn, dữ dằn, hung ác như một thằng cướp, dân quanh đây chả ai dám động vào ông.
- Đối với họ hàng hai họ Vũ, Hoàng thì sao?
Ba Thìn ấm ức:
- Trước đây, ba tôi là người trực tiếp đứng ra trông coi từ đường và phân đất hương hỏa gần đó. Khi ba tôi mất thì chú Thể cậy mình lớn, đã giành ngôi từ đường cùng phân đất ấy, dù trước kia ông nội cũng có chia cho cô Ý một phân đất mà bây giờ chú Thể đang thừa hưởng. Đối với bên họ Vũ, chú Thể và ông Đỉnh đòi lại hết đất đai ba ông Thực từng cho mướn để kinh doanh rừng.
Kha thắc mắc:
- Kinh doanh rừng là sao?
- Là khai thác rừng, khai thác công sức của người dân đã trồng cây mấy chục năm và chả trả cho họ đồng nào với lý do họ đã “dám” trồng cây trên đất của ông ta, mặc kệ những người này vô cùng khốn khổ.
- Vô lý như vậy mà cũng chịu à?
Ba Thìn ray rứt:
- Tại cậu chưa biết đó thôi. Hai Thể rất độc ác, ở đây ai cũng sợ hắn vì hắn có bè có lũ, bè lũ ấy toàn đầu trộm đuôi cướp. Bởi vậy, dù không muốn, dân ở đây cũng phải vào rừng xẻ củi làm công cho hắn để đắp đỗi qua ngày. Tóm lại, Hai Thể và ông Vũ Đỉnh cá mè một lứa, chả ai tốt hơn ai. Thiệt lòng, tôi không muốn chú Kiên và cậu ở bên đó chỉ một ngày.
- Nhưng ông Đỉnh chết rồi, chúng tôi là khách, có gì đâu phải sợ một cô gái tật nguyền như Nguyệt Cầm.
Ba Thìn vội bảo:
- Tôi có nói là cậu sợ đâu. Song không thể tin Nguyệt Cầm. Cha nào con nấy mà. Ông Đỉnh chết, chắc chắn Nguyệt Cầm phải thay thế chỗ của ông ta điều hành công việc o(? bãi gỗ cùng với Hai Thể.
Kha phì cười:
- Một cô gái xanh mướt, suốt ngày ngồi xe lăn mà có thể điều hành công việc ở bãi gỗ lậu, nơi toàn những gã đầu trộm duôi cướp tập trung về để tranh mua giành bán. Anh có quá sức tưởng tượng không vậy?
- Câu không tin tôi à?
- Tôi thấy khó bị anh thuyết phục. Trong khi tôi phải về ngay.
Ba Thìn lắc đầu:
- Cậu đừng trong mặt mà bắt hình dong. Nguyệt Cầm không đơn giản đâu.
- Cám ơn anh về buổi trò chuyện lý thú này. Tôi sẽ ghi nhớ những gì anh đã cảnh baó. Chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Ba Thìn nói:
- Đương nhiên. Tôi sẽ đãi cậu một bữa thịt rừng. Anh em sẽ hàn huyên tới sang. Còn nhiều chuyện tôi phải cho cậu biết lắm.
Kha quay lại con đường đá đỏ. Ngôi nhà của họ Vũ lẫn sau những hàng cây, và anh đang háo hức muốn khám phá về nó.
Bích Chiêu chống tay nhìn ra xa. Khung cảnh nơi đây đẹp tuyệt, nhưng buồn quá. Cô chợt thương cảm khi nghĩ tới Nguyệt Cầm. Đã tật nguyền mà còn phải chôn cả tuổi trẻ ở mãnh đất ít người nhiều ma này thật khổ.
