Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Đạo Hiếu
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 291 / 8
Cập nhật: 2019-12-23 22:17:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Người Trễ Chuyến Đò
hố chợ mọc lên hai bên liên tỉnh lộ 24. Buổi chiều nấn ná lại rất lâu trên những mái tranh thấp của các hàng quán bên đường. Quán bán cà phê, bán hủ tíu, thuốc là và rượu đế. Chừng mười cái mái tranh và một khu chợ xổm bán một ít thịt rừng, thịt bò, vài thứ khoai và rau quả. Khu chợ đã vắng tanh nhưng các hàng quán thì đã lên đèn, những ngọn đèn hột vịt bóng xanh, bóng đỏ lập lòe đây đó cộng với một chút nhạc xập xình phát ra từ những máy cát-xét cũng mang lại được ít nhiều hơi hướng của một góc phố nào đó của Sài Gòn. Chỉ có tiếng đàn ghi-ta là giữ nguyên được vẻ lãng tử của nó trong những đêm tối hay bên một bếp lửa giữa trời. Có khi một chàng trai nào đó mặc quần jean, áo lính rách vai ngồi gãy đàn hát nghêu ngao ở một góc quán. Hình ảnh đó là một thứ pha trộn giữa rừng rú và thị thành, giữa sự chất phác, ổn định và màu sắc lưu dân.
Anh chàng ngồi chơi ghi-ta suốt buổi tối. Cô chủ quán người Huế là hoa hậu của ấp Thanh Giang này. Mọi khi người ta còn thấy thầy giáo Phúc ra ngồi nhâm nhi cà phê ở đây từ khi nắng vừa tắt. Những người khách ở thành phố Hồ Chí Minh lên đều biết đến người đẹp đất Thần Kinh này nhưng chắc chẳng có ai hiểu vì sao nàng lưu lạc đến chốn đây. Vùng đất màu mỡ ven sông này đã thu hút biết bao nhiêu con người. Như chàng thanh niên ngồi hát kia là dân Biên Hòa, những người đang ăn hủ tíu là dân xứ Quảng, nhóm thanh niên đang ngồi hút thuốc là ngoài sân là người thành phố Hồ Chí Minh.
Cho nên giữa cái vùng quê hẻo lánh này vẫn thường vang lên điệu nhạc Jazz hay Disco… và những người rất trẻ, mặc áo rách vai, quần thủng đít, những cô gái khoác áo lính, đội nón cời, vác rựa kia vẫn có dáng dấp thanh thoát, lịch thiệp hay điệu nghệ của người tình thành.
Ðêm tối, phố chợ chìm mất cùng với rừng cây và con đường đất vàng cháy. Giờ này chỉ còn những ánh đèn leo lét, những khuôn mặt rạm nắng, những đôi mắt, những hàm răng bóng ngời trong ánh thuốc lá và chỉ còn âm thanh. Tiếng nhạc và tiếng cười. Tiếng nói chuyện thì rầm rì, nhỏ nhoi hơn có khi không ai còn nghe thấy, có khi chìm mất hoàn toàn trong tiếng cười của trẻ thơ. Ðó là đám học trò của thầy Phúc, là những đứa bé nhà quê, gốc gác ở đây từ lâu đời. Thời chiến tranh cha mẹ các em đã rời bỏ vùng đất này đi tản mát khắp nơi để tránh bom đạn Mỹ. Bây giờ hòa bình, họ trở về và đem theo các em. Có em chỉ mới sinh ra sau ngày giải phóng, có em vừa mới chập chững biết đi hay bập bẹ vài câu hát vụng về. Nhưng cũng có em không phải gốc gác ở đây mà là con cái của những lưu dân từ bốn phương đổ về: Quảng Trị, Ðà Nẵng,CamRanh…. Các em sống ở đây đã năm bảy năm rồi. Giữa trẻ thơ với nhau thường thì sự ngăn cách rất mong manh. Thời gian ấy đủ để cho các em gần nhau, thân nhau và thân với rừng núi, dòng sông, ghềnh đá. Tất cả các em đã họp thành một thế giới thuần nhất, trong trẻo và mới mẻ. Các em ăn mặc giống nhau, cười nói, suy nghĩ và vui chơi giống nhau. Tất cả như những viên đá cuội trong dòng suối xanh biếc, như những củ khoai tròn đầy nằm lăn ra bãi cỏ. Các em không no đủ, không sung sướng gì lắm nhưng sống hồn nhiên và tự do giữa mây nước, cây cỏ và hoa trái. Ðó là những người công dân tương lai của vùng đất nhiều hứa hẹn này.
Vào những đêm không trăng, cuộc vui của các em cũng ngắn ngủi, các em đi ngủ sớm nhưng những hàng quán vẫn thức đến khuya. Khi đèn đóm đã tắt hết thì dòng sông ngân lên điệu nhạc bất tận của nó. Dòng sông nói chuyện suốt đêm với rừng cây, câu chuyện rầm rì không dứt, tiếng nói hùng tráng, mạnh mẽ, trầm ấm. Dòng sông Ðồng Nai khi đổ về đến đây thì lòng đã náo nức về biển lắm rồi cho nên nó không còn lặng lẽ nhu mì hay lững lờ thơ mộng như khi nó hãy còn lượn quanh những cánh rừng ở La Ngà, Vĩnh An. Ở đó đêm nằm không nghe tiếng của dòng sông mà chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng mái chèo, tiếng con cá quẫy đuôi, nhưng ở đây – đêm – dòng sông réo gọi, sôi nổi và reo mừng. Dòng sông khuất sau những cánh rừng, khuất sau đêm tối mù mịt nhưng lời hát của nó vang đi rất xa, thủ thỉ trong từng giấc ngủ và vì thế những em bé ở ven sông chắc là sẽ ngủ say hơn, nhiều giấc mớ đẹp hơn bất cứ đứa trẻ nào trên đời, bởi vì lời ru của dòng sông vỗ về suốt đêm dài.
Nửa đêm trong ngôi trường nhỏ bắng gỗ có bóng một người thanh niên ngồi thu mình ở một góc hút thuốc lá. Ðó là anh sinh viên địa chất ngồi gác cho đồng đội mình ngủ. Ly cà phê anh uống lúc sập tối ở quán người đẹp cố đô làm anh rất tỉnh táo. Anh ngồi nghe tiếng thác đổ và tiếng gió về. Nửa đêm sương xuống mù trời đất, mảnh trăng lưỡi liềm làm cho sương đục hơn và trời đất bao la hơn. Sương trắng che khuất rừng cây, che khuất tất cả nhưng không che khuất được tiếng thác đổ. Anh hình dung tới những bọt nước trắng xóa, tới những đồi cổ thạch bị chẻ dọc ngang qua nhiều triệu năm. Những điếu thuốc nối nhau chờ hết phiên gác. Người kế tiếp đên thay anh, rồi người kế tiếp nữa.
Và trời sáng dần. Ðoàn người thức dậy trước khi mặt trời lên. Bếp lửa đã cháy sáng giữa sương mù. Những cô gái ngồi nhóm lửa, mặt ửng hồng, những cô đi xách nước thì mặt áo lạnh dáng rụt rè.
Sương tan dần, quanh bếp lửa đông vui hơn. Bọn con trai ngồi hút thuốc lá. Một người đàn ông đứng tuổi, cổ choàng chiếc khăn rằn từ phía trường học đi lại.
- Mời thầy ăn cơm. Các cô sinh viên địa chất reo lên.
Người đàn ông dừng lại. Ông không buồn nhưng nét mặt ông lúc nào cũng khắc khổ.
- Cám ơn các chị, ông nói. Tôi ăn ở đàng kia.
Ðàng kia là mâm của các giao viện địa chất trẻ trước đây cũng là học trò của ông. Họ nay là đồng nghiệp nhưng vẫn gọi ông là thầy.
Thầy Văn. Một giáo sư tiến sĩ địa chất và cũng chính là người đàn ông sáng sáng cỡi chiếc xe đạp trành đi ngang qua nhà Sơn.
Ðiều này có thể làm Sơn bất ngờ nếu em hiểu thế nào là một giáo sư tiến sĩ. Nhưng vì Sơn chưa hề biết cái danh vị đó nên khi gặp lại giáo sư dẫn các học trò của mình ra bến sông thì em cũng coi như gặp lại "ông già" chiều hôm trước.
Giáo sư hỏi em:
- Ðò cháu chở được mấy người?
Sơn đưa tay chỉ về phía đám thanh niên, thiếu nữ đang đứng lố nhô trên bến nước:
- Cháu chở hết được cả bấy nhiêu đây.
Một anh sinh viên hỏi:
- Không nhận nước tụi anh chớ?
Sơn cười:
- Anh không biết bơi à?
- Anh thì biết, nhưng các chị đây thì sẵn sàng chìm đấy.
Tiếng cười thiếu nữ trong trẻo, lấp lánh. Giáo sư bước xuống thuyền trước:
- Cẩn thận. Ông nói.
Các cô gái xuống sau cùng. Chiếc thuyền tròng trành một chút. Sơn ngồi xuống thanh gỗ bắt ngang đàng sau đuôi thuyền, giữa hai mái chèo. Em đưa thuyền đi bằng hai bàn chân. Hai bàn chân quẫy mái chèo đều đặn, thoăn thoắt. Thuyền đi nhanh và êm như chiếc lá tre trôi theo con nước. Ði được một quảng khá xa, ra tới giữa dòng sông chợt nghe có tiếng gọi ới ới trên bờ. Giáo sư Văn hỏi:
- Cái gì đấy?