Hôm qua, ba cô tỏ ý muốn đưa Cầm về thành phố sống, nhưng Cầm lảng đi, như đang sợ hãi một điều gì đó không rõ. Đúng như Kha đã nói, những người trong ngôi nhà này bị chứng hoang tưởng, luôn sợ hãi vì một lời nguyền. Bích Chiêu ở đây hai ngày rồi. Nếu thật sự có những chuyện khác thường, chắc chắn cô phải nhìn thấy vì cô cũng họ Vũ mà.
Đêm đến ngoài tiếng cười, tiếng khóc, bất chợt Sáu Bảnh ra, Chiêu chưa “được” chứng kiến hiện tượng nào hết ngoài những lời kể lễ đượm mùi mê tín của bà Nhì. Bà luôn miệng bảo ngôi nhà này có ma. Bà quen sống chung với ma và vẫn thấy sợ.
Có tiếng gõ cửa. Chắc là ba. Bích Chiêu rời ban công, bước tới đẩy cánh cửa phòng bằng gỗ nặng trịch ra và đón nhận trọn vẹn nụ cười hết sức quyến rũ của Kha. Nụ cười làm cô phải bối rối.
Anh hỏi:
- Em có ra thị trấn không? Tôi cho quá giang.
- Có chớ. Nhưng đi bằng gì?
Kha cao giọng:
- Xe ôm.
Bích Chiêu ngạc nhiên:
- Ở đây cũng có xe ôm sao?
Kha ung dung:
- Ở đâu lại chả có xe ôm. Tôi đợi em năm phút thôi đấy.
Dứt lời, Kha quay lưng sau khi ném cho Chiêu một cái nheo mắt. Tự dưng tim cô lại rộn lên.
Xoa đôi má nóng bừng, Bích Chiêu lẩm bẩm để trấn tỉnh mình:
- Nghĩ đi đâu vậy con ngốc? Anh ta là một gã không đáng tin chút nào. Hãy nhớ lại lần đầu đụng độ gã đi. Thật dễ ghét.
Thay quần áo. Nhìn mình khá lâu, khá kỹ trong chiếc gương ố vàng. Bích Chiêu tạm hài lòng. Cô kéo cao cổ áo và mạnh mẽ bước sang phòng ba mình.
Đang chúi mủi vào những quyển sách ố vàng, ông ngước lên khi nghe tiếng chân:
- Con đi đâu à?
Chiêu gật đầu:
- Con đi với Kha ra thị trấn điện thoại cho mẹ biết ngày mình sẽ về.
Ông Thực bảo:
- Vậy thì đi đi. Nhưng không được ghé đâu nữa đấy.
Bích Chiêu cười:
- Ngoài ngôi nhà đầy chuyện hoang đường của mình ra, ở đây còn danh lam thắng cảnh nào để ghé vào hả ba?
Ông Thực phẩy tay:
- Thôi, đi sớm về sớm.
Xuống sân Chiêu thấy Kha đang đứng tựa một chiếc Honda 67 cũ xì. Tay lười biếng kẹp điếu thuốc, miệng đang ngọt ngào nói như tán tỉnh Nguyệt Cầm. Cô ta ngồi trong xe lăn trên hành lang. Dưới làn gió se se lạnh và ánh nắng mai nhột nhạt, trông Cầm đẹp lạ lùng. Cái đẹp mong manh, yếu đuối như một nụ lan rừng tinh khôi luôn cần một thân đại thụ chở che, nương náu của cô ta khiến bất cứ gã đàn ông nào cũng hào hứng khi được cùng trò chuyện.
Thấy Chiêu ra tới, Nguyệt Cầm chớp đôi mắt buồn, giọng khao khát:
- Ước gì em có thể tự do bay nhảy như chị nhỉ?
Kha nhanh nhẩu:
- Đâu có gì khó. Nếu Cầm muốn, tôi tin là được.
Vẫn điệu bộ rụt rè, cô nhỏ nhẹ:
- Bằng cách nào cơ chứ? Anh đừng gieo vào tim tôi sự hy vọng để rồi tôi chỉ gặt toàn thất vọng đấy.
Kha trầm giọng:
- Tôi chỉ muốn giúp Cầm sống hạnh phúc thôi.
Bích Chiêu tiếp lời anh:
- Điều đó chắc sẽ được, nếu Nguyệt Cầm về thành phố với chúng tôi.
Nguyệt Cầm cúi đầu buồn bã:
- Em sẽ nghĩ lại. Anh chị đi vui nha.
Dứt lời, cô lăn xe vào trong, Kha tần ngần nhìn theo với tất cả trìu mến, khiến Bích Chiêu xốn xang. Cô có cảm giác mình là nguyên nhân khiến Nguyệt Cầm buồn vì cô có thể tự do bay nhảy bên một người đàn ông mạnh mẽ, còn Cầm thì không.
Suy nghĩ đó khiến tâm trí Chieu trỡ nên nặng nề. Cô đứng ì một chỗ khiến Kha phải lên tiếng:
- Có đi không, thưa tiểu thư?
Bích Chiêu buột miệng:
- Thế tài xế xe ôm đâu? Có mỗi chiếc cà tàng làm sao đi hai người?
Kha hất hàm:
- Tôi là tài xế đây. Xe ca tàng cỡ nào tôi cũng ……trị được. Mời tiểu thư.
Dứt lời, anh nhảy lên yên. Phải đạp ba cái chiếc 67 mới nổ máy ầm ầm như xe máy cày.
Kha có vẻ thách thức khi thấy Chiêu lưỡng lự:
- Dám không? Nếu không, tôi đi một mình à nha.
Bích Chiêu bĩu môi:
- Chuyện nhỏ.
Rồi cô ngồi phía sau anh. Kha bảo:
- Đã bảo là xe ôm, phải ôm chặt đó.
Bích Chiêu chưa kịp nói lời nào, Kha đã rồ ga, chiếc xe vọt thẳng khiến Chiêu không muốn cũng phải ôm anh.
Hừ! Chiếu chúa ghét trò ma quái này. Mím môi, cô bấu cả mười ngón tay móng nhọn hoắc vào hông Kha, khiên anh nhổm người lên:
- A! Đúng là vuốt hổ. Khủng khiếp thật.
Bích Chiêu ngọt ngào:
- Bấu như thế mới không sợ rơi xuống đường khi anh chạy với tốc độ này.
Kha ngoan ngoãn chạy chậm lại. So với buổi tối mưa giông ngồi trên chiếc thổ mộ, con đường mòn này hôm nay dễ thương hơn nhiều.
Chiêu cao giọng hỏi khi Kha vừa lách xe tránh một “ổ voi” to đùng:
- Anh nghĩ gì về quê hương?
Kha ngâm nga:
- Quê hương là chùm khế ngọt. Nhưng tôi chưa hái được quả nào cả. Còn em? Em nghĩ gì về mảnh đất này?
Bích Chiêu chép miệng:
- Tôi đang cố hiểu, cố yêu nó đây.
- Lại thế nữa à? Sao lại phải “cố” cơ chứ?
- Thì cũng như anh. Tôi chưa thấy chùm khế ngọt nào hết, nói chi tới chuyện hái quả. Thật lòng mà nói, tôi thấy thương những người ở đây. Nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn về tin thần lẫn vật chất sẽ khiến họ chết sớm, chớ không do lời nguyền nào cả. Nhất định tôi sẽ thuyết phục Nguyệt Cầm đi khỏi đây.
Kha tán đồng:
- Tôi cũng nghĩ thế. Chân Nguyệt Cầm có thể chữa khỏi mà.
Bích Chiêu nhíu mày:
- Sao anh biết?
Im lặng một chút, Kha mới nói:
- Tôi tìm hiểu.
Chiêu hỏi tới:
- Bằng cách nào khi Nguyệt Cầm luôn che kín đôi chân của mình?
Kha kêu lên:
- Trời ơi! Người ta có thể khám bệnh từ xa. Cần gì phải thấy, phải sờ chân Nguyệt Cầm mới biết cô ấy bị gì.