Mọi người quay lại. Sơn cũng quay lại. Một thiếu nữ đang vẫy tay gọi. Anh sinh viên đeo kính cận nói:
- Phượng. Lúc nãy Phượng đi đâu mà không xuống thuyền?
Một chị kêu lên:
- Chết cha. Hồi nãy chị Phương đi mua chuối ra trễ. Làm sao? Quay lại được không?
Sơn nói:
- Ðể lát em quay lại rước. Thuyền đang có trớn, quay lại bất tiện lắm.
Ba bốn người đưa tay lên vẫy Phượng và nói to lên:
- Ðứng đấy đợi.
- Ðứng đấy đợi.
Rồi họ cười, hồn nhiên vui vẻ. Thuyền lướt đi qua một nhánh cây sà thấp xuống mặt nước khiến mọi người phải cúi rạp mình xuống, có chị té nhủi vào mình người khác. Tiếng cười, la rộn lên tươi trẻ như hoa nắng từ trên cao lọt qua tàng cây rải xuống đầy mặt sông.
Cái cù lao ở giữa dòng đến thật gần rồi. Sơn ngưng chân đạp nhưng trớn của con đò vẫn còn nhanh. Nó lướt tới, hơi nghiêng nghiêng và tấp dần vô bờ.
Giáo sư Văn nhảy lên một mô đá. Không đợi các sinh viên lên bờ hết, ông đã hăng hái chỉ tay về phía một chỏm đá cũ xì bảo những người đứng cạnh ông:
- Tôi dành nó cho các anh chị. Các vết cắt ở đó rất lạ. Ðến mà xem đi.
Các sinh viên địa chất đổ xô nhau leo lên mỏm đá nọ. Ðó là một phiến sa thạch đầy những thớ chẻ chằng chịt xiên xiên về hướng Tây Nam, nhưng bỗng nhiên trên chóp lại xuất hiện những thớ chẻ khác về hướng Ðông Bắc. Các sinh viên nằm mọp xuống đất quan sát, nghe ngóng để tìm cho ra câu trả lời. Giữa lúc ấy thì Sơn một mình một thuyền lặng lẽ quay lại bến đò lúc nãy. Khi qua chỗ cành cây sà xuống mặt nước, Sơn thấy có con rắn nước mới đến quấn mình nơi một nhánh nhỏ ngay cạnh một khóm phong lan đang hé nở một cái hoa tím đỏ. Hôm qua nụ lan còn búp vậy mà chỉ qua một đêm nó đã hé ra khuôn mặt tươi tắn rực rỡ. Sơn hơi ngừng lại một chút để quan sát chú rắn nước dạn dĩ. Thỉnh thoảng đi ngang qua đây Sơn vẫn hay gặp nó nhưng chưa lần nào lại thấy nó nằm ngắm hoa một cách tình tứ như thế.
Thuyền đi ra chỗ rực rỡ ánh nắng nhất của dòng sông. Mặt nước sáng lên chảy bần bật qua những thân cây rù rì ngâm mình trong nước. Sơn đi tránh mỏm đá và hướng vô bờ.
- Em ơi. Ghé đây đi.
Một chị rất trắng mặc quần lãnh đen và áo màu nâu đen đang ngồi tựa gốc cây. Lúc nãy anh sinh viên đeo mắt kính gọi tên gì hè? À, chị Phượng.
Thuyền chưa tới mà Phượng đã xách quầy chuối đứng dậy làm như sắp sửa nhảy xuống. Sơn xoay mũi thuyền ra phía trước và tấp vô. Phượng bước lại sát mé nước.
- Làm sao xuốg hả em?
Sơn nhảy xuống nước. Nước ngập tới đầu gối em.
- Xuống đi. Sơn vừa giữ cho thuyền khỏi tròng trành vừa bảo: Không sao đâu.
Nhưng Phượng cứ loay hoay. Sơn phải đến bên và đỡ quầy chuối trên tay chị. Phượng bước xuống và bất ngờ chụp lấy cánh tay Sơn, bấu chặt để giữ thăng bằng.
- Ối, ối. Phượng la lên nhưng Sơn lại bật cười.
Em đặt quầy chuối xuống khoang thuyền và dùng sào đẩy thuyền ra. Thuyền nhẹ tênh đi thong dong giữa nắng. Phượng nghiêng qua nghiêng lại xem các vết bùn bám trên bàn chân mình rồi khoát nước rửa. Sơn nghe động, ngoái cổ lại nhìn. Phượng hỏi:
- Mấy anh mấy chị ấy có nói gì chị không?