- Có phải Nguyệt Cầm bị bại liệt bẩm sinh không?
- Theo tôi nghĩ là không. Dáng vóc của Cầm rất cân đối, tay thon thả không giống những người bại liệt, thường hai chân họ teo nhỏ, hai vai và tay phát triển mạnh vì phải thay thế chức năng của đôi chân. Nguyệt Cầm rất đẹp, cô ta rất chăm chú tới nhan sắc của mình. Thường ngày, chắc Cầm vẫn đi bằng chân, nhưng khi có người lạ, cô ta mới ngồi xe lăn vì không muốn để lộ khuyết điểm của mình.
Giọng Kha trầm trồ:
- Ngồi xe lăn trông Cầm mới quyến rũ làm sao. Tóc, mắt, môi và làn da trắng xanh kia đều được trang điểm thật khéo.
Bích Chiêu ngắt ngang lời Kha:
- Không ngờ anh để ý dữ vậy.
Kha thản nhiên:
- Vì tôi là đàn ông. Trước sự dịu dàng của nhan sắc, gã đàn ông nào chẳng gục ngã.
Bích Chiêu liếm môi:
- Vậy anh nên cố thuyết phục Nguyệt Cầm vào Sài Gòn chữa chân trước khi phải gục ngã vì cô ấy.
Kha cười sảng khoái:
- Cám ơn Chiêu đã lo xa. Nhất định tôi sẽ làm được điều đó hộ em và bác Thực.
Bích Chiêu im lặng suốt cả đoạn đường dằn xốc còn lại. Cô thấy buồn bực vô cớ, mặc kệ Kha gợi chuyện, Chiêu ầm ừ trả lời cho có lệ, đến khi anh làm thinh vì mất hứng Chiêu lại mỉa mai:
- Anh đang nghĩ cách thuyết phục Nguyệt Cầm sao mà im như đá thế?
Kha nhún vai:
- Thuyết phục hay tán tỉnh Nguyệt Cầm dễ như trở bàn tay, cần gì phải suy nghĩ. Tôi đang quan tâm chuyện khác kìa.
Bích Chiêu khịt mũi:
- Hy vọng không liên quan tới tôi.
- Nếu em thích thì có liên quan đấy.
Bích Chiêu trề môi:
- Tôi rất ghét cái giọng trịch thượng đó. Vây vào anh chỉ gặp xui xẻo. Ai thèm thích.
Kha cao giọng:
- Chưa biết ai xui à. Đầu gối tôi vẫn còn cái sẹo té xe hôm trước đây.
- Hừ! Nếu tay lái xe anh đừng …..câu vào xe tôi thì đâu có chuyện gì xảy ra.
- Nếu đừng có chữ “nếu” thì hay biết mấy. Ví dụ như “Nếu em đừng chanh chua, chắc tôi đã gục ngã trước em ngay phút ban đầu”. Dịu dàng một chút đi Chiêu ơi. Tôi thích em như con mèo ướt nằm co một gốc trong thùng xe thổ mộ chiều hôm ấy. Lúc đó, tôi chỉ muốn ôm em vào lòng để che chở, trấn an.
Bích Chiêu nóng mặt:
- Tiếc rằng tôi không thể là mèo mà là hổ với móng vuốt đã được mài thật sắc. Tôi mà bấu vào ai thì nhất định phải trúng ngay tim. Anh liệu chừng đó.
Kha mai mỉa:
- Đúng là cách nói của con cháu nhà quan từng đi dẹp loạn. Lúc nào cũng đầy mùi sát khí. Dịu dàng một chút đi Bích Chiêu ơi là Bích Chiêu.
Cô khô khan:
- Muốn tìm sự dịu dàng, muốn có con mèo nga/i ngủ trên tay hãy đến với Nguyẹt Cầm. Anh đang đi với tôi thì ráng mà chịu, nếu không coi chừng mất tim đấy.
Tới cái bưu điện bé teo như lỗ mũi, Kha nhường cho Bích Chiêu gọi về nhà trước. Cô hỏi thăm cái chân bị bó bột của mẹ, báo cáo tình hình của ba rồi kết thúc bằng câu:
“Chưa biết chừng nào về”.
Đứng khoanh tay chờ và ……lắng nghe trộm cho thỏa sự tò mò, Chiêu ấm ức khi giọng Kha vang lên vui như sáo:
- Kha đây. Anh vẫn khỏe, nhưng chưa về ngay được dù rất nhớ em. Nghe anh nè nhóc.
Chiêu tưởng tượng chắc bồ của Kha hết sức ngoan hiền, và bỗng có ác cảm với cô gái mình chưa biết mặt, biết tên ấy.
Bỏ ra vỉa hè, cô công chân đá mạnh hòn sỏi và nhìn nó lăn xuống dốc.
Kha ngơ ngác:
- Mặt tôi dính lọ à?
Bích Chiêu ầm ừ:
- Không. Tôi thích nhìn niềm vui của người khác.
Mắt Kha ánh lên tai ma mãnh:
- Vậy sao?
Chiêu bỗng cau có:
- Chớ anh tưởng điều gì khác à?
- Không. Nếu em thích nhìn niềm vui, tôi hứa sẽ vui suốt ngày đễ được lọt vào mắt em.
Rồi Kha rủ rê:
- Bên kia có một quán cà phê. Sao mình không vào thử nhỉ?
Bích Chiêu nghiêm nghị:
- Ba tôi dặn “đi sớm về sớm”.
Kha nháy mắt:
- Nhất định mình sẽ về sớm. Không la cà đôi chút, về già nhớ lại, em sẽ ân hận đã bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp nhất của đời người đó.
- Xì! Hổng dám đâu.
Kha thách thức:
- Dám đi. Đôi khi cũng nên dễ dãi với mình một chút chớ. Hơn nữa, tôi tin em không phải tuýp ngoan hiền, suốt ngày chỉ răm rắp nghe lời ba mẹ. Hay em sợ bị tôi mê hoặc?
Bích Chiêu nóng mặt:
- Đúng là phô.
Kha cười:
- Xin lỗi. Nếu không phải thế thì xin mời tiểu thư vào quán.
Bích Chiêu buột miệng:
- Như Nguyệt Cầm mới là tiểu thư, và tôi chúa ghét cái từ đầy vẻ yểu điệu thục nữ đó.
- Còn ghét gì nữa? Em nói ra luôn để tôi liệu bề kiêng kỵ.
- Tôi ghét anh.
Kha kêu lên:
- Chà! Khó xử thiệt. Tôi đã làm gì nên tội ngoài chuyện mang họ Hoàng?
Bích Chiêu làm thinh dù câu hỏi vừa rồi của anh nhắc cô nhớ tới những lời bà Nhì kể về mối thù của hai giòng họ trước đây.
Giọng Kha chùng xuống:
- Lớp con cháu như chúng ta thì dính dáng gì tới chuyện của các cụ ngày xưa chớ. Tôi rất muốn chúng ta là bạn tốt của nhau.
Bích Chiêu chớp mi:
- Tôi không thích mội sự buồn bã, ủ rũ. Anh đã hứa sẽ vui suốt ngày mà.
Kha nhoẻn miệng cười:
- Thì tôi đang vui đây. Nào, mời em vao quán.
Bích Chiêu lưỡng lư. khi Kha chìa bàn tay mạnh mẽ về phía cô.
Bích Chiêu hất mắt lên:
- Tôi tự vào được mà.
Dứt lời cô xăm xăm băng qua đường trước, mặc cho Kha dắt chiếc 67 theo sau. Quán cà phê tuềnh toàng, trống vắng như dân ở đây không biết cà phê là gì.
Bà chủ quán nhanh nhẩu chào mời:
- Cô cậu dùng ……..đen hay sữa ạ?
Bích Chiêu bảo:
- Dĩ nhiên là đen.