- Không. Ðâu có sao đâu.
Phượng rửa chân xong, hất tóc ra sau và cột lại bằng sợi dây thun.
- Sao em chèo bằng chân?
- Chèo bằng chân thì rảnh hai tay, có thể cầm cái gì ăn được, hoặc là đọc sách.
- Em học lớp mấy rồi?
- Lớp năm.
- Có phải cái trường bằng gỗ ngay lộ đó không?
Thuyền đột ngột tới chỗ cành cây sà thấp. Sơn kêu lên:
- Cúi xuống.
Phượng nghiêng người và bỗng nhiên thấy mình đang ở trong bóng mát, mặt sông thì êm ả và đầy hoa nắng lấm tấm. Phượng thích thú khi thấy trên đầu mình là một cái mái vòm mát rượi.
- Dừng lại chút đi, em.
- Mấy người đang đợi chị đó.
- Không đợi đâu. Bây giờ thì họ đã quên chị rồi. Em đứng lại chút đi. Em tên là gì?
- Sơn.
Cậu bé cho thuyền dừng lại và đưa mắt về phía cụm phong lan. Nhưng Phượng cũng vừa nhận ra cái màu tím đỏ rực ấy, chị reo lên như trẻ thơ:
- Trời ơi lan kìa Sơn ơi. Chèo nhích tới chút nữa đi.
Sơn nghe lời, nhích tới một chút, nhưng Phượng bỗng trố mắt kêu lên:
- Thôi, thôi. Dừng lại.
Sơn cười rất tươi, thích thú nhìn dáng sợ hãi của người thiếu nữ xinh đẹp như người trong bức tranh lụa mà em có dịp xem ở đâu đó trong một tờ báo ảnh nhiều màu. Sơn nhìn con rắn nước và nói:
- Nó hiền lắm. Nó không cắn đâu.
Nhưng Phượng đã co rúm người lại:
- Thôi, đi. Chèo đi!
Nhưng Sơn đã vít cành cây xuống và thận trọng bứng khóm lan rừng ngay trước đầu con rắn. Con vật đã quen mặt Sơn, cũng chẳng thèm nhúc nhích.
Sơn để cụm lan vào trong khoang thuyền và cho thuyền đi. Phượng nhìn cụm lan nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa dứt. Ra khỏi lùm cây rồi Sơn mới hỏi:
- Chị thích không? Cho chị đấy.
Phượng cầm giò lan lên nhưng lại hỏi một câu khác:
- Em không sợ nó cắn à?
- Nó là bạn của em mà. Ngày nào em cũng gặp mặt nó.
- Ghê thấy mồ.
- Ghê gì. Bắt nó bò trên tay chơi cũng được. Nó có nọc độc đâu.
- Thôi, thôi.
Phượng đưa giỏ lan lên cao trong ánh nắng sớm mà ngắm. Sơn chợt thấy tóc chị sáng lên một đường viền quanh đầu như thủy tinh. Trên cồn có tiếng cười nói của nhiều người Sơn bơi chậm lại và từ từ ghé vô. Mấy anh sinh viên vừa thấy Phượng đến đã nhao nhao lên hỏi:
- Chuối đâu?
- Ði không chờ người ta mà còn hỏi chuối. Thầy đâu?
- Thầy ở đàng kia. Ðang chụp hình.
Những sinh viên trẻ tranh nhau bê cái quầy chuối bỏ mặc Phượng bước khó khăn qua các mô đá nhỏ từ dưới nước lên. Sơn để ý thấy nãy giờ anh sinh viên kính cận dáng cao cao, không cười không nói, không tranh quầy chuối nhưng đứng yên lặng ở một góc. Khi các anh kia đã đi hết, anh sinh viên nọ mới đến bên Phượng lặng lẽ đưa tay cho Phượng nắm và giúp Phượng bước lên bờ đá.
Sơn quay lại với mái chèo của mình và xô thuyền ra. Nhưng đã nghe tiếng Phượng gọi:
- Ðể chị trả tiền.
Sơn quay lại nhìn hai người đang đứng trên hòn đá, một lát sau em nói:
- Hồi này thầy trả tiền rồi.
Thực ra thì giáo sư Văn chỉ mới trả tiền cho chuyến đò thứ nhất thôi. Sơn đưa thuyền ra giữa sông, thả nó trôi theo dòng nước. Em chợt thấy lòng mình dịu lại, và thiên nhiên chung quanh như yên tĩnh hơn.
Vùng Biển Mất Tích Vùng Biển Mất Tích - Đạo Hiếu Vùng Biển Mất Tích