Kha nói theo:
- Và ít đường.
Vừa múc cà phê vào phin, bà chủ quán vừa bắt chuyện:
- Cô cậu ở thành phố ra chơi?
Kha hấp háy mắt:
- Tôi ở đây mà.
- Cậu đùa hoài. Dân xứ này tôi rành hết trơn hết trọi. Nói thật, tôi biết cậu và cô từ bữa hai người đi xe của ông Tư Bền kìa. Hôm đó, trời mưa dầm mưa dề.
- Dì hay thiệt.- Tôi con` biết cô cậu ra đây làm chi nữa. Hà! Cô cậu hổng giống bọn quỷ ấy chút nào.
Bích Chiêu khó chịu. Cô cau mày nhìn ra đường như muốn tránh không nghe bà chủ quán nhiều chuyện nói. Hừm! Cô thấy ghét mội cái liên quan tới lời nguyền khỉ gió, tới những cái chết bất đắc trong họ nhà cô. Thế nào bà mập ú này cũng sẽ đề cập cho mà xem. Tốt nhất, Chiêu nên hướng bà ta vào chuyện khác.
Đợi bà chủ đặt hai phin cà phê xuống cái bàn nhựa ố bẩn, Chiêu bâng quơ:
- Ở đây vắng khách quá dì hả?
Bà chủ cười toe tóet:
- Giờ này, ai rãnh đâu mà vào quán cà phê. Nhưng tối, cô cậu ra đây xem, bảo đảm vui đáo để. Ở quán tui thứ gì cũng có hết.
Kha hỏi:
- Vùng này có được mấy quán như của dì?
Bà chủ phe phẩy đuổi ruồi:
- Tại thị trấn này thì một hai, nhưng sâu vào trong khu từ đường nhà họ Hoàng thì nhiều lắm.
Kha bất ngờ vì câu trả lời đó. Anh trấn tỉnh lại:
- Chỗ đó thăm sơn cùng cốc mà. Dì lại trêu tôi rồi.
- Xời! Vậy là cậu chưa nắm được gì ráo. Đã nói “thóc đâu, bồ câu đó”. Khu từ đường rất nhiều quán, mà toàn câ phê ôm không hà. Còn quán của tôi là quán lương thiện, đàng hoàng.
Bích Chiêu buột miệng:
- Ai đâu mà “ôm” hả dì?
Bà chủ trố mắt:
- Trời! Phóng viên gì khờ dữ vậy. Thì tụi buôn gỗ chớ ai. Trong đó là chợ gỗ lớn lắm. Chúng phá rừng bằng cưa máy, gỗ chơ? xe bè rằm rằm. Chúng tranh mua, giành bán, chuyện đâm chém xảy ra như cơm bữa. Dân ở đây gọi chúng la lâm tặc.
Kha thảng thốt:
- Thật vậy sao?
- Ai nói láo làm chi.
Rồi bà ta soi mói:
- Bộ hai người không phải phóng viên hả?
Kha chưa biết trả lời sao, bà chủ đã nói tiếp:
- Cách đây không lâu, có một cậu phóng viên, tay cầm máy, nách xách balô tới đây. Tôi đã khuyên rồi mà không nghe. Cậu ta vào trong đó chụp hình, viết báo chi chả biết, chỉ biết cậu ta bị chúng dần một trận gãy cả tay, đồ đạc mất trắng. Từ đó tới nay người không phận sự đâu dám vô trỏng.
Kha thắc mắc:
- Chính quyền không có biện pháp gì sao?
Bà chủ quán nhún vai:
- Có chớ. Thỉnh thoảng vẫn tảo thanh, truy quét, nhưng rồi đâu lại vào đó. Bắt chúng khác nào bắt cóc bỏ dĩa.
Kha thừ người ra trước những gì vừa nghe. Đây có phải là điều Ba Thìn chưa kịp nói cho anh biết không?
Ngay lúc ấy, bà chủ quán lại hỏi:
- Cậu quen Ba Thìn à?
Kha gật đầu. Bà ta gật gù:
- Chắc phải quen đặc biệt lắm mới cho cậu mượn chiếc xe này?
Kha trớ đi:
- Tôi thuê xe của anh ta đó chứ.
Bà chủ chép miệng:
- Ba Thìn cơi vậy chớ cứng cựa lắm. Hắn người họ Hoàng, thấy ngôi từ đường của giòng họ biến thành nơi quy tụ của lâm tặc, hắn phản đối dữ lắm. Nhưng nào có được. Ngược lại, bò hắn thả bị tụi nó mần thịt. Rừng quế mới lên cây vài mét đã bị đốn. Tội nghiệp, hắn gần như phá sản rồi.
Bà chủ quán vừa bước vào trong là Bích Chiêu hỏi ngay:
- Ba Thìn là ai vậy? Bà con với anh phải không?
Kha ậm ừ:
- Ờ. Bà con.
Rồi anh nóng nảy:
- Mình về thôi.
Không cần biết Bích Chiêu đồng ý không, anh gọi bà chủ tính tiền.
Bà ta vẫn chưa hết tò mò:
- Cô cậu về đâu vậy? Đừng dại dột vào khu từ đường nghen. Tụi lâm tặc đó hổng có tính người đâu.
Kha mỉm cười:
- Cám ơn dì nhắc nhở. Tụi tôi vào đó làm chi.
Ngồi sau lưng Kha, Bích Chiêu thấp tha thấp thỏm:
- Anh có định thăm ngôi từ đường không?
Kha dửng dưng:
- Nguy hiểm như vậy, ai dám vào.
Rồi không ngăn được lòng, Kha buột miệng:
- Tôi lo cho ba mình.
Bích Chiêu nhíu mày:
- Anh sợ bác bị lâm t.ặc làm khó dễ hả.
Kha làm thinh. Giờ anh đã hiểu tại sao ông Tư Bền, ông Thực đều ngăn không cho anh vào khu từ đường, nơi thờ phụng tổ tông nhà anh.
Ngẫm nghĩ, Kha thấy tức. Anh tăng tốc chạy nhanh, khiến chiếc xe như nhảy tưng tưng trên con đường lôi lõm ổ gà.
Kha bỗng để ý tới mấy chiếc xe bò chất đầy gỗ, củi đang cùng chiêu với mình. Chắc xe này chở gỗ về bãi đây.
Bích Chiêu bấu vào hông anh:
- Dám theo bọn người này không?
Kha càu nhàu:
- Dám, nếu không có cục nợ đằng sau.
Bích Chiêu mím môi:
- Anh cơi thường tôi quá đấy. Cứ cho tôi xuống, tôi nhất định sẽ quá giang được họ vào tận bãi gỗ.
Kha từ tốn:
- Tôi tin họ sẽ nhiệt tình cho em quá giang, nhưng sau đó em có ….lỗ lã gì không chỉ có trời mới biết.
Chiêu nghiến răng:
- Mồm mép đàn ông sao độc địa quá.
- Tôi chỉ nói sự thật.
Dứt lời, Kha lầm lì điều khiển xe, không nói thêm lời nào. Bích Chiêu cũng im, dù cô còn nhiều điều thắc mắc muốn hỏi anh.
Về tới sân nhà, Kha và Chiêu chưa lên tới hành lang đã bị Tranh chận lại:
- Bác sĩ Kiên về rồi. Nhưng đang bàn bạc gì đó với ông Thực trong phòng. Hai ông dặn không ai được làm phiền.
Kha kêu lên:
- Kể cả tôi à?
- Dạ vâng.
Kha càu nhàu:
- Chuyện gì bí mật thế?
Tuy vậy, Kha vẫn thấy an tâm vì ba anh vẫn bình yên. Một lát nữa, nhất định Kha sẽ nài nĩ để ông nói hết những gì anh chưa biết về đất đai, giòng họ.